Người đàn ông ngồi trên một chiếc ghế bằng gỗ tạp thấp, gã cúi người xuống tì trán lên mu bàn tay lồng vào nhau. Thanh niên ngồi xổm có vẻ đang chú ý nghe tiếng động trên nóc hầm, thỉnh thoảng hắn nhìn lên chút ánh sáng nơi lỗ thông hơi. Dưới ánh sáng lờ mờ, khuôn mặt hắn hốc hác và linh động nỗi bất an. Trong xó tối cạnh đó, một thiếu nữ nằm im. Nàng mặc một bộ đồ đen, mái tóc xõa tung bê bết mồ hôi trên trán. Ba người như không chú ý đến sự có mặt của nhau. Căn hầm hẹp, bề dài khoảng hơn hai thước và bề rộng một thước rưỡi. Những giọt nước từ thành đất rỉ ra, thỉnh thoảng nhỏ thành tiếng xuống mặt hầm. Sự im lặng hình như tăng thêm. Trời bên trên hẳn đã hoàng hôn. Chút ánh sáng nơi lỗ thông hơi nhạt nhòa không còn nhìn rõ. Thiếu nữ cựa mình trong bóng tối, cùng lúc người đàn ông ngồi thẳng dậy nhìn mà không thấy gì cả. Gã nuốt nước bọt, rồi nói bằng một giọng khô tưởng như sắp chết khát:
- Ai đói ?
Không ai trả lời gã hết. Có lẽ họ chưa chuẩn bị. Sự im lặng kéo dài suốt buổi, có khi cả ngày, làm họ tưởng mình câm. Thanh niên có lần định lên tiếng, chỉ để xem mình có còn nói được không nhưng hắn vẫn ngồi im lặng. Chỉ cố gắng đó thôi cũng thật khó. Bây giờ hắn nghe tiếng người đàn ông hỏi, hắn tự hỏi mình có đói không? Hắn không cảm thấy gì cả. Giọt nước cuối cùng đã hết từ buổi sáng. Nghĩ tới mấy thức ăn khô khan mà người đàn ông vừa gợi ra, cổ hắn như càng khô thêm đắng chát.
- Ai đói không ?
Người đàn ông lặp lại câu nói một cách khó khăn hơn. Thiếu nữ trả lời gọn:
- Chú ăn đi.
Thanh niên nói tiếp:
- Khát, không đói.
Người đàn ông :
- Tôi cũng vậy.
Cả ba người lại im lặng. Họ ở nguyên vị trí. Thiếu nữ nằm quay mặt vào thành đất. Nàng nghe trong đầu như có những mũi kim chích. Trong bóng tối dày đặc nàng nhắm mắt lại, hai bàn tay rịn mồ hôi lạnh toát. Bỗng nàng ngồi dậy, hốt hoảng gọi người đàn ông:
- Chú Sửu, chú Sửu ....
Người đàn ông chồm tới, nắm chặt cánh tay thiếu nữ dằn mạnh với nỗi tức giận:
- Im ngay. Cô biết đang ở đâu không? Phải nhớ lệnh tôi, không được gây tiếng động. Sự chết đang ở trên đầu chúng ta.
Người đàn ông chợt lo lắng, nhưng gã bình tĩnh ngay:
- Cô không lo gì hết. Sự xảy ra, có tôi.
Tiếng nói của người đàn ông nhỏ nhưng lạnh như thép. Thiếu nữ nghe lạnh sau gáy. Nàng nằm cong người lại, đưa hai bàn tay đẫm mồ hôi bấu vào mặt. Nước mắt chảy ra lặng lẽ. Thiếu nữ không nghĩ là mình đang khóc.
Thanh niên ngồi bệt xuống đất, hai tay bó gối. Hắn hỏi trong đầu: Ông Sửu và cô Liên vẫn còn hơi để nói chuyện được, mình thì hết. Hắn dùng lưỡi rút nước bọt ra từ mấy chân răng, rồi nuốt xuống cổ.
Tiếng người đàn ông lại vang lên:
- Ai khát ?
