Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.150.426
 
Phục sinh và gọi hồn
Nguyễn Ước

Ðối với Kitô giáo, phục sinh là mầu nhiệm tối thượng. Diễn tiến của tuần lễ chịu nạn cho Kitô hữu thêm lần nữa sống theo những thương khó mà Ðấng cứu chuộc đã chịu vì tội lỗi của chính mình. Ðêm canh thức trước lễ cung cấp cho tín hữu “đạo dòng” cơ hội hằng năm tái xác nhận và tuyên xưng đức tin mà thân nhân đã dẫn nhập cho mình vào lễ rửa tội lúc sơ sinh. Ðặc biệt, trong phụng vụ quanh năm, lễ hội phục sinh không chỉ được lặp lại mỗi năm một lần mà còn mỗi tuần lễ một lần vào ngày Chúa nhật. Ðức tin vào sự sống lại của Ðức Giêsu mang tính nền tảng và cốt lỏi vì nếu có sự chao đảo về nó thì sẽ dễ dàng kéo theo sự sụp đổ mọi đức tin Kitô khác, kể cả niềm tin vào sự cứu độ và ơn giải thoát mà Thiên Chúa dành sẵn cho mỗi người và loài người.

Từ dã sử và hư cấu…

Thế nhưng, không phải mọi người đều tin rằng Ðức Giêsu chính là vị đã chịu nạn và chịu chết trong ngày Thứ sáu Tuần thánh. Câu chuyện trái ngược về cái chết và sự sống lại của Ngài không những được lưu truyền trong truyện dân gian tại Nhật bản, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất thời The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci, 2003) của Dan Brown mà tác giả đã thiếu tự trọng, cam đoan một cách vô liêm ngay nơi trang đầu rằng dựa trên những sử liệu ông xác nhận là chính xác, và tiền thân của nó là cuốn Holy Blood, Holy Grail (Máu thánh, Chén thánh, 1982) của M. Baigent, R. Leigh và H. Lincoln. Những tác giả này, cũng như có một truyền thuyết tại Nhật, cho rằng khi bị an táng trong nhà mồ, Giêsu chỉ trong tình trạng giả chết, và ngay đêm đó được các môn đệ âm thầm đem đi biệt xứ. Một số người Nhật cho rằng Ðức Giêsu sau đó đến ở tại một hòn đảo của Nhật, khai sinh một dòng tộc ngoại hình có nét giống với người Do thái.

Tại phương Tây, tiểu thuyết của Dan Brown có thời bán rất chạy vì được nhiều cơ sở truyền thông đại chúng quảng bá để khai thác tâm lý hiếu kỳ và kinh doanh nhu cầu giải trí của đại chúng. Trong vòng ba năm sau khi The Davinci Code phát hành, có hàng trăm bài báo điều tra, sách nghiên cứu và chương trình phóng sự truyền hình của các chuyên gia, học giả, ký giả phản bác các “sử liệu” và thậm chí tư cách ngụy học thuật của Dan Brown. Bạn có thể tìm đọc tổng kết các tài liệu đó trong cuốn sách hàn lâm, dày 630 trang, có tên là Secrets of the Code (Những bí mật của mật mã, 2006) của Dan Burstein. Sách do nhà CDS Books xuất bản tại New York, và được tạp chí New York Times liệt vào loại sách bán chạy nhất.

Tại Việt Nam, ngược lại, The Davinci Code cùng các cuốn tiểu thuyết trước đó và về sau của D. Brown được dịch và in trang trọng, với giấy tốt, bìa cứng bọc giấy láng, đẹp gấp mấy lần sách giáo khoa đại học. Và như một công cụ của con cái bóng tối, những cuốn sách loại đó được sử dụng nhằm đánh phá niềm tin tôn giáo nói chung và đức tin Kitô giáo nói riêng, tại một xứ sở còn vô số người dân vừa chưa đủ trình độ phân biệt giữa chuyện có thật và truyền thuyết, sách khảo cứu và truyện hư cấu, vừa thích thú các loại chuyện giật gân, mang tính âm mưu, trong hoàn cảnh một đất nước dân trí bị kềm hãm và việc tiếp nhận thông tin từ nhiều chiều bị cấm cản.

…đến đồng cốt gọi hồn

Thực tế, phản bác mầu nhiệm phục sinh của Ðức Giêsu Kitô không chỉ mới xuất hiện trong các tác phẩm văn học dã sử đượm màu trinh thám vừa kể mà đã có từ lâu. Nó đến qua việc gọi hồn giáng bút. Có một số người đồng cốt “chuyển giao như thật” rằng nhân vật chịu nạn và chịu chết trên thập giá ở Núi Sọ không phải Giêsu mà là một kẻ khác. Thông điệp ấy được lan truyền hàng chục năm nay, quyến rủ cùng ám ảnh sâu xa rất nhiều người với tính cách huyền ảo và khác thường của nó vì không do người đời đặt ra và truyền tai nhau mà là do một thực thể siêu phàm “giáng xuống” bằng cơ bút.

