Ngài bộ trưởng
Bây giờ thì bạn tôi - Ngài bộ trưởng đã có thể thở phào nhẹ nhõm: ”Như trút được gánh nặng!”. Ông vừa từ chức. Mọi người vẫn cứ nghi ngờ: “ Đã có ai xin từ chức đâu!”. Nhưng bạn tôi thì tự xin thật chứ không phải bị cách chức như nhiều người đồn thổi. Âu đó cũng là trường hợp ngoại lệ. Thôi thì đằng nào ông cũng đã hạ cánh an toàn. Còn mong gì hơn thế!
Thuở mới lên bộ trưởng phụ trách công nghiệp – ngành kinh tế then chốt, bạn tôi đã chủ trương xây nhiều nhà máy lớn, tỷ như nhà máy xi măng lớn nhất Đông Nam Á, nhà máy nhiệt điện lớn nhất Á châu,… vì mình có mỏ than Quảng Ninh lớn nhất … Việt Nam. Những ống khói của các nhà máy cao lồng lộng giữa trời, ngày ngày nhả vào không khí cơ man nào là khói bụi. Những ngày trời mưa dầm thì đường sá nhão choẹt dưới chân, những ngày nắng khô thì chao ôi, cả thành phố ngập tràn một lớp than đen nhờ nhợ, mấy cô gái nếu quên không trùm khăn kín mặt thì khi cười chẳng khác nào họ đến từ Lục địa Đen. Người dân thành phố vẫn tự hào lắm lắm về những công trình thật vĩ đại. Ngay cả chiếc cầu bắc qua hai bờ Nam – Bắc của thành phố từ thuở đế quốc sài lang tới giờ muốn bắc mà chẳng được. Nhân tiện xây nhà máy nhiệt điện, ông bộ trưởng quyết luôn việc xây cây cầu. Hôm khánh thành chiếc cầu này có hàng vạn người đổ ra xem. Một ông cụ đóng bộ chỉnh tề sai con cháu dìu lên cầu mà rằng:
“ Chúng ta vĩ đại thật!”.
Chúng tôi quen nhau từ ngày đi du học. Thuở đó tôi phải phụ đạo cho nhiều người theo khẩu hiệu: “ Dàn hàng ngang mà tiến!”. Ngài Bộ trưởng cũng là một học trò bất đắc dĩ đó của tôi. Cũng vì vậy khi bạn tôi ở đỉnh cao sự nghiệp, nhiều người, kể cả vợ tôi cứ trách: “ Sao ông tồ thế? Có bạn làm bộ trưởng mà chẳng chịu nhờ vả gì. Không lẽ suốt cuộc đời chỉ là anh kỹ sư quèn?“. Tôi chẳng thể thanh minh, vì tôi được đào tạo công nghiệp không khói, nhà máy xí nghiệp chỉ bằng bao diêm, cái ngành công nghệ cao ấy còn lâu xứ sở mình mới cần đến. Bạn tôi lại chủ trương cái gì xây cũng phải đồ sộ, cái gì cũng phải to nhất vùng! Bạn tôi chỉ nghĩ đến những cái lớn và số phận luôn gặp may: ngủ dậy đã thấy mình được đề bạt làm ông lớn! Vả lại, tôi tính vốn ngay thẳng, chẳng chịu luồn cúi để ai đó cất nhắc. Tôi vẫn theo nghề của mình và chăm chỉ học hỏi thêm.
Thế rồi gió đã xoay chiều, theo Nghị định Kyoto, ai dư khói phải đi mua lượng khói thải ra của nhà máy khác. Người ta bắt đầu xây các khu công nghệ cao. Tôi thi Tổng giám đốc một khu công nghệ như vậy và trúng tuyển, hàng tháng hãng nước ngoài trả lương bằng ngoại tệ mạnh, như người ta vẫn nói. Còn ông bạn bộ trưởng nghe đâu lình sình dính vào mấy vụ bớt xén các công trình. Báo chí đồng loạt “bắn” thì không ai mà không gục. Cha ông mình vẫn nói: ” Rút dây thì động rừng”, vậy nên bạn tôi được nhẹ nhàng hạ cánh.
Giờ thì tôi đã có thể hỏi ông bạn bộ trưởng ống khói, chả vừa nheo mắt vừa cười:
- Ông hiểu tớ mà! Sếp tớ thường thích cái gì cũng phải hoành tráng. Mình chiều ý cụ nên chủ trương đại nhảy vọt. Các ban ngành chức năng, các giám đốc sở, đâu đâu người ta cũng gửi về những dự án vĩ đại nhất, hoành tráng nhất … để duyệt. Trong ngăn kéo của tớ hiện vẫn còn một dự án nhiệt điện cực lớn - mỗi năm đốt cỡ trên mười triệu tấn than, nghĩa là mỏ than Quảng Ninh trong tương lai chỉ đủ chạy vài nhà máy cỡ đó.
- Thì ông cũng đã kịp để lại dấu ấn hoành tráng vào lịch sử phát triển kinh tế nước nhà rồi còn gì?
- Nhưng công nghiệp không khói mới là hướng đi đúng. Nghề của cậu mà!
- Thế bây giờ ông sẽ làm gì? Tôi thành thật hỏi thăm.
- Mình vừa được thành phố tài trợ hơn tỷ đồng để viết hồi ký. Cậu quen tay nhà văn, nhà báo nào có giọng hùng hồn hãy giới thiệu cho mình nhé!
Tôi ừ hử cho qua, cuộc đời của ngài hoành tráng – bạn tôi sắp được viết thành sách rồi còn gì.
