Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.198.592
 
Chết… vì nhục
Trọng Huân

Đây không phải lần đầu tôi ra Hà Nội. Nói chính xác, đây là lần thứ ba tôi ra Thủ đô, ra vì động cơ tiền, kiếm tiền cứu nhà, cứu vãn hoàn cảnh bi đát, khốn khó của nhà tôi. Thày tôi, một ông giáo hom hem, hưu non vì căn bệnh nghề nghiệp - ho lao. Mẹ tôi cũng đau yếu luôn. Lại thêm chị gái và đứa con nhỏ, vừa quay về, chồng chị mất vì một vụ tai nạn giao thông. Tôi không muốn nói, không muốn nghĩ về hoàn cảnh khốn nạn của nhà tôi.

 

Cảm giác đến Thủ đô lần này chẳng như những lần trước, như ngày bé, hay hồi học phổ thông, đi tham quan, du lịch theo chương trình của trường. Nó cũng chẳng như thằng bạn, tên Việt, người cùng làng, mấy năm ra Hà Nội làm ăn, về nghỉ Tết, khoe trong bữa rượu. Cứ như nó, ở Hà Nội, xúc được bạc. Cái mặt nó hôm ấy đỏ nhẫy vì rượu, thịt, huyên thuyên, mỗi tháng kiếm ngon ơ dăm triệu. Vừa nói, nó vừa dúi điếu ba số mới hút được vài hơi vào cái gạt tàn. Nhìn cử chỉ ấy, mà tiếc và ai cũng hay, thói chơi ngông của kẻ lắm tiền. Đấy, cứ nhìn mái tóc nhuộm vàng hoe, rồi cả quần áo của nó nữa, lũ trai làng, nào mấy ai bằng. Tôi như chết đuối vớ được cọc, xoắn lấy và nó hào phóng gật đầu, sẽ dắt tôi ra Hà Nội làm ăn.

 

Sau Tết, tàu xe chen chúc, xếp người như chở lợn. Thôi thì chen đẩy, đứng ngồi chồng lên nhau, nhà xe thoải mái chém, bắt khách. Ngoài thân hình to cao và cái mặt đẹp, thì tôi mang theo, chỉ có hai trăm mẹ gói gém cần thận và của cả tôi nữa, tổng cộng bảy trăm ngàn - vốn liếng chuyến đi làm ăn đầu đời của một thằng trai.

Sau chặng xe khách từ quê ra, thêm tuyến xe buýt và cuốc bộ, vẫn chưa đến nơi. Hà Nội ồn ào, tàu xe ngược xuôi, người ta phi xe như lao vào nhau, phi lấy được, ngang ganh đua vào chỗ chết. Ô tô, xe máy ganh đua nhả khói, hối hả bóp còi. Chắc họ nghĩ, đi đường, toàn kẻ điếc với người mù. Sợ nhất là lúc sang đường, tim tôi thót lại, nhắm mắt, lao bừa sang, để lại sau lưng những lời nguyền rủa:

- Tiên sư thằng nhà quê! Muốn chết à. Văn Điển chúng ông, chật chỗ rồi.

 

Kệ xác họ, mồm liền tai, tôi học nhanh được cách cư xử  của dân kẻ chợ.

Chúng tôi rẽ vào một ngõ hun hút sâu, đường nhớp nháp nước. Người cảm thấy bết bát, chỉ ước được lăn kềnh ra làm một giấc. Rồi cũng nghe tiếng thằng Việt:

- Đến rồi!

Thở phào nhẹ nhõm. Thôi rồi, đã đến! Sau bức tường cao là mấy dãy nhà cấp bốn, lợp phi bờ rô xi măng thấp tè, ngăn nhau ra thành từng ô, như trại lính. Một bể nước tướng và giáp đó là căn nhà đái, ỉa. Mấy dãy nhà, cái cửa mở, cái cửa đóng. Thằng bạn đẩy cửa một căn phòng, tôi theo nó vào. Trong phòng có độ dăm người, kẻ nằm, người ngồi. Chẳng thấy ai đáp lời hai đứa lấy một câu. Thằng bạn thông báo như chốn không người:

- Thằng này cùng quê. Đi làm. Nó sẽ trọ ở đây!

Nói xong, thằng đồng hương vứt bịch cái ba lô lên phản và chỉ cho tôi chỗ giáp ngay bên cạnh. Dãy phản gỗ liền kề, chạy suốt tù tì gian nhà dài chừng chục mét. Chỗ có chiếu, chỗ không, những chiếc chiếu tua rua rách, lên nước đen sỉn màu mồ hôi.