Trong thế kỷ 20, người phương Tây gọi hồn giáng bút bằng bàn xoay và sau đó, bằng bảng cầu cơ. Người gọi hồn chỉ cần thao tác theo một số thủ tục giản dị với lòng tin chân thành và mãnh liệt. Cách thế và phương tiện này đã đại chúng hóa việc liên lạc với hồn người đã khuất, vì thuở xưa, muốn làm việc đó, người ta phải nhờ tới người trong giới đồng cốt

Ðối với người Việt ngày nay, cầu cơ là cầu vong hồn người đã khuất về để tìm câu trả lời cho một vấn đề nào đó mình đang quan tâm. Người tham dự xoay cơ bằng cách để ngón tay trên miếng ván có hình trái tim, thường tạc từ nắp quan tài cải táng, mặt dưới đánh thật bóng cho dễ trượt, hay đè lên ba viên bi (đạn) lăn trên bảng chữ cái A, B, C... rồi ráp thành câu ngắn dài theo mũi nhọn của cơ chỉ vào mỗi chữ trong khi cơ chạy. Thông thường, thời điểm cầu cơ là đêm hôm khuya khoắt. Trước khi cầu cơ, người ngồi đồng phải cung kính thắp nhang và chân thành đọc một bài khấn ngắn có vần điệu để chiêu hồn người đã chết về nhập cơ.

Chữ cơ ở đây có thể có hai nghĩa. Nghĩa chính, cơ là phiên âm từ chữ “coeur” của Pháp, nghĩa là trái tim, để chỉ hình dáng trái tim của miếng ván. Ngoài ra, còn có người cho rằng chữ “cơ” có nghĩa là sự vận động, biến hóa theo lẽ mầu nhiệm, làm phát sinh vạn sự vạn vật, thí dụ thiên cơ, cơ mật… Và cầu cơ nghĩa là hỏi ý một hay nhiều linh hồn quá cố và siêu phàm về bí ẩn của những vận động, biến hóa của một vấn đề, một biến cố có liên quan tới người đang sống. Tuy thế, ý nghĩa thứ nhất, cơ là coeur, có lẽ chính xác vì mang tính thuyết phục hơn.

Quá trình định hình cơ bút

Trước đây, cơ bút mang hình thức khác với ngày nay. Năm 1853, M. Planchett, một nhà tâm linh người Pháp, tái phát minh một dụng cụ cổ đại và thời ấy gọi là “bàn xoay” mà ngày nay được cải tiến thành Bảng Ouija. Bàn xoay gồm một tấm bảng như chiếc bàn nhỏ, có hình trái tim với ba chân trong đó một chân làm bằng cây bút chì. Ðiều hành nó là “người ngồi đồng” (sitter), hay ta thường gọi là đồng tử. Y đặt các ngón tay lên trên dụng cụ, giữ cho vững khi nó nhẹ nhàng di chuyển trên một tấm giấy trắng. Và người xoay bàn hi vọng thông điệp từ một linh hồn nào đó sẽ giáng xuống qua việc đầu bút chì tự động chạy và ghi lại trên mặt giấy. Dụng cụ này nổi tiếng trong giới các nhà tâm linh nên mang luôn tên người tái chế nó (Planchett - bàn xoay). Nó cũng được nhiều người cầu cơ ở Nam Việt dùng vào nửa đầu thế kỷ 20; lúc ấy người ta dùng chữ “xây bàn” để có ý nói việc cầu cơ.

Tới năm 1889, một người Mỹ có tên là William Fuld chế tạo lại bàn xoay. Lần này ông dùng một tấm bảng đặt nằm, có mẫu tự, thay vì cây bút chì và tấm giấy trắng. Ông đặt cho dụng cụ Planchett ấy một tên mới là Ouija: “oui” có nghĩa là “vâng” trong tiếng Pháp, và “ja” cũng có nghĩa là “vâng” trong tiếng Ðức. Từ đó, bàn xoay được thay thế bằng Bảng Ouija.

