12 tháng giêng, giữa những ngày đầu xuân đã thấy nhiều du khách tụ về xem trò Trám. Qua chợ Gáp người ta rẽ vào một xóm nhỏ khuất khoánh, chỉ có độ vài chục nóc nhà. Xóm xưa nghèo, nhà chật, cây cảnh leo teo. Mùa xuân, xóm nhỏ không dậy sắc hoa đào. Ở những thửa ruộng nứt chân chim ven làng, cỏ mật qua đông xoăn lá lại, chết phần xác, chỉ còn lại phần hồn ngai ngái thơm, ngòn ngọt hương trời, đất …
Xóm Trám thường gây sự tò mò. Cạnh xóm Trám là xóm Nổ, xóm Khống, xóm Vòi. Có lẽ chỉ có xóm Trám mới có cái tên thật nhất. Ta ngỡ rằng xóm được tạo lập từ một vạt rừng Trám. Con người đến, dựng lán làm nhà ở ngay dưới gốc Trám. Nghiễm nhiên rừng trám trở thành phụ kế sinh nhai. Phần đất cao của làng là những đồi gò thấp vùng trung du chạy dọc theo một láng nước, xưa là vùng rừng um tùm cây quả. Chuyện xưa kể rằng, giữa thời khói lửa Cần Vương, Lưu Vĩnh Phúc trên đường hội nhập với quân Hoàng Kế Viêm đánh vào thành Hà Nội, có đóng quân ở nơi này. Quân lính ở dưới hầm. Nóc hầm lát một tầng gỗ lim chắc chắn lấy ngay ở vạt rừng gần đấy. Nay dân đào giếng, làm móng xây nhà vẫn thường xâm vào vùng hầm có những cây lim thuở ấy. Dân xã khi đào con kênh lớn, đắp bờ giữa khoảng đồng chiêm bao la cũng gặp vô số những tầng cây to đã đen lại, có màu thau. Xem thế thì một xóm có toàn cây Trám là có thật. Khu gò nhỏ ngoằn ngoèo quen gọi là Mả Mít, trước kia chắc là một vùng mít. Vào độ tháng 6, tháng 7 mùa mít chín râm ran tiếng quạ.
Người ta đến chủ yếu là để xem trò. Gọi là trò nhưng không có cốt trò liền mạch. Hoặc vẫn là trò nhưng không thành truyện. Trên một bãi trống tự nhiên, cắm xuống một cái “ Pa nô” gồm bốn cái mẹt xếp liền nhau từ trên xuống. Trên mặt mẹt dán mảnh giấy hồng điều hình trái trám ghi bốn chữ “ Tứ dân chi nghiệp”. Lố nhố sau đó mươi lá cờ xí. Đoàn làm trò vừa đi vừa diễn. Diễn viên là tất cả nam, phụ, lão, ấu tuyển ngay trong xóm Trám. Buổi diễn như một màn trình nghề, lần lượt diễn qua mắt người xem: Vua Thuấn râu như cước, đem voi ra cày ruộng, một bố cu đánh lờ, mấy chàng trai câu cá, một cảnh dệt vải quay tơ, một tốp thợ xùng xê; một nghệ sỹ chơi đàn tràng cối xay; một thầy đồ dạy dăm trẻ học. Đặc biệt hơn cả là một ả bán xuân. Ả này ăn mặc đỏm, mặt hoa da phấn, có nốt ruồi duyên nơi ngấn cổ, gánh hai cái mẹt có hai chữ “ XUÂN” to tướng, lúng liếng mắt đưa tình khắp bãi hội. Thoạt xem ta có cảm giác như bắt gặp một Thị Mầu ở một màn chèo cổ, nhưng không phải. Người xem bị thu hút không hẳn do động tác, điệu bộ hoặc lời hát của diễn viên. Xem xong một màn trò, hẳn người xem sẽ chiêm nghiệm, suy tư về một điều thật thẳm sau mà thú vị giữa đời thường nơi thôn dã.
