Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.252
123.154.931
 
Ô Quan Chưởng
Đỗ Ngọc Thạch

Có bốn người thường xuất hiện ở Ô Quan Chưởng, khá đều đặn, ngày ngày, có khi vào buổi sáng, có khi vào lúc xế chiều. Đó là một ông già, khoảng ngoài sáu mươi tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng từ khuôn mặt đến dáng người đều thấy rõ sự rắn chắc của người đã kinh qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Ông già thường đem theo một cái giá vẽ, kẹp giấy và trong cái túi bằng vải chàm có thêu hoa văn của người vùng cao, là đủ các loại hộp màu và bút vẽ. Còn có một cái máy ảnh Canon đã cũ. Ông già thường vẽ cái cửa ô Quan Chưởng, vẽ từ nhiều phía từ đằng trước cái cửa ô. Thỉnh thoảng ông lại lấy cái máy ảnh Canon ra chụp vài kiểu. Không biết ông đã vẽ bao nhiêu bức tranh cái cửa Ô Quan Chưởng này, chỉ biết việc làm của ông đều đặn, bền bỉ, kiên nhẫn như chính cái cửa Ô Quan Chưởng hơn hai trăm năm nay vẫn đứng đó thi gan cùng tuế nguyệt!

 

Người thứ hai là một bà già, chưa tới sáu mươi tuổi nhưng tóc đã bạc trắng. Tuy nhiên, cũng giống như ông già, từ khuôn mặt đến dáng người đều thể hiện một thể lực còn mạnh mẽ, như là sự thách thức với tuổi già, với thời gian. Bà già thường đem theo một tấm gỗ bằng cái mặt bàn nhỏ và một cái giá đỡ cũng bằng gỗ. Khi bà già dựng cái giá đỡ bằng gỗ ấy lên, đặt tấm ván gỗ lên trên thì nó thành một cái bàn bán vé xổ số. Những xếp vé số nhỏ được ghim vào mặt tấm ván thành hàng lối như một đội quân nhỏ! Việc bán vé số của bà già đều đặn hàng ngày, sáng từ bảy giờ sáng đến khoảng mười giờ, chiều từ bốn giờ đến giờ quay số. Bán vào buổi chiều có khi còn được nhiều hơn cả buổi sáng bởi vào lúc giờ tan tầm, những viên chức Nhà nước muốn cầu may vào “phút thứ 89” cho nên không tiếc tiền! Tuy nhiên, việc bán được nhiều hay ít cũng đều không có ý nghĩa gì đối với bà già bởi cứ hai hoặc ba ngày, bà lại bị kẻ gian lừa (đổi vé giả hoặc lấy trộm vé trên bàn). Tổng kết hàng tuần, chưa tuần nào bà có lãi mà chỉ từ hòa vốn xuống lỗ vốn! Tuy thế, bà không thể bỏ công việc bán vé số này bởi việc bà có mặt ở trước cửa Ô Quan Chưởng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khác!

 

Người thứ ba là một thiếu phụ khoảng năm mươi tuổi, nhưng khuôn mặt còn tròn trịa, nhuận sắc như khuôn mặt của một thôn nữ. Người thiếu phụ này thường xuất hiện vào buổi sáng, từ sáu giờ tới hơn tám giờ với một thúng xôi gấc đo đỏ và thơm ngậy, khiến ai đã chót ngó nhìn thúng xôi thì không thể không ăn một gói!

 

Người thứ tư là một người đàn ông, rất khó đoán tuổi, áng chừng trên dưới sáu mươi, có khuôn mặt và thân hình xương xương, gày guộc nhưng rắn chắc như một pho tượng. Và Người thứ tư này xuất hiện ở Ô Quan Chưởng rồi đứng ở trên vọng lâu, trên nóc cửa chính của Ô Quan Chưởng như một bức tượng: một tay dơ cao như vẫy chào ai, một tay che ngang mày như muốn dõi nhìn ai? Mỗi ngày “Người – Tượng” xuất hiện khoảng bốn giờ đồng hồ, chỉ vắng mặt khi trời mưa to gió lớn.

 

Người thứ năm, khi thì là một bé trai, khi thì là một bé gái, chưa tới hai mươi tuổi, thường đi theo “Người – Tượng” như một vệ sĩ. Hẳn đó là những đứa cháu của “Người – Tượng”.