- Mỗi ngày trả 10 ngàn. Trả tháng thì bớt hai ngàn. Tối lão chủ đến thu. Thiếu một đồng, lão chửi cho ủng mả!

Sao lúc này nó chả vênh vang như khi nói ở bữa rượu quê, kiếm tiền Hà Nội dễ như bỡn. Nó nằm ườn ra và một tý đã ngáy o o…

 

Tôi lơ ngơ ngó qua cửa sổ. Ở mảnh đất choen hoẻn này, gia chủ vẫn hào phóng để lại khoảnh đất trồng cây khế. Nhìn cây khế, tôi lại nhớ nhà, nhớ cây khê cuối vườn. Cây khế trĩu trịt những quả là quả và vàng ươm. Khác với cây khế nhà tôi, cây khế kia toàn lá là lá, không thấy bóng dáng  quả nào, kể cả quả non. Chắc đám người trọ, ra quả nào, vặt trụi quả đó. Nhìn cây khế, tôi lại nhớ tới cha mình, ông giáo hưu non. Thày tôi nghỉ hưu được dăm năm. Cái nghề giáo để lại cho ông căn bệnh phổi. Chữa chạy bao năm không khỏi, cứ húng hắng ho, cứ đờm rãi nhổ. Từ khi đau ốm nặng, không mấy khi thày tôi rời khỏi căn buồng chật hẹp, tối tăm. Phần nghèo túng của nhà tôi cũng do phải thuốc men, viện phí chạy chữa cho ông.

 

Thày tôi, một ông giáo được xóm làng kính trọng. Dân làng một điều ông giáo, hai điều bà giáo. Ông là người kiệm lời, mực thước, một ông giáo làng. Những điều ông hay rủ rỉ, răn dạy con cái: “Sống phải có trước có sau. Sống phải nhân đức. Sống phải ngẩng cao đầu, không gì mà hổ thẹn….”

 .
Tại sao lúc này, trong căn nhà trọ tềnh toàng, tôi lại nhớ tới lời khuyên dạy của ông – Không có gì… hổ thẹn. Dù hai lần con trai thi trượt đại học, tôi biết, ông vẫn hy vọng, con trai thi tiếp. Rồi ông im lặng, không biết trả lời thế nào, khi tôi bảo: Nếu thi đậu, sẽ sống bằng gì, học phí ở đâu. Dáng ông trước hôm tôi đi, yên lặng ngồi, đờ đẫn nhìn ra sân. Bao hy vọng của ông về đứa con trai ngoan hiền, học giỏi, mà nay đành lơ ngơ ra Hà Nội kiếm việc. Khốn khổ lắm đấy, ông biết, dù có nghe thằng Việt nói, tiền kiếm dễ như bỡn. Chắc thày tôi bất lực, im lặng nhìn thằng con ra đi làm cửu vạn.

 

Quê tôi vùng chiếm trũng, sống ngâm da, chết ngâm xương. Nhà tôi giờ thành nông dân không ruộng đất. Giữa quê lúa xanh rờn, mà nhà không tấc đất. Cha tôi dân giáo học, loại không được chia, giao ruộng; chỉ có mẹ, chị và tôi được chia. Tổng cộng ba sào. Bỗng dưng cái doanh nghiệp may mặc nước ngoài ào ào về cắm đất, ào ào về liên doanh đầu tư xây dựng. Khoảnh ruộng nhà tôi nằm trọn trong khu công nghiệp liên doanh ấy. Nghe nói, liên doanh bồi thường mỗi sào 36 triệu. Không hiểu sao, về đến tay dân, chỉ còn 12 triệu. Sau vụ bồi thường và giải phóng mặt bằng, mấy dân làng bị bắt, bị tòa xử và đi tù, tội chống đối người thi hành công vụ, rồi cả gây mất trật tự và tý nữa không được khoản bồi thường. Lần ấy, tôi định cầm dao, lao đến nhà lão chủ tịch xã, đâm cho hắn một nhát. Mẹ tôi quỳ xuống, khóc mếu, van xin thằng con là tôi:

- Mẹ xin con!

Tôi khóc lặng, nuốt nước mắt và căm hận trào lên vào lòng.

- Mẹ… mẹ ơi!

Số tiền bồi thường vừa đủ cho chuyến cha tôi nhập viện, bệnh nặng vì cảnh nhà nhận bồi thường, mà ông con trai cứ nhăm nhăm đòi đi đâm người, suýt còn mắc vào vòng tù tội.

