1. Cứ yên chí là ăn tết SàiGòn năm thứ 32.Không dự định.Không náo nức vì năm nào cũng vậy:Tết SàiGòn không giống Tết Huế hay Hà Nội.Nóng nực.Cộ xe và người với người…Bất ngờ một cú điện thoại bên kia đại dương gọi về: Anh L hả ?Năm ni anh về Huế ăn Tết nghe! Tôi như người từ trên trời rơi xuống: Có tiền mô mà đi! –Anh yên chí. Em đài thọ cho anh về Huế.-vậy thì anh cảm ơn em. Cũng ngót nghét 32 năm không gặp, không liên hệ vì mỗi người một phương.Đâu ngờ Loan có số điện thọai của tôi để gọi về và nhịp cầu tri kỷ được nối kết.
Thế là tôi hối hả mua vé tàu ngày mồng 3, toa 10, số gường nằm 18, ở trên tầng 3. Mười hai giờ hai mươi tàu chạy, tôi nằm yên như thế để trôi ra Huế lúc bảy giờ sáng ngày mồng bốn. Bước xuống ga gặp rét và mưa phùn.Tôi vào quán kêu 1 ly café ,một tô bún bò bỏ bụng. Sau đó gọi điện thọai cho đứa em ở làng Văn Hóa Ngọc Anh lên đón. Rất bồi hồi khi trở lại nơi chôn nhau cắt rún. Bà con, anh em gặp lại nhau cảm động khôn cùng.Ngày đầu tiên đến Huế là về thăm cậu, dì nơi quê ngoại.Thời nhỏ dại, cha mẹ tôi mất sớm, cậu, dì thường cơm đùm gạo bới đem lên. Bà ngoại thì là số một rồi, lúc nào cũng nhắc đến mẹ tôi và yêu thương cháu hết mực.Chừ ghé thăm và gửi một ít quà.Dì Quên, mợ Ngộ rưng rưng nước mắt. Suốt đời anh em tôi mang ơn bên ngoại .Món nợ tình này biết bao giờ trả hết.Vân Thê, Quê Ngoại tôi ơi !
2. Lên Trà Am thăm mộ mẹ cha mà chạnh lòng vì mấy mươi năm rồi vẫn còn mộ đất. Bảy anh em tôi như bảy nhánh sông trôi đi biền biệt trong khó nghèo. Năm nay hạ quyết tâm xây cho bằng được 2 ngôi mộ ấy.Và cũng thật cảm động khi nghe tin chị Ái Niệm từ Đà Nẵng bay ra xây mộ cho bà ngoại ( công việc này lý ra là của anh em tôi vì đây là mộ bà nội). Vậy là tháng giêng Canh Dần, chúng tôi đặt đá xây 3 ngôi mộ.-người ta bảo: Sống cái nhà, chết cái mồ. Mồ yên mả đẹp thế là vui, vì đời chúng tôi không lo được thì ăn nói làm với con cháu? Mỗi ngày làm được việc hiếu là tốt.Sau nầy mình ra sao thì cũng chẳng cần nghĩ đến.Nghe đứa em nói vùng này cũng bị quy hoạch, nhưng chắc cũng phải mất năm mười năm nữa.Tôi nói: Làm chi được cứ làm. Sau này ra sao hãy hay…
Trên mộ mẹ có ghi khắc một bài thơ của tôi. Làm thơ tình suốt cả đời,nhưng làm thơ cho mẹ chỉ đếm đầu ngón tay.Dù sao cũng trút được nỗi lòng của mình với mẹ: Con đi biền biệt xứ người/ Tóc xanh đã bạc rồi mẹ ơi/ Vẫn còn mắc nợ tao nôi/ Ngày xưa mẹ đã đứng ngồi ru con…Lời ru của mẹ đã quyện vào đời tôi nên dù đi qua giông bão cuộc đời, khi chìm khi nổi tôi vẫn vui vì nếu không thành công mình cũng đã thành nhân.Cảm ơn mẹ đã sinh ra con trên cõi dương thế này…
3. Buổi sáng bạn bè thời Trung học Nguyễn Tri Phương réo tôi liêntục qua điện thoại di động. Vậy là tôi đến quán Café Vô Thường.Ở đó có mặt mười mấy bạn, có thêm thầy Tuế ( thầy dạy Lý Hóa) Thầy đã 73 tuổi, tóc bạc trắng nhưng vóc dáng còn khỏe mạnh lạ thường .Thầy trò và bè bạn xiết tay nhau mừng vui ( nhất là tôi sau 42 năm mới gặp lại), Thầy Tuế nắm chặt tay tôi nói: Rất cảm ơn trời đất đã cho mình gặp lại nhau. Dạy lớp tứ A1 tôi nhớ Lnhiều nhất, biết tại răng không ? Vì hồi nớ em tặng tôi một bài thơ chép tay, tôi còn giữ đến giờ.Chữ viết bay bướm, cách trình bày đẹp mắt.Tôi rất cảm ơn thầy bởi thường thì học trò nhớ thầy chứ hiếm khi thầy nhớ trò. Ôi ! 42 năm biết bao vật đổi sao dời.