Thanh niên chồm tới, rồi ngừng lại ngồi xuống như cũ.
- Tôi. Có nước hả ?
Người đàn ông :
- Không. Khát, ráng thức đừng ngủ quên. Thế nào trời cũng mưa. Ta hứng nước từ lỗ thông hơi…
Thanh niên thở dài thoáng thất vọng, nhưng sau đó hắn cũng cảm thấy chút mát mẻ len qua tâm hồn. Hắn nói với người đàn ông :
- Có lý. À, mà tại sao bà già biệt tăm thế ?
Người đàn ông suy nghĩ một lúc:
- Tôi nghi loạt súng nổ trên đầu mình đêm qua quá. Có lẽ nào thế nhỉ. Bà già bị lạc đạn… Có thể bị bắn thẳng, ban đêm ai mà biết bà già...
Thanh niên :
- Không đâu. Cứ hy vọng.
Thiếu nữ có lẽ đã ngủ thiếp. Người đàn ông nhìn về phía nàng nhưng không thấy gì, gã ngẩng cổ cao về phía thanh niên.
- Tâm à.
- Tôi nghe.
Im lặng một lúc:
- Theo anh, khi cô Liên lên cơn thì chúng ta phải làm gì?
Thanh niên suy nghĩ nhưng có lẽ không tìm ra cách giải quyết, hắn nói:
- Ông tin cô Liên sẽ lên cơn thật à.
Người đàn ông:
- Mấy ngày ở dưới này cực khổ quá, Liên lại là con gái đau tim, thỉnh thoảng bị rối loạn thần kinh... Nước không có, thức ăn thiếu. Lại lạnh, hơi đất...
Thanh niên:
- Ông định làm gì ?
Người đàn ông im lặng. Thanh niên cảm thấy bồn chồn trong lòng. Hắn mở mắt thật lớn cố nhìn người đàn ông nhưng không thể thấy gì ngoài màu tối thăm thẳm. Hắn hình dung ra khuôn mặt thường ngày của gã. Một khuôn mặt thật lạnh lùng rất ít khi xuất hiện giữa mọi người. Gã có những công tác thật bí mật. Những người chung quanh có một số kính nể, nhưng cũng có số người khác thật e ngại gã. Họ không tin vào cái mớ lý thuyết mà gã được nhồi nhét để biến gã thành một con người toàn diện, tượng trưng cho tình thương lòng vị tha và sự công bằng. Im lặng hay lạnh lùng, có lẽ là thái độ khôn ngoan nhất của những kẻ chưa có lập trường hay một lý thuyết vững chãi. Thanh niên tự hỏi, sự lạnh lùng của người đàn ông có nằm trong trường hợp đó không?
Người đàn ông nhớ tới một bài hát. Bài Từ ngày chinh chiến mùa thu. Cái không khí bấy giờ thật cảm động. Đêm giã từ Mỹ Lộc. Người nhạc sĩ đứng bên ánh lửa bập bùng, một chân gác lên ghế đẩu thấp, gảy đàn ghi-ta. Từ ngày chinh chiến mùa thu. Giọng hát của người tình gã. Người tình, có phải là người tình không? Người con gái mặc áo nâu và quần đen bóng láng, tóc kẹp sau gáy chảy xuống nửa lưng. Đôi môi không phấn son mà mọng thắm. Nàng hát, những đầu ngón tay bối rối quấn vào nhau. Tiếng đàn người nhạc sĩ chậm rãi. Anh ngẩng mặt lên trời mà đàn. Đàn hững hờ, như không một chút bận tâm. Nhưng tiếng đàn, giọng hát đã làm những người ngồi vây quanh nhìn ánh lửa hồng mà chết ngất cõi lòng. Những đôi mắt ướt lấp lánh. Người con gái dứt bài hát với những giọt nước mắt lóng lánh quanh mi. Nàng bước về phía gã. Sao em lại khóc? Khi câu hỏi đó bung ra, gã mới thấy mình quả thật ngu ngốc, lẽ ra không nên hỏi như vậy. Người con gái đưa tay chặm nhẹ những giọt nước mắt, nói thật nhỏ nhẹ: Em nghĩ tới sự chia tay ngày mai... Gã cay đắng trong lòng. Nghĩ tới sự chia tay, hay chính bài hát tiếng đàn đã làm nàng cảm xúc? Nàng muốn dấu đi sự yếu mềm của mình. Ai cũng lựa chọn cho mình một cách trả lời cả. Lựa chọn. Ta phải lựa chọn trong ta một cái tôi và thường xuyên giữ gìn để cái tôi đó không phản trắc, không nhầm lẫn, không đi sai đường lối. Ta phải canh chừng cả những giấc mơ, gã nghĩ đó là sự lựa chọn đúng. Phải nghĩ tới tập thể, nghĩ tới những cứu cánh mà tập thể đang theo đuổi. Sự hãnh diện chỉ dành cho những người sống. Mọi người đều cảm thấy hãnh diện, không ai nghĩ mình sắp chết nhưng cũng không ai từ chối sự chết đến với mình cả.