Năm 1914 Hiệp hội Nghiên cứu Tâm linh Hoa kỳ (American Society for Psychial Research), một tổ chức có uy tín tại Mỹ, bắt tay nghiên cứu Bảng Ouija. Trong một lần kiểm tra, họ bịt mắt đồng tử, che mặt bảng lại rồi kín đáo xáo lộn thứ tự của các mẫu tự trên bảng. Kết quả là người ngồi đồng ấy “giáng bút” thông điệp một cách chính xác và lẹ làng khác thường. Người điều khiển cuộc thử nghiệm đó, Sir William F. Barret, kết luận trong bài viết của ông On Some Experiments With the Ouija Board and Blindfoldded Sitters (Một số thử nghiệm với bảng Ouija và người ngồi đồng bị bịt mắt), đăng trong tập san Proceedings of the American Society for Psychical Research (September 1914), t. 394, rằng:

“Duyệt xét các kết quả ấy như một toàn bộ, tôi tin vào tính cách siêu phàm (supernormal) của chúng, và rằng chúng ta có ở đây sự phô diễn của một trung gian (agency) không nhập thể và có trí tuệ, đang trộn lẫn với bản thân của một người ngồi đồng hay nhiều hơn, và hướng dẫn các chuyển động cơ bắp của họ.”

Từ thời điểm có lời công bố ấy, Bảng Ouija ngày càng thêm nổi tiếng, và trong thập niên 1920, bán ra hàng triệu cái. Việc đồng cốt càng lúc càng được đại chúng hóa hơn, tiến hành rất rầm rộ. Tới năm 1966, xảy tới điều không ai dám tin, đó là quyền kinh doanh Bảng Ouija được bán cho Parker Brothers ở Salem, tiểu bang Massachusetts.

Tính trung gian của đồng cốt

Ðồng cốt là người ngồi đồng để “hồn thiêng” nhập vào, đặc biệt trong trường hợp cầu cơ. Ðồng cốt và phương thế đại chúng của nó là cơ bút không hoàn toàn giả tạo. Nó hẳn là một phương thức chuyển giao thông điệp qua trung gian của các đồng tử. Trong Kinh thánh Cựu ước, sách 1 Sa-mu-en có kể chuyện vua Sa-un, vị vua đầu tiên của Do thái sống cách đây khoảng 3.000 năm, đi gặp một bà đồng bóng để gọi hồn chánh tư tế và thẩm phán Sa-mu-en vừa qua đời rồi trò chuyện với ông (28:8-19). Tuy thế, có lẽ việc gọi hồn được xem là tà đạo vì tính cách âm u của nó, và trở thành mê tín khi ta chỉ biết trông cậy vào nó mà thiếu suy xét, tin tưởng nó một cách mù quáng, và cho là đúng hết thảy những gì nó “trung chuyển” qua phương thế ngồi đồng, lên đồng, hoặc cầu cơ, v.v.

Ðồng cốt, dù nam hay nữ, trong trường hợp thành thật nhất, đều chỉ là những trung gian. Bản thân họ thường có lần trải nghiệm một cách riêng tư và cá nhân một kinh nghiệm ma quái nào đó. Họ cũng tự xem hoặc được xem là có khả năng thông linh, được chọn để chuyển giao một thông điệp quan trọng tới cho một người nhất định hay toàn thể loài người. Tại Việt Nam, “thực thể” nhập vào đồng cốt để nói thành lời hay giáng cơ bút, bàn xoay, hoặc bảng cầu cơ, tự xưng là vong hồn của một người quá cố và thường không minh định danh phận. Tại Tây phương, các đồng tử thường nói mình là trung gian cho một linh hồn siêu phàm nào đó mà theo họ có lai lịch rõ ràng tuy thông thường chỉ có họ biết chứ không được ghi chép cụ thể trong sử sách.

Nhờ thịnh hành việc dùng Bảng Ouija, trong nửa sau thế kỷ 20, ta có một danh sách các đồng tử nổi danh. Họ bảo rằng mình chỉ là “máng xối trung chuyển” (channeller) thông điệp của các linh hồn có danh xưng cụ thể nhưng ta không dễ xác minh. J.Z. Knight có lẽ là người nổi tiếng nhất. Bà nói mình làm trung chuyển cho Ramtha, một vị hoàng đế bách chiến 35.000 năm trước. Jach Pursel trung chuyển cho “Lazaris” (không nên lầm với La-da-rô, người được sống lại nhờ Ðức Giêsu, trong Tân ước). Ladaris này, theo J. Pursel, là người không bao giờ nhập thể vào cảnh giới vật chất. Kevin Ryerson quả quyết mình trung chuyển cho một số khá nhiều các thực thể khác nhau. Penny Torres, một cựu tín đồ Công giáo, tuyên bố mình trung chuyển cho “Mafu”, một hữu thể chiều kích thứ bảy mà lần nhập thể sau cùng là vào một người bệnh phong cùi tại Pompeii ở thế kỷ thứ nhất. William Rainan trung chuyển cho “Bs Peebles”, một y sĩ Tô-cách-lan vào thế kỷ 19. Verna Yater trung chuyển cho “Indira Latari”, một phụ nữ Ấn-độ thế kỷ 19. Alan Channels trung chuyển cho “Li Sung”, một triết gia thôn dã sống vào thế kỷ 8 tại Trung Hoa. Iris Belhays trung chuyển cho “Enid”, một phụ nữ Ái-nhĩ-lan thuộc thế kỷ 18. Và nếu tiếp tục lập ta sẽ có một bản liệt kê dài vô tận.