Vậy mà tình cảm thầy trò vẫn như xưa.Sau chầu café , Lộc xồi và Hiển cận mời hết thảy về nhà 2 bạn để lai rai .Rượu XO tràn trề. Bia lai láng. Mồi bao la.Cuộc nhậu kéo đến nửa chiều, vậy mà tôi không say kể cũng lạ.Phải chăng 42 năm xa cách đã dồn lại cho một ngày nồng ấm tình bè bạn. Phải chăng tết Huế se lạnh và mưa phùn lay phay, uống rượu sẽ ấm lại lòng đứa tha phương ?
Huế và tình người, tình bè bạn thời trung học không thể nào quên. Lúc này tôi lại nhớ Phượng-Phượng nhí đã qua Mỹ năm 75.Năm ngoái có về Huế thăm bạn bè và vào SàiGòn tìm tôi. Vẫn những chân tình xưa, Phượng bảo T.T.Thanh và tôi hãy lập nhóm cựu học sinh Nguyễn Tri Phương. Có cựu học sinh Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương tại sao không?
4. Buổi sáng, sau khi lót dạ bằng những tô Cơm Hến .Tôi mua một ít bánh qua nhà V.Tịnh ở đường Huỳnh Thúc Kháng thắp nhang cho chị Loan. Người chị thân tình năm 76 thường giúp đỡ vợ chồng tôi lúc khốn khó. Chị qua đời đột ngột để lại bạn tôi lẻ loi,mấy chục năm rồi.V.Tịnh gọi một số anh em văn nghệ thân quen đến nhà uống rượu đầu năm.Trong bàn rượu thấy có P.T.Hầu, N.Thương, N.Quân, C.T.Hà,Đ.C.Bảy, có người từ Ban Mê về làDz.L.Kiều. Suốt buổi sáng tràn trề vui vẻ.Tôi đưa ra tập ảnh và tiểu sử nhóm TVĐ Mây Ngàn từ năm 63 đến 68 do tôi chép tay và lưu hành hàng tháng. Nhìn lại tấm ảnh của mình ngày xưa (đẹp trai ,con nhà giàu,học giỏi) V.Tịnh xúc động bởi không ngờ tôi còn giữ được đến giờ.Thành viên của TVĐ Mây Ngàn còn hiện hữu một nửa.Một nửa đã qua đời trong chiến tranh. Gợi nhắc lại những tháng ngày viết lách của thập niên 60, anh em thật bùi ngùi bởi quãng thời gian ấy đẹp đẽ và ấn tượng vô cùng.
Khi tàn cuộc rượu, theo yêu cầu của tôi, V.Tịnh chở tôi đi thăm H.Đ.Nhuận, người bạn họa sĩ bị tai biến năm ngóai ở đường Minh Mạng.Thấy Nhuận nằm một chỗ. Cọ,màu nằm một nơi. Tôi xót xa vô cùng. Đây là một người đam mê hội họa triền miên.Và cuộc sống của anh có nghĩa là hội họa.Thập niên 60 anh theo L.V.Tài như hình với bóng. Nhờ đam mê ngồn ngộn và đi, sống nhiều nơi, vẽ nhiều chốn, nên tranh của anh triển lãm và bán được ở trong nước lẫn nước ngoài. Hiện có những bức tranh cở lớn của Nhuận nằm ở Bảo Tàng Hà Nội. Nhuận đã đi, sống,vẽ khắp nơi, khắp chốn.Có những năm tháng Nhuận đã sống một mình ở trong rừng dừa Thanh Bồ -Đà nẵng thật ma quái. Nhưng rồi Huế vẫn là nơi trở về và chơi vơi trong căn nhà ở đường MinhMạng.Thăm Nhuận một hồi tôi và V.Tịnh từ giã. Nhuận nói: Mi ký cho tau một chữ trên bức tường đã có nhiều bạn bè ký rồi đó hí!
