Nguyễn Ngọc Oánh sinh 1937.
Quê quán : Quỳnh Bá - Quỳnh Lưu - Nghệ An
- Phó Giáo sư - Tiến sĩ Kinh tế
- Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Nguyên Tổng thư ký hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam
- Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ nhiệm khoa KT - TC- NH
Trường Đai học Thành Tây, Hà Nội.
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
- Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Đã xuất bản 12 tập thơ. Công trình tổng tập mới nhất :
NGUYỄN NGỌC OÁNH – THƠ – TÁC PHẨM & DƯ LUẬN.
Nxb Văn học, Hà Nội 12-2009, 945 trang khổ 14,5 x 20,5 cm
Dưới đây là bài Bạt của Nhà phê bình văn học THÁI DOÃN HIỂU
viết cho tuyển tập đó.
&
Giữa ngổn ngang những dữ kiện, con số, tiền nong, ngành Ngân hàng Việt vẫn hào hiệp tặng cho thi đàn ta một nhà thơ tinh tế: Nguyễn Ngọc Oánh.
Trong thi sĩ Nguyễn Ngọc Oánh có hai con người: một trẻ và một già!
Đây là chàng trẻ Oánh:
Nguyễn Ngọc Oánh yêu và anh rất dại dột cất công đi tìm bề sâu để khám phá bản chất của nó. Nhưng anh hiểu làm sao được chiều sâu thẳm của tình yêu (?) hệt như nhà vật lý Đức Risa Hanxơ khi ông này giảng giải cho sinh viên: “Vấn đề tuổi của trái đất quá ư phức tạp. Nó cũng khó hiểu như trái tim cô gái. Ta đứng trên mặt đất nhưng không biết thật chính xác về tuổi của nó, cũng như ta tiếp xúc thường xuyên với các cô gái, nhưng đố ai hiểu rõ họ nghĩ gì về ta”. Rốt cuộc, nhà thơ chỉ tìm được cái bâng quơ “ngẩn ngơ đi tìm”, để rồi “bước hẫng lên tiếng cười”. Tâm trạng chông chênh này của Nguyễn Ngọc Oánh là trạng huống mất cân bằng của tuổi hồi xuân, khát yêu, nhưng không thể vượt rào vì những tín điều đạo đức của người có nhân cách.
Ai làm cho đất lên mây
Để mây hôn đất đắm say giữa trời
Tôi - nàng cách một tiếng cười
Mà sao bạc mái tóc rồi vẫn xa
(Viết dưới chân Hoàng Liên Sơn)
Thực chất, tình yêu trong thơ Nguyễn Ngọc Oánh chỉ là một thứ tình bạn được nâng cấp lên mức cao sống động bởi sự chia biệt giới tính. Trước bạn đọc, nhà thơ đã phải thật thà cởi mở thanh minh rạch ròi:
Tôi - nàng nửa bạn, nửa yêu
Nửa mưa, nửa nắng, nửa chiều, nửa mai
Nửa đêm chợt tỉnh giấc dài
Quờ tay chạm ánh trăng ngoài chấn song.
(Nửa)
Chính thứ thơ ca - mặt trời của cuộc sống này đã đem đến cho thi phẩm của Nguyễn Ngọc Oánh những bài thơ tình hay cả tứ lẫn lời.
Thơ Nguyễn Ngọc Oánh đã giúp ta khám phá sâu hơn bản chất phái đẹp. Theo anh, phụ nữ là một nửa bầu trời cấu tạo nên nửa trái đất. Họ không bao giờ khờ khạo. Họ sinh ra ở độ tuổi mấy nghìn năm trước công nguyên. Phụ nữ rõ ràng thông minh hơn nam giới vì họ biết ít hơn nhưng hiểu nhiều hơn. Các nàng thường hay lập lờ đưa vào tình bạn cái mà họ mượn tạm ở tình yêu. Trong yêu đương, biết 100 người phụ nữ thì vẫn không hiểu được ai sâu, nhưng nếu biết thật cặn kẽ một phun nữ thì sẽ hiểu được cả trăm người. Ở người phụ nữ, nhan sắc quan trọng hơn trí thông minh, bởi cánh đàn ông ưa nhìn hơn là thích suy nghĩ. Còn các quý bà thì rất thích được khen tặng dẫu nhan sắc không được mặn mòi cho lắm, vì vậy các nàng hay bị đàn ông tìm mọi cách làm hại, lợi dụng.
