Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.064
123.138.078
 
Con đường máu -1
Sâm Thương

Kịch bản sân khấu của SÂM THƯƠNG

 

NHÂN VẬT

SUVANTHA , Bác sĩ 

CHAY BOFA, Nghệ sĩ  múa, vợ của   

KON  KUN, Luật sư

KOY THUN,  Sử học

SET CHALIZA, Giáo Sư

BUNTHUN

KEO VANLAI

PHAYNA

CHANG SINH

JUVANDI

KUNSU

NON CHOMREN

THANAKRI, Con gái của Suvantha và Chay

Bofa

VASEN

Và một số nhân vật phụ…

 

            CẢNH I

          TRÊN ĐƯỜNG BỊ XUA ĐUỔI

 

Một ngôi làng miền núi. Phía xa, đền Angkor vượt hẳn lên những đỉnh núi, những ngọn cây như mở mắt nhìn cho rõ biến cố lịch sử đang đổ chụp xuống số phận của dân tộc Kmer.  Trong không khí âm u, tiếng kên kên đập cánh kêu réo, giành giật những tử thi vương vãi dọc đường không người chôn cất . Tiếng xích sắt khua chạm vào nhau kêu rổn rảng.Anh sáng bắt đầu rõ dần…

 

Chan Sinh ngồi duỗi chân trên một mô đất, làm động tác thoải mái, rồi loay hoay với điếu thuốc đã nhầu nát trong tay. Konkun ngồi buột lại chùm giẻ ở bàn chân. Koythun nằm thẳng, hai tay che kín mặt.

 

CHAN SINH

( bật một que diêm, lửa không cháy, rút một que diêm khác)

Que diêm cuối cùng! Tévoda ơi! Không bao giờ tôi phải lâm vào cảnh ngộ này( nhìn quanh ) Vị nào có diêm cho tôi xin một mồi.

 

KONKUN

Tôi không hút thuốc nên không có lửa (mỉm cười). Nhưng còn que diêm đó, nó là que diêm và điếu thuốc cuối cùng của ông chớ gì?

 

CHAN SINH

Tôi không xài đến cái gì cuối cùng. Tôi vô cùng ghê rợn khi nghĩ rằng mình phải tiêu đến đồng tiền cuối cùng.

 

KONKUN

Ông là thương gia à?

 

CHAN SINH

Đúng vậy, còn ông?

 

KONKUN

Tôi là Luật Sư Tòa Thượng Thẫm Phnom Penh.

A, luật pháp! Ông là người hiểu luật, ông có bao giờ thấy luật nào lại xua đuổi toàn bộ con người ra khỏi thành phố không?

 

KONKUN

( sợ hãi , bám víu) Ở chế độ mới cái gì cũng có thể xảy ra. Nhưng tôi hy vọng cái sắp xảy ra sẽ tốt hơn những cái đã qua. Luật pháp mới sẽ không có khe hở cho những thế lực tiền tài thao túng. Vì vậy, tôi nghĩ việc di dân khỏi thành phố là biện pháp an ninh tạm thời. Rồi đâu lại vào đó.

 

CHAN SINH

Nghe ông nói tôi thấy hy vọng quá. Nhưng thực tế trước mắt làm cho tôi rùng mình. Hôm qua ở khúc rẽ từ quốc lộ vào con đường mòn này, ông có thấy cái gia đình đó phải bỏ xác hai ông bà già ốm yếu không?

 

KONKUN

Luật đào thải thường thể hiện gay gắt nhất vào những giai đoạn như thế này.Cái chính yếu là cái sẽ tồn tại.

 

CHAN SINH

Ông suy luận như tôi, trong thương trường cũng thế: Cá lớn nuốt cá bé. Cuối cùng chỉ những người thật can trường, thật thủ đoạn mới tồn tại…( như chợt nhớ lại số tiền còn mang theo, đưa tay nắm lại …nhớ đến que diêm) Tôi phải dùng đến que diêm cuối cùng ( đưa lên ngắm nghía ) Giá bây giờ có ai bán diêm, tôi dám mua một nghìn một bao diêm và một trăm nghìn một bao thuốc lá.

 

KONKUN

Ông đã mang theo rất nhiều tiền?

 

CHAN SINH

( giật mình, nắm chặt túi tiền, nhìn Konkun ngờ vực) Ồ…không…

 

KONKUN

( cười mỉa ) Ông khỏi cần lo có người cướp mất tiền của ông. Bởi vì tôi lấy làm buồn mà báo tin cho ông hay là mớ tiền ông mang theo dù nhiều bao nhiêu cũng bằng vô dụng…

 

CHAN SINH

Phi lý! Đàng rằng chế độ mới không xài tiền của chế độ cũ, nhưng ở buổi giao thời họ đâu đã kịp in tiềm mới…

 

KONKUN

Tôi cũng nghĩ như ông vậy. Nhưng hôm kia, trên đường đi, tôi đã gặp cảnh mua bán rồi. Một củ khoai giá trị bằng một chiếc nhẫn vàng.

 

CHAN SINH

À! Đó là tại người mua không bằng tiền mặt.

 

KONKUN

Có chứ! Nhưng không có ai xài. Ở cái chặng khám xét tôi thấy một toán bộ đội đang tung những tờ giấy bạc  lên chơi như con nít chơi những tấm vé số cũ bỏ đi.

 

CHAN SINH

Oi chao! Ông không bịa đặt đó chứ? Thôi đi ông, tôi không thích đùa giỡ cái kiểu đó đâu.

 

KONKUN

( chỉ Koythun) Chính ông bạn nằm kia cũng đã chứng kiến cái cảnh đó.

 

CHAN SINH

( nhảy xổ lại , lay Koythun)  Thật không? Thật không ông?

 

KOYTHUN

 ( choàng dậy, hốt hoảng ) Cái gì đó? Cái gì đó?

 

CHAN SINH

( líu ríu) Tiền…tiền …

 

KOYTHUN

( cáu kỉnh) Mặc thây tiền của các người…Hãy để cho tôi yên một chút.

 

CHAN SINH

( chưa chịu buông tha) Có thật tiền bây giờ là vô giá trị không? Có thật người ta không dùng tiền nửa không? Có thật ông đã thấy bộ đội đùa giỡn với tiền như giấy lộn không?

 

KOYTHUN

( uể oải ngồi dậy ) Ừ, nếu thế thì sao? Có ăn nhập gì đến ông?