 

Người thứ sáu và thứ bảy là hai bố con người hát xẩm. Người bố, nhìn hao hao giống như Người-Tượng, chỉ khác là đã bị mù cả hai mắt, luôn đeo cái kính râm đã cũ, “hành lý” chỉ có cây đàn nhị cũng cũ kỹ. Người con gái khoảng hơn hai mươi tuổi, rõ là một cô gái xinh đẹp với nét u buồn thăm thẳm luôn phảng phất trên gương mặt phúc hậu. Cô gái cầm cái song loan nhỏ, vai đeo một cái túi vải bạt. Hai cha con thường xuất hiện ở Ô Quan Chưởng cùng thời điểm với bà bán vé số. Thường là người cha vừa kéo nhị vừa hát, cô con gái điểm nhịp bằng tiếng song loan. Thi thoảng người cha mới để cho cô gái hát thay…

 

*

 

Ông già “Người-Tượng” mỗi khi tới trước cửa Ô Quan Chưởng thường đứng ngắm nhìn cái cửa ô cũ kỹ, già nua này một lúc rồi nói với người cháu:

- “Ô Quan Chưởng hay còn gọi là Ô Đông Hà, tên chữ là Đông Hà môn (東河門, tức cửa Đông Hà), là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ:

 

Long Thành bao quản nắng mưa

Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây (*).

 

Người cháu bao giờ cũng nói:

-Ông nói về Ô Quan Chưởng như kể chuyện cổ tích…

 

Người ông, tức ông già “Người -Tượng” mỉm cười phúc hậu nhìn cháu rồi lại nói:

- Hiện nay, cửa ô còn nguyên một cửa chính và hai cửa con hai bên. Trên nóc cửa chính là một vọng lâu. Ngày xưa có lính tuần canh gác ở đây. Bên tường phía trái có gắn một tấm bia khắc năm 1882 ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu cấm bọn lính sách nhiễu những đám tang qua lại cửa ô.Từ phố Ô Quan Chưởng có thể dẫn ra 4 phố Hàng Chiếu, Đào Duy Từ, Thanh HàTrần Nhật Duật. Thời xưa, ô Quan Chưởng nằm trên đường từ trong thành phố đi ra bờ sông, thuộc địa phận thôn Thanh Hà tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ, cho nên gọi là cửa ô Thanh Hà. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài tám chục mét. Phía ngoài cửa ô trước kia coi như đất ngoại thành. Phố Ô Quan Chưởng được tính từ đường Trần Nhật Duật đến cửa ô Đông Hà, nối với phố Hàng Chiếu và nối ra phía đê sông Hồng. Phố được hình thành từ thời Pháp thuộc, có tên là Rue des Nattes en joncs (nghĩa là phố Chiếu Cói), chuyên buôn các loại chiếu cói từ Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình chở lên.

-  Tại sao chỉ còn sót lại một cửa ô và tên gọi lại có tên là Ô Quan Chưởng vậy ông? – Người cháu lại hỏi.

 - Sau khi chiếm Hà Nội, người Pháp cho phá hết các cửa ô cùng với một phần các con đê để mở rộng Hà Nội. Còn riêng ô Đông Hà, nhờ có sự đấu tranh kiên trì của nhân dân và của ông cai tổng Đồng Xuân Đào Đăng Chiểu (1845 – 1916), người làng Khúc Thủy (Hà Đông), nên chủ trương đó không thực hiện được. Vì ông Cai tổng cùng với dân chúng nhất định không chịu ký tên vào tờ trình xin phép phá cửa ô nên cuối cùng người Pháp phải nhượng bộ. Nhờ vậy mà đến nay Ô Quan Chưởng vẫn còn giữ nguyên vẹn như kiến trúc xưa.

Còn tại sao Ô Thanh Hà lại được gọi là Ô Quan Chưởng? Theo những điều còn ghi lại trong gia phả của họ Đào thì năm 1873, có một viên quan Chưởng cơ người Bắc Ninh nổi tiếng đánh Pháp, chẳng may bị bắt ở Gia Lâm, quân Pháp giải về Hà Nội chém đầu và đem bêu bên bờ sông Cái phía trước cửa ô Thanh Hà, giao cho Cai tổng Đồng Xuân canh giữ.

Ngay đêm đầu tiên, ông Cai tổng nghe tiếng chó sủa ngoài sông vọng về, cho tuần đinh ra tra xét thì thấy có hai chiếc đò cứ lởn vởn ở khúc sông gần chỗ bêu đầu quan Chưởng cơ. Sợ có người đến lấy đầu của quan Chưởng cơ, ông Cai tổng bèn cho đem thủ cấp vào treo trong cửa ô Thanh Hà.

Hôm sau người nhà quan Chưởng cơ đến thương lượng, xin ông Cai tổng cho chuộc lại thủ cấp. Biết đây là một nghĩa cử phải làm, nhưng để khỏi mang tội với quan trên, ông Cai tổng bèn lên bẩm báo với quan Đốc lý thành phố, xin cho ðem thủ cấp trôi sông để giữ vệ sinh trong khu dân cư và được chấp thuận.

