Tôi là phóng viên thường trú của một tờ báo Thủ đô, đi làm phóng sự về Hàng Việt Nam chất lượng cao. Đã gần một tháng hỏi thăm bà chủ hãng dệt Tân Châu mà không thể nào gặp được. Chỉ vì bà đang bận xuất ngoại đi marketing hàng hóa. Gặp nhau lần đầu mà tự nhiên như có phép lạ, chúng tôi đã là của nhau tự kiếp nào. Khi biết tôi là dân toán Tổng hơp, tốt nghiệp loại ưu hẳn hoi, giờ làm báo nên bà chủ à lên một tiếng: “ Thì em cũng là dân toán đây! ”. Từ đó … nàng xưng “em” với tôi.
Và rồi… Chúng tôi xoắn xuýt lấy nhau. Câu chuyện miên man về tình yêu và về lãnh Tân Châu.
- Ôi! Em ngột thở mất thôi. Chúng mình yêu nhau đắm đuối quá!
Em rên khẻ và phả hơi nóng vào bờ vai tôi.
- Em yêu anh thật à? Tôi thì thào vào tai em.
Hai mắt em đang nhắm nghiền bổng mở to ngạc nhiên: “ Sao anh lại hỏi em kỳ vậy? Không yêu mà hôn nhau đến ná thở à?”
Em từ từ buông tôi ra và đưa cả hai bàn tay: “ Anh coi bói cho em nhé!”. Tôi ngây ngất vì nụ hôn dài đắm đuối - một tình yêu muộn của đời tôi. Tôi nâng bàn tay em đầy đặn, những ngón tay thon dài hồng hào. Hai gò tay tràn đầy sức sống, nhưng lằn ngang chi chít chứng tỏ chủ nhân của nó là một người đa đoan hay lo chuyện của người khác. Tôi nhẹ nhàng nâng bàn tay lên môi hôn thật nhẹ và bất thần phán như một nhà tiên tri:
- Thân chủ là một người đa đoan, có tính thương người. Con đường học vấn bị đứt gánh giữa đường mà đường tình yêu cũng vậy. Hồi nhỏ có sức khỏe kém, nhưng sau mười tuổi thì lúc nào cũng khỏe. Cuộc đời ít gặp may mắn. Dù ly hôn, nhưng lúc nào cũng có người thương. Đường con cái đã có đến ba trai, số này không có con gái...
Em nhắm nghiền mắt mà nghe, bỗng thốt lên: “ Anh tài quá vậy! Nói thật nghe, đúng một trăm phần trăm ”.
Không biết có phải tình yêu nồng nàn hay chỉ vì những lời dự đoán hay hay đó mà tôi được đưa về một miền quê và thậm chí được đến với cả một cuộc đời mà tôi chưa từng tham dự qua lời thủ thỉ của em.
***
Quê em ở tận Tân Châu, một vùng quê nổi tiếng về tơ tằm và lãnh. Trên những bờ mương người ta đem lãnh ra phơi phấp pha phấp phới gió bay. Tuổi thơ em như sống trong thế giới thần tiên.
Vào học sư phạm toán ở Cần Thơ, em diện bộ đồ đen bằng lãnh đen Tân Châu càng làm nổi bật làn da trắng mịn của tuổi con gái mới lớn. Nhiều cô nàng ghen tỵ, nhiều chàng trai đắm đuối về cái đẹp miệt vườn trong bộ bà ba lãnh đen căng cứng lồng ngực. Em tảng lờ như không biết gì ráo trọi. Em là cô gái lai hai dòng máu Việt – Hoa, nên em đẹp khác lạ phải không anh? – “ Ừ, em đẹp lắm, chắc là …”.
