Nhà văn Trần Bình Dương qua đời ngày 8 / 4 / 2010 nhưng mãi hơn một tuần sau tôi mới biết tin. Đây là sự ra đi của một người mà tôi còn mắc một món nợ chưa trả. Bởi vậy, tôi đã vội vàng viết ngay bài này để kính viếng hương hồn anh.
Nếu ai hỏi, tôi và Trần Bình Dương quan hệ như thế nào ? Xin thưa là tôi với anh chưa hề gặp mặt nhau, chỉ biết nhau qua điện thoại. Đó là một vài lần trao đổi bài viết đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Dương. Lúc ấy, anh là thư ký tòa soạn nhưng hình như lo hết toàn bộ các khâu. Bài viết đầu tiên của tôi đăng trên tạp chí này là “Bác sĩ Freud và lý luận văn nghệ” (số 11/2003). Bài viết bàn về vai trò của tình dục đối với sáng tác văn nghệ. Liền số sau đó, tạp chí còn đăng cho tôi một bài nữa là “Những dấu hiệu đổi mới của Nguyễn Minh Châu bắt đầu từ khi nào ?” (số 12/2003). Trong khi mọi người cho rằng, những dấu hiệu đổi mới văn học của Nguyễn Minh Châu chỉ có sau 1975 thì tôi chứng minh ngược lại, đã có từ trước 1975 với tiểu thuyết Dấu chân người lính. Thú thật là cho đến nay, hai bài này chỉ đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Dương chứ không đăng thêm ở nơi nào khác nữa. Sau đó, tôi trở thành một cộng tác viên thường xuyên trên tạp chí này.
Không chỉ riêng tôi, mà còn có rất nhiều anh em văn nghệ sĩ Phú Yên đã cộng tác với tạp chí. Có số, đăng tới sáu tác giả Phú Yên. Không phải vì do anh Trần Bình Dương có ưu ái đặc biệt gì cho vùng đất này (anh chưa từng sống ở Phú Yên). Mà điều cơ bản là văn nghệ sĩ Phú Yên sáng tác rất sung sức. Ở một tỉnh chưa có điều kiện phát triển về công nghiệp, về cơ bản vẫn là thuần nông thì văn nghệ sĩ còn có nhiều thời gian để “thơ thẩn” và xuất khẩu văn chương sang các tỉnh khác, nhất là các tỉnh công nghiệp như Bình Dương. Nhuận bút của tạp chí Văn nghệ Bình Dương vào loại cao nhất so với các tạp chí văn nghệ địa phương. Nhưng rất lạ là tạp chí còn gửi kèm một lá thư mong cộng tác viên thông cảm với số lượng nhuận bút khiêm tốn trên (!). Hóa ra, tạp chí cần cộng tác viên chứ không phải cộng tác viên cần tạp chí, cũng giống như người bán cần người mua chứ không phải người mua cần người bán. Trong khi nhiều ban biên tập khác đăng bài của cộng tác viên với thái độ ban ơn thì tạp chí Văn nghệ Bình Dương lại gửi lời cảm ơn rất chân thành tới các cộng tác viên. Và có lẽ trên đất nước Việt Nam này, chỉ có duy nhất một tờ Văn nghệ Bình Dương là có gửi thư kèm với mỗi tờ báo biếu và nhuận bút.
Nhiều người cho rằng, sở dĩ tạp chí Văn nghệ Bình Dương phát nhuận bút cao là do phát hành nhiều, bán chạy, đất Bình Dương giàu, nhiều người mua tạp chí. Đã đành là vậy nhưng còn tính đến tầm nhìn của người lãnh đạo, biết đăng những bài nào cho báo bán chạy, biết huy động lực lượng cộng tác viên khắp mọi nơi để họ nâng cao chất lượng và số lượng tạp chí của mình. Trên một mảnh đất có nền công nghiệp phát triển cao nhất nước như vậy, nếu có muốn “phong kiến” một chút cũng không được. Tạp chí Văn nghệ Bình Dương cũng phải năng động như chính nền công nghiệp Bình Dương.
Trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ ở Hà Nội, tôi phải làm lý lịch khoa học để cho biết các bài báo đã công bố. Tôi liệt kê vài chục bài, trong đó có một số bài đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Dương. Nhiều người khuyên tôi nên bỏ ra vì nó là… “tầm địa phương”. Nhưng tôi không chịu bỏ vì đó là những bài tâm đắc. Và phải nói, phần lớn những bài tôi tâm đắc nhất lại đăng ở tạp chí Văn nghệ Bình Dương. Cho nên, tạp chí này đã giúp tôi phát biểu những ý tưởng văn học của mình cho công chúng. Bởi vậy, tôi có cảm giác như đang mắc nợ với Ban biên tập…
Vào Sài Gòn, tôi lo làm những chuyện thiết thực hơn, nên ít viết lách và vắng bóng trên Văn nghệ Bình Dương khá lâu nhưng vẫn nghĩ khi nào có dịp gặp anh em tòa soạn thì cảm ơn một tiếng. Tháng 3 / 2009, tôi có dịp lên Bình Dương, đến trụ sở Hội VHNT tìm anh không có, gọi điện thoại được biết anh bận. Và cho đến nay thì tôi không còn cơ hội gặp anh Trần Bình Dương được nữa. Sau khi anh mất, tôi mới biết thêm về anh qua hệ thống Google. Được biết anh có tên thật là Trần Minh Châu, sinh năm 1954 tại Bình Dương. Đã sáng tác từ trước 1975 và có khá nhiều tác phẩm có giá trị. Đã từng dạy học, viết báo, biên tập viên văn học, Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Dương. Đặc biệt, anh có mối quan hệ rất tốt với văn nghệ sĩ. Anh được nhiều người yêu mến, trong đó có những người anh quen và những người anh chưa thấy mặt lần nào, như tôi chẳng hạn. Và tôi cũng mới chỉ thấy chân dung anh ngày hôm nay khi ngồi trước internet. Tôi với anh đúng là “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, không gặp nhau nhưng chỉ hiểu nhau qua tác phẩm là được rồi. Dẫu chưa có may mắn gặp anh nhưng trong tim tôi sẽ luôn có một Trần Bình Dương.
Tôi viết bài này như một nén hương tưởng nhớ anh./.
Sài Gòn, ngày 16 / 4 / 2010.