Trong lịch sử mở đất lập làng ở vùng đất La Gi – Hàm Tân, cũng như nhiều nơi khác ở nam Trung bộ, đặc trưng tính quần cư của Bình Thuận kể từ thời kỳ suy yếu quyền lực Chiêm Thành đã mở ra một không gian mới cho dân Đàng Ngoài theo thuyền dọc bờ biển Đông dạt tìm đất sống. Những địa danh cửa sông lớn là dịch trạm, cạnh đó đặt đạo trị (đồn binh trấn thủ một đoạn đường-tg) tạo thành một tuyến đường xuyên suốt từ triều đình đến các địa phương cuối đất. Dọc dài bờ biền từ Bình Châu (Bà Rịa- Vũng Tàu) đến mũi Khe Gà khoảng 49 cây số có các dịch trạm Thuận Biên (Xuyên Mộc), Thuận Phương (Thắng Hải), Thuận Phước (Phước Lộc), Thuận Trình (Tam Tân), Thuận Lâm (Thạnh Mỹ) rồi nối với Thuận Lý (Phan Thiết), Thuận Phiên (Phú Hài)….Dân cư quần tụ ban đầu cũng từ các nơi này theo thời gian phát triển dần lên miệt rừng, khai hoang giở ruộng. Theo địa bạ triều Nguyễn (1805 -1836), năm 1836 tiến hành đạc điền Bình Thuận, lúc ấy còn là huyện Tuy Định, La Gi –Hàm Tân nằm trong phần đất tổng Đức Thắng và trong 31 địa danh làng có liên quan, đó là các thôn Phong Điền, Tân Hải, Văn Kê, Phước Thắng; các phường Phước Lộc, Tân Nguyên, Tân Quý. Thuộc tổng nông tang thì có thôn Hiệp Nghĩa, Phù Trì. Nếu dân số tổng Đức Thắng (phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận) năm 1910 có 18.820 cư dân thì làng La Gi –Hàm Tân lúc đó chỉ tính theo nhóm dân, chi họ rất còn thưa thớt đối với một vùng đất biển rừng phong phú.
Không đâu xa, dân làng Tam Tân, Phước Lộc, Cù Mi …không hẳn là dân bản địa mà nguồn gốc giòng tộc xa xưa từ đất Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo chân lớp lưu dân đi mở đất, những nhà truyền giáo Ki-tô cũng đến Tân Lý (1885), Hàm Thắng (1887) lập nhà thờ. Năm 1867 -1885, Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ và tấn công vùng Giao Loan (Biên Hòa) thì có một số nhà nho cựu quan, nghĩa quân mang cả gia đình, theo đường biển ra vùng đất phía nam Bình Thuận lánh nạn. Trong kháng chiến chống Pháp, La Gi- Hàm Tân là vùng căn cứ kháng chiến đã đón nhận nhiều nhóm dân tản cư chạy giặc về đây. Các địa danh Hồ Tôm, Suối Dứa, Bàu Ong, Thị Ngọt, Bàu Dòi, Bưng Sình …có bàn tay phá rẫy, làm nương của người dân đến từ Hàm Thuận, Phan Thiết, Xuyên Mộc…Sau khi hòa bình lập lại, đến năm 1957, Hàm Tân – La Gi là địa bàn trung tâm tỉnh lỵ Bình Tuy, có đợt nhập cư đông đến 6 ngàn người Miền Bắc di cư vào Nam, gốc quê Nghệ An hình thành các xứ đạo Công giáo Vinh Tân, Vinh Thanh, Tân Xuân, Tân Lập, Tân Tạo, Phước An, Hiệp An…Rồi sau đó dân số La Gi –Hàm Tân lại tăng lên bởi các đợt nhập cư gần 5 ngàn người Việt kiều Campuchia bị Lon- Non cáp duồng năm 1970, tiếp tới năm 1972 -1973 khoảng một vạn dân từ Quảng Trị, Quảng Ngãi bị dồn dân lập thành khu định cư Bình An, Phước Bình, Đông Hà, Bình Ngãi, Phúc Âm, Gio Linh, Cam Lộ…
Những năm sau này, đời sống kinh tế được khá hơn, vượt lên cái thông thường “phú quí sinh lễ nghĩa” mà vì cái tâm tư hoài niệm, cội nguồn nên tâm lý cộng đồng bắt đầu quan tâm đến gia phả, họ tộc và tiến tới việc bày biện thờ tự, từ đường. Sớm nhất ở La Gi có từ đường Lâm Trường Xuân, tộc họ Lâm gốc người Hoa và sau này là tộc họ Từ, Võ- Vũ, Huỳnh, Lê, Nguyễn….đều có cơ sở thờ tộc tổ, cũng là nơi cúng tế, giỗ kỵ. Các cựu quan thời xưa để lại câu đối: “-La Di bình nguyên chi địa, diện hải bối lâm, ba trà thế giới, nông trang khả đạt/ -Hàm Tân lập xã chi sơ, tiền Đinh nhi Nguyễn, thảo muội kinh doanh, công nghiệp dĩ thành”. (Dịch ý: Đất La Di mặt giáp biển, lưng tựa rừng, sóng lúa mênh mông, nghề nông tấn tới / Làng Hàm Tân buổi ban sơ, trước họ Đinh sau họ Nguyễn, cùng nhau khai khẩn, cơ nghiệp thành công). Giải thích câu đối này, có người cho rằng dòng họ ông Đinh Lương là người đầu tiên đến đây khai khẩn, qui tụ cư dân nhưng đến thời Nguyễn Ngọc Kỳ (gốc họ Phan) tiếp tục và được Triều Nguyễn ban chức cửu phẩm và công nhận lập làng.
