Buổi chiều đầu thu se lạnh. Trời đã chuyển mùa, cái không khí âm u pha chút ảm đạm cứ buồn buồn khó tả. Chúng tôi vừa ra khỏi nhà định đi một vòng quanh thành phố Warszawa thơ mộng thì chuông điện thoại kêu lên. Nét mặt Hoàng cũng thay đổi theo từng tiếng đầu bên kia mạng. Hoàng bẻ tay lái vội rồi tăng tốc vượt ra xa lộ vào tuyến ưu tiên và phóng đi ào ào. Cứ thế cậu ta đưa tôi đi mà chẳng kịp thanh minh gì. – “Anh cứ đi với em rồi hẵng hay”. Tôi vừa chân ướt chân ráo từ Việt Nam qua nên nơi đất lạ xứ người đành nghe răm rắp. Cũng chẳng dám hỏi han gì nhưng trong đầu thì ngỗn ngang: Chắc hàng hóa gặp sự cố? Nhưng không, Hoàng lái xe đưa tôi ra vùng ngoại ô. Khi rời khỏi thủ đô Warszawa đi về hướng Narodovy thì tôi mới chắc rằng sự cố này không phải là chuyện buôn bán. Vì từ lâu người Việt mình qua đây lo làm ăn luôn coi trọng nguồn hàng. Hàng là cả cơ nghiệp! Mãi mê suy tư rồi xe cũng tới làng Wola Krasinovskiej. Một trang trại nuôi ngựa khang trang, rộng rãi hiện ra trước mặt. Hóa ra việc Hoàng đổi ý không đi chơi nữa chỉ vì cậu ta đang gặp chuyện chẳng hay do con ngựa bất kham ở trại:
- Em bỏ buôn bán lâu rồi. Bây giờ em đam mê nghề mới, đó là nghề dạy ngựa.
Cuối cùng thì Hoàng cũng bắt đầu câu chuyện.
- Vậy buôn bán thì sao? Tôi thật sự ngạc nhiên.
- Thì vợ con em lo. Thú vui của em bây giờ là nuôi ngựa. Mà anh Nghĩa chưa biết đó thôi. Vào trại là anh biết ngay tài lẻ của thằng em.
Câu chuyện đang bỏ dở thì xe cũng đã vào trang trại. Hai cậu thanh niên một tây, một ta mặt hớt hải: - “ Con Yến Mã nó chẳng chịu vào chuồng. Nó đang ở ngoài rừng ấy! Trời sắp tối rồi, nếu anh không xuống sợ nó bỏ đi mất”.
Hoàng xuống xe rồi một mình đi tìm ngựa. Chỉ thoáng chốc đã thấy cậu ta dẫn con ngựa bất kham nhưng tuyệt đẹp ấy về. Hoàng khoe với tôi:
- Em chỉ cần giơ tay lên là y như lũ ngựa thuần phục ngay. Đấy anh xem, cả hai đứa quần nhau với con Yến Mã này suốt cả buổi nhưng nào có lay chuyển được nó vào chuồng đâu. Nó có giá trên hai trăm vé đó anh.
- Cậu học được nghề nuôi ngựa từ bao giờ thế? Mà sao đắt thế?
- À cũng mới đây thôi. Em mua cái trang trại này có ba mươi ngàn đô. Còn con Yến Mã mấy tháng nữa em sẽ bán những năm chục ngàn cơ đấy.
- Khiếp, ngựa gì mà đắt bằng xe hơi xịn! Tôi thật sự ngạc nhiên.
- Có con với giá trên trăm ngàn đô. Em đã từng sang bên Đức, bên Anh nghiên cứu thị trường và học cả bí quyết thuần ngựa bất kham. Tuyệt lắm anh ạ.
- Vậy là cậu bỏ cả buôn bán, như từng bỏ cái nghề chế tạo máy? Tôi hỏi lấy lệ.
- Đó là nghề mà em đam mê từ nhỏ, nhưng nào có nuôi sống nổi mình em đâu! Chưa kể là bao nổi nhọc nhằn buồn tủi một thời đi xin việc. Em cũng vừa phát hiện ra mình có khả năng thuần hóa ngựa mới đây anh ạ Em có một sức mạnh gần như ma lực với lũ ngựa thì phải!
