Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.150.674
 
Mười Lăm Con Hạc Giấy
Ngô Lạp

Lần đầu tiên tôi đến ngôi trường này là một buổi sáng mùa thu êm ả. Một buổi sáng có sương mù và gió lạnh. Sau buổi lễ khai giảng, tôi một mình vào quán cà phê nằm dưới con dốc bên đường. Quán thật nên thơ với những cành liễu rũ mơ màng và tiếng hát Khánh Ly da diết bài Cát Bụi của Trịnh Công Sơn, làm tôi chợt thấy bâng khuâng quên đi mọi việc chung quanh cho tới khi bên cạnh có tiếng nói nhẹ nhàng trong trẻo vang lên: - Xin lỗi thầy ! Chào thầy!


Tôi mở mắt nhìn. Ở bàn bên cạnh, hai cô học trò nhí nhảnh tươi cười lễ phép chào tôi. Tôi nhìn hai cô bé, một cô tay cầm hộp sữa chua Yomost, cô bé kia là ly trà sữa trân châu, gật đầu khẽ chào.

 

Cô bé sữa chua tóc bím nhoẻn cười: - Mời thầy sang ngồi với tụi em cho vui!

 

Cô bé trà sữa thì ra dáng bẽn lẽn. Tôi quyết định sang bàn của hai cô học trò để làm quen, đồng thời để tìm hiểu một ít thông tin về ngôi trường mới của mình.

 

Cô bé tóc bím tinh nghịch nói líu lo: - Chào thầy, em là Mỹ Lan, học lớp 11A1, còn đây là Hương Vy, bạn học cùng lớp với em. Bọn em nghe “danh” thầy đã lâu, nay mới hân hạnh được gặp thầy.

 

- Làm sao em biết thầy, trường của thầy cách đây khá xa? Tôi hỏi.

- Chị của em kể cho em nghe về thầy, chị ấy học lớp thầy dạy cách đây mấy năm. Lan trả lời nhí nhảnh. Em còn đọc và thuộc lòng bài Nếu của thầy nữa đó.

- Thật sao ? Tôi hỏi.

Mỹ Lan nhanh nhẩu đọc:

Nếu sáng sớm tình cờ khi thức dậy

Em thấy tôi đi dạo dưới sương mù

Em đừng nghĩ thầy mình sao lãng mạn

Tôi vẫn mơ làm một khách nhàn du...

 

Không để tôi kịp ngạc nhiên, Mỹ Lan tiếp tục “bình thơ”: Trong cả bài thơ của thầy, em thích nhất là đoạn cuối:

Trong cuộc sống có muôn ngàn vẻ đẹp

Tôi nâng niu như sợ cánh hoa tàn

Tôi mong ước học trò tôi cũng sẽ

Vươn cao mình như những cánh phong lan...

 

- Theo em, bài thơ nói lên tính cách yêu thương học sinh của thầy và vì thế bọn em rất kính mến thầy và muốn được làm quen với thầy...

 

Mỹ Lan nói xong, hất nhẹ đôi bím tóc, tinh nghịch nháy mắt với Hương Vy. Dù muốn dù không, tôi cũng thấy lòng vui lây với vẻ tinh nghịch trẻ con của hai cô bé.

 

Một năm trôi qua nhanh chóng. Tôi được Ban Giám Hiệu phân công dạy các lớp khối 12 và bốn lớp 11, trong đó có lớp của Mỹ Lan và Hương Vy mà tôi đã gặp trong ngày khai giảng. Suốt năm học, tôi càng có dịp hiểu thêm về các cô học trò của mình, đặc biệt là Mỹ Lan. Lan rất giỏi về môn Tiếng Anh, và luôn chứng tỏ là một học sinh có năng khiếu về giao tiếp. Ngoài ra Mỹ Lan luôn là một trong các học sinh đứng đầu lớp và tích cực hoạt động trong các phong trào của trường, được đánh giá là một học sinh xuất sắc. Đôi bím tóc lúc nào cũng lắc lư, miệng lúc nào cũng vui tươi nhí nhảnh và đặc biệt là rất lễ phép.

 

Nhà Mỹ Lan và Hương Vy ở xã Bình Tân, cách trường gần hai mươi cây số nên hai cô bé thường ở lại trưa để học phụ đạo tại trường buổi chiều. Quán cơm bụi trước trường là nơi tôi thường gặp mặt hai cô bé. Sau giờ ăn trưa, dưới gốc cây nhãn rợp bóng sau quán cơm, chúng tôi thường trao đổi vài câu chuyện nhỏ:

- Thầy ơi, thầy đang đọc quyển gì vậy? Mỹ Lan hỏi.

- Thầy đang đọc quyển Ngàn Cánh Hạc của Kawabata Yasunari.