Ở đời, có ba thứ làm lòng người mát dịu hẳn lại, quên hết mọi tục lụy phiền toái là: nước, hoa và sắc đẹp phụ nữ. Dường như nơi nào có người đẹp thì nơi đó có tiếng thở dài của đàn ông. Nguyễn Ngọc Oánh thuộc dạng người thích phiêu lưu tình ái. Trong trời đất không có thứ gì phiêu lưu nguy hiểm cho bằng yêu đương. Anh thích thú say mê mạo hiểm dấn thân vào lãnh địa này. Nguyễn Ngọc Oánh giấu gì cũng được trừ khi yêu. Anh thích biểu dương, làm dáng trước mỹ nhân và âm thầm sẵn sàng chịu thua thiệt trong bóng tối. Khi thần yêu xâm chiếm, ngọn đèn tình của thi sĩ chỉ còn cháy sáng một bên y như thể không yêu là không còn được sống “cuộc đời anh khởi sự tự em đây” (Aragông). Nguyễn Ngọc Oánh đã để lại trong thơ một trạng huống chống chếnh say của một bên. Cách tạo tứ quả là duyên dáng tội nghiệp. Phạm Tiến Duật có lý khi anh gọi Nguyễn Ngọc Oánh là người làm thơ “cả nghĩ”, Bằng Việt trầm trồ “Tài hoa và phóng túng”. Tôi thêm: “đa tình” nữa! Nguyễn Ngọc Oánh thuộc nòi tình. Cặp mắt thi sĩ của anh hễ liếc vào chỗ nào thì chỗ đó lung linh lên, chới với.
Đây rồi Quán Dốc cây đa
Cái mầm quan họ nõn nà. Kìa em
Người không hẹn - người vẫn lên
Cậy nhờ lúng liếng về têm cơi trầu
Ai vờ như chửa quen nhau
Nụ cười ai giấu đằng sau câu chào
Mây bông chết đuối sông đào
Còn tôi chới với rơi vào mắt ai…
(Người ơi, quan họ…)
Người nào không có được một ý trung nhân để mà say thì bất cứ ở đâu người đó vẫn là kẻ cô độc vật vờ như cái bóng dẫu sống chen vai thích cánh giữa mọi người. Không được yêu thời trai trẻ, không được thỏa mãn chí tang bồng thời oanh liệt, Nguyễn Ngọc Oánh yêu bù bằng cách đi tìm người đẹp để yêu - yêu trong mộng tưởng. Đố ai cấm được nào!
Đây là chuyện Bích câu kỳ ngộ mới, cảnh Tú Uyên gặp mặt Giáng Kiều ở Hồ Tây, Hà Nội.
Mắt em buông xuống hồ đêm
Thuyền anh trên bến cũng chìm, lạ chưa…
Em như tai vạ khó ngừa
Bỗng đâu giáng xuống không chừa anh ra
Em như chuông vẳng mây xa
Lòng anh khắc khoải thánh ca không lời
Xin đừng thả ý nửa rời
Kẻo mà chân gió rối bời bước đi
Thôi đừng rót nữa làm chi
Kẻo mà rót cả làn mi em cười.
(Một thoáng Tây Hồ)
Đến xứ lạ Inđônêxia, Nguyễn Ngọc Oánh say người đẹp trong sóng rượu :
Em rót cho anh chén tím này
Biển trăng cùng uống với ta đây
Nâng lên sóng biển xô vào chén
Đặt xuống thì trăng lại rót đầy.
