Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.259
123.156.027
 
Gió biển không thổi đến
Khôi Vũ

Một.

Các buổi ăn sáng, thầy Trương thường gọi mứt với một hai lát bánh mì mềm và uống nước trà. Hầu như buổi điểm tâm nào cũng có it nhất một câu chuyện vui để tất cả mấy thầy trò thư giãn. Tiếng cười  ngày càng trở nên cần thiết vì các buổi học càng về sau càng căng thẳng hơn.

Sáng nay, trước khi gọi món, thầy Trương hỏi tôi tiếng Việt Nam để gọi cô tiếp viên sẽ xuất hiện là gì? Tôi tập cho thấy nói từ "Cô". Việc phát âm không khó, lại thêm năng khiếu học ngoại ngữ vốn có, thầy Trương áp dụng thành công ngay trong đối thoại.

- Này cô... (Thầy Trương nói bằng tiếng Việt rồi nói tiếp bằng tiếng Anh) Làm ơn cho tôi bánh mì, mứt, trà và một chút đường...

Cô tiếp viên có mái tóc bới gọn để lộ cái cổ cao và trắng, mỉm cười nói một câu lịch sự, dĩ nhiên bằng tiếng Anh:

- Rất vui được nghe ông nói tiếng Việt.

Nụ cười ấy chuyển về phía tôi cùng với một ánh mắt trước khi cô tiếp viên trở lại quầy.

Tôi nói với thầy Trương rằng cách xưng hô của người Việt Nam rất phong phú và đưa ra một thí dụ là trong trường hợp vừa qua, ông có thể đổi từ "Cô" thành từ "Em". Ông thầy người Singapore lập tức học phát âm từ "Em".

Bánh mì mềm, mứt, trà được đem tới, bày trước mặt thầy Trương. "ng nhìn cô tiếp viên và nói:

- Cảm ơn em!

Cô gái không giấu vẻ ngạc nhiên và nụ cười lần này tươi hơn, hào phóng hơn với khách. Một ý tinh nghịch chợt đến, khi cô gái trở lại quấy, tôi nói với thầy Trương rằng trong trường hợp thân mật, còn có thể gọi thay "Cô" hay "Em" bằng từ "Cưng". Thầy Trương lập tức tập nói "Cưng! Cưng!". Mấy anh em học viên chúng tôi nháy mắt với nhau chờ xem một ứng dụng của ông thầy ngoại quốc...

Quả nhiên thầy Trương không bỏ qua cơ hội sử dụng điều mình vừa học được. Khi cô tiếp viên đem phần ăn tiếp cho một người bạn tôi, ông đã hỏi cô:

- Này cưng, cưng tên gì?

Cô gái đang vui vẻ bỗng sa sầm nét mặt. Tôi giật mình vì biết mình đã gây ra một chuyện không hay. Tôi đoán rằng cô gái sẽ nói một câu gì đó bực bội để phản đối cách xưng hô không đúng người, đúng lúc của thầy Trương. Nhưng may quá, cô chỉ khẽ nói:

- Xin lỗi, ông có thể đọc tên tôi trên bảng tên. Ông biết tiếng Việt kia mà!

Dĩ nhiên cô nói bằng tiếng Anh lưu loát và cũng dĩ nhiên, thầy Trương chẳng thể đọc được tên cô trên bảng tên vì ông làm gì biết đọc tiếng Việt!

                                                   

*

 

Khách sạn chúng tôi thuê ở và làm lớp học trong 5 ngày có tên là "Gió biển", một khách sạn vốn đầu tư 100% của người nước ngoài và chỉ nhận khách ngoại quốc. Sự có mặt của mấy anh chị em chúng tôi là một trường hợp đặc biệt do đây là một lớp tập huấn nghiệp vụ của một Công ty nước ngoài tổ chức cho học viên người Việt.

"Cưng" mà thầy Trương gọi, là nhân viên tại nhà hàng của khách sạn. Cô gái không thuộc dạng sắc nước hương trời nhưng dễ nhìn ấy, bằng phản ứng của mình với sự xưng hô vô tình của khách, đã làm tôi chú ý và cảm thấy áy náy. Giờ giải lao buổi học sáng hôm ấy, tôi đã đến tìm cô bên quầy.

- Xin lỗi, anh uống gì?

- Không! Tôi chỉ đến để xin lỗi cô việc sáng nay...

- Thì ra anh là người dạy ông Trương nói tiếng Việt... ?

