Đựơc nghỉ học buổi chiều, thằng Khang bày dụng cụ ra hàng ba ngồi làm nạng giàn thun. Một cây kéo, một khúc ruột xe đạp, một miếng vải kaki cũ, một chùm giây thun khoanh, một nhánh cây cỡ ngón tay cái hình chữ Y được cắt ngắn gọn và lột vỏ sạch sẽ.. Nhìn thằng cháu ngoại cặm cụi cắt, buộc tôi chợt mỉm cười. Hình ảnh của nó là bản sao của tôi hơn năm mươi năm trước. Hình ảnh của nó đã đưa tôi về với những cảm xúc và kỷ niệm vui buồn thời thiếu niên.
Năm một ngàn chín trăm năm mươi tám, tôi mười hai tuổi, học lớp Nhứt (lớp 5 bây giờ). Nói đến bắn chim bằng nạng giàn thun, không phải khoe chứ tôi là tay thiện xạ. Bạn bè trang lứa và kể cả người lớn trong xóm ấp cũng không có ai là đối thủ của tôi. Hồi mới tập bắn tôi cũng bằng tuổi thằng Khang bây giờ (mười tuổi) và cũng xài cái nạng nhánh cây như nó nhưng cặp giàn bằng giây thun khoanh kết lại chớ hồi đó ruột xe đạp cũ rất hiếm. Sau khi bắn rành, tôi thay cái nạng nhánh cây bằng hai ngón tay trỏ và giữa của bàn tay mặt. Bắn kiểu nầy chính xác hơn kiểu trước nhưng đôi khi đường bắn cũng bị lệch, trật mục tiêu do hai ngón tay bị so le dưới sức kéo mạnh của cặp giàn. Anh Năm tôi bèn cắt một khúc cây tròn, mày mò đụt đẽo, bào gọt cho tôi một cái nạng rất đẹp, cặp giàn bằng giây thun bản. Nhờ nó tôi mới trở thành tay thiện xạ nổi tiếng.
Đạn vò cũng ảnh hưỏng đến đường bắn. Đạn càng tròn đường bắn càng ngay. Đan méo mó như sỏi đá, trái ổi non…bắn mười cục trật hết chín cho nên tôi vò đạn rất kỹ, tròn vo, láng lứt như cục đạn keo. Thấy tôi phơi đạn ngoài sân, ai đi ngang cũng trầm trồ khen tôi khéo tay, chịu khó. Vài người còn hỏi xin ít cục về cho con họ bắn cu li. Chỉ có lão trưởng ấp Ba Ngói hất hàm hách dịch :
-Ê! Đạn nhiều quá cho một mớ coi ta?
Người gì không lịch sự chút nào! Người ta có tên có thứ đàng hàng chớ bộ xe lôi xe kéo gì sao mà ăn nói trống rổng. Tôi hơi khó chịu nhưng vẫn nhỏ nhẹ trả lời :
-Đạn chưa khô chú ba ơi!
Ba Ngói ngồi xuống cầm một cục lên coi rồi nói :
-Kệ, ráo ráo cũng được.
Tôi chỉ cây súng ông ta mang trên vai, hỏi :
-Chú có súng còn xin đạn đất làm gì? Súng bắn hổng ngon hơn nạng giàn thun sao?
-Hừm! Súng để bắn cộng sản chớ để bắn chim sao mậy? Đạn của tao quí lắm, một viện một tên chớ đâu như đạn của mày.
Tôi liếc nhìn ba Ngói. Ông ta sù sì gớm ghiếc như con chim cú thảo nào tiếng nói của ông ta chẳng ma quái ghê rợn như tiếng kêu của nó. Má tôi từ trong nhà bước ra nghiêm mặt nói với ông ta :
-Nó còn con nít chú nói chi chuyện đó chú ba?
Ba Ngói đứng lên nhe răng cười hì hì :
-Em xin lỗi chị tư. Tại quen miệng chớ em không cố ý.
Má biểu tôi :
-Cho chú ba một mớ đi con.
Biết ý má đuổi khéo Ba Ngói, tôi hốt cho ông ta chừng chục cục. Đối với hạng người nầy, cho sỏi đá, bùn sình còn tiếc nữa là. Ba Ngói bỏ đạn vào túi quần, vò đầu tôi nói cám ơn rồi quay qua cúi đầu chào má tôi :
-Thưa chị tư em dìa.
