Trong hôn nhân, đàn bà lấy chồng là để vào đời, còn đàn ông cưới vợ là để thoát ra khỏi cuộc đời. Hôn nhân tốt đẹp tạo nên hạnh phúc thiên đường, còn hôn nhân trắc trở, đổ vỡ, gia đình thành bãi chiến trường. Tình yêu chân chính thanh hóa những tâm hồn hư hỏng và tình yêu xấu làm hư hỏng những linh hồn trinh trắng.
Đoàn Thị Lam Luyến là nhân vật độc đáo nổi loạn tình yêu trong thơ!
Nàng là người đàn bà đẹp “da trắng mịn màng, mắt huyền thăm thẳm” (Đặng Nguyệt Anh), đa tình nên nặng nợ đa đoan. Lam Luyến có cuộc đời lận đận, khát yêu, vồ vập yêu, dại yêu, xây hạnh phúc như “làm nhà trên lưng cá voi”. Nàng quyết liệt dữ dằn châm khói tuyên chiến với tình yêu!
Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia
giống như người đàn bà kia đoạt anh từ tay người đàn bà khác
Bỗng chốc anh trở thành tư bản
Trong tay những kẻ chỉ yêu tiền!
Ghen như sôi và giận như điên
Người đàn bà vớt trái chín trên tay vừa bị lăn xuống đất
Ghen như sôi và yêu như điên
Người đàn bà với ước mơ chưa thành sự thật
Anh, dễ thương như cây và hiền lành như đất
Trong tay những kẻ chẳng yêu vườn!
Em đã đón anh về
(Chiến tranh)
Hẩm hiu và bẽ bàng là cảnh giành giật người tình, nó xâu xé ngấu nghiến như diều hâu trước con mồi tươi rói. Thật là quyết liệt đến... đáo để! “Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào” (Nguyễn Gia Thiều). Phụ nữ không biết e thẹn giống như cá tươi thiếu muối.
Một mình Lam Luyến táo gan phát động một cuộc “chiến tranh tình ái” Chiến tranh kết thúc, chiến bại thường thuộc về nàng. Thương tích đầy mình nhưng nàng vẫn lao lên quyết sống mái với tình yêu lần nữa, thêm một lần nữa..
Đoàn Thị Lam Luyến thường than thở cho tình duyên éo le của mình, thật ái ngại và tội nghiệp “Cơn mưa ảo ảnh – Vẫn ngoài xa khơi – Con tim hành khất – Tứ mùa nắng nôi” (Ảo ảnh). Phụ nữ thường yêu được người đàn ông mà họ lấy làm chồng hơn là lấy được người đàn ông yêu họ. Tình yêu chứa trong mình nó tính đỏng đảnh như gió luôn đổi chiều. Nhiều cuộc tình tan vỡ phần lớn bởi cái lưỡi quá dài của người đàn bà. Hôn nhân giống hệt như cái kéo. Hai lưỡi kéo thép lạnh phối hợp với nhau chặt chẽ, chúng chuyển dịch về hai hướng ngược nhau và sẵn sàng cắt nát kẻ nào xen vào giữa.
Sau mỗi cuộc tình, Lam Luyến bình tĩnh như một luật sư trước tòa án của ái tình, cất lời tỉnh táo biện hộ khá dông dài cho chính mình. Lời lẽ rất hay, thấu lý đạt tình nhưng sự thật cuộc đời lại không phải vậy. Đối với Lam Luyến, khoảng cách từ người tình thứ nhất đến người tình thứ hai xa vời vợi hơn là khoảng cách từ người tình thứ nhất đến người tình thứ mười.
Có đâu như số trời đày
Phong trần cả mấy vạn ngày thế gian
Đa tình liền với đa đoan
Tơ duyên cứ nối lại càng đứt thêm.
(...)
Khởi điểm của vấn đề có lẽ bắt đầu từ luận điểm của Ănghen “Bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ”. Trong dân gian, người Việt chúng ta cũng thật dứt khoát về khoản này “Nhường cơm nhường áo, không ai nhường vợ nhường chồng”. Ghen có những cái lẽ công bằng và hợp lý của nó, ghen để gìn giữ bảo vệ cho ta cái thuộc về ta không thể bị kẻ khác tước đoạt. Thực chất nó là biến tướng của tính tư hữu.
