Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.163
123.146.859
 
Cỏ vẫn xanh dưới chân Thành Cổ
Minh Tứ

Tôi trở lại Thành Cổ Quảng Trị vào một buổi chiều nắng hè rát bỏng trong cơn gió Nam Lào. Với tôi, dẫu đi ngang về tắt nhiều lần nhưng với địa danh này, mỗi lần trở về đều mang một cảm giác rất riêng, rất riêng như sự hứng chịu quá sức của mảnh đất này trong cuộc chiến vừa ngưng tiếng súng 35 năm qua.

 

Lần ấy các anh chị ở báo Tuổi trẻ ra miền Trung công tác đã nhờ tôi hướng dẫn cho tour này để thăm Thành Cổ của 81 ngày đêm giữ ngọn cờ Tổ quốc đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Nhiều người đã ví rằng Thành Cổ Quảng Trị là cái cối xay thịt người trong chiến cuộc năm 1972, còn các nhà khoa học quân sự thì tính được cụ thể rằng lượng bom đạn dội xuống nơi này bằng hai quả bom của Mỹ ném xuống Hirôsima và Nagaxaki - Nhật Bản hồi đệ nhị thế chiến.

 

Thật may là nhờ sáng kiến của chính quyền địa phương mà bây giờ trang sử có thể được lật lại từ những chứng tích chiến tranh đã qua bao mưa nắng của thời gian. Trường Bồ Đề, ngôi trường duy nhất còn sót lại của thị xã Quảng Trị lỗ chỗ mảnh đạn bom nằm trên đường Trần Hưng Đạo vẫn còn đó - di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng như là một nhân chứng sống. Bước lên cầu thang tầng hai, còn lại mảng tường làm bảng loang lổ mảnh bom, đạn pháo. Ai đó trong số những cựu học sinh của trường trở về thăm lại mái trường xưa và lấy gạch viết lên tấm bảng “Nhớ ngày về thăm trường ngày…tháng…năm…”.

 

Từ ban công hẫng hụt, cốt sắt bị oằn đi nhìn xuống, bất chợt đập vào mắt là màu xanh của cây cảnh, là muôn ngàn sắc hoa dưới chân chứng tích đổ nát. Tôi gọi Hoàng Chức Nguyên chia sẻ:

- Anh thấy không! Hoa đã nở trên nền vết tích của chiến tranh. Làm sao anh có thể hình dung được Quảng Trị ngày ấy với bây giờ khi con người đã muốn quên đi ký ức buồn đau!

 

Hình như Nguyên không hiểu ý tôi hay đang theo đuổi một ý nghĩ nào đó nên chỉ gật đầu qua loa. Rồi anh than vãn:

- Chứng tích quý hiếm thế này mà người ta không có ý thức giữ gìn. Lúc nãy đi qua cầu thang, ai đó đã viết những dòng bậy quá…

 

Trong lúc Nguyễn Dũng loay hoay lấy góc độ để chụp một vài kiểu ảnh, chúng tôi trò chuyện với vợ chồng anh Tâm. Vợ chồng anh được chính quyền thị xã giao coi sóc khu di tích này. Chị Tâm rất nồng nhiệt tiếp chuyện với anh em, bởi đứa con hai tuổi chị bồng trên tay bây giờ vừa được đoàn phẫu thuật “Vì nụ cười tương lai” báo Tuổi trẻ vá môi lành lặn trở về. Gia đình anh chị có nhà ở thị xã nhưng hầu như túc trực ở khu di tích. Để bớt cảnh hoang tàn của khu chứng tích, anh chị đầu tư vốn trồng cây cảnh và bày bán ở đây, cũng là cách kiếm thêm thu nhập. Ở một góc nhìn khác là để du khách đến đây có thêm ý tưởng lãng mạn rằng Thành Cổ khi xưa là vết chém của đạn bom, còn bây giờ là nơi trăm hoa đua nở, làm dịu đi những khổ đau mất mát và băng bó lại những vết thương của thời gian.

