Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
981
123.368.247
 
Ngày hòa bình đầu tiên
Lữ Quỳnh

Đó là một vùng đất hoang. Những ngày chiến tranh còn khốc liệt nó từng là vùng quan sát cho cả hai phía. Bên nào cũng không muốn kẻ địch chiếm nó, nhưng tuyệt nhiên cũng không một bên nào quyết tâm chiếm nó cho bằng được. Cùng một lúc họ chỉ canh chừng, nhòm ngó, và cảm thấy bằng lòng khi nó mãi mãi vẫn là vùng đất hoang không thuộc một sở hữu chủ nào.

 

Vùng đất trải rộng từ chân núi xuống đến duyên hải với cây không đủ cao và cỏ thì màu vàng úa nhiều hơn là xanh thẫm. Một vài khu vườn héo úa.Những mái nhà đỏ loang lổ dấu thủng do những lần pháo kích hay oanh tạc trước đây. Cảnh thật hoang vu tiêu điều, nhưng cũng có lúc nó mang hình ảnh thật hùng vĩ như cảnh mặt trời đỏ ối vào những buổi chiều mùa hạ trên đỉnh dãy Trường sơn. Cả một vùng mênh mông lúc đó tuy không có dấu vết của con người nhưng lại ngập tràn sinh khí. Nhất là từ ngày cuộc chiến giảm hẳn mức độ giao tranh.

 

Giữa vùng đất hoang đó, một ngày kia xuất hiện một gia đình gồm ông già và đứa cháu trai nhỏ. Họ tiến từ đường cái vào. Lão già với một đôi gánh nặng trĩu, còn đứa cháu thì kéo lê bọc hành trang trên mặt cỏ. Lúc đó mặt trời bắt đầu đỏ ối trên đỉnh dãy Trường sơn, báo hiệu chẳng còn bao lâu nữa sẽ khuất bên kia núi. Ngày sẽ tắt. Lão già dừng chân đặt đôi gánh xuống, chờ đứa cháu lại gần. Lão đưa cả cánh tay áo lên chùi mồ hôi trán.

- Nhanh lên mày. Chỉ còn một quãng đường ngắn nữa thôi là ông cháu mình có chỗ ngã lưng rồi.

Khi đứa trẻ vượt kịp người ông, hắn cũng ngừng lại buông bọc hành trang trên mặt cỏ. Hắn đưa mắt nhìn quanh vùng đất hoang tàn nhưng không kém rực rỡ của cảnh ngày sắp tắt. Hắn cố giữ cho hơi thở bình thường trở lại.

- Nơi mà ông cháu mình sắp tới có giống như con hẽm mà mình vừa rời bỏ sáng nay không, ông nhỉ?

 

Ông gìa im lặng, trong mắt không dấu nổi buồn phiền. Có lẽ câu nói của đứa trẻ không làm ông yên tâm. Con hẽm nơi mà hai ông cháu vừa bỏ đi sáng nay dù sao đối với ông chỉ là nơi chốn tạm bợ, nhưng với đứa cháu thì cả một phần đời sống của nó ghi dấu những kỷ niệm đẹp đẽ, khắc sâu những hình ảnh văn minh mà hắn có thể thấy được ở một thành phố. Hắn được sinh ra và không có đủ thì giờ để sống để nhớ hết chính nơi chôn nhau cắt rún của mình bởi chiến tranh đã vô hình di chuyển họ từ nơi này tới nơi khác một cách lặng lẽ với không điều kiện nào dành cho họ. Do đó tuổi thơ của đứa trẻ là một tuổi thơ rộn rịp ánh đèn điện với không khí náo nức của xóm lao động thao thức kiếm sống thường xuyên. Ông già nghĩ không biết với những thói quen mà đứa cháu đã có ấy liệu có làm hắn cảm thấy khó chịu, khốn khổ khi trở về với mảnh đất điêu tàn nhưng là quê hương yêu dấu của họ?

- Chắc chắn là không rồi cháu ạ, ông già nói dịu dàng, nơi chúng ta sắp tới hoàn toàn khác biệt với con hẽm mà chúng ta vừa rời bỏ. Ngay bây giờ cháu có thể bắt đầu nhận ra rồi đấy. Ở đây sẽ không có cảnh sống chen chúc, không có việc kiếm miếng ăn quá vất vả, không có ánh sáng chói lòa từ trần nhà hay từ cột đèn cao, không có….

