(từ góc nhìn khái quát)
Phật đạo vị nhân sinh
Phật pháp bất ly thế gian pháp
( Phật giáo )
Tùy phong hóa dân sanh phù hap
(Đức Huỳnh Giáo Chủ)
Cho dù tôn giáo là sản phẩm của yêu cầu xã hội hay là sản phẩm của ý chí thần linh, nhưng đối tượng tế độ của tôn giáo vẫn là con người trong xã hội. Và hoan cảnh / bối cảnh xã hội là điều kiện liên quan đến sự hiện diện và phát triển của tôn giáo.
Từ góc nhìn chuyên biệt- quá trình hình thành tôn giáo nội sinh như BSKH (Bửu Sơn Kỳ Hương) trước đây và sau này là PGHH (Phật Giáo Hòa Hảo) – Ai cũng thấy tôn giáo Phật giáo bản địa này luôn gắn bó mật thiết -đổng sự lợi hành- cùng xã hội, nhất là với người bình dân lao động miệt ruộng vườn sông Tiền, sông Hậu. Từ nguồn gốc huyết thống, dáng cách của vị Giáo Tổ đến phương pháp giảng dân hóa chúng cho đến nghi thức thờ cúng, lễ bái, giảng kệ tụng niệm… đều mang đậm màu sắc, phong cách hiếu hòa của nòi Việt nói chung, và đặc tính chân chất, cởi mở của nông dân Nam bộ nói riêng.
Nhìn về văn hóa tín ngưỡng cận đại vùng châu thổ Cửu long : từ đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên khai nguyên BSKH năm 1849, rồi đức Bổn Sư Ngô Lợi hình thành Tứ Ân Hiếu Nghĩa năm 1878, đến đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng PGHH năm 1939; tất cả các Ngài không “xuẩt thân” từ những tu viện thâm nghiêm cổ kính hay “hạ sơn” từ danh sơn kỳ bí nào, các Ngài đứng lên bằng “chân đất đầu trần” trên ruộng vườn nông thôn như tất cả nông dân trong miền; nhưng thần cách, đạo phong, tâm bi mẫn của các ngải luôn được ngưởi dân tín phục - phụng hành.
*
1
T Ừ rất lâu rồi dân gian ở đây đã quen với nếp nghĩ rằng tu là phải “ly gia cát ái”, phải “vô chùa” hoặc phải “lên non” để tầm Phật quy y; và người hội đủ điều kiện trên, họa hoằn chỉ có mấy người nhẹ gánh thê nhi mà theo quan niệm dân gian bấy giờ là “Có duyên có số”. Từ quan niệm về chữ ‘tu”với nghĩa tiêu cực như vậy nên hầu hết các nông dân an phận tự ti rằng mình tay lấm chân bùn, quanh năm quần quật bên vợ con đồng ruộng, đầy ấp tục trần thì mong gì tu với tỉnh! Nhưng nông dân dưới thời đia chủ phong kiến, thực dân ngày xưa ấy còn phải ngoi ngóp với dòng xóay nghèo đói, dốt nát, bịnh tật, rồi tiếp tục bịnh , dốt, nghèo! Có thể nói đa phần: Hán, Phạn không rành hơn ba chữ, kệ kinh không thuộc quá nửa câu! Do vậy nên đối vối ngôn ngữ, triết lý trong rừng kinh biển kệ Phật học, nông dân đành chịu và tự nhận mình là hạng người “chữ nghĩa không đầy lá mít”. Thế nên đối vối Đạo Phật bấy giờ, nông dân chỉ biết an phận lo chuyện cúng dường, hộ tự để mong cầu phúc quả về sau.Và họ chỉ biết dặn dò nhau, nhắc nhở nhau câu thành ngữ “Phật ở xa , ma ở gần”.(Ba chữ “Phật ở xa”,không biết người nông dân chân phác muốn nói khoảng cách nào giữa họ và Đạo Phật bấy giờ?).
Nhưng dân gian Nam bộ cũng có câu “Phật đến tìm mình, chớ mình biết Phật đâu mà tìm”.Thế rồi người nông dân chân chất ở đây cũng được Phật đến tìm, đã được gặp Phật! - Không phải Phật cốt vàng chói uy nghiêm trên chùa cao đồ sộ mà là Phật sống : - Đức Phật Thầy Tây An!