Những sự tích khác nhau về cây xấu hổ
- Chỉ trên dải đất hình chữ S này mới có cây mắc cỡ! Ông già Nam bộ vuốt râu khề khà sau một ly rượu suông.
- Cháu cam đoan với Bác rằng cây xấu hổ mọc ở mọi nơi trên Trái Đất này.
- Tôi cam đoan với cậu, chỉ đất nước mình mới có cây mắc cỡ.
- …
Đó là câu chuyện tôi nghe được trong một quán cóc vỉa hè - Quán Bé Hai trên đường Nguyễn Thượng Hiền. Đó cũng là câu đố khó đã làm tôi trăn trở nhiều ngày. Tôi lục lọi trong trí nhớ của mình, quay về với những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa bà và mẹ tôi thường kể, tôi phải đọc lại những câu chuyện mà ngày còn thơ đã tưởng thật đến nỗi phải thút tha thút thít mấy ngày mới nguôi ngoai. Người Việt mình thích tách rồi lại nhập nên có chuyện cây tre trăm đốt, vì nghĩa tình sâu nghĩa nặng nên trong khổ đau có câu chuyện Trầu Cau, vì nghèo từ ngàn đời nên trái khế cũng đổi được túi vàng,… Thế còn sự tích về cây xấu hổ thì sao?
- Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có một người con gái đẹp như Tiên sa. Nụ cười của nàng còn đẹp hơn cả hoa ban mai vừa nở… Nàng có biết bao nhiêu chàng trai xin trồng cây si và chỉ chờ nàng ban tặng một cái nhìn, một nụ cười. Nàng là người đoan trang nên chỉ yêu có một lần và lấy người đó làm chồng. Nàng được yêu thương chiều chuộng, nhưng chồng nàng không có chức cao quyền trọng. Những lễ hội là nơi nàng gặp gỡ bao nhiêu kẻ có thế lực. Sự đời trớ trêu, sự phản bội của nàng phải trả giá: Mỗi lần chồng nàng âu yếm là nàng co mình lại và héo hon từng ngày. Nàng biến thành một cây cỏ mỗi khi nàng gần chồng. Lâu ngày bệnh thành mãn tính và nàng vĩnh viễn được người đời gọi là cây xấu hổ.
- Chuyện thứ hai kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có hai chàng hoàng tử khôi ngô tuấn tú, trí dũng khôn lường. Họ cùng lớn lên trên mảnh đất vua cha ban tặng, hưởng thụ vinh hoa phú quý. Thế nhưng giữa họ xuất hiện sự hiềm khích bất tận chỉ vì lo chuyện ai sẽ nối ngôi Hoàng đế. Khi vua cha băng hà, họ liền chia đôi đất nước và đánh nhau triền miên. Dân hai miền chết nhiều vô số kể, xương chất thành núi, máu chảy thành sông. Họ đánh nhau hết đời này kéo sang đời nọ, dễ cũng đến vài trăm năm. Khi còn sống họ hung hãn tranh dành đã đành, nhưng đằng này khi chết đi họ còn hóa vào đất thành một loài cây mọc ở mọi nơi để chiếm giữ. Dọc theo dải đất miền Trung loài cỏ này bạt ngàn, chúng mọc cả lên sỏi đá. Duy chĩ có một điều là khi nghe người ta xì xầm về mình thì lá của chúng co lại: mắc cỡ chết được. Người đời đặt cho chúng một cái tên nghe thẹn thùng- mắc cõ nghe mà xấu hổ : cây thẹn .
- Lại có chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có một vị Quan phụ - mẫu coi sóc cả một vùng đất phù sa nâu đỏ. Dân ở đây chỉ vài nắm lúa giống cũng đủ ăn quanh năm. Ở đó ai muốn lấy nước phải vất vả lắm mỗi khi rẽ cá ra mới múc được vài chén. Tuy nhiên năm nào cũng có lũ. Lũ kéo về theo bao nhiêu là phù sa màu mỡ làm cho miệt vườn xanh tốt ấm no. Một năm nọ, quan phụ mẫu về kinh đô xin được một mớ ngân sách rồi cao hứng đắp đê ngăn lũ,… Thôi thì Ngài cứ tạm dùng một ít cho việc riêng tư của mình mà nào có ai hay: mê mẫn đào tơ, rượu chè và đờn ca tuốt tuột… Năm đó dân đói khát phải tha phương cầu thực. Họ bỏ đi mà không nguôi ngoai được xứ sở nơi họ chào đời. Còn lại một mình, ngài không biết cai quản ai. Ngài buồn mà chết. Xác thịt ngài hóa thành đất, nhưng nỗi lòng ngài không xóa đi được - ngài biến thành cây mắc cỡ mọc ven kinh rạch chờ mùa nước nổi.
Chuyện nghe đến lạ: một cô gái đẹp kiêu sa, các chàng hoàng tử quyền lực và cao sang hay vị quan phụ mẫu uy nghi mà cũng biết xấu hổ vì những việc mình làm. Cây xấu hổ mọc tràn lan trên dải đất hình chữ S. Loài cây mà chỉ cần chạm nhẹ,… có người còn nói rằng chỉ cần nghĩ đến hoặc nói nhẹ cũng làm những cành lá ngạo nghễ kia phải mắc cỡ biết xấu hổ mà cụp xuống. Vâng đất nước này đến lạ, cây còn biết xấu hổ huống chi là…
Tiếng Bắc là cây Xấu hổ.
Tiếng Trung là cây Thẹn (thùng).
Tiếng Nam là cây Mắc cỡ.