- Chắc cô đã giận ông Trương?

- Không! Em biết chắc chắn ông ấy không biết sử dụng đúng tiếng Việt mà có một ai đó đã dạy ông ta với một ý nghĩ tinh quái...

- Quả thật ngay sau đó, tôi rất ân hận. Tôi xin lỗi...

Cô gái mỉm cười không nói gì khiến tôi không thể đoán được ý nghĩ đang có của cô.

- Cô có thể nhận lời xin lỗi của tôi chứ?

Cô gái lại cười, rôi cô khẽ nói :

- Nghề của chúng em là phải biết chịu đựng. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó...

Có khách vào bàn. Cô gái nói xin lỗi rồi ra tiếp khách. Tôi vẫn chưa yên tâm, lại hỏi khi cô trở lại quầy:

- Cô còn giận tôi không?

Nụ cười không tươi nhưng có thêm cái lắc đầu.

 

*

 

Lại một buổi sáng nơi bàn ăn điểm tâm.

Máy điều hòa không khí giúp chúng tôi dễ chịu đôi chút so với những lúc ở ngoài phòng khách hay hành lang khách sạn. Nằm ở một vị trí không xa nhưng cũng không trực diện nhìn ra biển, khách sạn "Gió biển" chỉ có cái tên nghe gợi. Những làn gió biển không len qua nổi những toà cao ốc khác để đến đây.

Hương Vân, cô gái phục vụ bàn mà tôi quen, có vẻ buồn. Tôi hỏi:

- Có chuyện gì vậy? Hay là nhớ chuyện sáng hôm qua rồi lại giận?

Cô gái cười và lắc đầu.

Thầy Trương nói với tôi trong lúc ăn sáng:

- Cậu làm quen giỏi đấy! Có thể chỉ bí quyết cho tôi không?

- Hoàn toàn có thể! Nhưng tôi e rằng sẽ không đủ thời gian để thầy được cô ấy chấp nhận cho chuyển cách xưng hô từ em qua cưng!

- Đồng ý! Nhưng ít ra trước hết cũng hãy là bí quyết?

Tôi chẳng có bí quyết nào ngoài sự thành thật và đồng cảm.

Giờ giải lao giữa buổi học sáng, tôi gọi thêm món dưa hấu trước Tết để ăn cho mát ruột và đề nghị Hương Vân kể tóm lược chuyện Mai An Tiêm cho thầy Trương nghe. Ông thầy người Singapore nghe chuyện vẻ chăm chú và sau đó, lấy một miếng dưa hấu ăn với sự thích thú thấy rõ. Cô gái cũng lộ vẻ vui một chút. Đó là sự tự hào của con dân một nước trước lòng ngưỡng mộ của một người nước ngoài với quê hương mình.

Tôi hỏi đùa:

- Có ai biết cuộc thi gia chánh dành cho đàn ông lần đầu tiên xảy ra ở đâu trên thế giới không?

Nhiều câu trả lời được đưa ra nhưng đều bị bác bỏ. Thầy Trương cũng lắc đầu chịu thua. Tôi nói:

- Tại Việt Nam...

Hương Vân thật thông minh. Cô nói tiếp:

- ... vào thời Hùng Vương...

Và cô kể cho thầy Trương nghe tiếp chuyện Vua Hùng mở cuộc thi cho các con trai và Lang Liêu đã được truyền ngôi nhờ sáng tạo ra bánh dày bánh chưng.

Tôi không thể không tự hỏi vì sao cô gái tôi mới quen lại thuộc nhiều chuyện cổ tích của dân tộc và kể lại một cách hào hứng như thế?

Tôi chưa kịp hỏi Hương Vân về thắc mắc của mình thì hết giờ giải lao, thầy Trương nhắc mọi người trở lại lớp học. Tôi lại sắp phải căng óc để nghe và nói tiếng Anh với mớ vốn ngoại ngữ ít ỏi của mình trong khi đầu óc tôi lại đang miên man nghĩ về cô gái nói tiếng Anh "như gió" tên Hương Vân nhưng lại đầy lòng tự hào dân tộc...

 

*

 

Khi chúng tôi xuất hiện nơi nhà hàng thì hai người đang to tiếng với nhau. Hương Vân phản đối ông quản lý khách sạn người Pháp về việc ông phạt tiền không hợp lý hai người bạn của cô. Sự căng thẳng mà mọi người đều nhận ra không chỉ qua gương mặt bừng đỏ của cô gái, đôi mắt trợn tròn của ông quản lý cùng ngữ điệu trong đối thoại của họ, mà còn rõ ở chỗ họ bất chấp là họ đang đứng giữa những khách hàng. Nội bộ to tiếng với nhau trước khách hàng là điều tối kỵ trong kinh doanh. Tôi biết thế và thầm lo cho Hương Vân.