 

Ông già ngừng nói nhìn đăm đăm về cái đích của cuộc hành trình, nơi ánh sáng còn lấp lánh trên những vòm cây.

- Nhưng ở đây có đầy đủ cả, ông già nói tiếp, ở đây chúng ta có đất đai để không quá bận tâm về cái ăn, chúng ta có sẵn nhà cửa rộng rãi tránh được cảnh sống chen chúc, chúng ta có gió, có không khí để thở mát mẻ, có trăng có sao thay cho những ngọn đèn chói chang….

 

Ông già nói như đang trong cơn mê. Đứa trẻ đứng ngẩn ra nghe nhưng hình như hắn chẳng nghe được gì. Hắn đang nhớ thiết tha tới cảnh sống mà hắn vừa phải bỏ.

- Rồi cháu sẽ thấy, ông già nói tiếp, không một nơi chốn nào có thể đẹp và sống dễ chịu bằng chính quê hương mình cả. Cháu còn nhỏ chưa thể hiểu hết đâu nhưng đời sống hàng ngày sẽ giúp cháu nghiệm ra những điều ông nói. Bây giờ thì phải lên đường thôi, bọc đồ đạc của cháu có nặng quá không?

 

Đứa trẻ im lặng. Hắn xắn quần rồi ném bọc hành trang lên vai. Hai ông cháu im lặng tiếp tục đi quãng đường còn lại.

Chiều càng xuống cánh đồng cơ hồ như rộng ra thêm. Cuối chân trời, sương bãng lãng giăng làm cho bầu trời và mặt đất như chìm hút vào nhau không còn phân biệt được. Đứa trẻ quan sát những đám rêu hai bên đường. Cảnh vật tiêu điều quá làm hắn cảm thấy áy náy.

 

Mãi nghĩ ngợi mông lung, hắn quên hẳn người đồng hành già nua bên cạnh là ông nội mình. Ông già đã bỏ hắn một đoạn đường xa. Đứa trẻ thoáng mỉm cười, rồi vội vàng rảo bước. Lúc đuổi kịp ông già cũng là lúc hắn nhận ra một vài mái tranh vừa xuất hiện. Hắn cảm thấy khoan khoái khi nghĩ cuộc hành trình sẽ chấm dứt ở đó. Đứa trẻ quên mệt mỏi, gợi chuyện:

- Nhà đã hiện ra rồi đấy.

Ông già thở hổn hển nhưng cũng gắng nói:

- Ờ, sắp đến nơi rồi.

Câu nói của ông tắt theo hơi thở dốc. Đứa trẻ không chú ý đến sự mệt mỏi của ông. Hắn nghĩ tới sự hẻo lánh của thôn xóm trước mặt với những nguy hiểm tưởng như khó tránh. Chợt hắn thốt lên trong ý nghĩ hẳn phải sung sướng lắm:

- Cũng may là hòa bình rồi.

Ông già nghe hắn lẩm bẩm quay lui:

- Mày bảo gì?

Đứa trẻ ngừng lại. Xóm nhà hiện rõ ra với những sợi khói, màu xám của mái tranh, những khung cửa u ám. Hoàng hôn đã buông kín. Ông già ngồi lên bọc hành lý của đứa cháu vừa thả ra.

- Mày bảo cái gì mà có hòa bình, hòa bình đó…?

Đứa trẻ mỉm cười như muốn xóa đi những thắc mắc trong đầu ông nội mình. Hắn nói:

- Cháu thấy quê mình hẻo lánh quá mà sợ, may kịp nhận ra là đã hòa bình rồi nên yên tâm.

Ông già nhăn mũi lại:

- Mày đúng là thằng con nít. Không hòa bình thì tau điên gì mà mang xác về đây. Chính vì hòa bình rồi, mình mới sướng chứ. Tao tưởng hai tiếng hòa bình chỉ dành riêng cho cái hạng người như ông cháu mình thôi. Bởi chiến tranh hay hòa bình gì, thì bọn thành phố cũng vậy.

 

Đứa trẻ nghe trong hơi nói của ông nội niềm tin lạ lùng làm hắn cũng hớn hở theo. Hắn không còn tự hỏi, đây có giống con hẽm ở thành phố mà hắn vừa bỏ đi không nữa. Hắn nhận ra ông nội mình có lý, không chỗ nào đẹp và có thể sống yên ổn bằng chính quê hương mình. Quê hương, hai tiếng đó không chỉ là lời nói đầu môi như hắn từng nghe mà là cảm xúc, lòng yêu mến, là ổ rơm ấm áp có thật mà hắn vừa cảm nhận rõ ràng.

