Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.272
123.156.573
 
Vọng phu
Nguyễn Đình Phư

Bỗng dưng dãy phố nơi tôi sống trở thành những galery tranh vẽ, tranh chép,… thôi thì đủ loại. Đầu tiên là ông họa sĩ già đến gõ cửa xin phép được ngồi trước hiên nhà để vẽ. Vợ chồng tôi làm công chức nên chẳng buôn bán gì. Vài tuần sau ông đặt vấn đề thuê luôn phần mặt tiền phía dưới làm nơi bán tranh và tiếp thị. Bà xã tôi khỏi phải nói, mừng hết biết, vì lương tháng của hai vợ chồng ba cọc ba đồng không đủ ăn mà còn phải nuôi hai sắp nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, mỗi ngày hết học chính khóa lại phải học thêm… thôi thì đủ thứ. Vậy là phải thu xếp, cái gì cũng phải thu nhỏ lại. Đến cái ghế đẩu dùng để ngồi cũng buộc phải thay bằng cái ghế cỏn con cho tiện sắp xếp khi đứng dậy. Nhưng được cái vui… giờ đi đâu người ta cũng biết nơi tôi ở là “Phố tranh”. Mỗi đêm ngủ dậy, ngoài phố lại mọc lên vài cửa hàng, nhanh hơn cả nấm mùa xuân.

 

Người họa sĩ già đã có một thời chinh chiến. Ông tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội trong những năm đầy khói lửa đạn bom. Ông theo bộ đội xuyên qua những cánh rừng, những trảng cát dài để vẽ hàng trăm bức “ ký họa”. Thỉnh thoảng tôi lại thấy ông trầm ngâm giở những bức tranh thời trận mạc ra xem. Trong số đó có mấy ký họa về một nữ bác sĩ ở bệnh viện dã chiến. Người đó là vợ ông. Bà đã hy sinh trong một trận bom B52 vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.  Ông không tái hôn mà ở vậy. Ông vẫn sống một mình đơn côi … và chờ đợi.

 

*

 

Có một lần, tôi được ngồi hầu trà và xem ông vẽ. Những nét bút nhanh, chậm thất thường trong tiếng kể đều đều của ông:

