Đúng buổi sáng ngày hội thi chim hót hay, con bồ chao của Tám Tùng sổ lồng. Anh Tám buồn ra mặt. Vậy là anh không thể có mặt trong số những người chủ chim dự hội thi. Anh chỉ còn một tia hy vọng mỏng manh cuối cùng: may ra con bồ chao chịu trở lại cái lồng mái nhà rông mà anh nhờ treo trên một nhánh mận, trong có cái hũ đầy trứng kiến. Con bồ chao chẳng bay đâu xa. Nó đậu ngay đầu một nhánh mận cao chót vót, đứng giữa trời nhìn một khoảng không phố xá nội ô vắng bóng cây, trần trụi phơi mình dưới nắn
Ông Năm nghệ nhân cười ha hả, nói với Tám Tùng:
- Vậy là đi đứt cái giải nhất mười ngàn đồng, cũng chẳng sơ múi chi cái giải khuyến khích hai ngàn, héng thủ trưởng!
Tám Tùng buồn lắm. Anh nói vớt vát với ban tổ chức:
- Tới mười giờ mới chấm dứt cuộc thi. Nếu con bồ chao của tôi trở vô lồng, tôi có quyền dự thi à nghen!
Ban tổ chức thông báo, mọi người có mặt dều có quyền chấm điểm. Mỗi người được chấm tối đa ba con chim mà mình cho là hót hay nhất, con nào được nhiều phiếu nhất sẽ là vô địch. Trong lúc một cô gái trẻ đẹp phát phiếu chấm thi cho từng người, kèm theo một nụ cười hết sức duyên dáng, thì các tay kỹ thuật lo điều hành máy móc, chuẩn bị phát đoạn băng cát xét ghi tiếng chim hót, mồi các con chim dự thi. Hết một đoạn băng rè rè, bắt đầu có tiếng chim phát ra từ cặp loa bố trí ở hai góc vườn. Những con chim đủ loại trong lồng, treo rải rác đó đây trong vườn cây, nhảy nhót, nghiêng đầu nghe ngóng, rồi... một, hai, ba con bắt đầu nghển cổ cất giọng.
Tám Tùng buồn bã nhìn lên nhánh cây mận, nơi có treo cái lồng mái nhà rông, cửa lồng mở sẵn thòng xuống sợi dây bẫy bằng chỉ. Anh lại nhìn về phiá cái nhánh cây cao chót vót, nơi đó, con bồ chao đang chúi đầu xuống nhìn dáo dác. Anh khẽ thở dài, lặng lẽ đi bên ông Năm nghệ nhân, tai nghe ông già nói chuyện mà mắt thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn con bồ chao...
Mời người đang chú ý hai con chích choè trong hai cái lồng treo bên nhau. Cả hai con đều có giọng hót tốt, bên tám lạng, đằng nửa cân. Điểm khác là con than cứ nhảy nhót liên hồi trong khi khoe giọng hót của mình, còn con lửa thì đứng im trên đoạn trúc đặt ngang lồng, dáng thư thái tự tin.
Một người bình luận:
- Điểm chín huề!
Một người khác:
- Sao được! Khi giọng hót ngang ngửa thì phải tínhthêm điểm phong cách. Tôi cho điểm con lửa. Nó có phong cách ung dung của một nghệ sĩ lớn!
Người thứ ba:
- Tôi khác! Tôi cho điểm con than. Coi nó linh lợi, vui mắt hơn nhiều. Nó thuộc mô típ trẻ!
Không biết có nghe hiểu tiếng người hay không, hai con chích choè càng hăng say phô diễn tài nghệ. Con lửa thong thả buông từng tiếng: Chích... chích choè! Còn con than thì lanh chanh, xù lông má: Chích chích chích! Chích... choè!
Tám Tùng khều ông Năm nghệ nhân:
- Ý anh Năm thì sao?
- Tôi cho hai con huề điểm, thủ trưởng à! - Ông nói lớn - Cho hỏi coi. Hai con chích choè này của thằng Năm Quyền cả phải không?
Tiếng ai đó đáp:
- Phải!
Ông Năm quay qua Tám Tùng tiếp:
- Tôi cho huề điểm là bởi vậy! Nghệ sĩ lớn hay mô típ trẻ chi chi, cũng một chủ thôi!
Khi có tiếng họa mi cất lên, mọi người bỏ hai con chích choè. Đã đến lúc các chú chim hoàng gia đua tài. Tất cả có bốn con họa mi. Con thứ nhất vừa hót, lập tức con thứ hai hót theo. Tám Tùng nhận xét:
- Ngang cơ!
