Hà nội vào xuân, những cây cơm nguội khẳng khiu khô đét như những kẻ thất tình trong mùa đông chợt nhú lên hàng vạn chồi cây căng đầy nhựa sống. Rặng bàng đầu phố uống no những giọt mưa xuân hiến trả cho đời những chiếc lá xanh mướt tựa những bàn tay mềm mại khẽ rung trong gió. Hàng bằng lăng đơm đầy những nụ hoa nhỏ xíu chờ ngày nhuộm tím cả bầu trời. Mặt trời đỏ như trái cam chín đang từ từ chìm xuống và đặt lên mặt đất một cái hôn thật khẽ cùng với những tia nắng cuối cùng. Vào một buổi chiều xuân như thế, những con đường Hà nội thưa dần người qua lại, mọi người lần lượt trở về ngôi nhà ấm êm của mình sau một ngày làm việc.
Cũng như bao mái nhà vào giờ ấy, căn hộ tầng 12 của vợ chồng Khương thơm nức mùi xào nấu. Lam đang làm bữa cơm chiều còn Khương miệt mài chuẩn bị cho bài giảng tiếng Anh của anh tối nay. Anh đã tìm thấy một bài thơ tình nói về mái tóc mượt mà và một bờ vai thon thả như mái tóc và bờ vai của Thu, cô học trò dễ thương trong lớp anh. Anh mơ màng nghĩ đến đôi má ửng hồng của Thu và đôi mắt to đượm buồn thường nhìn xuống để tránh ánh mắt của anh mỗi khi anh đọc thơ. Không biết tự khi nào anh đã cảm thấy vô cùng nao núng trước cái vẻ nhìn xuống rất e lệ ấy… Bỗng mùi khói từ đâu cứ mỗi lúc một rõ rệt hơn cho đến khi có thể nhìn thấy những vệt khói loang loang trong phòng. Lam hét lên “Anh ơi! Cái gì cháy vậy?” Khương nhìn ngó khắp các phòng nhưng không phát hiện ra một nguyên nhân nào. Chợt anh dừng lại trước cửa ra vào, một làn khói đen kịt đang từ từ lách qua khe cửa. Như một phản xạ tự nhiên, Khương chạy vọt ra ngoài xem có chuyện gì đã xảy ra. Theo hướng làn khói anh chạy như bay xuống tầng một, khói mỗi ngày một đặc hơn và nhiều người đàn ông nữa cũng đang chạy rầm rầm sau lưng Khương. Anh bị cuốn ra khỏi tòa nhà đang chìm ngập dần trong khói và lẫn vào đám đông trên sân. Vừa đặt chân xuống mặt đất Khương hốt hoảng, cuống cuồng nhìn lên tầng lầu có vợ con anh ở trên đó. Anh muốn gọi điện thoại nhưng khốn thay anh đã không mang theo điện thoại khi chạy ra khỏi cửa. Sau một vài phút đắn đo, Khương nín thở lao vào tầng trệt và cố gắng chạy ngược lên cầu thang đang nóng rực trong tiếng hò hét can ngăn của mọi người. Đôi mắt anh cay xè, Khương không thể nhìn thấy gì vì khói quá đặc và điện đã bị cắt. Tiếng gào thét của trẻ em và phụ nữ từ trong những căn hộ vẳng ra khiến Khương cảm thấy mình đang lao vào một địa ngục ngập khói. Cổ họng anh bỏng rát và đắng ngắt vị khói. Khương đã lần tay vịn cầu thang lên đến hình như là tầng thứ tư. Toàn thân anh như muốn bốc cháy. Thiếu dưỡng khí và chìm nghỉm trong khối khí độc, Khương thở gấp và toàn thân anh nhủn xuống. Anh biết mình không đủ sức để chạy lên tầng 12, nơi vợ con anh đang ở trên đó. Khương sẽ mãi mãi nằm lại cái chiếu nghỉ của tầng tư ấy nếu không có một bàn tay to bè cứng cáp như bàn tay của Giăng Văn Giăng nắm chặt lấy bàn tay anh và lôi anh sềnh sệch trở lại mặt đất. Ngước nhìn ngọn khói cuồn cuộn bốc ra từ những cửa sổ của tòa nhà trung cư, Khương và nhiều người đàn ông khác đã khóc. Tiếng gào thét của họ hòa lẫn những tiếng gào thét thất thanh phát ra từ tòa nhà quện đặc trong khói. Cũng như vợ con Khương, vợ con những người đàn ông này cũng đang bị kẹt ở trên đó. Cũng như Khương, họ chỉ định chạy ra xem có chuyện gì nên chẳng ai mang theo điện thoại. Khương tuyệt vọng không biết vợ con mình sống chết ra sao. Anh khỏe mạnh như vậy mà đã chỉ đủ sức chạy được một phần ba quãng đường thì làm sao hai người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy có thể chạy được 12 tầng lầu mà thoát ra ngoài được, hơn nữa khói mỗi lúc một đặc quánh lại tưởng như có thể xắn ra từng