Người con gái Việt Nam
Trên đại lộ Sri Ayutthaya, Bangkok
Em đứng đó một mình ôm mặt khóc
Như chợt nhớ ra đây không phải Sài Gòn
Mái tóc thu buồn
Mái tóc héo hon
Bay phơ phất giữa phố phường xa lạ
Mười sáu tuổi kiếp giang hồ chung chạ
Trôi lang thang như những bọt bèo
Ðất nước nghèo không giữ nổi chân em
Nên xứ người em làm thân gái khách
Tuổi của em như sao mai mới mọc
Ðẹp vô tư như những cánh lan rừng
Tuổi bắt đầu của một mùa xuân
Có hoa bướm tung tăng
Có một chút tình yêu nhẹ nhàng thơ mộng
Lẽ ra ngày này em đang ngồi trong lớp học
Học làm người phụ nữ Việt Nam
Học chuyện thêu thùa may vá trông con
Học cả chuyện yêu đương
Ðẹp như trăng khi tròn khi khuyết
Bỗng dưng hôm nay em mất hết
Mất cả tuổi thơ mất cả cuộc đời
Bangkok chiều nay mưa lất phất rơi
Có làm em nhớ Sài Gòn mưa tháng sáu
Nhớ con hẻm vào nhà em
Dường như lúc nào cũng tối
Nhớ mẹ già đôi mắt dõi mù tăm
Nhớ đám em thơ đang đứng mỏi mòn trông
Tin của chị từ phương nào biền biệt
Còn ở đấy cả một trời thương tiếc
Như ngàn năm mây trắng vẫn còn bay
Nhìn sông Chao Phraya nước đục chiều nay
Có làm em nhớ đến sông Nhà Bè
Nhớ những con lạch nhỏ
Ðầy những rong rêu rác rưới
Cống rãnh gập ghềnh
Nước vẫn một màu đen nhưng là nước của em
Sẽ không thể nào đen như thế mãi
Khi cố bập bẹ vài ba tiếng Thái
Có làm em nhớ thuở lên năm
Ba bảo em đánh vần hai chữ Việt Nam
Em cố gắng năm lần bảy lượt
Nhưng cuối cùng dù sao em nói được
Mẹ thưởng em bằng những chiếc hôn nồng
Ba mỉm cười hy vọng chảy mênh mông
Ánh lửa tương lai đã bắt đầu nhen nhúm
Ánh lửa ngày xưa
Cho ngày mai tươi sáng
Ðã tàn đi theo giông bão cuộc đời
Sau những lúc đau thương da thịt rã rời
Em có khóc một mình trong bóng tối
Mỗi giọt lệ sẽ mang màu sám hối
Mỗi lời rên chôn giấu những ăn năn
Tóc thu buồn như những sợi oan khiên
Trói lấy cuộc đời em nghiệt ngã
Về đâu em chiều nay trên đất lạ
Về đâu em mưa gió phủ đầy sông
Người con gái Việt Nam trên đại lộ Sri Ayutthaya
Ðang nhắm mắt nhìn đời trôi vô tận
Lịch sử Việt Nam
Vinh nhục thăng trầm bao nhiêu bận
Nhưng chưa bao giờ đen tối hơn hôm nay
Ông cha ta có khi phải xuống biển tìm ngọc trai
Lên non tìm ngà voi trầm hương châu báu
Có những lúc cả giòng sông thấm máu
Có nhiều khi xương trắng gởi rừng sâu
Nhưng chưa một lần trong bốn ngàn năm
Có những cô gái Việt Nam
Phải sang xứ người bán thân nuôi miệng
Tủi nhục nầy không bao giờ rửa sạch
Nỗi đau nầy không phải của riêng em
Mà của mọi người còn một chút lương tâm
Và còn biết thế nào là quốc nhục
Ðêm nay anh viết nốt bài thơ
Dẫu biết chẳng thể nào tới tay em được
Thơ của anh
Tâm sự của một người anh nhu nhược
Giữa muôn vạn khổ đau chỉ biết đứng nhìn
