( Trích tiểu luận triết học Câu chuyện vô hình)
1.
Chỉ những tác phẩm sẽ trôi qua xứng đáng xuất bản; những tác phẩm bất tử nên ở dạng bản thảo. Để sau cái chết của tác giả, bọn hầu gái dám nhặt nhạnh mang ra bếp dùng để đốt lò.
Cái gì một lần được viết ra một cách bất tử, cái đấy không phụ thuộc vào trí nhớ của con người. Nó tồn tại ở đâu đó, vĩnh hằng và kết thúc. Nó không muốn danh giá, tiếng tăm, không ước mơ dạy bảo, không mang giá trị bằng tiền, cũng chẳng bằng quyền lực, và sau cùng không cần làm ai thích.
Tiếng tăm, tiền, quyền lực, vinh quang, danh giá để làm gì cơ chứ?
Mọi tác phẩm đều xảy ra ở đâu đó, trong mỗi tác phẩm đều xảy ra một cái gì đấy. Gần như mọi cái đều xảy ra ở đây, trên quả đất này, là con người và giữa con người. Khi ta muốn thắng một ai, muốn mua vui, dạy bảo, chiến đấu, tranh luận, chinh phục và làm người khác kinh ngạc.
Những tác phẩm bất tử không diễn ra ở đây. Ở cao hơn. Sâu hơn. Đó là cái xảy ra giữa con người và thượng đế. Cái đã xảy ra. Kể cả khi, chẳng ai biết đi nữa. Thượng đế nhớ trong tim tác phẩm ấy kể cả khi giấy đã bị đốt cháy, như thể đá hoa cương đã bị mủn ra thành bụi.
Đấy không phải nhiệm vụ của sách nữa, không cần đến người đọc. Không cần đến cả người viết lại câu chuyện.
Tất cả các tác phẩm bất tử gần như bị đốt cháy hết, số ít ỏi còn lại dành cho chúng ta, không ai biết chúng thất lạc ở đâu, là những cuốn nào, ai viết và viết cái gì. Không ai có linh cảm để biết một người cô đơn một mình ngồi lên con thuyền xuôi ra biển nghĩ gì, khi người ấy vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại.
2.
Abélard và Heloise yêu nhau. Những lá thư còn sót lại của họ từ thời trung cổ cho tới ngày nay nằm trong một dạng khó có thể tin được.
Người ta viết nhiều và nói nhiều về mối quan hệ này. Nhưng nó đã từng như thế nào không ai biết. Chắc chắn sau này có người viết lại những lá thư ấy. Một người đã thêm bớt nhiều yếu tố chất liệu khác và toàn bộ tổng thể cuốn sách rất có thể được xây dựng lên từ những mâu thuẫn và với một chất liệu hỗn loạn.
Homeros là trường hợp ngược lại. Homeros được tập hợp từ những mẩu truyện nhỏ nói về những anh hùng, nhiều tác giả đích danh bị hòa thành một tên tác giả.
Những lá thư của Abélard và Héloise được thu thập lại theo kiểu Homeros, nhưng tên tác giả thất lạc đâu đó, chỉ còn lại nhân vật nữ và nhân vật nam. Sự vô danh là bất tử, khi các lá thư được thu thập. Không cần thiết, việc để lại dấu ấn của cái tôi. Sự vô danh hoàn thành công việc cuả nó, không cùng một kẻ xưng danh.
Thượng đế biết trong tim kẻ đó là ai, dù tên tuổi hắn thượng đế cũng không cho là quan trọng. Những gì được ghi trên những trang giấy này là kỷ niệm của con người, biệt lập với vinh quang. Giữa đám đông người đang tồn tại, chỉ thượng đế hiểu được đàn bà, tình yêu và hôn nhân mà thôi.
3.
Tôi không thể nhìn bằng con mắt của thượng đế; tôi nhìn phụ nữ bằng con mắt đàn ông của riêng tôi. Người đàn ông bắt buộc cho rằng đàn bà là một thực thể bất hợp lý, tồn tại một cách không thể hiểu được.
Thế giới này đã hoàn thành khi đàn bà xuất hiện; bởi vậy đàn bà cập bến muộn mằn, thậm chí là một kẻ sấn sổ. Cho dù ở trạng thái nào đi nữa, trong tư duy đích thực của thế gian vắng bóng đàn bà. Đàn bà đến muộn; có lẽ để bù trừ sự thiếu thốn; để ngăn cản một khả năng nguy hiểm nào đó, để phòng trừ.
Như thể trên thế gian đã xảy ra một lãng quên định mệnh, hoặc đã xảy ra một lỗi lầm lớn lao và trọng hệ đe dọa làm sụp đổ toàn bộ sự tồn tại. Tại đây, đúng ở tâm điểm sai lạc, ở sự thiếu thốn chết người và đầy nguy hiểm này, đàn bà xuất hiện, thiết lập lại vị trí của sự vật.
Nhưng như thông thường, cái dùng để bổ sung để chạy chữa , cái đó không bao giờ phù hợp với tư duy ban đầu. Nó bị thừa ra đôi chút; tự bản thân nó mang trên mình dấu ấn của sự đến muộn. Và thế là, chính bởi sinh sau đẻ muộn, nó không bao giờ hòa hợp được với mọi sự vật, bởi vậy nó chẳng hề sửa chữa hoặc phòng ngừ được lỗi lầm, tai họa nào. Nó có thể ít nhiều là giải pháp, nhưng cũng chỉ là giải pháp. Trong toàn bộ cái tổng thể rơi vào, nó không thể hòa nhập một cách hữu cơ.
Bởi vậy người đàn bà luôn luôn cảm thấy tai họa đích thực của nỗi nguy hiểm, của sự nhiễu nhương, của sự đen tối hoặc vực thẳm. Người đàn bà với thế giới loài người không phải là con cái trong thế giới động vật, vì con cái tồn tại cùng thế giới động vật ngay từ đầu và lẫn vào bầy đàn. Người đàn bà bị văng ra ngoài.
Người đàn bà là thực thể hai lần bất an: một lần trong thế gian, nơi họ che đậy những nỗi nguy hiểm cho con người, và lần nữa ngay từ bản chất của họ, bởi họ không cùng thời và cùng bản chất với người đàn ông. Như thể một mảng trát trên bức tường ngôi nhà mà sau này người ta trát thêm, một thứ chất liệu không bao giờ hoàn toàn hòa hợp được với những chất liệu khác.
4.
Người đàn ông thường có cảm giác, đàn bà là một nửa bản chất của họ; và một cảm giác khác, đàn bà là một chi tiết bất hợp lý của thế gian. Nhiều người thổ lộ cảm giác thứ nhất, và cả cảm giác sau. Ngày nay cảm giác thứ nhất có vẻ được chấp nhận hơn cả. Chỉ một đàn ông và một đàn bà làm hoàn thiện một con người, Kant từng tuyên bố, dường như theo lý thuyết của nhà nghiên cứu sinh vật học Swedenborg cũng vậy.
