Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.280
123.156.823
 
Nhà Thơ Vũ Xuân Hương Trong Sắc Giới Ảo Tượng Bụi Thiên Hà
Dương Kiều Minh

Đang giữa xuân làn mưa bụi giăng mờ xa xa, từ lúc nào thảm hoa dại với những cánh nhỏ xíu mỏng manh đã phủ kín khoảng đất trống rộng thênh dâng ngập niềm xuân phân. Trước mặt tôi là tập thơ mới của một nhà thơ, một người bạn từng gắn bó thân thiết những năm nửa sau thập kỷ 80 thế kỷ trước.

 

Tôi được biết, từ năm 1996 đến nay, nhà thơ Vũ Xuân Hương đã xuất bản ba tập thơ và một trường ca. Tập thơ Bụi Thiên hà vừa xuất bản đầu năm 2010, đa số các bài thơ trong tập được tác giả sáng tác và hoàn thành ở thế kỷ trước, có một số bài tôi đã được đọc khi còn là bản thảo cách đây hơn hai mươi năm, như các bài thơ “Đề tặng”, “Ứng tác”, “Qua thành nhà Hồ”,…

 

Trong tập thơ Bụi Thiên hà của nhà thơ Vũ Xuân Hương, lần đầu tiên tôi gặp và được đọc những bài thơ anh sáng tác trong thời gian du học ở Nga (Liên Xô cũ).

 

Những ngày ta ở nhà

Ngậm ngùi, cay đắng…

Nay những ngày nơi xa

Mấy lần hơn cay đắng, ngậm ngùi!

 

Nửa căn phòng tạm gọi cho ta,

mùa đông Nga mở mắt ra đã tối,

thằng bạn Nga thở dài,

ngạc nhiên nghe ta thở dài hơn nó.

(Ngậm ngùi)

 

Liệu ta có thể tìm thấy trong thơ một tâm sự nào thực hơn vậy. Năm 1989, tôi trở lại với lam chướng sông núi Hoà Bình, nhà thơ Vũ Xuân Hương cùng hai nhà văn cùng[I1]  khoá được chọn tiếp tục đi tu nghiệp ở Học viện Gooc-ki; và lúc đó, chúng tôi thấy chân trời phía trước thênh thang mở rộng chào đón họ. Đọc những dòng thơ có tính tự bạch này của nhà thơ Vũ Xuân Hương, tôi thực sự thấy phân vân.

 

bùng nhùng

muôn mối

chuyện xa, chuyện gần

chuyện gì cũng phải phân vân

cái tình làm tội cái thân vật vờ!?

 

Thế giới này qủa “mênh mông rộng lớn”

mà dễ đâu tìm được chỗ của mình!

(Ngậm ngùi)

 

Quả là thế giới quá mênh mông rộng lớn, và quả là thật khó tìm được chỗ của mình trong cái thế giới mênh mông đến choáng ngợp ấy.

 

Xem ra, có mấy ai quả quyết rằng mình đã tìm được chỗ của mình nơi nhân gian rộng thênh này. Trong thế giới mênh mông đó, người ta chỉ có thể neo đậu vào chính bản thân mình; Và có lẽ, đó là cái chỗ tối thượng mà con người có thể đạt đến được, trong cuộc nỗ lực kiếm tìm với “bao bầm dập.../ vẫn trong lành/ ở trong…” vậy.

 

Một bài thơ khác nhà thơ Vũ Xuân Hương viết trong thời gian lưu học ở Nga, là bài thơ “Chú quạ mùa đông”. Bài thơ kể về “một chú quạ con/ bới tìm trong tuyết/ mẩu bánh mì đen/ với đầy tâm huyết/ mười mấy độ âm/ đôi chân cóng quắt/ chú vẫn dán mắt/ xuống nơi kiếm tìm”. Trong nỗ lực tột cùng của mình, chú quạ con đã tìm được một miếng bánh mì nhỏ, nhưng rồi chú quạ con thất vọng nhận ra đó không phải là mẩu bánh mì mà chính là một chiếc “dăm gỗ sồi”; “miếng mồi quá cứng/ nuốt mãi không trôi?/ mới hay mình gặm/ nhầm dăm gỗ sồi!...”. Bài thơ thật giản dị, chỉ là câu chuyện kể về một việc cũng rất giản đơn, nhưng cái ý nghĩa ngụ ý có tính ngụ ngôn thì thật sâu sắc, toát ra từ mối tâm sự xót xa của nhà thơ trong cái cảm nghiệm cuộc sống thấm mùi vị chua chát.

