Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.150.518
 
Quê xứ Bạc Liêu
Ngô Kế Tựu

Bạc Liêu là xứ quê mùa

Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu

 

1. Về Bạc Liêu mà không ghé qua nhà “Hắc công tử” quả là một thiết sót lớn! Nói ghé cho bảnh, chứ thật ra là để thoả mãn tính tò mò. Tất nhiên bạn phải trả tiền. Trả nhiều nữa là đằng khác để có thể được ở chính cái phòng của một đại gia nức tiếng ăn chơi một thuở. Để một đêm “được làm công tử” tha hồ mà tưởng tượng và để cảm nhận về một vùng đất lẫn con người quê xứ Bạc Liêu. Không ngờ, anh chàng tiếp tân lắc đầu. Hết phòng rồi! Anh ta đưa tôi tấm danh thiếp và dặn lần sau có đến nhớ gọi điện đặt phòng trước.

 

Tôi có máu mê nhà cổ, nên nán lại đi một vòng đại sảnh căn nhà để tìm kiếm dấu vết thời gian nhưng chẳng thấy gì, ngoại trừ hai bức tượng đồng của ông bà Hội đồng, tất cả còn lại là đồ trang trí dỏm! Nghe nói trong phòng “cậu Ba” chỉ còn chiếc giường, cái điện thoại từ đời Pháp còn sử dụng tốt. Biết chơi vậy thôi chứ ngôi nhà không còn nét kiến trúc như xưa nữa nên cũng hết ham nhìn. Nhiều chỗ xây thêm phá vỡ không gian kiến trúc. Đã vậy, đường nét hoa văn vật liệu xây dựng không phù hợp đã làm hư toàn bộ căn nhà! Thật tiếc!

 

Ra bờ sông Bạc Liêu ngồi ngắm căn nhà “Công tử “ mà lần lại chuyện xưa sách vỡ, “đại gia ba Huy” tiêu xài thả cửa nhờ tiền góp lúa, góp muối, mở sòng bạc của cha mình - ông hội đồng đại địa chủ Trần Trinh Trạch mà thấy tiếc. Đất cả tỉnh Bạc Liêu này gần như là của ông. Không chỉ có bấy nhiêu mà nhiều đồn điền ở các tỉnh khác. Với hơn 140.000 mẫu ruộng đất thì “ăn” đến đời nào cho hết! Vậy mà thế thời bỗng chốc, phủi một cái trắng tay. Trừ những con cháu ở Pháp, chứ vài người còn lại ở xứ Bạc Liêu này, hiện giờ họ nghèo rớt mồng tơi!

 

Nhờ anh Mười Đủ chạy xe ôm, đưa tôi đi tìm lại phố Tây bên sông chợ Bạc Liêu và ghé qua mấy căn nhà cổ ở gần đấy. Một vài căn nhà đã bị phá bỏ xây dựng lại mới, nhà khác thì lở lói, chấp vá không đáng phải xem. Duy chỉ có nhà thờ từ đường họ Cao Triều là còn nguyên thủy. Cũng nhờ chuyến ghé thăm này mà tôi tình cờ biết dòng họ Công tử Bạc Liêu còn vài người cháu ở đây.

 

“Đừng viết về dòng họ nhà tui mà lòng thêm xót, thêm tủi thân, không dám nhìn thiên hạ” - người cháu ngoại của nhà tỷ phú họ Trần khi xưa nói nhỏ với tôi. Anh bảo rằng xót lắm chớ! Xót như xát muối trong lòng! Mỗi ngày đi ngang cái nhà của ông bà mình mà không dám nhìn vô. Cái tượng của ổng còn ở trong đó, đặt trên bàn để khách ra vào nhìn ngó không biết để thán phục hay để chê bai, trách móc ông khi xưa ăn ở thế nào mà giờ con cháu ra nông nỗi. “Có ai giàu ba họ, có ai khó ba đời”, anh nói lời này cho vơi nỗi lòng, và cứ cho đó là số phần đi vậy. Trách ai bây giờ, tạo nghiệp thì phải trả cho xong nghiệp quả! Chỉ tự trách mình bất tài, kém đức! Trước khi về, anh còn quay lại dặn tôi nhớ lỡ có viết gì thì đừng nói quê anh xứ Bạc...!