Năm giờ sáng hôm sau những người tham dự lửa trại lên đường. Người nhạc sĩ và một số lớn ra bến đò chờ vượt sông. Gã, một mình đi đường bộ với gùi thức ăn và chiếc ba lô trên vai. Người con gái hát “Từ ngày chinh chiến mùa thu” ở lại. Lúc ra đi gã không gặp nàng. Gã mang cái cảm giác lênh đênh của một thứ tình yêu không bao giờ được tỏ. Lúc gã vượt được một phần đường, lúc mặt trời vừa xuất hiện với những tia nắng đầu tiên, gã chợt nghe tiếng máy bay gầm và tiếp theo nhiều tiếng nổ chát chúa của bom và súng liên thanh. Gã dừng lại, nhìn về phía bến đò. Những đám khói bốc lên. Những chiếc máy bay đang chao lượn trên vòm trời. Gã ngồi đợi cho đến lúc những chiếc máy bay đó nối đuôi nhau bay thẳng về cuối trời mới đứng dậy vội vã đi trở lại con đường cũ. Gã chạy thẳng ra bến đò. Gã thầm mong người nhạc sĩ và đoàn người đã vượt khỏi bên kia sông từ lúc trời còn tối. Nhưng gã thất vọng. Lúc gã đến nơi bến đò còn thưa thớt người. Đồng bào vẫn ngại máy bay có thể trở lui oanh tạc nữa. Những người y tá đang hớt hải di tản số người bị thương về trại cấp cứu. Những xác chết còn nằm nguyên chỗ. Gã thấy xác người nhạc sĩ hai chân chìm dưới nước, phần thân thể còn lại nằm sấp trên bờ. Gã gỡ ba lô gùi thức ăn trên vai xuống, bước tới kéo xác chết lên hẳn trên gò đất cao. Người nhạc sĩ chỉ nhắm một mắt. Con mắt còn lại mở lớn, tròng mắt lồi ra đến hãi hùng. Chiếc áo nâu của anh rách một mảng lớn, phơi màu da tái xám với một vết máu đã đông lại. Xác người nhạc sĩ tương đối lành lặn. Một viên đạn xuyên qua ngực. Cái chết trong những cuộc oanh tạc ồ ạt được như vậy, quả thật có nhẹ nhàng. Gã nhìn xác chết nhớ tới đêm lửa trại. Hình ảnh người nhạc sĩ vừa gảy đàn vừa ngước mắt nhìn trời cao. Tiếng đàn của anh như còn văng vẳng đâu đây, lời hát u buồn cũng còn đó. “Từ ngày chinh chiến mùa thu.” Bây giờ cũng mùa thu. Anh chết giữa một buổi sớm mùa thu. Gã nghĩ tới nhưng không dám tin, cái không khí buồn bã đêm qua với những ánh mắt rớm lệ là cái điềm báo trước sự cách ly vĩnh viễn bây giờ.
