Tôi không tin “ở hiền gặp lành”. Nhưng có những chuyện trong đời xảy ra hết sức khó tin.
Một một chiều nọ, xong việc cơ quan, bạn bè rủ đi lai rai. Ừ, thì đi. Cuối tuần thư giãn một tí có sao! Dạo đó tôi làm việc ở Bình Dương. Mỗi cuối tuần về nhà một lần. Lai rai xong thì trời đã tối. Tôi chạy xe gắn máy ra khỏi thị xã Thủ Dầu Một. Chung quanh tràn ngập bóng tối. Thời kỳ đó điện đóm khan hiếm. Đèn đường chỉ thắp sáng mấy con đường nội thị. Khác với bây giờ, đại lộ Bình Dương sáng rực đèn chạy dài đến tận thành phố Hồ Chí Minh.
Trời bắt đầu mưa lất phất. Nước mưa chảy nhòe mắt kính cận. Cảnh vật trước mắt tôi thật mờ ảo. Thỉnh thoảng ánh sáng đèn pha của những chiếc xe ngược chiều rọi thẳng vào mặt khiến mắt tôi bị chói, chẳng thấy gì chung quanh. Những giây phút ấy tôi như trôi bềnh bồng trên đường. Nếu chẳng may xe lọt ổ gà thì rất dễ đi theo ông bà ông vãi. Cái Honda dame của tôi lại tới thời kỳ đòi vào bảo tàng. Mới qua khỏi ngã tư Gò Đậu đèn trước của xe tắt ngấm. Cháy bóng đèn giờ này thì bó tay. Tôi vừa lái xe vừa định hướng nhờ những ánh đèn lọt ra từ những ngôi nhà ven đường. Thỉnh thoảng có một chiếc xe xuôi cùng chiều, ô tô hoặc xe máy, là cái phao để tôi bám theo. Nhưng cũng chỉ một đoạn ngắn là tôi bị rớt lại đàng sau.
Xe đang ngon trớn thì “rầm”.
Xe của tôi lao thẳng vào đưôi một chiếc xe tải đậu ven đường không có đèn ám hiệu. Chiếc Honda chui xuống gầm xe tải. Còn mặt tôi hứng trọn cái thùng xe tải những sắt là sắt. Tôi bị hất văng ra giữa đường.
Người dân ven đương nghe tiếng va đập cầm đèn chạy ra. Nhiều tiếng la hoảng hốt khi nhìn thấy mặt mũi tôi đầm đìa máu.
Chiếc xe Honda dame gãy phuộc trước, vẹo niềng bánh xe. Cái kiếng cận vỡ nát.
“Chắc chết rồi!”- tiếng người chặc lưỡi.
Thật ngẫu nhiên, nơi tôi bị nạn gần một trạm y tế. Người ta khiêng tôi vào.
Giờ đó trạm không còn làm việc. Lại cuối tuần, khó tìm ra y bác sĩ. Nhưng tối đó trạm lại sáng đèn. Như có phép lạ. Lại có cả bác sĩ nữa chứ. Đó là một nữ bác sĩ đến thực tập và ở lại. Cô lấy khăn nhúng nước ấm lau cái mặt đầy máu me của tôi. Mới phát hiện tôi còn tỉnh táo.
“Anh tỉnh rồi à”- cô bác sĩ hỏi, giọng mừng rỡ.
“Tôi có bị sao không?”- tôi hỏi, giọng yếu ớt.
“Thật khó tin”- cô bác sĩ lẩm bẩm- “Anh có thấy đau chỗ nào không?”
“Chỉ hơi ê ẩm trên đầu”
Cô bác sĩ bôi thuốc những chỗ trầy, bầm và băng gần như hết cái đầu của tôi. Cô cho tôi uống thuốc chống đau và chống nhiễm trùng.
“Được rồi. Anh nằm nghỉ.Khi nào thấy trong người có gì khó chịu thì gọi nhé”
Tôi nhắm mắt. Dần nhớ lại chuyện gì vừa xảy ra với tôi. Lúc mặt tôi đập vào thùng xe tải, tôi có cảm giác ai đó nhấc bổng tôi lên cao, thả xuống mặt đường. Tôi ngất chừng năm phút rồi dần tỉnh. Cái mắt kính nát vụn nhưng đôi mắt tôi còn nguyên. Quanh mắt chỉ có vài vết xước. Cái cằm sưng tụ máu và rách một miếng da nhưng hai hàm răng không gãy cái nào. Tôi đưa tay kiểm tra lại cái đầu. Không thấy móp méo ở đâu, vậy là thấy yên tâm. Đây không phải là giấc mơ. Tôi đưa dần bàn tay xuống vùng ngực, bụng. Khẽ nhúc nhích hai cẳng chân. Tất cả đều biết vâng lời tôi. Tôi véo lên cánh tay. Nghe đau. Tôi thật sự còn sống mà…
Cô bác sĩ quay lại:
“Bây giờ anh thấy trong người thế nào?”