Phât hiện diện giữa quần chúng nông dân của những năm 1849-1856, trong dáng cách phác thực của nông dân Nam bộ ngày ấy. Phật không trách quở họ chuyện vợ chồng, con cái đùm đề, mà an ủi vỗ về và dìu dắt họ khai hoang cày ruộng, dạy họ lo làm ăn và tu hiền chơn chất. Phật cũng không quyên góp tiền của để xây đúc chùa to Phật lớn, mà khuyên dạy họ nên giúp cho kẻ khó mới nhằm… Và đặc biệt nhất là ông Phật này luôn gây ý thức, chỉ ra cho người nông dân ở đây một chân lý quan trọng mà nông dân vừa nghe thấy liền phấn khởi và tự tin: Rằng tất cả mỗi người đều đang có ông Phật ở trong lòng, không phải mất công đi tìm Phật ở đâu. Đức Phật Thầy Tây An đã dạy:
“Lọc lừa thì đặng nước trong
Ma Phật trong lòng, lựa phải tìm đâu.”
Đối với bình dân nông thôn vùng sông nước nê địa mà dùng ngôn từ thường ngày của họ như lọc nước lắng trong để dạy chuyện tỉnh tâm lắng lòng, tưởng không còn ngôn ngữ hình ảnh nào gần gũi thực tế mà diệu dụng hơn thế nữa!
Sau đó không lâu – 1939 - thế hệ con cháu của những nông dân đó cũng được Đức Huỳnh Giáo Chủ quả quyết dạy rằng chớ đi tìm Phật, vì Phật ở lòng mình; chỉ tại mình không biết nên không soi sáng phát hiện :
“Phật tại tâm chớ có đâu xa
Mà tìm kiếm ở trên non núi”.
2-NHƯ vừa đề cập, các Ngài bước ra từ nông dân, các Ngài đã “đồng sự” cùng người dân như vậy nên các Ngài đã khéo léo tùy duyên trong công cuộc khuyến giáo:
+ Ngôn ngữ giáo dân (Sấm giảng), thì tinh ròng tiếng Việt, trong hình thức nói thơ, ca, lý, hò, vè…Lọai hình văn học dân gian lúc bấy giờ.
+ Màu sắc biểu trưng thì dùng màu nhuộm từ vỏ cây dà, vừa dễ tìm, vừa gần gũi với màu của nông dân áo nâu chân đất. vừa tượng trưng ý nghĩa hòa hợp. (1)
+ Hình ảnh ẩn dụ thì dùng vật thể thông dụng như bó đuốc- vật liệu dùng soi lối đi đêm nơi thôn dã, hoặc chiếc thuyền, phương tiện đi lại chính của dân vùng sông nước kênh rạch. (đuốc từ bi, đuốc tuệ, thuyền Bát nhã, thuyền từ…)
+ Nghi thức thờ cúng giản dị, không bắt buộc phải có điện thờ tượng cốt uy nghiêm, mõ chuông pháp khí với trầm hương hoa quí – “Nếu trong nhà chật, nội bàn thông thiên với một lư hương không cũng được” và nếu không có đủ những nghi thức tối thiểu như vậy thì “Đến giờ cúng chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng được” .