- Đi ngay thôi ông nội, cháu muốn đến nhà ngay lập tức.

Hắn hối thúc ông già trong khi ông đã sẵn sàng bước tới.

 

Căn nhà phải sửa sang ít nhiều mới có thể ở được. Mấy ngày đầu hai ông cháu hết sức bận rộn với công việc. Những người về trước trong làng đến thăm viếng vui vẻ giúp họ một tay. Khi căn nhà được sửa sang tạm xong ông già bảo đứa trẻ:

- Tao biết rồi mày sẽ thích chỗ ở mới mà. Một trăm phố xá cũng không bằng dăm ba chiếc nhà lá này. Mày thấy đó còn ở đâu có sự tương trợ bằng ở đây, không gì bằng tình làng nước cả.

Đứa trẻ không nói gì. Hắn chẳng cảm thấy trục trặc gì trong đời sống này cả. Hắn thấy sau những nếp nhăn trên khuôn mặt ông nội là niềm hy vọng trìu mến hết sức tươi trẻ. Hình như ông khỏe mạnh hẳn ra. Làm việc không biết mệt, lại có vẻ yêu thích công việc nữa.

- Hòa bình nghĩ cũng sướng thiệt. Đêm ngủ không còn sợ đại bác rớt trên mái nhà, không còn lo con cháu chết súng chết đạn. Chỉ thương cho mấy chú mày…

 

Ông già thở dài. Đứa trẻ hiểu câu nói lửng lơ đó của ông nội. Hắn im lặng. Hắn nhớ cách nay mấy hôm ngay sau khi về tới, hai ông cháu đã dẫn nhau ra cái nghĩa trang xa tít để tìm thăm mấy nấm mồ. Tìm mãi vẫn không ra. Cỏ ngập cao vàng cháy. Lủi thủi một lúc hai ông cháu lại kéo nhau về.

- Thôi để hôm nào ra thăm lại. Cỏ rác mọc kiểu này đi không khéo dẫm mìn chết mất.

Đứa trẻ nghe ông nội nói có lý. Hắn góp chuyện:

- Đúng đấy ông ạ, hòa bình rồi mà chết lảng nhách kiểu đó thì thật đáng tiếc./.

 

 

 

 

Ngày đầu tiên khi về tới nhà, ông già sửa soạn lại bàn thờ cho mấy đứa con. Đứa trẻ được ông nội sai lau chùi mấy khung kính hoen bẩn trong đó lồng sẵn những tấm ảnh đã vàng ố. Hắn nhìn vào một tấm ảnh còn rất trẻ với mái tóc bồng thật đẹp, hỏi:

- Có phải chú Toán đây không, ông nội?

Ông già nhíu mày nhìn vào tấm ảnh đứa cháu giơ ra.

- Không phải, đó là thằng Sính, à chú Sính mày. Thằng này chết trên đồi Mai Xuân Thưởng. Lúc đó tụi Pháp phục kích sẵn ở bìa rừng, đợi chú mày lót thót nhảy về là a lê hấp. Tao điên lên vì cái chết đó mà không dám nhỏ một giọt nước mắt. Bà nội mày thì chỉ khóc ban đêm. Ăn rồi chỉ chờ tối xuống là khóc cho thỏa.

Đứa trẻ khó nhọc khi tưởng tượng ra cảnh chết chóc đó, nhất là hình ảnh những người Pháp. Hắn nhìn xuống tấm hình cầm trên tay rồi ngẩng lên:

- Thế còn chú Toán?

- Chú Toán mày còn nhỏ mới chết đâu bảy tám năm nay. Chú mày đi quân dịch bị giết lúc họ tràn vào cái đồn gì ở giáp ranh Bồng Sơn. Hy sinh vì tổ quốc. Đứa nào cũng hy sinh vì tổ quốc cả! Chỉ có tao là khổ một đời. Thằng nào với tao cũng còn thơ dại cả. Tụi nó hiền tưởng không giết nỗi một con chuột. Thế mà rồi cũng ….

Hôm đó đứa trẻ nghe lòng xót như xát muối khi nhìn ông nội già nua đứng lên quì xuống, sùm sụp lạy những người trẻ tuổi trên bàn thờ. Cái cảnh tượng trông đến ứa nước mắt.