Ba em là người đến Việt Nam khi cuộc Cách mạng Văn hóa bên Trung Quốc vừa mới nổ ra. Ba em là thầy giáo Toán - giảng viên trường Đại học Thanh Hoa. Cách mạng Văn hóa đã coi các nhà trí thức như là kẻ thù của giai cấp. Những Giáo sư Hoa Kiều từ nước ngoài về lại càng bị đối xử tệ hại. Ngay cả Giáo sư Điền – người giúp Trung Quốc lục địa có những vũ khí tối tân mà còn bị đi cải tạo, huống chi ba em – dù rằng học ở Bắc Kinh, nhưng lại là một học trò theo trường phái Lee bên Mỹ. Ổng chuyên nghiên cứu về biểu diễn nhóm Lee hữu hạn. Ba em đang tháp tùng một đoàn các nhà khoa học đi Hội thảo ở thành phố Nam Kinh thì cuộc cách mạng đó nổ ra. Những tin tức về đấu tố của Hồng vệ binh cứ thế dồn dập ngập tràn Hội thảo. Ba em đã làm một cuộc vượt biên về phía Nam, qua đất Lào rồi đến Pnômpênh. Má em là người Việt, cô gái Tân Châu qua Miên đi bán lãnh. Chẳng biết thế nào mà nên duyên thành vợ thành chồng. Thời đó giữa hai bên biên giới còn thân thiện lắm, người hai nước qua lại làm ăn thật thoái mái. Chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu nhưng ở tận đẩu tận đâu miệt Bến Tre lận. Ba em thiệt tài, ông lấy vợ rồi mới bắt đầu học tiếng Việt – tiếng bên ngoại em. Ông Ngoại là người nổi tiếng cả vùng về nghề sản xuất lãnh Tân Châu. Từ ngày có con rễ, lãnh Tân Châu của Ngoại cứ là nhất vùng lần nữa. Ba em rành ba cái vụ thuốc nhuộm này lắm. Sau này nói tiếng Việt sõi rồi thì Ba em là người thay Ngoại quản cái xưởng dệt. Lãnh ông Năm Hứa nổi tiếng còn hơn thời của Ngoại, vì Ba em cho xuất khẩu tận Âu Mỹ. Hồi đó chưa quảng cáo rầm rộ như bây giờ, Ba em cho in cả ba thứ tiếng Hoa – Anh – Pháp để giới thiệu. Anh biết đó, người Hoa thì ở đâu cũng có, ngay bên hông Sài Gòn, ở Chợ lớn gần cả triệu. Người Hoa tụi em ưa xài hai màu đỏ và đen. Lãnh Tân Châu vì thế càng phát đạt. Nhưng khi em vừa tập tễnh lớn khôn thì bên Cămpuchia, nhóm Lonon- Syri- Matắc lật đổ chế độ Hoàng tộc, rồi quân đội Việt Nam Cộng hòa, rồi quân Mỹ nhảy vào,… Chiến tranh lan rộng cả Đông Dương. Cứ mỗi bữa ăn lại thấy Ba em thở dài thườn thượt, em biết chắc rằng ông đang gặp khó khăn. Rồi giải phóng miền Nam, đã có nhiều người đền rũ mang cả nhà qua Mỹ, nhưng ông không chịu. Sau chiến tranh, kinh tế lại càng tệ. Rồi bọn Pônpốt gây hấn biên giới. “- Chiến tranh gì hoài hoài vậy nè?”. Chẳng thể nào giải thích nổi với cô bé mới lớn. Ngày đó tụi em sống ở Tân Châu mà vẫn cứ sợ giặc tràn qua. Một vùng đất nổi tiếng về tơ tằm và lãnh vậy mà bị mai một. Trong cái tủ, dưới bàn thờ Ngoại vẫn còn mấy trăm mét lãnh loại xịn. Cái loại lãnh em được mặc hồi là sinh viên đó anh!
- Nhưng tại sao em lại bỏ học? Tôi muốn biết nguyên nhân mà định mệnh đã ghi sẵn trên bàn tay xinh đẹp của em nên sốt sắng hỏi.
- Từ từ nào anh! Rồi em sẽ kể.