- Vậy bài hát 1000 con hạc giấy mà em thích có liên quan gì đến quyển truyện thầy đang đọc không?
- Thật ra thì không, bài hát có một cốt truyện buồn hơn quyển truyện thầy đang đọc.

- Câu chuyện thế nào hả thầy?

 

Trong các thiên tình sử phương Đông có một câu chuyện tình lãng mạn đầy nước mắt được lưu truyền cho đến nay. Câu chuyện Ngàn cánh hạc giấy.

 

Chuyện kể rằng: ''Một nàng tiểu thư đài các con gái huyện quan yêu say đắm một chàng thư sinh nghèo. Hai trái tim đến với nhau bằng tình yêu tinh khôi tuổi xuân thì. Chuyện đến tai huyện quan, ông đùng đùng nổi giận và ra sức ngăn cấm. Thì ra huyện quan chê chàng thư sinh quá nghèo và vốn dĩ ông đã có kế hoạch kén rể là con trai một vị thương gia giàu có. Bị cấm đoán, nàng tiểu thư ngày ngày u sầu, ra vào buồn tênh, sắc xuân héo úa.

 

Mối tình giữa nàng tiểu thư và chàng thư sinh càng bị cấm càng trở nên mãnh liệt. Tức tối, huyện quan gọi chàng thư sinh đến và ra một điều kiện, nếu chàng thư sinh đáp ứng sẽ được gả con gái. Điều kiện là trong vòng ba ngày đêm, chàng thư sinh phải xếp đúng 1.000 con hạc giấy làm lễ vật cầu hôn.

 

Thế là trong ba ngày liên tiếp, chàng thư sinh cắm cúi xếp hạc giấy. Đêm trước thời hạn ba ngày, chàng vừa xếp xong con hạc giấy thứ 999 thì bất tỉnh vì kiệt sức. Vài ngày sau, chàng qua đời. Người ta chôn chàng ở một ngọn đồi hoang vắng sau chợ huyện. Một thời gian ngắn sau đó, người ta phát hiện trên mộ chàng thư sinh có con hạc giấy thứ 1.000 rỉ máu.

 

Nàng tiểu thư không được biết câu chuyện này, càng không biết về cái chết của người tình. Nàng đành phải chấp nhận lên kiệu hoa về nhà chồng. Trước ngày vu qui một con trăng, nàng vô tình biết chuyện chàng thư sinh và con hạc giấy thứ 1.000 bên mộ vắng. Đau xót đến tột cùng, nàng lâm bệnh nặng. Trước khi qua đời, nàng cầu mong cha cho phép được chôn bên cạnh mộ chàng thư sinh.

 

Bẵng đi một thời gian nữa, người ta ra thăm mộ hai người, thấy từ hai nấm mồ mọc lên hai cây lạ, từ hai thân cây mọc ra hai cành cây hướng về nhau, gắn chặt với nhau không rời, dù cho trời có đổ mưa to gió lớn hay tuyết sương giăng phủ. Từ đó trở đi, dân gian truyền tụng nhau sự tích Ngàn cánh hạc giấy và gắn mối tình đẹp đẽ ấy của hai người với câu tục ngữ Như chim liền cánh, như cây liền cành. Người đời sau còn sáng tác nhiều bài hát về ngàn cánh hạc giấy để thổ lộ nỗi niềm những kẻ yêu đương bị cách trở''.

 

Khi nghe tôi kể xong câu chuyện về hạc giấy, Mỹ Lan im lặng hồi lâu không nói gì. Em có vẻ suy nghĩ rất lâu. Sau cùng Mỹ Lan nói với vẻ mặt rất cương quyết: Nếu chết đi, em thích làm một con hạc trắng, con hạc thứ 1000, con hạc cô đơn mà mạnh mẽ, sẽ giúp đưa các bạn của mình đến một nơi bình yên và hạnh phúc.

 

Không biết có phải vì bản tính ngây thơ trong sáng mà Mỹ Lan bỗng trở nên buồn sau khi nghe tôi kể câu chuyện về 1000 con hạc giấy. Cô bé bỗng trở nên ít nói hơn, họat động ít đi, thường ngồi thờ thẩn hồi lâu không buồn trò truyện với ai.

