Một năm, trong tiến trình văn học, thường không có ý nghĩa đặc biệt nếu không nén chặt các sự kiện nghề nghiệp quan trọng, mà không phải năm nào cũng có được duyên may đó. Sự vận động lành mạnh của đời sống văn chương là một dòng chảy ngầm, không phải bất cứ lúc nào cũng bộc phát; tiềm tàng nhiều khả năng và khó dự đoán, như vậy, sự mô tả nó cũng chỉ giống như phần nổi của tảng băng, mang tính chất ước lượng, ước định, chứ không phải sự phán xét. Năm 2009 ẩn chứa những cơ hội sau chót của tiến trình thập kỷ đầu tiên những người viết văn bằng tiếng Việt tiếp tục lối đi mới của mình, cũng là một năm của những căn bệnh chưa có cách khắc phục lâu dài.
Công bố tác phẩm:
Công bố tác phẩm không chỉ là ghi nhận kết quả lao động của nhà văn và hệ luỵ việc “cấp phép”, mà còn là một cách đo thân nhiệt đời sống xã hội, thẩm mỹ văn chương. Ở trong nước, tiểu thuyết đầu tay của tác giả Nguyễn Nguyên Phước, Thời hiện tại, không kịp ra mắt vì các nơi cấp phép đều lắc đầu lè lưỡi với tình tiết người cha dẫn con đi chơi gái ở khu Geilang để mừng sinh nhật lần thứ 17, cũng là sinh nhật cuối cùng của cậu người cha còn có mặt trên đời- mặc dầu đây là chi tiết văn học về ký ức ám ảnh của nhân vật, chứ không phải sự mô tả vật thể. Sự kiện này cho thấy, trong khi một vài người viết ở Việt nam bắt đầu tỏ ra tiếp cận được xu hướng mô tả ý niệm ( conceptual ), thì đa phần người đọc vẫn đọc để tìm kiếm sự mô tả vật thể - điều gì đã xảy ra “ngoài đời thực” và được “phản ánh” vào tác phẩm vậy?
Khoảng cách giữa nhận thức thẩm mỹ của người đọc trong nước với các khuynh hướng sáng tác hiện đại, đương đại trên thế giới đang là một rào cản đối với việc xuất bản tác phẩm và ghi nhận những đóng góp về mặt nghề nghiệp của một số nhà văn có lối viết mới.
Tác giả Nguyễn Ngọc Tư công bố liên tiếp hai tập truyện vừa Gió lẻ và Khói trời lộng lẫy, tiếp sau tập truyện vừa Cánh đồng bất tận. Dù có trải dài chuyện kể trong phạm vi không gian, thời gian địa - vật lý xa, dài, rộng hơn, dựng nên những nhân vật với các biến cố bi thương hơi quá mức, mà qua đó có thể nhận ra người viết gửi gắm một tham vọng khái quát, khắc sâu về hình ảnh đời sống nhân sinh, thì truyện vừa của Nguyễn Thị Ngọc Tư vẫn chỉ dừng ở những lối ám dụ, ẩn dụ quen thuộc ( buồn nôn, mất khả năng nói, lang thang kiếm tìm ký ức… trong Gió lẻ ), những liên tưởng kiểu ngụ ngôn ( người chộp bắt khoảnh khắc hiện sinh để lưu giữ tại bảo tàng, trong Khói trời lộng lẫy ) đặt xen lẫn với những sự kiện được khai thác ở mức độ vật thể ( bầm dập, trôi dạt, bị cưỡng bức… trong Gió lẻ, sinh con hoang, cô độc, đơn độc gánh sứ mạng… trong Khói trời lộng lẫy - cùng lắm thì cũng chỉ gán được cho các sự kiện này thêm tính chất ám dụ mà thôi ); mà thiếu sự xuất hiện của một vấn đề tâm lý hoặc vấn đề nghệ thuật đủ sức thuyết phục. Tác giả còn chưa vượt khỏi phạm vi các sự kiện rời rạc và ý tưởng chủ quan.