Gã nhìn xác nhạc sĩ, nhìn những người chung quanh rồi lặng lẽ khoát ba lô lên vai. Vẫn một mình trở lại con đường cũ, gã lủi thủi đi và bấy giờ gã biết rằng nước mắt mình đang ràn rụa.
Trong bóng tối của chiếc hầm chật hẹp, người đàn ông cố nhìn bàn tay mình mà vẫn không thấy nổi. Gã vừa nghĩ tới những kỷ niệm thật xa. Lúc này gã nhớ lại hình ảnh người nhạc sĩ nằm chết trên bến sông, gã đã khóc thật nhiều trên quãng đường công tác còn lại. Con tim bật máu làm trào nước mắt. Chính gã khóc chứ không phải cái tôi mà gã chọn lựa, cái tôi không bao giờ mềm yếu phản trắc lầm lẫn ấy khóc cả.
Ngày đó dĩ nhiên gã chưa già như bây giờ. Đứa con lớn của gã tám tuổi. Gã chiến đấu hết mình với rất nhiều hoài bão. Gã nghĩ gần gũi nhất ít ra, gã cũng chiến đấu dù phải chết đi, cho đàn con gã sống. Gã hy sinh để nhìn lũ trẻ được sống tự do sau này, được trở thành những con người chứ không phải những tên nô lệ. Nhưng bao nhiêu năm qua, sự chiến đấu của đồng bào gã vẫn còn. Đứa con trai lớn của gã đã cầm súng tham dự và đã gục chết. Trọn đời với niềm tin vào sự thanh bình cuối cùng cho đất nước, nhưng niềm tin đó đã mỏi mòn. Gã cảm thấy ý chí đã lụt và sức khỏe yếu kém hẳn.
Bây giờ giả sử bà già, chìa khóa của cái hầm này đã chết thật thì gã phải làm gì đây? Cuộc hành quân hẳn đã đi qua. Bọn gã sống dưới cái hầm này đã hơn hai ngày đêm. Gã cảm thấy sốt ruột. Bỗng một ý nghĩ thoáng qua hãy đội nắp hầm và vượt thoát. Chỉ có chết và sống. Gã hoàn toàn không bận tâm về điều đó nữa. Sống hay chết chỉ là một.
Bàn tay người đàn ông mò mẫm trong bóng tối tìm mấy quả lựu đạn. Chợt bàn tay gã chạm vào chân người thanh niên. Gã vội rút tay về, nhưng thanh niên đã nhận ra. Hắn cảm thấy ái ngại vì cảm giác hốt hoảng của người đàn ông để lại trên da thịt. Hắn hỏi:
- Ông Sửu đấy hả?
Im lặng. Thanh niên hỏi tiếp:
- Ông tìm gì đấy ?
Giọng người đàn ông bối rối:
- Không.
Thanh niên chợt nghĩ đến sự phản trắc. Hắn bắt đầu đề phòng. Hắn vội vàng di chuyển mấy quả lựu đạn sang một vị trí khác. Giữa lúc đó thiếu nữ thức dậy.
- Chú Sửu à.
Người đàn ông :
- Cô Liên gắng ngủ đi. Đừng gọi lớn quá.
Trong bóng tối thiếu nữ cảm thấy chới với khi nghe tiếng nói của người đối diện. Tiếng nói, chỉ có tiếng nói thôi. Ma quái quá sức. Tiếng nói. Trong căn hầm chỉ có tiếng nói và tiếng nói thôi. Thiếu nữ nghĩ mình cũng không còn nhận ra mình. Tiếng nói không biết có phải là của mình không nữa?
- Chú Sửu à.
Thiếu nữ muốn nghe tiếng mình nhưng người đàn ông không hiểu.
- Cô đừng gọi mãi như thế.
Thiếu nữ nuốt nước miếng và thở hổn hển:
- Chú ra lệnh cho tôi đi, khi sắp lên cơn thì tôi phải làm gì?
Người đàn ông:
- Tôi đã trả lời cô rồi. Cố gắng ngủ thêm một chút để lấy sức.