Tôi vẫn thường vượt qua con suối cạn mà mọi người gọi nó là “Suối Giải oan” để lên viếng cảnh chùa. Ngôi chùa trên đỉnh núi cao nên bề ngoài nhìn thật ngạo nghễ, nhưng khi vào đến Điện thờ thì một không khí tĩnh mặc tâm linh trùm kín cả không gian. Còn ngoài kia, những hàng đại cổ thụ và những lùm cây xum xuê luôn xanh tốt. Sau hàng cây kia là một khoảng đất rộng, nơi sư chùa vẫn trồng rau và hoa. Nghe nói ngày xưa, nơi đây cây cối um tùm, chim muông nhiều vô kể. Người ta bắt gặp cả hổ báo và trăn, … những con vật ấy bây giờ có đốt đuốc tìm thì vẫn chẳng thể nào thấy được! Đã thành thông lệ, hễ mỗi dịp vãn cảnh chùa là tôi lại ra ngắm nhìn muôn hoa đua sắc, nghe tiếng chim hót và… ở đấy còn có một cặp rắn đầu vuông, mào đỏ chót như mào gà. Tôi đã đi nhiều nơi, vào nhiều vườn bách thú nhưng chưa nơi nào thấy loài rắn đẹp đến lạ. Thân rắn đầy khoang rực rỡ màu sắc, nhưng đặc biệt nhất vẫn là cái mào đỏ như mào gà chọi. Nhiều người nói rằng cái mào đỏ kia là da đã hóa sừng. Cái màu đỏ ấy cứ là đỏ muôn năm, chẳng thể nào phai được. Mỗi lần cặp rắn đùa giỡn là một lần tha hồ chiêm ngưỡng những màn múa biểu diễn. Hai cái đầu, một thấp, một cao cứ nhấp nhô mời gọi. Lắm lúc thỏa chí, chúng bật mình ngẩng cao đầu tựa như đi bằng chân vậy. Vũ điệu rắn! Vâng có thể nói rằng vũ điệu thật đẹp và bền chặt kéo dài theo bao nhiêu năm tháng đã qua. Từ lâu lắm rồi, khi tôi là một cậu bé đen nhẻm chăn trâu và thường ngồi ngắm vũ điệu này không biết chán. Tới tận bây giờ, khi mái đầu đã hoa râm, mỗi khi có dịp về quê là tôi lại lên chùa. Trước là viếng cảnh, thăm Sư trụ trì và cuối cùng thế nào cũng ra vườn sau để ngắm vũ điệu rắn mào đỏ. Thủy chung đến thế là cùng! Đã bao nhiêu năm tháng qua đi, cặp rắn mào đỏ vẫn cứ quấn quýt lấy nhau không rời nửa thước. Lũ trẻ nghịch có tiếng nhưng hễ lên Chùa là bị Sư Thầy cảnh báo: “Không được nghịch phá cảnh chùa và không được săn bắt chim muông”. Dần dà lũ trẻ có thói quen hiền lành khi tới cửa chùa. Nhiều thế hệ trẻ nít đã lớn lên, trưởng thành rồi đi xa. Cũng như tôi thường về Xóm Chùa, thỉnh thoảng vẫn có những cô, những cậu trở về không chỉ một mình mà có cả người yêu, chồng hoặc vợ và con cái cùng về. Con người trở nên hiền lành hơn, thân thiện hơn ở nơi tràn đầy không khí tâm linh như thế. Những con chim, con rắn có lẽ vì vậy mà rất gần gũi thân thiện với con người. Lũ sóc còn chạy nhảy ngay bên cạnh bọn trẻ, nhiều khi chúng nhảy vào vai vào tay của du khách. Còn lũ khỉ thì khỏi bàn, cứ xem đây như là vương quốc riêng của chúng. Nếu bạn là người lần đầu tới viếng cảnh chùa và chìm đắm trong cảnh đẹp ấy là y như rằng lũ khỉ có thể với tay thuận đà lấy đi bất cứ món đồ gì mà bạn lơ đãng mang theo.

Chuyện chẳng lành xảy ra vào một mùa xuân cách ba bốn năm gì đó. Xóm Chùa trở nên náo nhiệt khi khách du lịch về nhiều. Dân Xóm Chùa vì vậy thu nhập cũng khá. Nhiều dịch vụ cho du khách ra đời một cách tự phát: gánh đồ, cõng người, bán nước, rồi … rượu, bia, ăn uống, ngủ nghỉ,v.v.. Để câu khách lên viếng cảnh Chùa, một nhóm người nảy ra ý tưởng bắt hai con rắn mào đỏ kia biểu diễn theo suất. Trong số khách vãng lai năm đó có một chàng thi sĩ họ trần. Thi sĩ thấy thằng bé bắt được con rắn mào đỏ thì sáp vào xem như bao người vậy. Nhưng khác người ta ở chỗ là ông mua con rắn, mua bằng một khoản tiền bằng hai tháng lương công nhân. Nhìn cái cử chỉ âu yếm con rắn khi thi sĩ là chủ nhân của nó mới thấy ông thật ngạo nghễ làm sao. Mọi người kêu lên:

-    Đưa về ngâm rượu làm thuốc đi!

-    Ấy chết. Rắn thiêng đấy. Phóng thích Ngài đi!

Một nhóm người bé tý chỉ vài chục mạng mà cũng phân thành hai nhóm kình địch nhau. Số mạng “con mào đỏ” giờ nằm trong tay thi sĩ. Một thoáng ý nghĩ xuất hiện trong đầu “ Ông thì thiếu gì thuốc bổ. Mục đích của ông khác cơ!”. Thi sĩ nhẹ nhàng thả con rắn mào đỏ và nói lớn:

-    Này, lần sau Ngài đừng dại mà để chúng bắt nữa nghe! Không có ai tử tế đâu, họ sẽ đem Ngài ngâm rượu đấy!

Con rắn mào đỏ được phóng thích thì vội vàng trườn nhanh trên cỏ và không quên gật đầu ba cái tạ ơn nhà từ tâm – thi sĩ họ trần. Nghe nói sau lần phóng thích con rắn mào đỏ, thi sĩ họ trần làm được nhiều bài thơ về núi, về mây và cả về chùa… Rồi ông nổi tiếng nhờ những bài bình về thơ thiền của các cô nàng nhà báo giàu trí tưởng tượng nhưng … nghèo.