Lơ láo giữa chợ đời
Vết thương nặng trong tim
Anh vẫn ung dung như người khách lạ
Nước Mỹ ấm no làm anh quên tất cả
Quên bảy chục triệu đồng bào đang cảnh lầm than
Quên đám em thơ lưu lạc bốn phương ngàn
Quên cả chính anh với những đau thương thời thơ ấu
Ngày anh đi mang hờn căm nung nấu
Hẹn non sông một sớm sẽ quay về
Ðem thanh bình gieo rắc vạn trời quê
Ðem mạch sống ươm trên từng nắm đất
Giấc mộng ngày xưa
Dù anh không còn muốn nhắc
Vẫn lạnh lùng sống lại giữa đêm mơ
Anh đang khóc một mình
Hay đang khóc trong thơ
Không, chỉ hạt bụi vừa rơi vào trong mắt
Hạt bụi đó chính là đời em đã mất
[ Trần Trung Đạo ]
Những ngày cuối năm, trong khi bên ngoài là một màu xám cô quánh, đông đặc, giá buốt, thì những câu thơ xé lòng “ Người Con Gái Trên Đại Lộ Sri Ayutthaya” đã cắn phập vào trái tim tôi, nó khiến tôi chới với, ngoài ra nó còn gieo trong lòng tôi một nỗi buồn âm u, để rồi suốt cả tuần lễ sau đó, mỗi khi nghĩ tới, tôi cứ bâng khuâng…Vốn là đàn bà nhạy cảm, tôi dễ dàng hiểu được những cảnh ngộ buồn vui quanh mình. Huống chi, hình ảnh các cô đáng lẽ phải là những hình ảnh bé bỏng, hồn như trang giấy mới đang phơi phới hồn nhiên với những hoài bảo đẹp ở chỗ trú ẩn an toàn cho cuộc đời con gái - Chứ làm sao có thể tin các cô lại đồng tình ra xứ người để làm một nghề nhơ nhớp?
Tôi đọc bài thơ một lần nữa, những câu thơ tài tình vẽ ra trong đầu tôi nhiều cảm giác lãng đãng, nhục nhã, thống trách, đắng cay của những thân phận con gái VN đi làm đĩ ở nước ngoài. Nhưng hình như ông thi sĩ cũng chưa đủ can đảm viết hết những thực tế tàn nhẫn của cuộc đời của họ. Tuy ông có đau khổ tức tối, nhưng ông không vẽ lại đầy đủ những ánh mắt thảng thốt, chịu đựng của những đứa con gái mỏng manh còn in đậm nét ngây thơ đồng ruộng VN khi họ bị lột trần truồng một cách thô bạo. Ông cũng chưa thể nào nói hết những chịu đựng cố tình cười cợt của những đứa con gái VN khi họ bị những thằng đàn ông hôi hám, ham hố, đè nghiến ra vồ vập. Chưa kể lại những chịu đựng giả đò rên la thống khoái đĩ thỏa của những thiếu nữ VN khi họ chỉ muốn vừa lòng những thằng bản xứ mua dâm!... Rồi tôi lẩn thẩn buồn bã tự hỏi, trong đám con gái VN đó, có đứa nào là con cháu tôi không? Có đứa nào là con cháu của những người bạn nghèo khổ của tôi không? Có đứa nào là con cháu của những đồng đội bất hạnh của chồng tôi không? Nhưng có một điều tôi biết chắc chắn là những đứa con gái đó, không có đứa nào có cha mẹ là những kẻ xu thời, hãnh tiến, đầy uy quyền, thời cơ, cậy thế, đang thống lãnh một đất nước mà mọi người đều quay cuồng, điên đảo, mê sảng vì tiền. Một đất nước, bây giờ mọi giá trị đều bị lộn nhào xuống hết.