 

Hà Nội ồn ào quá, náo nhiệt quá. Mới tờ mờ đất, ngõ đã inh ỏi tiếng xe và còi máy bim bim, công thêm cái đài phường oang oang tuyên truyền về chính sách kinh tế - xã hội, rồi an ninh trật tự, diễn biến hòa bình, đặt vòng tránh thai, hiến máu nhân đạo, …. Dân trọ làu bàu chửi cái loa phường, nó làm họ tỉnh giấc. Mắt nhắm mắt mở, tôi loạng quạng theo thằng Việt ra bể nước. Không xô chậu, không bàn chải, hai đứa vục tay vợt nước xúc miệng, rửa mặt. Bên cạnh, khu nhà đái, tiếng kêu ồ ồ và khai nồng.

- Đồ đạc có gì quý, mang theo. Nhất là tiền ấy. Mà có đếch gì quý!

Giọng thằng bạn đay đả. Ô hay, sao nó lại khó chịu với tôi. Chính nó chẳng hênh hoang, Hà Nội xúc tiền dễ như bỡn.


Nơi xúc tiền thằng bạn rắt tôi ra là chợ người Giảng Võ.


Mưa xuân lất phất. Chợ người vắng teo. Đầu năm, ai đã mướn gọi. Chợ chỉ có mươi người, toàn dạng người không ra ngợm, èo uột, xanh mướt, quê một cục, mắt hong hóng đợi khách. Thằng bạn dấm dẳng giải thích, khi tôi hỏi nó, làm gì:

- Làm tất. Bốc vác, dọn nhà, chùi rửa, ….  đít cũng rửa!

Tức là làm tuốt.

Rét và đói. Bữa sáng làm ổ bánh mì ở đầu ngõ, đứng hóng khách gần ba tiếng, chẳng ma nào thuê mướn. Còn dạ dày bắt đầu lên tiếng.

- Thôi! Kiểu này chẳng có chó nào đâu. Đi ăn, rồi về khểnh.


Tiếng thằng đồng hương. Buổi xúc tiền đầu tiên của tôi là hai đứa kéo nhau vào quán, làm hết chai rượi, cùng bát tiết canh đỏ lọng, đĩa lòng và hai đĩa bún tú hụ. Tổng cộng hết bốn chục, chia đôi, mỗi thằng một nửa, dù là đồng hương làng, đồng hương xóm, vẫn sằng phẳng. Công nhận lòng lợn, tiết canh Hà Nội ngon thật. Lòng thì trắng hồng, ròn sừn sựt như sụn; tiết đỏ au, rắn thành cục, xắn, nhấc lên được. Chỉ phải bà bán hàng chửi khách như chửi chó và khinh khích cười, khi ai đó khen đểu cặp đào tiên của mụ. Đúng là cặp đào tiên của bà này thây nẩy, đùn đầy ra một ngực.

 

Người Hà Nội đến lạ, đàn bà, con gái, từ già, chí trẻ, rất thích khoe ngực hở, bụng hở và cả đùi nữa, trắng tơn tởn như lợn cạo. Tôi mới đầu nhìn cũng ngượng, chỉ dám liếc trộm, sau lâu thành quen, đâm ra bạo, đứng đón khách, cứ trừng trừng nhìn, cùng ngắm...

 

*

Trở lại buổi đầu săn việc của tôi.

Ngày săn thứ hai.

Ngày săn thứ ba.

….


Y như ngày đầu, chẳng ma nào gọi. Người ta bảo, đầu năm dân Hà Nội đi lễ chùa Hương cầu lộc, đi hội bà Chúa Kho vay tiền, … nên chẳng ai phá nhà, sửa cửa, chúng tôi đâm thất nghiệp.

Bảy trăm ngàn mang theo, cứ mỗi ngày vơi bớt đi hai, ba chục. Tôi lo lắng, sốt ruột. Đúng là cũng có một vài bận kiếm được việc, đến thông và lau chùi nhà vệ sinh tắc. Chắc Tết nhất ăn nhiều qúa, đâm tắc cống; rồi vụ bê gường tủ từ tầng bốn, tầng năm xuống, trong vụ ly hôn, vợ chồng nhà nọ chia tài sản,…. Vụ ly hôn, tổng cộng tôi vớ được hai trăm. Bà chủ còn khuyến mại tấm bánh chưng xanh. Lâu ngày để trong tủ lạnh, nó cứng nhắc. Giờ vợ chồng bỏ nhau, chả ai còn tâm trạng ăn uống nữa.

 

Thằng bạn tôi, đôi bữa thấy biến đi đâu đấy. Nó đi đâu nhỉ? Tôi thoáng nghĩ, mà không dám hỏi. Trong một bữa ngồi quán, thằng bạn thầm thì, việc kiếm tiền của nó, bảo địa chỉ, cả phố, cả số phòng cho tôi. Cái phố ấy tôi biết, một lần đến đấy cửu vạn. Nghe nó mách, tôi đờ mặt, đỏ lên vì ngượng.

