Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.257
123.155.819
 
Nghìn năm vàng dấu cát - Kỳ 4
Văn Thành Lê

Kỳ cuối: Ngày không quên và điều đáng nhớ

 

Hôm từ nhà ông Nguyễn Nhự về, lúc chờ sửa xe ở Cầu Đỏ, tôi gặp một anh chạy xe thồ tên là Phùng Mai, người thôn Tây An, xã Hòa Châu. Chuyện trò một lát, anh cầm tờ báo Thanh Niên số ra ngày 16-9-2009, chỉ cho tôi cái tít “Châu bản triều Nguyễn và việc thực thi chính quyền liên tục của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa” rồi bức xúc nói: Tui từng là bộ đội đi chiến trường K, chừ nghe thông tin không hay về Hoàng Sa là thấy nhưng nhức cái đầu.

 

Tôi muốn nói với anh là, những người từng ở Hoàng Sa, nhất là những người cuối cùng rời hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình trước khi bị Trung Quốc tấn công cưỡng chiếm vào cái ngày lịch sử 19-1-1974 càng cảm thấy đau buồn, uất hận bội phần.

 

Ngày 14-1-1974, anh Nguyễn Văn Cúc ra Hoàng Sa lần thứ ba bằng Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 trong phái đoàn 7 người, trong đó có một người Mỹ, để khảo sát làm sân bay trên đảo. Xong việc, cả đoàn xuống tàu định về lại đất liền thì Trung Quốc tấn công lên đảo.

 

Theo anh Lê Lan, khoảng 3 giờ chiều ngày 20-1-1974, nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Quý Sửu, người cuối cùng của mình bị sa vào tay lính Trung Quốc và Hoàng Sa chính thức bị cưỡng chiếm. Tin dữ bay về, đất liền vẫn chưa biết những người ở Hoàng Sa đi đâu về đâu. Tết, nhà như có tang. Mẹ anh Cúc đau buồn nhảy sông tự tử, may có người cứu được. Anh là con một, lúc đó vợ anh mang thai đứa thứ hai, sau bé gái đầu. Còn anh Lê Lan thì chỉ một tuần nữa là về lại Hội An để tổ chức đám cưới, thế mà...

 

Ông Phan Ngọc Chung hiện ở khu phố 5 phường Minh An, thành phố Hội An, từng là lính truyền tin của Quân đội Sài Gòn cũ. Ông ba lần ra Hoàng Sa, nhưng lần cuối cùng chỉ biết ngậm ngùi nhìn đảo từ xa chứ không còn được đặt chân lên đảo nữa. Đó là khi ông được lệnh lên chiến hạm ra tiếp cứu Hoàng Sa, tàu chỉ còn cách đảo khoảng hai cây số thì bị bốn máy bay MIG của Trung Quốc truy đuổi. Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1 của Quân đội Sài Gòn lúc đầu ra lệnh cho chiến hạm tấp vô đảo Lý Sơn để tránh máy bay, nhưng sau đó đổi lệnh cho tàu quay lại Hoàng Sa để tìm thi thể lính bị chìm tàu. Nhưng đảo đã bị chiếm. Ông Chung và đồng đội lặng lẽ chào vĩnh biệt những người lính ở lại cùng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 bị bốc cháy và đang chìm dần nơi phía xa.

 

Đó là đêm 28 tháng Chạp, cả một vùng biển đảo của Tổ quốc chìm trong đau buồn, tang tóc.

 

Trong khi ông Chung quay về lại cảng Tiên Sa đúng giao thừa thì anh Cúc, anh Lan cùng 32 người khác ở Hoàng Sa bị lính Trung Quốc lùa xuống tàu đưa về đảo Hải Nam, tới trại thu dung tù binh Quảng Châu thì đã là mồng 3 Tết. Đó là cái Tết không bao giờ quên được trong đời các anh. Hơn tháng sau ngày bị bắt, các anh được đưa qua Hồng Kông, bàn giao cho Hội Chữ thập Đỏ quốc tế và bay về Tân Sơn Nhất trên chiếc Boeing 207. Khi bay ngang Hoàng Sa, nhìn lại lần cuối nơi mình vừa sống những ngày tươi đẹp với những kỷ niệm đã ăn vào trong gan, trong ruột, ai nấy rưng rưng nước mắt. Cái cảm giác như vừa đánh mất một cái gì đó thiêng liêng, cao quý vẫn mãi day dứt lòng người, dù họ được người dân Sài Gòn ngày đó ra tận sân bay Tân Sơn Nhất đón với biểu ngữ “Hoan hô Anh hùng Hoàng Sa đảo”.

