Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.142.098
|
|
|
Nỗi cô đơn mang tên đàn ông
Võ Kim Ngân
|
|
(Đọc tập thơ: “ Đám mây hình thiếu phụ” của Vương Cường, NXB Văn học 2010)
Tập thơ của nhà thơ Vương Cường do Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 3 năm 2010, bìa màu tím và cái tên khá nữ tính “ Đám mây hình thiếu phụ”. Trong tập thơ hình ảnh màu tím rải trong hầu hết các bài thơ, màu tím của bằng lăng, màu tím của lục bình, màu tím của đám mây, ngọn gió…Người ta bảo màu tím là màu của tâm trạng buồn, nhung nhớ, xa xôi và có vẻ mang chút gì đó ủy mị và nữ tính. Chỉ cầm tập thơ, không quen biết tác giả người ta khó đoán đó là tập thơ của một người đàn ông khá mạnh mẽ trong tính cách, một tiến sĩ khoa học, chủ nhân của không ít những công trình, dự án khoa học cấp quốc gia. Anh có duyên với thơ từ sớm, có lẽ vì ảnh hưởng của cha chú, những nhà thơ có tên tuổi trong làng văn học. Vương Cường gọi nhà thơ Vương Trọng là chú, nhà thơ Thạch Quỳ là anh. Vương Cường từng được tặng giải nhì cuộc thi thơ năm 1981 do báo Tuổi trẻ, thành đoàn và Sở VHTT TP Hồ chí Minh tổ chức. Anh in tập thơ đầu tay: “Bài hát đi tìm một người” năm 1997 và có nhiều bài thơ in chung với các tác giả khác. Gần đây anh có nhiều bài viết nghiên cứu, bình luận về thơ và các hiện tượng văn học tạo ấn tượng tốt cho dư luận với góc nhìn khá riêng.
“ Đám mây hình thiếu phụ” gồm 36 bài thơ, phần lớn là những sáng tác mới nhất của Vương Cường trong vài năm gần đây. Tôi chưa được đọc những bài thơ trong các tập thơ đã in nên không có điều kiện để so sánh nhưng với 36 bài thơ in trong tập thơ này, Vương Cương đã tạo ra một chất thơ riêng của mình trên cánh đồng thơ mà bao người đã cày xới và gieo hạt. Thơ Vương Cường mang giọng điệu truyền thống nhưng hình ảnh trong thơ lại mới mẻ và hiện đại. Lối thơ truyền thống và hiện đại Được sử dụng và hòa quyện nhuần nhuyễn trong thơ Vương Cường tạo ra sức truyền cảm khá lớn.
Đọc những bài thơ trong tập thơ: “ Đám mây hình thiếu phụ”, ta như nhìn thấy hình ảnh người đàn ông cô đơn trên cánh đồng hoàng hôn sẫm đỏ ngóng về đám mây xa - “đám mây mang hình thiếu phụ”. Đám mây mang bóng dáng nửa cuộc đời của mỗi người đàn ông.
Đọc bài thơ “Một mình đêm”, tôi bị ám ảnh bởi câu thơ ở khổ thứ 2 và thứ 3. Trong bóng đêm sâu thẳm con người đối diện với chính mình, loay hoay với chính mình, vui buồn với chính mình. Nỗi cô đơn trở nên sâu sắc hơn, rõ hình hài sắc nét hơn với hình ảnh: “ Ta một mình đêm khâu áo cho ta”. Ta đầu câu thơ trở về ta cuối câu thơ. Ta chỉ có ta. Quanh quẩn chỉ có ta- một mình. Và không chỉ thế, hình ảnh « Ta… khâu áo cho ta » gợi lên cảm xúc xót thương cho sự cô quạnh của người đàn ông. Khi bóng đêm buông xuống người đàn ông vụng về, ngọng nghịu cặm cụi vá víu những vết thương, vết rách đời mình. Không hình ảnh nào dễ làm người ta trào nước mắt như thế. Vá víu cho mình và cũng tự đắm say với mình :
« Lặng chìm đêm mơ khúc dạo ngày
đêm cùng ta pha lấy những đắm say
kìa hoa nở trên cánh đồng xa cách
đám mây hồng vừa gọi vừa bay… »
(Một mình đêm)
Cái đắm say tác giả tự pha cho mình cũng chỉ là những ước mơ bay chấp chới phía trời xa trên những đám mây hồng « vừa gọi vừa bay ».