- Chuyện gì vậy?

Tôi tới bên Hương Vân hỏi cô khi chợt quên cả vị trí của mình là khách và cũng chẳng phải người thân thiết gì của cô gái. Nhưng Hương Vân vẫn trả lời tôi như  với một người thân:

- Cánh cửa ra vào bị kẹt khóa, các bạn em chưa kịp báo cho thợ tới sửa nên khách ra vào nhà hàng từ ngõ bể bơi gặp khó khăn. Có thế thôi mà ông ấy ra lệnh phạt mỗi người hai mươi đô!

Viên quản lý không hiểu cô gái nói với tôi những gì nhưng có lẽ ông ta đoán được nội dung. Ông ta nói với Hương Vân:

- Mời cô về văn phòng làm việc!

Cô gái nhìn như soi vào gương mặt tròn đầy mỡ, da lốm đốm mồi của viên quản lý, nói dứt khoát:

- Vâng! Tôi cũng cần đến đó! Tôi yêu cầu được nghỉ việc!

Đôi mắt của viên quản lý tròn hơn. Còn tôi thì sự ngạc nhiên nhanh chóng biến mất, nhường cho một tình cảm mới xuất hiện...

 

*

 

Hai.

Tôi tha thẩn một mình dọc bờ biển sau cả buổi chiều lang thang khắp các đường phố thành phố biển này.Tôi biết mình đang làm một việc chẳng đâu vào đâu là lê gót khắp nơi đây để tìm chút hy vọng tình cò gặp lại Hương Vân. Hơn bao giờ hết, tôi tự trách mình về việc đã không hỏi địa chỉ của cô gái.

Khách sạn "Gió biển" tôi vừa ghé lại hỏi thăm , không khi vẫn là nhiệt độ thấp tạo nên bởi những cái máy lạnh, nhưng nhân sự nơi quầy nhà hàng thì thay đổi rất nhiều. Những người cũ còn lại ít ỏi chỉ cung cấp cho tôi một thông tin không rõ ràng về Hương Vân "Nghe nói cô ấy đã trở lại nghề dạy học. Hồi trước khi đi làm ở đây, cô ấy là giáo viên dạy sử địa".

Bây giờ, gió biển mới thực sự phả vào tôi. Không gian này mới thực đem đến cho tôi sự thoải mái. Biển bao la phía trước mặt. Cát lào xào dưới chân. Đứa trẻ bán thuốc lá mời mua. Chị bán vé số nài ép. Cô bé bán quán người tròn mũm mĩm có giọng nói như chim... Tất cả thực sự gần gũi tôi.

 

Tôi nôn nao. Tôi mong chờ vô vọng.

Tôi muốn gặp Hương Vân để biết sau khi nghỉ việc ở khách sạn "Gió biển" cô làm gì, có trở lại nghề dạy học hay không? Tôi còn muốn báo cho cô biết: tôi vừa quyết định nghỉ khỏi Công ty nước ngoài mà tôi từng làm việc mấy năm qua.

 

Việc cuối cùng khiến tôi cần gặp mặt Hương Vân: trao lại cho cô lá thư của thầy Trương gửi cô để xin lỗi về việc đã vô tình xúc phạm đến một cô gái Việt Nam!./.

                                                                  

(Trong tập truyện ngắn PHÙ PHIẾM BÊN BIỂN, NXB Văn Nghệ tháng 3/2010) -Bản của tác giả.      

 

 

Khôi Vũ
Số lần đọc: 2028
Ngày đăng: 22.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một người Mỹ dễ khóc - Nguyễn Đình Phư
Giấc mơ chim - Bạch Lê Quang
Chết… vì nhục - Trọng Huân
Người đàn bà hát trộm - Vân Hạ
Hai người đàn bà trong cái quán buổi trưa - Âu thị Phục An
Chỉ có kẻ còn lại - Lữ Quỳnh
Còn nỗi buồn đau nào hơn? - Trần Minh Nguyệt
Giải hạn - Bùi Công Thuấn
Hoa gạo đỏ thắm - Nguyễn thị Minh Hương
Cái cổng ngõ - Dương Phượng Toại
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)