Quá yêu sinh... ghen. Quá ghen sinh... sự! “ghen như sôi và yêu như điên”. Ghen tuông là thiếu tin tưởng và thiếu yêu quí đối với người ta yêu và cả với chính bản thân mình. Nó hàm hồ xúc phạm thái quá người được yêu và là nguồn gốc của mọi dày vò, đau khổ cho người đang yêu, “làm cho bể ái khi đầy khi vơi” (Kiều). Ghen tuông thiếu hẳn đi phẩm tiết tín nghĩa. Tình yêu của người ghen giống như lòng hận thù chứ không phải là tình yêu. Trong những cơn điên loạn, độc tài là hình thức hoàn chỉnh của ghen tuông. Nó biến tổ ấm uyên ương thành địa ngục. Ghen là hành vi đáng khinh vì kẻ ghen thật sự không yêu nhau và có quan điểm xấu về bản thân ở cả hai phía. Ghen tuông chứa nhiều tự ái hơn là tình ái. Yêu đương và hận thù luôn đặt tấm màn che trước mặt làm cho người ghen khi ghen bao giờ cũng nhìn sự vật qua kính phóng đại: kiến thành voi, thấp hóa cao, thằng lùn thành gã lêu đêu, trắng ra đen, tốt hóa xấu..., cứ thế, nỗi hoài nghi chóng vánh hiện hình thành sự thật hiển nhiên. Đa nghi dẫn đường cho phản bội. Tình yêu tìm hoa hồng, ghen tuông đâm sầm vào bụi gai vằng lồ. Ghen tuông là bản tính cố hữu của người đàn bà. Đàn bà là giống si tình, đàn ông là phường bội bạc. Yêu thương nhiều thù oán nặng. Yêu nhau lắm cắn nhau đau. Yêu đương nếu ẩu tả thì danh dự tiêu ma. Trong tình yêu, con người vướng phải nhiều sai lầm nhưng ghen tuông khiến ta phạm phải nhiều lầm lỗi tai quái, lố bịch nhất.
Ai yêu thật sự người đó không ghen. Tình yêu là lòng tin, nó là nền tảng tạo nên sự bền vững của tình yêu. Khi ghen chính là lúc ta yêu. Người chưa biết ghen là chưa biết yêu. Kẻ tầm thường ghen vì sợ bị cướp mất người yêu, còn người cao thượng ghen vì sợ vật báu của mình bị vấy bẩn.
Ái tình ngự trị không có luật. Nếu thần yêu cứ từ tốn và điều độ tiến tới thì trên đời không có gì tốt đẹp hơn. Người Anh bảo “Love is blind, as well as hatred” (Tình yêu vốn mù quáng). Vâng, đó là tên hướng đạo sinh mù quáng. Mọi người đang yêu đều có cặp mắt quáng gà. Coi chừng, theo nó dễ lạc đường như chơi.
Tình yêu đã túm lấy nàng thơ tàn bạo bẻ vụn ra mà Lam Luyến cứ phải dằn lòng yêu trở lại. Lam Luyến rơi vào khoảng trống cô độc khủng khiếp. Cô đơn nằm kẹt giữa âm ty cõi người.
Khi thôi yêu tự chia ta thành bóng
Sống vật vờ hai nửa ở hai nơi
Bóng từ mình, một mảnh vỡ ra thôi
Nhưng từ bóng không trở về ta nữa
Và đơn côi chiếc bóng mãi trên đời.
(...)
Nàng thiệt thà mà tường trình lại cái cơn dại dột của lòng mình:
Nước thì gần đất thì xa
Xui tôi làm nhà trên lưng cá voi
Cầu giời cho cá đừng bơi
Tháng ngày, một chốn đôi nơi, mong chờ...
Một lần tôi thử đùa chơi
Que diêm đốt cháy một mồi lửa rơm
Cá vùng xuống đáy đại dương
Bỏ tôi trong mảnh ván thuyền trong tay
(Trên lưng cá voi)
Nàng tự nhún mình:
Em đam mê đến độ hững hờ
Anh chầm chậm như là yêu thật vậy
Nhưng em biết, em chỉ là trang giấy
Lúc mềm lòng cho anh vẽ vu vơ.
(...)