Ai cũng biết truyền thuyết của Platon kể về con người thời cổ đại có hai khuôn mặt, bốn chân bốn tay và hùng mạnh đến mức thượng đế cũng phải sợ, nên phải cắt con người đó ra làm đôi. Từ đó xuất hiện đàn ông và đàn bà. Và các vị thần linh không cần lo sợ con người ham muốn quyền lực cai trị thế giới nữa, vì suốt cuộc đời, họ chỉ đi tìm nửa kia của họ mà thôi.
Theo Swedenborg, ở thế giới bên kia không có thực thể đàn ông, đàn bà, chỉ có những cuộc hôn nhân đã trộn lẫn vào nhau, và người đàn ông và đàn bà đã trộn lẫn vào nhau trong một cuộc hôn nhân như thế có thể sáng tạo ra một thực thể tinh thần.
Theo Welkisch, học trò hiện tại của Swedenborg đàn ông và đàn bà là một linh hồn song sinh (Dualgeist), rất hãn hữu cặp song sinh này gặp gỡ nhau trên trái đất, nhưng ở thế giới bên kia chúng cần phải đợi nhau, bởi bước vào sự hiện hữu của thượng đế chỉ có thể, nếu đi cùng nhau.
Sau cái lý thuyết sơ lược và phóng khoáng của Weininger, sau những dấu hiệu con người đi về minh triết phương đông, đến lượt C.G Jung thổ lộ:con người, nếu là đàn ông, sẽ có cá tính đàn bà dưới dạng vô thức, trong tâm linh sâu thẳm của tiềm thức người đàn ông có một đàn bà, đấy là Anima, là Hồn, là sự hoàn thiện của người đàn ông; nếu con người là đàn bà, dưới vô thức có một người đàn ông trong tâm linh sâu thẳm, đấy là Anonimus, là sự bổ sung cho người đàn bà.
Những quan niệm này đều gắn chặt với cảm giác bản năng, rằng đàn ông là một nửa của đàn bà và đàn bà là một nửa của đàn ông, chỉ cả hai mới tạo ra một vòng tròn đầy đặn, hoàn thiện và kết thúc.
Trước kia không phải ai cũng tán đồng quan niệm này. Một truyền thuyết của giáo phái Kabbala cho rằng Thượng đế đã thủ tiêu cái thế gian lúc chưa có Adam trong một đêm, bởi con người lúc đó không giống thượng đế, một thực thể lưỡng tính, mà chỉ là một đàn ông.
Thượng đế chỉ để sót lại đúng một con người duy nhất, kẻ từ đấy thượng đế tạo luôn ra đàn bà. Truyền thuyết này cho rằng khi tạo ra thế gian, khi Thượng đế chỉ tạo ra đàn ông, là một sự sai lầm, bởi vậy sau đó cần phải sửa chữa. Kết quả của sự chạy chữa muộn mằn này chính là đàn bà, kẻ xuất hiện sau, là một miếng vá trên thế gian nguy hiểm. Đây là truyền thuyết về đêm Idumea.
Kinh Thánh viết trước khi Ê va xuất hiện, Adam sống chung với nhiều thực thể khác, một trong những kẻ đó có tên: Lilith, một quái vật đẹp mê hồn. Quan hệ giữa Adam và Lilith sản sinh ra lũ ma quỷ. Nhưng Adam không ở lâu cùng quái vật mê hồn này được khi Eva xuất hiện. Về nguồn gốc của Eva có hai loại giả thuyết. Một cho rằng Eva có nghĩa là: đàn bà, hay vợ. Giả thuyết khác cho rằng Eva nghĩa là Nevah, có nghĩa là một thực thể lộn ngược.
Theo Jakob Böhme trên thiên đàng, con người giống như Thượng đế là thực thể lưỡng tính. Khi phạm tội, nó bị cắt rời làm đôi, và phần nữ thần trong nó bay đến với Thượng đế: đấy là trinh nữ thiên thần có tên Sophia.
Phái Mật Khải( Gnostikus), thậm chí cả người Ai cập cổ cũng công nhận hiện tượng Sophia. Mất Sophia, con người được đền bù bằng Eva, người đàn bà bằng xương bằng thịt. Trinh nữ thiên thần là một nửa tất yếu của thực thể người ở thiên đàng. Nhưng không sống trên mặt đất.
Con người phạm tội, kẻ lao vào suy đồi vật chất không thể chung sống cùng Sophia, trinh nữ linh hồn trong trắng, mà chỉ nhận được Eva kẻ đã phạm tội ở một mức nào đấy. Eva không phải sự bổ sung hoàn thiện và đích thực của con người. Chỉ là sự đền bù của thiếu hụt Sophia, một kẻ chỉ thay thế, và thay thế một cách tồi tệ, một kẻ không phải một linh hồn- tinh thần mà chỉ là xương thịt, là tự nhiên, là một thứ vật chất.
5.
Con người thiên tài, truyền thuyết thời cổ đại và trực giác tâm linh đều đồng thanh cho rằng sự xuất hiện của đàn bà là một hiện thực bất hợp lý.
Ngay bản thân những lời giải thích về vị trí siêu hình của đàn bà cũng bị tan loãng trước khi chứng minh điều này. Có một dạng tư duy ôn hòa hơn cho rằng đàn bà là một nửa của đàn ông, và cả hai cùng hợp lại mới thành một; nhưng cũng có ý kiến cho rằng mối quan hệ của hai thực thể không giống sự hợp nhất từ hai nửa.
Việc tan loãng của các quan niệm cho thấy ở đây có một cái gì đó không ổn.
Cần phải dẫn chứng thêm bằng một loạt quan niệm và truyền thuyết của Trung hoa, Ấn độ, của các nền văn hóa khác nói về sự hợp nhất hoặc sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Nhưng đây không phải là mục đích của bài viết.
Chắc chắn, ngay từ đầu và trong mọi con người đã có một cái gì đấy bất an: người đàn bà trên thế gian phù hợp hay không phù hợp, có vị trí hay không có vị trí,nhưng họ luôn luôn gây phiền nhiễu, luôn gây hưng phấn, như thể bằng bản chất của mình, đàn bà dấu diếm một cái gì đó, làm tiêu hủy cảm giác hiểm nguy, như thể đàn bà không biết dấu diếm điều này, bởi cái bản chất bất hợp lý của đàn bà chỉ làm tăng dần sự hiểm nguy, bằng cách dấu diếm, chỉ để quyến rũ, và bản thân đàn bà không liên quan gì đến toàn bộ thế gian.
Bản chất đích thực của đàn bà hoàn toàn khác hẳn bản chất của đàn ông.
Sự nhiễu nhương chỉ tăng lên khi không ai hiểu được tâm lý của đàn bà. Ai thử tìm hiểu người ấy đạt đến mức tội nghiệp còn là ít. Phần lớn người ta trụ lại ở quan niệm cho rằng đàn bà là Eva, là người đàn bà- người vợ, là Lilith, quái vật đẹp mê hồn và là Sophia trinh nữ thiên thần. Thậm chí còn có cả quan niệm cho rằng đàn bà là một giống cái động vật.
Họ không nhận ra, cần chú ý đến hẳn một đội quân khác: như nàng tiên biển(szirén), mẹ của nàng Pallas Athéne và còn nhiều kẻ khác nữa.
