Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.148.600
 
Bức tường *
Phan Đức Nam

Khoa đi rồi Hồng thấy lòng hơi buồn, Hồng biết anh yêu nàng nhưng chưa dám nói. Còn Hồng, nhiều lúc nàng tự hỏi mình có yêu Khoa không? Nếu yêu chắc nàng cũng đành câm lặng, cả hai đều biết có bức tường ngăn cách…

À mà sao lại nếu? Nghĩa là nàng chưa yêu anh…

Hồng đăm đăm hỏi mình trong gương? Nàng khẽ vuốt ngược mái tóc và ưu tư ngắm vết sẹo dưới chân tóc…

Từ lúc nàng còn thắt bím, nhà nàng sát nhà bác Phan - cha của Tiến và Khoa. Hồng xem  nhà bác Phan như nhà mình. Mẹ chỉ sinh mỗi mình nàng, nên cha mẹ nàng quí Khoa và Tiến lắm, còn bác Phan gọi nàng là “gái rượu của bác”.

Hồng thua Khoa một tuổi, thua Tiến năm tuổi. Tiến và Khoa dạy Hồng bắn bi, đá gà, đá banh… Hồng bày cho hai anh chơi ô quan, đánh chuyền, nhảy dây… Tiến là “anh Hai” được giao nhiệm vụ kèm Khoa và Hồng học. “Bác giao nó cho cháu đấy. - Ông Tứ dặn - Hư cứ đánh đòn”.

Tiến ra oai đánh rõ đau! Khoa và Hồng đều khiếp. Ông thầy trẻ con bày ra nhiều trò quái đản! Vết sẹo trên trán nàng hiện giờ là kết quả của một màn đấu kiếm… Hiệp sĩ Tiến lúc ấy bủn rủn ôm trán Hồng, năn nỉ: “Đừng khóc! Đừng khóc!...” Hồng càng gào to khiến hiệp sĩ thêm quýnh!

Duy nhất lần ấy Hồng thấy Tiến rơi lệ. Cô bé nín khóc ngạc nhiên nhìn. Hiệp sĩ Tiến  nói chữa: “Hơi tí đã mít ướt!” Hôm ấy hiệp sĩ lãnh năm roi quắn đít nhưng nhất định không khóc, còn Hồng thì ôm mặt.

Mới đó mà nhanh thật!... Hồng còn nhớ khi bài thơ đầu tiên của Tiến được đăng báo thì chính nàng đem khoe cả lớp!... Rồi Tiến đậu đại học trên Sài Gòn, cả hai gia đình đều mừng, nàng và Khoa hơi… buồn vì vắng anh Hai. Tháng nào anh Hai cũng về thăm, luôn có quà cho Út. Với Tiến, nàng là bé Út mít ướt.

Hè năm ngoái Tiến về với mấy người bạn, có hai chị rất xinh! Tiến kéo nàng lại giới thiệu với các bạn: “Đây mít ướt - em Út tớ” - Hồng đã đỏ mặt chạy về nhà mình, khép cửa và… nhìn qua kẽ liếp… “Ừ, mình con nít có gì mà buồn?…” Tối các chị rủ nhau đi ăn kem, thì đi. Thề không nhìn mặt anh.

Nhưng sao… bốn tháng nay Tiến không về? Hồng lo vơ vẩn… Nghe nói anh tham gia báo chí đối lập, sinh viên biểu tình, Phật giáo biểu tình… Bắt bớ nhiều nơi!... Nàng khéo léo thăm dò Khoa? Chắc anh Hai bận thi… Nghe nói đi viết phóng sự mãi miền Trung…

Nhưng rồi nàng bắt gặp bá(1) Phan khóc dưới bếp… Bác Phan tự dưng nghỉ dạy cả tháng nay? Gánh nặng đổ vào bá Phan. Khoa tối tối nhận đánh máy và đóng sách thêm…

Còn gia đình nàng, ơn trên vừa đúc được nhà, xây tường ngăn và ráp cổng sắt. Hồng cảm thấy hình thành một khoảng cách, hai nhà vẫn cạnh nhau nhưng giờ đã khác…

“Con gái lớn rồi - mẹ khuyên - đừng lân la…” Nàng nhìn mẹ: “Sao mẹ?” Mẹ thở dài: “Gia đình bác Phan tốt, nhưng… không hợp với gia đình mình…” Nàng mở to mắt: “Giờ chúng ta giàu ư?” - “Không…” Hồng xoắn vào: “Thế tại sao?” Mẹ bối rối, cuối cùng đành nói thẳng: “Vì… gia đình mình… có đạo… Còn nhà bác Phan …”

Nàng đã cười như con điên. Ra thế? Lại phân biệt! Điệp khúc cũ vẫn âm thầm vang vọng. Những người trẻ như nàng được khoác những suy nghĩ của người lớn. Đó có phải là suy nghĩ của nàng đâu!?

Mà nàng là con bé lạ đời!? Mỗi khi nghe chuyện tình ngày xưa của cha mẹ, nàng cứ cười rũ ra.

Có gì đâu! Xưa cha mẹ nàng gặp nhau trong ca đoàn nhà thờ, bạn bè ghép đôi, tình đầu cũng là tình cuối.

“Mẹ thật may mắn! Nhưng sao con chẳng thấy phong ba bão tố? Chẳng nước mắt gì cả? Kém… mê ly! - “Cha bố cô! - Mẹ mắng - Cô tiểu thuyết vừa chứ!” Nàng ôm cổ mẹ cười khúc khích: “Có sóng gió ngang trái, tình yêu mới… ghê gớm, mới… vĩ đại mẹ ạ”. Mẹ cốc nhẹ trán nàng: “Liệu cái thần hồn!”