(Chén rượu Bali)
Sang Tôkiô, anh nguyện cầu người đẹp xứ Phù Tang :
Xin em chớ là băng
Lóng lánh vậy mà trơn lắm lắm
E tình anh trượt ngã giữa đất bằng
Xin em chớ là tuyết
Tuyết như bướm lượn dăng dăng
Ngại chạm vào tình em tan mất.
(Mệnh)
Lên Tây Bắc, tiếp cận gần gụi với các phù xao Sapa xinh đẹp, nhà thơ lâm nạn ngay :
Bập bùng lửa than ai quạt
Nào ngờ đã bén sang anh
(Con gái Sapa)
Người thơ liền bị đắm đuối và cuốn ngay vào cái lễ hội yêu đương xứ mường “Tiếng khen dìu đặt cuối bãi – Kéo chùng cái đêm tự tình”. Thi sĩ bàng hoàng “Phía nào hương cũng bủa vây – Tôi em cùng vướng ai đây gỡ giùm” (Cánh lan rừng). Đến tận Mèo Vạc, Hà Giang, đi chợ tình Khau Vai, Nguyễn Ngọc Oánh tìm được một nét riêng để mỉm cười “Nhỡ nhàng từ thuở giêng hai – Cái tình vẫn trẻ, cái vai đã gù”. Thi sĩ chạm tới tận tâm can nỗi đau riêng của đôi lứa “Niềm vui đi gặp nỗi buồn - Vầng trăng côi cút tủi luồn chân mây” (Chợ tình Khau Vai). Trước những cuộc tình đơn phương ấy, chàng Đông Giăng nhà ta mê đên mức “Trời cho cái miệng thậm xinh - Bàn chân nát đá cuối ghềnh vẫn theo”; sảng đến độ “Cái lần tay chạm phải tay - chạm miền đất lạ có cây ngô đồng”. Bị hớp hồn bởi “Sao em hai lúm trăng thề vẫn cong”; đến đỗi “Tóc mai mỏng manh cột ai khó về” (Cô kiểm ngân). Trắc trở quay ra ốm tương tư “Ngờ đâu chúng mình soi gương bằng nước mắt” (Đối thoại tình). Tự chữa cho mình “Anh ngồi dỗ phía bên kia nỗi buồn” (Lời ru ban trưa). Bồi hồi như đứng đống lửa, đành phải liều thôi “Anh vịn mnỗi nhớ gập ghềnh anh sang”. Thi sĩ si tình đến mức “Với em anh muốn làm nô lệ” (Tự thú) cũng là hợp lẽ. Rồi chàng ta quyết định mở tín dụng tình (!) để “cân đối” lại tình yêu của mình. Ai cũng thấy tình yêu là sự yêu thích tuyệt đối dành riêng cho một người hơn hẳn mọi người. Anh chàng tù binh của tình yêu than.
Nợ tiền trả hết lại vay
Nợ tình càng trả càng đầy. Cực chưa…
Ước chi cứ được nợ nần
Để người đòi nợ ghé sân hàng ngày
(Nợ)
Cuộc đời là bông hoa, tình yêu là mật hoa. Thiếu ăn thể xác ốm o, thiếu yêu linh hồn cũng rã rời vật vã. Người Pháp bảo: ”Thiếu yêu như thiếu nắng”. Cuộc sống thiếu tình yêu thì không thể gọi là sống mà chỉ là tồn tại. Đây là những giây phút ngất ngây thần tiên nơi trần thế của danh sĩ với giai nhân. Chính tuổi già không thể gìn giữ Nguyễn Ngọc Oánh thoát khỏi vòng ái ân nhưng tình yêu đã bảo vệ thắp lửa cho thi nhân thoát ra khỏi tuổi già. Tình yêu quả là không có giới hạn, chừng nào trái tim Nguyễn Ngọc Oánh còn đập thì anh còn yêu. Nó chứa vẻ đẹp thanh cao, trong sáng, sang trọng mang lý tưởng thẩm mỹ kỳ lạ lung linh như bảy sắc cầu vồng ảo giác. Khi yêu thật sự người ta mới thực sự được sống làm người. Càng tiến sâu vào tình yêu, linh hồn con người càng trở nên bất tử.