Cơ bút với việc Ðức Giêsu chết và sống lại

Ðã có nhiều đồng cốt chuyển giao thông điệp liên quan tới câu chuyện Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chết trên cây thánh giá và sống lại từ nhà mồ. Ta hãy lấy một ít thông điệp được trung chuyển đó và so sánh chúng với Kinh thánh. Nếu Kinh thánh là thông điệp được “trung chuyển” từ cùng một tập thể các “hữu thể thiêng liêng” như nhau thì chắc chắn nội dung sách ấy không mâu thuẫn với tài liệu được trung chuyển ngày nay.

Jane Roberts nổi tiếng nhờ làm trung chuyển cho “Seth”. Ngày nọ, trong khi thao tác trên Bảng Ouija, bà gặp “Seth”. Ở một trong các cuốn sách của J. Roberts, Seth Speaks: The Eternal Validity of the Soul (Seth nói: Giá trị hằng cửu của linh hồn, 1972), Nxb Englewood Cliffs NJ: Prentice-Hall Inc., với hơn 6.000 trang ghi lại các thông điệp, “Seth” tuyên bố (tt. 435-36):

“Ðấng Cứu thế, Ðức Kitô lịch sử, không bị đóng đinh... Ngài không có dự tính chết theo cách ấy; nhưng những người khác cảm thấy rằng để hoàn thành trọn vẹn các lời tiên tri thì nhất thiết phải có việc đóng đinh.

“Ðức Kitô không dự phần vào cuộc đóng đinh ấy. Ðã có một âm mưu trong đó có vai trò của Giu-đa với nỗ lực biến Ðức Kitô thành một vị tử vì đạo. Kẻ được chọn [thay cho Ðức Giêsu] là kẻ đã bị phục thuốc cho suy nhược và lú lẩn (drugged) – vì lý do đó mới cần tới việc giúp y vác cây Thập giá (xem Lu-ca chương 23) – và y được bảo cho biết rằng y là Ðức Kitô.

“Kẻ đó tin rằng y là... nhà mồ trống vì cũng chính nhóm người đó đã mang xác đi... Phêrô ba lần chối Chúa, nói rằng 'Tôi không biết người ấy' (xem Mát-thêu ch. 26), vì ông nhận ra rằng kẻ đó không phải là Ðức Kitô.”

Ðối chiếu với Kinh thánh

Trong cuốn sách vừa kể, sau khi “Seth” tán tụng và làm sửng sốt người đọc bằng cái nhìn thấu suốt đầy kinh ngạc của y về bản tính con người, y tuyên bố với người đọc rằng “Ðức Kitô không bao giờ bị đóng đinh”, và cùng lúc đó “Seth” cũng trích Kinh thánh để “chứng minh” cho lời tuyên bố ấy. Như thế, “Seth” đã buộc ta phải phân tích, dù ngắn gọn, lời vén lộ ấy của “Seth” dưới ánh sáng Kinh thánh. Ðể bạn đọc tiện đối chiếu, các trích dẫn Kinh thánh dưới đây lấy từ bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ, xuất bản tại Việt Nam năm 1999.

1. Seth nói: Ðức Giêsu Kitô lịch sử không bị đóng đinh.

Ý kiến: Trong Kinh thánh, Ðức Kitô đã bị đóng đinh. Nếu Ðức Kitô kinh thánh là Ðức Kitô lịch sử thì Kinh thánh có tính không chính xác như một bản tường trình lịch sử. Nếu quả thật Kinh thánh không đáng tin thì tại sao “Seth” lại trích dẫn sách ấy để chứng minh cho quan điểm của mình? Quả thật Kinh thánh chính xác. Kinh thánh nói rằng Ðức Giêsu bị đóng đinh: “Ðóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau” (Mát-thêu 27:35).

2. Seth nói: Giêsu không có dự tính chết theo cách ấy; nhưng những người khác cảm thấy rằng để hoàn thành trọn vẹn các lời tiên tri thì nhất thiết phải có việc đóng đinh.

Ý kiến: Kinh thánh nói ngược lại hoàn toàn, rằng Ðức Giêsu đã biết trước việc Ngài phải bị đóng đinh, và Ngài không để cho các môn đệ ra sức thuyết phục Ngài làm điều khác đi.