 

Ở quê, tôi biết chuyện ấy, nhưng là của lợn. Người ta nuôi con lợn đực, to cỡ một, hai tạ. Giống lợn Tây trắng nhởn, bừu dái to lủng lẳng đến mấy cân, thỗn thện bước. Ông nái lợn nón trên đầu, tay nọ cầm roi tre vung vẩy, tay kia nắm dây thừng chòng cổ con lợn, rong khắp xóm, rều rễu rao:

- Lợn nhảy đi! Nhảy lợn đi!

Nhà nào có lợn động hớn, muốn nhảy, thì gọi vào. Giá một lần nhảy, một trăm. Xua con lợn đực vào chuồng, vừa nhìn ả lợn cái, nó đã phăm phăm nhảy. Còn ả lợn cái thì ỵ ra, đứng chịu đực. Mắt lim rim, y như mặt đàn bà ấy. Trẻ con, người lớn xúm vào xem. Đại ý lợn nhảy là vậy. Ngoài lợn nhảy tươi, còn thứ tạo lợn con nhân tạo. Quê tôi, nẻo đường nào chẳng thấy treo biển rao: Đây, bán tinh lợn ngoại. Thấy bảo, con lợn đực được nuôi ăn sướng lắm, toàn rá đỗ non với trứng gà tươi. Lợn mà sướng thế, bồi bổ hơn cả người.


Không phải thằng bạn bảo tôi đi nhảy lợn, nó bảo việc khác cơ, cũng không phải nhảy người.

Trời vẫn mưa xuân. Mưa như vậy chợ người ai mua bán. Giữa tháng hai rồi, tôi vẫn cơ bản nằm khan ở nhà trọ. Số tiền mang theo, chẳng còn đáng bao nhiêu. Càng nằm, càng lo… lo đến thắt ruột, rỗi việc, lại mang tiền ra đếm lúc ấy. Đầu óc tính toán, lẩm nhấm cả ra mồm. Càng tính đếm, mỗi ngày số tiền càng vơi hụt. Thấy tôi tính đếm nhiều quá, thằng Việt phát bẳn, gắt:

- Đếm c… gì, mà lắm thế.

Nói rồi nó bỏ đi. Chả rõ đi đâu. Còn lại một mình, tôi lại nghĩ đến chuyện thằng Việt mách cách kiếm tiền. Hay nó đang đi kiếm tiền kiểu ấy.

 

Ngày thứ nhất, thứ hai,…. thứ bảy, thứ tám, sau hôm thằng Việt thì thầm, mách việc cho tôi, mưa xuân vẫn rơi, vẫn lất phất, vẫn lâm thâm. Nằm khan, ngó mưa rơi, tôi chợt nhớ tới bài thơ của ông nhà thơ Nguyễn Bính:

 

Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,

Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,

Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.


Thấy bảo ông nhà thơ này chết vì đói, chết vì rét, ngã rúi xuống cầu ao mà chết. Thương thay cho ông ta. Thương người, lại nghĩ đến số kiếp mình, hơn gì mấy ông ta.
Nhà trọ vắng tanh, chẳng rõ mọi người đi đâu, chỉ tối tối mới quần tụ về. Về là ngủ, hoặc cấm cảu, cắn chí nhau vì những chuyện không đâu.

 

Công việc mà thằng bạn mách, thỉnh thoảng lại lởn vởn trong đầu óc tôi. Cuối cùng, tôi quyết định… đi. Nơi tôi đến, dù là tiết xuân mưa lất phất, người người vẫn đến đây tập nập. Nào người đi đẻ, nhưng bà bầu ngỗn ngện bụng, nào người nhà tháp tùng. Rồi đám nạo thai, vì vỡ kế hoạch. Già có, trẻ có. Đám gái mới mười bốn, mười lăm cũng vỡ kế hoạch, mang bụng đến đây nạo vét. Đứa thì nhí nhảnh, váy áo tũn tỡn dìu bước cùng người yêu, đứa thì ỉu sìu, thân nữ một mình.

 

Tôi đến đây không phải vì nạo thai, đàn ông, ai chửa đẻ được.

