3. 4 Đề tài viết về đời thường
Đây là đề tài ít thấy trong văn học thời kỳ đầu trung đại. Đề tài con người trong văn học đầu kỳ trung đại là con người đạo lý, con người của tôn giáo. Con người đó được hòa tan trong cộng đồng. Nó trở thành con người đạo lý của cộng đồng dân tộc. Đạo lý là đạo lý yêu nước, chống giặc cứu dân.
Đến giai đoạn này, nói như giáo sư Lê Trí Viễn: “Tình hình đã đổi khác sâu sắc. Văn học bước vào hậu trung đại nghĩa là vẫn trung đại nhưng ở hậu kỳ. Vận mệnh đặt ra cho đất nước bức bách và nghiêm trọng bội phần là vận mệnh nhân dân. Con người của nghệ thuật đạo lý cộng đồng, của tôn giáo mờ nhạt đi, ngược lại đậm nét con người hiện thực cuộc đời trước mắt, con người trần tục với khổ cực ngút ngàn và khao khát rát cháy, đòi cho được đôi chút quyền sống như một con người có ý thức về mình, được phép khẳng định mình là mình, là A chứ không phải là B, càng không phải toàn cộng đồng một cách trừu tượng”.
Văn học của hậu kỳ trung đại chú trọng vào “những điều trông thấy” hơn là nhưng điều trừu tượng. Thơ Mặc Vân viết về những con người đời thường rất nhiều. Miên Thẩm chứng kiến cảnh một người nhà nghèo đói khát không có cơm ăn, lạnh rét không có áo mặc trong khi ấy những gia đình giàu có tha hồ ăn uống sung sướng.
BẦN GIA
Tân khổ bần gia tử
Niên niên bàn phục cơ
Hiệu trường sơ thế phạn
Đống cốt hỏa vi y
Biến địa do binh giáp
Mấn hiên thả tật uy
Chu môn lạc hà sự?
Dạ ẩm liên triêu huy
Dịch:
NHÀ NGHÈO
Cay đắng phận nhà nghèo
Năm năm rét rồi đói
Ruột rỗng rau thay cơm
Xương lạnh lửa làm áo
Khắp chốn còn binh đao
Trời ghét gieo tai vạ
Cửa son vui việc gì
Thâu đêm liền tiệc rượu
Huệ Phố viết Điền gia từ (Lời nhà nông) có câu:
Lục nguyệt khổ hạn miêu bất phì
Điền gia phan khứu hần vô xuy
Dịch:
“Tháng sáu lúa gầy trời hạn to
Nhà nông ăn sáng bát cơm khô”
Trong Học văn dư tập, Trương Đăng Quế viết về đề tài đời thường rất nhiều. Trong bài “Khí phụ từ”, ông viết về lời người vợ bị chồng bỏ:
Kim triêu nhan sắc suy
Quân hành đa khả nghi
Dục ngôn bất khả đắc
Tương kiến chung vô kỳ
Dịch:
Nhan sắc sớm suy vong
Lang quân dạ trái ngang
Nói ra dường ngập ngọng
Hẹn đâu thêm bẽ bàng
Một đêm tối, trời mưa, thấy một cô gái còn đi lang thang bên dòng sông, ông xúc cảm viết bài:
XUÂN GIANG KHÚC
Tạc dạ vũ thủy hạ
Xuân giang vi lãng sanh
Thiếp tâm sở hữu cảm
Diên ngạn tự vi hành
Dịch:
BÀI CA SÔNG XUÂN
Đêm qua có mưa nhỏ
Lòng sông sóng gợn mờ
Lòng em xao xuyến bấy
Ven sông bước bước hờ
(Lê Kỉnh dịch)
Ông viết về những cô gái ở chốn thanh lâu:
Nhân sinh kỷ thời hảo
Nhan sắc khí trí lão
Đại chung đồ nhiên
(Thanh lâu oán)
Dịch:
Ngày xuân phỏng được bao nhiêu
Má hồng thoáng chốc tiêu điều già nua
Trò đời lắm nỗi gió mưa
(Hận lầu xanh) - - -
Ông viết về cảnh gia đình, nhà cửa, con cháu của mình, một cách rất chân thực và đời thường. Trong bài Ký tứ tuế nhi bỉnh, tác giả kể việc gởi bánh cho con:
Từ gia vị nhất nguyệt
Niệm nhữ khổ bất tứ
Ký hồi sổ mai bỉnh
Lạc hạ kỷ điểm lệ
Dịch:
Gần một tháng xa nhà
Nhớ con lòng xót xa
Gởi về vài chiếc bánh
Mà đôi lòng lệ sa!