“Dạ, đã đỡ nhiều. Thưa bác sĩ, đây là đâu?”
“Trạm xá xã”
Nhìn tôi một lát, cô bác sĩ hỏi:
“Anh còn nhức đầu hay buồn nôn không?”
“Dạ, không”
Tuy nhiên, tôi cũng muốn kiểm tra lại giàn xương cốt của tôi thế nào nên khẽ chống tay ngồi lên. Cô bác sĩ giúp tôi ngồi tựa vào vách tường. Tôi không nghe đau. Vậy là ổn rồi.
“Thưa, cái túi xách của tôi…”
“Ở kia”, cô bác sĩ chỉ lên bàn giấy.
“Còn chiếc Honda?”
“Nó trở thành đống sắt vụn, quăng ngoài kia”
“Thưa bác sĩ, cho tôi về”
“Không được đâu. Nguy hiểm lắm”
“Tôi về được mà”
Tôi xuống giường. Cô bác sĩ ngăn lại:
“Nếu anh nhất quyết đòi đi, tôi không đảm bảo mạng sống anh đâu”
“Dạ, tôi biết nhưng sợ mẹ tôi trông…”
“Thôi được, nhưng anh để tôi băng lại cái đầu của anh, chứ đêm hôm ra đường lỡ có chuyện gì…”
Tôi nhìn kỹ cô bác sĩ. Nàng có đôi mắt đẹp nhưng khá lạnh lùng. Khuôn mặt khả ái với sóng mũi cao cho ta cảm giác nàng vừa hiền lành vừa bướng bĩnh.
Khi tôi bước ra đường, trời đã nửa đêm. Giờ này thuê mướn xe pháo về thành phố cũng khó.
“Anh lên xe tôi chở về”
Tôi quay lại, thấy cô bác sĩ đã cạnh bên với chiếc xe gắn máy. Từ đây về nhà tôi khoảng mười lăm cây số. Đoạn đường khá xa, lại đêm hôm thế này… Tôi đành ngoan ngoãn ngồi sau và nói cho cô địa chỉ nhà. Trong đêm tối, ngồi sau lưng một thiếu nữ khiến lòng tôi nôn nao một điều gì rất khó diễn tả. Cả thành phố giờ này đang ngủ. Đến nhà, tôi gọi cửa. Mẹ tôi còn thức. Bà hấp tấp mở cửa. Khi cửa mở ra, tôi quay lại thì cô bác sĩ không còn đó. Như thể nàng biến mất trước mắt tôi. Tôi chưa kịp nói tiếng cám ơn. Lúc này tôi mới lo lắng cho nàng. Chặng đường xa mà cô lại đi một mình trong đêm.
Sáng hôm sau, mẹ tôi kể một câu chuyện trùng họp rất ngẫu nhiên. Đêm đó, mẹ cúng sao giải hạn cho tôi, Thời khắc bà cúng sao trùng với lúc tôi bị nạn.
Sau một tuần dưỡng bệnh, tôi quay lại trạm xá. Mẹ tôi trách tôi không hỏi rõ tên tuổi, địa chỉ để trả ơn. Bà mua một bịch trái cây, dặn tôi đưa tận tay và nói lời cám ơn nàng.
Bước vào trạm xá, chiếc Honda dame bây giờ là đống sắt vụn dựng cuối hành lang con đó. Cái giường nơi tôi nằm cấp cứu còn đó. Nhưng không thấy nàng. Hỏi trạm trưởng về cô bác sĩ trực cuối tuần thì trạm trưởng lắc đầu:
“Tôi cam đoan không cắt cử ai trực đêm cuối tuần cả”
Tôi đinh ninh ông trạm trưởng chưa nhớ ra nên mô tả lại hình dáng, khuôn mặt nàng. Nghe xong, ông trạm trưởng hỏi:
“Vậy cô ấy tên gì?”
Tôi lắc đầu nói không biết. Vị trạm trưởng nói như đinh đóng cột:
“Vậy thì tôi cam đoan không có cô bác sĩ đó ở đây”
Tôi quay ra, nghe một nhân viên nói sau lưng:
“Ông này bị té xe nên cái đầu tưng tưng. Trạm xá này làm gì có người trực tối bao giờ!”./.