*
Và, còn đây là ông lão Oánh:
Tháng năm xanh ai đốt
Tàn tro bay trắng đầu
Về quê thăm bạn cũ
Mây bồng bềnh mắt nhau
(Thăm bạn)
Thăm bạn là một bài tứ tuyệt già giặn. Nhà thơ có tài lấy một sợi tóc từ xanh hóa bạc mà gói được cái ngắn ngủi phù du bi thương của cả một kiếp người!
Kể ra, tôi tán thành ý này của Trần Ninh Hồ. Lấy mái đầu bạc than vãn tuổi gìa để tham sinh úy tử và đau đời thì cũng chẳng có gì mới. Người xưa từng than “Trong gương thật chẳng hiểu – Sương thu vào lối nào” (Lý Bạch); “Tóc hai phần bạc bởi thương thu” (Nguyễn Trãi); “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch” (Thù nước chưa trang đầu vội bạc - Đặng Dung); “Bạc đầu chỉ mải lo cơm áo” (Nguyễn Du); “Nước thời gian gội tóc trắng phau phau” (Đoàn văn Cừ). Lớp trẻ sau này, Nguyễn Duy giữa chiến trường từng gối lên cánh tay mình ngủ đền nỗi “Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình”. Trương Nam Hương lại rất hoảng “Thấy thời gian chạy vù qua mái đầu”. Lê Quốc Hán sợ hãi đến mức “Thời gian như rìu sắc - Đẽo bạc cả đầu xanh”… Thế thì, cái mới của anh Oánh là ở chỗ nào ? Xin thưa là ở cách cảm, cách nghĩ, cách phô khác thường ấy. Rằng là mỗi giây chúng ta đang sông đây (chứ đừng mong chi nói năm nói tháng) là ta đang vận hành về cõi chết. Có ai hiểu được sức tàn phá ghê gớm của thời gian và hóa công ? Thi nhân đã hóa giải được và giải hóa khá hay khi dùng một hoán dụ gợi một liên tưởng mạnh :
Tháng năm xanh ai đốt
Tàn tro bay trắng đầu
Hai ông bạn cố tri thuở chăn trâu cắt cỏ, đặt lờ thả ống trúm, ngày đi tóc hãy còn xanh. Sau bao nhiêu năm xa cách nổi chìm, giờ gặp lại nhau nơi cố hương trong cảnh quan dân lệ cách (một ông là Thứ trưởng bộ Tài chính kiêm Phó Thống đốc ngân hàng Việt Nam, một ông là nông dân chân bùn tay lấm). Họ ôm chầm lấy nhau, mái đầu bạc xát mái đầu bạc. Tóc hai người bạn đã như mây trắng xóa, soi vào mắt nhau bồng bềnh, rưng rưng cảm thương dâu bể đến nghẹn lời ! Tứ thơ hẹp mà mở, kiệm lời mà vang. mộc mà sâu thẳm.
Về quê thăm bạn cũ
Mây bồng bềnh mắt nhau.
Xao động bâng khuâng trước lẽ biến dịch của trời đất và kiếp người, bài thơ đã đánh thức dậy bao kỷ niệm tươi nguyên ấm nồng trong thời niên thiếu xa vời yêu dấu tận làng quê. Một đồ vật tốt khi mới, một người bạn tốt khi cũ, người đời tâm niệm thế. Mái tóc bạc quả là một chứng tích sống động, là “vòng hoa danh dự”(Kinh Thánh), là văn khố hùng hồn của quá khứ.
