Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.235.142
 
Đất buồn
Hồ Việt Khuê

Cơm trưa xong, Hai Qui kềnh bụng đánh một giấc mê mệt rồi nướng qua nướng lại trên bộ ván hầm hập cong vênh bởi nắng xế rang nóng căn nhà tôn thấp nhỏ. Mấy lần lão toan dậy nhưng lại ườn xác vì không biết thức để làm gì. Cả năm nay tay chân lão co rút dần, các bắp thịt nhão nhoét, xương cốt rời rã. Lão như món đồ phế thải đang mục ruỗng.

 

Nắng xộc vào mắt, Hai Qui mới lạng quạng ra sau nhà, kéo gàu nước giếng lên rửa mặt. Vừa ngậm họng nước, lão vội phun toẹt. Ngày qua, nước càng mặn chát. Nước không nhiễm mặn mới là chuyện lạ khi đồng làng năm hai vụ lúa một vụ màu biến thành ao đìa chứa nước biển, rồi nước thủy lợi không đủ, người ta khoan sâu tận địa ngục để đêm ngày hút nước ngầm pha với nước biển cho thích hợp với con tôm sú. Nước ngọt tầng ngầm cạn kiệt, nước biển chỉ cách cánh đồng một dãy động cát âm thầm len lỏi trong từng thớ đất. Vào một sớm mai, cả làng chưng hửng khi ngậm họng nước mặn chát trong chiếc gàu kéo lên từ giếng thơi. Từ đó, cả làng phải mua nước ngọt chở từ nơi khác về để ăn uống, tưới tắm.

 

Hai Qui ngắt một trái ớt chín đỏ rực trong chậu kiểng đút qua kẽ nan chiếc lồng tre cho con nhòng. Con nhòng nhảy loi choi, chửi thề mừng món ăn khoái khẩu: “ Đu ma”. Hai tiếng này con nhòng học được từ đám nhỏ xóm Mới mà Hai Qui dọn về ở gần ba năm nay. Hai Qui khóa cửa nhà, thói quen lão mới học được. Ngày còn ở trên miếng đất sát chân ruộng lúa, căn nhà tre lá của gia đình lão gió lộng trăng thanh mấy khi kín cửa. Mỗi trưa chập chờn mê mệt giấc ngủ nhớp nháp mồ hôi, lao lại nhớ chiếc võng gai toòng teng giữa hai thân dừa với hương đất đai căng đầy buồng phổi. Con nhòng trong chiếc lồng treo bên hiên nhà lâu lâu lại nhắc lão “bác Hai dậy đi, tối rồi”, hay “anh Long, chị Phụng học về”. Long và Phụng là hai đứa con  chưa ra riêng. Hai Qui nghĩ mình phận rùa suốt đời mang chiếc mai nặng nề cực khổ nên đặt tên con là rồng là chim hy vọng đời con sẽ bay bổng giàu sang.

- Giàu sang đâu không thấy, bây giờ thằng Long chạy xe ôm, còn con Phụng làm công nhân may tuốt ở Sài Gòn.

Hai Qui lầm bầm, men theo các ranh vườn đi về hướng cánh đồng.

Căn nhà giữa đồng của Hai Qui trở thành nơi bà con tụ tập để nghe giải thích chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên cánh đồng làng Vạn Phước.

- Vì sự nghiệp phát triển kinh tế của một xã có bề dầy thành tích cách mạng, chúng ta phải biết hy sinh chút quyền lợi riêng tư của mình bằng cách giao ruộng lúa cho người có điều kiện nuôi tôm.

Chủ nhiệm hợp tác xã rao giảng.

 

Nhưng những người nông dân cố cựu hoá thân của hạt lúa củ khoai từ đời ông sơ bà sẩm ngoan cố không chịu giao đất nên ngày kia đích thân chủ tịch huyện phải xuống gặp dân. Chủ tịch đanh thép :

- Con tôm cho siêu lợi nhuận. Một ký lúa bán hai ngàn đồng. Một ký tôm bán một trăm ngàn đồng. Một ký tôm bằng năm mươi ký lúa. Vậy nuôi tôm hay trồng lúa?