Một bài viết thật cay đắng của Đông Bàn đăng trên báo Người Việt càng làm tôi nghẹn cứng trong cổ họng khi ông kể lại cảnh ông chứng kiến cả một khu phố ăn chơi trên thủ đô Kuala Lumpur với dầy đặc những đứa con gái khắp cùng ngõ ngách… Càng lội sâu vào thế giới trần trụi này… Ông càng phải đau lòng thở than: “Con gái Việt Nam không đó !” Lời xác nhận của người phóng viên này như ghi thêm một thực trạng con gái nước tôi đi làm đĩ khắp các xứ. Tin tức tuy không còn chấn động như thời gian đầu tiên lúc các báo ngoại quốc đưa tin, nhưng cũng khiến những người còn lương tâm xốn xang, não lòng. Ông Trần Trung Đạo không phẫn uất gọi đó là quốc nhục thì gọi là gì?
Trong khi chờ đợi cách giải quyết trừ dứt căn [ ? ] của nhà cầm quyền về vấn đề mãi dâm đang lan rộng này. Tôi muốn chúng ta thẳng thắn với tâm tình “ Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” Chính vì vậy, cách đây vài tháng, trong mục tạp ghi, tôi có viết lại một câu chuyện thật, rất thật và đang thịnh hành như một cái “ Mốt ” trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Đó là phong trào “ Qúy ông về Việt Nam cặp bồ nhí” với 1001 lý do mà bao nhiêu cái xấu, cái dở - bây giờ đều đổ lên đầu những người vợ đã vắt kiệt một thời xuân sắc cho chồng.
Hoàn cảnh này, có lần trớ trêu rơi trong gia đình một người bạn thân của tôi: Sau khi về quê hương thăm gia đình, họ hàng. Chồng người bạn tôi đi du hí môt vòng cho biết của lạ, sự đời. Trong dịp này, ông gặp một cô gái thật trẻ đáng tuổi con mình. Dĩ nhiên hai người thắm thiết với nhau. Cho đến một ngày, ông té ngữa, vì đứa con gái đáng tuổi con ông đó, thường lên giường, xuống chiếu bày những trò cụp lạc với ông đó, chính là con ruột của người vợ trước! Ông thất thểu, xấu hổ trở về Mỹ. Người vợ đón ông với tờ đơn ly dị kèm sẳn tấm giấy lịnh toà án bảo vệ quyền lợi, tài sản cho người đàn bà tội nghiệp này.
Những tiếng kêu thống thiết trong những bài thơ, trong những bài viết nói về những cảnh đời cùng đường, tuyệt vọng của những đứa con gái VN bán thân xác của mình, khắp nơi, có đánh động lòng trắc ẩn, nỗi ưu tư của một số qúy ông không? Có khiến qúy ông đôi lần ngỡ ngàng, tự vấn lại lòng mình rồi áy náy không?
Tôi nhớ bà nhà văn Lệ Hằng đã xếp loại một số nhiều “ Qúy ông” như sau. Đại khái có 3 loại người bà thường gặp, và nhan nhản trong xã hội:
Đàn ông thường họ đạp lẫn nhau, hầm hè lẫn nhau vì chút danh. Đôi khi còn tàn sát nhau không từ bất cứ thủ đoạn nào để đoạt quyền và vơ hốt tiền bạc.
Có một loại đàn ông, khi những ông này thường xuyên gặp thất bại, bị xô ngã, bị đạp…Họ biến thành những con người bất mãn kinh niên, những người này thường ngồi chửi đổng ở góc quán, ngồi nghiến răng ở xó nhà.
Hạng đàn ông khi vơ được chút tiền, cái bụng to ra… Khi thừa mỡ bụng, bắt đầu rửng mỡ óc, đi kiếm bồ nhí, mắt long lên tìm của lạ!
Có lẽ có một số qúy ông đọc, sẽ la hoảng lên. Làm sao được, dù biết nói sự thật sẽ làm phiền lòng nhiều người. Khi chính một số qúy ông đã phết thêm những mảng màu ảm đạm lên bức tranh đen tối của xã hội VN. Khi chính một số qúy ông tiếp tay phá nát cương thường đạo lý./.
[ Hầm Nắng, tháng Giêng năm 2010 ]