*
Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của Hoàng dạo đó. Cậu ta cầm một tập hồ sơ xin việc tới phòng tổ chức trường đại học – nơi tôi là giảng viên trong biên chế. Việc đầu tiên chỉ là gặp tôi nhờ tư vấn. Bởi chúng tôi là người cùng làng, lại học chung trường cấp III, dù tôi học trên cậu ta hai năm nhưng vẫn cùng nhau đi về sau mỗi tuần học trọ. Thuở ấy chúng tôi đi học cấp III cách nhà đến những hơn hai chục cây số. Cuối tuần khi vừa tan trường là cả lũ chạy như vịt. Một vài đứa con cán bộ thì có xe đạp, đa số chúng tôi là con “đại tá điền” nên đi xe “bộ”. Đầu tuần lại lũng lẳng trên vai ruột tượng gạo, tôi chỉ có vài cân gạo còn khoai lang phơi khô chất cho đầy như chúng bạn. Trong xắc cốt Liên Xô thế nào cũng có một hũ muối mặn, dù đó là ruốc hay thịt. Được cái, nhóm chúng tôi học hành giỏi chẳng ai bằng. Chỉ có học thì may ra mới đổi đời. Hết cấp III chúng tôi đều thi đỗ vào đại học và ra nước ngoài tu nghiệp. Thuở ở làng, chúng tôi vẫn ao ước thành kỹ sư chế tạo thật nhiều máy móc để giúp người lao động đỡ vất vả. Nguyện vọng thế mà thành. Tôi tốt nghiệp loại ưu và được nhận ngay về Khoa chế tạo máy. Có nghề vậy thôi, nhưng tìm đâu ra thép tốt, tìm đâu ra máy cái hiện đại để thực thi ý tưởng của mình. Thôi thì ngày ngày lên lớp cho sinh viên, truyền cho họ mớ kiến thức ít ỏi, nhưng nhiệt huyết thì nhiều. Hoàng cũng tốt nghiệp loại ưu Trường Đại học Bách khoa Cracop. Thuở đó nhiều người quan niệm rằng: “ Giàu đi Đức, Kiến thức đi Nga, Jawa đi Tiệp, Gái đẹp đi Balan!” nên chỉ nhận người học ở Nga về, còn dân đi Balan thì … và người ta đã không chịu nhận Hoàng về trường. Vụ Tổ chức ra quyết định cậu ta phải về vùng Mỏ Quảng Ninh.
- Anh học chế tạo máy nên về mỏ là hợp ngành nghề. Bà Vụ trưởng thẳng thắn với Hoàng khi trao quyết định cho cậu ta.
- Vâng. Cháu cảm ơn cô.
Hoàng buồn bả rời Thủ đô về vùng mỏ trong một buổi chiều cuối thu Hà Nội. Hôm đó mưa lâm râm dai dẳng kèm theo khí trời se lạnh. Tôi ra tận Bến Nứa tiễn cậu ta và an ủi lấy lệ:
- Xuống đó nhớ thư cho mình. Rồi chúng ta sẽ tìm ra giải pháp.
Mãi vì lo công việc dạy học và phần lớn thời gian cho xếp hàng mua nhu yếu phẩm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày nên tôi cũng lãng quên. Tôi gặp lại Hoàng trong một lần xếp hàng mua bia hơi ở phố Hoàng Hoa Thám. Cả một dòng người dài rồng rắn lên mây, ai cũng có vẻ lầm lũi chịu đựng. Dù có tích kê rồi, nhưng khi đến lượt thì quầy lại hết cốc, thậm chí hết cả bia để mua. Nhiều bữa Mậu dịch mang bia tới phục vụ Ban kinh tế – nơi vợ tôi công tác nên cô ấy cũng mua được một vại. Nàng cho vào lon guygo, lấy bao nylon bịt kín rồi đặt dưới gầm bàn. “Lon bia” được đùm đùm gói gói cẩn trọng như vậy nên chẳng khác nào bia lon nước ngoài. Buổi chiều mang về nhà, bỏ vào vài cục đá từ cái tủ lạnh Saratov – kỷ vậy một thời du học, vậy là hai vợ chồng cũng lên mây. Thú thật bia phục vụ cơ quan tuy có rẽ hơn vài hào một vại, nhưng chất lượng không bằng bia đối chứng của nhà máy trên đường Hoàng Hoa Thám này. Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé đây làm một vại cho đỡ cái nắng oi nồng cuối mùa hạ. Tôi thủ được hai chiếc cốc lổ chỗ những bọt khí và đang giơ lên thưởng thức bức tranh ngũ sắc dưới ánh nắng chói chang thì Hoàng vỗ vào vai: - “ Hóa ra ông anh đầu cơ cả cốc cơ đấy!”. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau sau mấy năm xa cách. Hoàng thông báo rằng giờ cậu ta làm ở vụ xuất nhập khẩu khoáng sản thuộc bộ ngoại thương. Lương và lậu cũng khá. Thế là cậu ta chiêu đãi bữa bia hơi hôm đó. Mỗi người một vại bia kèm một gói lạc rang thấm đẫm mùi dầu vì không xuất khẩu được chứ có sơn hào hải vị gì, nhưng thật quý hóa:
- “ Những đứa trẻ quê mùa giờ cũng biết uống bia hơi!” . Tôi góp chuyện cho vui.