Trong lúc các lão nông còn tranh cãi thì chủ tịch đánh bài ngửa :

- Nói thiệt với bà con, nghị quyết đã nói cánh đồng này chuyển lúa thành tôm, bà con không đồng ý là…chống chủ trương.

Chủ tịch và bà con về lâu rồi mà cái đầu chỉ biết tính toán phân-giống-sâu rầy của Hai Qui còn ong ong câu nói lặp đi lặp lại của chủ tịch “Một ký tôm bằng năm mươi ký lúa”. Đào đìa nuôi mấy sào tôm cần vốn liếng vài

 

Hai Qui ngồi bệt trên đám cỏ x trăm triệu thì nông dân Vạn Phước đào đâu ra tiền? Đành ngậm ngùi từ biệt ruộng đồng thôi! ác xơ, bần thần nhìn ao đìa, gò bãi ngổn ngang. Qua mấy vụ tôm thất bại, các chủ đìa bỏ đất hoang hóa. Mấy đứa trẻ không dừng tay đào lấy cắp ống nhựa dẫn nước mặn từ biển vào chôn sâu dưới đất, chúng quá quen thuộc hình ảnh lão già nhàn tản hút thuốc nhìn trời mây.

 

Mỗi chiều, Hai Qui lại lẩn thẩn ra đồng. Mái nhà, cây dừa, giếng nước của lão giờ chỉ là cái đáy ao nứt nẻ phơi lớp sình trắng bọt muối. Lúc nhận hơn năm mươi triệu tiền đền bù, lão an ủi không phải tất cả là ruộng của mình, coi như trả lại cho làng nước vì ông bà nội lão để lại cho ba má lão chỉ có hai sào ruộng, ba má lão móc máy được thêm một sào ruộng và đám đất trồng hoa màu cho con. Ngày làng Vạn Phước thành lập hợp tác xã, hộ xã viên được chia bình quân mỗi khẩu một sào mốt ruộng. Hộ xã viên Hai Qui có sáu khẩu, lúc đó hai đứa gái lớn chưa lấy chồng, tính ra được nhận sáu sào sáu ruộng nhưng mới có ba sào nên được nhận thêm ba sào sáu ruộng nữa. Sáu mươi tuổi, Hai Qui mới được cầm số tiền lớn vậy nhưng tiêu mau hết quá. Mua miếng đất, cất nhà: hai mươi triệu. Mua cái xe máy cho thằng Long: mười triệu. Con Phụng học may: ba triệu. Vợ lão lận lưng mua đầu chợ bán cuối chợ: năm triệu …

 

Hai Qui đang lo lắng không tiền cưới vợ cho thằng Long thì một đứa cháu hớt hãi báo tin Long bị đâm chết tại bến xe. Lão chạy xiên quàng băng ao đìa về nhà, vợ lão ôm xác con gào rú :

- Em con thất nghiệp… Nó nói em con làm đĩ cũng được, con đánh nó chi …!

 

Mãi sau Hai Qui mới hiểu, Long đánh bạn chạy xe ôm vì thằng này nói Phụng bán bia ôm ở Sài Gòn rồi chữa bụng thè lè, đang thuê nhà ở dưới tỉnh chờ ngày sinh con.

 

Nhà đông người khiến con nhòng sợ hãi, hét toáng: “Một ký tôm. Năm mươi ký lúa”. Hai Qui nhảy ba bước, giựt cái lồng quăng mạnh vô tường. Con nhòng đập cánh loạn xạ, cố lách đầu qua mấy nan tre gãy, gào the thé: “ Một ký tôm. Năm mươi ký lúa. Một ký tôm… tôm… tôm! Đu ma …” ./.

Hồ Việt Khuê
Số lần đọc: 1894
Ngày đăng: 13.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thời hạnh phúc, Một đời quạnh hiu - Thụy Vi
Lãnh Tân Châu - Nguyễn Đình Phư
Ngày hòa bình đầu tiên - Lữ Quỳnh
Mười Lăm Con Hạc Giấy - Ngô Lạp
Kiếm sống - Đỗ Ngọc Thạch
Máu cô gái điếm - Minh Diện
Chuyện buồn của một gánh trầu không. - Ngô Lạp
Chim hót bên trời - Thụy Vi
Chuyện vặt - Vinh Anh
Đồng đội - Trần Quang Vinh