* IV :
Về một “Sự cố văn học”
Hỏi: Dư luận đang xôn xao về bài thơ “Trăng nghẹn” của Hoàng Tường Phong được Ban chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 4 chấm giải nhất nhưng Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đã có những động thái nhằm huỷ bỏ giải này vì bài này u ám quá, trăng chỉ sáng chứ sao lại “Trăng nghẹn”? “Sự cố” này khiến chúng tôi băn khoăn không hiểu những hiện tượng “u ám”, những vấn đề tiêu cực hay mặt trái của xã hội nên được thể hiện trong tác phẩm văn học như thế nào? (Thanh An, Hà Nội)
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời: Thú thật là tôi hơi bị… buồn trước loại “sự cố” này. Tôi dùng từ “loại” vì cách đây chưa lâu, truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư cũng bị một số người lên án như vậy. (Và không biết “vụ” nhà thơ Nguyễn Việt Chiến “tự nguyện” rút lui không nhận giải thơ ở cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức cũng vừa kết thúc, có phải thuộc “loại” này không?) Tôi hơi buồn vì “loại” chuyện này tưởng đã phải vĩnh viễn chấm dứt khi chúng ta nhận ra bệnh ấu trĩ trong đánh giá văn chương từ các vụ phê phán tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân nửa thế kỷ trước. Chỉ hơi buồn, vì hình như đây là “bệnh” khó chữa ở một xã hội như Việt Nam bao nhiêu năm quá quen với nhu cầu “tiếng hát át tiếng bom”; lại còn những câu tục ngữ như “Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”… Vậy nên hồi tôi còn làm Tạp chí “Sông Hương” (hơn hai mươi năm trước) chọn đăng bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” của Trần Vàng Sao, cũng khá là nhiều hình ảnh “u ám”, nên bị “đánh” - có báo ở địa phương đã đăng bài viết có đoạn “Bọn xấu sẽ vui mừng có thêm một đồng minh mới…”, thậm chí suy diễn con số “43” là nói “đất nước tuổi 43”, trong khi chính năm đó tác giả là 43 tuổi! Điều thú vị là cuốn sách “Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ” của tôi (NXB Hội Nhà văn 2006), trong đó có bài “Vì sao tôi chọn thơ Trần Vàng Sao?” lại được Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế tặng thưởng “Tác phẩm xuất sắc” trong năm! Và gần đây thì hình như Nguyễn Quang Lập, trong bài chân dung Trần Vàng Sao, đã khen đó là bài thơ hay nhất của anh! Thì cũng như Nguyễn Ngọc Tư sau khi bị “đánh” ở địa phương lại được giải thưởng của Hội Nhà văn rồi cả giải thưởng của Đông Nam Á!
Xưa nay, chuyện đánh giá văn chương khác nhau là sự thường (vì trình độ, “gu” thẩm mỹ và nhiều lý do khác) nhưng chỉ vì nội dung tác phẩm có phần “u ám” có nhiều “tiêu cực” mà gạt ra thì hơi bị…buồn thật vì đất nước đã “Đổi Mới” hơn hai chục năm rồi, đường lối văn nghệ của Đảng ta cũng đã Đổi Mới nhiều rồi; như Nghị quyết 23 ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về VHNT đã có những dòng ghi rõ “khuyến khích văn nghệ sĩ… lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam… khắc phục những hiện tượng mất dân chủ hoặc can thiệp thô bạo đối với hoạt động văn học, nghệ thuật…” (Xin lưu ý: Đây là “trích” phục vụ cho vấn đề bạn nêu ra; còn Nghị quyết Đảng thì bao giờ cũng toàn diện đủ mặt trái mặt phải của vấn đề). Mà từ gần nửa thế kỷ trước, trong thư gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc năm 1962, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết: “…Nhân dân yêu cầu văn nghệ không chỉ biểu dương những ưu điểm và thắng lợi mà còn phải thẳng thắn phê bình những khuyểt điểm và nhược điểm…”
