(Kính tặng P.GS T.S Biện Minh Điền, Khoa Ngữ Văn, Đại học Vinh – Nghệ An)
1. Thơ Nôm Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), quê ở Yên Đổ, Bình Lụt, Hà Nam, đỗ đầu cả ba kỳ thi nên thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Chương trình Ngữ Văn ở bậc trung học đã thay đổi, chỉnh lý bao lần, song Nguyễn Khuyến và những bài thơ Nôm của ông vẫn giữ một vị trí không thể thay thế. Tác phẩm mà Nguyễn Khuyến để lại có:
Trong đó, chúng tôi thống kê theo công trình “Thơ văn Nguyễn Khuyến”, ông có bài thơ Nôm Đường luật. Theo Biện Minh Điền [], Nguyễn Khuyến có thơ chữ Hán nhưng tác giả tự chuyển thể sang thơ Nôm hình thức song thất lục bát.
2. Chất dân gian trong thơ Nôm của ông
2.1. Đề tài, tiêu đề tác phẩm gắn liền với người bình dân
Trong số 116 bài thơ mà chúng tôi khảo sát có rất nhiều bài thơ mà tiêu đề, đề tài gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người bình dân. Chúng tôi xin dẫn ra đây một số bài thơ như vậy: Gái rửa … bờ sông; Trở về vườn cũ, Vịnh lụt; Anh giả điếc; Nghe hát đêm khuya; Thầy đồ ve gái goá; Lấy tây; Kẻ trộm mất trộm; …
Cần nói thêm rất nhiều tác phẩm thơ của văn học Việt Nam trung đại có đặc trưng cơ bản là ngay từ tiêu đề, đề tài đã mang đậm tính phi ngã, ít để lại dấu ấn cá nhân. Rất nhiều bài thơ của hầu hết nhưng tác giả thời trung đại mang tiêu đề “Tự thuật”, “Tự thán”, “Tự trào”, …
Đối sánh với các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến qua những tiêu đề, đề tài vừa dẫn chúng ta thấy màu sắc cá nhân và sắc thái dân gian ảnh hưởng là rõ nét.
2.2. Thành ngữ, ngữ liệu dân gian
Thành ngữ, tục ngữ là một bộ phận quan trọng của tiếng Việt. Nó thể hiện những đặc trưng văn hoá, tư duy của một dân tộc, khảo sát thơ Nôm Nguyễn Khuyến, yếu tố thành ngữ tục ngữ xuất hiện khá phổ biến.
Nhà thơ dùng thành ngữ lãi mẹ đẻ lãi con để viết câu thơ thất ngôn:
Lãi mẹ, lãi con, sinh đẻ mãi
Chục năm, chục bảy, tính nhiều sao (Than nợ)
Hay ở Thơ khuyên học, có câu: Đen thì gần mực, đỏ gần son người đọc đều cảm nhận thấy bóng dáng câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Ca dao, đồng dao cũng là ngữ liệu không ít lần được cụ Tam Nguyên sử dụng:
Người xinh, cái bóng tình tinh cũng …
Một bút một thêm một điểm tình! (Đề ảnh Tố Nữ)
Lấy ý từ câu ca dao: Người xinh cái bóng cũng xinh/ Người ròn, cái tỉnh tình tinh cũng ròn
Ở một bài thơ khác, ông viết:
Nhấp nhoáng hạt trai, ngờ hổ phách
Mơ màng núc nác, ngỡ vàng tâm
(Đưa người làm mối).
Hai cây thơ ấy nảy sinh từ ý câu ca dao: Vào rừng không biết lối ra/ Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm
Lấy ý từ bài đồng dao “Tập tầm vông”: Tập tầm tầm vông, tay nào không, tay nào có? Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không? Nguyễn Khuyến viết:
Con tạo ghen chi gái má hồng
Mà đem nước đến vỗ tầm vông
(Gái goá than lụt)
Còn rất nhiều những trường hợp như vậy, chúng tôi chỉ xin nêu một dẫn chứng để khẳng định rằng ngữ liệu dân gian trong thơ Nguyễn Khuyến là một hiện tượng có thực và đủ sức thuyết phục.