Hồi đó chim chóc nhiều vô số, nhỏ có chim sâu chim sắc, lớn có cò vạc, quạ diều… Trong vườn, ngoài ruộng, ven sông rạch, kinh mương…nơi nào cũng có. Hồi đó bắn chim cũng thoải mái lắm. Không ai ngăn cấm, không ai bảo vệ, không ai cho là phá hoại môi trường, không ai cảnh báo loài nầy loài kia đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, được đưa vào sách đỏ cần phải bảo tồn. Tôi xách nạng giàn thun đi chừng vài tiếng đồng hồ là có chim rô ti cho cả nhà ăn.
Một hôm,.anh Sáu Đẻn đến nhà tôi chơi đúng lúc chúng tôi đang ăn cơm. Ba tôi mời anh Sáu theo kiểu mời xã giao, lịch sự mà dân gian thường gọi là mời lơi :
-Gặp bữa ăn cơm với chú Sáu ơi!
Anh Sáu lắc đầu từ chối nhưng vẫn bước đến đứng nhìn vào mâm cơm, nhìn vào đĩa chim khìa nước dừa vàng tươi, dòn rụm rồi chép miệng nói vui:
-Chim khìa nước dừa mà ăn cơm thiệt uổng. Anh nhìn tôi, đặt hàng. Mơi em bắn cho anh vài con nhậu chơi nghen út?.
Hôm sau, tôi bắn cho anh Sáu cả chục con trau trảu, sáo, cu đất, cò ma. Anh Sáu hú anh Lạc qua phu nhổ lông chim làm mồi nhậu. Dượng tư Lâu khen tôi :
-Thằng nhỏ bắn giỏi như Dưỡng Do Cơ, bách phát xuyên dương.
Tôi không biết Dưỡng Do Cơ là ai và bách phát xuyên dương là gì nhưng trong bụng rất vui trước lời khen của dượng Tư và nhất là những đồng tiền do tôi kiếm được lần đầu tiên trong đời.
Anh Lạc vừa nhổ lông chim vừa nói với tôi :
-Mày ráng kiếm cho tao vài con bìm bịp coi út Nho?
-Bìm bịp khó kiếm lắm anh hai ơi! Tôi đáp
-Chi vậy? Anh Sáu hỏi anh Lạc.
-Đặng ngâm rượu. Anh Lạc trả lời. Bìm bịp ngâm rượu trị bịnh đau nhức gân cốt, phong tê bại xụi đại tài.
Dượng tư Lâu xua tay nói :
-Mày lầm rồi Lạc ơi! Thịt bìm bịp lớn cũng như thịt gà chớ có thuốc men gì mà ngâm rượu. Muốn ngâm phải ngâm chim con và làm như vầy nè.
Theo kinh nghiệm dân gian thì chim bìm bịp biết bài thuốc trị gãy xương rất hay. Để lấy được bài thuốc đó, người ta tìm ổ của nó, bẻ gãy xương ống, xương đùi, xương cánh chim con. Chim cha mẹ sẽ tha thuốc về xức đắp cho con, trong ba ngày những chỗ xương gãy sẽ liền lại như cũ. Người ta tiếp tục bẻ lần hai, lần ba cho được nhiều thuốc mới bắt chim con về ngâm rượu.
Học được cách làm bài thuốc hay, tôi ráo riết săn lùng ổ chim bìm bịp, bắt chim con về ngâm rượu cho ba má tôi uống. Bìm bịp thường sống ven sông rạch. Tôi tìm được một ổ trong đám bần và ô rô cóc kèn rậm rap. Trong ổ có ba chim con chưa mở mắt, đỏ hỏn, mềm èo. Nghe tiếng động, chúng tưởng cha mẹ tha mồi về bèn nghểnh cổ lên, hả hoác miệng đòi ăn chứ chúng đâu ngờ đó là tên hung thần án sát sắp giáng hoạ lên đầu chúng.