Nơi đông vui vậy, hóa ra lại may. Nếu không, tôi chỉ còn nước chui đầu xuống đất giấu mặt vì ngượng. Tôi cũng không phải hỏi han ai, tự mò được địa chỉ cần tìm kia. Căn phòng cửa nửa đóng, nửa mở, treo lơ lửng tấm vải hoa. Bước vào phòng, thoáng nhìn thấy dăm người đang chờ: một ông chừng bốn mươi, ăn mặc nhếch nhác, dáng vẻ dân xe ôm; một vị trẻ hơn, khoảng độ hăm hai, hăm ba, mặt trắng nhởn, cộng thêm cặp kính ba, bốn đi ốp, rõ là dân có chữ, chắc một cậu chàng sinh viên; một người nữa… Tôi ngượng, không dám xoi mói tiếp, cụp mắt xuống. Âm thầm tôi chọn chiếc ghế trống, ngồi vào đấy. Tôi cố nghĩ, cố lẩm bẩm để đủ can đảm ngồi đợi: "một trăm ngàn, một trăm ngàn đồng,..."

Được một lúc có người đàn ông bước ra. Ông ta mặc áo blu trắng - nghề y. Ông ta nói gì đó, nghe như là phiếu ấy. Mấy người kia đồng loạt đưa tấm bìa ra cho ông ta. Đến lúc ông này giơ tay về phía tôi, tôi ấp úng. Ông ta như hiểu ra:

- Lần đầu hả. Thế thì kiểm tra, khám. Đợi ý nữa...

Thu phiếu của mấy kẻ kia xong, ông ta quay vào phòng. Chỉ thoáng nghĩ tới khám, kiểm tra, tôi rùng mình. Người ta sẽ lột trần, lột truồng tôi. Hình ảnh con lợn đực thỗn thện, bừu dái ngỗn nghện, nhảy lên con lợn cái và người người nhua nhúa đứng xem, tôi tá hỏa. Ngó trước, nhìn sau, không thấy ai để ý đến mình, tôi đứng lên, chuồn nhanh. Thôi, tôi không dám khám đâu, không dám khám để bán tinh – cái mà người ta vẫn gọi, thụ tinh nhân tạo, công việc do thằng bạn mách cho, một trăm ngàn một bận.

 

Tưởng việc ấy rồi quên, mà nó cứ ám ảnh. Hai, ba tuần sau khi đứng đón khách, nghe mấy kẻ ở chợ Giảng Võ kháo nhau, chuyện đi bán máu, tôi rùng mình, lại nghĩ vụ đi bán tinh hụt của mình. Nghe họ nói, bán máu một lần 250 ml được trăm rưỡi. Anh bạn chợ người vốn đứng gần tôi, hướng dẫn tận tình phương cách bán máu, địa chỉ bán máu: Viện C, Viện Huyết học, Viện…. Cậu ta bảo, lấy phiếu loại màu xanh - loại phiếu được trả tiền. Cậu ta hướng dẫn thêm: Mua hộp thuốc sắt, mà bồi bổ, chỉ có bốn ngàn. Rồi mỗi tháng, bán mấy lần. Sau khi kiểm tra máu xong, tếch ra ngoài làm bát phở, cố uống lấy vài cốc nước đá, tốt nhất là  nước muối nhạt, đỡ mệt, mà dôi máu. Kiến thức dồi dào vậy, mà chính cậu ta có bận vừa bán xong, ra đến cửa, lăn kềnh ra ngất. Đi bán máu, chắc chắn không ngượng, nhưng nghe chuyện cậu ta ngất, tôi phát khiếp. Thôi, dù chết đói, tôi cũng không dám đi bán máu.

 

Giữa tháng hai, đầu tháng ba, dạo này, mưa đã ngớt, tôi túc tắc có việc, kiếm đủ sống và dư dư chút đỉnh, gom góp gửi về nhà.

 

Chiều đó quãng ba giờ, tôi đang gà gật đợi khách. Buổi sáng được khách gọi - chuyển gạch vữa lên tầng tư. Làm từ 8 giờ đến 12, mỗi đứa được một lít. Khuân vác xong, anh em rủ nhau vào quán lòng lợn tiết canh, mỗi người xơi vài chén, chiều đâm buồn ngủ. Đang lơ mơ, chợt có tiếng xe tạt vào, choàng mở mắt. Hóa ra là thằng bạn học phổ thông. Nó ngoắc miệng cười, hất hàm bảo, nhờ tôi, nên nó được con đề hơn triệu. Chả là hôm trước, vô tình thằng bạn thấy tôi đứng ở đây. Thằng này số may, ngay năm đầu thi, đỗ luôn đại học, hiện học năm thứ ba trường Nhân văn. Hồi cấp ba, tuy khác xã, nhưng tôi và nó chơi khá thân với nhau. Thằng bạn rủ tôi đi cà phê. Trong lúc hàn huyên, nó lại nhớ và nhắc, hôm ấy là sinh nhật của tôi. Tôi, thân phận thằng cửu vạn, sinh nhật sinh nhẽo làm gì cho rách việc. Kể cả đến việc nhớ, tôi cũng chẳng thiết nữa. Tối về, thằng bạn làm con đề. Đảo ngược, quay xuôi ngày sinh của tôi, nó trúng luôn. Nhờ cái lộc ấy, nó quay lại, rủ bạn đi uống.