Cũng từ dạo thằng bé bắt rắn bán lấy tiền, bọn trẻ con Xóm Chùa đã biết làm kinh tế. Chúng bắt chim bán “phóng sinh”. Bắt nhiều, bán nhiều rồi cũng hết. Nhiều đứa sáng tạo ra cả cách vặt lông cánh, khi chim được “phóng sinh” thì chúng chỉ bay được mươi mét là bổ nhào. Một con chim có khi quay vòng được vài chục lượt. Và đáng thương hơn cả là vợ chồng cặp rắn đầu vuông “mào đỏ”…

 

Xóm Chùa bổng trở nên nhộn nhịp bởi khách từ nhiều nơi đến tham quan, có cả Tây Đen, Tây Trắng,… và rồi người ở Thị xã về đầu tư đất đai, xây nhà nghỉ. Thằng Vy ở Xóm Chùa nhờ chuyển nhượng mấy lô đất dưới chân núi nên trở thành giàu có. Bản tính nhà quê vẫn không thể nào gột rữa được nơi hắn, mặc dù hắn sắm cả xe SH, điện thoại di động đời mới đắt tiền,… Nhưng căn nhà xập xệ của hắn vẫn cứ là xập xệ, thậm chí trong nhà hắn chẳng có nơi đi vệ sinh mà chỉ phóng uế bừa bãi trong ao vườn nhà hắn. Trong vườn nhà hắn có bốn năm ngôi mộ của ông bà cha mẹ. Người quê độc miệng nói rằng: “ Thằng Vy người không ra người, ma không ra ma!”, ngoài bản tính keo kiệt đến bần tiện, đua đòi của hắn, chắc có một phần cũng vì mấy ngôi mộ trong vườn nhà hắn. Người ta cũng gọi hắn là “ thằng rác rưỡi” chỉ vì cái tính hay nhặt nhạnh mọi thứ mà người ta vứt đi hoặc lơ đễnh bỏ quên. Hắn nhặt mọi thứ từ cái ghế hỏng,… đến tận cái quần lót người ta thải ra. Vy nhặt về, lo giặt giũ rồi mang phơi la liệt trong nhà ngoài ngõ nhà hắn. Căn nhà lợp mái lá cho mát là nơi trú ẩn lý tưởng của các loại côn trùng. Vy nhặt bất cứ con gì ngọ nguậy và bỏ vào chai lọ. Vì thế trong nhà Vy luôn có sẵn những hũ rượu ngâm đủ các sinh vật bé nhỏ: vài con bò cạp, con bổ củi, con tắc ké, con nhông dừa,v.v.. Hắn là người đau dạ dày kinh niên, nhiều đêm đau không ngủ được nên hắn suy tư nhiều việc. Hắn nghĩ tới chuyện tốt thì ít mà nghĩ về chuyện xấu thì nhiều. Hắn vẫn ao ước có một hũ rượu rắn – thứ mà người đời vẫn đồn rằng “ông uống ba khen”. Từ lâu, “thằng rác rưỡi” đã nghe người ta nói về việc mua bán rắn mào đỏ trên Chùa. Đầu óc hắn lóe lên ý nghĩ độc ác. Nghĩ là làm, một buổi sáng đẹp trời, “thằng rác rưỡi” đóng bộ quần áo Jeans rồi lên Chùa. Vì thế hôm đó cặp “mào đỏ” vừa xuất hiện gần đám đông thì bất ngờ con trước con sau trườn nhanh về dốc đá dựng đứng cheo leo. Thằng bé vẫn thường bắt rắn bán kiếm tiền chạy đón đầu … rồi rơi xuống khe núi trầy hết cả mình mẩy. Vy khích thằng bé: “ Chả lẽ chú em mà cũng đầu hàng à?”.

-    Chúng dở chứng, hôm nay chạy nhanh quá!

-    Anh ước muốn được chạm tay vào chúng xem sao.