Nàng hạ cố đến mất cả nữ tính:
Tình yêu một mất mười ngờ
Khiến cho biển cứ khuất bờ trong nhau
Chị thản nhiên mối tình đầu
Thản nhiên em nhặt bã trầu về têm
(Chồng chị chồng em)
Nàng nghi kỵ, dò xét:
Sao không phải là anh
mà lại là ngọn gió
mà lại là tia nắng
thiêu má em cháy đỏ
... mà lại là người đó
đứng chờ ai ngoài ngõ...
sao không phải là anh?
Nàng khắc khoải nhớ thương da diết trong ước vọng sinh thành:
Đợi bạn từ hoa sữa
Bây giờ thơm hoa cau.
(...)
Nhớ thành cây cho đất
Thương-thành hoa cho đời.
(...)
Nàng chầm vập yêu và oán trách:
Gửi tình yêu vào đất
Được hoa trái đầy cành
Gửi lên trời cao rộng
Sẽ được ngọn sóng xanh
Ta muốn ôm cả đất
Ta muốn ôm cả trời
Mà sao không yêu trọn
Trái tim một con người
(Gửi tình yêu)
Nàng phấp phỏng chờ đợi, nôn nao hy vọng:
Dở dang quá nửa cuộc đời
Bỗng dưng mọc một mặt trời trong nhau.
(...)
Khó khăn tột cùng, nỗ lực vô ích cuối cùng:
Que diêm mảnh cứ châm bờ rạ ướt
Khói lửa nào đắng đót trái tim côi
(Châm khói)
Nàng buông xuôi tay tuyệt vọng:
Đêm dài như xác pháo
Xé tan tuổi đôi mươi
Chưa tiêu gì ra món
Đã hết veo cuộc đời.
(Đêm trắng)
Nàng tự an ủi, xoa dịu vết thương lòng của mình:
Giá được một chén say mà ngủ suốt triệu năm
Khi tỉnh dậy, anh đã chia tay với người con gái ấy
Giá được anh hẹn hò dù phải chờ lâu đến mấy
Em sẽ chờ như thể một tình yêu...
Như lúa đợi sấm tháng ba
Như hạt cải đơm hoa, đợi ngày chia cánh bướm
Như cô Tấm thương chồng từ kiếp trước
Lộn lại kiếp này từ quả thị nhận ra nhau.
(Huyền thoại)
Nàng hướng tới hạnh phúc lứa đôi nhỏ nhoi của riêng mình giữa đời thường:
Cải nở vàng đêm những sao trời
Trăng liềm chúc xuống mãi không rơi
Em không cười nói vu vơ nữa
Áo đẹp song đôi với mọi người
(Một ngày thu)
Hoàn toàn không phải là tình thế, yêu và ghen với Đoàn Thị Lam Luyến có lúc nghiêng về lòng tự ty, có lúc ngang ngạnh đứng ở vị trí tự đại của nhục thể. Ghen tuông trong thơ Lam Luyến là tai vạ của ái tình và là nguyên cớ khởi đầu của những bài thơ thất tình có tầm cỡ trong lịch sử thơ ca Việt .
Yêu và điên, ngọt ngào và cay đắng là nỗi thống khổ dã man đày đọa kiếp người. Nó là thứ trò chơi buồn bã đối với kẻ yếu bóng vía nhưng là thứ rượu mạnh đối với những tâm hồn khỏe khoắn. Lam Luyến có những cơn điên, triền miên điên. Lấy Vân dại làm hình tượng hóa thân, lấy tâm sự nàng Kiều làm niềm an ủi, Đoàn Thị Lam Luyến đã đi đến tận cùng của khổ ải giữa địa ngục của tình yêu. Xiềng xích hôn nhân nặng đến mức cả ba người è cổ ra khiêng. Yêu đương quả là cuộc ký kết hợp đồng với đau khổ. Trong những mối tình tuyệt vọng, có khi kẻ gieo sầu chuốc thảm vô tình như không hay biết gì cả. Các quý bà có một điểm chung phổ biến: không muốn kẻ khác hưởng lợi ở cái mình đã chối bỏ. Đàn bà làm ác dễ hơn làm lành. Thường thì tình bạn đưa đến tình yêu nhưng hiếm khi tình yêu biến thành tình bạn
Có người thả bóng, buông câu.
Làm cho gãy nốt nhịp cầu quá giang
Đa tình liền với đa đoan
Tơ duyên đã nối lại càng đứt thêm.
