1
Đàn chim lá rụng từ trong Đức Hòa, Đức Huệ bay ra ăn lúa mỗi ngày, làm ông Tư Hảo rất lấy làm phiền lòng. Loài chim đến lạ, hàng ngàn con đang bay, hễ thấy khoảng lúa chín vừa ăn là chúng thả mình rơi từ trên trời xuống lá vàng rụng. Cỡ hàng ngàn công đất, chúng chén vèo trong một buổi là hết. Những con chim lớn hơn chim sẻ một chút, lông màu vàng, ức màu vàng tươi, tiếng kêu vui tai, không hề biết sợ tiếng la hét, tiếng gõ thùng thiếc, đến cả liệng đất cũng chẳng thèm bay. Khi nắng lên, khoảng chín, mười giờ sáng, chúng bay ra ăn lúa, nghỉ trưa ở đây, chiều mát lại bay về rốn Đồng Tháp Mười.
Ông Tư Hảo nghe đàn chim ríu rít kêu xung quanh trong một cảm giác vừa lâng lâng như đang nghe một bản hòa tấu tuyệt vời, vừa bực bội chỉ vì một chút xíu nữa thôi, khoảnh lúa ông đã nhờ bà con cày cấy giùm và ông cũng tính nhờ bà con cắt về để đóng góp cho kháng chiến, sẽ bay mất bởi lũ chim trời hiền lành này. Bất giác, ông với tay lấy chiếc đàn măng-đô-lin treo trên vách lá, như muốn tấu lên một bản nhạc quen thuộc, phần để giải cơn bực bội, phần vì tiếng chim ríu rít lại gợi hứng âm nhạc trong hồn ông. Bằng một động tác quen thuộc, ông Tư Hảo dùng miếng gảy, phẩy một nhát thử dây. Tiếng nhạc phát ra đanh sắc, chát chúa. Kỳ lạ sao, tiếng nhạc ấy đã làm bầy chim lá rụng giật mình, kêu chi chít, rần rật vút bay lên. Mắt ông Tư Hảo sáng ngời. Ông cầm chiếc đàn chạy ra sân, phẩy liên tục vào tám sợi dây đàn. Đàn chim kêu nhau, nhập thành đàn, bay thẳng.
Ông Tư Hảo không ngờ, bỗng dưng mình lại sáng chế ra một loại vũ khí đuổi chim tuyệt vời như vậy. Ông già Ba Tri, người bạn có nhiều kinh nghiệm làm nông, hồi còn sống, một lần đã chỉ cho ông cách đuổi chim bằng cục hoét. Đó là một dụng cụ làm bằng đất sét, dùi năm, sáu lỗ như lỗ ống quyển ở phía đầu; phía đuôi gắn hai, ba đọt đế, móc nó vào cần dây như cần câu để vụt đuổi chim bằng âm thanh hoét... hoét... phát ra. Nhưng ông ngồi một chỗ, cũng chưa kịp nhờ bà con làm theo cách đó thì bỗng phát hiện ra cách đuổi chim mới. Chiếc đàn măng-đô-lin, một kỷ vật gắn bó với ông như một người bạn tri âm, đã từng trải qua sống chết, cùng với ông tham gia phục vụ văn nghệ kháng chiến, được bà con và du kích quí mến, giờ đây, bỗng nhiên lại có thêm một chức năng mới. Ông Tư Hảo trầm ngâm nhớ lại...
... Mấy năm trước, một lần nhạc sĩ Hoàng Việt trên đường công tác có ghé qua nhà ông. Nhạc sĩ đã làm ông say mê bởi đôi tay như có thần và bởi tiếng đàn qua các bản nhạc ngoại như: Grê-na-đa, Ma-ri-nen-la, Cô gái Phù Tang... và các bản nhạc kháng chiến như: Nhạc rừng, Lá xanh, Một chiều trên kênh Nguyễn Văn Tiếp... Ông Tư Hảo càng như bị hút hồn khi nghe nhạc sĩ vừa đàn vừa phân tích hai bài hát phát trên đài Pháp Á của Phạm Duy là: Em mừng Việt Bắc và Tiếng đàn tôi.