Hai anh em đạp xe ra đường Thanh niên. Ghé vào ghế đá hồ Tây bàn đủ thứ chuyện về nghề, về đời,… và cả tình yêu. Hóa ra Hoàng vẫn độc thân. Còn tôi thì đã có vợ và hai cháu gái sinh đôi kháu khỉnh. Hai năm trời người ta bắt Hoàng đi than như một thợ lò. Người ta giải thích đơn giản, chỉ vì Vùng Mỏ chẳng có lấy một xưởng chế tạo nào, còn ở xí nghiệp sửa chữa thì đã dư thừa cả công nhân lẫn kỹ sư. Họ không hiểu được rằng để có tấm bằng tốt nghiệp loại ưu thì sinh viên chúng tôi đã từng phải bò ra mà học, không dám vui chơi, không có tình yêu trai gái,… Đã có một thời du học sinh chỉ biết học và học. Nếu có ai bị đuổi về nước thì có khi chỉ vì một lỗi nhỏ nhặt như đi xem phim Ấn độ hoặc phim Ả rập,… mà thôi. Hơn hai năm ba cùng, ăn ở và đi lò với công nhân vùng mỏ, Hoàng nhờ chị gái chạy cho được một chân tạp vụ thuộc Bộ Ngoại thương. Mang tiếng là Vụ Xuất Nhập khẩu Khoáng sản, nhưng Hoàng nào có được nay đi Tây mai đi Tàu như các chú các bác đâu. Cũng vì vậy mà Hoàng lang thang Hà Nội kiếm vại bia hơi giải khát như hôm nay.
- Tình hình này chắc phải sang Đông Âu làm ăn thôi anh Nghĩa ạ! Cuối cùng thì Hoàng kết luận. - Bên đó nhiều biến động lắm. Perestoika rồi còn gì!
- Ừ Em sang bên đó xem tình hình ra sao. Năm tới anh cũng đi nghiên cứu sinh đấy.
Tôi cố dấu chuyện thi đậu nghiên cứu sinh với mọi người, nhưng không hiểu sao lại tâm sự với Hoàng. Phải cảnh giác cao độ bởi vì thời buổi chẳng có gì bảo đảm chắc chắn. Chuẩn bị lên cầu thang máy bay có khi vẫn còn bị đổi người đổi tên. Chuyện xảy ra thường nhật nên ai cũng phải im lặng và dấu cả người thân.
Và rồi nhân có dịp thiếu phiên dịch cho đoàn tham quan học tập Balan nên Hoàng được cử đi. Trở lại trời Tây, Hoàng như sống lại với tuổi trẻ của mình. Hết đợt phiên dịch, cậu ta không ra Ga xe lửa để về Matxcova như mọi người. Những ngày phiêu bạt kiếm sống cũng bắt đầu. Sân vận động “10 Năm” là nơi họp chợ trời đầu tiên. Không gian của một thời những con Đại Bàng Trắng như Lato, Dayna, Tomasewski, Bonek,… tung hoành, nhưng dưới đất chất đầy hài cốt tù binh trước Thế chiến nên người Balan quyết bỏ đi. Sân Thủ đô nổi tiếng đó nhường chỗ cho những quần jean, áo phông, dày dép,… và cả huân chương, huy chương của một thời oanh liệt. Mỗi ngày Hoàng chịu khó ra sân cũng có thu nhập bằng vài tháng lương công chức ở nhà. Nỗi buồn vì vậy cũng vơi đi. Người Việt bắt đầu học buôn bán sau bao nhiêu năm xem thường doanh thương. Trên những con tàu từ Matxcova sang tận Warszawa,…, từ Praga đến Berlin… khắp vùng Đông Âu có thể gặp những người đồng hương hành nghề “tư thương” - phi xã hội chủ nghĩa.