Kìa ! Người bán xuân với động tác múa dẻo, rất duyên dáng trẻ trung, như muốn hút hồn các chàng trai trong hội. Nàng nở nụ cười như chào từng khán giả và rao bán :
“Chơi xuân kẻo phí xuân đi
Cái già thành thạch nó thì theo sau”
Kìa! Một, hai, ba chàng nghiêng người, lật mẹt sán vào phía bên phải, phía bên trái, đằng trước ve, đằng sau … Nhưng cô gái khép mình rất khéo, đảo tránh mọi sự ve vãn, thành thử hết cả lớp trò mà chẳng ai mua được một tí xuân nào. Bạn trai đi rồi, cô gái thảng thốt im lặng, ném tầm mắt ra xa, buồn thăm thẳm, như tiếc nuối một thời xuân giữa cuộc đời lam lũ đất bùn, giặc giã, như một lời nhắn gửi đau đáu, tiếc một thời xuân sắc.
Còn đây ! Người đi câu vác một cần câu trúc cực đại còn nguyên cả ngọn lá. Lưỡi câu là một khúc đồng uốn vòng lại, giống hệt một cái móc màn. Mồi câu là một khối cầu nhỏ bằng chỉ đỏ thắt tua rua. Anh ta lơi lả sán về phía các trinh nữ :
“Người ta câu diếc, câu rô
Tôi nay câu lấy một cô không chồng”
Và:
“ Có chồng thì nhả mồi ra
Không chồng thì bắt, thì nuốt, thì tha lấy mồi
Anh ta lia mồi về phía các ả. Thật lạ, ả nào cũng lườm nguýt và né , cho khối cầu chỉ đỏ văng lên, lượn hết vòng này, vòng khác. Rốt cuộc, suốt cả lớp trò chả có con cá nào cắn câu. Nghe nói trước khi vào trò thì ở xóm Trám cuộc “ câu vợ” này đã diễn ra như một cái lệ. Ngày diễn trò, người ta chọn ra dăm cụ cao lão hơn cả, khăn xếp, áo the đứng nghiêm trang ở bậc tam cấp miếu trò. Nhiều chàng trai chưa vợ vác cần câu công diễn. Các cô gái dàn hàng, cầm hoa múa dẻo và hát bông lơn :
“Không đâu vui bằng phường ta
Đàn ông đi tát, đàn bà đi hôi”.
Đã có dụng tâm, chàng trai thả mồi về phía bạn tình đã chọn. Người bạn tình ngước lên, nếu ưng thuận sẽ chộp giữ lấy khối mồi như người ta bắt con vàng anh vậy. Khối mồi có chủ được trình lên các cụ, cuộc tác thành coi như đã chính thức. Lễ cưới của hai nhà chỉ là tự xác nhận quyền được yêu do xóm công nhận.
Cũng có lúc chàng trai thả mồi về phía đích chọn, bất ngờ một ả khác vốn mê chàng chạy lại chộp lấy, khư khư giữ lấy phần lưỡi câu, công khai về sự lựa chọn của mình. Nếu chàng trai không đồng ý thì phải dùng hết sức mình giật mạnh cho đứt dây, gãy cần mới thôi. Vạn bất đắc dĩ , nếu cả dây và cần không đứt gãy, thì anh chàng phải dùng đến nước cùng, bỏ cả cần câu khỏi tay mình với một cái vái dài rất chi là khách sáo. Và anh chàng kết thúc buổi đi câu giữa sân trò, như một lần súi quẩy, vác giỏ về không.
Giờ thì ta xem thầy đồ dạy học như thế nào?. Thôi thì đủ cả sự thâm trầm, nghiêm trang, phép tắc. Nhưng sao quanh đi, quanh lại thầy chỉ dạy độc một pho “ tam tự kinh” với sự giảng giải có khi đi quá xa nghĩa gốc, có khi còn đệm thêm một câu bình chú hơi khí tục tằn. Cuối buổi thầy nghiêm trang bảo các trò :
- Các con học xong nhớ trả hết chữ cho thầy nghe chưa?
- Sao thế ạ?