+ Hành đạo cũng không thúc ước trong thời khắc tí ngọ mẹo dậu, nhị thời, tứ thời; mà là tu trong mọi hòan cảnh không gian thời gian giữa đời sống thường nhật:
“Tu không cần lạy cần quỳ
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau”
+ Giới luật thì khuyên nhũ khuyến tấn nhiều hơn là quy định khô cứng. Như ăn chay: “Phật không ép ai ăn chay, không xúi ai ăn mặn. Tùy theo trình độ và lòng nhơn của mỗi người”. Đặc biệt là lời giảng đầy minh triết sau đây:
“Mặn chay nào có tích tùng
Món chi cũng đặng miễn dùng mau tiêu”, hay
“Chay được tánh chay tâm mới quí” (v.v…)
Với những yếu tố giản dị, dễ hiểu, cận nhân tình, các Ngài đã đánh thức, đã dựng dậy niềm tin bước đâu cho nông dân đối với Phật pháp; Và người dân đã tin vào luật nhân quả bằng ngôn ngữ rất nông dân phác thực: “Ở hiền gặp lành”, “Làm phước gặp phước”, “Thương người như thể thương thân/ Ghét người như thề vun phân cho người”.v.v… Từ niềm tin nhân quả như vậy nên người dân ở đây luôn khuyên dạy con cháu luyện đức hiếu sinh cùng vạn vật cỏ cây (mà bây giờ ta gọi là bảo vệ môi trường thiên nhiên), luyện đức hiếu hòa cùng nhân loại chúng sanh (mà bây giờ ta gọi là đồng thuận sống chung hòa bình) – (Nhưng “Bảo vệ môi trường” hay “Sống chung hòa bình” không chỉ dừng lại ở hình thức không vi phạm luật pháp quy định, mà hiếu hòa hiếu sinh là do được thấm nhuần bản chất yêu thương, tôn trọng sự sống theo tinh thần giáo lý từ bi. Phải chăng đây là yếu tố của sự bền vững?) Và trong tứ ân của pháp môn Học Phật Tu Nhân, với “Ân Đồng bào và Nhân loại”, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy:
“…Vả lại cái tình từ bi bác ái của Đức Phật mà ta đã nhận thức rất thâm huyền quảng huợt. Cái tình ấy nó không bến không bờ không phân biệt màu da không phân biệt chủng tộc; nó cũng không luận sang hèn và xóa bỏ hết các tầng lớp đẳng cấp xã hội, mà chỉ đặt vào một: Nhân loại, chúng sanh”.
3-NHƯ vừa sơ lược, chúng ta cùng nhận thấy các nhà lập giáo nơi đây đã làm một cuộc cách mạng về nghi thức tín ngưỡng: tinh giảm tối đa những tín ngưỡng tôn thờ hình thức, và gần như bỏ hẳn những lễ vật cầu cúng lễ mễ mang tính van xin :
“Phât tây phưong vốn tánh từ bi
Dụng tâm ý chớ không dụng vật”
“Đến với ta chớ đem đồ cúng
Chỉ đem theo hai chữ thành lòng
…”
Các Ngài đã làm và làm được, là dựng dậy niềm tin cho nông dân nghèo bấy giờ tin nhân quả Phật pháp và nhất là tin ở Phật tính vốn có - tiềm năng phi phàm của chính họ. Rằng Phật hay ma, tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau, .v.v… tất cả đều xuất phát từ suy nghĩ, hành động của con người. Trời Phật hay Thầy Tổ là đạo sư dọn đường chỉ lối, chỉ có thể cứu độ bằng lời lẽ giáo khuyên theo nghĩa “Nương theo ngón tay để thấy mặt trăng”, “Chẵng độ xong Phật khó dắt dìu”.
Dẫu biết gần 3.000 năm trước Đức Phật cũng đã dạy rằng “Phật tức tâm” hay “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, .v.v… nhưng vì có quá nhiều khỏang cách, nhất là khoảng cách của ngôn ngữ, văn tự đã khiến cho nông dân nghèo dốt khó có cơ hôi trưc tiếp đến với triết lý Đạo Phật, bởi vì:
“Quá mắc mỏ bỏi chưn Phạn ngữ
Nên người đời khó kiếm cho ra
Mỏ chuông bày đọc tụng ó la
Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý”…
Từ khoảng cách “Phật ở tây phương xa vời vợi” hoặc “Phật ở trên non cao” hay “Phật ở trong chùa lớn”, … các nhà lập giáo ở đây đã tháo gỡ / rút ngắn cái khoảng cách vọng tưởng sai lầm đó, rồi ân cần hướng dẫn bằng pháp môn tu giản dị, thực tế ; nhẹ đi phần lý thuyết khô khan khó hiểu hay triết lý siêu hình trừu tượng; đó là diệu dụng phương pháp tu trong mọi hòan cảnh: “Ai ai cũng rán xét mình / Nếu còn tánh xấu thì rinh ra ngòai” ‘đặc biệt là “ Tu không cần lạy cần quỳ / Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau”.