Tiểu thuyết trong nước năm 2009 vẫn không có sự kiện nào thực sự gây dấu ấn trong đời sống văn học cũng như công chúng. Người ta chờ đợi sự tái xuất của lớp nhà văn: Bùi Ngọc Tấn ( Tiểu thuyết Biển và chim bói cá ra mắt 2008 ), Nguyễn Xuân Khánh ( các tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn ) như chờ đợi một lối viết giàu trữ lượng văn hoá, ảnh hưởng rõ rệt văn chương Pháp nửa đầu thế kỷ XX, nội dung dày dặn, tác động xã hội sâu sắc, thấm thía, nhưng có lẽ, sẽ ít hy vọng đột biến về ngôn ngữ văn chương.
Lớp nhà văn thành danh với tiểu thuyết thời kỳ Đổi mới: Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp ( truyện ngắn ), Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Quang Lập… trong số họ, vẫn có những người công bố rải rác các tiểu thuyết tiếp sau trong vài ba năm trở lại đây, nhưng chưa bộc lộ độ chín dày dặn trong chính văn phong, giọng điệu, thi pháp mà họ đã bước đầu tự định hình cho mình. Những tiểu thuyết tiếp sau của các nhà văn bộc lộ sự hoang mang, ngưng đọng trong sáng tạo, mà một phần căn nguyên không phải ở họ, vấn đề này chúng ta còn có dịp quay lại sau đây.
Trong khi việc xuất bản ấn phẩm còn gặp nhiều rào cản mà không phải cứ tác phẩm được nhận định có đóng góp về mặt nghề nghiệp là có thể bứt lên, thì môi trường bình đẳng, không thành kiến về mặt đăng tải của các website văn học tiếng Việt trong và ngoài nước đã tạo ra những cơ hội quan trọng cho người viết. Không bị “vấp” những huý kỵ được áp đặt từ đời sống xã hội, văn chương công bố qua internet tạo điều kiện cho nhà văn đi đến lãnh địa không giới hạn của tư duy và cảm thức.
Những mảnh hồn trần ( Đặng Thân ), Đẻ sách ( Đỗ Quyên ), và Cõi tình ( Nam Dao ) là những tiểu thuyết được công bố trên internet trong năm 2009. Tác giả Nam Dao còn một tiểu thuyết khác, Vu quy, cũng được đăng tải trong năm 2009, nhưng theo người viết bài này, nó có ít điều cần bàn đến hơn Cõi tình.
Cả ba cuốn tiểu thuyết đều thể nghiệm lối sáng tác hậu- hiện đại, chí ít là trên mức độ miêu tả văn bản. Nếu tạm khu biệt lối sáng tác hậu- hiện đại trong hai đặc điểm căn bản về trần thuật, đó là sử dụng liên- văn bản và giải- trung tâm về mặt cấu trúc tác phẩm ( phổ biến nhất là lối truyện- trong- truyện, truyện- và- dư luận giả định ) cũng như ý tưởng nghệ thuật, thì đó mới là sự phân định bề ngoài. Cốt lõi của tư duy hiện đại và hậu- hiện đại là sự nghi ngờ đối với hệ thống khái niệm quen thuộc, bất biến, cũng như sự định hình, định tính về thế giới thông qua “lớp vỏ” vật thể. Nếu xem trần thuật văn học là việc hình dung một cách nghệ thuật về thế giới, thông qua ngôn từ, trở thành nhận thức sáng tạo về thế giới, thì tư duy hiện đại và hậu- hiện đại có thể không là gì khác, ngoài sự nghi ngờ đối với chính những nhận thức và kiểu nhận thức từng có. Giống như Milan Kundera từng khái quát một cách thiên tài về lối trần thuật mới, được tách rời hẳn khỏi hoàn cảnh lịch sử, tác phẩm hậu- hiện đại không trực tiếp đặt ra vấn đề xã hội hay lịch sử nữa, mà trực tiếp đặt ra vấn đề nghệ thuật. Nó xoay quanh tư duy và cảm thức của con người, trực chỉ mô tả điều đó, như mô tả một nội dung không đồng nhất, nhiều phiên bản, không có phán quyết, không kết thúc nổi. Nó là vấn đề nghệ thuật tự diễn tả chính bản thân. Khi mang nội hàm tự diễn tả, như một “đặc quyền”, vấn đề nghệ thuật của tác phẩm đương nhiên được xem là thoát ly khỏi chứng nghiệm và kinh nghiệm đời sống cá nhân, báo hiệu “cái chết của tác giả”.