Đêm hôm đó, ông Cai tổng trao trả thủ cấp cho gia đình quan Chưởng cơ, rồi sáng sớm hôm sau sai tuần đinh tin cẩn lấy một hòn đất to bọc vải cho vào một cái rọ đem ra giữa sông. Trước khi ném cái rọ xuống sông phải hô to cho mọi người trong bờ nghe rõ: “Theo lệnh quan trên, thủ cấp này phải trầm hà!”. Câu chuyện quan Chưởng cơ bị bêu đầu được lan truyền trong tổng Đồng Xuân, từ đấy ai đi qua cửa ô cũng gọi là ô Quan Chưởng, dần dần về sau cái tên cũ Thanh Hà không được nhắc đến nữa.

- Vậy tại sao trong bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao lại có câu: "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón mừng nở năm cánh vàng...". Cho nên khi hỏi Hà Nội có bao nhiêu cửa ô, nhiều người đã trả lời 5 và  cũng dễ dàng gọi tên 5 cửa ô đó là: ô Cầu Dền, Cầu Giấy, Yên Phụ, Đông Mác, Quan Chưởng …- Người cháu định nói gì nữa nhưng khi thấy người ông đứng lặng thì cũng ngừng lại. Đúng lúc đó, có tiếng đàn nhị réo rắt, nỉ non cất lên rồi vang lên giọng hát trầm buồn của người hát xẩm: đó là những lời thơ đầy cảm khái và bi tráng của bài “Hà Thành chính khí ca”(**), như đoạn nói về cái chết bi hùng của Tổng đốc Hoàng Diệu:

...Một cơn gió thảm mưa sầu,

Đốt nung gan sắt, giãi dầu lòng son,

Chữ trung còn chút con con,

Quyết đem gởi cái tàn hồn gốc cây.

Trời cao biển rộng đất dày,

Non Nùng sông Nhị chốn nầy làm ghi!

Thương thay trong buổi gian nguy,

Lòng riêng ai chẳng thương vì người trung!

Rủ nhau tiền góp của chung,

Rước người ra táng ở trong học đường.

Đau đớn nhẽ, ngẩn ngơ dường,

Tả tơi thành quách, tồi tàn cỏ hoa...

 

Khi cha con người hát xẩm hát hết một lượt bài “Hà Thành chính khí ca” thì đã thấy “Người-Tượng” đứng trên vọng lâu…

 

*

 

Thông thường, vào những ngày thời tiết bình thường, thì vào khoảng sáu giờ sáng, người thiếu phụ bán xôi gấc xuất hiện và đến bảy giờ thì lần lượt là bà bán vé số, ông họa sĩ, hai ông cháu Người-Tượng và cuối cùng là hai cha con người hát xẩm. Tất cả sáu người kia, khi đến cửa Ô Quan Chưởng thì chỗ đầu tiên họ tới là thúng xôi gấc của bà bán xôi. Như là có sự chuẩn bị từ trước, có sáu cái ghế con được đặt xung quanh thúng xôi. Song, sáu người kia ngồi ăn xôi như những khách hàng bình thường khác, họ không hề biết nhau. Nhưng người thiếu phụ bán xôi thì biết rõ cả sáu người kia và hiện nay, thúng xôi gấc là nguồn “kinh phí” chủ yếu để nuôi cả sáu người kia!...

 

Vào một buổi sáng mùa đông năm 2009, vào lúc bảy giờ, như thường lệ, người thiếu phụ bới xôi gấc cho sáu người kia ăn xong thì nói: “Chúng ta vốn là những người thân thiết mà giờ như những người xa lạ, số phận thật khéo đùa dai. Ông họa sĩ, bà bán vé số và ông “Người – Tượng” vốn là ba người bạn thân cùng học lớp Mười thời Trung học, là bộ ba “Xe Pháo Mã” rất tuyệt vời. Vậy mà mười năm nay, vẫn ngày ngày nhìn thấy nhau mà không nhận ra nhau, coi nhau như người xa lạ…Hôm nay, nhân kỷ niệm mười năm ngày chúng ta hội ngộ, tôi muốn mời tất cả đến gặp một vị bác sĩ thần kinh lừng danh, sẽ có thể giúp chúng ta chữa được cái bệnh quên quái ác này!”.