miếng được. Khương ngừng gào khóc và bắt đầu niệm Phật. Anh cầu Trời khấn Phật cho vợ con mình được sống. Trong khoảng khắc ấy anh đã nhớ đến Thu và không thể không thật lòng với chính bản thân mình: anh đã yêu Thu. Cũng như hôm nay đây, anh đã tìm thấy không biết bao nhiêu bài thơ tình để mang đến lớp cho học sinh tập dịch và anh cũng đã mang đến lớp không biết bao nhiêu bản tình ca cho học sinh nghe rồi yêu cầu họ chép lại từng câu một. Tất cả những bài thơ và những bản tình ca ấy đều giành cho Thu và hình ảnh của nàng đã được anh gắn với một loài hoa mang đầy ý nghĩa - hoa Păng Sê. Mọi chuyện đã không thể qua được mắt Lam và vợ anh đã ghen đến tột cùng. Lam đã dùng tất cả mọi “vũ khí” mà một người vợ có thể có được để chống lại cuộc tình vụng trộm của anh, vậy mà anh vẫn không rời bỏ Thu. Giờ đây, từ trong sâu thẳm, anh vô cùng ân hận về tất cả những gì đã xảy ra giữa anh, Lam và Thu. Ý nghĩ cái chết của người thân chính là cái giá mà anh có thể phải trả cho sai lầm của bản thân mình làm cho toàn thân anh sởn gai ốc. Đôi mắt Khương lại chợt cay xè, anh thề với chính mình nếu vợ con anh được sống thì anh sẽ làm bất kỳ điều gì để chuộc lỗi. Tất cả mọi điều đều trở nên thật là nhỏ bé trước cái chết. Khương nhớ lại mỗi khi vợ chồng anh trải qua một cuộc cãi lộn thì con gái anh lại sà vào lòng anh nũng nịu hỏi “Bố có thương con không?” Khương hiểu nó không muốn vợ chồng anh chia tay vì nó không muốn thiếu bố hay thiếu mẹ. Lúc này anh muốn hét lên “Phương ơi, bố yêu con và bố yêu cả mẹ con nữa!” Chỉ đến lúc này Khương mới hiểu ra anh thương yêu vợ con mình biết nhường nào. Anh sẽ không thể sống nổi nếu thiếu hai người phụ nữ ấy… Chợt một người đàn ông trạc tuổi Khương gạt những người đang gào thét trên sân để chạy về phía anh. Khương nhận ra Trung, bạn của vợ chồng anh. Trung nhoài người về phía Khương, ấn vào tay anh chiếc điện thoại di động và ra hiệu cho anh nghe. Khương đưa điện thoại lên tai và mừng khôn xiết khi nghe thấy giọng nói của vợ. Khương hét lên “Em và con đang ở đâu vậy?” Lam nói trong tiếng nấc “Mẹ con em đang đứng ở ban công tầng 12 nhìn về phía sân vận động. Anh còn sống hả? Anh đừng lên đây nhé, chết ngạt vì khói đấy! Anh nói chuyện với con đi, nó không tin là anh còn sống đâu!” Rồi anh nghe thấy tiếng con gái gào khóc “Bố ơi, có thật là bố đấy không! Bố ơi, bố đừng chết! Con không muốn bố chết đâu, bố ơi!” Con gái anh cứ khóc mà không nói thêm gì nữa. Vợ anh lại hét vào điện thoại “Anh phải nói gì đi chứ! Để cho con nó nhận ra giọng nói của anh!” Khương đã không kịp nói gì vì anh còn mải nghe và mải chạy về phía ban công của tòa nhà hướng ra sân vận động. Nghe vợ nhắc, anh vừa mếu vừa thầm thì “Bố đây, bố đây con ơi!” Khương đếm từng tầng nhà đến ban công tầng thứ 12 và lờ mờ nhận ra vợ con anh trong làn khói. Anh hét lên “Anh nhìn thấy mẹ con em rồi! Anh yêu em và con! Cứ đứng ở đấy đừng vào nhà nhé, ngạt đấy!” Rồi một bàn tay nào đó chợt giật lấy chiếc điện thoại trên tay Khương. Chắc anh ta cũng cần nói với vợ con những điều như anh vừa mới nói. Gần nửa giờ trôi qua, xe cứu hỏa đang phun nước xối xả vào tầng hầm để rác của ngôi nhà, nơi mà ngọn lửa và cột khói đang ngụt ngụt bốc ra. Rồi ngọn lửa bị dập tắt và màn khói loãng dần. Không thể chờ đợi lâu hơn, Khương cùng nhiều người đàn ông chạy sầm sập lên những căn hộ vẫn còn tối om. Và đây rồi, tầng 12 của gia đình anh đây! Khương vừa chạy vừa hét “Lam ơi, Phương ơi! Bố đây! Hai mẹ con em ở đâu?” Anh nghe tiếng con gái vừa gọi vừa khóc “Bố ơi! Bố ơi!” và anh chạy về phía tiếng gọi đó. Khương dang cả hai tay ôm chặt vợ và con gái vào lòng, cả ba cùng khóc thổn thức như một lũ con nít.