Mặc dù được xem như một khám phá mới của văn học nửa sau thế kỷ XX, nghệ- thuật- khách- quan- hóa mà ta vừa nói ở trên đây thực ra đã tiềm ẩn trong tất thảy tác phẩm vĩ đại của loài người, từ kinh Veda thời Ấn độ cổ xưa tới Odysse của Homer, từ Thần khúc của Dante cho tới Don Quichote của M. D. Cervantes... Đó là những tác phẩm không chỉ bao hàm chứng nghiệm và tâm thức của một cá nhân, dù là cá nhân vĩ đại chăng nữa.
Xét theo tiêu chí của trần thuật khách thể hóa, thì Cõi tình chưa được xem là tiểu thuyết theo khuynh hướng hậu- hiện đại. Tuy có đan xen các văn bản khác nhau, câu chuyện của “ tôi”, người kể chuyện, những đoạn nhật ký của “ cái tôi” khác, cùng một nhân vật có thể sống qua nhiều không- thời gian vật- địa lý- lịch sử khác nhau, từ Việt nam thời Đổi mới đến không gian huyền ảo phiếm định trong chưởng Kim Dung… nhưng tất cả hợp lại làm từng phần nội dung của một câu chuyện thống nhất mạch lạc trong một điểm nhìn, với những biểu tượng ám dụ, chứ không phải sự liên văn bản khách thể hóa. Nếu như tính chất phê phán- dịch chuyển về mặt tư duy cho phép tác phẩm hậu- hiện đại dung nạp các xu hướng đa tạp về văn phong, chất liệu, từ kỳ ảo ( fantasy ) cho đến tưởng tượng viễn tượng, cho đến lối giễu nhại hài hước, thì lối viết khai thác các vấn đề hiện thực lịch sử, có mục tiêu là thông điệp xã hội, trở nên xa lạ với kiểu sáng tác này. Thông điệp đời sống, thông điệp xã hội chiếm vị trí quan trọng trong Cõi tình cho thấy, nó chưa đạt tới phương thức trần thuật của tác phẩm hậu- hiện đại. Tuy vậy, những trang, những dòng, chương sách ( chiếm đa số ) nhà văn giữ nguyên lối xây dựng hiện thực cổ điển, lại bộc lộ một khả năng cảm xúc hồn hậu, năng lực dụng ngôn trong sáng, khái hoạt, khả năng tổ chức ý tưởng sáng rõ, chặt chẽ, hiệu quả, mặc dầu không phải đã tránh được hoàn toàn sự lộ liễu.
Những mảnh hồn trần cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi tác giả với nhiều dụng công dựng nên những văn bản khác nhau, với điểm nhìn trần thuật khác biệt rõ rệt, phong cách ngôn từ khác biệt trong tác phẩm, nhưng lại chỉ nhằm tới những cách nhìn ( lý giải ) hiện tượng đời sống: nổi loạn của giới trẻ, tình dục, chiến tranh, đạo đức xã hội… Mảng lý thú nhất trong Những mảnh hồn trần bộc lộ giọng điệu sở trường của tác giả: giễu nhại những ảo tượng của đời sống, trong đó có “văn chương”. Tinh quái, ma mãnh, biến hoá từ “ xấu” sang “ tốt”, giữa “dở” và “hay”, “thực” rồi “ảo”, “ thô thiển” và “ tinh tế”… Đặng Thân có vừa đủ cái nhìn nghi ngờ phủ quyết đối với thực tại- tư tưởng tâm thức, tìm trong nó những yếu tố vừa kệch cỡm vừa chính đáng, chấp nhận tính lưỡng phân của đạo đức và tư duy; đây là mảng hậu- hiện đại nhất trong sáng tác của ông. Tuy nhiên, không phải đợi đến lúc viết tiểu thuyết, thơ khách quan của Đặng Thân đã bộc lộ năng lực này rõ ràng, tập trung, dễ nhận biết hơn cả.