 

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nằm chính diện giữa lòng Thành Cổ. Chúng tôi bước lên đài thắp hương tưởng niệm. Từ đây có thể nhìn ra bốn phía. Phía cửa tả, cửa hữu còn sót lại những mảng tường gạch vững chải và xa kia nằm phía đông nam là lao xá Quảng Trị. Anh bạn, là cán bộ phòng văn hóa giải thích lai lịch của thành một cách mạch lạc.

 

Thành Cổ Quảng Trị ngày xưa còn tên gọi là thành Đinh Công Tráng, được xây dựng vào thời nhà Nguyễn (năm 1827) bằng gạch nung, vôi và mật mía. Thành nằm trên phần đất làng Thạch Hãn trước đây. Thành có chu vi 1924 mét, chiều cao 4 mét, mỗi bề 481 mét. Bên ngoài thành có hào, thiết kế theo lối quân sự thời trung cổ. Thành có 4 cửa: tả, hữu, tiền, hậu và bên trong có một cung đẹp mà xưa kia chỉ mở cửa khi vua đến làm lễ thăng chức cho các quan đầu tỉnh. Sau này, khi người Pháp đến xâm chiếm, họ xây thêm trong thành: nhà lao, tòa mật thám, trại khố xanh, trạm thuế đoan. Thời đó, dân làng Trí Bưu và Hậu Lễ từng nổi dậy đánh ca nô Pháp khi chúng đuổi bắt nghĩa quân của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết. Sau lần đó Pháp khủng bố, bắt bớ, giam cầm người dân, triệt phá xóm làng, bắt đổi tên làng thành làng Quy Thiện.

 

Lịch sử đã lập lại hơn một trăm năm sau. Năm 1972, trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân giải phóng, Thành Cổ đã trở thành điểm nóng của cuộc đụng đầu lịch sử, được dư luận, báo chí thế giới hướng về qua 81 ngày đêm oanh liệt giữ lá cờ Tổ quốc. Máu xương của quân giải phóng và người dân sở tại đã hòa vào đất đai Thành Cổ để rồi hôm nay về thăm, cỏ vẫn xanh ngút tầm mắt nhìn.

 

Chị Nguyễn Thị Thỉ, nguyên là du kích xã Triệu Thượng, bấy giờ là Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Quảng Trị kể:

- Hồi đó tôi là du kích ở tuyến bên kia bờ Thạch Hãn, nhưng tôi đã chứng kiến tất cả sự khốc liệt ở Thành Cổ.

 

Chị dừng lại hồi lâu như cố nhớ về một ký ức xa xăm. Chị nhớ năm đó (1972) không có ngày nào ở đây ngớt đạn bom. Cái chết và sự sống gần nhau gang tấc. Có hôm, tiểu đội của chị đang ngồi trao đổi chuyện trò thì một trận mưa bom dội xuống công sự. Đồng đội của chị, người bị mảnh bom phạt đứt đầu, người ngang thân, người đứt lìa đôi tay, đôi chân. Chuyện chết chóc xảy ra như chuyện hàng ngày, hàng giờ.

 

Mấy đồng nghiệp của tôi rợn tóc gáy, chau mày ngồi nghe. Tôi nghĩ chắc các anh chị quá khủng khiếp về sự khốc liệt của chiến tranh, cũng có thể ngạc nhiên vì câu chuyện của nữ du kích ngày ấy được kể lại một cách tự nhiên như không có gì là ghê gớm cả.

