Đặt vấn đề tác quyền bộ “Toàn Việt thi lục” ra lúc này, có vẻ như hơi bị… thừa! Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, ở phần “Văn tịch chí”, Phan Huy Chú đã viết: “Toàn việt thi lục, 20 quyển, Lê Quý Đôn vâng chỉ biên soạn; chép từ nhà Lý đến đời Hồng Đức (nhà Lê), tìm nhặt rất đầy đủ”. Còn các tác giả “Lược truyện các tác gia Việt Nam” cũng đã viết ở mục “Sách tham khảo”: “Sách (Toàn Việt thi lục) hiện còn 15 quyển (Thư viện khoa học trung ương, ký hiệu A.1262), thiếu 5 quyển, từ 16 đến 20 và phụ lục. Trước hết có bài “Lệ ngôn” nói về nội dung và thể lệ làm sách; thứ đến mục lục. Sau mục lục có ghi dòng chữ: “Hàn lâm viện thừa chỉ Dĩnh thành bá, thần Lê Quý Đôn phụng biên” (Hàn lâm viện thừa chỉ, tước Dĩnh thành bá là Lê Quý Đôn vâng chỉ biên soạn).
Vâng, đúng thế! Nhưng… “vẫn tưởng vậy mà không hẳn vậy”! Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sơ qua về nội dung của công trình này:
Như tên gọi của nó, “Toàn Việt thi lục” là một “Tổng tập thơ Việt Nam” 5 thế kỷ, từ Lý, Trần, Hồ, đến Lê Hồng Đức. Chỉ với 15 quyển hiện còn, các tác giả “Lược truyện các tác gia Việt Nam” đã thống kê được 2391 bài thơ của 175 tác giả. Không kể quyển phụ lục – chép thơ của các thi gia Triều Tiên và Trung Quốc trong những dịp sứ thần Trung Quốc sang ta, cũng như sứ thần ta sang Trung Quốc (gặp gỡ và xướng hoạ với các thi gia Trung Quốc và Triều Tiên) - nếu đủ 20 quyển, con số ước tính của tổng tập này sẽ là trên dưới 3000 bài thơ của trên 200 tác giả. Đến đây, một vấn đề được đặt ra: Trước “Toàn Việt thi lục” liệu có một công trình nào (về thơ) được biên soạn? Chính Lê Quý Đôn đã viết ở mục “Thiên chương” trong “Kiến văn tiểu lục”:
“Hồi quốc sơ, Phan Phu Tiên chép những bài thơ của vua chúa, công khanh và sứ thần về đời nhà Trần; lại chép những bài ngự chế của Cao Đế (Lê Thái Tổ), Văn Đế (Lê Thái Tông) cùng những bài ngâm vịnh của các nho thần về bản triều, thành quyển “Việt âm thi tập”; Dương Đức Nhan lại chép nối theo những bài không có trong “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên làm “Tinh tuyển thi tập”; Hoàng Đức Lương lại chép nối theo những bài còn thiếu trong hai tập kể trên làm “Trích diễm thi tập”. Hợp cả ba tập thơ ấy mà xem, thì văn thơ nước Nam có thể tìm được đầy đủ. Nhưng vẫn còn có chỗ bỏ sót…” (chúng tôi nhấn mạnh – PTC).
Theo Lê Quý Đôn, chúng ta thử “hợp cả ba tập thơ ấy lại…” xem như thế nào:
1. “Việt âm thi tập” được Phan Phu Tiên soạn xong năm 1433 và được khắc in năm 1459 (có sự bổ sung của Chu Xa và lời phê điểm của Nguyễn Tử Tấn). Theo như bài tựa, “Việt âm thi tập” gồm 6 quyển và 1 quyển “Phụ lục”, tập hợp hơn 700 bài thơ của hơn 100 tác giả từ Trần, Hồ đến Lê (không quá Lê Nhân Tông: 1443 – 1459).
2. “Tinh tuyển thi tập” (5 quyển), Dương Đức Nhan biên sắp, Lương Như Hộc phê điểm (hiệu đính), gồm 472 bài thơ của 13 tác giả từ Trần, Hồ đến Lê (không quá Lê Thánh Tông: 1460 – 1497).
3. “Trích diễm thi tập” (15 quyển), Hoàng Đức Lương soạn: Tập hợp 10 thi tập của 2 tác giả triều Trần và 8 tác giả triều Lê (đến Lê Thánh Tông), gồm các tập: “Đoán sách” của sư Pháp Loa; “Ngọc Tiên” của sư Huyền Quang; “Tiết trai” của Lê Thiếu Dĩnh; “Tiên sơn” của Nguyễn Vĩnh Tích; “Chí hài tập” của Phùng Thạc; “Vân biều tập” của Doãn Hành; “Tống Khê tập” của Vương Sư Bá; “Phúc hiên tập” của Trần Khản; “Tố cầm tập” của Vũ Quỳnh, và “Cưu đài tập” của Nguyễn Húc (Trong: “Kiến văn tiểu lục”, ở mục “Thiên chương”, Lê Quý Đôn cho biết những tập sách kể trên đến thời ông đã không còn!)