Đẻ sách của tác giả Đỗ Quyên thể hiện năng lực theo đuổi sự nhận thức tư duy một cách mạnh mẽ, ở mức độ tổng thể hơn, tác giả có ý thức rõ rệt mô tả biến hoá và thoái hoá của tư tưởng, tâm thức con người như một “nhân vật trung tâm” của tác phẩm. Tuy nhiên, người viết đã dựng nên hơi nhiều những hình ảnh vật thể, quanh quẩn với chúng, cũng như có hơi nhiều bối cảnh “ thực tại” ( chuyện di dân, chuyện làm báo, chuyện yêu đương… ) chỉ để ghim lên đó một số ý niệm nhất định, không phải lúc nào cũng phù hợp, khiến cho bạn đọc khó lòng theo dõi phần quan trọng của tác phẩm. Thủ pháp giễu nhại có lúc bị lạm dụng trở thành pha trò, “suy tưởng về suy tưởng” có lúc còn nặng nề, khô khan, chưa toả được thật nhiều vẻ đẹp sắc nét, trong sáng, thu hút.
Trường hợp tương tự, tiểu thuyết Chân dung cát của tác giả Inrasara ( 2007 ) cũng bước đầu có nội dung phê phán nhận thức, len lỏi trong “dung môi” là cái mông lung huyền ảo của văn tự và triết lý, lịch sử Champa, nhưng cũng bị chìm khuất bởi những thông điệp đời sống mà tác giả để cho vượt trội lên.
Mảng ấn bản ( văn xuôi và thơ ) của những tác giả viết tiếng Việt ở xa đất nước, mặc dù thu hẹp về số đầu sách và lượng phát hành, nhưng vẫn trình làng một số ấn phẩm quan trọng đối với sự nghiệp của từng nhà văn cũng như có ý nghĩa cấp thiết với độc giả. Tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn trong theo dõi và tiếp cận văn bản, xin được đề cập tới nội dung và giá trị nghề nghiệp của các tác phẩm đó trong một dịp khác.
Thơ được xem là thể loại tiền phong của văn chương tiếng Việt trong tiếp cận những khuynh hướng sáng tạo đương thời của thế giới. Tuy nhiên, để có “một niềm kinh dị” đích thực xuất hiện giữa thi đàn Việt những thập kỷ đầu thế kỷ 21 này, thì còn cần một trữ lượng văn hoá sâu rộng, một năng lượng khái quát tư tưởng và cảm thức mạnh mẽ, một tài năng về ngôn từ hơn tất cả những gì đang có, bởi vì những gì chúng ta thực sự có, ở thời điểm hiện tại, chỉ là những tập thơ có đóng góp tích cực cho nghề nghiệp, và sáng tạo ở mức độ đang tích luỹ, chưa nhiều đột biến.
Các tác giả đã định hình về phong cách ở trong nước vẫn tiếp tục trình làng tập thơ mới: Cây ánh sáng ( Nguyễn Quang Thiều ), Và đột nhiên gió thổi, Hôm sau ( Mai Văn Phấn )… Ra mắt một số tập thơ đầu tay của các tác giả đã quen thuộc với bạn đọc qua báo chí, website văn học: Men da ( Huỳnh Lê Nhật Tấn ), Kinh tuyến đen ( Vĩnh Phúc )… Trường hợp đặc biệt, tập thơ đầu tay của Phạm Phú Hải ( 1950- 2009 ), Một hôm núi khóc đến với bạn đọc, trong khi tác giả đã qua đời trước đó ít lâu. Thơ của ông dung dị trong cảm xúc và lối nói, với những hình ảnh sáng tạo, lạ thường, gửi một thông điệp nhân sinh đằm thắm mà không kém phần táo bạo, tuy không thiên về sự cách tân ngôn ngữ nhưng bước đầu phá vỡ thẩm mỹ truyền thống.