Tôi bắt một con cầm gọn trong lòng bàn tay. Có lẽ biết tai hoạ sắp đến, nó vùng vẫy, chòi đạp thoát thân một cách yếu ớt. Tôi kéo chân nó ra định bẻ thì nó kêu chíp chíp như van lơn, như cầu khẩn, tuyệt vọng. Tôi dừng tay ngẫm nghĩ. Mình sơ ý bị trặc khớp, bong gân còn đau nhức thấu trời huống gì nó bị bẻ một lượt đến sáu khúc xương! Nếu có ai đó bẻ chân bẻ tay mình như vậy liệu mình chịu nổi không? Tôi đặt con chim trở lại ổ. Cả ba con đều nằm im thin thít trông thật tội nghiệp, đáng thương.
Tôi rời ổ chim bìm bịp chừng mươi bước bỗng nghe tiếng chim tu hú kêu vang trong vườn ông Kiểm Luận. Trong các loài chim tôi ghét nhứt chim tu hú. Nghe nó kêu ở đâu cũng tìm đến bắn cho bằng được. Nó không động phạm gì đến tôi, không ăn hết của của tôi nhưng tôi vẫn ghét nó là do nó lười biếng, độc ác và vô trách nhiệm. Tu hú không bao giờ làm ổ. Đến mùa sinh sản nó bay lang thang tìm ổ quạ, ăn sạch trứng quạ rồi đẻ vào đấy nhờ quạ ấp và nuôi con. Bởi vậy trong dân gian mới có câu :”Quạ nuôi tu hú”.
Con tu hú bự bằng bắp tay đang nhảy qua nhảy lại trên cành bằng lăng tìm ăn trái chín. Tôi lắp đạn vào bọc, ngồi núp trong một bụi rậm cạnh gốc bằng lăng, chờ cho nó ăn no, đứng yên rỉa lông mới bắn.
Chợt! Chị Lành từ đâu xuất hiện trước mắt tôi. Đầu chị đội nón lá, tay xách cái giỏ gì nằng nặng đi về hướng chòm mả, khi ẩn khi hiện như một bóng ma. Sau lưng chị chừng mươi thước, trưởng ấp Ba Ngói xách súng nom theo đầy vẻ gian trá. Chị Lành có ý cẩn thận, đi một đoạn chi dừng lại ngó trước ngó sau. Ba Ngói bèn ngồi thụp xuống. Chị Lành đi tiếp, ông ta đứng dậy bám theo.
Ba Ngói nổi tiếng nham hiểm, sàm sở với đàn bà con gái. Chắc chắn ông ta theo dõi chị Lành với ý đồ xấu xa, đê tiện. Giữa khu vườn rộng lớn vắng vẻ, lại có súng trong tay ông ta muốn gì chẳng được? Làm sao ngăn chặn việc làm đồi bại của ông ta giải cứu chị Lành? Dễ thôi! Chỉ cần tôi ra mặt, lên tiếng là xong ngay. Nhưng không! Tôi quyết trừng trị tên dê xồm, cho nó một bài học nhớ đời nên cầm nạng giàn thun len lỏi theo sau lưng nó. Tuy nhiên, với tư thế đi lum khum không được thoải mái, dù là thiện xạ tôi cũng khó có thể bắn trúng đích của mục tiêu di động. May thay! Chị Lành lại dừng lại quan sát chung quanh. Ba Ngói nồi thụp xuống. Tôi cũng ngồi thụp xuống, giương nạng giàn thun thẳng tay, nhắm vào đầu con dê xồm, nín thở, nhả đan.
Bốp! Ba Ngói buông súng ôm đầu la bài hãi :
-Trời đất ơi! Chết tui rồi!
Nghe tiếng la chị Lành quay lại nhìn. Thấy Ba Ngói chị có vẻ hốt hoảng bước hấp tấp trở lại phía chân vườn lát sau mất dạng. Tôi cũng lặng lẽ rút lui, xa xa còn nghe tiếng Ba Ngói hằn học:
-Đ.má thằng nào bắn tao đó. Tao mà biết được tao bắn chết mẹ.
Sợ bị Ba Ngói phát hiện trả thù, tôi nói hết chuyện cho má tôi nghe. Bà lo lắng :
-Mơi mốt đừng vô đó bắn chim nữa nghen con?
-Sao vậy má? Tôi hỏi
-Ờ…thì chỗ đó mả mồ rắn rít độc đia lắm chớ sao?
Tôi không sợ mồ mả rắn rít mà sợ Ba Ngói. Ông ta còn độc địa hơn mồ mả rắn rít nhiều.