Nhưng, nền tảng tâm lý đàn bà không bao giờ được phép chỉ trở nên nhân bản và con người. Bởi vì những lý thuyết và những truyền thuyết tâm linh có liên quan đến nguồn gốc đàn bà chỉ ra rằng không được phép và không thể hiểu được đàn bà trên cùng một nền tảng với đàn ông.
Ngay trong việc tìm hiểu tâm lý đàn ông, các quan niệm tâm lý táo bạo nhất cũng phải bó tay. Để tìm hiểu phụ nữ, những quan niệm này vô ích. Những lý thuyết có tên gọi lý thuyết cá tính không giúp ích chút gì trong việc tìm hiểu đàn bà.
Đàn bà không phải là một thực thể; đúng hơn là một tập hợp các thực thể: Pallas, Lilith, Mẹ, Szirén- nàng tiên biển, Sophia, Eva, người đàn bà của đêm Idumea, Hồn. Tất cả các thực thể này cùng lúc ẩn hiện, tồn tại trong tất cả đàn bà.
Sự sống của đàn bà là những khả năng bị cất dấu, là các hình thức của sự sống linh hồn, là bản chất của đàn bà và sau cùng là những nhân tố cổ đại.
Có thể đàn bà lần lượt trải qua và giữ lại trong bản thân họ các hình thức này. Linh hồn đàn bà là nguyên mẫu ban sơ, hay còn gọi là Nguyên Tượng (Archetipus) , Jung từng nói. Nhưng nên nhớ rằng cái Jung gọi là nguyên tượng này vẫn chưa phải là linh hồn, chỉ là một hình thức sự sống cổ xưa nhất của linh hồn, và là kỷ niệm nằm ngay trong bản thân nó.
Nguyên tượng là một công thức phép thuật (magikus) có thể tìm cách gọi nó quay trở về, nhưng vì nó chỉ là mảnh tàn dư của sự sống đã lạc hậu nên giờ đây nó chỉ còn đọng lại trong linh hồn như ma quỷ, bởi vậy làm sống lại nó là một hành động hết sức nguy hiểm.
Ngày nay bất cứ ai đều có thể gọi sự nguy hiểm này trở về, bất kỳ ai cũng có thể nhầm lẫn nguyên tượng này trong linh hồn đàn bà, nghĩa là nhầm lẫn không phải với những thành phần sáng tạo của linh hồn đàn bà mà với những hình thức sự sống đã lỗi thời trong linh hồn họ.
Bản thân Jung cũng nhìn thấy những nỗi nguy hiểm này, khi thấy người ta đồng nhất nguyên mẫu ban sơ này với thực thể đàn bà, và khêu gợi nó, những người quan niệm, tin, hiểu và tuyên bố đàn bà có thể là Eva, là Lilith là Anima, hay là Sophia đi chăng nữa.
6.
Về những gì Hy lạp cổ đại tạo ra tôi có một phản luận. Giả sử, vì một lẽ nào đấy tôi không chấp nhận thi ca của họ; tôi không chấp nhận kiến trúc của họ; triết học, truyền thuyết của họ. Tôi có thể bảo, cái này cái kia hay hơn, hoàn chỉnh hơn, trong sáng hơn, nồng nhiệt hơn, trung thực hơn, cao cả hơn.
Nhưng có một cái tôi vô ích phản đối. Đấy là tượng của Hy lạp. Vô ích tôi không chấp nhận. Bên cạnh các bức tượng Hy lạp không có bất kỳ bức tượng nào hoàn chỉnh hơn, con người hơn, trong sáng hơn, trung thực. Có lẽ không bao giờ có một nền điêu khắc như thế nữa.
Bởi trong tất cả những gì người Hy lạp đã sáng tạo ra, có thể tìm thấy một chút nhiễu nhương, giả dối, thô bạo, phân vân nào đấy. Nhưng ở những bức tượng thì không. Độc nhất chỉ tượng Hy lạp mang lại cho tôi khả năng có thể đối diện với con người của thượng đế. Bởi vậy về những gì người Hy lạp sáng tạo ra tôi có thể đưa ra một ý kiến phản đối, nhưng với tượng của Hy lạp tôi cần chấp nhận ngay lập tức mà không giải thích và không đưa ra lý do nào hết.
Một dân tộc, một thời đại, một thời điểm, một giống người khác có thể sáng tạo ra hình ảnh con người thượng đế trung thực hơn trong thi phẩm, trong triết học, trong thế giới của lịch sử và đời thường. Nhưng con người thượng đế trong điêu khắc chỉ một lần và mãi mãi duy nhất một lần, chỉ văn hóa Hy lạp nhận ra và sáng tạo nên.
Đối tượng duy nhất của toàn bộ điêu khắc Hy lạp: con người thượng đế. Cùng lắm với điêu khắc Hy lạp có thể bắt chước hoặc bị chinh phục, ngoài ra không có gì khác.
Giữa các bức tượng Hy lạp là vô số thân hình đàn bà, thiếu nữ, có Aphródité hoặc trần truồng, hoặc phủ chút khăn, hoặc đang cởi quần áo, hoặc đang chuẩn bị tắm.
Cái bồn tắm trước đêm tân hôn của người đàn bà trẻ chắc chắn không liên quan gì đến hành động vệ sinh thân thể hoặc mang tính chất y học. Sự miêu tả này đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa cực kỳ đặc biệt của nghi lễ tôn giáo.
Có thể cho rằng người đàn bà trẻ muốn trao tấm thân rạng rỡ nở hoa một cách trong sạch cho vòng tay ôm ấp đầu tiên. Và tình thế này chắc là như vậy, nếu từ bức tượng không tỏa ra một thứ ánh sáng vũ trụ, thiên thần. Tượng Hy lạp không bao giờ là con người, luôn luôn và trong mọi trường hợp chỉ có thể là con người thượng đế.
Bọn trẻ con hay tin rằng ngôi sao không phải là một thiên thể giống như Mặt trời mà là một kẽ hở nhỏ trên tấm mành bầu trời đêm, và ánh sáng của thế giới bên kia chiếu vào lấp lánh thông qua kẽ hở nhỏ này.
Thông qua bức tượng cô gái đang chuẩn bị tắm như thể có một kẽ hở nhỏ mở ra vũ trụ. Mọi bức tượng đều như một ngôi sao.
Việc cởi quần áo là một tượng trưng và mang tính chất tôn giáo. Mang một ý nghĩa: người đàn bà trước đêm tân hôn cởi quần áo, không phải là quần áo mà là thứ phủ lên bản chất thật sự của nàng, nàng cởi bỏ chính mình. Để gội rửa khỏi bản thân những thứ không phải là chính nàng.
Bởi vì, kẻ sẽ thành một bộ phận của vòng tay ôm ấp, kẻ đó mới là nàng? sự giải thích này bị bỏ lửng. Chỉ trở lại ý nghĩ ban đầu. Đối tượng của tượng Hy lạp là con người thượng đế. Đối tượng của bức tượng cô gái là cô gái thượng đế. Bức tượng này là người đàn bà thượng đế. Và khi cô gái cởi quần áo, hành động phép thuật này không là gì khác ngoài cử động phép thuật của nhà điêu khắc cởi bỏ tấm mành con người- vật chất, để lồ lộ phơi phới một người đàn bà thượng đế.