 

Suốt năm học 12, Mỹ Lan vẫn là một đoàn viên năng nổ, một học sinh xuất sắc. Nhưng tôi có cảm giác như em có một điều gì cần che giấu mọi người. Rồi cuối học kỳ I, Lan bỗng dưng nghỉ học. Bất ngờ biến mất, không một lý do giải thích. Giáo viên chủ nhiệm cũng không tìm được cách liên lạc được với gia đình. Sự biến mất của cô học trò thơ ngây, học giỏi, vui vẻ, đáng yêu của tôi làm cho tôi hụt hẩng. Một cảm giác bất an xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi mong đợi sự trở lại của Mỹ Lan, mong đợi ngậm ngùi, mong đợi mãi và rồi hai tháng sau, vào một buổi trưa sau khi tan học, Hương Vy trao cho tôi một lá thư, nói là thư của Mỹ Lan. Lá thư viết với những hàng chữ run rẫy, vội vàng:

Thầy kính mến của em,Thầy ơi! em rất mong muốn được gặp thầy. Những ngày tháng qua là ngững ngày tháng vô cùng khó khăn đối với em.

Thầy ơi, thầy chính là niềm vui và sự an ủi đối với em. Hãy đến gặp em thầy nhé!

Mỹ Lan, học trò của thầy.

 

Ngay buổi trưa hôm đó, tôi theo Hương Vy về đến nhà Mỹ Lan. Nhà ở Bình Tân, tận cùng trong một khu rẫy nằm rất xa khu thị tứ. Gửi xe ngoài chợ, tôi theo Hương Vy băng qua đường xe lửa, len lỏi giữa những rẫy khoai mì bát ngát để tìm đến nhà của Mỹ Lan.

 

Nhà vắng vẻ, ba mẹ đều đã ra đồng, chỉ còn một đứa em gái nhỏ ở nhà săn sóc chị. Phải khó khăn lắm tôi mới nhận ra cô học trò xinh đẹp của tôi cách đây hai tháng. Mỹ Lan nằm co ro trên giường, thân mình gầy đét trong bộ quần áo trở nên quá rộng, mái tóc qua xạ trị đã trụi đi xơ xác, đôi chân teo tóp vì căn bệnh ung thư xương đột phát. Không còn đôi bím tóc tinh nghịch, không còn nụ cười xinh xắn, đôi mắt lung linh. Mỹ Lan bây giờ là một cô gái ốm yếu, đầu cạo trọc, mắt buồn tênh nhìn xuống đôi chân đang dần teo tóp lại.Tôi thấy trái tim mình thắt lại không nói nên lời. Hương Vy thì đứng cạnh giường, đưa tay bóp nhẹ chân bạn, mắt buồn rưng rưng. Tôi thì ngẹn lời chỉ nhìn Mỹ Lan đang đau đớn trên giường bệnh, không thốt được dù một lời vô nghĩa.

 

Thế nhưng chỉ một tháng sau, Mỹ Lan đã gượng dậy. Chỉ còn hai tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp và Mỹ Lan cương quyết phải lấy cho được mảnh bằng tốt nghiệp cấp ba mà Lan cho là kỷ niệm quý giá nhất trong quãng đời học sinh của mình. Dù biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, nhiều lắm chỉ là sáu tháng phù du, Lan vẫn tiếp tục đến trường. Hưng, bạn trai cùng lớp của Lan, nhà cũng ở Bình Tân, tình nguyện mỗi sáng đến đỡ Lan lên xe gắn máy đưa Lan đến trường và trở về nhà. Các bạn gái ở trường sẽ xúm lại nâng Lan vào lớp học. Thật là cảm động khi đứng nhìn cảnh các bạn xúm lại đỡ Lan ra khỏi xe, đưa Lan vào lớp một cách khẽ khàng như nâng niu một con búp bê tật nguyền, con búp bê của ý chí và tình yêu vĩ đại. Những lúc đó tôi thấy lòng chùng xuống thật thấp, tim tôi như bị ai xiết thật chặt muốn nghẹt thở. Ý chí con người thật vĩ đại, một em gái 18 tuổi lại có được một sức mạnh tâm linh phi thường đến thế. Từ trên bục giảng nhìn xuống, tôi biết em đã phải nén đau, cắn chặt răng cầm viết, tay run rẩy ghi chép những kiến thức đối với em thì vô cùng quí giá nhưng nếu có thể với ai khác sa vào hoàn cảnh tuyệt vọng như em sẽ cho là hoàn toàn vô nghĩa. Có những lúc quá đau, Mỹ Lan lại ngất đi và được các bạn xúm nhau đưa vào phòng giám thị cấp cứu. Ai nhìn cảnh đó mà không thấy lòng đau xót ?

 

Thế mà Mỹ Lan không bỏ cuộc. Con hạc giấy thứ 1000 không bỏ cuộc. Hạc giấy vẫn bay khi biết mình sắp chết, hạc giấy đầu đàn vẫn không bỏ các bạn cùng đàn để một mình bay vào cõi hư vô.