Khi chia tay, nhạc sĩ đã tặng ông chiếc đàn măngđô- lin ấy. Ông như nằm mơ, vừa mừng vừa xúc động, không cầm được nước mắt.
Có chiếc đàn, ông Tư Hảo mày mò đàn theo những gì mà nhạc sĩ bày cho. Thế rồi, ông chơi được tất cả những bản nhạc mà nhạc sĩ đã chỉ. Ông tập thêm những bản nhạc khác như: Sở Thượng Giang, Tầm Vu, Tiểu đoàn 307... Nhà của ông trở thành điểm hò hát, văn nghệ của cả một vùng kháng chiến.
Có một người, lớn hơn ông Tư Hảo khoảng mười tuổi, được mệnh danh là ông già Ba Tri, trốn thuế Pháp vào đồng Láng Biển, chuyên ca Lưu Bình Kim và chơi đàn bầu, nghe tiếng đàn của ông cũng lần mò tìm đến. Ông già Ba Tri vác chiếc đờn làm bằng cây đủng đỉnh móc ruột, bầu làm bằng trái dừa điếc, lặn lội ra tận nhà ông Tư Hảo. Rồi hai ông tự phát lập thành một ban nhạc, tự sáng tác các bài ca chống Pháp, than thời thế, than đời... để phục vụ bà con xóm làng và anh em du kích.
Lần đó, hai ông đang say sưa chơi đàn thì pháo giặc Pháp bất ngờ ập xuống. Ông già Ba Tri trúng miểng, gục tại chỗ. Ông chỉ kịp ngước mắt nhìn chiếc đờn bầu như có ý di chúc lại với ông Tư Hảo rằng hãy ráng giữ lấy nó, rồi tắt thở. Ông Tư Hảo bị thương nặng ở chân. Chiếc đàn măng-đô-lin cũng bị miểng, bể mất một chỗ nơi hộp đàn.
Từ đó, ông Tư Hảo mất một người bạn tri âm và mất một cái chân, nhưng lại có trong tay hai chiếc đàn. Ông tập chơi thêm đờn bầu mỗi ngày, tiếng đờn của ông càng ngọt càng khắc khoải. Và ông lại tiếp tục dùng tiếng đàn để làm vui xóm ấp, làm vui cuộc kháng chiến từ dạo đó đến bây giờ...
... Khi đàn chim lá rụng bay đi, ông Tư Hảo bỗng nhiên thấy lòng trống trải. Ôi, ước chi đàn chim không ăn lúa mà chỉ ăn sâu bọ! Ông da diết nhớ Ông già Ba Tri. Tiếng đàn của ông lại vẳng lên trong nắng mai dát vàng trên thảm lúa...
2
Đã lâu lắm, đàn chim lá rụng không bay về nữa. Có lẽ chúng không chịu nổi cái khối lượng bom đạn, khói lửa mà đế quốc Mỹ ngày đêm đổ xuống mảnh đất này.