Không khí nhộn nhạo trong tòa nhà dần lắng xuống cùng với mùi khói tan loãng dần. Ánh sáng điện đã trở lại trong những căn hộ và các lối cầu thang. Mọi người phát hiện ra một người phụ nữ trung niên và một bé gái trạc tuổi con gái Khương chết ngạt trên lối cầu thang tầng hai. Hai mẹ con chị đã cố gắng chạy nhưng không thoát khỏi khu cầu thang tối đen ngập khói. Thi thể của hai mẹ con đã được mang đi nhưng không có người đàn ông nào đi theo cả. Nghe nói họ đang trong thời kỳ sống ly thân để chuẩn bị ra tòa.
Đêm về khuya, không thấy vợ nằm bên, Khương nhón chân bước sang phòng bên cạnh. Lam đang đứng trước bàn thờ trong mùi hương thơm ngát. Khương biết Lam đang thắp hương cho hai mẹ con người phụ nữ xấu số kia. Anh đứng chắp tay bên Lam rồi anh chợt quàng tay ôm vợ vào lòng. Lam lặng đi rồi nghẹn ngào “Em xin lỗi anh!” Khương hôn lên đôi mắt đẫm nước của vợ “Không, anh mới là người có lỗi!”
*
Hơn ba tuần sau vụ cháy, Thu lang thang một mình ở thành phố Đà Lạt. Từ lâu rồi Khương và nàng đã đặt kế hoạch cho những ngày nghỉ ở cái thành phố giàu chất thơ này bởi vì anh vừa tham dự một hội nghị quốc tế ở đây còn nàng mới kết thúc một đợt tập huấn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thu đã gửi email nhắc anh về kế hoạch của hai người nhưng nàng không nhận được thư trả lời của anh. Nàng đã gọi điện thoại cho anh trên đường lên Đà Lạt, anh chỉ trả lời vẻn vẹn có một câu “Anh đang ở trong hội nghị chưa tiện nói chuyện với em!” Đôi tai nhậy cảm của nàng đã mách bảo nàng giọng nói của anh có cái gì đó khác lạ lắm nhưng nàng vẫn đến đây và vẫn chờ đợi. Nàng vẫn còn một chút hy vọng mong manh là được gặp lại anh. Thu lang thang theo những triền núi mờ sương khói và nàng ngồi hàng giờ bên những bụi mimoza ven hồ nhưng nàng đã không đủ sức để gọi cho anh thêm một lần nữa. Lòng tự trọng như đỉnh Everest của nàng đã không cho phép nàng làm như vậy. Mệt mỏi rã rời sau những đêm không chợp mắt, nàng ngả mình trên thảm lá dầy trong rừng thông. Trước mắt nàng bầu trời cao thăm thẳm một màu xanh. Nắng vàng rực rỡ lách qua những tán thông xanh, chiếu vào những hạt phấn thông vàng bay lơ lửng và biến chúng thành muôn vàn mặt trời tí hon. Không khí thơm mùi nhựa thông tinh khiết. Nàng thầm trách “Anh, sao anh lại không đến? Lúc này đây là lúc anh cần đọc cho em nghe những vần thơ tình chứ không phải là trong giờ học tiếng Anh kia! Lúc này đây là lúc anh có thể cùng em hát những bản tình ca mà anh đã cho cả lớp chép!” Cảm giác cô đơn và tủi thân dâng trào trong lồng ngực Thu. Nàng bật khóc nức nở. Nàng khóc như ngày còn bé bị mẹ mắng oan, nàng khóc như khi con mèo tam thể của nàng chết vì bị xe cán. Cứ như thế, nàng khóc tức tưởi không cần kìm nén. Những giọt nước mắt đã làm cho tâm hồn nàng cân bằng dần trở lại, nỗi buồn của nàng dường như đã phần nào vơi đi theo dòng nước mắt. Nàng mơ màng ngủ trong tiếng lá thông reo. Và trong làn gió thơm mùi nhựa thông hình như nàng nghe thấy lời của anh “Hoa Păng Sê ơi, anh không thể chọn em cũng không thể gặp lại em nhưng anh sẽ không bao giờ thôi nghĩ về em!” ./.
Hà nội 10/4/2010