- Để thầy còn đi làng khác dạy chứ sao !
Đám đệ tử chưa hết ngạc nhiên, thầy đã nói:
- Các con phải nhớ : Học chữ nào thì phải quên ngay chữ ấy đi nghe không ?
- Sao lại thế ạ?
Thầy buông một câu luận đời buồn tênh:
- Ở trên đời này, biết làm gì cho khổ !
Thì ra đây cũng chỉ là một “thầy vườn” có ngay trong xóm Trám. Không đi câu, không làm thợ thì làm thầy đồ, thế thôi ! Còn đám đệ tử thì háo hức, mắt sáng lên sau từng dòng chữ thánh.
Cách phô diễn của trò Trám thường có chất hài. Chất hài có ngay trong đạo cụ, trang phục và động tác diễn. Nó có những pha gây cười thật đột xuất. Nhưng vì là tích trò bình dân theo kiểu “ tự biên, tự diễn”, nên khi ra sân nhiều lúc diễn viên cương quá lên cốt để gây cười. Người nghệ sỹ gẩy đàn tràng phành phạch bên tai voi, có khi còn tinh quái treo lủng lẳng nơi cần đàn một khúc dồi lợn dài vặn nhiều vòng, thơm phức. Một bà vãi áo dài, tràng hạt, sắp lên chùa ngoái lại bảo các vãi khác :
- Các vãi lên trước đi, em còn phải về đẻ cái đã !
Chất hài, phần nào thể hiện cách sống hàng ngày của người xóm Trám. Ay là lối sống của một cộng đồng cổ. Nó tồn tại bền vững qua năm tháng, qua bao nhiêu thế kỷ. Các xóm khác, ở ngay sát bên cũng không thể có. Cái chất liên gia của xóm Trám thật kỳ lạ. Đồ dùng, vật dụng nhiều lúc là của chung. Nhà có việc, cứ sang hàng xóm lấy từng nắm đũa, dùng xong cứ việc để ở nhà mình. Nhà cạnh đến bữa thiếu đũa lại sang lấy, có thể lấy nhiều hoặc ít. Cái chổi quét sàn, cái cuốc, cái cào cần dùng cứ ngang qua nhà cạnh lấy. Một nhà nào đấy, cần dùng lại mượn luôn. Đến nhà hàng xóm thấy chổi, cuốc cào của mình cũng cứ để đó, vì có mất đâu mà phải đòi lại. Nhà nào trong xóm có việc, chỉ cần cho con đi báo tin cho mọi nhà là đủ. Trước khi vào tiệc chính, nhà chủ phải nấu sẵn một nồi 30 cơm chín trước, để các bà, các chị đến xới cơm mớm cho con.Veo nồi 30 cơm thì mâm bàn cũng bưng lên, người có con mọn yên tâm ngồi vào bàn tiệc. Tan tiệc về, các bà, các chị lại không quên gói một ít cơm đem về cho chó nhà mình ăn. Ấy là cái vui chung trong xóm khi một nhà có việc.
Tính khí của người xóm Trám cũng thường dễ dãi chân quê không bao giờ khách khí, cầu kỳ. Lúc vui, mấy ông bạn bày ra một mâm rượu cùng mời nhau. Lúc đầu có thể là bốn ông. Một ông bạn cùng lứa vác cuốc ra đồng ngang qua, mời vào! Một ông nữa thăm lờ về qua cổng, mời vào! Cứ thế mà mâm cỗ đông dần lên, có khi đến 14 người túm tụm trên dãy phản can liền. Thức ăn có gì thì thêm ra, không cần nhiều. Còn rượu thì vui vui, chén này, chén nữa chẳng ai chối từ.