 

35 năm đã trôi qua. Cuộc hải chiến năm nào mỗi người nhìn và kể lại có thể khác nhau đôi chút, nhưng có một điểm không thể nào khác hơn được, đó là tất cả đều chung một nỗi đau từ tận cùng trái tim mình, rỉ máu như con chim cuốc đêm đêm khắc khoải những tiếng kêu thê thiết. Cha ông ta đã bỏ lại nơi quần đảo xa xôi có tên gọi dân gian là Bãi Cát Vàng ấy biết bao máu và nước mắt để giữ yên nơi được xem là “Ngọn hải đăng” thiêng liêng giữa Biển Đông của Tổ quốc. Những trang sử bi tráng và cả thơ ca dân gian vẫn mãi khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Tôi lặng người khi đọc những câu ca dân gian do PGS.TS Lê Trọng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Quốc tế học, người con của đảo Lý Sơn, kể lại. Người lính xưa ra đảo luôn mang theo bên mình chiếc chiếu để sống thì nằm, chết thì bó chôn: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Họ vâng lệnh vua giữ yên biển đảo, dù có thể một đi không trở lại: “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”.

 

Chuyện vua cho lập chùa, đặt bia chủ quyền còn nhắc trong “Vè đảo Hoàng Sa” do ông Giáo Trợ làng An Hải sáng tác từ năm 1940, được anh Đặng Hòa, thuyền trưởng tàu du lịch Hàn Giang, ghi lại: “…Đã đành ngài ngự giá ra đây/ Nhìn xem phong cảnh có xây một sở chùa… Mười phần có được chín phần/ Để cho bảo hộ con dân lưới chài/ Chữ đề niên tạc hậu lai/ Kể ra niên hiệu một trăm hai mươi năm rồi…”.

 

Nghệ nhân Đinh Văn Ý, ông bạn vong niên của tôi, tuy đã ngoài tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi khi cùng anh em ngồi lại vẫn nghiêm giọng đọc lại bài học thuộc lòng mà ông học được khi học tiểu học ở Trường Tây Sơn, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, lúc tản cư lên đó năm 1946: “Hoàng Sa là Tổ quốc tôi/ Bốn ngàn năm tôi đã có/ Bốn ngàn năm lấy máu đắp giang sơn/ Bốn ngàn năm hoạt động để sinh tồn/ Nòi giống Việt luôn luôn khảng khái/ Không khuất phục quân thù khi thất bại/ Chả kiêu căng khinh địch lúc thành công…”.

 

***

 

Khi tôi khép lại thiên bút ký này thì tờ lịch trên tường cũng vừa mở ra năm mới 2010. Đất nước đang chuyển mình vào xuân mới, mùa xuân của Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Trong niềm vui nghìn năm của toàn dân tộc, nào ai dễ nguôi quên một Hoàng Sa - Bãi Cát Vàng vẫn chưa đoàn viên cùng đất mẹ Tổ quốc. Những trái tim mang giòng máu Việt vẫn mãi sục sôi một nhịp đập hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, đạp lên bất cứ thế lực ngăn trở nào để một mùa xuân “châu về hợp phố”. Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, bởi lẽ lời minh quân Lê Thánh Tông răn dạy quần thần trước nỗi lo nhà Minh xâm phạm biên giới ngày nào vẫn mãi mãi còn tính thời sự: “Ta phải giữ cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông của Vua Thái Tổ để lại”.

 

Cuối năm 2009

 

 

Ông Phan Ngọc Chung hồi tưởng những ngày sống và làm việc ở Hoàng Sa qua không ảnh của Google Earth

 

 

Anh Nguyễn Cúc, một trong những người chứng kiến cảnh lính Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa vào ngày 19-1-1974.

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 1922
Ngày đăng: 08.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cỏ vẫn xanh dưới chân Thành Cổ - Minh Tứ
Nghìn năm vàng dấu cát - Văn Thành Lê
Ông bụt ở ấp Ka-liêu * - Phan Đức Nam
Nghìn năm vàng dấu cát - Văn Thành Lê
Xuôi dòng - Lữ Kiều
Tình yêu đầu tiên / Ca khúc đầu tiên - Sâm Thương
Hoài niệm về “Trẻ dáng nâu” - Vũ Quốc Hùng*
Phở Hà Nội ở Sài Gòn - Võ Ðắc Danh
Làng Phước Tích, và Bức Tranh Cổ Ngọc - Thụy Vi
Quê xứ Bạc Liêu - Ngô Kế Tựu