“Rồi người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Ðức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: 'Xa-tan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.'” (Mác-cô 8:31-33)

3. Seth nói: Ðức Kitô không dự phần vào cuộc đóng đinh ấy. Kẻ được chọn [thay cho Ðức Giêsu] là kẻ đã bị phục thuốc cho suy nhược và lú lẩn (drugged) - vì lý do đó mới cần tới việc giúp y vác cây Thập giá (xem Lu-ca chương 23)

Ý kiến: Vâng, thế thì hãy đọc kỹ chương 23 của Lu-ca. Chương này nhận diện Ðức Giê-su là Ðức Kitô, ở các câu:

“Vua Hê-rô-đê thấy Ðức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vã lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ” (23:6);

“Khi điệu Ðức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-mon, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Ðức Giê-su” (23:26);

“Ðức Giê-su quay lại nhìn các bà mà nói: 'Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đứng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu'” (23:28);

Và vân vân.

Người vác cây thánh giá cho Ðức Giê-su là “Do thái kiều hải ngoại” Si-mon sinh sống ở xứ Ky-rê-nê đang về thăm quê hương. Vậy kẻ bị đóng đinh là ai? Hãy xem:

“Ðức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở.” (Lu-ca 23:46)

Cũng theo Lu-ca chương 23, chính Ðức Giê-su bị đóng đinh – không có một “Ðức Kitô” thay thế và bị phục thuốc cho tâm trí lú lẩn, thể xác suy nhược nào cả!

4.  Seth nói: Nhà mồ trống vì cũng chính nhóm người đó đã mang xác đi...

Ý kiến: Theo các tường trình của cả bốn cuốn phúc âm thì vào ngày đầu tiên của tuần lễ ấy, các phụ nữ tìm thấy nhà mồ trống rỗng. Họ chạy đi kể với các môn đệ; các môn đệ đến và cũng tìm thấy nó trống rỗng. Ðức Giê-su hiện ra cho Ma-ri-a Mác-đa-la rồi cho hai môn đệ trên đường đi Em-mau, và về sau cho mười một môn đệ. Kinh thánh cũng nói rằng các thiên thần hiện ra, và rằng các thượng tế cho lính gác một số tiền lớn để họ nói dối rằng: “Ban đêm, đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” (Mát-thêu 28:13).

5. Seth nói: Phêrô ba lần chối Chúa, nói rằng “Tôi không biết người ấy” (xem Mát-thêu ch. 26), vì ông nhận ra rằng kẻ đó không phải là Ðức Kitô.

Ý kiến: Kinh thánh nói cách khác:

“Rồi Chúa nói: 'Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.' Ông Phê-rô thưa với Người: 'Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng'. Ðức Giê-su lại nói: 'Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy'”.(Lu-ca 22:31-34)

Trong khoảng khắc nhất thời mất đức tin, và có lẽ bằng một “giải pháp tình thế” hèn nhát, Phê-rô đã chối mình không biết Ðức Giê-su, không là môn đệ của Ngài và thậm chí không là người Ga-li-lê. Như thế, Kinh thánh nói rằng chính Ðức Giê-su là người bị Phê-rô chối.

Tóm lại, như chúng ta đã thấy, “Seth” cũng trích dẫn Kinh thánh để chứng minh cho quan điểm của y. Thế nhưng chính Kinh thánh lại bác bỏ hoàn toàn quan điểm mà “Seth” ra sức chế tác. Thực thể hay hồn thiêng được gọi là “Seth” ấy không lương thiện cũng chẳng nhất quán về cơ sở lý luận. Liệu chúng ta, với linh hồn bất tử của mình, có nên tin tưởng “Seth” hay nên tin tưởng vào bất cứ thực thể nào được gọi hồn. Bạn nên suy nghĩ cặn kẽ khi tìm cách trả lời.

Hội chứng của việc gọi hồn

Suy nghĩ ấy mang ta tới vấn nạn khả tín hay không vào việc gọi hồn, giáng bút. Suốt thập niên 70 của thế kỷ 20 vừa qua, Bảng Ouija càng lúc càng thêm nổi tiếng. Thế rồi bắt đầu xảy ra chuyện! Khắp nơi ở Bắc Mỹ xuất hiện các bản báo cáo về những điều quái lạ và khủng khiếp xảy đến liên quan tới việc sử dụng bảng cầu cơ đó. Ban đầu, những câu chuyện ấy chỉ làm tăng thêm sức bán của nó. Thế rồi theo với thời gian, những câu chuyện kinh hoàng ấy ngày càng trở nên thường xuyên và càng làm dân chúng hoảng sợ. Có quá nhiều câu chuyện, thật lẫn giả, khiến cho việc bán bảng bị sụt giảm ghê gớm. Tuy thế, cũng nhờ vào thập niên 70 nở rộ cầu cơ ấy mà chúng ta có nhiều đồng tử nổi tiếng và không nổi tiếng từng trải nghiệm tấm bảng ấy, và có một cuộc nghiên cứu nghiêm chỉnh lấy họ làm đối tượng.