Cái bồn tắm linh thiêng rất giống với cái chết, khi linh hồn cởi bỏ quần áo, gột rửa khỏi mình tất cả những gì phủ lên bản chất của mình. Người chết cần được tắm rửa, trước khi trả họ cho quyền lực vũ trụ. Đây là sự tắm rửa tượng trưng. Bởi không có ý nghĩa gì trước khi vùi xác chết vào đất lại cần tắm rửa lau chùi cho xác chết. Cái bồn tắm của cái chết và đêm tân hôn là nghi thức linh thiêng của việc tan hòa toàn bộ linh hồn.
Và cô gái Hy lạp, khi cầm lên bình nước, bước ra khỏi đống áo quần để tắm rửa, lúc đó – một cách đích thực và vẹn toàn- trong toàn bộ sự sống của mình, con người duy nhất trần truồng một lần ,không che phủ bất kỳ cái gì lên bản chất của nó, và gột rửa đi tất cả mọi cái gì không thuộc về nó.
Đây là câu giải thích về ánh sáng siêu phàm của bức tượng cô gái; bởi vậy như thể thông qua bức tượng, như qua một kẽ hở của tấm mành bầu trời đen đặc, một tia sáng trong sạch rạng rỡ xuyên qua. Bức tượng cô gái Hy lạp mô tả một khoảnh khắc, khi người đàn bà trong cái bồn tắm linh thiêng gột rửa cái bên ngoài để hiện ra cái linh hồn thượng đế chói sáng.
Đấy là cái thực thể chính là bản thân, cái thực thể chuẩn bị bước đến đêm tân hôn, kẻ sẵn sàng tham dự và chuẩn bị chạm vào vòng tay ôm ấp của một người đàn ông? Bởi vậy bức tượng tỏa ngời rạng rỡ, bởi vậy như một ngôi sao, bởi vậy dường như thông qua bức tượng có thể nhìn sang được thế giới bên kia?
Không. Đêm tân hôn mà Linh hồn thượng đế chuẩn bị không liên quan gì đến vòng tay ôm ấp của người đàn ông. Không liên quan bởi không phải vì thế cô gái gột rửa cái tự nhiên khỏi bản thân mình, và không phải vì thế để trình bày mình trong bản chất thượng đế. Đêm tân hôn ở đây mang một ý nghĩa khác hẳn.
Cái Linh hồn khí ê-ter không thân xác trút bỏ áo quần, còn chất lỏng linh thiêng nằm trong bình nước bên cạnh, nàng sẽ gột đầu, rửa ráy da thịt, cơ bắp, hình hài nàng sẽ tan rã và không đọng lại gì có thể nắm giữ được từ nàng.
Cái Linh hồn sáng chói bên trong nàng con gái rạng rỡ trên bức tượng, tỏa sáng cho bức tượng. Con mắt thô bỉ và trần tục của con người hiện đại không thể hiểu được sắc đẹp tầm thường đã bị bỏ xa thế nào với ánh sáng thiên thần phản chiếu từ những nàng con gái cẩm thạch này.
Người ta cố gắng giải thích bằng nghề nghiệp, thị hiếu, kiến thức, bằng tài năng. Không bao giờ nghề nghiệp, thị hiếu, kiến tức, tài năng sáng tạo được cái gì đã bước qua tự nhiên. Cái lấp lánh trong bức tượng cô gái không phải là vật chất, là hình thức, là sắc đẹp là cái đẹp tỷ lệ. Dường như toàn bộ không liên quan gì đến cái đẹp.
Con mắt của kẻ thô bạo chỉ nhìn thấy hình dáng một người đàn bà khêu gợi. Cái đặc biệt ở đây là người đàn bà này không hề khêu gợi. Một người đàn bà là một người đàn bà. Người đàn bà này là một Linh hồn và Linh hồn này là một người đàn bà. Đây chính là suối nguồn của đàn bà. Đây là nguồn gốc.
Đây là một khoảnh khắc khả năng lấp lánh trong sự chiêm ngưỡng phi vật chất, trong thế giới bên kia, trong ánh sáng của thiên đường vĩnh cửu, nơi từ đó sinh ra đàn bà. Đây là khoảnh khắc khi con người nhìn thấy tận mắt nguồn gốc thượng đế của đàn bà. Một giây phút cũng không được phép quên rằng đối tượng duy nhất của điêu khắc Hy lạp là con người thượng đế, và cô gái Hy lạp là người đàn bà thượng đế.
Tấm thân xinh đẹp và quyến rũ của người đàn bà ở đây là hình thức thể hiện, là công cụ và chất liệu của đá cẩm thạch. Đây là tín hiệu của vũ trụ và sự đồng nhất thiên nhiên giúp chúng ta hiểu được sự vật định nói lên điều gì.
Nhưng bản thân bức tượng không làm nên từ thân xác, không từ vật chất và đá cẩm thạch. Bức tượng làm nên từ Linh hồn trong một khoảnh khắc, Linh hồn được mô tả khi người đàn bà trong bể tắm linh thiêng tắm rửa và một lần duy nhất trong đời hiển hiện trong bản chất thượng đế cổ xưa và đích thực.
Truyền thuyết Hy lạp viết, nữ thần của các vị thần, nàng Hê- ra mỗi năm một lần tẩy rửa lại sự trinh trắng của mình để dâng hiến cho Zớt, chúa tể của các vị thần. Heerra biết rằng nếu tẩy rửa bụi trần gian và biến thành Linh hồn, nàng sẽ một lần nữa biến thành người đàn bà- cổ, thành trinh nữ-cổ, trong trắng như ánh sáng, như ngôi sao.
Sẽ quay lại nguồn gốc của đàn bà đặt lên mình hình hài đàn bà đầu tiên, lấy lại bản chất đầu tiên của đàn bà và trở nên mới mẻ trở lại, sẽ là người đàn bà quay lại với linh hồn thượng đế.
7.
Cái Linh hồn được bức tượng cô gái Hy lạp bằng cẩm thạch miêu tả hoàn toàn khác một linh hồn đàn ông. Không phải sự bổ sung, sự tương ứng của linh hồn đàn ông, không phải tính chất tiêu cực hay tích cực hay là một nửa của linh hồn đàn ông.
Nguồn gốc của đàn bà hoàn toàn khác so với của đàn ông. Linh hồn của đàn bà cũng hoàn toàn khác của đàn ông. Có những người thích đặt tên cho Linh hồn này là cảm xúc. Đàn bà là một thực thể- xúc cảm, bởi không suy nghĩ, không nhìn thấu suốt, chỉ yêu, căm thù, có cảm tình hoặc ghét bỏ, hay khóc, dễ cười, hay bực bội- thất thường, hay thay đổi, bấp bênh như nóng, lạnh, nhờ nhờ, lạnh lùng như âm thanh, như xúc cảm, như nhạc.