Thế là tôi lấy cọ, màu ký lên bức tường như ý của Nhuận.Chia tay người năm cũ, V.Tịnh chở tôi đi thăm Đền Huyền Trân Công Chúa. Đền tọa lạc trên một ngọn đồi tuyệt đẹp. Phía bên phải đi xéo xuống là Chín Hầm.Địa danh này nổi tiếng một thời bạo chúa N.Đ.Cẩn giam người. Bước vào đền tôi và V.Tịnh thắp nhang lạy Huyền Trân Công Chúa -người đã hy sinh đời mình lấy vua Chiêm để có 2 châu Ô và Rí.Tôi và tất cả mọi người thầm cảm ơn Huyền Trân Công Chúa. Thắp nhang xong tôi và V.Tịnh đi quanh một vòng đền. Hôm nay mới mồng 6 mà người khá đông.Có lẽ người ta chuẩn bị cho 2 ngày lễ,mồng 7,mồng 8 tháng giêng. Bước ra phía sau đền V.Tịnh lấy máy ảnh ra chụp tôi đứng trước cặp rồng đá dài nhất châu Á.Thăm đền xong, V.Tịnh chở tôi đi thăm tượng đài Quang Trung ở núi Bân. Bất ngờ một cú điện thọai của N.Quân bảo lên Thiên An uống trà. Dù đã là U.60 nhưng V.Tịnh chạy xe thật khiếp: Một xe trong cõi hồng trần như bay…Lóang một cái đã lên đồi Thiên An và ghé trà quán Vũ Di. Quán trà này thật tuyệt vời.Chúng tôi đi vào phía chính diện đã thấy 2 ông tiên ngồi sẳn:N.Quân và Đ.C.Bảy.Tôi và V.Tịnh cũng hóa thân thành 2 ông tiên.
Như vậy là 4 ông tiên ngồi uống trà có một tiên nữ hầu trà.Tiên nữ này tên Q.Nhi mới 20 tuổi -mặc áo dài màu đỏ kín đáo và rất Huế.Gái huế kín đáo vậy đó nhưng cũng là những con sóng ngầm dữ dội phải không V.Tịnh? Uống hết mấy tuần trà V.Tịnh chở tôi về Trường Tiền, vòng qua Đại Nội.Đang đi có điện thọai V.Tịnh dừng lại nghe rồi bảo tôi: Ông sẽ gặp một nhà thơ nữ ở quán café Đại Nội. Đến quán, V.Tịnh giới thiệu tôi với một người nữ.Thì ra đây là C.T.H tôi gặp trên blog. Cô này gốc An Cựu.-Vùng đất ngày xưa tôi đã từng yêu một người ở đó và là vùng đất có gạo dẻ nổi tiếng thơm ngon.Bây giờ làm sao còn lọai đặc sản đó? Qua trò chuyện, trao đổi thấy được tính cách của cô rất An Cựu.Chúng tôi uống café đến gần nửa chiều, H. kêu đói bụng rồi mời tôi, V.Tịnh vào đường Đặng Dung ăn bánh Khoái. Món ăn tôi rất thích mỗi khi về Huế. Cảm ơn H.Sau chầu bánh Khoái, chia tay H. V.Tịnh chở tôi về Vỹ Dạ thăm nhà thơ T.V.Sao.Anh vẫn sống ung dung, tự tại kiểu hàn sĩ trong căn nhà cổ xưa, ngày cũ ở đường Nguyễn Sinh Cung.Tôi bước vào, anh tay bắt mặt mừng rồi chúng tôi ngồi uống trà bên bộ bàn cũ kỹ. Khắp nhà đầy tranh Bồ Đề Đạt Ma do chính tay anh vẽ.V.Tịnh lại lấy máy ảnh ra chụp tôi và T.V.Sao mấy kiểu để kỷ niệm.
5. Hôm nay tôi đi cùng mấy đứa em lên Phường Đúc thăm bà con bên bà nội tôi.Họ hàng bên này sống rất tốt với bà nội và anh em chúng tôi.Sự yêu thương lúc nào cũng dàn trải, đủ đầy. Năm nào giỗ ông Phú – em bà nội-chúng tôi cũng lên đông đủ.Ông Phú rất thương yêu và khắng khít với chị mình-người chị làm dâu ở làng Văn Hóa Ngọc Anh. Năm nay gặp dịp về Huế tôi lên lạy ông sau nhiều năm xa cách.Phường Đúc, bà con ở đây có nghề truyền thống đúc đồng nổi tiếng ở Huế.Nghề cha truyền con nối hơn cả trăm năm. Vậy mà, Dũng em bà con của tôi lại chuyển qua nghề bán hoa tang. Sau một ngày lao động Dũng lại làm thơ như một cuộc chơi thú vị.Gặp Dũng là hai anh em uống rượu, nói chuyện thơ văn một cách say mê. Sau chuyện văn chương là chuyện bà con sinh sống.Dũng nói: Tất cả bà con ở lại Phường Đúc đều tiếp tục nghề truyền thống.