(Huỳnh Châu dịch)
Về cảnh sống của người anh, ông viết:
Ngô huynh phương tại gia
Giáo sắc đồng bộc canh
Điệt nhi tại kỳ bàng
Hi hí giao tung hoành
(Xuân nhật thư hoài)
Dịch: Ngày xuân hoài cảm
Anh ta nay ở quê nhà
Dạy con cùng bộc đi ra ruộng cày
Bên cạnh cháu nhỏ hay hay
Chạy ngang chạy dọc múa may hát cười
(Huỳnh Châu dịch)
Ông khóc anh rể chết:
Tha hương khổ vũ tam thu dạ
Cố địa tân phần sổ xích bi
Cao nghĩa như công, kim hữu kỷ
Lệnh nhân cảm thán bội thê kỳ
(Khốc tỷ phu Bùi phủ Lễ Sanh Diệu)
Dịch:
Đêm mưa đất khách ba thu khổ
Bia mộ bên nhà mấy thước cao
Nặng nghĩa như anh giờ được mấy
Khiến ai thương tiếc nặng u sầu
Ông viết về em chết, cháu chết:
Mẫu lão huynh hàn gia hựu bần
Muội sanh vị đắc nhất triêu thân
Thương tâm tử biệt hà thời liễu
Phong vũ tam thu bộ thảng thần
(Khốc muội)
Dịch:
Mẹ già anh khổ cảnh thêm nghèo
Thư thả thân em chửa sớm chiều
Vĩnh biệt khôn nguôi lòng tiếc nuối
Ba thu mưa gió nặng eo sèo
Ông khóc cháu chết:
Nhữ khứ tương an quy
Thân lão tử hựu ấu
Khổ huống phân nan chi
Niệm cập tồi tâm can
Sảng nhiên hữu dư bi
(Khốc huynh tử Hàn Lâm Tu Soạn Đăng Trinh)
Dịch:
Cháu đi về làm sao
Cha mẹ già con nhỏ
Đau khổ biết nhường nào
Nghĩ đến lòng chua xót
Trời xanh ơi tại sao
(Huỳnh Châu dịch)
3. 5 Đề tài thời sự:
Từ khoảng giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các nhà thơ Mặc Vân còn có chung một đề tài nữa là thời sự. Pháp đánh chiếm Cần Giuộc ngày 14-12-1861. Hai ngày sau nghĩa binh nổi lên đánh Pháp có 27 người tử thương. Đỗ Quang và Bùi Quang Diệu làm lễ truy điệu. Nguyễn Đình Chiểu sáng tác và đọc bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tại buổi lễ đó. Bài văn này truyền đến các nhà thơ trong nhóm Mặc Vân. Nhiều người đọc bài văn tế và cảm xúc làm nên các bài thơ như: Độc điếu nghĩa dân tử trận văn của Mai Am; Độc Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân trận tử quốc ngữ văn của Miên Thẩm. Phạm Phú Thứ cũng viết:
Nam cố vu thân lự
Tây chinh kỷ nhật hưu
(Tống Hồng Lô tự khanh Đỗ La Phong vãng Nam Kỳ)
Dịch:
Nhìn về Nam khôn khuây
Bao giờ hết giặc Tây
Trương Đăng Quế cũng viết:
Truyền văn liêu hải thú
Tuế mộ phục Nam chinh
(Đảo y)
Dịch:
Nghe phỏng biển xa đoàn thú trước
Tàn năm về lại cả Nam phương
4. Thể thơ:
Giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, các thể thơ được sử dụng phổ biến như: nhạc phủ, tứ ngôn, ngũ cổ, thất cổ, ngũ ngôn luật, ngũ ngôn bài luật, thất ngôn luật, ngũ ngôn tuyệt, thất ngôn tuyệt, hành. Có tất cả 10 thể thơ kể trên thường được sử dụng nhất. Trong 202 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du (gồm cả 3 tập: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc Hành tạp lục) được Nhà xuất bản Văn học Hà Nội in năm 1988, chúng tôi thống kê lại và thấy: Ngũ cổ: 6 bài, Thất cổ: 5 bài; Ngũ ngôn luật 31 bài, Thất ngôn luật: 167 bài, Ngũ ngôn tuyệt: 5 bài, Thất ngôn tuyệt: 25 bài, Hành: 15 bài. Trong 244 bài thơ chữ Hán của Trương Đăng Quế in trong Học văn dư tập, chúng tôi thấy: Nhạc phủ: 5 bài; Tứ ngôn: 1 bài; Ngũ cổ: 28 bài; Thất cổ: 2 bài; Ngũ ngôn luật: 53 bài; Ngũ ngôn bài luật: 8 bài; Thất ngôn luật: 76 bài; Ngũ ngôn tuyệt: 4 bài; Thất ngôn tuyệt: 65 bài; Tứ thời cung từ: 2 bài.
Trong số thể thơ thông dụng kể trên có hai thể thơ được sử dụng nhiều nhất là Thất ngôn luật (Nguyễn Du: 167 bài chiếm tỷ lệ 82%; Trương Đăng Quế: 76 bài chiếm tỷ lệ 31%); Ngũ ngôn luật (Nguyễn Du: 31 bài chiếm tỷ lệ 15%; Trương Đăng Quế 53 bài: chiếm tỷ lệ 22%); Thất ngôn tuyệt (Nguyễn Du: 25 bài chiếm tỷ lệ 12%; Trương Đăng Quế: 65 bài chiếm tỷ lệ 27%).
Chúng ta thấy thể thơ trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX vẫn là thể thơ cũ của thời trung đại nhưng cái khác ở đây là các nhà thơ dùng cổ thể, nhạc phủ rất nhiều. Chúng ta có thể lý giải được vì sao như thế. Đây là thời văn học trung đại nhưng nói chính xác nó đã thuộc hậu kỳ trung đại, tư tưởng tình cảm của người sáng tác đã có chiều hướng phát triển phóng khoáng hơn trước nên họ cần các thể thơ tự do để thể hiện nó.
5. Ngôn ngữ thơ
5. 1 Từ ngữ
5. 1a Điển cố:
Thời kỳ đầu của văn học trung đại, các tác gia dùng rất nhiều điển cố và thuật ngữ của Nho, Phật, Lão. Đến nửa đầu thế kỷ XIX, bên cạnh một số nhà thơ vẫn còn ưa chuộng điển cố như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Thông v.v... Tập thơ của Tùng Thiện Vương (Nxb Thuận Hóa năm 1994) có 100 bài thì số bài dùng điển cố là: 73 chiếm tỷ lệ: 73%. Thơ Nguyễn Thông (Sở VHTT Long An xuất bản 1984) có 78 bài thì số bài dùng điển cố là 36 chiếm tỷ lệ 46%. Ta thấy đã có một số nhà thơ bắt đầu ít dùng điển cố như Nguyễn Công Trứ, Trương Đăng Quế... Tập thơ Học văn dư tập có 244 bài thì số bài có dùng điển cố là: 22 bài (không kể các bài vịnh các nhân vật lịch sử) chiếm tỷ lệ: 9%.