 

2. Cũng như người cháu của ông Hội đồng Trạch giàu có, anh Mười Đủ kể rằng, ông nội anh hồi xưa cũng do cái sòng “hốt me” trong nhà của ông Hội đồng mà nội anh đã cầm cố ruộng vườn tài sản. Thời đó ai mà không dính vào một trong bốn thứ ăn chơi của đất Bạc Liêu công tử? Vì thế mà đời cha anh nghèo, nên khi cha anh sanh ra anh, đặt tên là Đủ với chỉ mong ước con cái đủ đầy với thiên hạ. Đủ đâu không đủ mà toàn là thiếu. Hồi trước con cái nheo nhóc, nhà cứ thiếu trước hụt sau, vợ chồng anh phải bươn chải đi mua bán cá biển ở miệt chợ nổi sông Gành Hào. Cuộc sống thương hồ thiếu thốn mọi bề, con cái làm sao được đi học. Nhiều đêm vắt tay lên trán nằm suy nghĩ, nhìn trời thả hồn vào giấc ngủ chập chờn. Thấy mình được đủ đầy, con cái được học hành, có nhà cửa đàng hoàng mừng mà khóc nước mắt chảy đầm đìa ướt cả quần áo. Giật mình tỉnh giấc thấy nước xì vào lé đé ván lòng ghe, ướt cả vạt quần. Hai vợ chồng hoàn hồn vào khoang tìm mấy đứa nhỏ. Tụi nó cũng nằm mơ như mình, miệng mỉm cười, chân buông thỏng xuống nước, tìm giấc mơ lên bờ.

 

Bán ghe. Về lại thị xã. Nhờ trước đây có tú tài một, nên hai vợ chồng anh may mắn được nhận vô làm giáo viên tiểu học. Vì thế mà con cái cũng có chỗ học hành. Lương ba cọc ba đồng, chèo chống hơn chục năm, nào ngờ, phòng giáo dục bảo không có bằng chuyên môn... Học gì nổi chứ ngần tuổi này - anh Mười Đủ nói để giải thích vì sao anh phải bỏ nghề dạy học. Tôi lái xe ôm đắp đổi qua ngày. Mấy đứa con lớn hết rồi đều đi làm cả. Bà xã tôi cũng nghỉ dạy luôn, ra chợ ngồi mua bán. Bây giờ có đủ thiếu gì cũng được. Không phải lo tụi nhỏ nữa, mà chúng cũng chịu siêng mần.

 

Anh Mười Đủ đưa tôi sang trường đại học tại chức của tỉnh (trước đây là dinh tỉnh trưởng) để xem cái đồng hồ gạch của nhà bác vật Lưu Văn Lang xây nên vào đầu thế kỷ 20, tính đến nay hơn trăm năm tuổi. Đồng hồ gạch này giống như thứ đồng hồ Thái dương xuất hiện từ thuở xa xưa, khi loài người chưa có cơ khí.

 

Đồng hồ cao chừng mét có bảng khắc giờ sơn đỏ chữ số La Mã theo các vạch hình bán nguyệt trên mặt phẳng của hai mặt gạch tàu xây vuông. Ở giữa có cột gạch. Sáng sớm, khi mặt trời lên, bóng cột gạch đổ lên chữ số chỉ giờ. Mặt trên lên đỉnh bóng đổ 12 giờ. Xế chiều, bóng dần nghiêng, hạ dần xuống bậc tam cấp là mặt trời lặn. Đồng hồ chỉ có công dụng khi có ánh sáng mặt trời.

 

Anh Mười Đủ giới thiệu chiếc đồng hồ này với tôi y như đang làm công việc của một hướng dẫn viên du lịch thạo bài. Tuy vào thời gian ấy trong nước đã có đồng hồ Tây treo tường, để bàn, hoặc đồng hồ quả quít bỏ túi, nhưng những thứ đó chỉ có những nhà giàu  mới sắm. Người dân quê vẫn nhìn mặt trời mà đoán thời khắc trong ngày. Và cái đồng hồ “Thái dương” của ông khi đó trở thành một cái đồng hồ đặc biệt, có một không hai ở Việt Nam. Trước sân lâu đài Windsor ở Anh quốc, ngày nay vẫn còn tồn tại cái đồng hồ Thái dương như thế này. Thế nhưng người ta biết bảo tồn và trân trọng người chế tác ra nó. Còn ở đây, chiếc đồng hồ này lại bị đối xử một cách thờ ơ, lại nằm trong một khuôn viên của trường đại học. Chung quanh đồng hồ được trồng cây che khuất ánh sáng trời, mặt đồng hồ để rêu xanh đóng mốc!

 

Tôi nói đùa với anh rằng anh đâu có “thiếu”, quá “đủ” đi chứ. Kiến thức văn hóa là nền tảng cơ bản của sự phát triển mà. Anh bảo “dân quê như tui biết sao nói vậy chứ có văn với hóa gì!”