 

Ngồi sau xe, tôi nghe nó huyên thuyên đủ chuyện, tâm trạng phấn khởi của thằng trúng đề. Xe tạt vào quán bia hơi ồn ào ở một phố lớn, mỗi đứa làm dăm vại, ăn đến mấy đĩa rau muống xào thịt trâu và vó bò luộc. Mặt thằng bạn đỏ tía như gà chọi. Thanh toán xong, tôi trèo lên xe, tưởng nó trả về khu trọ, thằng bạn lại đèo tuột đến quán mát sa. Giọng thằng bạn oang oang, làm chầu mát sa và cười hềnh hệch, loạng choạng bước. Nể bạn quá, tôi không tiện từ chối. Ra Thủ đô kiếm tiền, nhiều lần nhìn và nghe mát sa gie, nhưng đây là lần đầu tiên thằng tôi bước chân vào đây. Cái giống lao động, lại lao động phổ thông chân tay, quần quật vận động suốt ngày, gân cốt việc gì phải mát sa mát gần cho giãn.

 

Thằng bạn mua hai vé, mỗi vé một lít, khật khưỡng nó kéo tôi lên gác. Qua cầu thang nhỏ xíu và dốc ngược, tầng hai là căn phòng rộng chừng 50 mét, chia thành từng ô, ngăn cách nhau bằng tấm ri đô lửng. Vừa bước vào phòng, mấy cô mắt xanh mỏ đỏ ngó ra, rinh rích cười, chào mời khách. Hình như thằng bạn là khứa quen, một em vừa tý tởn ngó ra, thằng bạn đã quàng cổ, hôn đánh chụt và vỗ đét một cái vào mông cô nàng. Cô hàng mát sa ré lên cười, cả hai như ngã kềnh sau tấm ri đô. Tôi cũng được một cô em, phải gọi là chị mới đúng, dù chị ta cố bôi trát phấn son, vẫn không giấu bớt tuổi tác, kéo tuột tôi vào gường. Tôi chả dám nhìn ngắm mặt chị ta, chỉ đăm đăm ngó tấm ri đô.

- Ơ kìa, anh trai, à em trai… cởi ra chứ!

Tiếng chị mát sa gie. Không đợi tôi, chị ta đưa tay cởi phắt hàng cúc, lột áo và kéo xoẹt luôn phéc măng tuya quần, tiện thể hất bàn tay, mà theo phản xạ của thằng trai, tôi giơ ra giằng giữ…. Chị ta khúc khích cười. Tôi còn độc chiếc quần đùi. Ngượng thay cho chiếc quần của tôi, vừa cũ, vừa bẩn. Xoay người, tôi úp mặt xuống gối. Bàn tay chị mát sa cứ tự nhiên xoa vuốt tấm lưng trần của tôi, rồi nắn bóp cổ, nắn bóp vai, nắn bóp mông, nắn bóp đùi,…. Thằng trai tôi ngượng chín cả người, úp mặt, vùi thêm sâu vào gối. Chị hàng mát sa đang nắn vuốt mông, bất ngờ kéo tuột quần của tôi. Quá bất ngờ, thằng trai tôi chỉ kịp giơ tay giữ hụt. Quần cũ mủn, kịp nghe tiếng rách đánh xoẹt và nhà chị mát sa cười lên sằng sặc:

- Em trai. Hôm nay chị phá trinh cho nhá.

Tiếng cười, nói nhao nhao của các cô nàng nhân viên mát sa mấy giường giáp xung quanh.

- Trai tân à, phá, phá…..

Tiếng cười, nói đồng loạt rú rít, có cô còn nhón chân, ngó sang xem.

 

Tôi chỉ còn biết cắm mặt sâu thêm vào gối. Không lẽ tôi, một thằng trai, nhồng nhỗng chạy....?