Các website văn chương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải đến lớp độc giả tập trung nhất của thơ, tác phẩm mới từ những tác giả quen thuộc, giàu sức viết: Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đức Tùng, Thận Nhiên, Nguyễn Đăng Thường, Đinh Từ Bích Thuý, Phạm Tường Vân, Đinh Thị Như Thuý, Mai Văn Phấn, Đỗ Quyên, Lê Vĩnh Tài, Trần Hữu Dũng, Hoàng Vũ Thuật, Lưu Diệu Vân…
Mặc dầu mỗi tác giả có một phương thức khác nhau trong mở rộng liên tưởng và tạo lập hình ảnh cho thơ, có thể thấy khuynh hướng nổi trội của dòng thơ Việt năm qua vẫn dừng ở đan xen sự dịch chuyển các cảm giác với những dao động của suy tưởng, làm xa rộng thêm biên độ tưởng tượng, tiến gần hơn cõi vô thức để hắt bóng từ một tầm xa hơn, quy chiếu rộng hơn, đến những vấn đề của nhận thức. Đây là khuynh hướng kéo dài trong thơ Việt từ khoảng hai chục năm trở lại đây, đem lại những thành tựu nổi bật với các tác giả : Du Tử Lê, Tô Thuỳ Yên… được tiếp nối một cách sinh động với Inrasara, Nguyễn Quang Thiều, Trần Nghi Hoàng, Đỗ Quyên, Lê Vĩnh Tài… Bên cạnh đó là khuynh hướng mới bắt đầu hình thành rõ nét, với ngôn ngữ tối giản, thông báo, tập trung sức biểu đạt trong cấu tứ, khai thác những vỉa ngầm của tri thức, có khi là tri thức gần gũi với huyền nhiệm tâm linh, với các tác giả: Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Đăng Thường, Thận Nhiên…
Sự kiện khép lại năm 2009, có lẽ cũng là sự kiện quan trọng để lại dấu ấn chưa từng có trong đời sống văn học nước nhà, tính từ vài chục năm trở lại đây. Đó là phát hành ấn bản cuốn sách phê bình thơ dưới dạng đối thoại, Thơ đến từ đâu của tác giả Nguyễn Đức Tùng ( Vancouver, Canada ) ở cả phạm vi trong nước cũng như bạn đọc tiếng Việt ngoài nước. Lần đầu tiên có một cuốn sách tập hợp được quan niệm nhân sinh và quan niệm sáng tạo của các nhà thơ viết tiếng Việt cả trong và ngoài nước, cho cùng một mục đích làm giàu năng lực sinh sống và nuôi dưỡng hiện thực của ngôn từ tiếng Việt cũng như hoài bão vươn tới bản chất sáng tạo của thơ ca. Ý nghĩa quan trọng hơn cả của sự kiện này là bước đầu tiên để có thể công nhận tính toàn thể, thống nhất, chung một mục tiêu nghệ thuật của nền văn học tiếng Việt đầy đủ và rộng lớn, không chia cắt, kỳ thị, đặt nền móng trên thái độ nhân sinh can đảm và tha thứ.