 

CHAN SINH

Oi chao! Sao lại không? Cả lẽ sống của tôi, cả cuộc đời của tôi. Vô lý! Tôi không tin các ông được . Các ông nói dối . Các ông đánh lừa tôi. Các ông âm mưu chiếm đoạt tiền của tôi (cười lớn ) Ha …ha…Tôi già đầu thế này lại để mắc mưu trò con nít đó sao? Đồ lừa đảo! Đồ bịp bợm!

 

KOYTHUN

( giận dư) Ông cút cha nó đi theo cái tiền của ông.

 

CHAN SINH

Được rồi! Tôi sẽ chứng minh cho các ông thấy tiền của tôi còn có giá trị. Tôi sẽ mua được diêm. Tôi sẽ mua được thuốc lá. Tôi sẽ mua được bất cứ cái gì tôi muốn.Tiền! Tiền là trên hết! ( chạy ra).

 

KONKUN

( thét lên) Này … Chan Sinh  ( đứng sững lại, hai tay ôm lấy bọc tiền). Ông mà đi lạng quạng họ sẽ bắn chết ông. Ông không thấy họ tuần tiễu nhan nhản quanh đây sao?

 

CHAN SINH

( vỗ vào bọc tiền) Không có cái gì mạnh bằng tiền. Tôi sẽ hối lộ họ và họ sẽ cho tôi đi ( gằn giọng). Ông nghe rõ không, tôi sẽ hối lộ họ. Nếu họ xòe tay ra cầm tiền có nghĩa là tất cả những điều các ông vừa nói là láo khoét, bịa đặt. Và tôi vẫn còn nguyên là tôi, bởi vì tiền của tôi vẫn còn nguyên giá trị là tiền.

 

KONKUN

Nhưng nếu thay vì họ không cần tiền mà túm ông lại bổ cho ông một nhát cuốc vào đầu thì sao?

 

CHAN SINH

Phi lý! Họ đâu phải là quân ăn cướp. Họ là bộ đội giải phóng mà. Bộ đội Giải Phóng bao giờ chẳng có phẩm chất  Cách mạng hơn là bọn lính đánh thuê Lonnol.

 

KONKUN

( bật cười ) A! Thế ra bây giờ ông bạn mới biết xài đến cứu cánh cách mạng cơ đấy. Trong khi làm giàu phi pháp ở Phnom Penh, chắc ông bạn không thể ngờ được rằng sẽ có ngày chính mình mở miệng ca tụng Cách mạng cơ đấy.

 

KOYTHUN

Đừng nói nhiều nữa . Hãy để cho ông ta đi. Hãy đi đi để chứng minh rằng đồng tiềng của ông vạn năng ( gầm lên) Đi! Đi ngay đi…

 

CHAN SINH

(nhìn sững hai người , rồi chỉ sau một giây do dự, quay đầu chạy thẳng)

 

KONKUN

Lẽ ra ông không nên xô đẩy ông ta vào chỗ chết.

 

KOYTHUN

(hằn học ) Tôi ghê tởm những loại người như hắn. Thái độ của hắn làm tôi không nhịn được.

 

KONKUN

Nhưng sự nhẫn nại của ông cũng đánh đổi được một mạng người.

 

KOYTHUN

( ngồi bật dậy ) Này ông bạn , tôi không thích suy luận theo kiểu đó. Tôi đâu có trách nhiệm về mọi rủi ro của hắn.Tôi đâu có cưỡng ép hắn. Tiền! Phải rồi, chính đồng tiền đã ăn sâu vào xương tủy hắn, đã khiến hắn làm đủ mọi việc kể cả việc đâm đầu vào chỗ chết.

Bỗng có tiếng thét ghê rợn của Chan Sinh ở bên ngoài, tiếp theo là tiếng người xôn xao, tiếng chân chạy rầm rập. Một lát, ùa vào thêm năm người: Nom Chamren một tay cột treo ở cổ, đứng ở một góc, mặt đăm chiêu, rút một điếu thuốc ra hút. Suvantha dìu Chay Bofa vừa ôm mặt khóc, vừa khụy xuống như muốn ngất xỉu.Hai người ngồi vào một góc  phía đối diện với Non Chamren. Chay Bofa nằm xuống , Suvantha rút khăn tay lau chầm chậm lên mặt vợ. Hai người khác , Phayna và Setchaliza, ngồi xuống mô đất gần đó.

 

SETCHALIZA

Không thể tưởng tượng được! Không thể tưởng tượng được!

 

CHAY BOFA

( rên rỉ ) Mình ơi! Tại sao lại thế?

 

SUVANTHA

( vỗ về) Nằm nghỉ đi em. Đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. Cố ngủ đi một lát.

 

CHAY BOFA

( ngồi dậy, khóc nức nở ) Nhưng ông ấy có tội tình gì đã chứ?

 

SUVANTHA

( kéo Chay Bofa nằm xuống) Ngủ đi… cố ngủ đi em…

 

CHAY BOFA

( nằm xuống , vẫn thút thít khóc )

 

KONKUN

Ông ta vừa ở đây chạy ra. Nếu ông ta nghe lời chúng tôi thì đâu đến nỗi ( ngừng một lát ). Nói cho đúng, bước vào thời kỳ mới như thế này, những loại thương gia như ông ấy  dù ở nơi nào cũng khó sống được. Cách mạng là đảo lộn mọi giá trị mà.

 

NON CHAMREN

Hiểu Cách Mạng như vậy là không đúng đâu. Một cuộc cách mạng chân chính bao giờ cũng tôn trọng nguyên tắc kế thừa có chọn lọc.

 

KONKUN

Ông có vẻ là...

 

NON CHAMREN

Tôi là một cán bộ Cách mạng, trước kia tôi ở thành phố như các ông, sau đó tôi vào rừng chiến đấu. Mẹ tôi và các em tôi vẫn ở Phnom Penh

 

KONKUN

Nếu ông trở lại Phnom Penh thì ông sẽ không gặp ai ở đó. Mọi người đều bị đuổi ra khỏi thành phố. Mọi người đều bị đối xử như những kẻ đầu hàng. Họ ra lệnh cho tất cả mọi nhà đều phải treo cờ trắng- một biểu hiện nhục nhã trong giờ phút mà toàn dân tưởng sẽ được vinh quang.

 

NON CHAMREN

Vinh quang này chắc chắn thuộc về nhân dân.