Đã từng đi công cán khắp năm châu bốn biển, sành sỏi với đời, Nguyễn Ngọc Oánh đã đúc rút được khá nhiều những châm ngôn lịch lãm bằng thơ: “Nước mắt tuôn trong veo- Hỏi rằng nguồn có sạch?;”Sao nỡ đập vỡ kính- Để nhận về muôn gươm!”;”Dẫu là đỡ kịp hoa rơi -Thì làn hương vẫn chơi vơi cuối cành”; ”Hoa rơi trên đất vẫn hoa - Hoa thơm lạc tận xó nhà vẫn thơm”; “Núi cao không phải nhiều lời - Nụ cười chẳng phải phiên dịch”; “Người qua biên giới trình hộ chiếu - Gió qua biên giới mây chào mời”; “Số trúng - người đời nâng niu / Vé trật - hẩm hiu trắng hè” (Giao cảm không màu); “Đầu nguồn nước mặn tiếng chim - Cuối sông nước mặn nỗi niềm phù sa” (Tản mạn nước)... Không phải cho là mất, chính cho là được. Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận vào, con tim giàu lên nhờ cái nó cho đi, Nguyễn Ngọc Oánh đã thấm nhuần được giáo lý của nhà Phật:
Trước bàn tay ngửa ra
Thấy mình thêm nghèo khó
Trao món tiền nho nhỏ
Thấy mình vừa giàu thêm
(Trước bàn tay)
Anh lấy lời một nạn nhân chiến tranh, tố cáo chiến tranh hủy diệt bằng chất độc màu da cam “Tru di tam tộc - ba lần chém - Đầu độc một đời - giết nối đời” (Kể làm chi). Anh cảm hiểu đời sống và tâm trạng lá rụng về cội của người xa xứ “Ông cõng bà, dẫu là nắm tro, mà dường rất nặng - đôi mắt đục mờ dõi cuối trời xa” (Nơi xa xứ) rước nắm tro vợ về cố hương để được nằm cạnh bên mẹ cha. Anh suy nghĩ sâu về thân phận con người trong chiến tranh trước bức tường lính Mỹ chết trận ở Việt Nam trên đất Hoa Kỳ. Anh để mắt bận lòng đến những em nhỏ bới rác “Phận người như lá đài bi - Mưa tơi tả dập cớ chi còn vùi”...
Nguyễn Ngọc Oánh viết về cha và mẹ mình với nhiều ân tình ruột thịt. Cha anh là một ngư dân “Lọt lòng đã lấm cát - Tiếng sóng thay lời ru - Biết bơi trước biết đứng - Tanh nồng những giấc mơ” (Cha và biển), người cha mà đời sống lam lũ đến mức “Nụ cười luôn đi vắng - Nhọc nhằn tới buông neo” (Cha và biển). Mẹ anh là một người phụ nữ Việt hiền đức, đảm đang, trung hậu. Ngày mẹ mất, tiễn mẹ ra đồng an nghỉ, Nguyễn Ngọc Oánh thấm thía tổng kết cuộc đời cơ cực lam lũ của Người Mẹ trong những nét phổ quát khắc chạm:
Con nhìn vào đâu cũng hình bóng mẹ
Liêu xiêu gánh rạ lội ngược cơn giông
Tất bật gánh củi lún cả chiều đông
Đời mẹ như đòn gánh không mấu
Vận rủi đeo bám, rơi tuột vận may
Một đời bán lưng bới tìm hạt gạo
Một đời trốn hoài vẫn trong cơn mưa
Áo mới một đời vẫn là áo cưới
Tên gọi một đời vẫn là tên con
(Gió đưa cây cải về trời...)
Trong đời làm thơ, anh viết cho mẹ sáu bài. Bài nào cũng hay, mỗi bài mỗi vẻ, tỏ rõ anh là con
người hiếu đễ luôn yêu kính đấng sinh thành.