Phê bình và đời sống văn học:
Hàng loạt các hội thảo về tiểu thuyết được tổ chức, trong phạm vi hoạt động thường niên của Hội nhà văn ( nhưng chưa thấy hội thảo về thơ? ), tiếp nối là series hội thảo tác phẩm của các cây bút trẻ tuổi, sáng kiến từ ban công tác nhà văn trẻ của Hội. Trung tâm văn hóa sứ quán Pháp ( L’ Espace ) cũng là đơn vị đứng ra tổ chức hội thảo về một số tác giả văn học đương thời trong nước: Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Duy… Một số nhà nghiên cứu ở trường đại học: Chu Văn Sơn, Nguyễn Phượng, Phạm Xuân Thạch, Trần Ngọc Hiếu… bước đầu có những tìm tòi, đánh giá về thi pháp của tác phẩm, trước hết đem lại nhận xét khách quan về học thuật, có ích cho từng tác giả. Nhưng những nghiên cứu đó, thực tình mà nói, chưa tác động một cách sâu sắc và thực sự hiệu quả đến sáng tác cũng như chưa có nhiều tác dụng hướng dẫn bạn đọc, vì nó chưa được truyền đạt theo một phong cách gần gũi với tiếp thu của người đọc cũng như chưa gần gũi với những quan tâm và lối suy tưởng, cảm xúc của nhà văn.
Nếu không kể “hat- trick” của Nguyễn Đức Tùng, với Thơ đến từ đâu- vừa là tác phẩm phê bình đặc sắc, vừa gây nhiều luồng dư luận trái ngược trong giới làm nghề, không loại trừ cả những ẩn ý thiếu khoa học, lành mạnh, và loạt bài thì phê bình văn học Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam đăng trên tạp chí Sông Hương, thì hoạt động phê bình trong nước năm qua vẫn là một năm thiếu dấu ấn, quạnh quẽ, tẻ nhạt như tình trạng trong vòng mười năm trở lại đây. Căn bệnh trầm trọng của phê bình là thiếu sáng tạo và sự dấn thân cần thiết. Để tiếp thu một lý thuyết văn chương, dù ở mức cơ sở hay nâng cao, bản thân người nghiên cứu phê bình cũng phải chuẩn bị đủ một tâm thức cá nhân ngang bằng với những cơ sở tri thức và tâm lý của vấn đề văn chương, vấn đề tư duy đó, chứ không phải vay mượn, chịu áp đặt những luận lý một cách máy móc. Một tình trạng đáng buồn, có người viết phê bình không tài nào chứng nghiệm hay hình dung nổi một cảm xúc dù nhỏ nhất trong tâm thế của người sáng tác, chưa nói đến hoài bão, đến những chứng nghiệm nhân sinh hay suy tưởng của “khổ chủ”. Sáng tạo trong phê bình là việc bằng chính tâm thức của người phê bình, “đi lại con đường mà người sáng tác đã đi” ( Phạm Toàn- Một vài cảm nghĩ về Thơ đến từ đâu ), dùng chính năng lực tưởng tượng đột biến của mình để kiểm chứng, so sánh tưởng tượng đột biến của người sáng tác, từ đó tìm được những quy luật bao quát hơn từng hiện tượng riêng lẻ người sáng tác hay cá nhân người phê bình. Không trải qua tâm thế người sáng tác, chưa từng đối diện với vấn đề biểu đạt sáng tác, chưa có nhu cầu nhận thức cá nhân về chính những vấn đề tư tưởng- văn chương thế giới, thì khó lòng tiếp thu trọn vẹn bất cứ một thứ lý thuyết văn chương nào, và càng không thể nhận định chân xác về hiện tượng văn học đang diễn ra. ( Trừ trường hợp người không trực tiếp viết tác phẩm, nhưng chứng nghiệm trọn vẹn được tâm thế sáng tạo )
Trong khi hầu hết người đọc trong nước, kể cả những người mặc nhiên hoặc dễ dàng được trao quyền thẩm định, còn xa lạ với tư tưởng, lối viết hiện đại và hậu hiện đại, thẩm mỹ văn chương của nhiều lớp người vẫn chủ yếu dừng ở các giá trị hồi đầu thế kỷ XX: đạo đức xã hội, tức cảnh sinh tình, cảm thán… thì những tìm tòi đến một số dạng thức văn chương hàm chứa tri thức, suy tưởng hơn ( siêu thực, biểu hiện, dịch chuyển ngôn từ … ) còn vấp phải sự thờ ơ, dửng dưng, thậm chí xa lánh.