 

Bác Trần Văn Hiền, nguyên cán bộ Thị đội Quảng Hà kể thêm: Hồi bác nhận quân vượt sông Thạch Hãn đánh vào Thành Cổ, chỉ nhớ quân số, không nhớ hết mặt. Anh em chiến sĩ người miền Bắc mặt còn non tơ. Rất nhiều trong số họ đã qua sông và vĩnh viễn nằm lại với tuổi mười tám, đôi mươi dưới chân Thành Cổ, không về. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người có mặt tại Thành Cổ năm ấy đã ghi lại trong sổ tay một việc làm rất đẹp. Có một tiểu đội bảo vệ Thành Cổ khi có người hy sinh, người còn lại đi nhặt lá cây (lúc ấy lá cây rất hiếm trên mảnh đất này) kết thành một vòng hoa đặt lên mộ chí. Ôi! Còn hình ảnh nào đẹp hơn thế trong thời đạn bom khói lửa mịt mù.

 

Chị Thỉ rơm rớm nước mắt, giọng chùng xuống: “Bây giờ sống trong hạnh phúc hòa bình, tôi luôn biết ơn những người đã chết cho tôi được sống. Chúng tôi không bao giờ là người bội ơn”. Tất cả lặng đi một hồi lâu, đến nỗi tôi nghe rõ cả tiếng gió rít, tiếng lá rơi lạo xạo ngoài sân.

Đêm chìm xuống, một làn hương rất riêng của cái thị xã nắng nôi nhỏ bé của miền Trung này. Không cứ là ngày rằm, ngày tết, đêm nào cũng vậy, đi qua các ngã đường thị xã ngan ngát hương trầm. Người dân thị xã từ ngày trở về cùng nhau kiến tạo lại thị xã từ hoang tàn đổ nát đã quen với việc hương khói cho vong linh những người đã khuất. Điều đó cũng dễ hiểu bởi trên từng thước đất của thị xã, nơi nào không thấm đẫm máu xương của quân giải phóng để đổi lấy cái giá ngày chiến thắng.

 

Điều kỳ lạ ở mảnh đất này, cứ mỗi lần người ta đào móng xây nhà là y như rằng tìm thấy mộ liệt sĩ. Khởi công lắp đặt đường ống nước sạch về thị xã, khi đào đường ống cũng tìm thấy hài cốt. Có trường hợp cơ quan cho cán bộ chặt cây dương liễu, khi gốc rễ được đào lên để tận dụng làm chất đốt, người ta tìm thấy một hài cốt liệt sĩ nằm nguyên bên dưới. Người đi đào bới phế liệu tìm kế mưu sinh quanh Thành Cổ, bắt gặp hài cốt liệt sĩ. Lại có lần người dân đào trúng một hầm có rất nhiều hài cốt, không phân biệt được người của phía bên này hay phía bên kia, bà con đều làm lễ chôn cất tử tế bởi nghĩa tử là nghĩa tận. Có những bức thư, tấm ảnh cùng các anh nằm dưới lòng đất Thành Cổ hơn ba mươi năm nay khi phát hiện được vẫn còn nhìn thấy hình hài người thân liệt sĩ trong ảnh, còn đọc được những bức thư với di bút của liệt sĩ để lại.

 

Mới đây, khi đồng đội cả nước về viếng các anh trong dịp ba mươi năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam cũng là dịp các anh trở về. Dịp này nhân dân thị xã phát hiện được 9 bộ hài cốt của các chiến sĩ quân giải phóng hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Ba mươi năm qua, những đôi dép cao su, bi đông, sao mũ, băng ca, súng B40, đạn AK47...vẫn còn cùng thân xác liệt sĩ, như vẫn còn đây những sự tích anh hùng thế kỷ hai mươi của anh giải phóng quân.

 

Chao ôi! khó mà kể xiết. Người chị gái đồng hương bên ngoại của tôi từ biên giới cực bắc xa xôi ngày hè ấy vào đây tìm mộ anh trai là liệt sĩ đã bất lực vì biết tìm đâu giữa ngàn vạn liệt sĩ vô danh? Chị chỉ biết thắp bó hương chung nguyện cầu cho anh trai của mình ở đâu đó trong hình hài đất đai Quảng Trị biết cho tình cảm không nguôi nhớ tiếc của gia đình. Còn cựu chiến binh Lê Bá Dương khi về thăm lại chiến trường xưa Thành Cổ đã ra chợ thị xã mua hết hoa tươi rồi lặng lẽ chèo thuyền ra giữa dòng Thạch Hãn thả hoa trên sông để tưởng nhớ linh hồn những đồng đội đã ra đi mãi mãi không về…