Tôi làm nghiên cứu sinh ở Matxcova. Đó là nơi mà Hoàng thỉnh thoảng ghé qua. Khi thì cậu ta dúi cho vài trăm đô, khi ít hàng hóa nên nhờ vậy cuộc sống trong những năm giao thời ở Nga của tôi cũng không đến nỗi chật vật. Luận án hoàn tất sớm trước thời hạn cũng là khi tôi trở thành dân cửu vạn. Những người làm khoa học ít vốn cỡ như tôi thì nhiều lắm. Chúng tôi là chuyên gia vận chuyển các loại hàng kỹ thuật cao: đồng hồ điện tử, máy vi tính, đầu video,v.v.. Những người có hộ chiếu công vụ thường đi áp tải hàng theo các VIP ngoại giao. Mỗi chuyến đi của VIP có khi được hàng ngàn đô bỏ úi vì hàng hóa mang được nhiều và hệ số an toàn cao, có khi các VIP chỉ vận chuyển đô thôi. Đã có VIP mang gần nửa triệu cho người khác mà ngây thơ đến độ đánh rơi cặp ở tận Paris. Những phi vụ như vậy vẫn thường xảy ra, nhưng cũng vì nương nhau cùng có lợi nên dân cửu vạn vẫn có đất để sống.
Bảo vệ xong luận án tôi vội vàng về nước cũng chỉ vì bệnh sĩ: “ Dân buôn chỉ biết tiền!”. Và tôi đã nhầm to. Việc làm ăn của những người xa xứ cũng chẳng dễ gì. Họ còn thức khuya dậy sớm và tính toán nhiều hơn tôi tưởng (như nhiều người trong nước thường nghĩ ). Cuối năm 1991, Đông Âu có nhiều biến động. Cơ quan tôi vơi đi hơn nửa số cán bộ. Trong số ra đi có nhiều tiến sĩ, thậm chí có cả giáo sư. Chỉ vài người trong số họ còn giữ liên lạc với Trường hoặc với Khoa để sau này còn cài số lùi. Số còn lại ra đi như một định mệnh: “ Thôi thì ở đâu cũng kiếm sống!”. Hoàng trở thành đại gia vì cậu ta là “dân quay”, giỏi ngôn ngữ và rành về luật pháp. Hoàng đã bỏ cả công ăn việc làm đi giúp đồng hương khi họ gặp sự cố vướng mắc giấy tờ, thậm chí cứu những người vận chuyển hàng cấm bị giữ. Những biến động lớn, những cơ hội vàng rồi cũng qua đi. Đón trước, đi trước là phương châm mà nhóm bạn của Hoàng hoạch định. Bên những Trung tâm buôn bán của người Tàu, người Thổ cũng có Trung tâm của người Việt mình mọc lên. Hàng hóa cứ là đầy ắp. Mỗi quầy hàng ở Trung tâm mua bán này sang tay có khi thắng bằng cả mấy năm cặm cụi bán ở chợ sân vận động.
Vậy mà Hoàng đã từ bỏ con đường buôn bán. Giờ thì cậu ta đang là chủ một trang trại ở vùng Narodovy này.
*
Tôi về nước công tác một thời gian, thỉnh thoảng vẫn mail đều với đám bạn bè đang sống ở Warszawa. Đầu mùa hè, tôi nhận được tin dữ: “ Hoàng bị ngựa kéo lê đang bất tỉnh trong bệnh viện. Anh Nghĩa sang gấp!”. Đó là cú điện thoại của vợ Hoàng. Rất may, là chỗ quen biết, ngay hôm sau tôi đã có visa và vé máy bay. Tôi lo lắng cho Hoàng. Vừa tới sân bay là trực chỉ vào bệnh viện thăm cậu ta ngay. Một tuần bất tỉnh và rồi Hoàng mở mắt trước sự ngạc nhiên của mọi người, kể cả các bác sĩ. Tôi ở chơi gần hai tháng, ngày ngày ghé qua bệnh viện, thỉnh thoảng lại vào Trung tâm mua bán gặp vài ông bạn cho đỡ buồn. Khi đã bình phục hẵn Hoàng mới kể cho tôi nghe chuyện tai nạn vừa rồi.
- Anh Nghĩa còn nhớ con Yến Mã năm ngoái không?
- Nhớ chứ. Dạo đó Hoàng dẫn về, nó ngoan ngoãn lắm mà!