 

Rừng Nga, chúng ta từng được biết qua văn xuôi và thơ ca của các nhà văn, nhà thơ Nga. Rừng Nga hiện lên trong thơ của nhà thơ Vũ Xuân Hương, nơi “Rừng Nga một chiều”, thì “phải ta giờ – con thú/ giữa rừng, nhưng lạc rừng”. Với “Rừng Nga, lại một chiều hè”, thì “Cây như người đứng chờ/ gió như người mất sức”. Trong cái buổi “chớm tuyết” của mùa đông Nga, tác giả đã ghì riết sự kiên nhẫn trong việc “dành sức lực qua mùa đông trì đọng/ khỏi vội đánh mất mình trong khối lạnh hư danh…!”.

 

Đọc những bài thơ nhà thơ Vũ Xuân Hương sáng tác và hoàn thành trong thời gian lưu học ở Nga, tôi nhận thấy một mối tâm sự thật xa xót và chua chát, nó thấm đẫm mùi vị của sự trải nghiệm trong ảm đạm và vô vọng. Tôi thật sự chưa hiểu được cái hiện thực đằng sau mối tâm sự này của nhà thơ. Như tôi đã nói ở phần đầu bài viết, tôi và nhà thơ Vũ Xuân Hương là bạn thân thiết trong quãng thời gian những năm nửa sau thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Sau khoá học, năm 1989, tôi trở lại với lam chướng sông núi Hòa Bình, nhà thơ Vũ Xuân Hương được tuyển chọn tiếp tục tu nghiệp ở Nga, từ ấy chúng tôi không gặp lại. Sau 21 năm, vào cuối năm ngoái, chúng tôi mới gặp lại nhau trong thời khắc ngắn ngủi. Dù xa cách đã lâu, khi gặp chúng tôi cũng không nói với nhau nhiều, tôi không tiện hỏi và cũng không có cảm hứng để hỏi chuyện thời gian nhà thơ Vũ Xuân Hương lưu học ở Nga, bởi anh về nước đã lâu. Giờ đọc những bài thơ nhà thơ Vũ Xuân Hương viết trong thời gian sinh sống ở Nga, tôi nhận thấy một điều gì đó mà mình chưa hiểu được. Tôi thật sự ám ảnh bài thơ “Chú quạ mùa đông” của nhà thơ Vũ Xuân Hương. Đó là hình ảnh chú quạ con trong mùa đông băng tuyết kiếm tìm một mẩu bánh mì, nhưng rồi nhận ra đó lại là một mẩu “dăm gỗ sồi”. Có lẽ đó là ngụ ý sâu sắc nhất mà tôi nhận thấy trong những bài thơ anh viết ở Nga, được in trong tập Bụi Thiên hà – ngụ ý của bài thơ đem lại cho ta cái cảm giác về một kiếp người thật nhọc nhằn, chẳng có bao ý nghĩa, cũng chẳng mấy thú vị, cũng chỉ nằm trọn trong cái ảo tượng Bụi Thiên hà mà thôi.