Thiếu nữ dựa lưng vào thành đất, hơi lạnh thấm qua lưng làm nàng cảm thấy dễ chịu.
- Chú có biết chuyện ngày trước cha tôi điên như thế nào không nhỉ? Ông ta uống rượu cắn luôn ly. Ông ta nhai mẻ chai giữa hai hàm răng và máu chảy ra đỏ cả khóe miệng...
Người đàn ông hốt hoảng khi nghe thiếu nữ kể đến đây. Gã sợ câu chuyện sẽ làm nàng lên cơn thật sự.
- Cô Liên, tôi bảo cô gắng ngủ đi. Dạo đó ông cụ uống rượu say, chứ đâu phải điên khùng gì. Tôi biết rồi. Cô ngủ đi, phải ngủ đi cô Liên.
Thanh niên xích vào gần thiếu nữ. Hắn chuẩn bị đối phó nếu nàng có hành động làm lộ mục tiêu. Sự im lặng kéo dài một lúc lâu. Sau đó thiếu nữ vẫn lên tiếng:
- Chú Sửu, cả anh Tâm nữa... Các người phải cho tôi biết khi tôi lên cơn thì chúng ta sẽ làm gì?
Người đàn ông:
- Không bao giờ cô lên cơn cả. Tôi tin vậy mà.
Thiếu nữ:
- Chú tin vậy hay chú đang nghĩ tới cách bóp cổ tôi chết, lấy dao găm đâm lút tim tôi? Còn cách nào nữa không nhỉ?
Người đàn ông sợ hãi. Gã cố trấn an thiếu nữ nhưng giọng gã trở nên lúng túng:
- Cô đừng nói vậy. Xin cô hãy gắng ngủ đi...
Thiếu nữ giận dữ:
- Ngủ, ngủ, ngủ...
Người đàn ông chồm tới. Gã muốn tỏ phản ứng để thiếu nữ hiểu nhưng trong bóng tối dày đặc không còn cách biểu lộ nào khác ngoài tiếng nói. Mò mẫm một lúc mới nắm được tay thiếu nữ, gã dịu dàng.
- Cô đừng giận. Phải biết rằng chúng ta đang ở đâu. Sự sống của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào nhau. Sự sơ hở của một người sẽ giết chết cả bọn...
Thiếu nữ lạnh lùng:
- Tôi biết như vậy. Nhưng tại sao chú không nói thẳng điều chú đang nghĩ. Tôi đâu sợ hãi gì. Tôi chấp nhận mà. Chết để cứu những người khác sống là một bổn phận. Tôi biết chú, anh Tâm sẽ giết tôi ngay khi cơn điên của tôi bộc phát. Chú hãy nhận đi. Tôi không bao giờ làm phiền các người cả... À, tại sao bây giờ mẹ tôi chưa xuất hiện nhỉ... Đầu đêm hình như chú bảo có thể mẹ tôi đã chết.
Thiếu nữ nói nhỏ đủ nghe làm người đàn ông yên tâm. Gã nói:
- Cô suy nghĩ nhiều quá. Tốt nhất là bây giờ chúng ta nên im lặng. Bà cụ... Trong một phút tuyệt vọng quá bọn tôi nghi ngờ vậy thôi. Sự thực, như cô biết... không có gì chắc chắn khi ta còn ở dưới này... Chỉ toàn phỏng đoán... Có thể mấy ngày qua bọn lính dừng quân trên đầu ta...
Thanh niên mệt mỏi ngồi gục đầu xuống hai đầu gối ngủ thiếp từ lúc nào. Người đàn ông trả lời thiếu nữ xong, cũng ngã lưng vào thành đất. Gã nghĩ tới bà già, mẹ Liên và tự hỏi một lần nữa bà ta chết rồi chăng?