5. 1b Sử dụng từ “ngã” (tôi) biểu thị cái tôi trữ tình
Văn học thời kỳ đầu trung đại là văn học mang tính phi ngã. Bấy giờ cái tôi cá nhân chưa được khẳng định. Con người cá nhân bị che lấp bởi con người đạo lý, con người tôn giáo. Điều đó cũng dễ hiểu thời bấy giờ vận mệnh của đất nước, dân tộc được đặt lên hàng đầu bởi công việc bức bách và nghiêm trọng của dân tộc là bảo vệ lãnh thổ đất nước. Cho nên con người trong văn học bấy giờ là con người của cộng đồng dân tộc với đạo lý yêu nước, chống giặc cứu dân. Đến giai đoạn sau nhất là từ giữa thế kỷ XVIII trở đi con người cá nhân bắt đầu xuất hiện. Ý thức cái tôi cá nhân định hình và bắt đầu “cựa quậy” (Chữ dùng của Gs. Nguyễn Đăng Mạnh, SGK văn học 11 trang 80) như Phạm Thái, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v.. Hồ Xuân Hương đã từng viết:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu
hay:
Này này chị bảo cho mà biết
Càng về sau ý thức cá nhân được thể hiện trong thơ càng rõ nét hơn như thơ của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát v.v...
Trong thơ Trương Đăng Quế ta thấy chữ “ngã” (tôi) xuất hiện tới 50 lần trên tổng số 244 bài của tập thơ Học văn dư tập chiếm tỷ lệ 20%.
Ý thức cái tôi cá nhân của thời kỳ hậu trung đại là tiền đề cho văn học thời hiện đại phát triển. Cái tôi cá nhân, cá thể xuất hiện đầy đủ, được giải phóng ra khỏi hệ thống ước lệ khắt khe.
5. 2 Về hình tượng
5. 2. a Con người
Văn học thời kỳ đầu trung đại (Lý - Trần) chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo nên hình tượng con người trong văn học cũng ảnh hưởng theo tư tưởng triết lý thiền của Phật giáo. Hình tượng con người được khám phá bất ngờ và thú vị qua nhiều bức tranh khác nhau về cuộc sống, qua một tiếng chuông, một mặt hồ yên lặng mát mẻ, một khoảng đất thơm ngát hoa thông hay một câu nói khôi hài hóm hỉnh... Con người tự do với một tinh thần phá chấp triệt để, không vướng mắc vào giáo lý kinh điển vào cái “có” và cả cái “không”. Mạnh mẽ và triệt để hơn cả là Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung với lời cảnh tỉnh mọi người: “Phật và chúng sinh đều có một bộ mặt, đều là mày ngang mũi dọc mà thôi” (Phàm thánh bất dị). Cho nên “Chẳng cần lễ Phật, cũng chẳng cần lễ Tổ” (Tụng Cổ - Tuệ Trung) không cần phải trì giới và nhẫn nhục vì “trì giới và nhẫn nhục” chỉ “rước tội chẳng rước phúc” (Trì giới kiêm nhẫn nhục - Tuệ Trung).
Đến đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn lấy tư tưởng Nho giáo làm chính nên hình tượng con người trong văn học ảnh hưởng theo tư tưởng Nho giáo. Đó là con người rập theo khuôn mẫu xuất xử hành tàng theo Nho giáo. Con người luôn luôn giữ đúng năm mối quan hệ (ngũ luân): quân thần (vua tôi), phu phụ (vợ chồng), phụ tử (cha con), huynh đệ (anh em), bằng hữu (bạn bè). Ở Nguyễn Công Trứ con người của “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc - Nợ tang bồng vay trả trả vay”. Một con người sẵn sàng đè bẹp tất cả những người anh hùng khác nhưng với đấng quân vương thì ông phải đội trên đầu “Ba vạn anh hùng đè xuống dưới - Chín tầng thiên tử đội lên trên”. Thơ Trương Đăng Quế cũng vậy, ngoài một vài bài chịu ảnh hưởng của tư tưỏng Phật giáo, còn lại hầu hết hình tượng con người trong thơ là con người của Nho giáo. Đối với đấng quân vương ông hết lòng trung thành, với vợ một mực chung thủy, với con cháu hết sức thương yêu, với anh em hết lòng kính mến và đối với bạn bè ông thể hiện tấm lòng chân thật chí tình. Thơ Trương Đăng Quế biểu hiện con người cá nhân và con người bổn phận hòa hợp nhuần nhuyễn. Chính điều đó làm nên chất trữ tình thấm thía trong thơ ông.