Những người khác lại cho rằng không phải cảm xúc là đặc tính của đàn bà mà là sự nhậy cảm- bởi vì đàn bà nắm bắt rất nhanh cái đụng chạm tới họ, và tinh tế trả lời lại như một bông hoa; Thực ra sự nhậy cảm không liên quan gì đến cảm xúc và các giác quan, bởi sự nhậy cảm không tự nhiên có mà là đặc tính của linh hồn.
Và chính vì vậy đàn bà có thể trở nên hết sức tinh tế cũng như hết sức thô tục, có thể trở nên hết sức cao quý nhưng cũng có thể hết sức trụy lạc bởi cái số phận từng trải đụng chạm vào cái thực thể nhậy cảm vô cùng này, và cái gì đàn bà đã trải qua, mang một ảnh hưởng định mệnh.
Không phải xúc cảm hay sự nhậy cảm là đặc tính cơ bản của linh hồn đàn bà. Về đàn ông ai cũng có thể nói đặc tính của họ là tư duy, hay hành động, hoặc tinh thần hoặc sự sáng tạo. Một cách như thế nào đó, theo nghĩa bóng, điều này có thể hiểu được. Nếu không tìm ra bản chất một cách chính xác, thì cũng không hoàn toàn đánh giá sai.
Nhưng nếu người ta nói về người đàn bà là một thực thể nhạy cảm, đầy cảm xúc hoặc nói một cách khác theo ý thích của họ, ngay từ xa đã không đụng chạm gì tới bản chất của đàn bà. Chỉ có đúng một từ có thể chỉ ra và chỉ đúng linh hồn và bản chất của đàn bà, đó là từ: đàn bà. Không là gì khác. Vì bằng một cách khác không thể hiểu được, với từ này không thể hiểu theo nghĩa bóng, và bằng nghĩa bóng không thể gợi lên người đàn bà.
Trong số phận của người đàn ông có những sự vật ưu tiên vượt quá cả giới tính. Nhưng: đàn bà- giới tính đứng ưu tiên đầu tiên. Nhưng ở đàn bà đấy không phải là thế gian, là mục đích, cái tuyệt đối và tận cùng đều có mặt ở đàn bà như mọi cái khác: xúc cảm hay sự nhậy cảm.
Khái niệm đàn bà với những đặc thù cá tính của họ rộng lớn hơn và hoàn toàn khác hẳn. Nghĩa là đàn bà, không thể hoàn thiện bằng bất cứ điều gì, từ ngữ này không thể thay thế bằng bất cứ từ ngữ nào khác. Không thể liệt và hiểu được khái niệm đàn bà từ khái niệm đàn ông, thiên nhiên, thế gian, hoặc giống cái.
Có thể có một kiến thức về bản chất đàn ông. Nếu con người chỉ để ý tới khối lượng khổng lồ của những cuốn sách nghiên cứu cá tính đã đủ thấy kiến thức này thật đáng kể. Nhưng toàn bộ tủ sách nghiên cứu cá tính này đến một từ ngữ nhỏ cũng không liên quan đến đàn bà. Thậm chí toàn bộ kho sách tâm lý học của văn học thế giới cũng không biết tý gì về đàn bà.
Đàn bà không có lịch sử, chỉ có truyền thuyết; so với điều này tâm lý học về họ vẫn còn là cái gì đơn giản hơn nhiều. Cái có nghĩa là sự trực tiếp. Cái có nghĩa là một hiện thực vô cùng khó khăn.
Cái ánh sáng sao và linh hồn rạng ngời của các cô gái Hy lạp bằng cẩm thạch biết rõ điều này. Không thể nhầm lẫn được. Không thể gán cho người đàn bà bất kỳ điều gì khác, chỉ là người đàn bà nếu đúng đấy là một người đàn bà. Và tôi không cho rằng tất cả các dạng đàn bà là cái cái gì khác ngoài một người đàn bà.
Đấy là ánh sáng và sự rạng ngời chói mắt của một thế giới cao hơn thế giới vật chất, đấy là thực thể không hình hài- đấy là linh hồn đàn bà, điều này rõ ràng đến nỗi nếu những bức tượng biến mất, hình dạng của chúng tan ra, lúc đó cũng không thể nào nói thêm điều gì khác ngoài một câu: đấy là đàn bà.
8.
Câu nói tình yêu là sự hợp nhất giữa hai nửa bị cắt rời cũng nhầm lẫn như câu tình yêu là một cộng với một. Tình yêu không phải là sự đối xứng. Chưa chắc Swedenborg hoặc Welkisch hoặc Jung đã suy nghĩ đúng khi họ hình dung một cách tương xứng mối quan hệ của đàn ông và đàn bà: ở đây chẳng có gì xảy ra hết ngoài điều truyền thuyết của Platon đã viết, hai nửa bị cắt rời bởi sự ghen tuông của thượng đế gặp gỡ nhau.
Sự bí ẩn của tình yêu chính là ở chỗ một người đàn ông hoàn toàn khác và một người đàn bà hoàn toàn khác, những kẻ hoàn cảnh thế gian, nguồn gốc, cá tính, hình dáng hoàn toàn xa lạ và khác hẳn nhau, đây là thực thể có khả năng sắp xếp một cách đối xứng với nhau, là hai kẻ gặp gỡ và tan vào nhau làm một.
Thế giới động vật trong tính dục có thể hợp nhất các thực thể sắp đặt vị trí cho cân bằng tương xứng bên phải bên trái, trên dưới, tích cực và tiêu cực, có thể lắm. Nhưng ở con người tình yêu làm tan hòa những thế giới và các thực thể khác biệt vào làm một với nhau, đấy là điều chắc chắn.
Bởi vì, nếu chỉ là sự hợp nhất của các phần tử bổ sung lẫn nhau, khó có thể đạt tới điều này, rằng mỗi con người cần phải sống và trải qua những khao khát dày vò thông suốt đến tận gốc rễ siêu hình của họ, và nếu không sống từng trải, con người sẽ nghèo nàn như một kẻ ăn mày mù lòa.
Cái kỳ diệu bất ngờ và khoảnh khắc không thể tưởng tượng nổi trong sự thần bí của tình yêu chính là vì những kẻ hòa tan làm một với nhau không thể và không bao giờ thuộc về nhau. Không ai có thể tìm thấy câu giải thích về tình yêu trong tự nhiên; chỉ có tính dục trong tự nhiên mà thôi. Để tình yêu cháy bùng lên, cần sự can thiệp của thượng đế, thiếu điều này các thực thể và các thế giới khác biệt nhau không bao giờ gặp gỡ lẫn nhau.
9.
Điều chắc chắn, nguồn gốc của tình yêu khác của tính dục. Tình yêu là mối quan hệ của người đàn bà thượng đế với người đàn ông thượng đế; trong mối quan hệ này hai kẻ trong nguồn gốc, thời gian xuất hiện, trong bản chất siêu hình khác hẳn nhau, là thực thể không thể làm cân xứng không thể gọi cùng tên, gặp gỡ nhau trong sự thần bí thượng đế và tan hòa vào nhau thành một.
Ngược lại, tính dục là sự thỏa mãn lẫn nhau của những thực thể tự nhiên trộn vào nhau một cách tương ứng và đối xứng. Kant có lý, một đàn ông và một đàn bà làm hoàn thiện con người – trong tự nhiên.
