(Đọc Cao Nguyên Của Tôi - Thơ Krajan Plin - NXB Hội Nhà Văn 2010 )
Một ngày đầu tháng Tư , Krajan Plin về Lâm Hà . Anh tìm tôi . Tìm chỉ để tặng tập thơ còn thơm mùi mực mới . Thật cảm động . Rượu khui ra và khui thơ ra . Quả là hào sảng trong đứa con Thần lửa . Krajaqn Plin yêu âm nhạc yêu lửa và yêu thơ . Nguồn thơ của anh xuất phát từ bếp nhà sàn , nơi ông bà cha mẹ kể chuyện , hát ru đưa anh vào giấc ngủ . Đó là tâm thức cội nguồn để đứa con người Lạch-K'ho này lớn lên làm thi sĩ của núi rừng :
ơi con trai mắt rực sáng
trèo lên ngọn đồi
vượt qua cánh rừng
bơi qua dòng sông
cuốn xoay cùng gió...
(Sóc con)
Người con trai ấy vạm vỡ là thế . Nhưng cũng đắm buồn trước những tất yếu đã, đang và sẽ xảy ra . Đó là cuộc sống mới sẽ làm thay đổi buôn làng :
nếu Tây nguyên không còn nhà rông
sẽ có nhà cấp 3 cấp 4
không hồn
nếu buôn làng không có tiếng cồng
sẽ có...organ , accordion ngân lên đêm ngày
(Nếu)
Thế thì còn gì là Tây nguyên nữa . Chữ "Nếu" với riêng anh và cả Cao nguyên của anh là một chữ định mệnh . Vì thế "Cao nguyên của tôi " là tiếng gọi xé lòng . Hãy giữ cho bản sắc các dân tộc đừng mai một trước cơn lốc của kinh tế thị trường . Và người thi sĩ của núi này chợt nhận ra rằng :
ôi những cánh chim
bay xa không mỏi
nơi cõi chân trời
chỉ còn lời ru oh à oh à
chỉ còn bài ca nữ thần của tôi
(Nữ thần)
Vâng , nữ thần Mặt trời là vị nữ thần của dân tộc anh. Những đứa con của nữ thần lớn lên và bay đi khắp xứ. Nhưng bài ca về nữ thần luôn ở lại trong trái tim họ; cùng họ hát giữa những ngày Cao nguyên đón bạn bè hội tụ . Rực rỡ và cháy nồng là phẩm chất đẹp trong cách giao tiếp của người bản địa . Và lời mời gọi chân tình mộc mạc :
Đến thăm Langbian
Quê anh đẹp lắm
Có ngọn núi ông
Tựa vào núi bà
Như một tuyệt tác
(Mời em)
Thế đấy , quê hương của anh có những tộc người theo chế độ mẫu hệ. Ngọn núi ông tựa vào núi bà là hình ảnh của tình yêu đẹp của huyền thoại Langbian truyền tụng muôn đời . Tục thách cưới vẫn còn đó , nhưng với Krajan Plin hình ảnh thách cưới bỗng trở nên đẹp đẽ và mạnh mẽ lạ thường :
...em có dám bỏ hết đàn trâu nhà mình
để cưới anh về làm chồng ?
để một mai em dắt anh về làm trâu ở chuồng bên ấy
trâu này không chỉ ăn cỏ hằng ngày
mà là uống ngày ăn đêm...
anh sẽ cày cho đất tung lên
cho nước tràn bờ
để ngày mai cây lúa cây ngô lên xanh giữa
đồng mênh mông
(Thách cưới )
Đó có thể nói là tình yêu làm nên cuộc sống . Dù cách nghĩ đơn sơ, cách nói đơn sơ nhưng tính nhân văn thấm đẫm trong bài thơ Thách cưới . Không những thế , chúng ta còn được chàng thi sĩ này mời gọi một không gian âm nhạc của riêng người Lạch-K'ho ở Lâm Đồng :
Yêu lắm chứ
Kèn bầu xoáy vào ngực
Yêu lắm chứ
Kèn môi luồn vào tim
Yêu lắm chứ
Ting ning thấm vào óc
Yêu lắm chứ
thánh thót tiếng đàn Brok...
(Yêu lắm)
Vâng, yêu lắm chứ ! Tôi có thể nói như vậy khi đọc xong tập thơ này . Cái thú nhất vẫn là cái mộc mạc, chân thật của núi rừng . Chân thật mà cũng dũng mãnh không kém gì những mùa lộng gió...Mộc mạc mà cũng thật tình tứ không kém gì chuyện tình dưới xuôi . Bài thơ "K'Bing ơi em hãy về" là một bản tình ca tha thiết mang đầy chất giọng Tây nguyên. Vì thế , "yêu lắm chứ" một giọng thơ đặc quánh và pha loãng của người thi sĩ dưới chân núi Langbian hùng vĩ ...
Lâm Hà tháng Tư 2010