Thực tế, hoạt động phê bình trong nước đang thiếu một nền tảng tri thức căn bản, mò mẫm trong mê cung của áp đặt và thành kiến, bị thao túng bởi thiên kiến, cũng như một số động cơ ngoài nghề nghiệp, thiếu sự đánh giá sòng phẳng đối với tác phẩm. Mà đánh giá sòng phẳng về tác phẩm là ý nghĩa trước hết của phê bình, là động lực quan trọng nhất của đời sống sáng tác cũng như sinh hoạt văn chương.
Với tác giả trẻ tuổi
2009 là năm thành công đối với các tác giả trẻ tuổi, khi một số tác giả có lượng đầu sách dày dặn: Phong Điệp, DiLi, Đặng Thiều Quang… được Hội nhà văn đứng ra tổ chức hội thảo cá nhân, có quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sách mới của các tác giả Dương Thụy, Dương Bình Nguyên, Hồng Sakura… được chào đón nhiệt tình trong giới công chúng trẻ. Các website văn chương tràn ngập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch thể nghiệm… của các tác giả trẻ tuổi đời từ 20 đến 30, đây cũng là diễn tiến chung trên các trang mạng văn chương từ vài ba năm trở lại đây. Có thể nói, thành công trước hết của những người viết trẻ tuổi là ở lòng quyết tâm hăm hở với cuộc đời và việc viết văn, trong đó không ít người có hoài bão muốn đóng góp cho nghề nghiệp cũng như tạo lập sự nghiệp đỉnh cao.
Cũng nên nói thêm, khái niệm mập mờ “ nhà văn trẻ”, “ nhà thơ trẻ” thường xuyên bị hiểu với hàm nghĩa thể tất cho những non nớt, “chưa tới”, và đây là một cách định danh nguy hiểm. Một người viết trẻ tuổi hay còn có ít năm trong nghề, vẫn phải đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của nghề viết một cách xác đáng.
Khu vực trong nước, người viết trẻ tuổi, cả trong hai mảng thơ và văn xuôi, sau chặng tìm đường đầu tiên đều đang chững lại. Với thơ, các tác giả trẻ nhanh chóng nhận được ảnh hưởng từ tư duy siêu thực, tượng trưng, dịch chuyển ngôn từ, và có ngay một lớp tác phẩm mới mẻ, được truyền sinh khí từ lối liên tưởng biến hóa, tạo lập hình ảnh khác lạ, nhiều chiều, từ xúc cảm tươi non. Nhưng trong số đó không nhiều người có được giọng điệu riêng, là thứ cần đến chứng nghiệm sống và tri thức sâu sắc, chắt lọc, hàm nén cũng như vẻ dung dị tự thân.
Ở mảng văn xuôi, có thể nhận thấy không ít sự dễ dãi. Trong khi một số người viết trẻ tuổi ngả sang khuynh hướng phục vụ thị hiếu giải trí, thực dụng, thì số còn lại loanh quanh trong những chủ đề hạn hẹp, những kiểu hiện thực nửa vời. Hoặc ve vãn cái tôi riêng tư, bất mãn với thực tại, hoặc quay về xu hướng cảm thán xen lẫn phê phán hời hợt. Nhiều truyện ngắn, truyện vừa chỉ là cái bóng mờ nhạt những vấn đề các nhà văn lớp trước đã khai thác, trộn lẫn với những chất liệu thời thượng: một chút “nổi loạn”, một chút tình dục, một chút “sến”… Ngay những tác giả được xem là đã định hình, có bút lực chắc chắn, thực ra mới chỉ dừng ở mức mô tả ngẫu nhiên những va chạm với cuộc đời, môi trường sống, và diễn biến nội tâm tương ứng với va chạm đó. Một số khác biết sử dụng kỹ thuật dựng truyện để mô tả sự hình dung của mình về đời sống theo một quan niệm đạo đức nhất định, nhưng chưa tạo lập được thế giới nghệ thuật thực sự mang tính sáng tạo bằng những hình ảnh văn chương độc đáo, khơi gợi cảm xúc và suy tưởng lý thú, chưa đặt ra được những vấn đề tâm tưởng.