 

 

3. Tuy là một huyện duyên hải giáp ranh thị xã, Vĩnh Lợi lại là một huyện có nhiều xã nghèo. Trước đây Vĩnh Lợi cũng đã từng nghèo rồi nên giờ có nghèo thêm người dân cũng đâu có ngán. Vùng duyên hải từ huyện Vĩnh Lợi đổ xuống Gành Hào toàn là bãi bùn bồi đất, nên nước biển cứ đục ngầu, bàn bạc quanh năm. Bần mọc ven bãi không khai thác được gì mà lại mang thêm nỗi buồn xứ biển. Cuộc sống con người ở đây hầu hết làm nghề hạ bạc đúng như cái tên Pô Léo của người Triều Châu khi xưa đã đến vùng đất này khai phá và đặt tên. Pô Léo có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Người mình phát âm theo tiếng Việt đọc thành Bạc Liêu. Cho nên hồi xưa người ta nói: “Bạc Liêu là xứ quê mùa/ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu”.

 

Cá chốt ngày nay ở các vùng kênh rạch ở Bạc Liêu cũng không còn nhiều. Người Triều Châu (Tiều) giỏi làm ăn trước đây vượt biên gần hết. Muối Bạc Liêu xưa kia ngon nhờ lẫn vị ngọt của đất nay cũng không còn khai thác bao nhiêu. Nhãn vườn Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu nổi tiếng một thời, giờ đây đã cằn cỏi, quằn cong theo năm tháng. Đốn thì tiếc, nên người dân giữ lại cho vườn thêm mát. Có trái thu hoạch còn được đồng ra đồng vô, chứ đốn bỏ biết làm gì ăn khi trong tay không một đồng vốn. Cái vòng nghèo khó nó trói con người ở yên một chỗ, không cách vẫy vùng như những mái nhà xiêu vẹo, phơi mình dưới nắng bạc mốc cời.

 

Rồi bỗng nhiên, con cái của nhiều hộ dân ở vài xã trong huyện phá bỏ cái vòng dây nghèo khó trói họ bằng cách đi lấy chồng Đài Loan. Ban đầu một hai nhà có con gái lấy chồng bên đó về thăm, cho tiền ba má xây cất nhà gạch. Thấy ham, nên nhiều bà con gửi gấm, riết rồi cò mối thấy làm mai ăn được nên nhào vô giới thiệu.

 

Ông Năm Đực ngồi bên hiên mái tranh xơ xác hướng nhìn ra biển. Tôi hỏi ông có buồn không? Ông không trả lời, lặng lẽ bập từng hơi thuốc. Cô con lớn đi làm dâu Đài Loan gần hai năm nay rồi mà không thấy về thăm. Lâu lâu mới nhận được lá thư viết rằng “Con vẫn khoẻ, tía má đừng buồn!” Không buồn sao được - ông Năm lên tiếng - Không biết cuộc sống của nó ra sao mà không nghe nói.  Tui đâu có cần tiền bạc của nó gửi về mà chỉ muốn biết nó có được cuộc sống hạnh phúc không thôi. Cũng vì mảnh đất ông bà mà tôi không dọn về chợ. Hơn nữa đất này bán được bao tiền. Làm vuông cũng không xong, nước mặn quá, mặn đắng cả lòng! Con người còn sống nổi trôi huống hồ gì con tôm. Cả nhà trông chờ vào má nó với cái gánh bánh tráng nướng bán rong ngoài chợ. Thằng anh nó gần bốn chục tuổi đầu rồi tối ngày mò cua bắt ốc, có ai thèm lấy. Buồn, nhiều khi nhậu nhẹt say sưa đòi đốt nhà về chợ. Con em nó, bây giờ nhát thấy người lạ vào nhà là sợ chạy ra rạch biến mất. Ờ mà chú có thiệt không phải người Đài Loan? Bất ngờ ông Năm hỏi làm tôi mắc cười về cái bộ dạng của mình. Không sao! Câu hỏi này tôi nghe quen lắm!

 

Rời Bạc Liêu với tâm trạng không thoải mái, tôi chạy xe dọc theo trên con đê biển. Đường xấu, đá xanh lổm chổm, chiếc xe cứ nhảy tưng tưng khiến tôi không tài nào chở hết những ưu tư. Ngoái lại nhìn căn nhà gió lay đùng đùng trước biển của quê xứ Bạc Liêu như cánh buồm gãy gập, bỗng thấy cổ họng mình tự dưng chát đắng./.

 

 

Ngô Kế Tựu
Số lần đọc: 2472
Ngày đăng: 28.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miền ký ức màu xanh - Thụy Vi
Bụi đời hay nghiệp lang thang? - Vân Hạ
Tết Dallas - Ngô Kế Tựu
Chân quê hương Tết - Văn Thành Lê
Ký sự Nhà Gươl - Văn Thành Lê
Tự bạch của một linh mục - Nguyễn Vĩnh Căn
Một thoáng Đakbla - Văn Thành Lê
Nơi đầu sông Sré Pok - Văn Thành Lê
Đồng vọng Đà Sơn - Văn Thành Lê
Ai lên xứ luyện vàng? - Văn Thành Lê