Cái lô cốt đã sập, nhưng bức tường bê tông thấp vẫn còn đứng để chứng tỏ rằng nó chính là cái lô cốt chứ không phải cái gì khác bởi những lỗ châu mai hình chữ nhật loe ra như cái phễu. Từ cuối dốc, trên đường đi học, năm tôi mười tuổi đã nhìn thấy cái dấu tích chễm chệ một thời của bọn Tây thuộc địa trên đỉnh đồi. Nhiều người bảo đi ngang đấy thường gặp ma. Tôi vốn rất sợ ma, nhưng mỗi lần đi qua không thể không nhìn vào những cái lỗ châu mai như những con mắt trợn trừng không có tròng đen với một ý nghĩ lạ lùng là những con mắt ấy sẽ khép lại. Cũng đôi khi tôi nghĩ biết đâu vẫn còn những thằng Tây trong lô cốt. Tuy chỉ cách mặt đường khoảng mười thước, nhưng chưa bao giờ tôi dám đến sát cái lô cốt ấy chứ đừng nói bước vào trong. Tôi thật sự tin có rất nhiều sự sống đang tồn tại bên ngoài và bên trong cái lô cốt, dù cây cỏ đã mọc tràn qua tạo cho nó một vẻ hoang phế nhỏ mọn.
Năm 1964, cả làng tôi phải bỏ mảnh đất quen thuộc để về thành phố tránh bom đạn. Cái bốt Tây cũ nằm trong vùng kiểm soát của quân giải phóng. Mãi đến năm 1986, tôi mới có dịp quay trở lại. Xóm làng xưa không còn một dấu tích nào dưới bóng những cây điều rậm rạp. Tôi không định vị được ngôi nhà cũ của mình cũng như cái lô cốt Tây mà người ta đã đập nát để kiếm sắt vụn. Nhưng chính lúc ấy tôi lại cảm thấy một cách thật nhất về huyền thoại của ông nội tôi với cái lô cốt Tây không còn thật kia.
Năm 1954, ông nội tôi đã đánh trận cuối cùng với bọn Tây ngay tại cái bốt ấy. Bố tôi kể, sau một tuần lễ vây hãm, tiểu đoàn 309 vẫn không sao san phẳng được cái bốt nằm trên đỉnh đồi án ngữ và kiểm soát con đường nối từ căn cứ địa xuống đồng bằng. Đạn từ những lỗ châu mai bắn ra như vãi trấu. Đã có bốn năm chục bộ đội tử thương sau nhiều lần xung phong mà cái lô cốt vẫn ngạo nghễ. Ban tham mưu đã cho làm cả những tấm chắn chống đạn bằng các thùng phuy cát để tiến lên nhưng đều bị đẩy lùi. Lúc ấy ông nội tôi hiến kế, chỉ có sự hy sinh cao cả mới có thể chặn đứng được hoả lực sau lỗ châu mai của bọn Tây. Đồng chí chính ủy hỏi: Chẳng phải chúng ta đang hy sinh đấy sao? Ông tôi nói: Nhưng chúng ta vẫn thiếu anh hùng để cho địch phải khiếp sợ. Đồng chí chính ủy sốt ruột bảo: Chúng tôi sẽ đưa đồng chí vào sử sách nếu đồng chí có thể lấp được lỗ châu mai của địch. Ông tôi hiên ngang nói: Tôi sẽ lấp lỗ châu mai mà không cần vào sử sách.
Ngày xưa, ông nội tôi đã từng lên núi Tà Lơn tầm sư học đạo. Trên cổ ông tôi lúc nào cũng đeo một cái bùa. Ông bảo chỉ cần tin rằng mình không chết thì không súng đạn nào có thể bắn thủng được. Khi vào bộ đội, để khỏi bị phê bình là mê tín, ông tôi đeo tấm bùa vào trong háng. Quả thật, ông tôi đã đánh hàng trăm trận mà không chết hay bị thương.
Trước giờ bước vào lịch sử, ông tôi được kết nạp đảng ngay tại mặt trận.
Đeo hai quả lựu đạn, ông tôi bò về phía lô cốt. Một toán đặc công yểm trợ bò phía sau. Hàng rào thứ nhất bị cắt. Đến lớp hàng rào thứ hai thì mìn nổ. Không hề hấn gì, ông tôi cẩn trọng và lặng lẽ lết tới. Khi có thể thò tay đút quả lựu đạn vào lỗ châu mai thì bất chợt một loạt đạn từ phía trong bắn ra. Ông tôi bị hất bật ngửa ra cách bức tường ba thước, nhưng vẫn chưa chết. Ông đứng lên xông tới, một loạt đạn khác vang lừng năm châu bốn biển, ông tôi ngã úp vào lỗ châu mai. Đạn bên trong tiếp tục bắn ra, máu thịt ông tôi tung tóe như một ngọn pháo bông trong đêm.
Để làm chứng tích cho một anh hùng, sau trận đánh oanh liệt ấy, người ta vẫn thấy bộ xương của ông tôi nằm vắt ngang lỗ châu mai.
Cho tới bây giờ, tôi vẫn thật sự tin ông tôi là một anh hùng như bao anh hùng khác không tiếc xương máu mình, nhưng tôi không khỏi tự hỏi làm thế nào mà xác ông tôi có thể lấp được lỗ châu mai, ngoại trừ trường hợp bọn lính Tây trong đồn hết đạn và ngoại trừ trường hợp bùa của ông tôi quả đã linh nghiệm, hay đó chỉ là số phận lịch sử mà ông tôi được an bài?
Cái lô cốt Tây không còn nữa, nhưng cái lỗ châu mai như con mắt trợn trừng vẫn mở, biết đâu bọn Tây vẫn còn trong đó. /.
3.6.2004