BỐN NGÀN NĂM TRƯỚC TRÊN MỘT NGỌN NÚI Ở PHÚ THỌ.
Một nhóm người thuộc bộ lạc Lạc Việt đang ngồi nướng thú rừng. Đàn ông đóng khố. Đàn bà cởi truồng. Thỉnh thoảng có người hót lên theo giọng của một con chim.
Đồng loạt nhóm người này đứng lên, mỗi người hót theo một giọng chim khác nhau. Tiếng chim là một thứ tiếng nói bổ sung trong ngôn ngữ hàng ngày còn rất ít vốn từ của họ.
Một cô gái trong nhóm tách ra, cô đi về phía rừng.
Cô gái quay trở lại. Cô đã biết che thân thể bằng lá. Tay cô ôm một rổ trứng khoảng 100 quả, vừa gà vừa vịt.
Mọi người xúm vào xem rổ trứng:
-Trứng ở đâu nhiều vậy?
Cô gái chỉ vào bụng mình:
-Tôi đẻ ra nó.
Mọi người:
-Mày là đứa ăn cắp.
Cô gái:
-Tôi không ăn cắp. Tôi đẻ ra nó.
Mọi người:
-Hãy chứng minh đi.
Cô gái chỉ vào mấy chiếc lá che chỗ kín:
-Tôi đã biết che nó lại.
Mọi người:
-Không ai che, sao mày lại che? Nó không chứng tỏ rằng mày đã đẻ.
Cô gái:
-Tôi đã chứng tỏ bằng sự xấu hổ.
Mọi người:
-Sinh đẻ là vinh dự của đàn bà. Sao lại xấu hổ?
Cô gái:
-Vì tôi không thụ thai bởi một người đàn ông.
Mọi người:
-Nó dâm loàn.
-Hãy đuổi nó ra khỏi bộ lạc.
-Hãy giết nó.
Cô gái:
-Tôi trinh trắng.
Mọi người:
-Điêu ngoa. Gái đĩ già mồm.
Đám đông xô cô gái ngã xuống vực sau khi đã giằng lấy rổ trứng khỏi tay cô ta.
Họ cùng bước ra khỏi sân khấu.
TRÊN CON ĐƯỜNG MÒN GIỮA RỪNG SƠN ĐỊNH, THUỘC HUYỆN LA HAI, TỈNH PHÚ YÊN NGÀY 15.4.1975.
Người lính du kích địa phương áp tải 4 tù binh thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đến một ngã ba, người du kích nói:
-Đi về phía tay phải.
Một tù binh lên tiếng:
-Lộn rồi, hướng tay trái mới về trại được.
Anh du kích quát:
-Tôi nói đi về hướng tay phải.
Tay anh ta lên đạn khẩu AK 47. Những người tù binh buộc phải rẽ hướng phải theo lệnh của anh du kích.
Họ đi được khoảng năm bước, bỗng anh du kích hét lên:
-Tụi mày bỏ trốn hả?
Cùng lúc tay anh ta bóp cò súng. Tiếng nổ đanh và khô. Bốn cái xác ngã vật xuống.
NĂM 2007.
Người du kích năm xưa giờ đã già. Ông ta ngồi uống rượu trong một quán nhỏ bằng lá được dựng ngay tại ngã ba, chỗ ông ta đã bắn bốn người lính của chế độ cũ. Ông ta nói một mình:
-Được cái này thì mất cái kia. Bởi thế tao chỉ lấy phần của tao. Phận của chúng mày như thế là tốt đẹp. Chúng mày cứ suy nghĩ kỹ đi có phải thế không?
|
NHÂN VẬT TÔI (đứng trong một cái lồng chim lớn ở một góc sân khấu, có thể kéo lên hoặc hạ xuống):
-Tôi đang sống trong một xã hội bị bằm nát bởi cái gọi là chủ nghĩa xã hội và hệ quả của cuộc chiến tranh 1954 -1975. Nhận biết tình trạng bị bằm nát này không phải đến từ một ý thức đối kháng mà bởi chính sự ngăn cách thực tế giữa tôi với thế giới chung quanh, giữa tôi với từng con người cụ thể, giữa những ý nghĩ và ý nghĩa của tôi và những người khác, giữa quá khứ và hiện tại, giữa các lối sống và nhận thức cuộc sống, giữa lịch sử cá nhân và lịch sử dân tộc. Đó là một cảm thức ly tán mà hướng quay về chỉ có thể là chính tôi, một định vị như một khả thể, vừa bấp bênh vừa xác tín.
Bấp bênh, bởi một cảm giác xao xuyến bất an. Một sự đe dọa hủy diệt thường trực có khi bóng gió có khi hữu hình. Một con cá nằm trên thớt.
Xác tín, bởi tôi thấy mình thật sự hiện hữu với niềm tin: Tôi vẫn là tôi.
Tôi vừa thấy mình ở trong, vừa thấy mình ở ngoài lịch sử. Đó không chỉ là lịch sử hình thành nên một dân tộc, lịch sử hình thành nên một nền văn hóa. Mà đó còn là lịch sử hình thành nên chính tôi. Cái lịch sử lúc nào tôi cũng muốn xóa bỏ. Cái lịch sử bị chia cắt, đứt đoạn không phải vì chiến tranh hay sự thống trị từ ngoài, mà bởi chính các nền văn hóa được áp đặt.