Chính vì thế mà trong tham luận có nhan đề “Tác dụng tích cực của “cái tiêu cực” trong tác phẩm văn nghệ” tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3 (Tháng 9/1083), tôi đã viết: “… Cần phải coi là “có vấn đề”, thậm chí phải lên án những tác giả cho ra đời những tác phẩm viết về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta mà chỉ toàn nói những chuyện tốt đẹp, chẳng thấy bóng dang một nhân vật tiêu cực nào… Tuy vậy, tôi không nghĩ là cứ nhất thiết viết “tiêu cực” cho thật đậm mới là tác phẩm có tính hiện thực cao… Tác phẩm muốn đề cập đến nhân vật tiêu cực thì tác giả càng phải là người tích cực; cái tiêu cực chỉ đáng được đưa vào tác phẩm khi nó có tác dụng tích cực. Như thế, màu đen, cái xấu hiện ra trong tác phẩm chỉ càng giúp rọi sáng tâm hồn người đọc, khơi gợi những cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp và kêu gọi con người hành động…”
Có lẽ nói thế đã rõ. Xin không đi sâu về bài thơ “Trăng nghẹn” vì trên báo Tiền Phong (số ra ngày 12/3) cũng như trên phongdiep.net hay vanchuongviet.org đã có nhiều bài nói rõ và chứng tỏ nhiều bạn văn ở TPHCM cũng như ở ĐBSCL có trình độ thẩm mỹ rất cao. Xin không nhắc lại các ý kiến rất đúng đắn của Trưởng Ban Chung khảo, nhà thơ Phạm Sĩ Sáu và các bậc thuộc loại “lão làng” như nhà thơ Lê Chí, nhà văn Lê Văn Thảo, chỉ dẫn mấy dòng của bạn Thọ Hải (theo phongdiep.net) để chứng minh:
“…Đây là một bài thơ trữ tình, giàu cảm xúc nhân văn. Nó chỉ là một “lát cắt” về tâm trạng của nhân vật trữ tình về con người và đời sống ở vùng ĐBSCL mà thôi. Tất cả hiện thực nêu ra trong bài thơ đã qua lăng kính tâm hồn của tác giả, rồi thăng hoa ở các chi tiết nghệ thuật khi trần trụi, khi hư cấu. Lẽ nào một số người cứ bắt nhà thơ phải viết theo sở thích của mình, cứ bắt phải “reo vui”…”
Phải! Ngay cả những tác phẩm sử thi đồ sộ cũng không phải là hình ảnh toàn vẹn của cuộc sống. Muốn có cái tạm gọi là “toàn vẹn” và nhiều “màu hồng” theo ý muốn thì xin đọc các báo cáo tổng kết hàng năm hay các dịp lễ kỷ niệm của đơn vị, địa phương! “…Ngẫm cho kỹ và nhìn rộng ra Đông-Tây-Kim-Cổ thì phần nhiều những tác phẩm để đời đều chứa đựng nỗi đau buồn của con người…” Năm 1991, tôi đã viết như thế trên báo “Văn nghệ” nhân cuộc tranh luận về 3 cuốn tiểu thuyết được giải thưởng của Hội Nhà văn lúc đó (“Nỗi buồn chiến tranh”, “Bến không chồng” và “Mảnh đất lắm người nhiều ma”).
Cần nói thêm là “một số người” mà bạn Thọ Hải nhắc đến có khi “trình độ” cũng rất cao, nhưng muốn nhà thơ chỉ được “reo vui” là cốt để chứng tỏ “lập trường chính trị vững vàng” của mình. Có điều họ không ngờ là việc làm đó lại gây hại về chính trị về nhiều mặt, trước hết là cho các cấp lãnh đạo, vì vụ “Trăng nghẹn” bị các đài báo nước ngoài tung lên, tức là “có bằng chứng” về cái sự kém hiểu biết, ấu trĩ và thô bạo trong lãnh đạo văn nghệ ở đây đó.