Trong tình yêu, sự gặp gỡ của một người đàn ông thượng đế và một người đàn bà thượng đế không chỉ là một con người hoàn thiện, còn cao hơn thế nữa. Cao hơn bằng thượng đế cao hơn tự nhiên. Người đàn ông và người đàn bà gặp gỡ và tan hòa làm một trong tình yêu là sự hội nhập làm một bí hiểm, sáng tạo của hai linh hồn.
Từ tính dục sản sinh ra một thực thể tự nhiên mới; từ tình yêu sản sinh ra linh hồn mới. Nếu hai thực thể tự nhiên hợp nhất thiếu tình yêu, lúc đó là sự hợp nhất thực thể tự nhiên hoang dã. Đây là trường hợp của thế giới động vật- có thể thế. Nhưng có một loại tình yêu trong đó hai linh hồn gặp gỡ và động phòng không có sự đụng chạm xác thịt. Đấy là loại tình yêu mà hoa trái sinh ra là thứ linh hồn phi vật chất.
Con người lầm lẫn tình yêu với tình dục. Nhiều khi họ cho rằng đấy là tình yêu, thứ chỉ là tình dục, và tưởng rằng- không có ngoại lệ- trong mọi tình yêu đều kết thúc bằng tình dục. Và con người tin rằng các thực thể đều do tính dục sinh ra.
Các thực thể do tình yêu sáng tạo, tình dục chỉ khoác áo quần cho nó, khiến nó bức bối và kiểu gì cũng cần phải cởi bỏ. Sáng tạo chỉ hai linh hồn làm được, và đấy là tình yêu được xây dựng lên không có đụng chạm xác thịt.
Khi tình dục hạ nhiệt, kết thúc, khi hai linh hồn tràn ngập một sức mạnh của thực thể thượng đế kia, khi mọi đụng chạm và ý nghĩ mon men đến gần hiện lên như một sự xỉ nhục và hoảng sợ, khi kẻ khác, kẻ lạ, một thực thể không quen biết nhóm lên một ngọn lửa từ tự nhiên, như chớp, lóe sáng, đây là khoảnh khắc sáng tạo trong tình yêu-linh hồn.
Đừng ai tin rằng khoảnh khắc này hiếm hoi.
Tất cả những ai đã từng sống một số phận gần như chìm trong mịt mù, sẽ nhớ đến những giây phút bốc lửa trong gian phòng đêm một mình, hoặc trong rừng vào một ngày phương nam, hoặc trên đỉnh núi, ngoài biển khơi, khi ngả lưng trong đám cỏ ngát vị hoa quả trái cây một chiều hè êm ả, khi người đàn bà thượng đế cho dù xuất hiện ở khoảng cách không thể với tới, hay ở đó, trong tầm tay, nàng cuốn hút đến mức một cái gì đó bật ra từ đấy, lúc đó người đàn bà cho dù ở xa hàng trăm kilomet vẫn nắm lấy và tiếp nhận.
Ai không trải qua giây phút sáng tạo-linh hồn này sẽ không hiểu chút gì từ bức tượng cô gái Hy lạp thượng đế, và không biết rằng nàng con gái chuẩn bị cho một động phòng như thế. Nàng bước vào bể tắm thần bí để rũ đi tất cả những gì ngáng con đường bước vào sự động phòng-linh hồn của mình.
Nhiều linh hồn đã được sinh ra trong một đêm động phòng tình yêu thánh thượng vô hình, nhiều hơn cả con người tự nhiên sinh ra từ đêm tân hôn tình dục. Và những linh hồn này làm sinh sôi nảy nở thêm không gian thượng đế- không gian mà ánh sáng của nó lóe sáng thông qua bức tượng cô gái bằng cẩm thạch như qua một kẽ hở của bức mành trên bầu trời tối đen.
10.
Hành vi tự nhiên của tính dục tất nhiên hoàn toàn độc lập với tình yêu. Khi linh hồn đầu tiên sử dụng cuộc gặp gỡ giữa tinh trùng tự nhiên và trứng tự nhiên để thông qua đó bản thân linh hồn cũng xuất hiện, tồn tại và chiếm chỗ trong tự nhiên, LINH HỒN ĐẦU TIÊN này đã kết hợp linh hồn- tình yêu, với tính dục tự nhiên và sự sinh sôi mãnh liệt, đã hạ thấp tình yêu và nhúng nó vào tình dục.
Sáng tạo và sinh sôi là hai việc khác hẳn nhau.
Sự đánh đồng tình yêu và tình dục với nhau là sự hợp nhất phi pháp của quá trình tồn tại hai thế giới khác hẳn nhau. Đặc biệt, giữa ba nguồn kiến thức cơ bản của con người là thiên tài cũng như truyền thuyết cổ đại, cũng như trực giác tâm linh đều không thần thánh hóa sự chú ý về hiện tượng này.
Người ta chú ý đến hậu quả thì đúng hơn, ngày càng chú ý thường xuyên hơn. Từ lúc có sự hợp nhất phi pháp này, xuất hiện nỗi lo sợ về sự dơ bẩn nằm trong tình yêu của con người, cùng lúc và với nhau giữa đàn ông đàn bà.
Thiên chúa giáo gọi đây là tội tổ tông, nhưng đây cũng chỉ là một cách gọi. Tất cả mọi người đều biết về nó kể cả những người chưa biết gì về cách đặt tên này.
Trong tình dục, ý nghĩa huyền bí của tình yêu thượng đế bị lu mờ; và tình dục trở thành vật cản cho sự hợp nhất thế giới được sáng tạo của hai giới tính hoàn toàn khác hẳn nhau. Tình yêu và tình dục bị lẫn lộn theo phương cách khi con người sống, một cử chỉ phép thuật luôn luôn ngăn cản và luôn luôn đưa ra một khả năng để các thực thể mới lợi dụng, để phá hỏng một cách phi pháp.
Từ động tác phép thuật sinh ra LINH HỒN ĐẦU TIÊN, nghĩa là một thực thể bên trong hoàn toàn chỉ có bản chất, chỉ có linh hồn- thực thể.
Đấy là các thực thể theo truyền thuyết cổ đại là các nàng tiên biển, các chàng trai mình ngựa, các cậu con trai thân dê và các cô gái thân lông chim. Hình dáng điển hình đàn ông của LINH HỒN ĐẦU TIÊN là titán; của đàn bà là szirén- nàng tiên biển.
11.
Titán và nàng tiên biển là hai chiến lợi phẩm của sự sống. Chúng sống để cướp bóc niềm vui của thế gian. Niềm vui này bao giờ cũng là xúc cảm, thiên nhiên, vật chất và xác thịt.
LINH HỒN ĐẦU TIÊN cho dù thèm khát vàng bạc, quyền lực, sự vinh quang, hay nghệ thuật hoặc tri thức hoặc mang cái tên khác đi nữa, bao giờ nó cũng tin rằng cần phải thu thập một cái gì đấy, nó tin rằng sự thu vén này, sự giàu có này là nỗi chiêm ngưỡng, là sự quyến rũ. LINH HỒN ĐẦU TIÊN sống để nghiến ngấu cuộc sống- bởi vậy nó đầy cảm tính và khăng khăng.