Nhưng rồi, có một ngày nào đó - Hồng quên rồi, mẹ nàng cũng thú nhận rằng bà cảm thấy lờ mờ đời mình như khung dệt, đâu đã vào đấy, quay đều, quay đều, đơn điệu và bình thường, lắm lúc buồn chán!...

“Nhưng mẹ chấp nhận! An tâm con ạ.” - Mẹ kết luận. Hồng im lặng, nàng thích nhìn phương trời xa. Mặt biển phẳng lặng chứa đầy bão tố. Dù có khoảng cách - Hồng biết, nếu không có Tiến, nàng sẽ yêu Khoa…

 

Hồng bỗng giật mình khi nghe tiếng cha đang nói chuyện bên nhà bác Phan. Nàng vội bước nhanh ra hiên ghé tai lắng nghe…

“Một người quen mới cho tôi biết cậu Tiến nhà bác bị giam, tôi vội qua báo tin…” Ôi!... Hồng lo lắng áp tai sát tường… Khi yêu nàng hay lắng nghe để đề phòng… Chẳng qua những câu chuyện giữa cha và bác Phan hay dẫn đến tranh luận, có thể làm dày thêm bức tường ngăn cách.

“Thôi kệ!... Nó có lý tưởng của nó” - Tiếng bác Phan. Tiếp theo là tiếng cha nàng: “Thằng Tiến cứng cổ lắm! Phải chi hồi đó bác nghe tôi giao nó cho cha xứ.” Lại đạo với đời! Sao mỗi lần cha qua nhà bác Phan, ông cứ hay xoay qua vấn đề đó!? Chắc nhiệm vụ ông trùm? Chán thật! Không khéo!...

Hồng định quay vào nhưng lại nghĩ: Thì cũng nên lắng nghe để còn liệu… May cha và bác Phan thân trọng nhau, chỉ khác… lý tưởng! Ừ cũng vì lý tưởng này nọ mà sinh chiến tranh!…

Hai nhà sát nhau lại chơi thân nên Hồng biết bác Phan chỉ thờ cúng tổ tiên, còn bá Phan theo Thiên Chúa giáo - có anh làm Cha. Nhiều người nghĩ chắc gia đình bác Phan “lục đục” lắm! Nhưng nàng vẫn thấy bác Phan chở bác gái đi lễ, còn ông thì ngồi ngoài uống cà-phê đọc báo chờ vợ ra.

Cha Hồng quí Khoa hơn Tiến, vì Khoa hiền và mẫu mực giống mẹ. Thâm tâm ông muốn tham gia chấn chỉnh gia đình bạn, với ông đó còn là bổn phận.

“Bác Phan à, cậu Minh - kỹ sư mới ra trường - con bác sĩ Khôi ở Tân Định. Anh ta không có đạo, quen đứa cháu gái tôi cũng cứng cổ như cậu Tiến nhà bác vậy, mà giờ đang học kinh đấy…” - “Vậy ư?... Toàn kỹ sư với bác sĩ! Dân trí thức khôn thật! Cậu ấy biết đặt tình yêu lên trên. Nhưng nếu không lấy cháu gái bác chắc gì cậu ấy đã học kinh? Tôi ngày xưa cũng… Hà hà! Còn theo đạo này đạo kia thì cũng tốt thôi, hợp với mục đích phát triển giáo dân - đạo nào cũng chủ trương như thế . Nhưng bác nói không có đạo tôi nghe không ổn. Những người không theo đạo giống bác đều vô đạo cả sao?”

“Khổ thật! - Hồng than thầm - Hai ông ráp lại là gây!”

“Thế giới có nhiều đạo - tiếng bác Phan đều đều - Đạo nào xấu sẽ tự hủy. Đạo chưa tốt lắm tự nó sẽ hoàn thiện. Nôm na như con đường nào tốt và gần thì có nhiều người đi. Con cái tôi lớn lên tự nó sẽ tìm hiểu, muốn theo đạo nào cũng được. Nó có quyền của nó. Người ta phải có đạo, nhưng đừng mê đạo. Tôi cũng có đạo của tôi. Người nước ngoài họ nghiên cứu và phục dân mình bởi ngoài các đạo khác ra, còn có đạo thờ Anh Hùng Tổ Tiên - bác cũng có nữa đấy. Cá nhân tôi nhận thấy đó mới là đạo gốc, là nền tảng, không vay mượn ai. Là máu xương ơn nghĩa, gìn giữ non sông. Nhiều lúc bác nói đạo gốc với không có đạo, tôi nghe buồn cười quá! Thí dụ như ông bà cha mẹ bác theo đạo Hồi, đạo Bà La-môn, thì chắc bác cũng theo đạo ấy thôi. Thế giới rộng lớn, nhiều đạo nhiều đường, nếu chỉ cắm đầu đi theo một đường thì không sáng lắm, chẳng biết được những cái hay cái đẹp ở những con đường khác. Không dám suy nghĩ khác, không dám vượt ra ngoài khuôn khổ thì làm gì có cái mới, khó mà sáng tạo. Có khi còn mù quáng triệt hạ những phát minh, những suy nghĩ khác với mình - có rồi đấy. Thật đáng buồn là suy nghĩ ấy lại do người khác khoác cho. Tôi không muốn mình là thằng chột bác ạ. Bác giận tôi đành chịu, dù sao cũng phải nói cho ra lẽ” - “Không! Không!... Tôi chẳng giận bác… Giận làm gì người thiếu đức tin” - “Hà hà! Cuối cùng cũng chỉ đến đó. Thôi mình uống trà. À, dạo này bác có thầu thêm căn nhà nào nữa không?”