 

Mảng thơ viết về thôn quê mang đến luồng thanh phong ẩm ướt trong lành và thanh sạch trong thơ Vũ Xuân Hương. “Mưa rào mịn mái rơm tươi/ Thu chớm tàu cau cuối hạ” (Tháng bảy). Hoặc “Trong nắng xế ngang chiều/ ngóng  vọng tiếng thư cưu…”. Rồi những kỷ niệm hiện lên qua những giấc mơ, tựa như tia nước vọt lên từ mạch ngầm mà ta không thể kiểm soát hoặc kiềm chế được, thôi thì cứ để nó tự chảy tràn trên mặt đất:

 

Những giấc mơ thi thoảng lại hiện về:

Mảnh vườn xưa bọc xanh nhà bà ngoại

Nơi tôi có bao nhiêu là vụng dại

Rồi lớn lên dưới bóng những cây chè

(Mảnh vườn xưa)

 

Ơi ngọn núi quê hương rạch ngang trời xanh ngắt,

Hát lên nào trường khúc những mùa thu

(…)

Thế đấy bạn bè tôi,

hãy thương xót cọng rạ nghèo đất Mẹ,

hãy nhìn ra chung cuộc thời mình

hãy sum họp dựng xây

đừng chia năm xẻ bảy!

(Khúc hứng gửi bạn bè)

 

Ở trong một cảnh giới thật huyền tịnh, ta chợt nhận ra rằng chiều sơn tự với những đá, những rêu, vô ngôn đấy - nhưng chúng lại chất chứa sự vĩnh hằng trong đại định giữa thiên thu. Trong sâu thẳm và bí huyền của cảnh vật, nơi thinh không chợt vang lên “tiếng mõ gõ vào đêm sơn điểu” - đó chính là tiếng vang động thiên lương thức dậy, rung lên trong sâu thẳm tâm thức của nhà thơ.

 

Chiều sơn tự vô ngôn, huyền cảnh vật

đá rêu ngồi đại định với thiên thu

(…)

và tiếng mõ gõ vào đêm sơn điểu

(Đại trước chùa)

 

Xin cảm ơn cây – người thầy, người bạn

Đã cho tôi phút giây thư giãn

Xua đi tạp niệm

Hình tướng phù vân

(Phác thảo những khoảnh khắc)

 

Thật khó có thể hoà nhập làm một với một loài cây loài[Y2]  đó, nhưng trong những khoảnh khắc thì ta có thể chứng nghiệm được sự hoà hợp đồng điệu này. Có gì an nhiên hơn, thân thiện hơn và trong lành hơn với bầy loại và với con người hơn những cái cây? Không giống với cỏ cây và các sinh vật sinh tồn trên bề mặt vỏ của trái đất, có lẽ chỉ có lý trí của con người mới sản sinh ra những tạp niệmhình tướng phù vân. Tôi tự nghĩ có lẽ là như vậy. Và với những chiếc lá cây:

 

Chiếc lá vàng vừa dứt cuống, bay bay

phải chiếc vé cổ nhân dành lại

(…)

giờ đây, anh như một bóng cây

thưa dần từng chiếc lá,

lộ ra dần thăm thẳm sắc thu không…

(Đề trên lá thu)

 

Từ cảm nghiệm trong sự giải thoát hướng tới hoà đồng với thiên nhiên, nhà thơ Vũ Xuân Hương với cái nhìn ngược về quá khứ, đã nhận ra chiếc lá vàng vừa dứt cuống, bay baychiếc vé cổ nhân dành lại. Qua năm tháng của sự ngâm trải với bao bầm dập, như một bóng cây, dù qua thời gian năm tháng [I3] nhọc nhằn của đời người thưa dần từng chiếc lá, nhưng lại hiển lộ một cõi thăm thẳm sắc thu không. Tôi chợt tự hỏi, trong sự cố gắng tột bậc của mọi kiếp người, phải chăng  sự đốn ngộ là kết quả cao nhất mà năng lực của một con người có thể đạt tới. Khi lộ ra dần thăm thẳm sắc thu không cũng có nghĩa là lúc con người đã rũ bỏ được những sự vướng bận tục luỵ trần gian rồi. Con người đã gỡ ra khỏi cái mà không có gì làm khó cho con người bằng việc con người tự làm khó cho mình nơi cuộc sống bỏng khét những tham muốn đến phi lý.

