Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung sinh năm Nhâm Ngọ, 1942, người gốc Huế, nhưng định cư ở Đà Nẵng lâu năm. Trước 1975, anh làm thơ rất nhiều, song đợi đến khi Phạm Duy phổ nhạc bài thơ "Còn Một Chút Gì Để Nhớ" và qua tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh, mới thực sự chắp đôi cánh tuyệt vời cho ý thơ anh bay bổng.
Gần 30 năm trước (1981), vào một đêm trăng tháng Giêng (16/1 âm lịch) tuyệt đẹp, Vũ Hữu Định qua đời sau một cuộc vui tại cùng bạn bè bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng
1.
“Còn Một Chút Gì Để Nhớ” là tên một bài thơ của Vũ Hữu Định, viết về thành phố Pleiku, khi anh ghé đến thăm người bạn gái nhỏ vào năm 1970. Bài thơ in lần đầu cùng năm trên tuần báo Khởi Hành (do nhà thơ Viên Linh phụ trách), và trở nên phổ biến rộng rãi, được nhiều người hết sức yêu chuộng, sau khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc.
Trước đó, mặc dù đã làm thơ khá nhiều, nhưng hầu như cái tên Vũ Hữu Định chưa được ai biết đến, bởi thơ của anh chưa từng góp mặt trên những diễn đàn văn nghệ tầm cở của miền Nam như Văn, Bách Khoa, Văn Học... (theo Ðinh Trầm Ca :”Bút hiệu đầu tiên của Vũ Hữu Ðịnh là Hàn Phong Lệ, làm thơ vào những năm 60. Tôi đã thấy cái tên này trên những tờ báo không có "tầm cở" cho lắm”). Đáng lưu ý, cũng thời điểm này, qua việc phổ nhạc một số bài thơ, tình cờ Phạm Duy đã giới thiệu với công chúng nhiều tác giả chưa từng được biết tên : Linh Phương (với Kỷ vật cho em), Nguyễn Tiến Cung ( với Rừng U Minh ta không thấy em), Vũ Hữu Định (với Còn một chút gì để nhớ)... Phạm Duy cho biết, ông đã từng tìm gặp Vũ Hữu Định ở Pleiku trong một chuyến đi tìm cảm hứng và nhất là tìm hiểu tâm trạng những nhà thơ trẻ, đại đa số khi ấy đang đi lính hay đang trốn lính. Khi chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định, ông không thêm bớt một chữ nào. Ông đã giữ nguyên vẹn cấu trúc cũng như vận tiết của bài thơ, chỉ dùng một thanh âm có bán cung của dân ca Jarai hay Bahmar để gợi cái không khí cao nguyên và một chuyển giọng ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, phải thừa nhận, Vũ Hữu Định đã nhanh chóng chớp thời cơ, khẳng định tên tuổi của mình qua hàng loạt bài thơ xuất sắc, khí phách, ngang tàng trên văn đàn.
Vũ Hữu Định cũng tạo ấn tượng với giới văn nghệ miền Nam bằng chuyến giang hồ cùng nhạc sĩ Trần Quang Lộc khi vào Sài gòn làm đình đám tại Hội quán cây tre của ca sĩ Khánh Ly để giới thiệu thơ anh và nhạc Trần Quang Lộc. Thời gian Vũ Hữu Định lang bạt tại Sài gòn, nhà thơ Du Tử Lê kể lại: “Lúc này là thời gian Nguyễn Tất Nhiên (tác giả nhiều bài thơ cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc nổi tiếng như Thà như giọt mưa, Em hiền như ma xơ...) tha người về nhà tôi nhiều nhất. Trong số những người Nhiên tha về đó, có Vũ Hữu Định. Nhiên cười toe bảo, Vũ hữu Định đấy anh. Em Pleiku má đỏ môi hồng đó anh... Lúc này ca khúc Còn Chút Gì Để Nhớ của Phạm Duy đang trở thành phổ thông. Tôi nghĩ, phải thành thật ghi nhận rằng, trước khi có ca khúc Còn Chút Gì Để Nhớ, gần như không ai biết tới Vũ Hữu Định. (Phải vì thơ anh ít xuất hiện trên mặt báo?)
Du Tử Lê cũng nói rõ: “Điều tôi thích nhất nơi Vũ Hữu Định, là Định không bao giờ thảo luận văn chương với tôi. Định cũng rất họa hoằn bắt tôi phải nghe thơ của Định. (điểm này, Vũ Hữu Định hoàn toàn trái ngược với Nguyễn Tất Nhiên.) Định cũng không mầu mè, không lên gân, không tác điệu cho ra vẻ của một người làm thơ. Cần gì, Định nói thẳng thành lời, chẳng quanh co rào đón. Bên trong cái dáng vẻ cục mịch, hơi ngơ ngác, Vũ Hữu Định, trong ghi nhận của tôi còn là một người rất ý tứ...”.