Nguyễn Ngọc Oánh dành cho người vợ tao khang của mình những lời lúa khoai mộc mạc đậm
đà nghĩa tình:
Vết nhăn trên trán rạn nhiều
Là bao vất vả sớm chiều trên nương
Chân chim đuôi mắt mờ sương
Là khi con ốm chiếu giường rỗng tênh
Vết hằn khóe miệng nổi nênh
Là khi gạo củi một mình kiếm mua
Hay hờn hay giận hay đùa
Là ngần ấy vị ngọt chua đã từng
(Mặn muối gừng cay)
Chị Tâm - người vợ thuần phác của anh đã từng đi định cư ở vùng kinh tế mới “Lấy chồng ở với mẹ chồng - Mái tranh thì mỏng bão giông thì nhiều - Tay đào gốc, tay cầm cày - Tay dìu mẹ, tay vá may ngùi ngùi”. Nhà thơ trân trọng cái giá của hạnh phúc vợ chồng những lần về nông trại nghỉ phép “Chập chờn giấc ngủ chăn sui – Có em, gió lạnh sụt sùi ngoài phên”. Và anh rất yên lòng cho rằng “Chẳng hoa hậu, chẳng là tiên”, nàng là “bông mai thắm nở bên hiên bốn mùa”.
Nguyễn Ngọc Oánh là một ông ngoại nhân từ. Nghệ thuật là ông của anh đã tạo nên chất thơ dí dỏm, dễ thương, gần gụi tâm sinh lý trẻ. Những bài học luân lý trong thơ anh dễ thâm nhập vào tâm hồn trẻ.
Nhà thơ đã tạo ra được những lời ngộ nghĩnh từ trong ruột trẻ thốt ra miệng :
Vo ve con muỗi quấy
Nhắm mắt lại. Ngủ đây…
Vo ve… nào ngủ được
Ước gì nhắm được tai.
(Vo ve)
Nguyễn Ngọc Oánh đã tái tạo được cảnh hừng đông rất hoạt ở làng quê đầy ấn tượng tuổi thơ :
Ó o…từ nóc cây rơm
Chú gà phát lệnh thổi cơm khắp vùng
Mặt trời bật lửa đằng đông
Cả làng nhóm bếp bập bùng ban mai
Mẹ ra kéo nước giếng thơi
Chị mây dậy muộn gượng cười lên theo
Cùng em – tinh nghịch chú mèo
Meo meo thể dục bài trèo cây cau.
(Hừng đông)
Bài học trống đánh xuôi kèn thổi ngược là cả một câu chuyện kể hài hước của người đạ công phu quan sát :
Cả họ kiến ùa ra
Kéo con sâu bắt được
Tốp gò lưng kéo xuôi
Tốp ra sức kéo ngược
Mấy chàng kiến hăng hái
Leo tít lưng con sâu
Tưởng múa may thật nhộn
Con sâu vèo tận đâu
Nhưng con sâu ì đó
Chú vào gặp chú ra
Chụm đầu nhau than thở
- Họ kiến yếu thế a ?
(Kiến tha mồi)
Đến những câu sau đây thì không riêng gì trẻ mà ngưởi lớn cũng thích :
Ran một tiếng ve
Mùa hè cởi áo
Gió về se lạnh
Mây thu mặc vào
(Đổi mùa)
Viết cho con trẻ là điều cực khó bởi trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại. Nguyễn Ngọc Oánh là người có tình yêu trẻ, có năng khiếu và tấm lòng bảo mẫu, bàn tay chăm chút của người làm vườn.
Đọc các thi phẩm của nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh, chúng ta thật sự vui sướng trước những bữa tiệc thịnh soạn đãi tâm hồn ta với những món đặc sản ngon lạ được chế biến bởi một tay đầu bếp giỏi. Nguyễn Ngọc Oánh sở trường về thơ tứ tuyệt, thơ hai câu và thơ lục bát. Anh viết nhiều và khá thành công. Tứ tuyệt không mùa có 111 bài, Ngẫu hứng đôi vần (thơ hai câu) có 280 bài, Lục bát nhà quê có 56 bài. Thơ Nguyễn Ngọc Oánh, thoáng, sâu đậm chất triết lý dân dã trong trẻo, chất tình tứ của hội làng, đằm thắm nét truyền thống và bộn bề cốt cách hiện đại. Thơ anh có đến chục bài toàn bích, có nhiều câu, đoạn gây xúc động thẩm mỹ mạnh. Cũng như thơ Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Hoàng Trần Cương… mật độ những bài hay, câu hay trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Oánh khá dày. Thơ anh hay ở cái lẽ, cái lý, cái nghĩa, cái tình ở đời, duyên dáng trong đời, thực nhuyễn trong ảo, chất thơ như ánh trăng thu cứ bàng bạc trong lời :
Hè về sen tỉnh giấc mơ
Lá xòe vẫy nón, non tơ búp chờ
Mùa thu sen lặn đáy hồ
Để mùa thu cứ nhẩn nhơ đi tìm…
(Hoa đến hoa đi)
Sương đêm treo tiếng ru hời
Sương mai treo lửng mặt trời cành mai
(Tản mạn nước)
Mẹ đi gánh nước ban mai
Gánh hai ngọn núi với hai mặt trời
(Về Phong Châu)
Rụng hoa quả đã nhú rồi
Thấp thoáng trong quả bồi bồi đã hoa
(Giao cảm bốn mùa)
Nụ cười em thật vu vơ
Câu thơ anh bỗng dại khờ trước hoa
(…)
Nợ trăng thì trả tiếng đàn
Nợ biển thì trả chớp ngàn ngang mây.