Có một số chú, bác lên Bảo Lộc lập nghiệp và cũng có một thương hiệu nổi tiếng là trà Đỗ Hữu.Mấy năm trước ở SàiGòn, có người bà con nhắn tôi lên Bảo Lộc chơi để gặp mặt cho biết. Nhưng đời sống cứ trôi đi và tôi chưa thực hiện được chuyến đi.Nơi đó, 10 năm trước có một người con gái Huế dạy học ở Lộc Nga qua đời vì bệnh ung thư vòm họng. Gia đình đưa cô về an táng tại Nha Trang. Tôi hẹn lòng sẽ về thắp nhang cho cô rồi vẫn chưa đi được.Tôi mắc nợ tình thân qúa nhiều mà chưa trả nổi.
6. Xa Huế 32 năm, đây là lần thứ hai tôi về giỗ cha. Nỗi nhớ thương đau đáu trong lòng nhưng cuộc sống nổi chìm của tôi cứ miệt mài phương xa. SàiGòn-Huế không dễ gì ra vô như Đà Nẵng – Huế.
Ngày giỗ, tôi gửi chú thím Ấn một ít tiền chợ búa, rồi mời một số bạn thiết về nhà thờ ở làng Văn Hóa Ngọc Anh ( xóm 10 ) Mười một giờ trưa đã có mặt các bạn V.Quê, N.Thương,V.Tịnh,N.H.Hiển, N.H.Phẩm,T.Tâm. Bên xóm giềng thì có cậu C.V.Khá.Trước 75 cậu Dạy học ở Đà Nẵng. Nhưng sau 75 cậu về đây làm nông dân thứ thiệt.Nhờ có trình độ và đạo đức mà uy tín của cậu bay xa. Làng trên xóm dưới đều vời cậu giải quyết mọi chuyện.Trong đám giỗ, V.Tịnh hỏi về gia phả của tôi-giòng họ trần ở Ngọc Anh.Tôi đưa cuốn gia phả do cha tôi chép lại, hiện Ấn, em tôi lưu giữ. Những trang đầu bị mọt ăn nhưng chữ của cha tôi vẫn còn rõ nét. Từ cao đến cố, trong đó nổi tiếng là ông cố nội Trần Văn Hợp-nguyên cố thị giảng học sĩ thờiTự Đức.Hiện sắc phong của vua vẫn còn lưu lại.Đến đời ông nội và cha tôi cũng có học hành nhưng chưa thấu đáo. Đến anh em tôi cũng không được học hành trọn vẹn vì chiến tranh. Nhưng dù sao tôi cũng tiếp nối được truyền thống đó qua văn chương, biểu hiện qua thi ca. Làm thơ là một cuộc chơi thú vị. Đôi lúc lại là sự giải bày nỗi niềm cay đắng lẫn ngọt ngào…
7. Buổi sáng uống café ở Hội quán tạp chí Sông Hương. Ở đây gặp rất nhiều anh em văn nghệ cố đô, ở Sài Gòn ra, ở Bắc vào.Tôi hòa nhập vào cái không khí dễ thương ấy và những câu chuyện văn chương lại râm ran. Lý ra tôi ghé thăm H.Đ.T.Ngọc và T.T.Mai, hai người này tôi rất quý mến.Nhưng sáng nay hai người đều bận họp cơ quan nên tôi từ giã hội quán và nhờ N.Thương chở đi lòng vòng.N.Thương rủ tôi về Truồi chơi, nhân tiện ghé thăm T.T.Yên song tôi kẹt một đám giỗ 11 giờ trưa nên thôi. Vòng vo một hồi qua lại nội thành uống gặp Đ.V.Khoái. Khi gặp Khoái tôi rất thích thú vì cậu ta đọc một lèo thơ của tôi làm thập niên 60. Khóai nói: Hồi nhỏ em đã thích và thuộc lòng thơ anh rồi.Thật hạnh phúc khi có người thuộc thơ của mình.