Tưụ trường, tôi lên tỉnh học trung học. Từ đó, những kỷ niệm vui buồn cuả thời thơ thơ ấu và thời thiếu niên tôi gởi lại hết nơi quê nhà.
xXx
Hơn ba năm sau ngày giải phóng miền Nam, tôi đưa vợ con về quê sống với cha mẹ già. Một hôm, một người đàn bà trạc bốn mươi đến nhà tìm tôi. Bà mặc bộ đồ bà ba đen, đội nón tai bèo, khăn rằn quấn cổ, vai mang túi vải. Một sĩ quan biệt phái (trước kia tôi là giáo viên) vừa học tập cải tạo xong lại được một cán bộ cách mạng tìm đến nhà là chuyện… bất bình thường! Tôi bước ra cửa chào bà với tâm trang âu lo, hồi hộp:
-Chào bà. Mời bà vào nhà.
Bà cán bộ phá lên cười vui vẻ :
-Bà nào? Bộ cậu quên chi rồi sao cậu út? Làm gì khẩn trương dữ vậy?
Thái độ vui vẻ, tự nhiên và thân thiện của bà cán bộ đã làm tôi bớt lo sợ nhưng tôi vẫn không đám nhìn thẳng vào bà, không nhận ra bà là ai nên cứ ấp a ấp úng. Bà cán bộ phác mạnh vào vai tôi, mắng yêu :
-Mắc dịch cậu! Làm gì lấm la lấm lét như gà chạy mặt vậy? Chị ba Lành nè?
Tôi mừng rỡ nắm tay chị Ba, reo lên :
-Trời! Chị Ba! Hèn chi nãy giờ em nhìn chị quen quen. Xin lỗi chị nghen chị Ba.
Chị Lành đẩy tôi vào nhà:
-Lỗi phải gì vô nhà hãy nói.
Vâng! người đàn bà đang ngồi trước mặt tôi chính là người con gái của hơn hai mươi năm về trước. Chị mập mập, trắng trẻo và phát tướng hơn thời son trẻ lại không có ấn tượng gì đặc biệt nên tôi không nhận ra. Còn tôi, chị Lành cho biết, suốt hai mươi năm qua, chi lúc nào cũng nhớ đến tôi do tôi là…ân nhân của gia đình chị!
Ba chị Lành là cán bộ Việt Minh. Sau năm một ngàn chín trăm năm mươi bốn, bác Hai được phân công ở lại miến Nam hoạt động. Để tránh chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” của địch, bác Hai phải sống dưới hầm bí mật cạnh chòm mả trong vườn ông Kiểm Luận. Hôm đó chị Lành đem cơm nước, quần áo, thuốc men cho bác Hai vô tình bị trưởng ấp Ba Ngói theo dõi. Nếu tôi không ngăn chặn kịp thời, một là chị Lành sẽ bị ông ta làm nhục, hai là bác Hai sẽ bị ông ta phát hiện. Vài hôm sau, địch lục soát đến từng gốc cây bụi cỏ trong vùng chòm mả nhưng Bác Hai đã dời sang chỗ ở mới và tiếp tục hoạt động đến ngày đât nước hoà bình, thống nhất. Hiện Bác là cán bộ cấp cao của tỉnh nhà. Chị Lành cho biết bác Hai bận rất nhiều việc nên chưa thể về thăm tôi nhưng bác hứa sẽ về một ngày gần đây.
Tôi không dám nhận cái vinh dự to lớn mà gia đình chị Lành đã dành cho tôi. Suy cho cùng, việc làm của tôi hồi đó chỉ mang tính hiếu thắng và là một sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ tôi hoàn toàn không biết Bác Hai sống trong hầm bí mật. Chị Lành ôn tồn nói :
-Em nên nhớ rằng ngẫu nhiên lúc nào cũng là hình thức biểu hiện của tất nhiên cho nên em nhận hay không thì đó vẫn là sự thật Nho à. Còn nữa, giả sử em biết Bác Hai sống trong hầm bí mật chị cũng tin chắc em sẽ bảo vệ Bác Hai như bảo vệ chị vậy, đúng không?.
Tôi hỏi chị Lành :
-Hôm ấy em không ra mặt sao chị biết em bắn lão Ba Ngói?
Chị Lành cười nói :
-Thím tư nói cho chị nghe
Thì ra là vậy./.