 

KONKUN

Nhân dân là ai? Ông trả lời thử coi? Tôi thì đoán chắc rằng nó không là cá nhân tôi, cá nhân ông bạn này ( chỉ Koythun ) hay cái bà đang rên rỉ kia ( chỉ Chay Bofa ) và còn bao nhiêu người vô tội khác trên đường từ Phnom Penh về các ngả…

 

NON CHAMREN

Tôi bị thương nằm ở bệnh viện hậu cứ từ mấy tháng nay vừa ra, nên không hiểu hết mọi chuyện. Nhưng theo tôi nghĩ: Cái này chỉ là tạm thời. Một biện pháp thuần túy an ninh khi ta mới giành được chính quyền.

 

PHAYNA

Tôi cũng đồng ý như vậy. Tôi làm việc ở nhà máy đèn. Tôi sẽ trở về nhà máy của tôi.

 

KONKUN

Nhưng anh có tham gia Cách mạng không?

 

PHAYNA

Dù có tham gia hay không thì Phnom Penh vẫn luôn luôn cần có điện.

 

NON CHAMREN

Đúng! Bất cứ chế độ nào cũng cần có khoa học. Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa, Cách mạng không thể chối bỏ khoa học kỹ thuật.

 

KOYTHUN

( bật dậy ) Tôi là giáo sư sinh hóa ở trường Đại học Khoa học. Tôi cũng nghĩ là Cách mạng không thể phủ nhận khoa học…

 

KONKUN

Nói như ông thì cuộc đời lạc quan quá ( chỉ Setchaliza ) Như ông Setchalizanày, giáo sư sử học sẽ tiếp tục trở về nhà soạn sử, để viết lên những trang sử oai hùng của Ca1chma5ng. Và tôi, một luật sư, sẽ tiếp tục phục vụ cho tòa án nhân dân ( chỉ Suvantha )Còn ông bạn kia, ông bạn làm nghề gì ở Phnom Penh?

 

SUVANTHA

Bác sĩ, còn vợ tôi nghệ sĩ.

 

KONKUN

A,bác sĩ ! Một bác sĩ thì còn cần thiết hơn ai khác. Chân tôi đau quá, bác sĩ có mang theo thuốc gì đó không?

 

SUVANTHA

Họ không cho mang theo bất cứ một vật dụng gì. Vội quá, tôi chỉ kịp quơ có ít áo quần và thực phẩm. Vả chăng  họ nói chỉ cần sơ tán khỏi thành phố vài ngày.

 

KUNKUN

Vài ngày? Bây giờ thì đã hai tuần lễ rồi, và đã có bao người bỏ xác giữa đường? Rồi không biết ta còn bị xua đuổi đến đâu nữa? ( quay lại Setchaliza ) Này, giáo sư sử học, nếu mai sau được cầm bút chép sử ông chớ quên những chi tiết khủng khiếp này nhé, kể cái chết của ông thương gia vừa rồi.

 

NON CHAMREN

Cái chết của một con người cũng đáng nói lắm chứ. Nhưng cái quan trọng là sự nghiệp Cách mạng của một dân tộc. Những trang sử sẽ chép lại của chúng ta là những trang sử chói lọi…

 

SETCHALIZA

( cắt ngang ) Bây giờ hãy còn quá sớm để nghĩ đến chuyện đó. Lật nhào một chế độ, cái đó chưa nói lên được gì hết. Vấn đề là cái gì sẽ xây dựng lên sau đó.

 

NON CHAMREN

Chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn chứ không nghi ngờ gì nữa. Trước đây, chúng tôi có bỏ thành phố vào rừng chiến đấu cũng chỉ vì mục đích ấy.

 

KOYTHUN

( mỉa mai )

Bây giờ thì Cách mạng đã hoàn toàn thành công rồi…

 

NON CHAMREN

Nói hoàn toàn thành công là không đúng hẳn. Ta mới đi được nửa đoạn đường, mới hoàn thành được cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc. Còn một nửa đoạn đường phức tạp và khó khăn hơn nhiều- đó là cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta sẽ xây dựng trên mảnh đất lạc hậu và phong kiến này…

 

PHAYNA

Đúng vậy! Ta sẽ điện khí hóa trên toàn quốc. Anh đèn sẽ soi sáng rực rỡ ngay ở những vùng quê tối tăm và xa xôi nhất.

 

KONKUN

Này anh bạn Cách mạng…Anh gì nhỉ?

 

NON CHAMREN

Tôi tên là Non Chamren.

 

KONKUN

Anh Non Chamren! Đây là lần đầu tiên ke63 từ ngày giải phóng đến nay, tôi được nghe nói đến những điều thực sự coi là Cách mạng. Còn trong suốt thời gian qua, trên cả quãng đường mà tôi đi qua, tôi chỉ thấy duy nhất có một điều là lửa căm thù, căm thù hiện lên trong khóe mắt, trong lời nói, trong hành động. Lửa căm thù ngự trị và thiêu đốt tất cả.

 

NON CHAMREN

Căm thù tự nó không phải là xấu. Không có căm thù chúng ta không có sự nghiệp ngày hôm nay.

 

KONKUN

Nhưng Mỹ và Lonnol đã sụp đổ. Dưới mắt tôi và những người ở đây đã chứng kiến nỗi căm thù đang sục sôi trên đất nước này, và chỉ thấy nỗi căm thù trút xuống trên đầu những người dân vô tội…

 

NON CHAMREN

( hét to ) Không phải như thế. Không bao giờ có thể như thế.

 

SETCHALIZA

Thôi đi mấy ông ơi! Đã đến nước này mà còn bàn chuyện chính trị thì có mà mang họa vào thân. Tất cả mọi việc sau này lịch sử sẽ phê phán hết, sẽ làm sáng tỏ hết. Vậy vội gì mà nôn nóng, tranh luận với nhau ( nhìn ra xa ). Tôi thấy một toán áo đen đang lố nhố đi tới nơi kìa! Ngồi tản ra hết đi, tụm năm , tụm ba, nói năng bậy bạ mất mạng bây giờ.

 

SUVANTHA

( đứng dậy ) Em khỏe chưa?Anh đưa em ra chỗ lúc nãy với mẹ và các con ( quay  lại  Konkun ) Tôi sẽ kiếm cho ông một nắm lá thuốc để rịt chân. Phải coi chừng! Nếu không giữ gìn, sẽ sinh ra hoại thư, phải cưa chân đấy ( dìu Chay Bofa bước ra)

Những người còn lại tự động đổi thế ngồi, không quay mặt vào nhau. Riêng Non Chamren có vẻ đắn đo, ray rứt. Trong khi đó, BunThum  và Keo Vanlai dẫn toán Angkar rút súng ống hờm tay bước vào.