(Tản mạn nước)
Sao đêm cắt sóng làm hoa
Khỏa tay xô lệch thiên hà chơi vơi
(…)
Ôi, những câu thơ đẹp đến là… sững sờ ! Còn nữa “Âu Cơ địu nắng theo chồng - Bế trăm tiếng khóc qua sông sóng cồn”… “Phong Châu núi đứng núi ngồi - Tiếng chim thì dốc, tiếng cười thì nghiêng” (Về Phong Châu). Gửi từ biển thẳm về đất liền “Ở đây nỗi nhớ có tên - Nỗi buồn dậy sóng dềnh lên lại chìm” (Thư từ đảo). Trong giao tiếp, tránh sao khỏi những khi lỡ lời, anh ân hận “Cách chi buộc được gió trời - Để tôi nhặt được đôi lời nhỡ buông” (Nhỡ buồng). Đây là cách nhà thơ hoài niệm trước mảnh vườn tuổi thơ “Cái đuôi của chú chìa vôi - Quệt vào nỗi nhớ của tôi suốt chiều” .
Thơ Nguyễn Ngọc Oánh trữ tình êm ả, nhưng có lúc cũng nổi gân guốc, gây ấn tượng và gieo tâm trạng “Sợi nắng cõng sợi mưa” (Tóc), “Bão hú rỗng đêm buồn” (Lúa); “Anh gặp lại cây khế chua nhăn mặt cả gió Lào” (Trở về), “Giọt nước mắt mất con nào cũng mặn chát như nhau” (Viết bên bức tượng lính Mỹ chết tronng chiến tranh Việt Nam), “Mặc đôi quang thủng giữ lành tiếng rao” và “Mưa như trút cả cơn mưa cuối chiều” (Mưa Huế).
Bên cạnh những lý thú trên, Nguyễn Ngọc Oánh nên dè chừng sự luẩn quẩn, trùng lặp, lặp mình, lặp người…
Nghệ thuật có trăm cách biểu hiện, cần sáng tạo ra cách nói mới. Những câu “Thuyền tôi vượt thác chòng chàng câu ca”… “Nhớ thương lội ngược lời ru về ngàn” (Tản mạn về những dòng sông) quả có sinh khí thật nhưng là cách phô diễn không còn mới mẻ nữa.
Thơ Nguyễn Ngọc Oánh đang chớm có xu hướng văn xuôi hóa nhằm tạo một vẻ đẹp gân guốc và đời thường.
Thơ anh nhìn chung qua các tập là thứ thơ đều đều monoton, không có điệp khúc cao trào. Hãy coi chừng: đi trên đại lộ dài hun hút mà hai bên đường phố xá, nhà cửa chỉ đúc toàn một kiểu thì còn gì chán mắt bằng. Những biến tấu riêng cho mỗi bài sẽ giúp anh khắc phục được sự đơn điệu khi sử dụng thể lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ truyền thống, kể cả chủ đề tình yêu quá quen thuộc với tác giả để có được cái riêng khó lẫn thơ người.