Những ý nghĩ buồn thảm hiện ra trong đầu thiếu nữ. Nàng nghĩ tới người mẹ rồi ứa nước mắt. Kể từ ngày cha chết đi, mẹ đã kéo dài chuỗi sống hẩm hiu với anh Ba và nàng trên mảnh vườn nhỏ với hoa lợi mỗi ngày chỉ đủ sống. Bà thường ái ngại nhìn hai con với nỗi lo lắng duy nhất, bệnh thần kinh di truyền. Hình ảnh của người chồng trước khi chết đã làm bà hãi hùng tưởng không bao giờ nguôi. Sau này vì cuộc sống bất ổn ở quê, anh Ba bỏ lên tỉnh đầu quân vào lính. Người mẹ bề ngoài tỏ ra phàn nàn, nhưng tự thâm tâm bà hài lòng. Dù sao nó cũng yên được một bề, còn hơn ở quê để chịu không biết bao nhiêu áp lực. Thời buổi chiến tranh lòng nhân đạo thường vắng mặt, chỉ thấy có áp bức, đe dọa và tàn sát. Sau khi vào lính thỉnh thoảng anh Ba có về thăm nhà. Da anh đen, thân thể cường tráng ra làm mẹ hài lòng lắm. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, làng trở nên bất an, anh Ba chỉ ghé thăm nhà trong những dịp hành quân qua. Anh khuyên mẹ và em hết lời, nên bỏ làng lên tỉnh sống nhưng mẹ suy nghĩ mãi rồi không nghe. Mẹ không quen sống ở thành thị, hơn nữa ra tỉnh sống có nhiều vấn đề đặt ra quá. Từ cuộc hành quân qua làng lần đó anh Ba không bao giờ trở về. Làng bị oanh tạc thường xuyên. Hai mẹ con sống giữa gọng kìm. Hãi hùng tất cả. Họ sống giữa nỗi hoài nghi của mọi người. Và chỉ còn một cách duy nhất để tồn tại là trốn. Người mẹ nhận làm cái chìa khóa của căn hầm bí mật này từ đó. Người đàn ông giữ thiếu nữ như một con tin. Không còn cách nào hơn. Mọi thủ đoạn chỉ có tính cách tạm thời, cố gắng thoát chết từng ngày, cố gắng vượt qua từng chặng nguy hiểm.
Thiếu nữ nhớ lại những lời của người đàn ông và thanh niên vào lúc đầu đêm. Bà già có thể bị lạc đạn chết rồi. Nàng cũng linh cảm thế. Nếu không tại sao hai ngày qua mẹ không xuất hiện. Mẹ chết rồi chăng? Thiếu nữ nhủ thầm rồi nuốt nước mắt xuống cổ. Nàng cắn môi để khỏi bật khóc thành tiếng.
Trong góc hầm người đàn ông cựa mình. Bàn tay gã mò mẫm trên mặt đất một lúc rồi dừng lại. Gã cất tiếng gọi:
- Tâm à.
Thanh niên cũng vừa tỉnh.
- Gì thế?
- Có lẽ trời sắp sáng.
- Đồng hồ tôi chết máy từ hôm qua rồi.
Người đàn ông thở dài. Một lát sau gã rụt rè hỏi:
- Anh có nghĩ gì không?
Thanh niên lạnh lùng:
- Ông muốn tôi nghĩ gì ?
- Nghĩ bà già chết rồi chẳng hạn...
- Sao nữa ?
- Nghĩ cô Liên sẽ lên cơn điên...
Thanh niên nghe lạnh tận đáy lòng. Hắn đưa hai bàn tay lên áp má.
- Ông đã chuẩn bị cả rồi mà.
Người đàn ông:
- Vâng.
Thanh niên:
- Cô Liên cũng nghĩ ra những gì ông sẽ áp dụng khi cơn điên đến....
- Anh nghĩ còn cách nào hơn ?
Thanh niên im lặng. Người đàn ông nhìn sửng vào bóng đêm. Trong khi đó thiếu nữ vẫn tỉnh táo. Nàng nghe cuộc đối thoại giữa hai người đàn ông một cách dửng dưng. Nàng cảm thấy tâm hồn bỗng sáng láng lạ lùng. Còn cách nào hơn. Nhưng họ sẽ giết mình bằng dao găm hay với hai bàn tay siết cổ?