2.3. Thể thơ
Khảo sát thơ Nôm của Nguyễn Khuyến chúng tôi thống kê được các thể loại mà Tam Nguyên Yên Đổ sử dụng như sau:
Thể loại |
Bài thơ |
Đường luật bát cú (thất ngôn)
Hát nói
Song thất lục bát
Tuyệt cú
Ngũ ngôn (bát cú)
Bài luật
Lục bát |
81
9
6
6
2
1
1 |
Về thể thơ, hiện có nhiều ý kiến, song nhiều học giả đồng thuận cho rằng lục bát, song thất lục bát và hát nói là ba thể thơ thuần Việt. Biện Minh Điền gọi đó là những thể loại nội sinh. Trong khuôn khổ bài viết của mình chúng tôi cho rằng thể thơ song thất lục bát và lục bát là những thể thơ mà Nguyễn Khuyến ít nhiều chịu ảnh hưởng từ ca dao dân gian.
2.3.1. Thể thơ song thất lục bát dân gian
Theo Nguyễn Xuân Kính trong ca dao, số lời được sáng tác theo thể song thất lục bát chiếm khoảng 2%”, và ông cũng cho biết thêm làm theo thể này, mỗi lời ca chỉ gồm một khổ (bốn dòng thơ); cực kỳ hiếm hoi nếu không muốn nói rằng không có lời thơ (dân gian người viết chú thêm) có độ dài từ hai khổ trở lên [249 - 250; 6]
Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng
May sáo chàng cùng sóng áo em
Chữ tình cùng với chữ duyên
Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền.
Luật bằng - trắc của thể thơ STLB đã được Nguyễn Xuân Kính xác định trong Thi pháp ca dao, Phan Diễm Phương trong Lục bát và song thất lục bát (Lịch sử phát triển đặc trưng thể loại); hay trước đó Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 2, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu, … đều có đưa ra mô hình âm luật bằng trắc của thể thơ này. Và tất cả đều thống nhất, đồng thuận. Trong công trình của mình, chúng tôi cũng ghi lại mô hình ấy để làm cơ sở khảo sát:
Khổ 1 |
Thất trên |
0 |
t |
T |
b |
B |
t |
T |
|
Thất dưới |
0 |
b |
B |
t |
T |
b |
B |
|
Lục |
|
b |
B |
t |
T |
b |
B |
|
Bát |
b |
B |
t |
T |
b |
B |
t |
B |
Khổ 2 |
Thất trên |
0 |
t |
T |
b |
B |
t |
T |
|
Thất dưới |
0 |
b |
B |
t |
T |
b |
B |
|
Lục |
|
b |
B |
t |
T |
b |
B |
|
Bát |
b |
B |
t |
T |
b |
B |
t |
B |
Dương Quảng Hàm thuyết minh thêm: “hai câu sáu tám theo luật lục bát. Đến hai câu bảy thì chữ thứ nhất không kể, muốn đặt tiếng gì (tức thanh bằng hay thanh trắc) cũng được, còn sáu chữ sau chia làm ba đoạn, mỗi đoạn hai chữ. Trong câu bảy (hiểu là câu bảy trên) thì có đoạn đầu là trắc trắc; đến câu bảy dưới thì trái lại đoạn đầu là bằng bằng. Vậy luật bằng trắc trong thể song thất theo cách trên. Dấu 0 chỉ chữ đầu câu bảy là chữ gác ở ngoài không kể. Những chữ in thường là những chữ không cần đúng luật, còn những chữ in hoa buộc phải theo”
Thể thơ song thất lục bát góp mặt vào văn học viết Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ XVI. Đến giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII, thể thơ này bắt gặp được những nỗi lòng, những tâm trạng đau khổ day dứt triền miên của các văn gia thi sĩ. Thế là thể loại ngâm khúc dùng hình thức thơ song thất lục bát nhanh chóng khẳng định dấu ấn của mình trên văn đàn văn học dân tộc. Theo Nguyễn Thái Hoà thì hiện nay với khoảng 500 bản viết về thể thơ này, trong đó có những kiệt tác như Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều); Chinh phụ ngâm (bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm (?)), Trần tình khúc (tên gọi khác của Tự tình khúc - người viết chú thêm) (Cao Bá Nhạ); Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân). Cuối thế kỷ XIX, thể loại song thất lục bát lại xuất hiện trong hiện tượng liên văn bản độc đáo. Đinh Nhật Thận viết Thu dạ lữ hoài ngâm (tác phẩm ra đời sau khởi nghĩa của Cao Bá Quát, 1855) bằng song thất lục bát Hán rồi tự dịch ra song thất lục bát Nôm.