Buổi trưa ở quán cơm bụi trước trường, sau giờ ăn trưa không còn bóng dáng Mỹ Lan và Hương Vy, tôi vẫn thấy lung linh đôi mắt của Mỹ Lan nhìn tôi như muốn nói: Thầy ơi, Em sẽ không bỏ cuộc, em vẫn mãi là con hạc giấy thứ 1000 trong truyện kể của thầy.

 

Tiếng ve bắt đầu vang lên trên những cành phượng trỗ hoa đỏ rực cả sân trường. Hôm đó là buổi lễ tổng kết năm học. Tôi vô cùng cảm động khi thấy Mỹ Lan mặc một bộ đồ học sinh rất mới. Áo sơ mi trắng tinh, quần xanh mới che giấu cặp chân đang dần teo tóp lại, được một bạn trai bồng lên nhận giải thưởng học sinh hiếu học trao từ tay cô hiệu trưởng. Nụ hôn của cô hiệu trưởng làm hồng đôi má xám lạnh của Mỹ Lan. Cô hiệu trưởng xúc động rưng rưng dòng lệ, khuyên các bạn học sinh hãy noi gương em Mỹ Lan, cố gắng học tập để là người có ích cho nước nhà. Tôi thấy nụ cười vui khẽ nở trên môi em, nhẹ thôi, chỉ như là một giọt sương.

 

Tôi nén cảm động bước đến bên Mỹ Lan. Lan đang nằm trên chiếc ghế dựa có Hương Vy bên cạnh, nhìn sâu vào đôi mắt đen mệt mỏi, tôi khẽ nói:

- Vài hôm nữa thầy đi Phan Thiết coi thi tốt nghiệp. Tiếc rằng không được ở bên em để động viên em trong ba ngày thi. Chúc em làm bài thật tốt. Vào Phan Thiết thầy sẽ tìm mua cho em quyển Những Hạt Giống tâm Hồn, sách song ngữ mới nhất và sẽ có một món quà nhỏ mừng thành công của em. Hãy cố gắng lên và không bao giờ bỏ cuộc con hạc giấy nhỏ bé mà mạnh mẽ của thầy.

 

Gió Bình Tân lồng lộng thổi...

Mộ của Mỹ Lan nằm sau vườn nhà. Trong vòng tay thương yêu của bố mẹ, nhưng xa cách bạn bè thân yêu, xa cách thầy cô, xa cách trường lớp.

 

Gió Bình Tân lồng lộng thổi...

Tôi đang ngồi bên mộ Mỹ Lan, nhìn hình ảnh em trên bia mộ mà nhớ ngày nào...
Quán cà phê hội ngộ, Quán cơm bụi mỗi trưa...Câu chuyện ngàn con hạc giấy...

 

Gió Bình tân lồng lộng thổi...

Trên tay tôi cầm lá thư Mỹ Lan đã viết cho tôi trước giờ chết.

 

Thầy kính mến,

Buồn làm sao khi biết mình sắp phải xa thầy, xa bạn, xa những người thân yêu mãi mãi. Em đã thức cả đêm để cố gắng xếp thật nhiều hạc giấy,nhưng thầy ơi, sự đau nhức làm em không thể nào xếp đươc quá hai mươi con hạc giấy, chỉ võn vẹn mười bốn con thôi, thầy ạ.

Trong số 14 con hạc giấy thì con cuối cùng là con đẹp nhất. Chỉ là vì lúc đó em đang có cảm giác như mình đang hồi sinh, em thấy mình như mạnh mẽ hẳn lên, nhưng em cũng hiểu rằng đó là cảm giác của ngọn đèn sắp sửa tắt phụt sau khi bừng sáng.

Trên từng con hạc trắng em đều có ghi một câu danh ngôn bất hủ: ”Học, học nữa, học mãi“

Thầy hãy đốt lũ hạc để chúng bay đi khắp nơi giúp mọi người chăm học. Em tặng thầy con hạc số 14. Nó cũng có tâm hồn trong sáng như thầy.

Em mãi mãi biết ơn thầy...

 

Tôi không muốn mình bật khóc...

 

Tôi xé trang đầu trong quyển sách mua tặng cho em, rồi lặng lẽ xếp thêm một con hạc trắng. Cho đủ số 15 con hạc giấy...

Ngô Lạp
Số lần đọc: 2712
Ngày đăng: 07.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kiếm sống - Đỗ Ngọc Thạch
Máu cô gái điếm - Minh Diện
Chuyện buồn của một gánh trầu không. - Ngô Lạp
Chim hót bên trời - Thụy Vi
Chuyện vặt - Vinh Anh
Đồng đội - Trần Quang Vinh
Bạn học đại học - Đỗ Ngọc Thạch
Sông sương mù - Lữ Quỳnh
Một thoáng hương xưa - Mộng Loan
Chị Lượm - Lê Minh Tú