Cảm tạ Chúa - Hồng thở phào - Cứ phân biệt đạo này đạo kia mà làm gì? Đạo nào cũng giúp con người tốt hơn thôi. Chúa ơi! Mình khó hy vọng xóa được bức tường thành kiến, nó đạ ăn sâu vào tận xương tủy!

Giờ chỉ mong Tiến “mềm” như Khoa…

 

Năm 1975.

Tiến trở về với băng đỏ trên vai và khẩu súng ngắn kè kè bên hông. Ông Tứ đóng chặt cửa, nhưng Hồng lại thầm mừng. Nàng muốn chạy ra đón nhưng sợ bị anh chê… mít ướt…

Lo gì! Thế nào anh chẳng sang…

 

Một tháng sau, ông Phan đạp xe về đến cửa thì bỗng ngã vật ra: Ông bị tăng-sông đứt mạch máu não, chẳng kịp trối trăn gì cả.

Hai mẹ con Hồng khóc theo bá Phan. Ông Tứ nghe tin bỏ cả công việc tức tốc chạy về, khóc rưng rức: “Ôi bác ơi! Hòa bình rồi sao bác lại đi nhanh quá!? Sao bác không ở lại nói chuyện với tôi?...”

Bà Phan định tổ chức tang lễ chồng theo nghi thức Thiên Chúa Giáo. Trong suy nghĩ của bà là chồng khi sống chưa theo đạo Thiên Chúa, thì lúc chết theo, để con cái một dòng một duột… Nhưng Tiến cản, anh xin mẹ được làm tang bố theo lối cổ truyền giản dị: “Lúc sống bố thích thế mẹ ạ”. Mẹ Tiến im lặng hậm hực! Tiến phải nói tiếp: “Con xin lỗi mẹ!... Nếu chẳng may… mẹ mất trước, bố không đưa mẹ vào nhà thờ thì chúng con cũng không chịu”. Bà Phan tái mặt: “Ra anh là đích tôn cơ đấy?!” Bà giận Tiến lắm, cho anh là nịnh bên nội.

Riêng ông Tứ thì tím cả gan ruột, vì ông đã chạy  ngược chạy xuôi lo liệu…

Đám tang ông Phan không ngờ lại đông, có cả hai bên Phật Chúa, bên nào cũng cử Hội đoàn đến phúng điếu, cờ xí, tụng kinh, cầu hồn, hát xướng…

Không biết ông chọn Niết Bàn hay Thiên Đường? Mà ông có  theo các đạo ấy đâu, ông vể với Tổ tiên.

Có một lão ăn mày chuyên nhặt giấy vụn mua nhang đến viếng, chẳng qua ông Phan lúc sống vẫn gom tập giấy cũ cho ông…

 

Ông Tứ uống xong tách trà rồi bảo con gái: “Con cứ suy nghĩ kỹ đi”. Hồng vân vê tà áo: “Thưa cha, con không hợp anh Hùng…” - “Rồi sẽ hợp. Mà con đã nói chuyện với Hùng bao giờ đâu mà bảo hợp với không hợp?” - “Nhưng…” - “Hay con mê thằng Khoa?” -“Không không…” - “Hừ! Sao suốt ngày con cứ quanh quẩn bên đó? Có yêu nó thì nói  thật đi, để cha còn tính”.

Hồng cúi đầu yên lặng khiến ông Tứ càng nghĩ mình đoán đúng: “Hừ! Con cái bây giờ cứ tự quyền. Nên nhớ con là con gái. Thử hỏi thằng Hùng có gì mà con chê? Nó vừa ra trường, gia đình danh giá nề nếp. Còn thằng Khoa? Ừ thì nó hiền và chịu khó, cũng có học. Nhưng gia đình nó…” Hồng can đảm ngước lên: “Cha chê họ nghèo ư?” - “Không. Nếu chê cha đã không kết bạn với bác Phan. Nhưng cha thấy… không hợp. Cha nói thế chắc con hiểu?” - “Gia đình bác Phan rất quý cha, nhất là bác gái” - “Bác gái thì còn nói làm gĩ nữa. Cha cảm thấy gả con cho nhà ấy không ổn - về mặt tinh thần. Biết đâu sau này thằng Khoa lại giống ông Phan: Tôi lấy được vợ tôi thôi nhà thờ. Con làm dâu nhà ông trùm Long chắc chắn hơn, cha mẹ lại được tiếng”.

Ôi Khoa mà cha còn không chịu huống hồ là anh Tiến! Chúa ơi! Mà anh có yêu mình đâu?... Hồng chợt rơi nước mắt. Ông Tứ thấy nhưng quay đi: “Cha mẹ không ép con… Cha mẹ nói thế để con suy nghĩ. Nếu con thực bụng yêu thằng Khoa thì bảo nó sang đây”. Hồng lau nhanh nước mắt: “Thưa cha, con chưa nghĩ đến chuyện đó…” Rồi nàng chạy ngược lên lầu, còn nghe tiếng cha gọi mẹ: “Bà ra đây, sang nhà bà Phan hộ tôi”.

 

Bà Phan đợi Khoa ra khỏi ngõ một lúc rồi nhẹ nhàng nói với Tiến: “Tiến à, mẹ muốn bàn với con chuyện này”.