(Không đề)
Giữa cơn khủng hoảng tình yêu, trong cảnh ông ăn chả bà ăn nem, Eva ăn thì Adam cũng nếm, phụ nữ phải luôn luôn là một nghệ sĩ. Nếu là nghệ sĩ tồi nàng sẽ bại trận. Thượng đế tạo ra phụ nữ là để được yêu chứ không phải là cái bồ để đàn ông thải rác tình.
Đức hạnh thì nông nổi, cái giận thì không đáy, lòng dạ nàng cũng chóng thay da lột xác. Lam Luyến đã rên xiết, đã lỗi lầm đôi phen, đã ngất ngây tận hưởng những phút giây hoan lạc do tình yêu đem đến. “Khi yêu nhau hai ta như là một - Ta với mình đâu dễ xẻ làm đôi”. Căn bản nàng đã được yêu! Và thế là đã đủ mãn nguyện cho thi nhân khi phải làm người ở giữa thế gian cằn cỗi này! Nàng thẳng thừng tuyên bố:
Thì cứ say, cho xa đừng phải nhớ
Thì cứ điên, cho đổ vỡ đừng buồn
Vân cứ dại thêm một nghìn năm nữa
Cho ngày mai đôi lứa dịu dàng hơn
Điên để trắng và đen không đảo ngược
Điên để tình và hận mãi song đôi.
(Vân dại)
Người đàn ông có thể ngồi xổm trên dư luận, nhưng người đàn bà phải chiều theo dư luận. Khóc lóc buồn bực, hờn dỗi khi nghĩ tới sự bất hạnh đã qua, Lam Luyến sẵn sàng phơi gan ruột ra ngoài để phản bác và chiêu tuyết cho mình:
Em như vạt cháy rừng quanh năm đòi cứu hỏa
Như con lũ sông Hồng chỉ chực vỡ đê
Nếu hạnh phúc không thể là vĩnh viễn
Điên cũng cần cho xứng với đam mê.
(Gọi Thúy Kiều)
Luôn hướng khát vọng về một thế giới hoàn mỹ, Đoàn Thị Lam Luyến đã khước từ mọi cái xấu, cái tầm thường, vươn lên luyện cho trái tim cứng cáp và nhạy cảm phô bày tất cả cái tốt đẹp lẫn cái phù phiếm. Lam Luyến yêu ghét không bao giờ lừng chừng, mạnh bạo, cả quyết đến liều lĩnh bản năng. Với nàng, chưa yêu là chưa sống. “Con tim em hạn hán - Tình anh là mưa bay”. Cứ thế, Lam Luyến lặng lẽ nhả hương trong bóng tối đời mình. Chính Lam Luyến đã tự diễu:
Làng thơ có chị Đoàn Lam
Tình dọc thì ít, tình ngang thì nhiều
Mới gặp cứ tưởng dễ yêu
Xem trong âu yếm có chiều chông gai...
Đàn bà như Lam Luyến quả thông minh hơn đàn ông, ít ra là nàng cũng đã biết dùng trí của mình mê hoặc để đàn ông không nhận ra điều đó. Ở đời, “gái dở một dành, gái lành một sọt” (Tục ngữ Việt ). Thiên hạ có quyền nghi ngờ đàn bà kể cả những người đàn bà hoàn hảo, đức hạnh. Mặc, họ có thể phán xét xem đàn bà tự do không phải là đàn bà. Từ một thiếu nữ vàng, biến thành một thiếu phụ chì, Đoàn Thị Lam Luyến cảm rồi yêu, đau khổ rồi hy sinh, lại nhoai người lên phấn đấu, khẳng định... “Em muốn hồng nhan không bạc phận”. Đó là những đề tài bất tận mà Lam Luyến đã dệt nên những trang đời, trang thơ đặc sắc của một kỳ nữ không gặp may trên đường tình ái, cái mà Nguyễn Ngọc Oánh bảo là “Cầu duyên bắc vụng cho tình trượt chân” là thế. Trong hào quang của tình yêu cay đắng, Lam Luyến mới bộc lộ hết được toàn vẹn vẻ đẹp chân thật từ trái tim nổi dậy đầy bản lĩnh của mình. Sự nổi loạn cá tính là điều chủ yếu cho sự hình thành và tồn tại của một cây bút./.
(Rút trong bộ THI NHÂN VIỆT HIỆN ĐẠI) -Bản của tác giả