Người xóm Trám ít khi giận hờn nhau. Ngồi nói chuyện với nhau ít thấy lời than phiền, ngang trái. Những chuyện có chất hài hước một chút, dù thóc mách nhất cũng được đàm luận, chỉ rõ tên người, lúc xảy ra sự kiện. Người trong chuyện nghe được chỉ gãi đầu, không biện bạch. Hứng lên, có ông láng giềng còn can thiệp vào làm cho câu chuyện đã hài hước, lại càng hài hước hơn. Người xóm Trám giúp nhau không hề tính toán, vụ lợi. Ông cần làm nhà ư ? Gỗ có thể lấy ngay từ nhà ông Y mới đi bè từ rừng Thanh Sơn về. Tre có thể tạm vay nhà ông A, bà H. Lá lợp có thể tạm vay nhà ông F. Ngày khánh thành cứ phải thật vui. Thiếu lợn sang ngay nhà bên cạnh bắt thêm một con vài chục ký. Nếu thiếu nữa lại sang nhà cạnh nữa bắt thêm. Rượư mừng, pháo nổ, nhà hoàn thành. Chủ nhà không có một đồng tiền, hạt gạo nào, mai ngày làm ăn khấm khá, lại trả cho láng giềng cũng theo cái cách như thế.
Cách ăn ở như vậy mang đậm sắc thái cộng đồng nông thôn cổ. Nhìn vào đó ta bỗng như thấy lại cách chia ăn, chia ngủ, chia vui của một thời mà hai tiếng “gia đình” chưa có nơi cửa miệng. Tôi bỗng sực nhớ ra một chút trong hương sử. Nghe nói bà Ngô Thị Thanh, vị thần nữ ở miếu trò là con gái ông Ngô Quang Điện. Ông Ngô Quang Điện là người chiêu dân, lập ấp ở đây. Ông Ngô đến sứ này từ bao giờ, không ai đoán chắc, nhưng có một vế đối lưu lại nói về cụ như sau :
“ Thời á Hồng Bàng, thiên dân, giáo dân, thành thịnh ấp”
Nghĩa là : Xấp xỉ thời Hồng Bàng, (ông) dời dân đến, dạy dân (làm ăn) lập thành một ấp thịnh vượng.
Xóm Trám có ngay từ thời đó chăng ? Vậy thì trong cuốn sử làng, xóm Trám sẽ phải chiếm một góc rõ ràng, không thể thiếu. Rồi sẽ phải thêm vào cho trò Trám thành một hội Trám. Có lẽ nên có hẳn một bãi cờ người. Cứ tuyển ngay trong xóm Trám mười sáu nam thanh, mười sáu nữ tú để xếp đủ 32 quân cờ. Cách ăn mặc cũng còn tùy. Bên trai nên theo mốt mới, com lê xộp, có caravat hẳn hoi. Bên gái thì cứ mặc áo dài, thắt đáy lưng ong chăng ? Cũng nên có cho mỗi cô một cái ô màu, để tôn thêm vẻ xuân mơn mởn . Còn người chơi cờ thì không thiếu. Xóm Trám là một xóm ham cờ và cao cờ. Bàn cờ ngày xuân nên được chơi trên nền những bài dân ca của xứ sở vua Hùng. Đã có đu cột với cảnh quen thuộc “ bốn mảnh quần hồng bay phấp phới”. Cũng nên thêm vào đó một bãi đu tiên … Làng Gáp là một làng khỏe, xưa kia từng có nhiều hội vật, có những hội rất nổi tiếng. Nay vào hội Trám, người ta mở lại cuộc thi vật cho cả làng, có giải hẳn hoi. Dám chắc rằng, trong số vài nghìn thanh niên của xã, sẽ có nhiều chàng không ngủ trọn giấc trước ngày hội Trám.
Từ trên nền văn hóa có sẵn của trò Trám, chúng ta sẽ được chứng kiến sự phát triển nhiều về mặt hình thức để tiến tới một hội Trám. Đương nhiên, trong việc phát triển sẽ không có chuyện du nhập những trò xa lạ, đối với nếp sống của một cộng đồng cổ như thế. Để vào ngày 12 tháng Giêng những năm chẵn, người người, xa hay gần, trong nước hay ngoài nước lại về hội Trám, hưởng trọn cái không khí của miền quê riêng : Tứ Xã, Lâm Thao, trong tình quê nơi Đất Tổ./.