Tiến buông bút xuống bàn rồi nhìn mẹ chờ đợi, bà Phan nhẩn nha: “Chuyện Hồng và Khoa đó mà, con có biết không?” - “Đến đâu rồi mẹ?” - “Chẳng đến đâu cả! Thế mà mẹ cứ tưởng..” Tiến cau mày: “Hôm qua thấy bà Tứ sang nói chuyện với mẹ, con lại nghĩ…” - “À, bà ấy qua dò xem tình hình nhà ta ấy mà.” - “Ý Khoa thế nào mẹ?” - “Nó không nói. Nhưng mẹ biết nó yêu con Hồng. Chắc còn chờ ra trường?” Mẹ đã  thăm dò Hồng chưa?” Bà Phan gật đầu: “Rồi. Tối hôm qua mẹ đã hỏi thẳng, vì chẳng còn thời gian nữa - Hồng đã có người dạm… Mẹ muốn biết Hồng có yêu Khoa không? Nhưng nó chỉ khóc và lắc đầu.” Tiến ngạc nhiên: “Không yêu à?” - “Chẳng biết nữa? Mẹ hỏi năm lần bảy lượt nó cũng lắc đầu. Chắc bị ông Tứ ép gả?... Lạ thật, chính bà Tứ hôm qua sang đây nói rõ với mẹ là nếu hai đứa nó thực sự yêu nhau thì ông Tứ sẽ thuận” Tiến lẩm bẩm: “Hay tụi nó giận nhau?...” - “Mẹ cũng nghĩ thế. Dạo này chúng ít chuyện trò…” Tiến gật gù: “Được rồi. Con sẽ hỏi Khoa. Hỏi cả Hồng nữa. Tụi này rắc rối thật!” - “Ừ, khéo khéo con nhé. Hôm nay mẹ cũng định nói với con chuyện đó”.

 

Hồng giật thót mình khi thấy Tiến đang ngồi trong quán cà-phê trước cổng trường và lăm lăm nhìn ra!... Nàng vừa mừng vừa lo…

Kể ra từ trước đến giờ đã có không ít chàng từng săn đón chờ đợi nàng trước cổng  trường. Con gái có người theo cũng thích… Không có thì bạn cũng… chê. Lắm đứa còn ra vẻ hãnh diện khi có cây si, có đuôi… Nhỏ Loan - nhà cùng phố với Hồng, lâu lâu lại hỏi đùa nàng: “Này, sao tao chẳng thấy anh Khoa chờ mày bao giờ?” Hồng đã đỏ mặt: “Mày cứ nói xàm! Tiến và Khoa là anh tao mà…” - “Ừ. Anh! Anh yêu!” Nàng phải đánh trống lảng, nửa đùa nửa  thật: “Nhà tụi tao sít sịt nhau, muốn gặp  lúc nào chẳng được. Ba cái trò đưa đón lẻ tẻ dành cho tụi… nhít…”

Nói cứng thế nhưng Hồng cũng thầm ước ao…

Suốt bốn tháng qua - từ ngày ông Phan mất, nàng thấy Tiến rất buồn, anh đắm vào công việc và thường vắng nhà. Nếu gặp nàng, Tiến chỉ chào có lệ, chẳng chọc ghẹo nàng như trước nữa…

Hay hôm nay anh… chờ ai?...

Tim Hồng đập thình thịch, nàng giả vờ không thấy Tiến, nhẹ nhàng dắt xe sóng đôi với Loan ra cổng… “Nhỡ anh ấy chờ mình?... - Hồng nghĩ, rồi chậm lại, bảo Loan: “Bạn về trước, mình chờ Thủy ra để mượn cuốn sách…” Hồng biết Loan “kỵ” Thủy, trong lớp hai đứa nó đều học giỏi mà không hiểu sao?... Quả nhiên Loan gật đầu, đưa mắt nhìn quanh rồi ngồi lên yên xe…” Chà! Biết đâu cũng có chàng chờ nó?... - Hồng nghĩ thế rồi sửa lại tà áo dài, cố ý dắt xe chầm chậm qua quán nước mà Tiến đang ngồi. Phải chi hôm nay mình thắt cái nơ màu vàng chanh…

Tiến đã thấy Hồng, anh vội trả tiền rồi hấp tấp gọi: “Mít ướt! Chờ anh…” Tự nhiên Hồng thấy tức và quê dễ sợ! Nàng làm bộ không nghe, vén áo ngồi lên yên xe rồi đạp nhẹ pê-đan…

Tiến chạy theo nắm bagar ghì lại. Chết thật! Mai tụi bạn tha hồ cười!... Hồng vừa thẹn, vừa sợ vừa tức. Người gì mà!?...” Tiến vẫn tỉnh bơ, bước nhanh tới nắm chặt gi-đông và nhìn vào mắt Hồng, toét miệng cười: “Anh muốn nói chuyện với em một chút”. Hồng biến sắc mặt khi thấy nhỏ Đào nhỏ Ái nhìn nàng le lưỡi cười… Nàng vội cúi mặt, khẽ nói: “Chuyện gì về nhà hãy nói… Ai lại!?...” Tiến cười, hỏi luôn: “Này, sao em không yêu Khoa?” Hồng tức mình quay mặt đi: “Không việc gì đến anh”. Tiến bỏ gi-đông ra, cười lạt, chợt cay cú: “Phải mà! Con gái ông Trùm thì phải lấy con trai ông Trùm thôi”.

Hồng tức muốn nghẹt thở, nàng quay phắt lại và tát mạnh vào má Tiến…

“Sao?...” - Tiến sửng sốt ôm má! Hồng vụt ôm mặt, nức nở “Anh… ác lắm! Ác lắm!...”