Trước các bạn đọc đã có trình độ cao như hiện nay mà phải nói lại những điều trên thì có khi bị cho là “không biết điều”. Chẳng qua vì đây đó, vì trong hoạt động văn nghệ vẫn có những “sự cố” kiểu “Trăng nghẹn” mà bạn nêu lên…
(Nguồn: “Văn nghệ trẻ” số 13 ngày 28 tháng 3/2010
* V :
Những ồn ào mang tính thời vụ
Hỏi: Trong những năm vừa qua, một số cây bút trẻ đã công bố những tác phẩm thể hiện cách nhìn hiện thực và bút pháp “khác lạ”, gây ra dư luận trái chiều; người thì tung hô rằng đây là “tương lai của văn học”, là “đổi mới mạnh mẽ”…, kẻ khác lại cho là “sự quái dị, lạc đường…” Nhà văn có ý kiến về vấn đề này cũng như quan niệm về đổi mới nghệ thuật như thế nào? (Anh Chi, Hà Nội )
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời: Loại tác phẩm kể trên tôi không được đọc nhiều. Tuy vậy, qua những gì được biết (kể cả một số tác phẩm công bố trên “mạng” như của NXB “Giấy vụn” chẳng hạn), tôi có thể nêu vài ý kiến như sau:
- Điều rõ ràng là lớp trẻ đang muốn có một sự “bứt phá”, không chịu dẫm lại dấu chân người đi trước. Theo tôi, thời nào cũng vậy, vì “thuộc tính” của văn học là sáng tạo - và như tôi đã viết trong một kỳ trước, mỗi tác phẩm là một “Cây Đời”, không bao giờ lặp lại. Tất nhiên, ở Việt Nam, sau mấy chục năm phải chịu những bó buộc do điều kiện chiến tranh và những hạn chế vì các quan niệm ấu trĩ, thô cứng trong văn nghệ, bước vào thời “Đổi Mới”, nhu cầu “bứt phá” tạo ra những tác phẩm khác trước (hoặc “khác lạ”) là điều hiển nhiên; với các bạn trẻ, nhu cầu đó càng bức thiết. Tuy vậy, xin lưu ý rằng, đó không phải là “đặc quyền” (hoặc “triệu chứng”) của riêng lớp trẻ; không ít nhà văn “lớp già” cũng rất kiên trì và hăng hái cách tân trong sáng tác như Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường… Và nếu không quá chú trọng đến hình thức biểu hiện thì sáng tác của những “cây đại thụ” trong làng văn như Tố Hữu, Chế Lan Viên những năm cuối đời cũng có nhiều điểm khác trước…
- Tình trạng “dư luận trái chiều” mà bạn nêu lên cũng dễ hiểu; ngoài lý do muôn thuở là xưa nay việc cảm thụ văn học không ai giống ai, còn vì một số “đàn anh” quá bức xúc trước hiện trạng văn học mà họ cho là trì trệ, nên vồ vập trước mọi cuộc “bứt phá” - dù chưa biết thật rõ giá trị và tương lai của chúng (đó là chưa nói đến có người xem đây cũng là một cách tự “lăng-xê” chính mình!); ngược lại, có người phủ nhận chúng vì chưa quen với sự “khác lạ”, có khi để chứng tỏ mình kiên quyết bảo vệ đường lối, thành quả văn học của quá khứ…, nhưng số đông có thái độ phản ứng trước những sáng tác mà họ cho là “lạc đường”: về nội dung thì tục tĩu, sex trắng trợn; về hình thức thì cố tỏ ra khác người, khó hiểu, thậm chí quái dị.
- Theo tôi, trước hiện trạng trên, thái độ cần thiết là lắng nghe, tìm hiểu chứ chẳng nên vội quy kết là “bế tắc”, “lạc đường” là “hư hỏng”…Kiệt tác “Truyện Kiều” và gần hơn là một số tác phẩm của Vũ Trọng Phụng từng bị coi là “dâm thư”. Và mấy ai giải thích được rành rẽ tranh trừu tượng? Ngay bài thơ “Thằng Bờm” dân dã, “giải mã” thế nào là đúng?...
Nói vậy để thấy không phải các khuynh hướng “khác lạ” gần đây đều là sự phá phách, là rác rưởi…Giá trị của những tác phẩm đó đến đâu lại là chuyện khác và hẳn là phải có thời gian chứng nghiệm. Như tôi được biết, những thử nghiệm “khác lạ” thường không bền và không có công chúng. Xin phép được nhắc: loại sáng tác “khó hiểu” nào phải gần đây mới có người thử nghiệm. Chúng ta đã nghe nói đến nhiều về thơ “tối như hũ nút” thời “Xuân Thu nhã tập”; ở đây, không chỉ có sự thể hiện một triết lý sống mà còn có lối “chơi chữ”. Nhiều trăm năm trước, các nhà Nho đã rất chuộng làm thơ kiểu “chơi chữ”; nào là thơ “độc vận”, “thuận nghịch”, “ thủ vĩ liên hoàn”…; vua Thiệu Trị có bài thơ theo thể “hồi văn liên hoàn” được khắc ở Điện Long An (Đại Nội Huế) mà G.S. Nguyễn Tài Cẩn đọc thành 64 bài bát cú!... Văn học được thể hiện bằng ngôn ngữ, nên “chơi chữ” (dù khó hiểu, hoặc là tục tĩu) là quyền của nhà văn, còn công bố chúng và “tung hô” chúng lại là vấn đề khác.