Ông Năm nghệ nhân gật gù:
- Đúng vậy!
Con họa mi thứ ba góp tiếng, có kém hơn chút đỉnh. Con thứ tư nghiêng đầu nghe ngóng. Nó chưa hót, chậm rãi nhúng mỏ vào bình nước trong như để thấm giọng. Chủ nó, một thanh niên trẻ để râu mép, dẩu môi, huýt gió đến lần thứ ba nó mới chịu hót. Nó nghển cổ về phiá bầu trời xanh, phát ra những âm thanh tuyệt vời. Mọi người im lặng nghe nó hót. Ba con họa mi kia, con ngơ ngác, con nhảy nhót như bị săn đuổi, con nghiêng đầu qua lại, rồi tất cả cùng bặt tiếng.
Một người reo lên:
- Thắng rồi!
Ba người chủ của ba con họa mi kia đến bên lồng chim của mình mỗi người một điệu huýt gió, động viên đệ tử cất tiếng. Nhưng cả ba phải hoài công.
Ông Năm nghệ nhân nói:
- Thôi đi mấy cha! Dân nuôi chim còn lạ chi nữa. Đàn anh đã lên tiếng rồi, đàn em nó sao dám hó hé!
Tám Tùng mỉm cười, đắc ý với câu nói của ông Năm nghệ nhân. Ông già coi vậy chớ thâm thúy lắm.
Bỗng, Tám Tùng giật mình nghe tiếng bồ chao. Krao... Krao... Trong vườn có hai con bồ chao, vậy mà bằng linh tính, Tám Tùng nghĩ ngay đó là tiếng con bồ chao của mình. Quả vậy, con bồ chao của anh đã nhảy xuống cành mận có treo cái lồng mái nhà rông cửa mở, và nó đang say sưa hót. Giọng anh Tám líu lại:
- Nó... nó hót kìa...
Mọi người cùng ngước lên nhìn con bồ chao. Cái ức trắng xù ra, tiếng hót không hay nhưng đầy phấn khởi. Nó di chuyển dần tới bên cái lồng. Một người kêu lên:
- Nó sắp chui vô lồng kià!
Anh Tám lẩm nhẩm như cầu kinh:
- Dzô... dzô lồng đi con...
Con bồ chao nhảy vào lồng thật. Nó đứng trên nhánh trúc gác ngang lồng, cúi mình mổ trứng kiến mà nuốt. Anh Tám rón rén chân như thằng ăn trộm, với tay cầm sợi chỉ giật một cái. Cửa lồng sập xuống, tim anh muốn vỡ ra. Nhưng con bồ chao chẳng thèm để ý. Nó đang mải uống nước. Rồi nó lại hót.
Tám Tùng hoàn hồn. Anh vui vẻ nói với mọi người:
- Vậy là con bồ chao của tôi có quyền dự thi chớ gì! Mới chín giờ ba mươi bảy phút!
Ông Năm nghệ nhân chắp tay sau lưng, lững thững bước ra ngồi nơi băng ghế đá, châm thuốc hút. Những con chim vẫn đua nhau hót. Hờa mi, chích choè, khướu, sáo, bồ cha... Còn mọi người thì vừa bàn tán vừa chấm điểm.
Tám Tùng tới bên ông Năm nghệ nhân :
- Hú hồn! Tôi tưởng mất con bồ chao rồi chớ! Nghĩ cũng lạ, đã thoát ra rồi lại đâm đầu vô lồng!
Ông Năm nghệ nhân cười mỉm:
- Đơn giản thôi mà thủ trưởng. Bởi trong lồng có sẵn trứng kiến, nước trong. Ăn uống lúc nào mà chẳng đặng!
Ban tổ chức đi thu phiếu chấm điểm.
Con bồ chao của Tám Tùng được một giải.
Tám Tùng vỗ vai ông Năm nghệ nhân, giọng rất vui:
- Thấy chưa! Đệ tử của tôi cũng ngon lành lắm chớ!
Quá vui, anh Tám không để ý đến nụ cười khó hiểu của ông Năm nghệ nhân. Ông không muốn, cũng chẳng cần nói ra một điều. Là sự thực con bồ chao của Tám Tùng không đủ phiếu vô giải, nhưng ban tổ chức hội ý vẫn trao giải cho nó. Lý do: anh Tám là thủ trưởng của đơn vị đã giúp đỡ về vật chất cho hội thi này!
Con bồ chao của Tám Tùng lại cất tiếng hót. Krao... Krao... Nó vừa chén thêm một bụng trứng kiến no nê nên hào hứng hót chăng? Hay là nó cũng biết mình vừa đoạt giải?./.
(1989)