Ở bài thơ « Giao thừa ơi », tâm trạng cô đơn thể hiện trong sự trống rỗng, vô cảm như không có gì đợi anh ở phía sau, không có gì chờ anh ở phía trước: « Vội vã thế thôi dòng sông từ xưa theo lệnh trời về biển … ». Trong mắt Vương Cường : « đôi én lượn lờ không sốt ruột mùa xuân rồi có đến không ». Anh thờ ơ anh đứng ngoài cuộc trước những xoay chuyển của trời đất. Bởi vì với anh :
« Con đường trống không có gì đâu mà ngóng đợi
Ngày chảy dài ngọn lửa vẫn bình yên xanh…
Năm tháng với anh trở thành « khí trơ », không « vui buồn thổn thức ». Anh thú nhận với mình : « ta dị ứng sắc màu trùm chăn không người lay gọi ». Sự cô đơn đôi khi khiến người ta như vô giác quay lưng với tất cả…Điều gì khiến anh trùm chăn trong nỗi cô đơn của chính mình ? Bị bỏ rơi trong nỗi cô đơn của chính mình ? Một người đi không trở lại ? Một « vết sẹo mùa xuân » vĩnh viễn ? Không hẳn thế ! Phải chăng đó còn là cảm giác lạc lõng và bị bỏ rơi giữa chốn thị thành thừa thãi, ồn ào , náo nhiệt và cũng lắm sự đảo điên. Trong nỗi cô đơn giao thừa , anh mơ, anh thèm những điều thật giản dị, mộc mạc, chân quê : « bàn tay xới bát cơm nước mắt », « nụ cười nhăn nhúm lả tả rơi trước ngõ », « câu chào ướt vãi tung tóe trong xó bếp » và thèm sự ấp áp lứa đôi « hai chiếc gối lửa cháy ấm rực trong phòng… ».
Trong số những bài thơ viết về nỗi cô đơn, « Hoàng hôn muộn » là một trong những bài thơ hay và thể hiện rõ chất thơ và chất người của Vương Cường. Đó là tâm trạng của người đàn ông đã ở bên kia đỉnh dốc cuộc đời đã nếm trải những vui buồn của cuộc sống, đã đi qua những ngộ nhận đau buồn và cả những tỉnh thức đớn đau mà vẫn dâng đầy những khát khao về cuộc sống. Tác giả tự bạch về mình :
«chim lật gió nắng không còn trai trẻ
đã hoàng hôn chuông thỉnh rụng bờ thu…
« niềm vui phủ lớp sương mờ ảo mộng
nỗi đau qua lắng núi với trưa hồng…
«hoàng hôn cuộn lòng thu chờ trăng gọi
lá bàng rơi cuống quýt ngập vai đời…
(Hoàng hôn muộn)
Giọng điệu thơ cũ được tác giả làm mới lại bằng những hình ảnh với sự liên tưởng khá tinh tế: «mây áo mỏng hững hờ thắt nút», «trưa ốp nếp cong nỗi lòng chín đợi », «chiều lưu ban tím mận ngập ngừng trôi »… «Gió thiếu nữ.. », «nắng đàn ông… », các hiện tượng thiên nhiên được nhân cách hóa một cách sáng tạo, gợi sự liên tưởng lớn cho câu thơ. Vương Cường sử dụng những hình ảnh nhân hóa trong nhiều bài thơ. Dùng đúng liều, đúng chỗ câu thơ trở nên mới lạ, giàu liên tưởng nhưng dùng quá đà đà thì cậu thơ dễ bị làm dáng điệu đà.
Từ nỗi cô đơn nghiêng lệch cả trời đất Vương Cương khát khao sự sẻ chia, khát khao tình yêu. « Anh khát bước đi trong mưa vội vàng gió táp mặt người khô cháy. Nghe cựa quậy trong tim một mầm cây miễn dịch phế tích buồn » (Ngày mai). « Anh đã gọi em mòn cả hoàng hôn như thế. Cánh đồng mọc đầy tóc bạc… »(Anh gọi tên em). Anh yêu với một trái tim yêu cạn kiệt : «Yêu đến hết sông gầy hồn loang đáy. Mây tấp chiều lòng trời rỗng bơ vơ… » ( Đêm rớt mạng). Trong thơ anh là người tình tận tụy. Xa người thương anh đếm từng khoảng khắc : «Anh xa em một trăm sáu mươi tám giờ ba mươi hai phút bốn mươi giây. Mưa da diết dệt lụa nhớ hồng hào bốn ngàn cây số… » (Thơ viết từ Xiêng Khoảng)-Một câu thơ lạ, diễn tả nỗi nhớ nhung khủng khiếp được đếm bằng từng khoảng khắc thời gian và không gian xa cách . Xa cách người yêu anh tỉ mẩn đếm :
Bốn ngàn cây số
Nỗi nhớ xếp hàng
Tình yêu xếp hàng
Thời gian xếp hàng.