 

BUNTHUM

( nhìn quanh ) Đứng dậy! Đi, đi hết! Ai cho mấy người dừng lại ở đây? Chỗ này không phải là địa điểm để nghỉ ngơi.

 

PHAYNA

Đi,đi mãi! Chúng tôi đã đi hai tuần lễ rồi, biết nơi nào là chặng cuối!

 

BUNTHUM

( trừng mắt nhìn Phayna ) Anh là ai? Làm gì?

 

PHAYNA

Tôi làm việc tại nhà máy điện. Tôi rời thành phố theo lệnh Uy ban Tối cao Angkar. Nhưng cho tôi hỏi: tại sao lại bắt tôi đi xa như vậy trong khi thành phố đã được giải phóng , rất cần những công nhân như tôi.

 

BUNTHUM

Dù anh là gì đi nữa cũng không có quyền thắc mắc. Lệnh là lệnh! Chỉ đơn giản thế thôi ( chợt quay về phía Non Chamren nhìn một lúc , ngạc nhiên ) Non Chamren! Có phải đồng chí Non Chamren đó không? Sao lại ở đây? Nghe nói đồng chí bị thương trong trận…

 

NON CHAMREN

( đỡ lời ) Tôi đang nằm điều trị ở bệnh viện hậu cứ, nghe tin giải phóng Phnom Penh, tôi mừng quá, trốn ra bệnh viện, đang tìm đường thì được biết có lệnh sơ tán nên phải quay trở lại.

 

BUNTHUM

Đúng. Không còn ai ở Phnom Penh nữa. Tất cả đều phải ra khỏi thành phố.

 

NON CHAMREN

Nhưng đồng bào ra khỏi thành phố  thì phải có kế hoạch có địa chỉ tập trung , có những bộ phận chăm sóc, tiếp đón và hướng dẫn cụ thể chứ?

 

BUNTHUM

( ngạc nhiên nhìn Non Chamren) Nhưng để làm gì?

 

NON CHAMREN

Suốt chặng đường mà tôi đi qua, tôi chỉ gặp những toán công tác như đồng chí. Nhưng còn bộ phận yễm trợ lương thực, thuốc men, cán bộ y tế đâu? Không lẽ hướng dẫn đồng bào sơ tán chỉ bằng súng và lựu đạn?

 

BUNTHUM

( nhìn soi mói vào mặt Non Chamren ) Đồng chí nghĩ rằng đám thị dân dơ bẩn  của cái thành phố hang ổ cuối cùng của đế quốc cũng bắt chúng ta phải cung cấp lương thực, thuốc men à?

 

NON CHAMREN

Ô hay! Tôi không hiểu đồng chí quan niệm thế nào về nhân dân thành phố? Trong tuyệt đại đa số đồng bào lao động chỉ có một thiểu số cla2 có nợ máu với cách mạng thôi chứ.

 

BUNTHUM

Đồng bào lao động mà đồng chí nói đó là ai? Có phải là cái lũ quay cuồng trong thành phố thối nát ấy, và sẳn sàng cọng tác với bè lũ đế quốc, tay sai bắn vào lưng chúng ta? Là lũ người mà trong bao nhiêu năm chúng ta chiến đấu triền miên trong gian khổ thì chu1ngno1 khom lưng chịu làm tôi mọi cho bọn cướp nước?

 

NON CHAMREN

Như thế nghĩa là đồng chí lên án toàn bộ tất cả những ai sống trong thành phố?

 

BUNTHUM

Sơ khởi là như thế. Hãy có cái nhìn cảnh giác cao độ là như thế. Sau đó sẽ có một màn thanh lọc để loại bo3ta61t cả bè lũ đã từng tiếp tay cho giặc. Đầu so3la2 ngụy quân, ngụy quyền rồi đến trí thức, đến tu sĩ, đến bọn tiểu tư sản mất gốc…

 

NON CHAMREN

Tôi e đó là quan niệm riêng của đồng chí. Đồng chí không nên vơ đũa cả nắm.

 

BUNTHUM

( nóng mặt ) Này Non Chamren! Cách mạng có thể trắng tay vì những loại cán bộ có tư tưởng xét lại như đồng chí.

 

NON CHAMREN

Đúng là thành quả Cách mạng có thể trắng tay, nhưng không phải vì những người như tôi, mà chính vì những loại người quá khích như đồng chí.

 

BUNTHUM

( giận dữ nhưng không biết làm gí trước Non Chamren, hắn bèn quay sang Phayna) Mày là ai?

 

PHAYNA

Tôi đã nói rồi. Tôi là công nhao6nnha2 máy điện Phnom Penh.

 

BUNTHUM

( hất hàm nhìn Setchaliza)  Còn tên này?

 

SETCHALIZA

Tôi là giáo sư sử học…

 

BUNTHUM

Ha…ha…giáo sư sử học. Có phải anh thuộc về những người đã ca tụng cái nền văn minh Angkor dơ bẩn của lũ vua chúa phong kiến thối nát không?

 

SETCHALIZA

Nền văn minh Angkor không do các vua chúa dựng nên. Nó là thành quả đóng góp của dân tộc Khmer.

 

BUNTHUM

(quát  to ) Cắt cái lưỡi mi đi! Dân tộc Khmer không bao giờ tự nguyện đóng góp vào công cuộc xây dựng những đền đài mà ở đó chôn vùi biết bao nhiêu xương máu, mồ hôi và nước mắt của nhân dân.

 

SETCHALIZA

Nền văn minh Angkor không chỉ riêng những đền đài. Nó bao gồm cả tiếng hát, điệu múa  kết tinh tất cả những tình tự dân tộc Khmer.

 

BUNTHUM

( quay lại )

Bắt giữ tên này lại! Và làm cho hắn hiểu rằng những điêu múa, tiếng hát mà hắn hết lời ca tụng chỉ là những sản phẩm phục vụ giai cấp thống trị, mua vui cho bè lũ phong kiến bẩn thỉu trong bao nhiêu thế hệ…

Một tên Angkor xông đến, giữ chặt lấy Setchaliza, nhà sử học cười nhạt, để mặc cho tên lính muốn làm gì thì làm. Ông nhìn thẳng vào mắt  Bunthum.

 

BUNTHUM

( chỉ Konkun ) Còn tên này là ai?

 

KONKUN

Tôi không bao giờ viết sách. Tôi không bao giờ ca tụng bất cứ một chế độ nào. Tôi luôn luôn đứng về phía những người thất thế, bênh vực nhân dân lao động trước công lý.

 

BUNTHUM

( mỉm cười thâm hiểm )  Như vậy anh là luật sư?