- Vâng. Đó là một con ngựa cái tuyệt đẹp, thuộc giống tốt nhất vùng này đấy. Thân dài, mình căng, bốn chân cao. Nó bước đi khoan thai nhưng chững chạc. Khi nó phi nước đại thì chẳng anh nào so tài kịp được. Cái bờm màu vàng trắng tung lên như mái tóc người con gái Bắc Âu xinh đẹp. Cũng vì cái bờm đó mà em đặt cho nó cái tên Yến Mã – như con chim hoàng yến quê mình. Em đang định tìm cho nó một bạn tình cũng “điển trai” nhà nòi hẳn hoi vì nó đã đến tuổi yêu đương rồi. Mấy con ngựa nòi em tậu trước đây đều mê Yến Mã, nhưng vì được giá nên em bán tuốt. Có con bán được hơn năm chục ngàn đô và giờ đã đăng quang trong những cuộc đua bên tận nước Đức lận. Có thể nói rằng cái trang trại nhỏ bé chừng vài chục mẫu của em chỉ là nơi trung chuyển ngựa nòi sang phía tây thôi. Làm ăn cũng thắng, có đợt em bán được gần chục ngựa đua. Con Yến Mã đã có khách hàng trả tới tám chục ngàn mà em đâu có bán. Em dự định lai tạo một giống ngựa thương phẩm mang tên Narodovy đấy. Hình như con Yến Mã đã thay đổi tính nết. Nó có cái nhìn mất thiện cảm đối với em. Đôi khi nó giả vờ lơ đảng như không nghe. Đầu tháng năm, khi cỏ cây hoa lá phủ một màu xanh. Sự sống đang bừng tỉnh với muôn loài, em tậu về một chàng ngựa giống Anh quốc trông thật tuyệt vời. Con Ngựa đực vừa vào đến cổng trang trại đã vểnh tai lên nghe ngóng, hít lấy hít để cái mùi ngựa cái. Nó hí lên nghe đến ghê người. Con Yến Mã đang chạy nhảy đâu đó bổng phi nước đại về. Em đứng phía trước chàng ngựa Anh quốc (đã kịp đặt tên cho nó đâu!) cũng giơ tay lên như mọi khi. Lần này con Yến Mã chẳng thèm để ý đến “sắc lệnh” của em. Nó lao nhanh như tên bắn và hất tung em lên. Chắc em va phải cây sồi cổ thụ cạnh lối vào rồi bất tỉnh. Đấy anh xem, tiếng gọi ái tình đâu chỉ có ở mỗi con người. Loài ngựa cũng thế thôi. Sự kìm nén của con Yến Mã đã đến tột đỉnh. Lỗi này là do em gây ra chứ đâu phải tại nó. Em phải chịu trừng phạt chì vì sự thơ ngây non nớt trong nghề vậy đó.
- Rồi Hoàng sẽ có một trang trại ngựa nòi bắt đầu từ con Yến Mã.
- Vợ em xúi mấy đứa giúp việc bán ngay nó rồi khi em vừa nhập viện. Giọng Hoàng chìu xuống nghe buồn buồn.
- Vì chuyện đó mà vợ chồng cậu giận nhau hả? Tôi quắc mắt nhìn Hoàng.
- Vâng có lẽ một phần, nhưng mọi người lại bán nó quá bèo: chỉ có năm ngàn bạc.
- Mình mua lại vẫn được cơ mà! Giá có khi lại rẽ. Tôi an ủi.
- Giá nào cũng phải chuộc nó về thôi. Yến Mã là nỗi đam mê mới sau những năm tháng mua mua bán bán những thứ hàng không thể gọi là hàng, toàn rác rưỡi! Nét mặt đau đớn của Hoàng cau có lại.
- Phiền muộn mà làm gì! Đầu đã hai thứ tóc mà còn cả nghĩ.
- Nhưng em sẽ làm một thương hiệu hẳn hoi. Những con ngựa nòi của em sẽ có mặt tại những trường đua nổi tiếng.
Chúng tôi cùng im lặng. Tôi đang nghĩ về ông chủ trang trại kiêm luôn nghề dạy ngựa. Nghĩ về một người Việt, một người nhà quê bên dòng sông Son tít tận miền Trung nước Việt đã từng ba chìm bảy nổi kiếm sống, người sẽ nổi tiếng với những con ngựa đua có thương hiệu Trang trại Narodovy ở tận Warszawa xa xôi của những chú Đại Bàng Trắng xứ Balan./.