Càng gần đây, cũng mang tâm trạng và lòng tự hào quê cha đất tổ các tổ chức hội đồng hương được hình thành trong điều kiện có của ăn của để, nặng tính cách hành chánh, tỉnh xuống huyện thị, rồi thứ đến là xã phường. Sôi nổi không kém là hội đồng hương Quảng Ngãi, từ tác động của một số nòng cốt có vị thế ở tỉnh và lực lượng cư dân đông đảo Tân Bình, Bình Ngãi, La Gi …không những số người tha phương từ xưa mà đáng kể là gần vạn người di dân từ Quảng Ngãi vào năm 1972 trong kế hoạch khẩn hoang lập ấp của chế độ cũ. Tiếp đến là các hội đồng hương Quảng Nam, Nghệ An, Bình Định, Quảng Trị…Ở phạm vi nhỏ hơn, cái dạng đồng hương theo kiểu nhóm, lớp của một thời học sinh trung học phổ thông cũng có những buổi hội ngộ vào dịp Tết khá hồn nhiên. Hàm Tân trước đây cũng có hội đồng hương cho người xa quê, chủ yếu đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi lần họp mặt với quà tặng là chai nước mắm, Bản Tin xuân của huyện nhưng chỉ lác đác mấy cụ về hưu, đi xe ôm đến dự, nghe báo cáo thành tích của quê nhà.
Tâm lý cộng đồng đối với nguồn cội ở mỗi phạm vi, trình độ, thành phần sẽ có những giá trị riêng và sự tác động nhất định. Tổ chức hội Tam Quí thờ cúng Thầy Thím ở Tam Tân mang tín ngưỡng Thành Hoàng và có mối liên hệ đồng hương xứ Quảng. Nghiên cứu về quá trình biến động di dân của người Việt qua các thời kỳ lịch sử để liên hệ cộng đồng làng xã, cho thấy đặc điểm của những cuộc di dân không bao giờ đơn lẻ một mình mà cả một nhánh họ, cả làng cùng đi. Trong hành trang mang theo có cả những tập quán, cơ chế xã hội để dần dần sau này xem như một truyền thống. Từ đó ta thấy việc sử dụng phương ngữ, thổ ngữ của họ cũng còn đậm chất một cách tự nhiên, rõ nhất là người miền Trung dù cuộc sống có thay đổi, cho đến đời con đời cháu. Cái nét riêng đó cấu thành bản sắc của quê làng mà theo họ là phải bảo vệ. Dân gian thường nhắc câu “Chửi cha không bằng pha tiếng” là vậy. Người miệt trong Bình Thuận, có vẻ như lơ đễnh trong phát âm nên không mấy tròn chữ nhưng lại khá phổ biến cách diễn đạt lại rề rà, như e rằng người nghe không hiểu kịp. Có lẻ cuộc sống thường xuyên chạm mặt với biển giả khắc nghiệt luôn bị sóng gào gió táp mà ngư dân làng Phước Lộc, Tân Long, Ba Đăng… hay người làm nông cả đời đuổi theo luống cày giữa cánh đồng mênh mông, khi nói, gọi nhau thì phải căng cổ hú thật to mới tin có người nghe được. Như một thói quen, cho nên trong giao tiếp, trao đổi, kể lể thường thấy có cái gì đó rổn rảng, thẳng băng dù nội dung câu chuyện rất bình thường, nếu chép ra câu chữ là thâm tình chân chất. Người miền Tây Nam bộ nghe giọng dân La Gi biết ngay là dân miền Trung nhưng người miền Bắc lại cho là giọng Nam bộ. Nằng nặng trong phát âm: “ăn rồi” thành “ăn rầu”, “sớm mai” ra “sớm mơi”, “hát bội” nói “hát bậu”, “quá đỗi” nghe như “quá đẩu”. Vần “uâ” không uốn môi được nên “mâu thuẫn” đọc “mâu thửng”, luân phiên” thành “lưng phiên”…đó là đặc điểm ở một số vùng quê Bình Thuận.
Cũng vì vậy mà còn nhiều tranh cải về cách đọc địa danh La Gi. Trở thành quen thuộc với người dân địa phương, cách phát âm từ chữ La Di (nhẹ hơn một chút là Zi), còn với người nơi khác mới đến lại đọc là La “ghi”. Dù đọc kiểu nào cũng không sai bởi nếu dịch nghĩa của địa danh La Gi theo từ Hán -Việt hoặc chữ của người Chăm thì cũng chưa ai có thể khẳng định được là gì. Nếu cho La là thành tố chung của La Gi tương tự La Gàn, La Ngâu, La Dạ, La Ngà…để liên hệ từ tố “Tà” của Tà Cú, Tà Dôn, Tà Mon….thì cũng không giải quyết được vấn đề vì đây là từ nguyên của một địa danh. Rất dễ sai lầm khi dựa vào hình thức ngữ âm và chính tả hiện tại để suy luận ý nghĩa, nguồn gốc của địa danh.
Đất và người có mối quan hệ với nhau như máu thịt. Tính khí con người và không gian thổ nhưỡng cũng không thể tách rời. Cho nên dù biệt xứ bao năm cũng chất nặng trong người hàng trăm lý do tồn tại, cụ thể ở vùng đất mới này. Người xứ Nghệ đã đi thì đi tận cùng chọn lựa; dân Quảng Trị lấy cái học trốn bỏ đói nghèo; người Quảng Nam -Quảng Ngãi đủ bước cương nhu; dân Bình Định biết tranh thủ thích nghi…Chính từ những phẩm chất đó mới đích thực La Gi –Hàm Tân là đất tụ nghĩa và mặn nồng./.