 

Còn nhớ trước hôm VTV1 thực hiện cầu truyền hình "Một thời hoa lửa" nối hai điểm Đại học quốc gia Hà Nội với Thành Cổ Quảng Trị, tôi gặp anh Bắc Hà, người cựu chiến binh Thành Cổ năm nào, bấy giờ là Trưởng ban công tác bạn đọc báo Hà Nội Mới. Anh là thành viên trong đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Nhìn trời Quảng Trị ảnh hưởng cơn bão số tám đang mưa tầm tả, chúng tôi đâm ái ngại cho đêm giao lưu, còn anh thì chỉ lo một nỗi làm sao liên lạc cho được anh em cùng đơn vị cũ rồi thuê một chuyến xe riêng vào thắp hương cho đồng đội nằm lại ở nghĩa trang trước khi dự đêm giao lưu để ngày mai kịp theo đoàn lên đường ra Hà Nội.

Câu chuyện của chúng tôi kéo dài trong một chiều mưa như thế. Ngày ấy thế hệ những người lính như Bắc Hà vào chiến trường tuổi chỉ mới mười tám đôi mươi, có người vừa mới rời mái trường phổ thông trung học như anh. Đất nước cần, các anh chị sẵn sàng rời bút nghiên để cầm súng. Anh hồi tưởng thời ấy ai cũng háo hức ra trận với lòng yêu nước cháy bỏng trong tâm can. Vào chiến trường vẫn biết là đi vào nơi nguy hiểm, cận kề cái chết nhưng có hề chi với những chàng trai cô gái tuổi sinh viên, học sinh thời ấy, để rồi có biết bao người con tài hoa của đất nước như anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thùy Trâm...nằm lại ở chiến trường lửa đạn.

 

Bây giờ vào Thành Cổ, ở phía Tây Nam của thành có một Đài tưởng niệm nho nhỏ của Hội cựu học sinh, sinh viên Hà Nội. Đó là một trang sách được cách điệu qua khối bê tông ốp gạch men bài trí giản đơn nhưng chất chứa biết bao ý nghĩa về một thời hoa lửa, thời của những học sinh, sinh viên xếp bút nghiên lên đường tòng quân đánh giặc. Đã có hơn một vạn những người con tài năng của đất nước, trong đó phần lớn là những học sinh, sinh viên đang học trên ghế nhà trường đầu quân vào chiến trường nằm lại đất này với giấc mơ nồng thắm của tuổi trẻ, cả tương lai sự nghiệp tươi sáng của đời người...

 

Vâng, tôi đã gặp hàng bao nhiêu tâm trạng như thế khi trở về Thành Cổ tìm hài cốt đồng dội, người thân. Một con số làm nhức nhối niềm đau: gần một ngàn hài cốt đã tìm được sau ngày tái lập thị xã, hầu hết đều là liệt sĩ vô danh.

 

Hóa ra, cái đài tưởng niệm đặt giữa lòng Thành Cổ là biểu hiện cho lòng tưởng nhớ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ mà người thiết kế đưa vào đó cái chất triết lý thâm hậu của đời người. Một cõi tâm linh đưa người ta trở về với ký ức chưa xa, dù rằng nhiều điều thuộc về quá khứ đang dần khép lại. Tôi đã chia sẻ với các anh chị đồng nghiệp ở thành phố bằng một giải thích của Duy Ái - bạn tôi, giám đốc Công ty TNHH Hưng Nghiệp, người thực thi thiết kế đài tưởng niệm. Chõm cầu có lưỡng nghi gồm hai nửa âm - dương, trên đài tưởng niệm là cầu nối giữa lẽ sinh tử của đời người, gợi nhớ về 81 ngày đêm hào hùng quyết tử giữ thành của quân giải phóng. Ở phía đông nam thành, nơi Mỹ thả quả bom tấn hòng hủy diệt Thành Cổ được giữ nguyên làm chứng tích, 81 cây dừa, 81 tảng đá biểu tượng cho sức sống của 81 ngày đêm quyết thắng. Trên cái nền chung đó, khu tây bắc được thiết kế là khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi và người già. Điều đó cũng hợp lý vì ngẫm cho cùng, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ cũng chỉ vì mục đích ấy.