Như vậy, “hợp cả 3 tập thơ ấy lại…”, chúng ta đã có một “Tổng tập thơ Việt Nam” 3 thế kỷ từ Trần, Hồ đến Lê (Thánh Tông) gồm trên dưới 1200 bài thơ và 10 tập thơ của trên dưới 130 tác giả.
So sánh “Toàn Việt thi lục” và “Tổng tập” (Từ đây xin được tạm gọi là “Tổng tập”, tức 3 công trình của 3 soạn giả hợp lại), nếu “bóc” đi 7 bài thơ của 3 tác giả thuộc triều Lý trong “Toàn Việt thi lục” (theo: “Lược truyện các tác gia Việt Nam”, phần thuộc về triều Lý trong “Toàn Việt thi lục” chỉ gồm có 7 bài của 3 tác giả), chúng ta nhận thấy:
1. “Toàn việt thi lục” và “Tổng tập” đều có chung một đối tượng: Các tác phẩm và tác giả từ Trần, Hồ, đến Lê Hồng Đức.
2. “Toàn Việt thi lục” gồm trên dưới 3.000 bài thơ của trên 200 tác giả (trong bài “Lệ ngôn” nói về nội dung và thể lệ làm sách, được Lê Quý Đôn đánh giá là “… một bộ thơ Việt Nam kể đến đời ấy (1768 – năm sách soạn xong) là đầy đủ nhất về các thể, các loại thơ, của các tầng lớp xã hội…” (Chúng tôi nhấn mạnh – PTC).
3. “Tổng tập” gồm trên dưới 1.200 bài thơ + 10 tập (…bài?!) của trên dưới 130 tác giả (như trên đã nói, được Lê Quý Đôn đánh giá: “Hợp cả 3 tập thơ ấy mà xem, thì văn thơ nước Nam có thể tìm được đầy đủ. Nhưng vẫn còn có chỗ bỏ sót…”)
Như vậy, “Toàn Việt thi lục” không chỉ là sự “nối theo”, sự bổ sung những tác giả, tác phẩm không có (hoặc còn thiếu) trong “Tổng tập”, bởi điều đó cũng đồng nghĩa với: “Tổng tập” đã “bỏ sót” trên dưới 3.000 bài thơ của trên 200 tác giả (trong khi được đánh giá là: “…văn thơ nước Nam (ở đây) có thể tìm được đầy đủ”). Nói một cách khác, “Là một bộ thơ Việt Nam kể đến đời ấy là đầy đủ nhất về các thể, các loại thơ, của các tầng lớp xã hội”, “Toàn Việt thi lục” ngoài việc “nối theo” những “chỗ còn bỏ sót” trong các công trình được biên soạn trước đó (tục bổ) không thể thiếu vắng hoặc bỏ qua trên dưới 1.200 bài thơ + 10 tập thơ của trên dưới 130 tác giả của “Tổng tập” (tục biên).
Đến đây có thể kết luận: “Toàn Việt thi lục” là một tập đại thành với sự đóng góp công sức của nhiều người, gồm: Phan Phu Tiên, Chu Xa, Dương Đức Nhan, Hoàng Đức Lương và Lê Quý Đôn.
Riêng Lê Quý Đôn, với sự bổ sung một khối tư liệu phong phú (có một số ý kiến cho rằng phần đóng góp của Lê Quý Đôn trong: “Toàn việt thi lục” gồm 6 quyển với 897 bài thơ của 73 tác giả, trong đó có 7 bài thơ của 3 tác giả triều Lý, chiếm 1/3 số lượng tác giả, tác phẩm), lại là người tập đại thành, người giữ vai trò chủ biên, những cống hiến (có thể nói là công đầu) của Lê Quý Đôn khi biên soạn bộ: “Toàn Việt thi lục” là rõ ràng và không ai có thể phủ nhận; nhưng đó lại là một vấn đề khác, không phải mục đích đề ra của bài viết này…/.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch triều hiến chương loại chí (NXB Sử học- Hà Nội, 1960, 1961)
- Kiến văn tiểu lục (NXB Khoa học xã hội- Hà Nội 1977)
- Lược truyện các tác gia Việt Nam (NXB Khoa học xã hội- Hà Nội, 1972)