Tuy nhiên những cảm xúc tưởng quá buồn bã đó rồi cũng phai nhòa đi trong lòng họ khi cuộc sống thực tế bắt họ phải quay về với những công việc phải làm. Họ bắt đầu khởi công vun xới lại mảnh vườn. Chắc chắn là nó phải xanh um trước mùa xuân năm nay. Bây giờ trồng những gì? Ông già nghĩ tới một vườn cải bẹ xanh với ít chậu sói. Chà, làm sao mà chèn cho được vài cành sói thì tuyệt. Trong khi đó đứa trẻ chẳng tha thiết gì tới việc trồng trọt. Hắn chỉ mơ ước có mỗi đàn gà. Hắn thích nuôi súc vật và ít ra như thế hắn cũng có bạn để chơi cho hết ngày.

- Cháu muốn nuôi một bầy gà, ông có thể kiếm cho cháu những chú gà con trong lúc này không?

- Được quá chứ, một bầy gà con, thật quá dễ dàng. Ông già hăng hái nói.

- Thế là mùa xuân năm nay, chúng ta sẽ có thịt để ăn. Còn ông, ông định làm gì với khu vườn ngập cỏ kia?

Đứa trẻ bỗng lớn hẳn lên bởi hy vọng mà không biết, hắn hỏi ông nội giọng không kém hăng say.

Ông già nhìn ra khung cửa. Khu vườn nhỏ quá, nhỏ bằng bàn tay như lời ông vẫn thường nói, rậm rạp những cỏ với rác.

- Với miếng đất nhỏ như bàn tay này, tao biến thành khu vườn tốt mấy hồi. Tao sẽ trồng cải bẹ. Cải bẹ mau xanh lắm mà bán được tiền nữa. Cái đó cũng còn dễ quá. Cái tao đang nghĩ tới lúc này là làm cách nào để chèn cho được vài cành sói ấy. Ba ngày Tết có chén trà ướp hoa sói uống thì tuyệt. Ta nhớ hồi còn mệ nội mày, bụi sói trước nhà hoa nở trắng vậy đó. Bây giờ hòa bình rồi thì chẳng bao lâu mình cũng sống trở lại cuộc đời cũ.

Ngày hôm sau, hai ông cháu ra sức dọn dẹp cỏ rác. Với mấy chiếc cuốc con, với tấm lòng tha thiết tạo dựng một đời sống thanh bình của thuở xa xưa nào mà bây giờ họ tin tưởn được sống lại. Họ đã biến đám đất hoang trở thành khu vườn màu mỡ trong một thời gian quá ngắn.

 

 

Những cơn mưa nhẹ đầu mùa đông đã giúp cho cải chóng xanh và nhánh sói cằn cỗi vàng úa thay lá dễ dàng. Ông già cảm thấy sung sướng lắm. Đứa trẻ thì náo nức nghĩ tới mùa xuân năm nay khi bầy gà của hắn lớn lên. Chắc chắn là hắn không bị cấm đoán đốt pháo như mùa xuân năm nào ở thành phố. Vì ở đây hẻo lánh, hơn nữa cũng đã hòa bình rồi.

Chỉ còn tháng nữa Tết đến. Trong sự chờ đợi của hai ông cháu về một mùa xuân xanh mướt như màu cải bẹ, thơm ngát như hương hoa sói trong chén trà đầu năm, có một điều họ không nghĩ tới, không chờ đợi nhưng đã xảy ra: Những viên đạn đại bác bắt đầu rơi xuống quanh họ.

Lữ Quỳnh
Số lần đọc: 2667
Ngày đăng: 07.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kiếm sống - Đỗ Ngọc Thạch
Máu cô gái điếm - Minh Diện
Chuyện buồn của một gánh trầu không. - Ngô Lạp
Chim hót bên trời - Thụy Vi
Chuyện vặt - Vinh Anh
Đồng đội - Trần Quang Vinh
Bạn học đại học - Đỗ Ngọc Thạch
Sông sương mù - Lữ Quỳnh
Một thoáng hương xưa - Mộng Loan
Chị Lượm - Lê Minh Tú
Cùng một tác giả
Bóng tối dưới hầm (truyện ngắn)
Sông sương mù (truyện ngắn)
Chỉ có kẻ còn lại (truyện ngắn)
Cõi yên nghỉ (truyện ngắn)
Cát vàng (truyện ngắn)
Cuộc Chơi (truyện ngắn)
Ngõ Cụt (truyện ngắn)
người tù (truyện ngắn)
Mùa Xuân Hư Vô * (truyện ngắn)
Cam Lâm (thơ)
Ngõ cụt (truyện ngắn)