Giây phút ấy Tiến chợt hiểu…

Tiếng ve đầu mua râm ran trên cao, phượng hồng rực rỡ trổ bông, nắng trưa nay sao mà dịu, trời cao và thật trong!... Tiến bâng khuâng nắm nhẹ bàn tay nhỏ nhắn của Hồng, nói nhỏ: “Xin lỗi em!...” Anh đưa tay khẽ gạt nhanh nước mắt trên má nàng: “Nín đi!... Người ta… nhìn kìa!” Rồi kéo Hồng đi…

Hồng xấu hổ lẫn sung sướng! Nàng cúi mặt lau vội nước mắt: “Em xin lỗi!...” Tiến xoa xoa má mình: “Anh ngu quá! Ngu quá!...” - Rồi nghiêng má bên kia - Em tát luôn bên này đi. Anh rất thích bàn tay của… Chúa”. Hồng cười bẽn lẽn: “Khéo nịnh!... - Rồi cúi đầu - Thế, trước đây… anh không hề… yêu em sao?”

Tiến yên lặng, tình yêu đến với anh quá đột ngột! Anh bóp nhẹ tay Hồng, cả hai đi chầm chậm… “Hình như có…” - Tiến nói - “Nhưng… anh không dám yêu em…” - “Sao vậy?” - “Anh nghĩ em hợp với Khoa hơn, Khoa hiền, còn anh… hư lắm!” - “Em chỉ quí Khoa” - “Khoa yêu em…” - “Chắc vì thế nên anh hay ghép đôi Khoa với em?...” Tiến gật, Hồng đấm nhẹ vai Tiến: “Anh còn dám… dẫn mấy chị ấy về chọc em nữa? - “Đồng chí cả đấy”. Rồi Tiến cười, thú nhận: “Vả lại… anh cũng muốn thử em?... Thấy em vẫn vui vẻ, anh tưởng em thích Khoa… Từ đó anh chẳng hy vọng, hơn nữa anh là ông thầy, là anh Hai…” - “Anh Hai xử đẹp ghê!” - “Dĩ nhiên” - “Vậy giờ anh Hai nhường người yêu cho em trai nhé?” - “Dĩ nhiên, với điều kiện cô ấy yêu Khoa?” Hồng cười: “Phải. Nếu em yêu, anh bấm bụng làm vui chứ gì?” Tiến ưỡn ngực: “Càng vui!” - “Ghét lắm!” - “Ghét của nào trời trao của nấy”.

Tiến nói xong gật gù: “Nếu là duyên thì chẳng tránh được” Hồng mở to mắt: “Có chắc như thế không?” - “Chắc” - “Có bị cản trở vẫn sống với nhau chứ” - “Vẫn” - “Em cầu xin như thế”.

Sau đó là những giây phút im lặng hạnh phúc.

Tiến chở Hồng vào một công viên, hai người ngồi trên một ghế đá, khi yêu họ có biết bao chuyện để bàn…

Nói chuyện một lúc, cuối cùng Hồng cũng đắn đo nhắc đến thành trì ghê gớm nhất: “Em chỉ sợ… cha em không ưa anh…” - “Anh sẽ ngoan” - “Hứa nhé? Cha em độc đoán nhưng tốt. Miễn anh đừng ngang ngạnh” - “Ngang tùy lúc” - “Cha em bắt gì anh cũng nghe nhé?” - “Đúng thì nghe” - “Đấy” - “Chẳng lẽ bắt anh không được yêu em, anh cũng nghe à?” - “Không phải! Em muốn nói chuyện khác cơ…” Tiến nhìn sâu vào mắt nàng: “Anh biết chuyện đáng lo nhất đó rồi. Ăn thua mình có xem chuyện đó quan trọng hay không? - Tiến thở dài - Quả thật mình không thể tránh, mà phải đối mặt với bức tường vô hình đó. Anh tin tình yêu sẽ san bằng mọi thành trì, nó đã làm bao người rơi nước mắt!” Hồng thở dài: “Em mong anh nghe cha em, dù anh không tin…” - “Được thôi. Nhưng thế là dối lòng” - “Miễn em hiểu anh là được” - “Sợ cha em đoán biết!?”… Hồng gật đầu thú nhận: “Với Khoa cha em vẫn còn lo nữa là…” - “Còn em?” - “Thế hệ chúng ta khác. Em chẳng đặt nặng vấn đề đó. Em không cần anh phải tin,  phải theo em, hay em phải theo anh. Cái chính là ta có yêu nhau không? Nhưng đối với những người già như cha em thì lại khác. Nó trở thành một luật lệ bắt buộc mà tự ông chui vào - xem đó là bổn phận. Và em không dám phá vỡ. Em là con, nhất là con gái”. Tiến thở dài và dựa lưng vào thành ghế. Họ im lặng một chút. Tiến quay qua Hồng: “Giờ anh thử hỏi em nhé? - Giả thử thôi, nếu vì lý do nào đó ta không thể làm đám cưới trong nhà thờ được, em có chịu lấy anh không?” Hồng suy nghĩ một lúc rồi gật đầu: “Có. Em nghĩ đó chỉ là hình thức. Chỉ sợ cha em… Phải chi ông không là…” - “Cha em dĩ nhiên không đời nào chịu đâu. Anh hỏi em như thế chẳng qua muốn thử xem tình yêu của em đối với anh mạnh như thế nào? Anh không bao giờ dám so sánh tình yêu của mình với tình yêu cao cả của Chúa. Vì càng yêu Chúa càng yêu người”. Im lặng một chút, sau đó Tiến lại hỏi: “Nhỡ bố em nhất định ngăn trở, em có dám trốn theo anh không?” Câu hỏi này làm Hồng phân vân, nàng cắn môi suy nghĩ, cuối cùng gật đầu: “Nếu anh thật tình yêu em, em sẽ trốn? Yêu và theo nhau chẳng có gì xấu cả?” Tiến cười lớn: “Em hay thật! Vậy thì việc gì mình phải trốn? Ta cứ việc làm đám cưới ở nhà thờ, anh thấy vừa đẹp vừa vui, thơ mộng như xi-nê. Miễn sao chúng ta có nhau, hiểu nhau là được em nhỉ. Vì yêu em, anh hy sinh hết. Mặc người đời muốn nghĩ sao thì nghĩ. Anh tin Chúa biết và tha thứ”. Hồng gật đầu, cảm động: “Vâng, em cũng  tin thế” - nhưng nàng vẫn lo lắng - “Em chỉ sợ cha biết bụng anh, ông sẽ…” Tiến phân vân: “Nếu thế.. thì gay đấy!”