Ở đây không phải kiểm điểm theo thời khắc biểu “nhứt nhựt tam tỉnh ngô thân”* mà phải giờ giờ tỉnh thừc, ngồi đâu cũng sửa theo tiêu chí (hay công án?) bao quát nhưng hiện thực :
“Làm gian ác là quỷ là ma
Làm chơn chánh là tiên là Phật”
Vỏn vẹn hai câu không hơn 14 từ nôm gần gũi; những chữ làm, là được lập lại; nhấn mạnh nhằm gây chú ý: tùy việc làm mà nên Tiên nên Phật hay thành quỷ thành ma, tất cả do tư tưởng hành động của mỗi người.
Do ngôn ngữ truyền giáo có tính thích thực như trên đã mau chóng đánh thức, cảm hóa tâm hồn người bình dân nông thôn. Và người nông dân tín đồ với bản chất phác thực, hành động rạch ròi: yêu những gì thuộc về chơn chánh thẳng ngay, ghét những gì thuộc về ác gian tà dại. (Có thể nói Lục Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh … trong tác phẩm truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu là hình ảnh và thái độ thẳng đuột “nghĩ sao nói vậy / làm vậy” của nông dân Nam bộ). Nhờ ảnh hưởng giáo lý từ bi của Đạo Phật, cộng với bản tính cởi mở, thật thà và với tinh thần ham chuộng hòa ái sẵn có của người Việt, họ đã sống với mọi việc xung quanh bằng thái độ Hiếu hòa.
Khi nói đến Hiếu hòa là nói đến đạo-lý-sống bao gồm nghĩa “nội sinh” lẫn “tồn tại” của tín chúng thuần thành. Người tín đồ thuần thành ở đây luôn tâm niệm lời dạy của Phật của Thầy vừa là thánh ngôn cao cả thiêng liêng, vừa là thánh dược có công năng chửa bịnh trần lao nghiệp chướng ; do đó Sấm Giảng Thi Kệ do các nhà lập giáo trao truyền, không chỉ để trân trọng nghiên cứu tu tập mà còn được nhiều -nhiều lắm- tín chúng tụng đọc ngâm nga hết sức tự nhiên nhưng đầy xúc cảm, trong những lúc nông nhàn hay những lúc lao động nhẹ (như hái đậu, tẻ bắp, lặt rau, chăn trâu, đạp lúa, chèo ghe, bơi xuồng.v.v…).
Những câu chữ cửa miệng như “Tử viết”, “Mạnh tử bảo” “Sách Minh tâm có câu”…cơ hồ như đã rơi rớt, mòn mẽ, nhạt nhòa dần trên đường đi vào phương nam của cha ông thời mở cõi. Thay vào đó là thơ Vân tiên, vè Sáu Trọng, hòa cùng những câu hò sông nước miệt lúa, miệt vườn ; những điệu hát nam, hát vãn…được đông đảo cư dân vùng đất mới mến mộ trong những hội hè đình đám và cả những lúc “Trên đồng cạn dưới đồng sâu…”; thì giờ đây, khi nghe qua kệ giảng (vãn) của những “Ông Đạo nông dân”** như đức Tây An cư sĩ hay ngài Hồng Vân cư sĩ***, người dân bấy giờ như gặp lại hình bóng thân phận của chính mình được minh họa trong lời lẽ giọng điệu của giảng kệ; từ đó tín chúng đến với các ngài như trở-về-nhà-mình-tìm-lại-chính-mình.