 

Từ ngày thị xã Quảng Trị được tái lập đến nay, đã có hàng vạn đoàn khách đến đây, nghiêng mình bên đài tưởng niệm Thành Cổ. Khách trong nước đến thăm lại địa danh một thời binh lửa hào hùng, để thắp nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; còn khách nước ngoài, trong đó có nhiều cựu chiến binh Mỹ trở lại Thành Cổ để ngậm ngùi cắt nghĩa vì sao người Mỹ đã thất bại trên mảnh đất này. Nhớ cách đây chưa lâu, cô sinh viên Takaya Hirôcô từ đất nước hoa anh đào (Nhật bản) sang nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã thốt lên khi chạm vào đất Thành Cổ: “Nhiều người nói với tôi Quảng Trị khổ. Tôi chưa biết được nhiều mà nghĩ rằng tôi đã thấy được nhiều dấu vết như thế này của dân tộc là chứng minh Quảng Trị có cái gì đó làm cho người ta hấp dẫn phải không? Và Quảng Trị có khả năng làm cho cuộc sống của người phong phú hơn và hạnh phúc hơn - có phải không ?”

 

Mới đó mà đã hơn ba mươi lăm năm đi qua trên mảnh đất chiến trường xưa một thời lửa đạn. Thị xã Quảng Trị đã thực sự hồi sinh trên từng ngôi nhà, dáng phố, trở thành “thành phố tưởng niệm”, là đất hành hương mà hàng năm vào dịp tháng bảy luôn ngập tràn dòng người trở về để tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Cứ thế một thị xã nhỏ, hiền hòa nằm bên dòng Thạch Hãn nhưng có biết bao người đang dõi theo bước đi lên từng ngày, từng giờ.

 

Bây giờ đang là mùa hạ. Khi ngang qua Thành Cổ, gió Nam Lào vẫn ù ù thổi suốt những ngày hè khô khát. Nhưng kỳ lạ chưa, cỏ dưới chân thành thì vẫn cứ vươn xanh. Người thị xã nói rằng, đó là biểu tượng, là anh linh của những người đã khuất. Cỏ cây, hoa lá bên Thành Cổ đã đi vào tâm thức của người dân nơi đây. Thời gian thì mãi cứ trôi nhưng đất và người Thành Cổ thì không ai có thể vô tình với những người đã nằm xuống trên mảnh đất này.

Minh Tứ
Số lần đọc: 2374
Ngày đăng: 05.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ông bụt ở ấp Ka-liêu * - Phan Đức Nam
Nghìn năm vàng dấu cát - Văn Thành Lê
Xuôi dòng - Lữ Kiều
Tình yêu đầu tiên / Ca khúc đầu tiên - Sâm Thương
Hoài niệm về “Trẻ dáng nâu” - Vũ Quốc Hùng*
Phở Hà Nội ở Sài Gòn - Võ Ðắc Danh
Làng Phước Tích, và Bức Tranh Cổ Ngọc - Thụy Vi
Quê xứ Bạc Liêu - Ngô Kế Tựu
Miền ký ức màu xanh - Thụy Vi
Bụi đời hay nghiệp lang thang? - Vân Hạ
Cùng một tác giả
Về làng (truyện ngắn)
Ảo ảnh (truyện ngắn)
Bạn cũ (truyện ngắn)
Nỗi buồn ký giả (truyện ngắn)