Lại im lặng. Dù đã đặt thẳng vấn đề để tìm cách giải quyết nhưng hai kẻ yêu nhau vẫn thấy nan giải. Tiến nắm chặt tay Hồng như bảo nàng phải can đảm: “Nếu kẹt lắm! Mình phải trốn đi em ạ… Khi có con rồi, cha em sẽ tha thứ”. Hồng gật đầu nép vào ngực Tiến: “Em cũng đã nghĩ đến giải pháp đó! Khổ thật! Đạo với đời…” Tiến nhìn Hồng: “Đấy nhé, sau này mình có con, nhất là con gái, mình sẽ không ép nó theo đạo nào cả. Cứ đạo làm người là tốt nhất, dễ cho tình duyên nó sau này”. Tiến nâng cằm nàng: “Hỏi thật nhé? Sao…  em yêu anh?” Hồng ngơ ngác: “Em cũng không biết nữa? Chắc vì anh hay bắt nạt em, anh hay làm em đau khổ lẫn sung sướng…” - Rồi nàng vén tóc - “Đây này, anh còn nhớ không?...”

 

Ông Tứ dằn mạnh ly nước làm bàn kính vỡ toang! Bà Tứ hốt hoảng nhỏm dậy: “Kìa! Tay ông chảy máu!...” - “Mặc tôi!” Ông Tứ vẫy mạnh  tay, nhìn những giọt máu của mình nhỏ xuống nền gạch, rít lên: “Nó muốn giết tôi mà! Tôi muốn chết ngay vì nó!” - “Ông bình tĩnh lại! Bình tĩnh lại! Việc gì cũng phải từ từ… Con nó dại dột! Ấy là tôi hỏi mãi nó mới nói… Tôi cũng không ngờ nó lại yêu thằng Tiến!?...” - “Quân khốn kiếp! Yêu thằng Khoa còn có thể chấp nhận được. Đằng này lại yêu cái thằng cứng đầu. Tôi không thể nào quên được những hành động nó làm khi ông Phan mất! Nó dám cãi lại mẹ nó, cãi lại Cha bác(1) nó. Nó làm tôi bẽ mặt với cả Giáo xứ.” - “Thì mình đã gả con gái cho nó đâu?... Ông đưa tay tôi băng…” - “Nhưng con Hồng lại yêu nó! Thằng quỷ ấy mê hoặc cám dỗ con bé rồi! Hôm nọ thằng Hùng mách tôi là gặp chúng nó đú đởn với nhau ở công viên, tôi cứ tưởng thằng Hùng ghen, nhìn lầm thằng Khoa… Khốn nạn! Tôi còn mặt mũi nào sống ở Giáo xứ này nữa?” Bà Tứ ôm tay chồng: “Ông đừng vật  vã làm tình làm tội mình nữa! Để tôi khuyên con…” - “Vô phúc! Tại bà cưng chiều nó quá đấy mà! Cứ tưởng có một mình nó tôi không dám cạo đầu bôi vôi chắc?” Ông rít lên: “Nó đâu? Con khốn đâu?” - “Con… nó trên lầu… Việc đâu còn đó mà…” Ông Tứ quắc mắt nhìn vợ: “Bà im đi! Không chần chờ gì nữa. Phải giải quyết ngay”. Rồi ngẩng lên lầu: “Con khốn, xuống đây! Xuống đây ngay tao bảo”.

Hồng nãy giờ nằm im trên phòng lắng nghe tất cả. Nàng đã đoán trước và sẵn sàng chịu đựng cơn thịnh nộ của cha mà vẫn thấy kinh sợ. Hồng ôm chặt đầu và tấm tức khóc!...

Tiếng ông Tứ hét toáng lên: “Mày nhất định không xuống phải không? Chắc đợi tao lên lôi cổ?” Rồi tiếng bà Tứ vọng theo: “Hồng ơi, xuống đây con, mẹ xin cho…”

Đằng nào cũng phải xuống - Hồng nghĩ, dù cha có giết cũng đành chịu! Biết vậy mình khoan nói với mẹ… Mà trước sau gì cũng phải nói… để mẹ hiểu mà giúp mình… Nếu cha nhất quyết không chịu, thì… đành… trốn vậy…” Hồng nghĩ  thế, rồi cố lấy can đảm bước xuống cầu thang.