Có hiện tượng và tranh luận thì lập tức có điều tra khoa học. Một số người, cả phía ủng hộ lẫn phía phản bác sinh hoạt tâm linh đó, nghiên cứu một số trường hợp trong đó người ta tuyên bố tính chất vượt tầm khoa học của người ngồi đồng và Bảng Ouija. Dưới đây là vài ý kiến của các nhà nghiên cứu đó.

Nhà nghiên cứu tâm linh Nador Fodor tường trình trong cuốn The Guide Book for the Study of Psychical Research (Sách hướng dẫn việc học hỏi về nghiên cứu tâm linh, 1966), Nxb New Hyde Park, NY: University Books, t. 182, rằng:

“Nhiều nhà nghiên cứu đã vạch rõ các nguy cơ cố hữu trong việc sử dụng Bảng Ouija hoặc việc xem trang trọng các ‘thông điệp’ giáng bút trên bảng ấy, vì khả năng gieo rắc một số thái độ và sự kiện rất bất như ý, có tiềm năng gây xáo trộn trong tiềm thức của con người. Ðã xuất hiện vô số trường hợp có những người ngày càng bị xúc động và trở nên lo âu khắc khoải vì việc sử dụng Bảng Ouija.”

Trong cuốn Cults and the Occult in the Age of Aqurius (Những thờ phượng và huyền bí trong thời đại Bảo bình, 1974), Nxb Grand Rapids,MI: Baker Book House, ở t. 106, Edmond C. Gruss trích lời của Carl Wickland, một bác sĩ điều trị bệnh tâm thần rằng:

“Ban đầu, tôi chú ý tới vấn đề nghiêm trọng về tình trạng đánh mất bản thân và xáo lộn tinh thần khi tham dự các cuộc thử nghiệm tâm linh vô minh ấy vì có những trường hợp của một số người mà kinh nghiệm có vẻ vô hại của họ với văn bản tự động và Bảng Ouija, đã tạo nên kết quả điên loạn tới độ phải vào điều trị trong nhà thương điên. Tôi dần dà chú ý tới các kết quả tai họa tiếp theo sau việc sử dụng Bảng Ouija, và việc quan sát đó dẫn tôi tới việc nghiên cứu các hiện tượng tâm linh để có sự giải thích khả thi cho những sự việc xảy ra quái lạ này.”

Những đề nghị được các “thực thể siêu phàm” đưa ra theo phong cách huyền ảo nhất, bằng loại ngôn ngữ kỳ bí, khi tán tụng khi kênh kiệu, vừa cuốn hút óc tưởng tượng của thanh niên vừa khơi động các khuynh hướng nguy hiểm tiềm ẩn trong hết thảy mọi người; và khi chúng phát sinh trong tâm trí của người gọi hồn một ý niệm rằng kẻ khuyên bảo vô hình ấy – “hồn thiêng” đưa ra các thông tin và khuyến cáo ấy – đáng tin không kém một bậc cha mẹ ân cần chỉ mong muốn cho con cái được phúc lợi, và khi sức mạnh cùng khả năng phân biệt phải trái của người tham gia cuộc gọi hồn bị thất tán, thì ta khó có thể tưởng tượng loại trò chơi nghịch thường này sẽ mang người thử nghiệm đi xa tới đâu.

Một khi càng ngày càng tiến sâu vào cuộc “triển khai tâm linh ấy” thì toàn bộ bản tính đạo đức và tinh thần của người tham gia cuộc chơi trở nên rối loạn. Tới một lúc nào đó y nhận ra, với cái giá bản thân phải trả, rằng trong khi y mở quá dễ dàng cánh cửa tinh thần để qua đó tâm trí mình bị xâm chiếm thì ngược lại, thật vô cùng khó khăn, nếu không nói là bất khả thi, cho y đóng lại cánh cửa đó để trục xuất kẻ xâm chiếm được y trân trọng gọi là “hồn thiêng” kia. Vì giờ đây, bất kể ngày đêm, lúc nào tâm tư y cũng bị thúc bách, nôn nóng không ngừng để làm sao được hiệp thông với hoặc được giáng bút bởi một “thực thể siêu phàm” mà y tín nhiệm. Y không thể để hết tâm trí vào công việc hằng ngày, và thậm chí vào lúc nửa đêm, y vẫn bị đánh thức. Y không thể nào ăn no ngủ yên, và cứ thế, y trở thành nạn nhân cho trò chơi đồng cốt của mình. Thể xác và tình trạng đạo đức và tinh thần của y suy sụp thê thảm, và thường đưa tới kết quả tối hậu là tự tử hoặc điên loạn.