5. 2 b Thiên nhiên
Thời kỳ đầu trung đại (thơ Lý - Trần) thiên nhiên được nhìn qua lăng kính của đạo thiền. Sự vật không như cái vốn có của nó mà nó luôn luôn biến đổi đan xen giữa hư và ảo, giữa thực và giả, giữa động và tĩnh. Người ta lấy thiên nhiên như là một cái cớ, một phương tiện để biểu thị một mục đích khác. Mãn Giác thiền sư bị bệnh trước khi mất, ngài làm bài kệ trong đó có câu:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
(Có bệnh bảo mọi người)
Thoạt nhìn nó là cảnh nhưng ngẫm nghĩ nó là cảm hứng thiền. Câu thơ chứa đựng cả một triết lý thiền tông. Cuộc đời là dòng biến hóa vô thường vô định có sinh, có diệt, có trụ, có vong.
Đến đầu thế kỷ XIX thiên nhiên được con người cảm nhận một cách trực tiếp. Thiên nhiên của con người đời thường rất rõ nét. Trương Đăng Quế viết:
Quy nhàn tư đệ giác cân tà
Trụy diệp kinh thu cảm tuế hoa
Dĩ tức biên đình trù chiến lược
Bất phường điền dã kiết thông gia
Dinh trù lạc đỗ tăng trường ốc
Cận hải sầu văn quát địa sa
Độc ỷ gia âm tần bắc vọng
Điều điều khuyết ải mộ vân già
(Phụng họa Thương Sơn Công Kiến hoài nhị thủ nguyên vận kiêm thị Triệu Phong quận công)
Dịch:
Khăn nghiêng mái cũ rảnh rang mà
Lá rụng e thu tuổi xót xa
Đã trọn biên cương trù chiến lược
Chẳng hiềm thô lậu kết thông gia
Ruộng tràn vui thú kho đầy lúa
Biển giáp buồn nghe cát sóng pha
Riêng dựa bóng dừa trông hướng bắc
Kinh thành khuất nẻo ánh mây tà
(Phụng họa hai bài Kiến hoài của Thương Sơn Công đồng gởi Triệu Phong quận công)
Để tả thiên nhiên, ông cũng dùng các thi liệu quen thuộc như: mây, gió, trăng, hoa, núi, rừng, sông, bể v.v… Duy chỉ có điều thơ Trương Đăng Quế nêu lên hình tượng cây dừa rất quen thuộc (Độc ỷ gia âm). Đây là hình tượng mà thơ xưa trước ông, chưa từng nêu.
Một điều nữa thơ Trương Đăng Quế cảm hứng cảnh vật bao giờ cũng đi kèm với con người. Trong bài Thôn khuê, tác giả viết:
Thôn khuê tiểu nhi nữ
Sanh lai vị thức tình
Văn nhân đạo thu chí
Tương dữ cấm sầu sanh
Dịch:
BUỒNG QUÊ
Gái bé nơi buồng quê
Duyên tình nào đã hiểu
Vẳng ai báo thu về
Hồn lẻ loi nặng trĩu
Bài thơ mang cả thu cảnh và thu tâm, thu cảnh thì ít mà thu tâm thì nhiều. Cô gái trong bài cũng biết buồn trước cảnh thu sang. Đây là một nét rất mới. Đọc bài thơ chúng ta thấy ý thơ có khác gì Thơ mới của Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới:
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?
(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)
Về quan điểm, đề tài, ngôn ngữ, thể thơ, thơ Trương Đăng Quế vừa mang đặc tính chung của thơ tao đàn Mặc Vân: Thơ phải xuất phát chỗ tự nhiên và cốt là ở tính tình mà ra; đề tài thơ bao gồm tống tiễn, ứng họa, vịnh các nhân vật lịch sử và đề tài viết về đời thường, vừa mang đặc điểm riêng, lời thơ chân chất, giản dị mộc mạc nhưng hàm súc cao; hình tượng thơ gần gũi quen thuộc.