“Ngồi xuống đó.” - Ông Tứ chỉ tay vào ghế trước mặt. Hồng nép sát vào mẹ và cầm lấy tay bà, mong tìm sự che chở. Ông Tứ gằn giọng: “Mày yêu thằng Tiến phải không?”. Hồng cúi đầu im lặng, tỏ vẻ chấp nhận. Ông Tứ càng cáu: “Được! Vậy ngay từ phút này, mày cút khỏi nhà tao ngay lập  tức. Cút ngay! Đáng lẽ tao gọt đầu bôi vôi mày rồi mới đuổi đi, nhưng sợ người đời cho là tao ác. Dù sao tao cũng là ông Trùm, thà tao mất mày, còn hơn mang tiếng”. Hồng ấp úng: “Xin cha thương con, anh Tiến…” - “Câm mồm! Đừng nhắc đến tên thằng đó trước mặt tao”. Bà Tứ chen vào: “Thì ông cứ để cho con nó nói đã…” Ông Tứ nạt luôn: “Bà định bắc thang cho nó leo hả? Bà có thương thằng quỷ đó thì trải chiếu rước nó về đi” - “Ông nói lạ? Con Hồng nói thằng Tiến sẵn sàng theo đạo mà” - “Nó chỉ đánh lừa. Tôi còn lạ gì nó nữa? Bà không thấy ông Phan đó sao? Ông Phan còn tư cách hơn thằng này nhiều”.

Hồng cứ mặc cho cha thịnh nộ, nàng biết có nói gì trong lúc này cũng bằng thừa, nên chỉ cúi đầu chịu trận. Ông Tứ quát mắng một hồi rồi đứng lên: “Mày cứ suy nghĩ đi. Nếu không lấy thằng Hùng thì xéo ngay, hoặc chết  phức đi, tao không tiếc. Nghe rõ chưa?”

 

Ông  Tứ nói với bà Phan: “Xin lỗi bác nhé, cho tôi nói chuyện với cậu Tiến một chút…” - Rồi quay qua Tiến: “Hôm qua tôi đã nói chuyện với mẹ cậu rồi, hôm nay tôi muốn gặp cậu để nói thêm đôi chút. Thế nào? Cậu vẫn làm văn làm báo đấy chứ?” Tiến ngập ngừng: “Dạ… cháu viết lai rai…” - “Cậu đấu đá hăng lắm mà?” - “Thưa… Bác có đọc ạ?...” - “Tôi bận, biếng đọc lắm! Được cái cậu Hùng - con rể tương lai của tôi, lại thích đọc và sưu tầm những bài viết của cậu, rồi giới thiệu  với tôi”. À! Juda(1) Hắn cố tình moi mình để lấy điểm với ông nhạc tương lai! - Tiến nghĩ. Ông Tứ nói tiếp: “Nhờ thế tôi mới hiểu tâm tư cậu. Cậu dám viết về quan niệm cách tân tín ngưỡng nữa à? Táo bạo thật! Cậu có biết động đến tôn giáo thì nguy hiểm lắm không?” - “Biết ạ. Đây là vấn đề nhạy cảm. Nhưng đây cháu bàn sâu để thăng tiến…” - “Không cần cậu phải bàn sâu, không cần cậu phải  thăng tiến. Cậu chỉ làm rối lên, làm hỏng cả niềm  tin.” - “Thưa bác, Chúa Jésus ngày xưa cũng cách tân cuộc cách mạng tôn giáo. Ngài đã bị bọn hủ lậu xử tử, nhưng không có ngài thì…” Ông Tứ cắt ngang: “Cậu là Chúa Jésus chắc?” - “Cháu muốn nói…” - “Thôi! Bỏ qua vấn đề này đi. Cũng bế tắc như tôi với cha cậu ngày xưa thôi. Tôi chỉ nói tóm lại: Tư tưởng cậu khác, tư tưởng gia đình tôi khác. Cậu đừng quyến rũ con Hồng nhà tôi nữa, nó sắp lấy chồng. Cậu nghe rõ chưa?” Tiến cúi đầu: “Thưa bác, cháu sẽ…” - “Sẽ cái gì? Cậu giả bộ ưng thuận mọi điều kiện để lấy nó chứ gì? Cậu tưởng tôi mù à? Tưởng tôi không thấy được bụng dạ Satăng của cậu à? Đừng giở trò bịp bợm giả dối ấy ra với tôi.” Tiến im lặng. Ông Tứ gằn giọng: “Thế gian này không thiếu gì người. Cậu đã có con đường của cậu thì tôi cũng có con đường của tôi. Nhà tôi không có chỗ cho cậu đâu”. Tiến tự ái, máu ngang nổi lên, anh nói một câu trái với lòng mình: “Bộ bác tưởng cháu cần lắm?” - Ông Tứ cười khành khạch: “Thấy chưa? Quả nhiên cậu chỉ muốn lợi dụng nó. Có mẹ cậu làm chứng đấy nhé. Cảm ơn cậu nhiều, rồi tôi sẽ nói cho con gái tôi hiểu”.

 

Ông Tứ khẽ hắng giọng, ông phải đánh ván bài quyết định, bởi biết con gái mình coi nhu mì thế nhưng cũng thuộc loại cứng cỏi! Ông là cha, ông phải thắng nó. Ông đưa mắt nhìn vợ rồi nhìn Hồng, cất giọng ôn tồn: “Hôm nay cha mẹ muốn nói chuyện lần cuối với con về vấn đề hôn nhân”.

