Nhân đọc tiểu thuyết “Xa xăm” của Hào Vũ – NXB Hội nhà văn 2010
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nói đôi điều về tư duy tiểu thuyết của Hào Vũ giữa dòng chảy cuộc sống hôm nay. Ở Xa Xăm, điểm nhìn nghệ thuật của nhà văn không dừng lại một vị trí nhất định nào mà là sự dịch chuyển và trùng điệp cốt truyện. Đầu tiên là ở cái nghĩa địa nơi có một cặp vợ chồng không giống ai: Ông già gần 70 tuổi với đứa con riêng dở dại, dở điên và Hạnh, một cô gái mới bước vào tuổi hai mươi là vợ của ông, hơn thế, theo mưu đồ của ông, sẽ là vợ của thằng con điên khùng của ông. Tiếp theo đó là ở đình làng Dương Xuân nơi có một lễ hội lớn. Rồi câu chuyện trở về xóm Gò Xoài Cụt giữa mênh mông Đồng Tháp Mười…Cốt truyện không chỉ diễn ra trong thăm thẳm cõi tâm linh mà còn trong thế giới hiện thực. Đó là cuộc cạnh tranh gay gắt một mất một còn của bốn thực thể kinh doanh: Công ty Hưng Phát, công ty Hà Mi, công ty CaBaSa và công ty Hoa Mai. Đây thực là một chiến trường quyết liệt. Đang từ thế giới của siêu nhiên kì ảo, cốt truyện hiện thực này giống như một dấu lặng trong âm nhạc. Người đọc như thoát ra khỏi thế giới mộng mị tâm linh để suy ngẫm về thực tại, một hiện thực chứa đầy giông tố của sự thăng hoa và sụp đổ, thành công thất bại.
Hiệu quả thẩm mĩ của cấu trúc ấy là điều ai cũng thấy rõ.
Tương tự như cốt truyện, nhân vật trong tiểu thuyết này của Hào Vũ cũng không có một đường viền tính cách cố định nào và hình như Hào Vũ cũng không có ý định ấy . Nhân vật trong tác phẩm của anh là nhân vật nêu vấn đề, nếu có thể nói như vậy, là tính cách là định danh cho một kiểu loại của thực tiễn. Nhân vật người con trai của ông già bên nghĩa địa chẳng hạn. Anh ta là ám ảnh của một thân phận . Số phận đẩy anh ta tới nhiệm vụ như một nghiệp chướng: đội trưởng đội hành quyết các tử tù. Anh nhân danh cái thiện và lẽ phải để tiêu diệt cái ác. Cái ác đã chết nhưng nó không chịu buông tha người tiêu diệt nó.Khủng khiếp thay là sự trả thù của cái ác. Nó biến anh thành một người mất trí. Việc anh ta cắn vú Hạnh đến chảy máu thật ghê sợ. Một câu hỏi được đặt ra: Biết đến bao giờ con người mới thoát khỏi đượccái trớ trêu này của thân phận ? Và phải chăng, trong trường hợp này, thế giới tâm linh sẽ là cứu cánh?
Rồi cả nhân vật Hạnh nữa. Tính chất nhu nhược yếu đuối một cách không bình thường của cô, đẩy cô tới sự dễ dàng gục ngã trước hoàn cảnh. Nỗi sợ hãi trước “thăm thẳm cõi người” hay sự mềm yếu cố hữu? Chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình có lẽ là một cuộc chiến tranh vĩ đại và kiên cường nhất của con người.
Nhân vật cô giáo Thanh, sau này trở thành một doanh nhân thành đạt, lại ở một tình huống khác. Cô cứ theo đuổi hoài giấc mơ về sự gặp gỡ người đàn bà mặc áo trắng, công chuá Lý Chiêu Hoàng theo niềm tin của cô. Cái vùng mơ hồ giữa thực tại và tâm linh ấy đã đẩy cô tới những hành động nhiều khi không theo logic thông thường.Và cô đã thành công.. Cần ứng xử thế nào với thế giới tâm linh?
Như vậy “Xa Xăm” là kết quả của một sự đổi mới tư duy tiểu thuyết của Hào Vũ. Phải chăng đây là kết quả nghiền ngẫm của một người làm công việc sưu tầm và nghiên cứu folklore?
. Hào Vũ dẫn con người phiêu lãng vào trong thăm thẳm cõi người để con người tự tìm lấy câu trả lời ở cái “thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi , câu trả lời thật không dễ dàng chi” (thơ Nguyễn Trọng Tạo)./.
Tháng 3/2010