Bỗng đâu, sáng hôm nay, từ trong rốn Đồng Tháp Mười hay từ một phương trời nào đó, đàn chim hàng ngàn con bay tới, lả tả rụng như lá vàng xuống khoảnh ruộng quanh nhà ông Tư Hảo. Mừng quá, ông không nỡ đuổi ngay đàn chim bằng tiếng đàn măng-đô-lin như dạo nào. Ông thấy thương đàn chim trời phiêu bạt vì chiến tranh, bom đạn. Bất giác, ông với lấy chiếc đàn bầu, lẫy lên từng tiếng ngọt ngào như để hòa vào tiếng ríu rít của đàn chim. Ông thả tâm hồn mình vào tiếng nhạc lòng hòa với tiếng nhạc của đất trời đang bay mênh mang trong nắng sớm. Bỗng, từng tràng súng liên thanh xối xả đổ xuống khoảnh ruộng, nơi đàn chim lá rụng đang ăn, làm chúng táo tác bay từng nhóm về miệt đồng xa, không kịp nhập lại thành đàn. Khi đàn chim đã bay xa, ông Tư Hảo nghe thấy tiếng quát tháo, sục sạo của tụi đi càn đang ập về phía nhà ông. Một tốp vừa Mỹ vừa ngụy, súng lăm lăm xộc vào. Chúng bảo nhà ông là cơ sở của Việt cộng, bắt ông chỉ trảngxê của chỉ huy. Ông trả lời không biết. Chúng trói ông vào gốc tầm giuộc rồi đập tan hai chiếc đàn. Ông Tư Hảo đau đớn thét lên, chửi vào mặt bọn ác ôn, khi chứng kiến hai thứ báu vật tan tành trước mắt. Chúng bảo tiếng đàn của ông là tín hiệu hoạt động của Việt cộng. Sau một hồi lùng sục, không tìm thấy gì, khi rút đi, tên chỉ huy gí súng bắn nát cái chân còn lại của ông Tư Hảo.
Sau một thời gian được bà con và du kích cứu chữa, khi trở về nhà, ông Tư Hảo thấy buồn thúi ruột, Ông không buồn vì không còn hai chân mà sầu vì không còn hai chiếc đàn báu vật. Sáng nào, ông cũng ngồi nhìn ra khung trời nắng và lòng bỗng nhớ da diết đàn chim lá rụng.
Như một đức tin, ngày nào ông Tư Hảo cũng ngồi chờ đàn chim trở về, cứ như vậy, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng...
... Giải phóng được mấy tháng thì ông Tư Hảo nhận được món quà mà ông sung sướng trào nước mắt. Ông không hiểu do đâu và từ đâu mà Hội Nhạc sĩ thành phố lại gửi tặng mình một lúc cả hai chiếc đàn “ruột“ như vậy. Trong khi cái thủ tục xét cho ông có được là thương binh hay không còn trầy trật, thì món quà này như một liều thần dược giúp ông xăng xái trở lại với cuộc đời mới. Tiếng đàn của ông lại vang lên. Đêm nào nhà ông cũng trở thành một tụ điểm văn nghệ.
Đến kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng năm đó, trên sân khấu rạp hát Cửu Long, ông Tư Hảo, một nghệ sĩ tóc bạc phơ phơ, cụt cả hai chân, đã diễn tấu xuất sắc bằng đàn măng-đô-lin bản nhạc Lá xanh và bằng đờn bầu bản nhạc dân ca Lưu Bình Kim (Lưu thủy - Bình bán văn - Kim tiền).
Ông cảm thấy chưa bao giờ mình chơi hứng như hôm đó. Ông ngỡ, bên cạnh ông lúc ấy, có cả nhạc sĩ Hoàng Việt, có cả Ông già Ba Tri đang cùng biểu diễn.
Phần thưởng mang về, ông chia cho bà con lối xóm mỗi người một thứ. Ông chỉ giữ cho mình bức chân dung Bác Hồ. Ông nghĩ, đời ông được như hôm nay, trước hết là nhờ có Ông Cụ.
Những năm tháng hạnh phúc thực sự của ông Tư Hảo thật ngắn ngủi. Chưa đến kỳ hội diễn sau thì ông đổ bệnh nặng rồi qua đời. Ông trút hơi thở cuối cùng trong một buổi sáng nắng vàng châu thổ.
Lạ lùng sao, hôm ấy, có một đàn chim lá rụng, tưởng như không còn tồn tại ở đất này, bỗng đâu ríu rít bay về. Chúng rụng xuống khoảnh ruộng xung quanh nhà ông Tư Hảo lả tả như những cánh lá vàng. Rồi từ đó, như là những sứ giả của đất trời, chúng cất lên bản hòa tấu thanh khiết và hồn hậu để vĩnh biệt người nghệ sĩ đã gắn bó suốt đời với ruộng vườn, với quê hương, với cuộc kháng chiến...
11-1990
T.S