Đến cuối thế kỷ ấy, Nguyễn Khuyến viết nhiều bài thơ bằng Hán tự rồi lại tự dịch ra song thất lục bát Nôm. Biện Minh Điền thống kê được 24 trường hợp liên văn bản như vậy. Chúng tôi chỉ xin nêu một Một đoạn trong Di chúc văn (bản Nôm) để minh hoạ:
Cờ biển của vua ban ngày trước,
Khi đưa thầy con rước đầu tiên;
Lại thuê một lũ phường kèn,
Vừa đi vừa thổi mỗi bên dăm thằng.
Việc tống táng nhung nhăng qua quít,
Cúng cho thầy một ít rượu hoa;
Đề vào mấy chữ trong bia,
Rằng:“Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu.
Chúng tôi cho rằng, thể thơ song thất lục bát mà Nguyễn Khuyến sử dụng để dịch những tác phẩm Hán tự của mình sang Nôm có nguồn gốc từ ca dao dân gian. Có điều, cũng như song thất lục bát bác học nó đã phát triển và hoàn chỉnh về mặt vần, luật.
2.3.2. Thể lục bát
Cũng như song thất lục bát, lục bát là thể thơ phổ biến của ca dao dân gian. Trong quá trình phát triển, lục bát đã để lại những truyện thơ Nôm nổi tiếng, trong đó có Truyện Kiều kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. Về mặt thi luật, các nhà nghiên cứu xác định cách phối thanh bằng – trắc như sau:
Câu 6 tiếng: b B t T b B (V)
Câu 8 tiếng: b B t T b B (V) t B (V)
Chữ in hoa buộc phải theo, chữ in thường theo lệ nhất tam ngũ bất luận.
Trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến có một tác phẩm được viết theo thể này:
CHÚC THỌ
Nay mừng ông lão tám mươi
Ấy dân Hoài Cát hay người Đường ngu
Nhởn nhơ kích nhưỡng khang cù
Thiều quang chín chục, xuân thu tám nghìn
Chẳng tiên ấy cũng là tiên!
Về mặt thi luật bài thơ của Nguyễn Khuyến không khác với một bài ca dao mà chúng tôi gặp một cách tình cờ sau đây:
Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa thành ốc lạ thường
Trải bao năm tháng, nẻo đường còn đây
Và, với chừng ấy cũng có thể khẳng định ít nhiều về mặt thể thơ Nguyễn Khuyến cũng như nhiều nhà thơ Việt Nam trung đại khác chịu sự ảnh hưởng và chi phối của văn học dân gian cụ thể là ca dao dân ca.
3. Kết luận
Thứ nhất, tuy vấn đề đặt ra không mới, nhưng chúng tôi sắp xếp lại một cách hệ thống, có ý nghĩa cho những người đang trực tiếp làm công tác giảng dạy ở bậc trung học phổ thông đối với một đại thi gia như Nguyễn Khuyến.
Thứ hai, việc ảnh hưởng hai chiều giữa văn học dân gian và văn học thành văn trong lịch sử văn học Việt Nam là một hiện tượng thú vị. Tìm hiểu chất dân gian trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến còn để góp phần chứng minh rằng Tam Nguyên Yên Đổ chính là nhà thơ của làng quê Việt Nam!
Thứ ba, dù là bậc túc nho, nhưng nhờ những chất liệu dân gian mà Nguyễn Khuyến sử dụng mà thơ ông lung linh, sinh động, đó cũng là một hiện tượng phản thi pháp điển phạm của văn học Việt Nam trung đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Biện Minh Điền, Phong cách nghệ thuật Nguyễn Khuyến, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008.
2. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.
3. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Bộ Giáo dục Quốc gia, Sài Gòn, 1968.
4. Nguyễn Văn Huyền (sưu tầm, biên dịch, giới thiệu), Nguyễn Khuyến tác phẩm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984.
5. Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
6. Trần Minh Thương, Chất dân gian trong ngôn từ của tác phẩm “Cung oán ngâm khúc”, Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống, số 4 (162), Hà Nội, 2009.