Đến 11 giờ trưa tôi nhờ Kiên chở lên số 44 Minh Mạng. Ghé vào chị C.T.Xê rất vui vì anh L.B.Lăng mất trên 20 năm-đây là lần đầu tôi về đám giỗ anh.
Buổi tối chị L.T.Ái Niệm từ Đà Nẵng bay ra.Rủ một đám bên nội của chị và bên ngọai( tôi và 3 đứa em) lên Kim Long ăn bánh ướt, bún thịt nướng và uống bia HuDa. Ăn uống tưng tưng lại kéo nhau về café Thảo Nguyên bên bờ Nam Sông Hương. Ngồi bên kè đá nhìn xéo về cầu Trường Tiền thấy cầu đổi màu ngũ sắc lung linh tuyệt diệu. Đây là lần thứ 2 tôi có dịp ngồi nhìn chiếc cầu thân thương nơi cố xứ..Cây cầu nối 2 bờ Nam Bắc sông Hương đã in biết bao dấu chân nàng Tôn nữ đi qua.Tôi chợt nhớ 2 câu thơ của T.Bồn: Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy/ Nắng mênh mang qua mấy nhịp Trường Tiền…Rồi lại liên tưởng đến lời ru của mẹ ngày xưa qua câu hát:Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp/ Thương nhau rồi xin kịp về mau..
Tôi về đây rồi- 42 năm sau, những nàng Tôn nữ đã xa biền biệt và người tình đầu tiên có đôi mắt-ướt-khung-trời-nội-cũ đã theo chồng lên một thành phố cao nguyên lộng gió.Ôi còn đâu thấy lại người-tình-sầu-cố xứ? Ôi không còn nắng mênh mang mà chỉ còn sương đêm trắng bên chiếc cầu và mình đang mồ côi tình yêu.Còn chăng là tình bè bạn, anh em thân thiết. Vậy cũng đủ ấm lòng người xa xứ rồi Huế ơi!
8. Buổi tối được tin cậu Ngộ đột ngột qua đời-mới hôm mồng sáu cậu còn nói chuyện với tôi trong căn nhà cậu mua ở Vỹ Dạ đó mà. Đúng là cuộc sống vô thường.Thôi, cậu về bên kia thế giới như vậy cũng thanh thản – không đau ốm để hành con cháu.Nói đến cậu tôi lại càng thương mợ. Năm mươi năm cậu vô bưng biền, tập kết ra Bắc là năm mươi năm, mợ làm hòn Vọng phu không hề bật ra một tiếng thở than, dù tay xách nách mang hai đứa con còn nhỏ dại. Mợ nuôi chúng đến khôn lớn rồi cũng đột ngột qua đời. Mợ lẻ loi một mình nơi căn nhà từ đường cho đến giờ đây tóc bạc lại khóc chồng. Lại tiếp tục lẻ loi cho hết kiếp.
9. Ngày cuối trước khi vào lại SàiGòn, tôi đi thăm làng Văn Hóa Ngọc Anh. Làng tôi bên này. Bên kia là làng vân Dương.Cách nhau một con sông. Bốn mùa nước trong xanh soi bóng hàng tre.Làng tôi thật thanh bình yên ả dù không tránh khỏi thời binh lửa. Sau 42 năm, ngôi đình vẫn còn đó. Nhà thờ họ Trần vẫn còn đó. Nơi bùn lầy nước đọng xưa giờ đã được bê tông hóa.Có lẽ chính xác là năm 1989 làng thay da đổi thịt dù rằng cuộc sống của người dân chưa cao.Trước khi vào làng, xuôi theo đường 49 sẽ thấy cổng làng có hàng chữ to đùng. Làng Văn Hóa Ngọc Anh..Tôi tự hào đã lọt lòng mẹ nơi đây.Và là nơi chôn nhau cắt rún để mà thương, mà đau đáu nhớ về. Để dành một ngày thăm làng. Để ngửi mùi hương cau ngan ngát nơi vườn nhà tôi. Rồi sáng sáng bơi trong sương mù quê xứ. Để nghe kỷ niệm thời thơ ấu ùa về cho lòng mình xốn xang, thương tiếc. Một ngày đâu có thấm tháp gì nhưng cũng đủ cho tôi thêm yêu qúy quê cha xứ mẹ. Một ngày nơi quê cha cũng sẽ đủ một đời, phải không người yêu dấu năm nào ?
( Sài Gòn tháng giêng Canh Dần )