 

KONKUN

( nói gấp ) Luật sư bênh vực cho dân nghèo.

 

BUNTHUM

Giữ lấy nó! Quân tay sai bẩn thỉu phục vụ cho nền công lý thối nát của bè lũ đế quốc tay sai. Dưới mồm mép của mi, biết bao nhiêu đồng chí của tao đã gục ngã trong lao tù rồi.

( Một tên Angkar khác lại kéo Konkun về một góc, đứng cạnh Setchaliza)

 

BUNTHUM

( chỉ Koythn ) Còn tên này nữa, mi là ai?

 

KOYTHUN

 

KOYTHUN

Tôi là một nhà khoa học thuần túy. Tôi dạy sinh hóa tại trường Đại học khoa học.

 

BUNTHUN

( reo lên ) Lại một tên đại trí thức của chế độ tay sai bán nước ( quát lên ) Dẫn tất cả bọn chúng đi luôn. Đã đến lúc bọn chúng nó phải đền tội. Mỗi đứa chỉ đáng lãnh một nhát cuốc vào đầu.( ra lệnh ) Đem đi ngay!

 

NON CHAMREN

( bước tới trước mặt Bunthum, ngăn) Khoan! Tôi muốn hỏi đồng chí họ đã phạm tội gì?

 

BUNTHUM

( nhìn Non Chamren với vẻ thương hại, mỉa mai ) Đồng chí thực sự không hiểu? ( ngừng một lát ) Chúng ta chỉ cần hai bàn tay và không cần đến khối óc. Khối óc của bọn chúng không có lợi mà còn có hại cho sự nghiệp của ta. Nuôi bọn chúng chỉ tốn gạo, chi bằng cho bọn chúng một cơ hội đóng góp, tự biến mình thành phân bón. Đồng chí không nhớ Mao Chủ tịch đã nói:" Giá trị của trí thức không bằng cục oha6n" sao?

 

NON CHAMREN

( đè nén ) Chúng ta làm cách mạng, nhưng đi đôi với cải tạo còn có nhiệm vụ xây dựng nữa.

 

BUNTHUM

Lịch sử đã giao phó cho chúng ta trách nhiệm một nước Campuchia Cọng sản đầu tiên trên thế giới. Muốn xây dựng được xã hội đó chúng ta chỉ cần có bần cố nông, và trung nông lớp dưới. Còn tất cả những thành phần khác đều là kẻ thù. Chúng ta sẽ lần lượt tiêu diệt họ. Chúng ta phải ra tay trước khi họ kịp thời chống lại chúng ta.

 

NON CHAMREN

Tôi e đó vẫn là ý kiến riêng của đồng chí.

 

BUNTHUM

( nhìn thẳng vào mặt Non Chamren ) Thực sự đồng chí muốn gì?

 

NON CHAMREN

Tôi chỉ muốn chúng ta thực hiện đúng với những điều chúng ta đã cam kết với nhân dân.

 

BUNTHUM

Đó chỉ là cách nói. Đây mới chính là kế hoạch thực sự mà chúng ta đã hoạch định và bằng mọi giá chúng ta phải thực hiện cho kỳ được. ( rút trong túi áo ra một tập giấy trao cho Non Chamren ) Đồng chí hãy đọc đi để thấy đây là ý kiến của tôi hay của Angkar Trên.

 

NON CHAMREN

( cầm lấy, chăm chú đọc, khuôn mặt không ngừng thay đổi. Đọc xong, trả lại cho Bunthum, vẻ đau khổ ) Thì ra là vậy! Tại sao…tại sao tôi có thể ngu muội hiến dâng cả cuộc đời tôi, chính sinh mạng của to6iva2 hạnh phúc của gia đình tôi cho bọn giả danh Cách mạng? Không…không! Tôi không thể tiếp tục bị lừa dối và trở thành kẻ phản bội nhân dân…

 

BUNTHUM

Đúng! Giờ phút này mi cũng không thể tiếp tục sống làm gì ( rút súng )

 

NON CHAMREN

( như bừng tỉnh , quắt mắt nhìn Buntghum, rồi lao tới vừa hét lên giọng đầy căm phẩn ) Đồ đao phủ! Đồ đao phủ…( Bất ngờ một tiếng súng nổ, khô khốc vang lên. Non Chamren khựng lại, lảo đảo, rồi ngã vật xuống)

 

BUNTHUM

( quay nhìn bọn lính đang bàng hoàng ) Chúng ta không nên mềm lòng ngay cả với những đồng chí của chúng ta, nếu người đó đi ngược lại mục đích của chúng ta ( ngừng một lát )

Kẻ thù ngay trong nội bộ nguy hiểm  gấp trăm nghìn lần kẻ thù từ bên ngoài.

 

KEO VANLAI

( gật đầu, giọng khó hiểu ) Phải ! Chúng ta phải biết chọn lựa. Bunthum bước tới, định cúi xuống bên xác của Non Chamren; nhưng Keo Vanlai như đoán hiểu, đã nhanh chân bước tới , cúi xuống sờ lên ngực Non Chamren , và quay lại nói với Bunthum.

 

KEO VANLAI

Hắn đã chết!

 

BUNTHUM

( nhẹ nhàng, hiểm độc ) Keo Vanlai, tôi giao cho đồng chí tên phản bội này…

 

KEO VANLAI

Để làm gì? Hắn đã chết…

 

BUNTHUM

Không sao. Như vậy sẽ thuận lợi cho đồng chí hơn. Đồng chí hãy còn chưa quen. Theo to6ithi2 trước tiên, đồng chí hãy bắt đầu bằnh những bài tập về cắt cổ. Nhưng hãy khoan dùng dao mà cắt bằng bó lá thốt nốt. Những gai nhọn của bẹ lá sẽ làm cho thịt tươm ra. Lúc ấy co' thể  đồng chí sẽ chùn tay. Không sao Keo Vanlai ạ, ro62I đâu sẽ vào đó, càng ngày đồng chí sẽ bình thản hơn , tự tin hơn, và trước mỗi cái chết  như vậy, đồng chí sẽ thấy ý nghĩa của việc chúng ta làm. Chúng ta sẽ xây dựng một nhân loại mới, một thế giới mới.

 

Sau câu nói của Bunthum, tất cả đều như sững lại. Rồi bỗng có tiếng lao xao từ bên ngoài vọng vào. Suvantha bị đẩy ngã chúi xuống đất, phía sau là ba tên Angkar. Anh lồm cồm ngồi dậy vừa quơ vội nắm lá thuốc vương vãi trên đất, vừa sợ hãi nhìn Bunthum.