- Kể ra như vậy để thấy các kiểu “bứt phá” nhất là về hình thức (ngoài loại “khó hiểu”, còn có lối viết không dấu chấm, rồi nhân vật không có tên, tiểu thuyết không có chương hồi…) chẳng phải là điều gì mới lạ. Bản thân sự mới lạ, độc đáo về hình thức chưa làm nên giá trị tác phẩm. Đổi mới nghệ thuật không thể là sự “cố ý” làm dáng, cho khác người hay học theo trường phái, “chủ nghĩa” này nọ hết thịnh đến suy trên thế giới mà chủ yếu phải là nhu cầu của nội tâm người sáng tác, của đề tài…Ví như viết về những người đã hy sinh thì rõ ràng là bút pháp “huyền ảo” rất đắc dụng. Hình như có một số cây bút trẻ nổi tiếng nhờ “cách tân”, thực ra mới có sự ồn ào bề ngoài có tính “thời vụ” mà còn ít sự dấn thân bền bỉ và thầm lặng nữa - khác với ca sĩ, nhà văn, chủ yếu làm nên giá trị trên cơ sở vốn hiểu biết sâu rộng và trong sự thầm lặng và cô đơn. Có như thế mới mong sáng tạo nên tác phẩm vừa có sức nặng và tầm cao của tư tưởng, trí tuệ, vừa có độ sâu sắc của một tâm hồn thấu hiểu mọi nỗi buồn vui của kiếp nhân sinh…
(Nguồn: “Văn nghệ trẻ” số 14 ngày 4 tháng 4/2010
* VI :
Người đọc tinh tường và quy luật của thị trường
Hỏi: Không chỉ trong Hội sách TP.Hồ Chí Minh vừa qua, mà trong hầu hết các cửa hàng sách đều có quầy sách hạ giá. Một cô giáo dạy văn nhìn những tác phẩm “hạ giá” - trong đó có không ít cuốn là tác phẩm có giá trị (không tiện nêu tên sách cụ thể), đã ngao ngán thở dài. Một cây bút trẻ thì thốt lên: “Thế này thì viết làm chi cho mệt!”Mà sách thường chỉ in 1000 cuốn cho một đất nước có dân số trên 80 triệu dân! Buồn quá phải không nhà văn? Văn chương không còn “vai trò” gì đáng kể nữa trong cuộc sống hôm nay, hay vì bản thân văn chương và người đọc đã bị xuống cấp? Nhà văn nghĩ thế nào trước hiện trạng này?(Nguyễn Thị Hương, ĐHSP Hà Nội)
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trả lời: Phải! Quả là một hiện trạng đáng buồn. Không nói đâu xa, một nhà văn không thuộc loại “ăn khách” như tôi, năm 1986, NXB Thuận Hoá - một NXB địa phương, mà dám in tiểu thuyết “Những cánh cửa đã mở” của tôi dày 520 trang với số lượng 25.000 bản, nhưng năm 2006 vừa qua, NXB Hội Nhà văn tái bản cuốn này trong bộ sách “Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới” chỉ in 500 bản, mặc dù tiểu thuyết từng được chuyển thể thành kịch truyền thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam và được tặng Giải A trong dịp Tỉnh Bình Trị Thiên tổng kết VHNT 5 năm 1983-1987! Kể vậy không phải để khoe mà chỉ để nói rằng số lượng 25.000 bản nói trên không phải nhờ câu khách vì viết SEX lộ liễu hay là “phạm huý” như một số sách bán chạy (công khai hay in lậu) gần đây, mà phản ánh nhu cầu đọc sách nghiêm túc một thời đã qua.