-    Mai kia bắt được, em cho anh toại nguyện, dễ lắm.

-    Ngoéo tay nhé! Vy vừa đưa một tay ngoéo vừa móc túi thưởng thằng bé năm chục ngàn đồng.

Và rồi chẳng cần đợi lâu. Vì đã thường được cho ăn sau mỗi lần biểu diễn, đôi “mào đỏ” quen thói lười biếng kiếm ăn như muôn loài vật hoang dã. Chúng trở thành “những con rắn công nghiệp” rồi. Bây giờ chúng chỉ chờ được cho ăn sau mỗi lẫn biểu diễn. Cặp “ mào đỏ” chịu đói được vài ngày lại phải xuất hiện ở bãi cỏ sân Chùa. Chỉ cần bắt được con rắn đực là thằng bé lấy sợi dây trói chặt lại. Hắn chạy một mạch xuống núi. Tất cả khách du lịch vãn cảnh chùa chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao thì thằng bé đã biến mất. Tội nghiệp con rắn cái cứ thế lao theo. Tới nhà “ Rác rưỡi”, thằng nhỏ hớn hở: “ Anh thưởng cho em nhé!”. Vy sững người lại. Con rắn dễ đến bốn năm kilô mà nằm yên trên tay thằng bé. Nhưng chỉ là một chút sợ hãi thoáng qua, hắn thực hiện ngay âm mưu độc ác của mình. Khẽ chạm vào con rắn, như hắn đã ao ước với thằng bé và rồi nhanh như chớp, hắn giật phắt con “ mào đỏ”.

-    Bao nhiêu? Mắt hắn lóe lên như một tia chớp.

-    Hôm nọ anh cho em rồi mà.

-    Nhưng bây giờ tao mua hẳn. Nói rồi hắn rút tờ 200.000 đồng.

Mặc cho thằng nhỏ vật nài không chịu bán nhưng Vy vẫn thực hiện ý đồ của hắn. Con rắn đực bị trói chặt bằng sợi dây giờ lại bị “thằng rác rưỡi” quất cho một gậy thì đơ người ra, cũng chẳng thể nào dãy đành đạch được như họ hàng tổ tiên nhà rắn trước khi lâm chung. “Thằng rác rưỡi” cho con rắn vào lọ thủy tinh và chìa cái mào đỏ chót lên trên, rồi hắn vội vã đổ rượu ngập cả cái “mào đỏ”. Hắn bịt kín miệng rồi khệ nệ khiêng cái lọ để trên bộ sập giữa gian nhà. Bỗng dưng cái mào đỏ cựa quậy và ngẩng cao hơn như để ngắm nhìn nơi nó bị giam cầm. Ngoài kia, tội nghiệp cho con rắn cái! Nó luồn ra sau vườn và chui lên mái lá nhà. Nó quan sát hết mọi việc, nó cứ tin rằng con rắn đực vẫn sống, nhưng đang bị giam cầm. Nó cuộn mình nằm chờ hai ba ngày mà rắn đưc vẫn không ra. Lại đói quá! Phải kiếm ăn thôi, nhưng giờ nó không đi biểu diễn được nữa! Bãi cỏ sân Chùa giờ không còn vũ điệu rắn, không còn vui như ngày nào, cái cảnh hò reo của khách tứ xứ. Nếu “mào đỏ” là con người thì nó phải ân hận lắm. Chỉ vì ưa rong chơi, vì miếng ăn có sẵn mà ra nông nỗi này! Nó sẽ phải nghĩ về lời dặn của nhà thơ họ trần: “Không có ai tử tế đâu, họ sẽ đem Ngài ngâm rượu đấy! ”. Nhưng muộn rồi! Một sự chia ly trong gần gũi: hàng ngày con rắn cái vẫn đi kiếm ăn và đêm đến nó lại chui lên mái lá nhà để ngắm con rắn đực ngồi trong hũ rượu. Một hòn vọng phu có thật, bằng da bằng thịt của cặp rắn mào đỏ nơi Xóm Chùa.

Ngày lại ngày. Con rắn cái vẫn biến mình thành hòn vọng phu.

 

Tháng lại tháng. Con rắn cái vẫn biến mình thành hòn vọng phu.