 

TÊN LÍNH

( nói nhỏ vào tai Bunthum )

 

BUNTHUM

( nhìn Suvantha ) Mầy là ai? Làm nghề gì?

 

PHAYNA

( chạy xô lại trước Suvantha ) Anh Suvantha! ( quay lại nói với Bunthum) Anh này làm việc tại bộ phận sửa chữa lưu động trong nhà máy điện Phnom Penh với tôi.

 

BUNTHUM

Hắn không phải là trí thức à?

 

PHAYNA

Không!

 

BUNTHUM

( nghi ngờ nhìn nắm lá trên tay Suvantha ) Trong tay anh là cái gì vậy?

 

SUVANTHA

(ngập ngừng ) Tôi đi kiếm nắm lá thuốc…

 

PHAYNA

( cướp lời ) Đó là anh bạn làm theo lời yêu cầu của tôi. Từ hồi chiều  tôi lên cơn đau bụng dữ dội…

 

BUNTHUM

( lạnh lùng nhìn Suvantha với vẻ nghi ngờ. Một lát …) Chúng ta đi thôi!

 

KEO VANLAI

( nhìn Bunthum thắc mắc ) Còn tên? Liệu tôi…( bất ngờ có tiếng súng vẳng lại )

 

BUNTHUM

Thôi! Mặc nó, chu1ng ta phải coi đằng kia chuyện gì xảy ra.

 

 

SUVANTHA

( đợi đến khi cả bọn đi khuất, Suvantha bước nhanh tới bên xác Non Chamren, cúi xuống , đưa tay banh mắt, sờ ngực , làm cử động hô hấp ) Anh ấy còn sống!

 

PHAYNA

( ngạc nhiên , mừng rỡ ) Sao lúc nãy ông kia bảo đã chết rồi.

 

SUVANTHA

Thì ông ta đâu phải là bác sĩ. Rõ ràng anh ấy còn sống. Chúng ta phải phải tìm cách cứu anh ấy ngay.

 

PHAYNA

Bác sĩ Suvantha, chúng sẽ giết chết ông ngay, nếu chúng khám phá ra ông là một bác sĩ.

 

SUVANTHA

Tôi biết. Tôi đã chứng kiến tất cả: luật sư Konkun, sử gia Setchaliza, giái sư Koythun , mỗi người một ngát cuốc vào đầu. Thật khủng khiếp! Tôi là một bác sĩ, nhưng họ đã chết ngay trước mắt tôi mà tôi đành bất lực, không thể làm gì được. ( người Suvantha run lên bần bật ) Không, dù tôi có bề chăng nữa, giờ đây tôi không thể bỏ mặc con người này. Tôi sẽ cầm máu cho ông ta, và tìm cách đưa vào một bệnh viện gần nhất…

 

PHAYNA

( xé túi vải trao cho Suvantha ) Thôi được, bác sĩ hãy làm công việc của bác sĩ, nhưng tôi sẽ đưa ông ta đi…

 

SUVANTHA

( cầm băng vải trong tay Phayna ) Tại sao?

 

PHAYNA

Đơn giản thôi, vì ông là trí thức…

 

SUVANTHA

Trí thức thì cần phải làm điều đó hơn ai hết. Lương tâm tôi không cho phép…

 

PHAYNA

( gắt gỏng ) Dẹp cái lương tâm của ông lại đi! Ở đây không có cái thứ xa xỉ  ấy…

 

SUVANTHA

Vì vậy nó cần phải tồn tại hơn bao giờ hết…

 

PHAYNSA

Và kết thúc là một nhát cuốc vào đầu? ( im lặng ) Tôi nhớ là khi ba ông bạn kia ngã xuống thì ông đã nhắm mắt lại…

 

SUVANTHA

( vẫn còn bàng hoàng ) Khủng khiếp quá!

 

PHAYNA

Ông là một người không thực tế. Ông như một con chim chỉ thất mồi trước mặt, mà không chịu thấy kẻ bắn ná sau lưng. Lúc nãy tôi đã cứu ông một lần trước mặt bọn Angkar, tôi không muốn hành động ấy trở thành vô ích.

 

SUVANTHA

Tôi xin cám ơn ông. Nếu không có ông thì số phận của tôi cũng như những người xấu số kia.

 

PHAYNA

Đừng cám ơn tôi gì cả. Tôi không vì cá nhân bác sĩ đâu. Trên địa ngục trần gian này, trên mảnh đất quê hương vô cùng thảm khốc này, bọn chúng đang kêu rú lên như bầy quỉ dữ say máu dân lành. Người già chết. Phụ nữ chết, trẻ con chết, những người trí thức đang từ từ bị giết chết…Chúng ta sẽ không còn gì. Miền đất này chỉ còn là một miền đất chết! Ông thấy không, miền đất này chỉ còn là một miền đất chết!

 

SUVANTHA

( tay vẫn băng bó vết thương cho Non Chamren ) Trời ơi! Cái nhìn của ông bi đát quá!

 

PHAYNA

( cười cay đắng ) Tôi là con người hành động, tin là mình nhận thức đúng và tôi không tuyệt vọng ( cúi nhìm Non Chamren ) Đối với con người trung thực này, tôi có bổn phận phải cứu mạng ông ta, không chỉ vì cá nhân ông ta mà vì sự tồn tại của dân tộc chúng ta.

 

SUVANTHA

( lo lắng ) Anh sẽ đưa ông ta đi đâu?

 

PHAYNA

Bất cứ nơi nào có thể làm hồi sinh được miền đất chết này ( xốc Non Chamren dậy ) Hẹn gặp lại ( đi được vài bước , dừng lại ) Bác sĩ Suvantha…Ông phải sống…dân tộc chúng ta phải hồi sinh…( khiêng Non Chamren bước vào bóng tối )

 

SUVANTHA

( nói vói theo, nghẹn ngào ) Cám ơn Phayna…Cám ơn anh…Nhưng tôi không thể…tôi không thể …Tôi đã trở thành kẻ tuyệt vọng mất rồi!

( đứng im sững, hai tay ôm lấy mặt. Những ngón tay gầy run rẩy…

 

                     MÀN TỪ TỪ HẠ

 

 

 

 

           CẢNH II

        CÔNG TRƯỜNG THỦY LỢI

 

Ban trưa. Nắng gắt. Không có bóng dáng bất kỳ một loại động cơ nào. Tất cả mọi việc đều do sức người. Người nào cũng mặc quần áo đen, tới lui tấp nập nhưng không ai dám nói với ai tiếng nào. Họ như những bóng ma di động, vật vờ.