Nhiều người đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng người đọc sách văn học bây giờ quá ít là vì sự bùng nổ các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí, ti-vi… chiếm hết thời gian nhàn rỗi của công chúng. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Văn chương là một “món ăn” tinh thần, không thể áp đặt, chủ yếu dành cho công chúng có văn hoá, có “đói” người ta mới “ăn”. Như thế, hiện trạng sách văn học bị “ế”, như bạn nói, liệu có phải do bản thân văn chương “xuống cấp”, không đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”? Theo tôi, nếu có, đây chỉ là phần nhỏ. Các nhà văn ai cũng muốn viết ngày càng hay và rõ ràng tác phẩm bây giờ phong phú hơn trước rất nhiều. Chính vào lúc tôi viết những dòng này, một cô giáo dạy văn ở TP.HCM gọi điện cho tôi vì quá thú vị khi đọc một số bài ký rất hay của nhà văn Nguyên Ngọc gần đây, trong khi hàng triệu giáo viên học sinh chỉ biết ông là tác giả của “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu"! (Vậy mà bộ “Nguyên Ngọc - Tác phẩm”, NXB Hội Nhà văn - năm 2009, gồm 3 tập, trong đó có những bài “rất hay” mà cô giáo ở TPHCM vừa nhắc đến chỉ in có 500 bản!) Nếu bạn xem “khinh” hàng nội, thì vô số sách dịch văn học hiện đại nhiều cuốn rất hay, lại còn những tác giả “kinh điển” như cụ “Lép”, cụ “Đốt”… nữa, nhưng liệu có NXB nào dám in vài ngàn bản mỗi tác phẩm đó?
Như vậy, không chỉ buồn mà thật đau lòng chính vì sự “xuống cấp” của “văn hoá đọc” đã khiến sách văn học bị “ế”. Đau lòng vì đây không chỉ là chuyện “sách vở” mà là triệu chứng rõ rệt của một căn bệnh xã hội, của lối sống thực dụng phi nhân tính đang làm huỷ hoại nhiều giá trị tinh thần mà dân tộc ta đã vun đắp qua nhiều thế hệ mới có. Những vụ án do bạo lực trong gia đình, trường học ngày một nhiều là hậu quả của lối sống đó, nhưng đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng. Với lối sống thực dụng, với loại người “trọc phủ” xuất hiện ngày càng nhiều (thật đáng buồn là trong đó có không ít người mang danh là “trí thức” có bằng cấp cao) thì sách văn chương chỉ là thứ “vớ vẩn”, chẳng đem lại lợi lộc gì. Họ chỉ quan tâm lương tháng “thằng nọ” “con kia” mấy chục triệu, rồi ở đâu có món nhậu “đặc sản”, phục vụ từ A đến Z…
Hẳn là bạn sẽ hỏi, thế thì “bó tay.com” à? Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề phải có sự đồng thuận và góp sức của toàn xã hội, phải thẳng thắn chỉ ra và kiên quyết thay đổi những gì đã tỏ ra là lạc hậu là bất cập trong giáo dục, sinh hoạt các đoàn thể, trong thể chế và trong từng ngành, từng việc cụ thể (như quản lý xuất bản, thư viện, phát hành sách, tuyên truyền cho sách…) và tất nhiên phải có thời gian.
Cho dù vậy, tôi tin là trong xã hội vẫn luôn có những độc giả gắn bó lâu dài với sách văn học, nếu chúng thật sự có giá trị. Tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh không hề dọn “món” gì câu khách mà vẫn được tái bản nhiều lần là một bằng chứng. Mặt khác, số đầu sách xuất bản bây giờ nhiều gấp bội mấy chục năm trước, nên tuy in số lượng ít, tổng số sách văn học đến tay bạn đọc vẫn khá nhiều. Tất nhiên, trong đó không ít hàng “phế phẩm”, nhưng với người đọc tinh tường và quy luật cạnh tranh của thị trường, tác phẩm hay thường không không bị “ế”! Mặt khác, một nhà văn vừa bảo tôi: “Anh đừng tin mọi cơ sở làm sách đều thật thà. Có khi họ ghi in 1000 bản, nhưng thật ra là in 5-7000. Và sách hay mà phải bán hạ giá, có khi do đánh giá sai thị trường, in nối bản quá nhiều.” Nhưng thôi, đây là những chuyện ngoài văn chương…
Và cho dù hiện trạng sách văn học bị “ế” chưa khắc phục được thì người viết vẫn có sự thoả mãn, thích thú được giải bày tình cảm, suy ngẫm của mình trước mọi sự trên thế gian, vẫn cảm thấy hạnh phúc trong quá trình sáng tạo. Chắc là Nguyễn Du hay Nam Cao khi viết “Truyện Kiều” hay “Chí phèo” không hề nghĩ đến chuyện “bán mua”. Vì thế, nếu bạn thật yêu văn chương xin cứ mạnh dạn và kiên trì cầm bút…/.
Nguồn: “Văn nghệ trẻ” 15 ngày 11 tháng 4/2010 Bản do tác giả cung cấp