4 .Giờ đây đọc lại những phẩm kinh tinh ròng ngôn ngữ Việt như: Sấm truyền, Kinh Giác Mê của Đức Phật Thầy, Cửu Khúc Kiểng Tiên của Ông ba Nguyễn Văn Thới và nhất là bộ sưu tập Sấm Giảng Thi Văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ, chúng ta thấy các Ngài luôn khuyến dạy môn nhân không nên đi tìm Phật nơi vùng đất thiêng hay khỏang trời xa lạ nào ngòai tâm trí mình :
“Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm
Phật tây phương thật quá xa xăm
Hãy tìm kiếm ở trong nảo trí…”
BSKH và PGHH có giáo lý cơ bản chắc lọc từ tư tưởng Phật học, và đã được những giáo tổ canh cải phương pháp tu hành, cộng với tinh hoa văn hóa dân tộc và tư tưởng của riêng mình; các giáo tổ vùng Thất sơn - Cửu Long đã hình thành pháp môn tu học đặc biệt: “Học Phật Tu Nhân”. Đây là pháp môn khế lý Phật pháp nhưng phong phú tính khế cơ nhằm thích ứng với tâm sinh lý con người thời đại, tùy phong hóa địa lý, kinh tế, tập quán vùng miền nhưng không khô cứng cục bộ, không thiếu tính phỗ cập tương tác với nhân sinh. Các Ngài đã được người dân ở đây kỉnh tin quy ngưỡng và phụng thờ ân đức. (Những danh từ tôn kính như: Đức Phật Thầy, Đức Thầy, Đức Giáo Chủ v.v…đều do tín chúng thành kính xưng gọi -Thế Tôn – .
Diệu dụng của phương pháp “Tùy phong hóa nhân sanh phù hạp” và giáo pháp Học Phật Tu Nhân đã hình thành và làm nên vóc dáng tôn giáo nội sinh có màu sắc văn hóa đậm đặc Việt tính, Việt tình. BSKH và PGHH đã sinh ra từ đất Việt, lớn lên trong lòng xã hội Việt, và đồng sự lợi hành cùng người dân Việt. Với quá trình 154 năm BSKH và 70 năm PGHH - thời gian hãy còn quá ngắn so với lịch sử của lòai người, nhưng đủ cho những nhận xét kết luận về thành quả đóng góp của nền Đạo Phật bản địa này với văn hóa dân tộc và nhân lọai, hình thành bản sắc nếp sống “Cần kiệm sốt sắn lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất” tại vùng phù sa sông Cửu Long.
Và, dù trong thời đại hòan cảnh nào của lịch sử, nông dân vẫn là thành phần gánh chịu nhìêu thương đau mất mát, nhất là đất nước quê hương thời binh lửa, nhưng nông dân vẫn là lực lượng nồng cốt trong duy trì / bảo tồn đạo đức văn hóa đặc thù của dân tộc. Và đồ chúng có tín ngưỡng BSKH hay PGHH hầu hết là nông dân ít học, cần cù lao động, nghèo khoa học vật chất nhưng chắc chắn không phải là không có văn hóa- tất nhiên đời sống của nông dân hôm nay đã khác xưa, và không phải tất cả tín đồ đều là nông dân.
Giờ đây giữa thời đại @, khi phải đối măt với kinh tế thị trường đầy sóng to gió dử, với văn hóa kích thích hưởng thụ phương tiện vật chất mới lạ mang đến, với bao lạc thú bản năng luôn tiếp thị, khuyến mãi.v.v…, người nông dân tín đồ yêu kính tư tưởng Học Phật Tu Nhân sẽ không dễ dàng khi phải trả lời bằng việc làm của chính mình trong đời sống thường ngày, hòa nhập nhưng không hoà tan, nhất là cư sĩ tại gia khi phải tất bật lo toan cho sự sống “tri túc” về của cải vật chất và lối sống “bản sắc văn hóa” của gia đình mình. Nhưng, người công dân có tín ngưỡng BSKH & PGHH không thể thiếu bản chất Hiếu Hòa. Và xin chớ hiểu Hiếu Hòa theo cách tiêu cực là nín nhịn, chịu đựng, mà Hiếu Hòa ở đây có nghĩa tích cực là Hiểu Biết và Yêu Thương ./.
Chú thích
(1) đọc thêm “Tìm hiểu ý nghĩa bức Trần Dà”Tg NguyễnHiểuTrung, TV HươngSen 7-xb12/2002.
(*) Mỗi ngày ba lần xét minh. Nho giáo
(**) Không phải tất cả “Ông Đạo” đều có mục đích, thành quả giông nhau. Ta không thể nhắm mắt hàm hồ rằng tất cả, hể mang danh ông đạo đều gieo rắc mê tín để lợi dụng
**) Biệt hiệu của Đức Phật Thầy Tây an và Đức Hùynh Giáo chủ*****