 

Sự phát ngộ này đã khơi dậy trong cảm hứng của nhà thơ một hứng khởi đặc biệt đặc trưng “Vũ Xuân Hương”, đó là cảm hứng “nhớ Trời”:

 

Trời! Tự nhiên ta nhớ Trời – vòm thanh thiên mỗi nhật…!

(Nhớ Trời)

 

Cuốn vào luồng gió và ánh sáng thiên thanh, nhà thơ bay bổng trong ảo giác của Bụi Thiên hà. Đây phải chăng là ảo tượng nằm trong cảm thức và trong mối quan tâm hướng tới nền tảng cảm hứng thi ca của nhà thơ Vũ Xuân Hương trong tập thơ mới xuất bản này - đó phải chăng cũng là ý nghĩa chung cuộc đối với mọi cuộc sinh tồn nơi trần thế mà tác giả muốn gửi gắm mối tâm sự sâu xa của mình.

 

Ta như hạt bụi – thiên hà

Vi trần vi cực, nhưng là cái Riêng!

Riêng – trong bản tính thiêng liêng

Riêng – trong cái cách hoàn nguyên cuộc đời

(…)

Ta Bà trót nhận quê hương

Vi trần: số phận, tình thương: thiên hà…

(Bụi thiên hà)

 

Dù trong một sát-na, nhà thơ Vũ Xuân Hương đã có cảm thức mình giống như hạt bụi – thiên hà, nhưng ta vẫn thấy trồi lên trong tâm cảm của tác giả cái phần lý trí thật mạnh mẽ, không những không bị xoá đi lu mờ mà cái lý trí đó còn hiện rõ hơn lúc nào hết, đó là sự triết luận về cái Riêng, Riêng trong bản tínhRiêng trong cách hoàn nguyên, trong sự thức nhận về số phận, về tình thươngvi trần vi cực ở cõi thế tục Ta Bà. Tôi thầm nghĩ, hình như số phận của mỗi con người trên trần thế được quy định bởi nhiều sự tác động, nhưng có lẽ tính cách của mỗi con người mang lực đẩy vô hình mạnh mẽ nhất quy định số phận con người đó. Tính cách giống như mái chèo trên chiếc thuyền lan mỏng mảnh, nó dẫn mỗi con người theo những luồng lạch bên những dòng hải lưu trên đại dương trập trùng của số phận.

 

Tâm tính lành như đất

nhà quen gọi “Cu Mì”

sau vì bao o ép

suýt thành tên hung đồ

(…)

Văn chương vài ba bịch

sách vở dăm bảy bồ

mang tiếng người sang lịch

tính ngang tàng gió mưa

 

nếu sống lại thời xưa

tài dám ngang Lý, Đỗ

nếu sống thời mai xa

đỉnh Thi Sơn ta ngự

(Tự tiếu cuồng)

 

Những câu thơ trên có thể được coi là những vần thơ tự bạch của nhà thơ Vũ Xuân Hương với những ý tứ rất mạch lạc rõ ràng, mang tinh thần như Lão Tử đã từng nói “tự tri giả minh, tự thắng giả cường”.

Đọc thơ Vũ Xuân Hương, tôi vừa bất ngờ vừa phân vân ở một điều gợn thoáng qua trong những vần thơ của anh, đó là những câu thơ nhắc đến đồng tiền, với cái nghĩa là tiền bạc. Rải rác trong tập thơ Bụi thiên hà,  quá ba lần nhà thơ nhắc đến tiền:

 

“Đời cứ thế kiếm tiền xuôi ngược”

(Nhớ Trời)

 

“cũng lẩm nhẩm tiền nong giá cả”

(Bên gốc bạch dương Nga)

 

“chói tai Karaoke:

ai có tiền lập tức thành ca sĩ!”

(Như chẳng là đêm)

 

“Thất thường tiền

thất thường em”

(Trò chuyện với chiếc đồng hồ hỏng)

 

“Ta lắng nghe

Thời gian đánh Kassa trên tường

(…)

Có điều, đừng vội đánh Kassa

Trước cám dỗ những quầy hạ giá!”