*
Dạo tám mưoi tám mốt, dù mình đã giải phóng Pnômpênh, nhưng chiến tranh vẫn còn dai dẵng. Đất nườc mình bị bao vây kinh tế, bị cấm vận. Vậy là đói ăn lại càng đói. Nhiều người không chịu xiết nên vượt biên hàng loạt. Nhà em lại nửa Việt, nửa Hoa. Anh Hai thi nhất định không chịu đi đâu. Anh Ba và chị Tư thì quyết tâm đi để đổi đời. Em đang học thuộc loại nhất nhì trong lớp. Hồi đó các anh chị em không ai tin rằng Ba đã từng là giáo sư Toán. Chỉ mỗi mình em thi vào ngành của Ba. Em phải đậu cao lắm nên mới được nhập học. Anh biết đó, đã có một giai đoạn đau thương đối với tất cả chúng ta, chẳng riêng gì người Việt, chẳng riêng gì người Hoa mà cả dân Khme nữa đó. Thỉnh thoảng em được về nhà, nghe Ba kể về môn Đại số, về Lý thuyết nhóm, đặc biệt về nhóm Lee. Vậy là em ham. Vừa hết năm thứ nhất mà em đã chọn hướng đi cho mình. Ba là người ủng hộ em nhất. Ông vẫn còn một số tài liệu, hai ba con cặm cụi ngồi dịch và làm toán, khi cái bụng đói cứ sôi ùng ục. Em là cô gái xinh nhất trường hồi đó, học lại giỏi nên nhiều bạn bè trang lứa ghen ghét ra mặt. Suốt ngày họp, mà tính em không ưa, vậy là bị phê bình. “ Đi học mà cũng son phấn!”. Nhiều người dè bĩu. Mà nào em có son phấn gì đâu, tại da em nó đẹp tự nhiên vậy mà. Em bị phê liên hồi. Em buồn! Sẵn dịp chị Tư và anh Ba chuẩn bị chuyến đi, chị nhắn em ở nhà để chị lên có việc. Chị bắt em về không, mọi thứ vứt lại nhà trọ. Ba đã chuẩn bị cho tụi em mỗi người mấy chục mét lãnh Tân Châu. Má thì làm sẵn cả balô lương khô. Em bước xuống ghe mà lòng cứ nao nao. Lại chẳng muốn đi. Lòng em cứ ao ước được quay về. Vì hàng xóm tổ chức đi, tất thảy chỉ có hơn hai chục con người. Gia đình của chủ ghe đã chiếm một phần ba. Nhà đó có anh Lúy, hơn em vài ba tuổi. Thưở nhỏ Lúy là bạn của em. Anh thích em, nhưng em thì chẳng bao giờ nghĩ tới anh. Trong chuyến đi này, khi gặp mặt trên ghe, em đã cảm thấy có cái gì đó bất an. Ghe chạy được một đêm thì máy tàu trục trặc. Lênh đênh một ngày giữa nắng biển. Chao ôi bây giờ còn khiếp! Trong cơn vật vã giữa biển khơi mà Lúy vẫn cố nằm cạnh em, lại còn sờ soạng. Nắng và gió biển buộc em phải lấy mấy mét lãnh Tân Châu quấn hết đầu hết mình. Nhìn em lúc ấy chắc chả khác gì một nữ chiến binh Đạo Hồi sắp lâm trận. Chừng quá trưa, bỗng dưng biển động. Những con sóng giận dữ muốn bẻ vụn mọi thứ.
- Một đảo hoang, trước mặt ! Ai đó reo lên.
Chủ ghe ra lệnh mọi người chuẩn bị lên bờ. Nhưng vách đá thì lởm chởm.
- Ai mà leo lên nổi?
- Chết cũng phải lên bờ! Chủ ghe lại ra lệnh.
Mọi người cứ thế nhảy ào xuống biển. Sóng to, gió lớn. Ghe chết máy nên bị nước biển xoáy đi. Vàng bạc, châu báu,.. đồ dùng mất hết. Mọi người chỉ còn ít vòng vàng hoặc nhẫn mang trên người. Anh Ba em nhanh tay xách được can dầu 20 lít, còn chị Tư thì xách được một ba lô đầy lương khô má làm sẵn. Lạ lùng thay, chiếc ghe quay quanh đảo rồi vòng vào gần bờ. Chủ ghe vì tiếc của, ông nhảy ùm từ vách đá cao dựng đứng. Gió biển quất mạnh nên đầu ông va vào đá. Máu chảy loang một vùng biển. Cánh đàn ông cũng phải đứng nhìn. Phụ nữ thì đã chết