Nhược điểm bao quát nhất của tác giả trẻ tuổi trong nước là việc viết văn chỉ dừng lại ở những chứng nghiệm cá thể trực tiếp, những gì đã xảy ra trong trải nghiệm đời sống thực của bản thân, và chỉ đối chiếu với phạm vi quan niệm xử thế, luân lý còn ở mức độ sơ khai, do tiếp nhận từ người đi trước và học vấn nhà trường. Trong khi tư tưởng và nghệ thuật của thế giới đã sải những bước khổng lồ, sự tự nhận thức của con người vô cùng phức tạp, lý thú, thì quan niệm thế giới và con người của tác giả trẻ tuổi trong nước mới chỉ dừng ở những quan hệ xã hội, tình cảm trên góc độ vật thể, trong một thực tại vật thể mà thôi.
Một bộ phận nhỏ tác giả tiếp cận được khuynh hướng tri thức trong sáng tác văn chương, bắt đầu thể nghiệm với kiểu văn học thoát ly khỏi hoàn cảnh lịch sử, khỏi môi trường sống cụ thể, hướng tới đề tài tư duy, tâm thức. Đây là hướng đi rất đáng được cổ vũ, ghi nhận. Nhưng những tìm tòi của các tác giả này hầu hết là ngắn hơi, ngẫu nhiên, chưa ổn định và xuất hiện rõ ràng, còn cần sự tập trung tìm hiểu, khai thác, thể hiện một cách dày dặn, đậm nét, sâu sắc hơn.
Khác với lớp người sáng tác trong nước, người viết tiếng Việt trẻ tuổi ở ngoài nước không xuất phát từ các vấn đề nội dung để tìm đến biểu đạt văn chương, mà trước hết xuất phát từ những chứng nghiệm ngôn ngữ, kể cả với các ngôn ngữ khác nhau, để đến với sáng tác văn học. Vì vậy, ở cùng một độ tuổi, có thể nhận thấy năng lực ngôn ngữ của tác giả ngoài nước nhuần nhuyễn, tối ưu, nhiều bộc phát và sáng tạo hơn so với người trong nước. Họ không quá bận tâm đến các vấn đề quen thuộc của nhân sinh, mà phản ứng tức thì với những va chạm, chấn động của hiện tại cập nhật.
Đối với người viết trẻ tuổi, không nhất thiết phải đặt ra cao vọng nghề nghiệp. Đối với họ, viết có thể để cho những mục tiêu thực dụng như giải trí…, hay ngược lại, viết như một cách để sống cho tràn đầy, mãnh liệt hơn, cho sự sống được khắc sâu bằng những ý nghĩa thú vị, mới mẻ, cao rộng.
Đối với từng người viết, nhất là người trẻ tuổi, một năm có ý nghĩa không giống nhau. Nhưng mỗi năm đều có thể là một vạch dấu để từng người viết, chân thực và nghiêm khắc đánh giá lao động của mình, nhất là tự nguyện tránh xa những giá trị phù ảo. Có những điều, chỉ thời gian mới tạo lập được, ví dụ sự sâu sắc. Nhưng có những điều có thể thực hiện ngay giây phút này, ví dụ sự trung thực trong làm nghề và với bản thân./.
Hà nội, tháng 3 năm 2010
Tài liệu tham khảo:
- Các Website văn học tiếng Việt trong và ngoài nước
- Tạp chí Sông Hương, Sông Hương online tháng 6, 7, 8, 12 năm 2009, tháng 1, năm 2010
- Đầu năm cọp nói chuyện sách báo- Nguyễn Xuân Hoàng và bạn hữu, tư liệu cá nhân.
- Tài liệu các hội thảo về tác giả văn học tiếng Việt năm 2009