2.
Sinh thời, vốn trải chịu một cuộc đời đầy đắng cay, lận đận, có lẽ vì vậy, mà thơ của Vũ Hữu Định thường mang tâm trạng u hoài, ta thán về một kiếp người lỡ vận :“Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận. Hát âm u trong đêm tối một mình.” Hình như, với nhà thơ , dưới mỗi bước chân đi luôn dự báo ngày tháng héo hon của kiếp người:
”Một ngày gió tạnh bên vườn cỏ hoang
Ta nhìn con sâu đo đoạn đời buồn
Em có biết dưới lá mòn hạnh phúc
Trên chân sâu từng ngày tháng héo hon”
Tuy nhiên, đặc sắc hơn cả là những bài thơ Vũ Hữu Định viết về rượu và chuyện giang hồ. Hầu như phần lớn nội dung các sáng tác của anh đều quanh quẩn ở hai chủ đề này. Chẳng hạn về rượu, đáng nhớ nhất là các đoạn :
“Một ngày rượu uống sao không mềm môi
Một ngày nhớ nhau gió xé mây trời
Cỏ cây cũng gục trong sầu ngất
Một ngày quạnh hiu chết chậm trong đời”
(Ngày quạnh hiu.
Hoặc:
”Lý Hạ xưa say bằng huyễn mộng
Ta nay say bằng rượu pha cồn
Cảm đau thân thế người trong sử
Rượu đắng cay mà sao thấy ngon”
(Đêm Mưa Thiếu Rượu Nhớ Lý Hạ)
Về chuyện giang hồ, đoạn thơ dưới đây được nhiều người biết hơn cả :
“Chiều dựng. Mùa đông mây xám ngắt.
Núi cao trời thấp có ta về.
Giang hồ đâu có ai phong ấn.
Mà nghĩ từ quan trở lại quê”
(Chẳng Hay)
3.
Trước 1975, mặc dù đời sống áo cơm của gia đình Vũ Hữu Định rất khó khăn, nhưng với bạn bè, anh luôn hết mực trải lòng. Hầu như lúc nào chung quanh anh, cũng có dăm ba người bạn với những cuộc rượu tưng bừng. Song, gần gũi, chia sẻ và khích lệ Vũ Hữu Định nhiều nhất trong đời sống lẫn thơ ca là Trần Dzạ Lữ. Chính vì vậy, anh có những vần thơ tặng Trần Dzạ Lữ đầy cảm xúc, đậm tình bằng hữu:
“...tôi có nhiều người bạn Huế
thường nói với nhau về Huế của mình
xa thì thương ở gần dễ giận
đi xa Huế dẫu đời lận đận
nhưng còn Thành Nội trong tim
nhưng còn hình ảnh núi Ngự sông Hương
cái huyền thoại nghe buồn dễ sợ ...
(đọc những câu thơ này, cũng làm liên tưởng đến mối tâm giao của anh với những người bạn khác(gốc Huế) tại Đà Nẵng vào lúc này như: Hồ Đắc Ngọc( hoạ sĩ), Hoàng Đăng Nhuận ( hoạ sĩ)...)
Tô Như Châu (1935-2000), tác giả bài thơ "Có phải em mùa thu Hà Nội"( Trần Quang Lộc phổ nhạc năm 1972) cũng là một trong những người bạn có thời gian dài gắn bó với Vũ Hữu Định (sau 75 hai anh cùng làm nhân viên điện lực, cùng có mặt trong cuộc rượu cuối cùng của VHĐ). Trong bài thơ Tô Như Châu có đoạn:”Thôi thì có em đời ta hy vọng/Thôi thì có em sương khói môi mềm” gợi lên điều gì đó rất gần với “May mà có em đời còn dễ thương” của anh Định. Ngược lại, “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định cũng dễ làm nhắc nhớ đến “Một chút cho tình yêu” - tựa đề tập thơ của Đinh Trầm Ca rất nổi tiếng vào thời điểm này. Dù vậy, tôi không có ý so sánh các tác giả đã có ảnh hưởng nhau, nhưng chắc rằng, mối tri âm bằng hữu đã để lại ít nhiều dấu ấn trong tác phẩm của họ.
Vào khoảng năm 1996, một số thân hữu của nhà thơ Vũ Hữu Định đã góp tay, góp tài chánh để thực hiện tập thơ "Còn Chút Gì để Nhớ” do nhà xuất bản Trẻ tại thành phố HCM ấn hành. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người cho rằng vẫn còn nhiều bản thảo của anh lưu lạc trên bạn bè chưa tập hợp đầy đủ./.