Năm lại năm. Con rắn cái vẫn biến mình thành hòn vọng phu trên mái nhà.

“Thằng rác rưỡi” bị ốm một trận thập tử nhất sinh. Cũng may nhờ nó còn tiền bán lô đất mà thuốc thang rồi khỏe lại.

Ngày lại ngày. Tháng lại tháng. Năm lại thêm năm. Con rắn cái vẫn biến mình thành hòn vọng phu trên mái nhà. Nó nằm đó canh chừng và ngẫm nghĩ về mọi thứ.

Một buổi tối mưa lất phất. Mưa phùn đầu Xuân. Vẫn là trong tháng ăn chơi của thiên hạ sau Tết Nguyên Đán nên mọi người còn tụ tập lai rai. Thằng Vy kéo một lũ bạn trên phố về. Chúng mang sẵn đồ nhậu và bày biện ra cái chõng tre mốc xì. Chủ nhà bưng hũ rượu rắn mào đỏ đặt trịnh trọng và tuyên bố khai cuộc. Khi bàn tay hắn mở bung cái nắp hũ rượu thì nhanh như chớp, con mào đỏ cái lao từ trên mái nhà xuống. Cả lũ tán loạn, còn thằng Vy ngã sóng xoài. Khi chúng hoàn hồn thì hũ rượu đã bị bể tung, xác con mào đỏ cũng chẳng còn. Dân Xóm Chùa lại tụ tập và bán tán:

-    Không lẽ nào ngâm lâu như thế mà rắn vẫn còn sống?

-    Thế mới làrắn thần chứ! Phen này thằng Vy chết đến nơi rồi. Rắn là loài báo thù dai dẳng nhất đấy.

-    Xì! Rắn này hiền khô!

 

*

 

Người họa sĩ già ném cây bút vẽ xuống bàn và cười khà một tiếng: “Đấy! Chuyện về bức tranh này vậy đó!”.

 

Tôi vẫn ngây người ngồi xem ông vừa vẽ vừa kể chuyện. Chiếc lọ thủy tinh vỡ tung. Có cảm giác như hàng trăm mảnh lấp lóa bay lên. Rượu đổ lai láng cả cái chõng tre mốc xì. Một lũ - mặt chưa hoàn hồn vì khiếp sợ. Đôi rắn mào đỏ đang trườn mình ra khỏi rìa bức tranh …

Ngoài kia bầu trời như sà xuống thấp hơn. Những đám mây sũng nước. Bây giờ đang là mùa mưa phương Nam. Người họa sĩ già nhấp chén trà nóng tôi vừa mời ông. Đôi mắt ông ngấn lệ: “ Đời có biết bao nhiêu cảnh vọng phu! Nhưng thủy chung như cặp rắn này thì thật hiếm”.

Tôi tái tê nghĩ về ông – người họa sĩ già có khác gì con rắn mào đỏ kia? Ông vẫn say sưa nét cọ để ca ngợi vẻ đẹp của tự nhiên mà quên cả chính mình./.

 

Mùa mưa 2009

 

Nguyễn Đình Phư
Số lần đọc: 1993
Ngày đăng: 07.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mơ ước một mùa xuân - Trần Minh Nguyệt
Đời không là … - Nguyễn Minh Phúc
Đi qua thời thiếu nữ - Vân Hạ
Y tá xã - Đỗ Ngọc Thạch
Lụy chữ - Bạch Lê Quang
Chênh vênh vực thẳm - Dương Phượng Toại
Ngày không như mọi ngày - Khôi Vũ
Cà phê từng giọt - Nguyễn Đình Phư
Bà Tôi - Phùng Thành Chủng
Bức tường * - Phan Đức Nam
Cùng một tác giả
Con Lợn Bécgiê (truyện ngắn)
Cà phê từng giọt (truyện ngắn)
Vọng phu (truyện ngắn)
Bán danh (truyện ngắn)
Lãnh Tân Châu (truyện ngắn)
Hai Truyện ngắn mini (truyện ngắn)
Nợ đời (truyện ngắn)
Về Hưu (truyện ngắn)
Ông Năm Khướu (truyện ngắn)
Thành Viên Mới (truyện ngắn)