(Nhật ký ngày sinh nhật)

 

Theo chú thích của tác giả, Kassa (tiếng Nga): quầy tính tiền.

Tôi bất ngờ và phân vân, là đồng tiền quả có sức mạnh trong việc từng làm đảo lộn nhiều giá trị xã hội và trong lòng người. Tôi không nghĩ và không tin rằng, đồng tiền lại làm vướng bận được và trở thành mối quan tâm của một nhà thơ chỉ “Nhớ Trời”, tự coi mình “như hạt bụi – thiên hà” và “Tự tiếu cuồng”, tự gọi thơ mình là “Thơ người bệnh tưởng”. Tôi vẫn tự vấn rằng: Liệu đồng tiền có thật chứa đựng được “siêu sức mạnh” như thế đối với nhà thơ Vũ Xuân Hương không?

 

Đọc bài thơ “Tự tiếu cuồng” của nhà thơ Vũ Xuân Hương mà tôi đã dẫn:

 

“Văn chương vài ba bịch

sách vở dăm bảy bồ

mang tiếng người sang lịch

tính ngang tàng gió mưa

 

nếu sống lại thời xưa

tài dám ngang Lý, Đỗ

nếu sống thời mai xa

đỉnh Thi Sơn ta ngự”

 

Tôi chợt nhớ lại một hình ảnh để lại ấn tượng mạnh về nhà thơ Vũ Xuân Hương trong ký ức của tôi. Đó là thời gian quãng năm 1987, trong một buổi chiều trước sân trường viết văn Nguyễn Du khoá III, khi đó còn là một bãi đất cỏ mọc um tùm trước dãy nhà xiêu vẹo lợp lá cọ,[I4]  đứng trước bạn bè cùng khoá, nhà thơ Vũ Xuân Hương dõng dạc chỉ tay về dãy nhà lá và nói: “Sau này, người ta sẽ phải dựng tượng Vũ Xuân Hương ở đây!”. Câu nói đó của nhà thơ Vũ Xuân Hương lúc này lại vang lên trong tôi. Nơi mà nhà thơ Vũ Xuân Hương nói người ta sẽ dựng tượng anh, nay là Khoa lý luận – sáng tác do nhà văn, giáo sư Văn Giá trụ trì. Thời chúng tôi học, khuôn viên nơi này còn rất thoáng đãng, nay nhà cửa đã dựng lên san sát. Thời điểm nhà thơ Vũ Xuân Hương nói sẽ dựng tượng anh, không gian ở đấy thật hợp lý, nhưng giờ nơi này quá chật hẹp chen chúc. Tôi nghĩ vào một dịp nào đó gặp gỡ và thưa với nhà thơ Vũ Xuân Hương, liệu có phải cứ nhất định phải dựng tượng anh trong khuôn viên chật chội của Khoa lý luận – sáng tác do nhà văn, giáo sư Văn Giá hiện đang trụ trì hay không?./.

 

Hà Đông, 21.3.2010

 
Dương Kiều Minh
Số lần đọc: 2226
Ngày đăng: 24.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc thơ Lê Quốc Hán - Yến Nhi
Miền ấu thơ khắc khoải - Lâm Xuân Vi
Đặng Ngọc Khoa và Thơ Thời - Hậu Sói - Nguyễn Hữu Hồng Minh
Hà Văn Thể và cảm thức bên những tinh cầu hừng hực thầm trôi - Dương Kiều Minh
Nhìn gần vài dung nhan thơ trẻ nữ Sàigòn - Nhị Ka
Hồn nhiên Lê Thị Kim - Trọng Vũ
Nhờ Văn chương Việt đính chính giùm - Võ Văn Nhơn
Đọc Thơ Nguyễn Viện - Nguyễn Hồng Nhung
Tuyệt Huyết Ca của Đặng Tấn Tới - Mang Viên Long
Thêm một khám phá đáng trân trọng về cái đẹp - Phạm Quang Trung
Cùng một tác giả
Thu ẩm (thơ)