Ai tin rằng chỉ mối quan hệ ngày nay của đàn ông và đàn bà là titán và nàng tiên biển, người ấy nhầm. Cả châu Âu ngay từ đầu không biết đến quan hệ khác của đàn ông và đàn bà ngoài quan hệ kiểu titán và szirén-nàng tiên biển. Không vô ích người ta gọi tinh thần châu Âu là Faust.
Faust ở đây là một hình ảnh tượng trưng: một lão đạo sĩ già bán mình cho sự độc ác để có thể trở lại trẻ trung hưởng thụ sự quyến rũ của các nàng tiên biển. Đây là con người châu Âu đích thực, là tính dục titán hung hãn chỉ nhìn thấy cái quyến rũ trong một giới tính khác, và coi như một chiến phẩm của mình.
Chẳng cần làm gì hết chỉ cần chăm chú theo rõi, khi một người châu Âu nhìn đàn bà- cái cách họ nhìn. Cái nhìn này đã là một sự đụng chạm. Nhìn đắm đuối. Sờ mó. Người đàn bà thật sự bị tắm trong cái nhìn đó- và điều xảy ra này ngược lại với bể tắm thần bí: người đàn bà tắm trong cái mà cô gái bằng cẩm thạch tẩy rửa đi.
Cần đặt một câu hỏi: ai là lý tưởng của người đàn ông? Lilith, nàng tiên biển, kẻ đi quyến rũ, kẻ mà bản chất là sự say đắm, điên đảo, ngất ngây, khêu gợi, làm mê đắm- quái vật mê hồn. Đàn bà ở đây không bao giờ là cái gì khác ngoài hình ảnh tượng trưng của cái đắm đuối sinh lý. Chỉ dùng vào việc sau khi bị cướp mất mãnh lực quyến rũ thể xác, có thể nhập tu viện( Hamlet) hoặc vào tù( Faust).
Người đàn bà là loài tiên biển. Và biến thành như thế. Nhục nhã với nguồn gốc thượng đế riêng của mình, họ là kẻ đối xử với cái đẹp cổ xưa của mình như một tên trọc phú với đồng tiền; cảm thấy đấy như một vốn liếng, để có thể thu lợi, họ là nhà tư bản của sắc đẹp, kẻ đi bóc lột tài năng của mình- người đàn bà thượng đế biến thành thứ vật chất hung tợn trong tay những kẻ báng bổ thần thánh, nhúng báu vật hợp lý nhất của thế gian vào cống rãnh, biến thành tiền và bày bán trên mặt chợ đầy ruồi bâu phủ. Szirén- loài tiên biển- người đàn bà đã bán linh hồn thượng đế riêng của mình cho vật chất.
12
Ce mal d’étre deux- Mallarmé viết. Hôn nhân của con người ngày nay xuất hiện như thế, khi thói quen thay thế cho sự ấm cúng, thói thờ ơ thay cho sự chân thành. Sự khủng khiếp này dành cho cả hai, luôn luôn bị quấy rầy, lo lắng, bất an, luôn bắt đầu lại, sự châm chọc, đay nghiến, việc làm tổn thương và bôi bẩn cuộc sống trong từng khoảnh khắc và trong từng suy nghĩ.
Hôn nhân: sự kết hợp giữa titan và szirén, nàng tiên biển, những kẻ sau vài tuần dày vò lẫn nhau thảm hại nhận ra, toàn bộ sức lực của họ sắp đứt. Điều này người ta gọi là sự vỡ mộng. Titán và szirén khi nhận ra điều này, bằng những gì có thể, họ cướp đoạt, muốn chạy trốn và thèm muốn tha về chiến lợi phẩm mới.
Nó không tìm thấy cái nó tìm kiếm, nó nghĩ thế và tuyên bố. Tất nhiên. Cái nó tìm kiếm, chẳng ở đâu có. Nó muốn sự thỏa mãn. Nhưng sự thỏa mãn titán không cho được szirén và ngược lại. Sự thỏa mãn trong thế giới của LINH HỒN THỨ NHẤT không có. Ở đấy chỉ có sự tầm thường vỡ mộng. Khi nó mệt mỏi và cần cùng ở lại với nhau thì cơn khủng hoảng xảy ra: ce mal d’étre deux- sự khủng khiếp này cần cho cả hai.
Nó không bao giờ có khả năng ở lại một mình cân bằng, trong sạch, tươi tỉnh và sáng suốt nữa. Từng giờ trong ngày nó chia xẻ và nhận những nhát dao đâm. Và khi một kẻ bùng nổ, nó vất vưởng tìm đến một người đàn bà; khi kẻ kia bùng nổ tiếp, kẻ kia gieo mình vào lòng một người đàn ông khác.
Nhưng vì nó tiếp tục tìm kiếm và đòi hỏi như thế, nó lại nhận được cũng đúng như thế. Bởi vì nó tin rằng ở một nơi nào đó có một người đàn ông hoặc đàn bà không làm nó vỡ mộng, sẽ làm thỏa mãn nó và nó sẽ hạnh phúc với người đó.
Hạnh phúc là sự kéo dài vô tận của những say mê sinh lý, tất nhiên nó nghĩ thế. Có kẻ còn cho rằng đã lựa chọn nhầm, và người bạn đời chân chính đã bị rơi tuột mất. Nó thử lại. Nhưng lại đánh giá đúng như thế, nhận đúng như thế và sống đúng như thế. Bởi vì nó chờ đợi và đòi hỏi mong mỏi đúng như thế.
Không bao giờ nó nghĩ rằng, không cần một đàn ông khác hoặc một đàn bà khác; cái khác có thể mong muốn được và cần phải là một thứ hoàn toàn khác. Không phải sự say đắm sinh lý và sự thỏa mãn. Nếu nó vẫn mong muốn điều này, chắc chắn sau một thời gian: ce mal d'étre deux- sự khủng khiếp cần cho cả hai.
Tình yêu không phải sự hưởng thụ, không phải niềm hạnh phúc, không phải sự ngây ngất, không phải sự giải trí, không phải sinh lý. Và với hôn nhân lại càng ít hơn nữa.
13.
Truyền thuyết cho rằng người đàn ông đầu tiên sống cùng Lilith. Lilith chỉ là tình nhân. Szirén, nàng tiên biển, là sự say đắm sinh lý, là người đàn bà tình dục mạnh mẽ. Nhưng người đàn ông đầu tiên đã chán và bỏ rơi. Sau đó đến Eva, người đàn bà, người vợ. Và hôn nhân bắt đầu. Nền tảng của hôn nhân khác hẳn tình dục. Nền tảng của hôn nhân là tình yêu-linh hồn.
Tình dục cần hai thực thể: titán và szirén- nàng tiên biển. Không nhiều hơn. Thế là đủ. Để hôn nhân có thể bắt đầu, ngoài hai thực thể cần sự can thiệp của các Quyền lực nữa. Trên trái đất không nơi nào và không có dân tộc nào không biết, hôn nhân xuất hiện được cần sự chấp nhận và thánh hóa.