Ngày ở quê, tôi đã nhiều lần tò mò nhìn ngó gia súc, gia cầm giao hợp, giao phối. Con gà trống hồn nhiên cùng cục, mỏ giữ hờ hòn sỏi. Nó lừa con mái, lượn vài vòng, rồi bất ngờ… nhảy. Động tác ấy của gà, người ta gọi là đạp - đạp mái. Gà trống chưa đạp, gọi là gà trống tơ, như dạng loại tôi bây giờ - gọi là trai tơ. Tôi cũng nhiều lần nhìn thấy chó… đi tơ. Con đực, con cái, giữa ban ngày ban mặt, hồn nhiên ăng ẳng giằng kéo nhau. Có lẽ trong các loài vật, thì chó là giống yêu nhau khốn khổ nhất, ăng ằng, đau đớn giằng kéo nhau ra. Lắm khi hai con chó đang yêu, lũ trẻ ríu rít đứng xem. Một bận, có thằng bé chạy về nhà, bốc nắm tro bếp, tung vào đấy…..

 

Không ngờ rằng, hai mươi mốt tuổi, tôi bị cưỡng hiếp thành đàn ông, thành đàn ông bởi nhà chị mát sa, kiêm nghề nghiệp ca ve. Tôi không còn trong trắng của thằng trai quê nữa.

 

Ngay chiều hôm ấy, vào lúc nhọ mặt người, thằng Việt lầm lũi vác cái mặt sưng vù về nhà trọ. Môi nó đỏ tấy, sưng húp, còn trán u lên một cục tướng bằng quả ổi. Hỏi tại sao, đã không thèm trả lời, nó còn văng tục, rồi lên giường cuộn tròn, trùm kín chăn ngủ. Đám bạn trọ thì thầm, thằng Việt cửu vạn cho một nhà. Trong khi gia chủ không để ý, nó khuấng được cái ví. Sau gia chủ phát hiện, khám túi, bắt tươi tang vật. Lũ con nhà chủ xúm vào táng cho thằng Việt một trận lên bờ xuống ruộng. Tối ấy, tôi thì mới bị cưỡng hiếp thành đàn ông, lữ lả, nằm xuống là ngủ như chết, ngủ đến tám chín giờ sáng hôm sau mới dậy. Nhìn sang giường thằng Việt, không thấy nó đâu nữa, không thấy cả đồ đạc của nó nữa. Thằng này đi đâu nhỉ, hay về quê, hay chuyển nhà? Sao nó không bảo tôi lấy một câu. Tôi đâm bơ vơ, không biết đi hay ở.

 

Ăn sáng ở quán đầu ngõ xong, móc ví ra trả tiền, tôi giật mình, ví rỗng không. Trời ơi, thằng đồng hương trời đánh, đã khoắng sạch tiền của bạn.

 

*
Câu chuyện buổi ban đầu đi làm ăn xảy ra đã dăm, bảy năm rồi. Giờ tôi không trọ ở xóm nghèo tồi tàn ấy nữa. Tôi đã có nhà riêng, tuy không rộng rãi, nhưng có chốn đi về. Sau bao tháng ngày vật lộn kiếm sống, tôi - thằng trai quê thành kẻ dày dạn kinh nghiệm, khối công việc để xúc tiền... kiếm không phải năm triệu, mà mười, mười lăm triệu, hay còn cao hơn nữa. Công việc lại nhàn tản, sáng sáng nhâm nhi tách cà phê, thả hồn theo làn khói thuốc, nhấn, nghe điện thoại và tối tối, dập dìu tiếp khách ở một vũ trường, hay nhà hàng nào đó. Đôi khi tôi còn bay cùng khách vào Nha Trang, Vũng Tàu, phơi mình trên bãi biển lộng gió, sóng và nắng. Nay về quê, tôi là cậu trai đẹp mã, sành điệu trong  bộ đồ hàng hiệu, dây chuyền lủng lẳng, tóc nhuộm hai lai và mới đây thôi, sang trọng trong con xe hơi đời mới, hai chấm, trắng muốt. Giờ trong mắt dân làng, tôi là người phố, người Thủ đô chính hiệu. Họ ngưỡng vọng, thèm thuồng nhìn theo, thì thầm ao ước và cả chửi rủa, ghen tị nữa.

 

Con trai thành đạt, thày tôi chả ra mừng vui. Chỉ đôi lần ông thủng thẳng: Đói cho sạch, rách cho thơm con ạ. Lừa đảo, trộm cắp, làm ăn thất đức, chả lâu bền đâu.

Tôi có trộm cắp, làm ăn thất đức đâu. Im lặng, thằng trai tôi không đối lại ông bố già giáo học.