Hồng im lặng, nàng biết đây là giây phút quan trọng định đoạt tình yêu mình, nàng ngồi bên mẹ và không dám nhìn cha. Ông Tứ trầm tư, rồi lắc nhẹ đầu: “Cha không hiểu sao con lại có thể yêu cái thằng bồ bịch lăng nhăng đó? Con không thấy nó dẫn hết con này con kia về nhà đó sao? Lại còn vào tù ra khám!” - “Sao cha lại nói thế? Anh ấy tham gia cách mạng mà…” - “À sinh viên thức thời!” - Ông Tứ moi móc - “Một thanh niên đang phấn đấu, thăng tiến. Nó lấy con để hỏng cả sự nghiệp à? Đối với đàn ông thì sự nghiệp quan trọng nhất đấy con ạ.” Hồng khẽ cau mặt: “Cha cứ thành kiến!...” - “Có đấy con ạ. Hãy nhìn thẳng vào sự thật đi. Đừng ngây thơ! Dù người ta luôn miệng nói xóa bỏ, nhưng bức tường vô hình vẫn hiện hữu. Cũng giống như sự kỳ thị chủng tộc vẫn âm ỉ còn. Đừng trách cha suy nghĩ độc đoán. Chẳng qua cha quá lo cho con đó thôi. Con biết không? Chính thằng Tiến đã nói với cha và trước mặt mẹ nó, là nó chẳng cần. Nó không yêu con như con nghĩ đâu. Không tin con cứ hỏi bá Phan”.

Hồng choáng váng! Chúa ơi! Thật sao? Có lẽ nào!?...

Ông Tứ liếc sang vợ rồi giáng thêm miếng đòn cuối: “Cha phân tích để con hiểu. Riêng cha cũng đã suy nghĩ suốt đêm qua, rằng nếu con quá mê muội không nghe lời cha, cuối cùng sẽ dẫn đến hai trường hợp: Một là con sẽ tự vẫn! Lúc đó cha mẹ sẽ mang tiếng bức tử con. Thà cha mẹ cùng chết với con cho xong, để tâm tư khỏi cắn rứt và bị người đời trách móc. Ôi nếu vậy thì gia đình mình thật vô phúc!”

Ông dừng lại một chút, như để cho Hồng ngấm, rồi nói tiếp: “Còn trường hợp thứ hai: là con sẽ trốn đi với thằng đó. Cha chỉ yêu cầu con đừng quay về dự đám tang cha, thế thôi”.

Bà Tứ và Hồng đều tái mặt! Ông Tứ đứng lên rút trong túi áo pizama đang mặc ra một lọ thuốc rầy, ngắm nghía một chút, rồi lắc đầu đi vào buồng…

Bà Tứ chạy theo, rối rít: “Ông đưa tôi!... Ông ơi!...” Ông Tứ quát to: “Mặc tôi!” Rồi khép cửa lại, nói nhỏ vào tai vợ: “Bà yên tâm. Luật Chúa không cho phép tự sát”.

 

Hai mươi năm sau…

Mặt trời lặn sau tu viện, chiều buồn chậm trôi theo tiếng kinh. Hồng quỳ dưới chân thập tự giá, nàng lần tràng hạt và cầu xin cho mẹ - bà đã mất cách đây 5 năm - “Xin mẹ tha tội cho con!” Nàng cầu xin cha - Ông đang ngồi gục trên chiếc ghế đá trước sân kia… - Chiều nào cũng thế, ông lặng lẽ đến, lặng lẽ cầu kinh, rồi lặng lẽ trở về. “Thôi cha về đi, trời sắp tối rồi! Xin cha tha tội cho con!”

Nàng cầu xin cho những đôi tình nhân dưới kia được mãi mãi bên nhau. Nàng cầu xin cho Tiến - mãi anh mới chịu lấy vợ. Những chiều chủ nhật anh thường đến đây, có khi với con gái nhỏ. Ôi đứa trẻ thơ ngây Thiên Thần! Cầu xin cho con sáng suốt, được hạnh phúc sau này. Nàng cầu xin cho mình đủ nghị lực và can đảm, cầu xin cho Tiến quên nàng…

 “Thôi anh đừng đến nữa, đừng quay quắt tìm em như thế, đừng nhìn em, em hiểu. Tuổi trẻ chúng ta tưởng sẽ chết nếu không được yêu, nhưng chúng ta vẫn sống - dù đau khổ. Chúng ta không dám chết như Roméo Juliet nên đành nuốt nước mắt xa nhau! Chúng ta đã quá ngu dại húc phải bức tường kiên cố. Giờ em quỳ trước-trái-tim-tường mà cầu xin. Ta vẫn luôn yêu nhau. Chúng ta vẫn thắng phải không anh?”

 

 

Hồng gạt lệ đứng lên, Chúa Jésus trên cao vẫn khóc thương cho tình yêu và đau khổ của thế gian./.



(1)  Bá: Bác gái  - tiếng địa phương ngoài Bắc, để phân biệt với bác trai.

(1)  Ý trong truyện Cha bác là anh của mẹ, gọi là bác và là Cha (linh mục).

(1)  Juda: Môn đồ thứ 13 đã bán Chúa.

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 1846
Ngày đăng: 01.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quê nhà , chiều 30… - Mang Viên Long
Bộ mặt thật - Huỳnh Văn Úc
Vầng trăng khuyết - Phan Bích Thủy
Nhà trên ao - Khôi Vũ
Ông chủ và con Yến Mã - Nguyễn Đình Phư
Khẩu phục - Lương Văn Chi
Tia nắng hắt lên vòm trời - Dương Phượng Toại
Trò khỉ - Minh Diện
Bán Khoán. - Phùng Thành Chủng
Người hóa hổ - Phan Đức Nam
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)