NHÂN VẬT TÔI mở cửa lồng chim bước ra, hắn nhìn đám người đang hót. Bất chợt hắn cũng chu mỏ hót. Tuy nhiên âm thanh từ miệng hắn phát ra không phải tiếng chim, cũng không phải tiếng người.
NHÂN VẬT TÔI quay trở lại vào lồng.
-Khi cuộc chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, cùng lúc với sự thống nhất về mặt địa lý của đất nước, một chia cắt khác mới thật sự bắt đầu. Nó làm hiển lộ sự khác biệt giữa tôi và các diễn biến của cuộc sống. Tôi nghĩ: Cái chết đã đến. Và tôi bị xóa bỏ. Tôi chỉ còn là một bóng ma. Cái bóng ma ấy cũng không bao giờ lành lặn. Chân bị vất dưới gầm giường. Hai tay bị xông khói trong gác bếp. Còn cái đầu lúc nào cũng ngong ngóng bên cửa sổ.
NHÂN VẬT TÔI ngồi xổm trên cái bồn cầu tiêu.
NHÂN VẬT TÔI đứng sát thành lồng.
-Năm 2000. Tôi trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi không thấy tổ tiên, nhưng tôi thấy dòng họ. Dù vậy, những người bà con không cho tôi thấy một mối tương quan nào giữa họ và tôi. Ngôi nhà xưa kia, nơi tôi đã sinh ra, đã có một gia đình khác ở. Tôi bước vào trong căn nhà ấy. Tôi không thấy bóng cha mẹ, anh em ruột thịt. Tôi cũng không cảm thấy đó đã từng là căn nhà của mình.
Sự xa lạ là cảm quan của một kinh nghiệm rất cá nhân, đồng thời là một biểu thức tất yếu của nhà văn. Nó là điều kiện cho sự khác biệt và độc lập của nhà văn. Tôi đã nghĩ thế và tôi trở thành nhà văn từ kinh nghiệm xa lạ đó. Và những gì được viết ra, theo những cách thức mà tôi nhận được từ bối cảnh cuộc sống chỉ là một lịch sử được sắp đặt theo cái cách riêng của tôi. Cái cách mà tôi nhận được từ chính cuộc sống: hỗn độn và chia cắt, phẳng và dẹt.
Câu chuyện hay tác phẩm, là một nỗ lực gắn kết theo một trật tự khác, nhằm đạt đến một thông suốt liên không gian, liên thời gian của tâm thức và những sự kiện tương quan.
Không thể nào hiểu được vũ trụ khi con người tư duy bằng suy tưởng của mặt đất. Tuy thế, tôi đã bẻ gập không gian và uốn cong thời gian thành một vòng tròn, tạo nên những va đập lịch sử. Những cơ hội sát sườn. Những số phận chồng lấn. Và đó là thiết kế bố cục tác phẩm của tôi. Không có khởi đầu cũng như không có kết thúc. Diễn biến cuộc sống con người không phải là một đường thẳng đi từ quá khứ đến hiện tại rồi tương lai. Giữa cái thường hằng và bất định là một nếp gấp của huệ nhãn vô ngại. Người ta hoàn toàn có thể đi trên nếp gấp ấy để thấy được thời gian không bao giờ là một đường thẳng.
Tiếng nổ làm NHÂN VẬT TÔI đau nhói, hắn ôm ngực.
Sau đó, NHÂN VẬT TÔI bước ra khỏi lồng, hắn đi một vòng quanh cái lồng và xăm xoi những chấn song bằng tre. Sau đó hắn ngồi bệt xuống, lưng dựa vào cái lồng.
-Tôi đã nghe thấy tiếng súng từ khi còn là một đứa bé. Vào một buổi tối năm 1961, những người từ trong rừng ra lôi cậu tôi đến giữa sân trường học và bắn, dưới ánh sáng của một cây đèn bão. Tôi không biết phải nói cậu tôi là một anh hùng hay một tên phản quốc. Nhưng nhìn thái độ của cậu, tôi biết rằng cậu tôi đã sống đúng và chết không hổ thẹn. Cả nhà tôi không ai dám khóc. Chúng tôi chôn cậu ngay trong đêm đó. Rồi rời bỏ ngôi làng. Chúng tôi trôi dạt về thành phố và nhai kẹo cao su khi bố tôi đi làm sở Mỹ.
Tôi biết không gian có nhiều nếp gấp và tôi hoàn toàn có thể nhảy từ nếp gấp này sang một nếp gấp khác. Và tôi không đếm thời gian theo cái cách của một đồng hồ cát. Bởi vậy tôi có thể nhìn thấy lịch sử mịt mù trong những thời điểm khác nhau mà không phải tuân theo một thứ tự nào. Cái nhìn ấy cho phép tôi thấu hiểu lịch sử một cách sâu sắc hơn. Và nó cũng cho phép tôi dựng nên những lịch sử khác. Song song và bù đắp cho nhau. Và hiểu một cách nào đó, tất cả những lịch sử ấy đều thật. Cũng như hoàn toàn không có một thế giới văn chương gọi là hư cấu. Sự tồn tại của những sự thật khác ấy có thể gọi là gì?
Cần phải có một “trường” khác cho sự đi lại của tinh thần cũng như vật chất trên các nếp gấp của không gian và thời gian, tôi nghĩ thế.
NHÂN VẬT TÔI chõ mõm sang người đàn ông đang uống rượu:
-Tôi nghĩ đó là những bước sóng. Ông thử nhìn lại sau lưng ông xem.
|