*
Ngân hàng là nghề, thơ là nghiệp. Nguyễn Ngọc Oánh là người thăng tiến, hanh thông, đạt vận cả nghề lẫn nghiệp. Nghề để nuôi thân, nghiệp để nuôi hồn. Đã mắc vào nghiệp dĩ này rồi, anh là người có thực tài thơ. Thật kỳ diệu là nhà kinh tế học này - người đã góp phần giữ cho đồng tiền khỏi mất giá lại có thể đi đến đâu là hòa lòng mình với vạn vật, trẻ thơ và già giặn trong thi ca đến thế.
Nguyễn Ngọc Oánh đã tự bạch: “Tôi làm nghề ngân hàng, một nghề đòi hỏi phải nhạy cảm, dám quyết đoán và giàu mơ ước... điều này gần với thơ. Hàng ngày sống với những con số, những tư duy chính xác, có bản lĩnh trong quản lý và kinh doanh, càng gần đến thơ... Thơ như của nhặt được, nhiều khi tự dưng mà có. Nàng thơ kiêu sa thường đến lúc nghỉ ngơi. Vì thế, dù có bận đến đâu tôi vẫn có thể sống với nàng, miễn là vẫn rung động vì nàng:
Việc công không láng cháng
Tản mạn chút mộng mơ
Bạc tiền như gió thoảng
Còn lại một túi thơ
Người xưa đặt vấn đề khá nặng về chức năng của thơ ca: Trang Tử viết “Thi dĩ đạo chí” (Thơ lấy đạo để nói lên ý chí); Tuân Tử phán: “Thi ngôn dĩ kỳ chí dã” (Thơ để nói chí mình) dĩ nhiên rồi, nhưng khi Bạch Cư Dị truyền dạy: “Thơ bổ sát thời chính” (Thơ giúp xem xét việc chính sự); Trần Tử Ngang còn thêm “Thi dĩ bổ quốc” (Thơ lấy nghĩa giúp nước) thì điều đó mới thật là trọng đại. Thơ của Nguyễn Ngọc Oánh là thứ thơ “Nhặt được của một cõi lòng biết hát và biết đau”. Thi pháp của anh đã chín, vững vàng. Điều đáng lưu ý là Nguyễn Ngọc Oánh đã và đang cho thơ bắt rễ sâu vào thực thể xã hội để hút lấy tinh chất của Đời. Muốn làm một nhà thơ lớn hay bé còn tùy thuộc căn bản ở vấn đề xã hội mà nhà thơ phản ánh lớn hay bé. Các nhà thơ không nên chỉ chăm chút tỉa tót cho gương mặt mình thật mỹ miều mà lờ đi những vấn đề nóng bỏng, then chốt của thời cuộc. Công chúng bạn đọc sẽ quay lưng lại với thơ chừng nào thơ không quan tâm đến số phận của nhân dân và đất nước. Trần Nhuận Minh với tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ đã tái bản đến lần thứ 17 là tấm gương tiêu biểu đi tiên phong về ý tưởng này.
Thơ - với Nguyễn Ngọc Oánh tất cả đang phía trước. Anh hãy vững tin vào điều đó. Hơn mười bốn năm qua, chúng tôi đã mở lòng ra đón đọc từng bài một của người đăng tải trên các báo, cùng 6 tập thơ chính đã xuất bản với một cảm tình nồng thắm.
Chúng tôi không chúc anh Oánh làm được nhiều thơ, in ít vậy thôi, nhưng là thứ trầm tích. Cứ theo hướng ấy, anh có thể ngồi vững giữa chiếu thơ./.
(Rút từ bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI, trọn bộ 12 tập)
THÁI DOÃN HIỂU – HOÀNG LIÊN
(Nguồn: Bài bạt cho Tuyển tập NGUYỄN NGỌC OÁNH – THƠ
TÁC PHẨM & DƯ LUẬN, nxb Văn Học 12-2009)
Bản của THÁI DOÃN HIỂU gửi VCV.