Sau buổi thằng Việt nẫng sạch tiền và bỏ đi, tôi không gặp lại nó nữa. Về làng, loáng thoáng nghe đồn: thằng ấy vào Nam; nó hình như nghiện; rồi trộm cắp;... Tưởng chả bao giờ gặp lại, đúng buổi từ một nhà hàng sang trọng tôi đang  cùng khách rập rìu bước ra, thằng cô hồn kia sừng sững chặn lại. Hềnh hệch nó cười:

- Ô kia, chào đồng hương. Làm ăn khá giả quá. Nhớ thằng bạn này không? Ân nhân…

Một thằng người nghiện, tong teo, ngoắc mồn ra ngáp vì đói thuốc. Tôi rơi vào tình thế khó xử, chỉ còn nước rút ví, móc tờ trăm ngàn, ném thằng vào mặt nó, kèm theo lời cảnh cáo:

- Cạch mặt tao ra nhé. Ân nhân gì hạng mày. Quân ăn cắp!


Thằng Việt trả thèm đối lời tôi. Cúi xuống, nó nhặt nhanh tờ tiền. Thằng nghiện hềnh hệch cười, bông dưng xoáy được tiền đi hít. Rồi chuyện tôi cũng quên, bởi hơi sức đâu nhớ thằng người làng nghiện. Giờ dân nghiện hút đầy.

 Tôi vừa có chuyến làm ăn ở bãi biển Nha Trang. Khách đi cùng là bà chị sồn sồn, tuổi chừng ngoài bốn chục. Lúc đi vội, tôi quên mang theo chiếc sạc pin, điện thoại mang theo thành vô dụng. Nghĩ, càng đỡ mệt, khỏi nheo nhéo quấy rầy. Sau cả tuần tắm biển, rong chơi, ăn nghỉ phố biển, bay ra Hà Nội, tôi ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Chín giờ sáng hôm sau, vẫn còn ngon giấc, thì bị điện thoại khua tôi dậy. Nhìn số gọi đến, tôi giật mình, điện thoại từ quê. Vội vàng bấm máy, tiếng chị tôi thổn thức:

- Cậu đấy à. Sao cả tuần… gọi mãi không được. Thày... thày mất rồi…!

Thày tôi mất rồi sao? Tôi rụng rời chân tay.

Trong bãi tha ma, người khuất đã mồ yên mả đẹp. Thắp nén nhang cho bậc sinh thành, lòng tôi thắt lại. Giá mà… giá như… Chị gái đứng sau lưng, thút thít khóc, đứt quãng, nói không liền mạch:

- Tại ….cậu, mà thày… mất đấy!

 

Trời ơi, sao lại là tôi? Tại sao tôi là thủ phạm gây ra cái chết ông?

Thằng cô hồn nghiện ngập kia về rêu rao khắp làng, công việc của tôi – công việc kiếm tiền của tôi.

Gái làng ra phố làm ca ve, làm gái, thì đầy, nhưng làng tôi, trai bao, đĩ đực, thì mới có tôi là một.

Thày tôi chết …. vì nhục./.

Trọng Huân
Số lần đọc: 2530
Ngày đăng: 20.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Còn nỗi buồn đau nào hơn? - Trần Minh Nguyệt
Giải hạn - Bùi Công Thuấn
Hoa gạo đỏ thắm - Nguyễn thị Minh Hương
Cái cổng ngõ - Dương Phượng Toại
Đêm ở biển - Hồ Ngạc Ngữ
Một chuyện có thật chẳng ai tin - Từ Nguyên Thạch
Mái ấm - Phan Bích Thủy
Tôi cưới vợ - Trọng Huân
Chương trình Operation baby lift - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện ở một ngôi trường - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Kỷ niệm thơ (truyện ngắn)
Lỗi em (truyện ngắn)
Bức hoạ (truyện ngắn)
Thật Mặt (truyện ngắn)
Nhân cách đói (truyện ngắn)
Mất ngựa (truyện ngắn)
Kẻ trông chùa (truyện ngắn)
Ao làng (truyện ngắn)
Khóc nghề (truyện ngắn)
Khi người ta đói (truyện ngắn)
Kỷ vật (truyện ngắn)
Ngõ xóm (tạp văn)
Con nhà sẩm (truyện ngắn)
Hoài niệm... (tạp văn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Cuốn sổ tay (truyện ngắn)
Chuyển nhà (truyện ngắn)
Số kiếp…! (truyện ngắn)
Tôi cưới vợ (truyện ngắn)
Chết… vì nhục (truyện ngắn)
Làng ma (truyện ngắn)
Đêm tân hôn! (truyện ngắn)
Thằng đói (truyện ngắn)
Viếng ma (!) (truyện ngắn)
Vĩ nhân (truyện ngắn)
Cúc ơi! (truyện ngắn)
Hoa cúc quỳ (truyện ngắn)
Sống gửi... (truyện ngắn)
Ông sư… (truyện ngắn)