khiếp hết rồi. Mọi người đi tìm nguồn nước, nhưng tuyệt nhiên đảo này không có. Đêm đến tụi em bò sấp trên mặt cỏ mà liếm từng giọt hơi nước. Nghỉ được một đêm lấy sức. Trông ai cũng bớt thiểu não. Cái mãnh lực tình dục trong người Lúy lại trỗi dậy. Anh ta cứ nhìn em thèm khát. Đêm hôm sau, em trở thành đàn bà khi bị Lúy hiếp ngoài bãi cỏ. Anh ta bò sau em để liếm từng giọt, từng giọt nước. Nhưng hai tay thì ghì chặt chân em. Người em cứ như bị điệt giật. Nhũn cả người. Chẳng khó khăn gì để Lúy cưỡi lên người em. Tuy bị hiếp, em vẫn là đồng phạm vì em chống cự rất yếu ớt và cũng chẳng thèm la lên một tiếng. Ngựa lại quen đường cũ. Tối hôm sau Lúy lại giở trò. Nhưng vì em quấn nhiều lãnh Tân Châu vào người, nên một cuộc vật lộn đã diễn ra. Chẳng hiểu thế nào em lại tung được cú đá song phi của Kungphu mà Ba đã dạy. Lúy bay vài vòng và rớt xuống biển. Đêm biển lộng gió và sóng biển ầm ầm nên chẳng ai quan tâm đến một tiếng kêu thất thanh của Lúy. Thằng con trai đầu của em hình thành như vậy đó. (Nhưng nó cũng chẳng còn, sau này em phải đi nạo thai). Ngày thứ năm, chúng em đã tuyệt vọng với đoàn tàu ngoại quốc đến rước đi như nhiều người vẫn kể. Thế rồi có một chiếc tàu đi ngang qua. Anh Ba trút hết can dầu để lấy can làm phao. Anh bơi đến sát chiếc tàu, nhưng họ không chịu. Đơn giản là chúng tôi không còn đủ số vàng làm lộ phí. Anh Ba lên bờ với dáng vẻ thiểu não. Giờ thì chẳng còn gì để đốt nấu mấy con ốc con hào. Thời gian trôi qua đồng nghĩa với việc nhóm người của chúng em vơi đi. Có người vì đói khát quá nên đánh đu bên vách đá để đập và ngoạm từng con hào sống. Cái giá phải trả là rơi tòm xuống, hoặc bị bể đầu vì đá hoặc bị biển cuốn trôi. Hai tuần trôi qua, chỉ còn lại có bảy người. Đau nhất là nhà chủ ghe, chết cả bảy người. Mãi sau khi về đất liền em mới biết hòn đảo đó rất linh thiêng. (Má em từng dặn rằng khi lên rừng hay xuống biển là phải giữ miệng, chớ có nói càn. Hễ nói gì là nó vận vào mình đó!). Ngày thứ mười lăm trên đảo lại đẹp đến kỳ lạ. Sáng ra có mưa, chúng em tắm mưa thỏa thích. Tuyệt vời nhất là có một chiếc ghe đánh cá của bà con ngư dân Thuận Hải táp vô. Anh Ba gặp và đề nghị họ chở giùm ra hải phận quốc tế. Tài công trả lời rằng không thể. Dầu của họ chỉ được phát đủ cho chuyến đi gần. Ông khuyên mọi người nên trở vào bờ rồi sau này tính tiếp. Khi em tỉnh dậy thì đã nằm trong đồn công an đảo Phú Quý. Vì em là sinh viên, nên chỉ chưa đầy tháng sau em được ra trại về nhà, còn anh Ba em ở trỏng tận ba năm, chị Tư cũng ngót nghét một năm. Dù sao thì ba anh em vẫn còn tính mạng mà trở về, nhưng làm sao em tiếp tục đi học được nữa.
Vậy nên em bỏ ngang nửa chừng. Em lên thành phố kiếm sống. Việc đầu tiên là hóa giải cái của nợ mà Lúy gieo vào lòng em. Rồi em đi làm ca sĩ phong trào, chuyên hát những bài hát một thời hừng hực của tuổi trẻ. Sau này em còn làm diễn viên điện ảnh nữa đó.
- Ay, tên nghệ sĩ của em là gì thế? Tôi thấy hay hay và chen vào giữa cái giọng đầy hứng khởi của em.
- Hoài Hương mà anh. Anh chưa nghe bao giờ à? Tại em toàn đóng vai phụ.