 

 Suvantha và Phayna có mặt trong đám người lao động khổ sai đó. Hai người đang khiêng đất. Thỉnh thoảng Suvantha như muốn quỵ xuống , nhưng vẫn gắng gượng từng bước đi tới. Khi cả hai quay lại để tiếp tục chuyển chuyến đất đá khác. Bất ngờ, từ đâu vang lại một tiếng " ầm " thật lớn, và thật khủng khiếp. Tiếp theo là tiếng ồn ào dữ dội hòa lẫn với tiếng kêu la, thất thanh. Mọi người ngừng công việc, dõi mắt nhìn về phía phát ra tiếng động tai  ương đó. Ở một góc công trường, có hai người đứng cạnh nhau thì thầm to nhỏ…

 

LAO ĐỘNG A

Chuyện gì vậy?

 

LAO ĐỘNG B

( nhỏ nhẹ ) Đừng hỏi bậy bạ. Không sợ bọn chúng trừng phạt sao?

 

LAO ĐỘNG A

Ừ, thì nói đủ nghe thôi. Tôi mới được chuyển  đến mà.

 

LAO ĐỘNG B

( lấm lét nhìn quanh ) Chắc cũng như những lần trước,cái đập bị vỡ.

 

LAO ĐỘNG A

Sao bị vỡ mãi thế?

 

LAO ĐỘNG B

Máy móc  bỏ phế, chất đống không dùng đến, chỉ dùng đến tay chân. Bọn chúng muốn chúng ta chết dần, chết mòn. Liệu có khác gì nhà tù của Đức Quốc Xã.

 

LAO ĐỘNG A

( chép miệng thở dài ) Biết bao người phải bỏ mạng.

 

LAO ĐỘNG B

Ô… mạng là mạng của ai kia, chứ dân đen như mình thì sống là cỏ rác, chết là phân bón.

 

LAO ĐỘNG A

Vậy tại sao tôi phải sống, và sống để làm gì?

 

LAO ĐỘNG B

Đã nhiều đêm tôi  thao thức nghĩ  mãi, nghĩ  hoài  tại sao tôi đã sống được đến ngày hôm nay. Lẽ nào, tôi  sống  vì chưa thể chết. Không, hình như trong sâu kín của tâm hồn  tôi vẫn còn hy vọng, tôi vẫn khát thèm được sống?

 

LAO ĐỘNG A

Ta đâu còn cuộc đời nào khác cuộc đời ta đang có, nhưng nếu phải sống như thế này thì chết sướng hơn.

Bỗng  sực nhớ mình đang đứng giữa đám đông, cả hai im bặt. Nhưng khi quay lại, họ đã nhìn thất hai tên Angkar đang cầm roi đứng sau lưng họ.Họ run rẫy sợ hãi.

 

TÊN ANGKAR 1:

( nhìn hai người, hất hàm hỏi ) Hai ngươi âm mưu trốn phải không?

 

LAO ĐỘNG A

(sợ hãi, lên tiếng ) Không! Chúng tôi không có ý định trốn trại. Tuyệt đối không.

 

LAO ĐỘNG B

( cúi gập xuống ) Đúng! Chúng tôi tuyệt đối không có ý định trốn trại.

 

TÊN ANGKAR

( nhịp nhịp chiếc roi trong tay) Thế các ngươi đã nói gì? Các ngươi đã biết lệnh nông trang không cho phép trao đổi, thảo luận bất cứ chuyện gì.

 

LAO ĐỘNG A

Chúng tôi chỉ xin hỏi nước uống.

 

TÊN ANGKAR

Như vậy các ngươi cho rằng Ban Chủ nhiệm nông trang dã không cung cấp nước đủ cho các ngươi?

 

LAO ĐỘNG B

Thưa cán bộ! Chúng tôi đâu dám nghĩ vậy. Thật lòng chúng tôi không bao giờ nghĩ như vậy.

 

TÊN ANGKAR

( gật đầu, như định bỏ đi, bất ngờ quay lại vung roi , quất túi bụi vào hai người. Hai người co rúm lại hư'ng nhận những lằn roi tới tấp quất lên người. Nhưng hai người vẫn, cắn chặt răng chịu đựng không dám lên tiếng phản hay  kêu khóc. Khi họ lã người sụm xuống thì tên Angkar thản nhiên cuộn roi, rồi  quay qua tên kia ra hiệu. Cả hai  bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra)

Ở góc đằng kia, đám đông như bị tác động bởi một hiệu lệnh vô hình, tiếp tục di động trở lại như không có chuyện gì xảy ra với họ và chung quanh. Như một cái xác không hồn, Suvantha ngồi xuống cạnh Phayna.

 

SUVANTHA

(bất ngờ ôm mặt khóc nức nở )

 

PHAYNA

( hốt hoảng ) Anh Suvantha! Chuyện gì vậy? Có phải anh còn nhớ thương  bác gái?

 

SUVANTHA

Anh muốn nói đến mẹ tôi?

 

PHAYNA

Phải! Bác gái mất đi là một điều đau xót thật đó. Nhưng trong hoàn cảnh này, với tuổi tác của bác, chết là giải thoát, là chấm dứt sự đọa đày, khổ ải…Anh hãy cố quên đi, giấu chặt trong lòng.

 

SUVANTHA

Tôi không thể nào quên được cái chết của mẹ tôi. Chừng ấy tuổi đầu mà chúng bắt phải làm việc nặng nhọc, đến nỗi phải bỉ tai nạn, chết vùi dưới đám gạch đá. Nhưng thú thật với anh, ngay trong giây phút này, sao tôi lại không nghĩ đến mẹ tôi…

 

PHAYNA

Anh không nhớ đén bác, vậy có phải anh nhớ đến cháu Thaborey không?

 

SUVANTHA

Ứ, thằng Thaborey con trai tôi. Không biết bây giờ nó làm gì? Ở đâu? Hay nó cũng đã chết rồi cũng nên?

 

PHAYNA

Không, tôi chắc nó không chết. Nó đang…

 

SUVANTHA

( khóc nức nở )

 

PHAYNA

( nắm tay Suvantha ) Tại sao anh khóc?

 

SUVANTHA

( run run , đưa hai bàn tay ra trước mặt Phayna ) Hai bàn tay tôi.. Anh hãy nhìn thẳng vào đây. Anh có thấy gì không?

 

PHAYNA

Không…Tôi không thấy có gì khác lạ! ( đưa tay lên ) Tay tôi vẫn thế.