Bằng dao găm hay bóp cổ? Thiếu nữ choáng váng. Nàng nghĩ tới mẹ tới anh Ba, rồi lẩm bẩm trong trí, có lẽ mình sắp lên cơn thật.
Lúc đó thanh niên mở mắt, hắn thấy ánh sáng lờ mờ hiện ra ở lỗ thông hơi. Hắn ngồi yên mải mê nhìn lên chút ánh sáng nhỏ nhoi đó. Hắn cảm thấy nhớ thứ ánh sáng đầu ngày lạ lùng. Hắn nghe bức rức trong lòng. Một chút nắng, chỉ một chút nắng của trời mà hắn cũng thèm khát. Hắn nhìn người đàn ông đang ngủ say trong góc tối. Không biết trong đầu gã trong những ngày qua đã nghĩ những gì? Có nghĩ tới chuyện vượt thoát khỏi căn hầm này không? Bà già có lẽ đã chết thật rồi. Hắn nhìn người đàn ông ái ngại, không cách nào hiểu nổi con người đó.
Thanh niên đưa tay mò mẫm mấy quả lựu đạn mà đêm qua hắn vùi dưới cát. Hắn nghĩ đến cách thoát khỏi căn hầm. Không còn cách nào hơn. Hãy chấp nhận trước mọi rủi ro, sống hoặc chết. Hắn chợt nghĩ đến số tuổi hai mươi của mình. Số tuổi mà chiến tranh đã tước đoạt mọi ý nghĩa, đã cướp hết thời gian để sống của hắn Hai mươi tuổi, hắn không có một chọn lựa nào hết. Sinh ra và lớn lên giữa chiến tranh, hắn thụ động trước mọi áp lực. Hắn như con thú sợ hãi trước họng súng của người thợ săn. Ai cũng có thể bắn ngã, và suốt cả một phần đời hắn chỉ biết chạy trốn. Hắn cảm thấy cay đắng và nước mắt chực trào ra khi nghĩ đến cái chết như côn trùng của mình. Một cái chết tẻ lạnh như nỗi tình cờ.
Người đàn ông cựa mình rồi choàng mở mắt. Bấy giờ ánh sáng đã giúp thanh niên nhìn rõ gã:
- Lại một ngày mới.
Giọng gã đặc sệt.
Thanh niên không nói gì. Hắn chăm chú nhìn lên lỗ thông hơi. Người đàn ông đảo mắt khắp mặt hầm với ánh mắt đầy mưu toan. Bỗng gã dừng lại ở thiếu nữ. Nàng nằm sấp, một phần thân thể chệch ra ngoài đất, mặt úp xuống im lìm. Gã chăm chú nhìn. Khuôn mặt gã mỗi lúc càng tái, rồi như không kìm nổi sự hốt hoảng gã gọi:
- Cô Liên, cô Liên !
Nhưng thiếu nữ không cử động. Người đàn ông chồm tới băng qua người thanh niên, đặt tay lên bàn chân nàng. Bàn chân lạnh ngắt. Lúc đó thanh niên cũng vừa kịp hiểu, hắn giúp gã đỡ nàng dậy. Nhưng thiếu nữ đã mềm nhũn. Một vết cắt trên cổ tay trái, máu đọng đen dưới một khoảng đất ướt.
Không khí trong căn hầm đã đổi khác. Trong ánh sáng còn nhạt nhòa bóng đêm, người đàn ông nhặt chiếc ly vỡ từ một góc hầm. Gã im lặng ngồi ngắm mớ thủy tinh trong tay. Thanh niên thì mân mê quả lựu đạn mà hắn lấy ra dưới cát từ lúc nào. Hai người nhìn xác thiếu nữ. Họ không nói với nhau một lời.
Có lẽ trong đầu họ bây giờ bóng đêm là thứ ánh sáng duy nhất, là niềm hy vọng cuối mà họ chờ đợi./.