Một giáo sĩ và là nhà nghiên cứu tâm linh, H.R. Neff, ghi lại trong cuốn Psychic Phenomenon and Religious (Hiện tượng tâm linh và tôn giáo, 1974), Nxb Grand Rapids, MI: Baker Book House, t. 131 rằng:

“Con số đáng kể những người bị lâm cảnh khó khăn tâm lý nghiêm trọng qua việc sử dụng Bản Ouija, đã cảnh giác chúng ta rằng những dụng cụ ấy không phải là các ‘đồ chơi vô tội’. Các sinh viên nghiêm chỉnh nhất của môn siêu tâm lý đã mạnh mẽ khuyến cáo dân chúng chớ sử dụng Bảng Ouija và các dụng cụ loại đó.”

Ðánh mất niềm tin vào tôn giáo chân chính và vào chính mình, vong thân mê đắm, hết kỳ vong rồi thất vọng luân phiên nhau, rối rắm tinh thần và đạo đức, tâm trí bất an, sinh lý rối loạn đưa tới điên loạn, v.v. Tất cả bắt nguồn từ việc những người cầu cơ, những đồng cốt không chỉ thường tuyên bố rằng họ chỉ là trung chuyển cho các thực thể đã khuất, mà vì họ còn làm hơn thế nữa. Họ quả quyết rằng những kẻ đã chết ấy, gần đây hoặc xa xưa, rất từ tâm, quảng đại và khôn ngoan hơn người đang sống. Tuy các “hồn thiêng” ấy từng sống ở một thời điểm nào đó nhưng lúc này, họ chỉ mong muốn điều tốt cho loài người hậu bối.

Thế nhưng bạn lấy gì bảo đảm cho những xác quyết đó? Mảnh ván cầu cơ thường lấy từ nắp hòm quan tài từng chôn dưới đất. Không khí âm u của nơi diễn ra các thao tác giữa đêm hôm vắng vẻ. Các đồng tử thường là người có vẻ ngoài cổ quái và tâm tính bất thường. Và ai có khả năng “kiểm tra lý lịch trích ngang” các “cố nhân vật siêu phàm” kia, hoặc những linh hồn không siêu thoát, được gọi là các “vong hồn” đó? Và chủ yếu, các thông điệp thường được chuyển tải bằng loại ngôn ngữ kỳ bí, quái đản, khi rẻ rúng khi kiêu kỳ, v.v. Như thế, lấy gì bảo đảm từ một cây mù mờ, bất thường, thậm chí “xấu” hiểu theo ý nghĩa không minh bạch, có thể sản sinh hoa quả tốt lành. Phải chăng, người tham gia cuộc chơi ấy, cũng như các cuộc chơi tâm linh âm u và quái đản khác, đang mở cửa con người thiêng liêng của mình, cái vốn là con cái của sự sáng, cho sức mạnh của bóng tối lẻn vào rồi xâm chiếm?

Theo quan điểm Kinh thánh

Kinh thánh lên án việc thực hành có tính thờ phượng của việc trung chuyển, bao gồm các hình thức đồng cốt, như thế trong đó chắc chắn có cả việc xoay bàn cầu cơ ngày nay và hẳn mọi hình thức giao tiếp với “người của cõi âm”, kể cả một loại cảm xạ học soi hồn nào đó, bằng những lời những chữ minh bạch.

1. “Các người không được đến với các người ngồi đồng ngồi bóng và không được hỏi ý kiến chúng, kẻo vì chúng mà ra ô uế. Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của các người” (Lê-vi 19:31)

2. “Người nào đến với các người ngồi đồng ngồi bóng để chạy theo chúng mà làm điếm, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt người ấy và sẽ khai trừ khỏi dân nó” (Lê-vi 20:6)

3. “Khi vào đất của Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), thì anh (em) đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc ấy; giữa anh (em), không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tường số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn.” (Ðệ nhị luật 18:9-11)

4. “Ông Sa-mu-en đã qua đời, toàn thể Ít-ra-en đã cử hành tang lễ cho ông và chôn cất ông ở Ra-ma, thành của ông. Vua Sa-un trục xuất các người đồng bóng và thầy bói ra khỏi xứ.” (1 Sa-mu-en 28:3)

5. “Vua làm lễ thiêu con trai mình, làm nghề chiêm tinh và phù thủy, lập ra cô đồng và thầy bói; vua làm nhiều điều dữ trái mắt Ðức Chúa để trêu giận Người” (2 Vua 21:6)

6. “Ngoài ra, vua Giô-si-gia còn khử trừ các cô đồng và thầy bói, các tượng thần, các ngẫu tượng và mọi đồ gớm ghiếc trông thấy ở xứ Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, để thực hiện những lời của Lề Luật chép trong sách mà tư tế Khin-ki-gia-hu đã tìm thấy trong Nhà Ðức Chúa.” (2 Vua 23:24)