(Xa)
Và nỗi buồn chia xa :
Buồn cô đặc xếp hàng như tượng đá….
Xa em anh đốm lửa nhỏ sắp tàn…
(Giật mình nghe tiếng gió)
Tình yêu trong thơ Vương Cường luôn là sự vọng tưởng bởi sự xa cách về không gian và thời gian. Là ngóng đợi, trông chờ mong manh, khoảng cách được lấp bằng tin nhắn, mạng internet : « Mạng rớt em thành xa ngái. Thơ viết rồi bỗng cháy còn tươi… » (Đêm mạng rớt). Đó là nỗi khát khao : « ta lấy lửa tim mình đốt đỏ cả đêm thâu », và bên kia « Em đom đóm lập lòe bên bờ giậu » (Có khi). Trong bài thơ Nhật ký , nỗi mong đợi khát khao nghe ngóng tín hiệu từ phía người thương chiếm trọn cả không gian, thời gian sáng, trưa, chiều, tối. Và tâm hồn anh là cánh cửa mở tung mong đón « hương » người xưa trở về trong cuống quýt nhớ mong : « nhà anh mở tung mười cánh cửa. đón hương em chân cuống quýt trở về… » (Thơ chiều cuối năm).
Sự da diết đau đớn, khao khát mãnh liệt với tình yêu thể hiện rõ nét qua bài thơ « Giật mình nghe tiếng gió » cũng là một bài thơ rất hay trong tập thơ:
« Nghe mùi hương em thoảng trong giấc mơ
anh giật mình tỉnh dậy giữa đêm khuya
căn phòng anh lặng im. Và gió
gió lồng lên muốn bế cả sân chùa … »
(Giật mình nghe tiếng gió)
Người ta thường nói tới sự quen hơi bén tiếng của những người thân thuộc cũng như những hạnh phúc từng nếm trải thật khó quên. Bởi vậy một chút hương người xưa chỉ phảng phất trong giấc mơ, chút hạnh phúc ngày xưa chỉ thoáng về cũng khiến tác giả mất ngủ và dữ dội hơn nó kéo theo niềm đam mê và sự khao khát muốn phá tung và cuốn đi tất cả: “Gió lồng lên muốn bế cả sân chùa”. Sân chùa vốn là chốn tĩnh lặng, thanh tịnh, vững chãi phút chốc bị cơn gió khát vọng cuốn đi như một hòn gạch. Thơ Vương Cường cứ hiền lành mà dữ dội, nhỏ nhẹ mà bão dông, âm ỉ mà bùng cháy, đau đớn đến trong veo:
“Cửa đã khép ngôi nhà chưa hoang lạnh
Mảnh pha lê cứa rách những giấc mơ
Mây vẫn thắm gió vẫn lồng phía trước
Nắng vàng mơ như chẳng bao giờ…”
(Gom gió)
Hạnh phúc của Vương Cường trong thơ có gì thật mong manh, thật xa xôi. Anh có một bài thơ để tên” Bài thơ chợt đến tặng Tiên”. Tiên là một tên thực hay tên ảo tác giả đặt cho giấc mơ của mình ? Có lẽ chỉ tác giả mới biết nhưng với những gì anh trao gửi, người đọc hiểu được sự mong manh và những khát khao của anh từ những tình cảm đẹp đẽ đến không thực mà anh đang mong chờ như cánh đồng khát hạn chờ mưa.
“ Chỉ có gió cứ lồng lên thành bão
anh không thể nào nhặt lên được những mảnh hạt lời anh gọi em ...
(Anh gọi tên em)
Nỗi cô đơn trong thơ Vương Cường - nỗi cô đơn mang tên đàn ông tung hạt ra khắp bốn phương những lời gọi tha thiết một nửa ở vời vợi xa...
16/3/2010
( Năm bài thơ rút ra từ tập Đám mây hình thiếu phụ )
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=12519&LOAIID=1&LOAIREF=1&TGID=2082
|
Võ Kim Ngân
|
Số lần đọc: 2299
Ngày đăng: 30.03.2010
[ Trở lại ]
[ Tiếp ]
|
|
|
|
|
|