 

SUVANTHA

( vừa khóc vừa nói ) Anh biết không, trời đất sinh  tôi ra và chính bản thân tôi nữa, tôi quý nhất là đôi bàn tay.

 

PHAYNA

Sinh mạng chúng ta còn không giữ được…( thở dài ) huống hồ gì hai bàn tay.

 

SUVANTHA

Anh Phayna, anh không hiểu là phải. Hai bàn tay của tôi chính là sinh mạng của tôi, lẽ sống, ước mơ của tôi ( ôm mặt khóc) Hai bàn tay tôi sinh ra là để cầm con dao mổ, chứ không phải để vác đất đập đá… Hai bàn tay tôi là để cứu người … Nếu nó chai cứng thì làm sao tôi chiến đấu được với thần chết, giành giật mạng sống cho bệnh nhân…

 

Im lặng một lát, chỉ có tiếng khóc rấm rức của Suvantha. Bỗng có bóng người lặng lẽ bước đến gần. Keo Vanlai. Anh lặng im  đứng nhìn hai người, khuôn mặt  không biểu lộ một cảm xúc nào, bí ẩn . Cả hai, Suvantha và Phayna bỗng giật mình khi chợt nhận ra sự có mặt của Keo Vanlai. Sự lúng túng hiện rõ trên khuôn mặt họ, một sự lúng túng chờ đợi những hậu quả tồi tệ nhất sắp úp chụp lên đầu h05.

 

PHAYNA

( gắng gượng ) À! Ông…

 

KEO VANLAI

Này anh… Trước ngày giải phóng anh làm nghề gì?

 

PHAYNA

Ông đã biết rồi mà. Tôi là công nhân nhà máy điện Phnom Pênh.

 

KEO VANLAI

( hướng về phía Suvantha ) Còn anh?

 

SUVANTHA

( bối rối ) Tôi ấy à?

 

PHAYNA

( cướp lời ) Anh bạn tôi trước đây cùng làm việc với tôi thuộc bộ phận sửa chữa lưu động…

 

KEO VANLAI

Công nhân nhà đèn?

 

PHAYNA

Phải.

 

KEO VANLAI

Nếu anh nói sai thì sao?

 

PHAYNA

Tôi…

 

KEO VANLAI

( nói với  Suvantha ) Anh chưa trả lời câu hỏi của tôi. Tôi nhớ không lầm thì đã gặp anh…

 

SUVANTHA

( lo sợ ) Tôi…

 

KEO VANLAI

Không phải chỉ gặp …

 

PHAYNA

Trong đời sống , người giống người không phải chuyện lạ…

 

KEO VANLAI

( với Phayna ) Anh coi chừng cái mồm quá lanh lợi của anh đấy ( quay sang Suvantha ) Anh có biết Bệnh viện Trung Ương Phnom Pênh?

 

SUVANTHA

Bệnh viện Trung Ương?

 

KEO VANLAI

Trước đây,tôi đã lớn lên ở Phnom Penh. Vì muốn thay đổi xã hội , tôi dấn thân đi làm cách mạng và hoạt động bí mật ngay tại đó… nghĩa là vẫn ở Phnom Penh. Có một lần sau khi tấn công vào một khách sạn dành cho lính Mỹ, chúng tôi, mỗi người một ngả rút lui. Riêng tôi, bị bọn chúng đuổi theo, và tôi bị bắn vào đây ( chỉ vào ngực ) chỉ còn một ly nữa là trúng tim. Tôi bất tỉnh ngay tại chỗ…Mấy ngày sau đó, tôi được biết một bà mẹ đã đem tôi giấu, đợi đến nửa đêm đem tôi vào bệnh viện Trung Ương, và ở đây một bác sĩ  giải phẩu cứu tôi sống…

Bên ngoài bỗng có ba tiếng súng, rồi tiếng ồn ào náo loạn, Keo Vanlai nhìn về phía phát ra tiếng nổ. Một tên lính chạy vào.

 

TÊN ANGKAR

Báo cáo Thủ trưởng …

 

KEO VANLAI

Chuyện gì?

 

TÊN ANGKAR

Có hai tên định tẩu thoát vào rừng, nhưng chúng tôi đã kịp thời phát hiện…

 

KEO VANLAI

Dẫn bọn chúng tới đây.

 

TÊN ANGKAR

Dạ, chúng đã bị giết rồi ạ!

 

KEO VANLAI

( tỏ vẻ khó chịu, nhưng vội trấn tỉnh ngay ) Đưa ta đến đó. ( cùng tên lính đi ra )

 

SUVANTHA

( cùng Phayna đưa mắt nhìn theo) Anh muốn gì?

 

PHAYNA

Tôi cũng không hiểu nữa. Mỗi lần gặp hắn là mỗi lần tôi băn khoăn về hắn. Hắn là người như thế nào? Hắn muốn gì? Thái độ của hắn thật khó hiểu. Có lúc tôi nghĩ biết đâu hắn là một người…

 

SUVANTHA

Một người như thế nào?

 

PHAYNA

Biết có đúng không hay tôi lại rơi vào ảo tưởng…

 

SUVANTHA

( trầm ngâm ) Có phải hắn đã tìm ra tung tích rồi phải không? Hắn lần mò giả vờ bịa chuyện để điều tra…

 

PHAYNA

Cũng có thể lắm.

 

SUVANTHA

Sao lại có thể?

 

PHAYNA

Bởi vì cũng không có gì chắc chắn về điều đó cả.

 

SUVANTHA

Hắn  có thể hai mặt à?

 

PHAYNA

Làm sao tôi biết được!

 

SUVANTHA

Hôm nay anh thật khó hiểu!

 

PHAYNA

( giật mình ) Tôi khó hiểu hay hắn khó hiểu.

 

SUVANTHA

Có lẽ cả hai.

Giữa lúc đó, bất ngờ có tiếng kẻng vang lên…

 

                                                 MÀN TỪ TỪ HẠ

 

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 2404
Ngày đăng: 23.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Diễn từ của cái chết - Nguyễn Viện
La-da-rô và người yêu dấu - Kahlil Gibran
Kịch thơ Thành Taberd-1 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-2 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-3 - Bùi Chí Vinh
Kịch thơ Thành Taberd-4 - Bùi Chí Vinh
Cũng là đi cho - Quỳnh Linh
Kịch phi lý không chết - Lê Anh Hoài
Tìh êu - Lê Anh Hoài
Ai là tác giả Kịch THƠ “Bóng Giai Nhân”? - Hoàng Cầm
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)