7. “Vua Sa-un chết vì đã thất trung với Ðức Chúa, chẳng tuân giữ lời Ðức Chúa truyền, lại còn kiếm một mụ đồng bóng mà thỉnh vấn nữa.” (1 Sử biên niên 10:13)

8. “Vua làm lễ thiêu các con trai mình trong thung lũng Ben Hin-nôm, làm nghề chiêm tinh và phù thủy, lập ra các cô đồng và thầy bói; vua làm nhiều điều dữ trái mắt Ðức Chúa để trêu giận Người” (2 Sử biên niên 33:6)

9. “Và nếu ngươi nói với anh em:

'Hãy thỉnh ý các đồng bóng và thầy bói

Là những kẻ thì thào và lẩm nhẩm;

Dân lại chẳng phải thỉnh ý thần của mình,

Thỉnh ý kẻ chết cho người sống sao?'” (I-sai-a 8:19)

10. “Ai cập sẽ mất hết nhuệ khí trong lòng.

Ta sẽ làm rối loạn mưu đồ của nó.

Chúng sẽ thỉnh ý các tà thần, những tay phù thủy,

Những kẻ lên đồng và những tên bói toán.” (I-sai-a 19:3)

11. “Thiên Chúa dùng tay ông Phao-lô mà làm những phép lạ phi thường, đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt ông mà đặt trên người bệnh, và bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất.

“Có mấy người Do-thái đi đây đi đó làm nghề trừ quỷ cũng thử lấy danh Chúa Giê-su mà chữa những ngưòi bị tà thần ám. Họ nói: 'Nhân danh Ðức Giê-su mà ông Phao-lô rao giảng, ta truyền lệnh cho các ngươi!' Ông Xi-kêu-a nọ, thượng tế Do-thái, có bảy con trai thường làm như vậy. Nhưng tà thần đáp: 'Ðức Giê-su tao biết; ông Phao-lô, tao cũng biết; còn bay, bay là ai?' Rồi người bị tà thần ám xông vào họ, đè cả bọn xuống đánh túi bụi, khiến họ phải bỏ nhà ấy mà chạy trốn, trần truồng và đầy thương tích. Mọi người ở Ê-phê-xô, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều biết chuyện ấy; ai cũng sợ hãi, và thiên hạ tán dương danh Chúa Giê-su” (Công vụ Tông Ðồ 19:11-17)

Câu chuyện cuối

Ðể kết thúc bài viết này, xin được kể câu chuyện liên quan tới cô đồng J.Z. Knight. Bà tuyên bố mình là người trung chuyển cho một vì vua hiệp sĩ có tên là Ramtha. Dưới đây là phần tóm tắt cuộc đối thoại giữa “đức” Ramtha và một đệ tử cầu cơ:

Ðệ tử: Mối quan tâm chính của tôi trong cuộc đời này là tôi nên theo con đường phục vụ cái gì?

Ramtha: Phục vụ ngươi.

Ðệ tử: Phục vụ bản thân tôi và đồng loại của tôi.

Ramtha: Ðừng bận tâm tới đồng loại của ngươi. Nếu ngươi ngày càng hạnh phúc thì kẻ khác có nhìn ngươi như thế nào đi nữa cũng thế thôi. Thực tế là ngươi hạnh phúc, và việc phục vụ Cái tôi thôi cũng đủ rồi.

Ramtha nói chớ bận tâm tới đồng loại của chúng ta mà chỉ cần phục vụ Cái tôi của mỗi người thôi. Nhưng Ðức Giê-su dạy ngược lại, theo Mát-thêu 22:36-39:

Môn đệ: Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?'

Ðức Giê-su: Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí không ngươi. Ðó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.

Yêu mến Thiên Chúa, yêu thương người bên cạnh, Ðức Giê-su còn dạy rằng:

“Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mát-thêu 16:25)n

 

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3305
Ngày đăng: 30.03.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hình tượng đôi mắt trong thơ Quang Dũng - Trương Quang Cảm
Nghĩ về kết cấu chặt chẽ ở thể truyện ngắn - Trần Văn Nam
Ba điều về Kiệt Tấn - Nguyễn văn Lục
Hai đoạn suy tưởng về cổ ý và về thi ca - Dương Kiều Minh
Đọc thơ Đặng Ngọc Khoa - Mang Viên Long
Hữu Loan - Hiện hữu một màu hoa sim tím - Trần Ngọc Tuấn
Tư duy thơ, tư duy “nô”! - Nguyễn Chính
Tản mạn đôi dòng về cái sự “văn nô …” - Nguyễn Chính
Rồi thế giới cũng biết… - Phạm Quang Trung
Thơ Việt Nam đương đại, buổi ra đi và trở về - Mai Văn Phấn
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)