Ba em đặt tên cho con gái út là để nhớ về quê cha đất tổ, nhưng Hứa Hoài Hương này xem vùng Tân Châu mới là quê của mình. Nơi đó bây giờ có mộ của Ngoại, của Ba, của Má và của anh Hai. Cũng vì thời gian làm nghệ sĩ nửa mùa mà em nên duyên vợ chồng với một nhạc công. Đấy hai con trai em bây giờ là kết quả của mối tình đứt đoạn mà anh nói đều chính xác. Vợ chồng làm nhạc, làm phim, sang băng đĩa chui, làm đủ mọi nghề để có tiền trụ lại ở cái thành phố năng động này. Hồi đó nhà đất còn rẻ, em lẳng lặng đi mua. Còn ông chồng thì chẳng quan tâm, ổng chỉ ưa săn đón các em chân dài trẻ đẹp. Vài lần em bắt gặp họ tình tự với nhau, vậy là chia tay. Lại một con đường nữa đứt gánh. Ừ mà sao anh tài vậy? - Em đột ngột hỏi.
- “ Thì nó đã định đoạt trên bàn tay em rồi mà!”. Tôi đang mơ màng nghe em tình tự, nên trả lời qua quýt. “ Em kể nữa đi. Anh rất thích nghe những gì liên quan đến em ”.
Mới đó mà đã bảy năm rồi. Cái ngày tụi em ly dị nhau ấy mà. Đất nước mình đổi mới rồi, đi đâu cũng nghe người ta nói về làm giàu cho mình, làm giàu cho Tổ quốc. Vậy là em quyết định về quê phục hưng nghề dệt lãnh của Ngoại, của Ba. Máy móc thiết bị thì không thiếu, nhưng nguyên liệu thì phải gần như làm lại từ đầu. Thế hệ những người trông dâu nuôi tằm giờ đếm chỉ còn vài người. Một mình em đi ra tận miền Trung, xứ Quảng thuê chuyên gia vô canh tác. Em cũng mua bán lòng vòng thứ nguyên liệu rất hiếm này, hết lên Đàlạt lại sang tận Pnômpênh. Giờ thì em yên tâm rồi: nguyên liệu đủ cho hai xưởng chạy quanh năm, mẫu mã thì có hẵn một phòng vi tính design, màu thì vẫn theo cách Ba pha chế ngày nào. Trên mặt lãnh bây giờ được đồ họa các chi tiết sắc sảo, được dệt luôn những bông hoa mịn màng bắt mắt. Lãnh Tân Châu bây giờ vẫn đẹp như xưa, nhưng phong phú hơn về màu sắc, về mẫu mã. Em chẳng dám so sánh với lãnh của Ngoại, của Ba làm ra trước đây đâu. Nhưng Lãnh Tân Châu giờ có mặt ở khắp nơi trên Thế giới. Vậy đủ rồi phải không anh?
*
Hoài Hương thỏ thẻ hỏi tôi về sản phẩm mình làm ra - mặt hàng Việt Nam chất lượng cao mà tôi đang đi làm một thiên phóng sự. Tôi bất chợt nhớ về Hà Đông, nhớ về thứ lụa đã đi vào thơ ca, vào âm nhạc và cả điện ảnh. Dòng họ nhà tôi cả năm bảy đời theo nghề dệt cửi, nhưng cuộc đời bể dâu đã làm mai một mất rồi. Cha tôi bị thương khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, về quê được mấy năm thì ốm rồi mất. Thời của Cha chẳng còn gì của riêng, mọi thứ thu gom vào Hợp tác. Cha và mẹ còm cõi trên đồng nuôi các con khôn lớn. Rồi anh Cả hy sinh ở Cánh Đồng Chum bên đất Lào, anh Hai hy sinh trên đất nước Angko, cùng lượt với người em gái út trước cửa ngõ vào thị xã Lạng Sơn. Mẹ già yếu, vả lại chịu nhiều mất mát quá nên cũng ra đi khi tôi vừa tốt nghiệp đại học. Tôi phiêu bạt với nghề viết báo nay đây mai đó, đã sang tuổi ngũ tuần mà vẫn phòng không đơn chiếc. Bây giờ ở quê chỉ còn mấy người em con chú, họ đã bắt đầu khôi phục lại cái nghề truyền thống của đất lụa Hà Đông.
Sẽ xấu hổ biết nhường nào nếu kể cho em nghe về vùng quê đã từng nổi tiếng thứ lụa nhà tôi làm ra. Tôi chỉ đủ dũng cảm viết thư cho em qua mạng và gửi đi: hoaihuonghua@... như một lời xin lỗi và thật tình tâm phục khẩu phục người con gái trong bộ đồ lãnh Tân Châu tuyệt đẹp.