Tình dục luôn luôn phi pháp. Bởi vậy nó luôn lẩn trốn trong các bờ bụi, rừng rú, trong các con phố tối tăm và trong các căn phòng có sân hôi hám. Hôn nhân là hợp pháp. Tồn tại ban ngày ban mặt, một cách công khai đẹp đẽ và kiêu hãnh.
Con người chỉ thành người bạn đời khi được thánh hóa. Ngay cả tình yêu cũng không đủ. Không chỉ vì không có tình yêu trong trắng, mà vì tình yêu chỉ biến thành trong trắng, bởi trong quan hệ của đàn ông và đàn bà có sức mạnh thượng đế ngự trị.
Không có gì, ngay cả tình yêu nóng bỏng nhất và sâu sắc nhất cũng không thể nhầm lẫn được với hôn nhân.
Lễ kết hôn không diễn ra trong tự nhiên mà trong thế giới linh hồn. Hai linh hôn kết hôn. Giờ đây có thể dễ dàng hiểu hơn ý nghĩa hành động tắm rửa thần bí của cô gái Hy lạp.
Ngày nay trong thời đại trần tục này, trong thời đại của hôn nhân thị dân điều này vang lên như một bài thuyết giảng đạo đức rẻ tiền. Hôn nhân thị dân là thứ khi nhà nước bằng những tuyên truyền bẩn thỉu thay thế thượng đế bằng bản thân mình, và cho phép mình làm lễ kết hôn cho con người. Hành động này cho phép chính thức mất đi sự trinh trắng. Chính thức, nhưng không hợp pháp.
Hôn nhân trở nên hợp pháp không phải trước mặt nhà nước và chính quyền. Nhưng ngay trong thời đại này đã có thể cảm thấy mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà bản thân nó đã không đứng vững. Cần một sự can thiệp cao hơn, và họ sẽ gặp gỡ nhau từ một cái gì đó cao hơn. Trong cái cao cả đó sự can thiệp của chính quyền là một sự trơ trẽn. Bởi bản chất của việc kết hôn là không cần cho phép.
Không. Bản chất của kết hôn là kết hợp với nhau vào một thế giới cao hơn.Gặp gỡ, hợp nhất và chung sống chỉ có thể trong lòng thượng đế và tự do và cần phải thế. Không thể có một phản dụ nào tốt hơn hôn nhân trần tục hiện đại. Ngẫu nhiên chung sống cũng không thể thành công, chỉ là một sự hành hạ rã rời và là nguồn của bất hạnh và sự khủng khiếp. Ce mal d'étre deux.
Tất nhiên đây chưa nói đến hôn nhân lợi ích và các loại hôn nhân khác. Trong các cuộc hôn nhân lợi ích sự kết hợp không để hòa vào một thế giới cao cả hơn mà chính lại diễn ra trong vật chất, và là một điều thoái hóa. Nhưng hôn nhân tình dục cũng chẳng khác gì trường hợp quá khích của hôn nhân lợi ích: ở đây là cuộc gặp gỡ ở tầng thấp và chỉ là sự kết hợp của các phần tử dưới đáy.
Điều kiện gặp gỡ và hòa nhập làm một chỉ có thể trên cao- cao hơn con người. Hôn nhân không phải một mối quan hệ vật lý mà là mối quan hệ siêu hình, điều cô gái cẩm thạch nói lên khi tẩy rửa bản thân khỏi vật chất, và chuẩn bị bước về phía các Quyền lực, để sự tiếp xúc của bàn tay thượng đế thấm nhập sự thần bí vào con người nàng.
14.
Trong hôn nhân song song có hai quá trình hợp nhất xảy ra: chỉ một người đàn ông và một người đàn bà tạo thành một con người hoàn thiện. Hành động này người ta gọi là sự điều chỉnh, đây là sự điều chỉnh lại sự thống nhất cá nhân con người cổ đại.
Sự hợp nhất thứ hai quan trọng hơn và bản chất hơn: đây không phải sự gặp gỡ của hai nửa, mà là sự hòa hợp, sáng tạo làm một đầy bí hiểm của sự tiếp xúc thánh thượng với thế giới của hai linh hồn.
Cuộc hôn nhân này không phải là sự điều chỉnh nữa mà là sự thiếp lập. Không phải sự điều chỉnh cái thống nhất nữa mà là thần thánh hóa. Người đàn ông và người đàn bà ở đây không sinh sôi nữa mà là sáng tạo, hay đúng hơn tham dự vào sự sáng tạo của thượng đế. Để sự thần thánh hóa diễn ra, cần một giới tính khác: Bởi vậy cần đàn bà cho đàn ông và đàn ông cho đàn bà.
Có một thực thể và thế giới khác biệt một cách hoàn toàn và toàn diện. Cần phải bước vào một thế giới khác xa lạ và khác hoàn toàn, để bỏ lại mình ở đó, và tan vào một nhân tố cổ khác.
Đấy là tình yêu.
Đấy là hoàn toàn quên bản thân và tan hòa vào một kẻ khác. Điều kiện từ bỏ hoàn toàn bản thân mình chỉ nằm trong một giới tính khác. Trong mọi hành động, trong suy nghĩ và trong cuộc đời tôi, tôi có thể giữ vững bản thân mình. Nhưng trong tình yêu thì không: ở đây tôi cần cho đi toàn bộ bản thân mình.
Bởi vậy có những thực thể bị buộc vào cái Tôi của chúng- titán và szirén- không thể yêu nhau được.
Tôi không thể chỉ cho đi bản thân tôi. Không có chuyện tôi chỉ nhận lại được chính bản thân tôi. Kẻ tôi nhận lại được, không phải là tôi nữa.
Đấy là kẻ giàu có hơn, giản dị hơn, trong sạch hơn, thánh thiện hơn. Đấy là bí ẩn của tình yêu. Tôi cần phải mất đi, bị tan biến.
Như Barth nói: tan biến không chỉ một ít mà là toàn bộ. Không đòi lại, không phân vân, không giữ chặt, không đề phòng, tan biến một cách toàn diện. Trong sự thần bí chỉ thực thể tan hòa lẫn nhau mới có thể thánh thần hóa.
15.
Trong những lá thư vô danh bất tử của Abélard và Hélöise có viết: khi tình yêu của hai thực thể, người đàn ông Abélard và người đàn bà, Hélöise cùng từ bỏ tính dục từ bản thân mình, như cô gái Hy lạp từ bỏ tự nhiên, lúc đó hôn nhân linh hồn hợp nhất.
Đấy là cuộc hôn nhân duy nhất hoàn thiện và hạnh phúc trong lịch sử thế giới.
Điều này táo bạo, không thể thực hiện nổi và phi lý nhưng là tình yêu đích thực, nó đòi hỏi và ra lệnh.
Điều nó nói lên không làm ví dụ, không phải sự dạy dỗ, cũng chẳng phải lý thuyết: cũng như nó không cần đến tiền, sự nổi tiếng, không xây dựng lên các quy tắc và đòi hỏi kế thừa.
Nó chỉ chuyện trò như vậy với bản thân và với thượng đế. Và đúng chỉ là như vậy mà thôi./.
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
( Bp. 2010.03.16)