 

Người thiếu phụ bán xôi vừa dứt lời thì có một người gần bảy mươi tuổi, dáng vẻ như một vị giáo sư xuất hiện. Đó chính là vị Bác sĩ thần kinh lừng danh mà người thiếu phụ bán xôi vừa nói, và đó cũng chính là Bác sĩ phụ trách Đội điều trị dã chiến hồi chiến tranh mà cô Y tá Hiền, giờ là người bán xôi từng phục vụ. Vị Giáo sư, Bác sĩ thần kinh ấy nói: “Tôi đã tới rồi đây. Gặp mọi người ở đây mới thật đúng người đúng cảnh. Có phải vậy không?”. Tức thì ông họa sĩ già nói: “Phải rồi! Chính nơi đây, bốn mươi năm trước, tức năm 1969, ba người bạn chúng tôi đã chia tay nhau, tiễn đưa tôi vào chiến trường, khi chưa kịp bảo vệ Luận văn Tốt nghiệp Đại học. Lúc chia tay, tôi và Hoa đã có đính ước và hẹn nhau sẽ gặp lại nhau tại đây, ngày trở về!”. Ông họa sĩ già như chưa nói hết, thì bà bán vé số đã nói át đi: “Ông có biết tôi đã đợi ông suốt ba mươi năm qua ở đây không? Đến lúc gặp lại thì ông lại không nhận ra tôi! Ông có biết cả Hải cũng đã tới đợi cùng tôi vì anh ấy lo sợ cho sự an toàn của tôi đó! Giờ thì anh ấy thành “Người-Tượng” rồi, không biết đến bao giờ mới nhận ra chúng ta?”. Người thiếu phụ bán xôi gấc định nói gì thì vị Giáo sư Bác sĩ Thần kinh ra hiệu xin nói trước: “Bây giờ tôi có thể tuyên bố với mọi người: Chỉ có ông Người -Tượng là chưa có biến chuyển. Bà Hoa bán vé số đã hồi phục trí nhớ tới 99%, coi như là khỏi. Còn ông Hà họa sĩ thì đã hồi phục trí nhớ được 80% đến 90%, có dấu hiệu rất tốt. Tôi có thể kiểm tra lại ngay bây giờ”, và quay sang hỏi ông Họa sĩ: “Ông Hà, ông có biết người kéo nhị hát xẩm kia là ai không?”. Ông họa sĩ nhìn người kéo nhị khoảng hai, ba phút thì reo lên: “Thằng Cao Sơn, cây ghi-ta của Đại đội tôi chứ còn ai nữa!”. Hai người bạn lính ôm chầm lấy nhau mà không nói nên lời. Hồi lâu, ông họa sĩ Hà mới nói: “Tại sao lại phải đi hát xẩm, tội nghiệp quá trời?”. “Thì để được gặp lại thằng bạn khói lửa là mày mà thôi!”- Người hát xẩm không nói gì nữa mà lấy cây nhị ra kéo một bản nhạc “Ngày trở về”.

 

Nghe xong bản nhạc, ông họa sĩ già nói: “Mười năm nay, tôi loay hoay vẽ chưa xong bức tranh Ô Quan Chưởng vì bức tranh của tôi luôn thiếu một cái gì đó rất hệ trọng mà tôi không nhận ra. Giờ thì tôi đã nhận ra rồi. Đó chính là bà Hoa, người ngồi đợi tôi suốt bốn mươi năm qua ở cái cửa Ô Quan Chưởng này!”. Và chỉ trong khoảng thời gian hai mươi phút, một bức tranh Ô Quan Chưởng mới đã hình thành: trên hình nền là cái cửa Ô Quan Chưởng, có một cô gái lúc ẩn lúc hiện, lúc già lúc trẻ, đó chính là bà Hoa bán vé số của bốn mươi năm trước cho đến ngày hôm nay!...

 

Mãi cho tới lúc mọi người ra về để chuẩn bị cho buổi gặp mặt vào buổi tối, vừa là để kỷ niệm 40 năm ngày xa nhau, mười năm ngày gặp lại và 60 năm ngày sinh nhật của ba người, người kéo nhị hát xẩm mới níu vị Giáo sư – Bác sĩ Thần kinh lại mà hỏi: “Vậy trong mười năm qua, ông đã dùng phương pháp gì, thuốc gì để chữa bệnh mất trí nhớ của bộ ba ấy?”. Vị Giáo sư-Bác sĩ Thần kinh cười phúc hậu, nói hồn nhiên như trẻ nhỏ: “Rất đơn giản: Phương pháp là ghi khắc lại những hình ảnh đẹp của quá khứ và thuốc duy nhất là xôi gấc đó!”…/.

 

Sài Gòn, 2009-2010

 (*) ca dao.

(**) tác giả là Ba Giai – Nguyễn Văn Giai.

 

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3714
Ngày đăng: 26.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xa rồi nỗi ám ảnh một đời - Trần Minh Nguyệt
Mưu sinh - Vinh Anh
Con chim tu hú - Trương Hoàng Minh
Bán danh - Nguyễn Đình Phư
Con bồ chao đoạt giải - Khôi Vũ
Thằng mất dạy - Huỳnh Văn Úc
Băng nhân - Đỗ Ngọc Thạch
Phút chót - Mang Viên Long
Hương cau quê nhà - Trần Dzạ Lữ
Nước mắt cô hoa hậu - Thụy Vi
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)