CHƯƠNG III
THƠ HỌC VĂN DƯ TẬP
1. Thơ Học văn dư tập biểu hiện tấm lòng trung quân ái quốc
Tập thơ Học văn dư tập được Mặc Vân Sào tàng bản khắc in năm Tự Đức thứ mười Đinh Tỵ 1857. Thơ Học văn dư tập được sáng tác ở giai đoạn truớc khi thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy ta mới hiểu vì sao thơ Học văn dư tập ít đề cập đến thời sự và tác giả sao không bộc lộ lòng yêu nước bằng cách căm thù và tố cáo tội ác của giặc. Căn cứ vào nhan đề và nội dung của từng bài thơ, ta có thể nói thơ trong Học văn dư tập được sáng tác từ trước khi tác giả thi đỗ Hương Tiến (1819) đến năm in tập sách (1857). Đây là khoảng thời gian trị vì của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và mười năm đầu Tự Đức và được xem là thời kỳ tương đối ổn định của triều Nguyễn. Bằng con đường khoa cử, các sĩ tử trong nước cố dùi mài kinh sử để thi đỗ ra làm quan phò vua giúp nước. Nguyễn Công Trứ, tiếng nói của thế hệ thời ấy cho rằng: “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Do hạn chế của thời đại, người ta gắn liền khái niệm trung quân với ái quốc. Hễ trung với vua tức là yêu nước. Trương Đăng Quế ngày đêm cũng canh cánh bên lòng mong báo đáp ơn vua
Đa bệnh vi khu hoạch sở cầu
Nguyện ca Nam Sơn nhã vận thù
(Nhân sâm ca ứng chế)
Dịch:
Nỗi già bệnh hoạn bâng khuâng
Nguyện ngâm nga khúc Nam Sơn đáp đền
Và:
Tam triều ân ngộ như nhất nhật
(Cung họa ngự chế thực chi ca)
Dịch:
Ba triều tri ngộ trước in sau
Luyến chúa lòng son chẳng đổi màu
Vì trung thành với đấng quân vương nên tác giả thể hiện nỗi căm ghét những bọn tôi loàn phản vua hại nước. Sau biến cố Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm thành Phiên An (1833). Ông được cử đi kinh lý Nam Kỳ để lo chấn chỉnh bộ máy chính quyền địa phương và nhân dân. Nhân lúc bước lên thành Phiên An tiên sinh cảm xúc viết nên bài thơ Đăng nguyên Phiên An thành hữu cảm trong đó ông cũng bày tỏ thái độ căm giận kẻ tôi loàn gây rối Lê Văn Khôi:
Khả hận dung thần đa ngộ quốc
Truy tư vâng sự kỷ đê hồi
Dịch:
Giận bầy tôi loàn gây nạn nước
Chuyện qua ngẫm lại ý còn vương
Tiên sinh còn lên án các quyền thần gian ác lấn quyền và cướp ngôi vua như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, Chúa Trịnh... Trong bài Độc Việt sử ứng chế, nói về Trần Thủ Độ, Mạc Đăng Dung, tác giả viết “Thủ Độ chân tặc thần”, “Mạc thị thừa thử thời”. Bên cạnh việc mạt sát bọn quyền thần gian ác, ông cũng hết lòng ca ngợi những đấng minh quân như Lý Thánh Tôn, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông và các vị tôi hiền như Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành...
Trong cương vị chức trách một ông quan, lúc nào tiên sinh cũng nghĩ đến đất nước nhân dân. Khi vào Nam, lúc ra Bắc khắp mọi miền đất nước, nơi đâu ông cũng hoàn thành xuất sắc công việc. Phải nói nếu không có lòng yêu đất nước làm sao ông có thể hoàn thành các công việc được giao ấy. Nhận định về chuyến kinh lý Nam Kỳ năm 1836 của Trương Đăng Quế, Gs. Trần Văn Giàu có viết: “Cuộc kinh lý 1836 đã giải quyết những việc như duyệt dân, tuyển lính, thanh lọc hàng ngũ quan lại, xếp đặt thể lệ chuyển vận đường sông, chia cắt lại đơn vị hành chính, xếp đặt lính tráng bố phòng những đồn bảo trọng yếu, định lệ thưởng phạt trong việc khai hoang, lập ấp v.v... Song kết quả đáng kể hơn hết là lập được đinh bạ và địa bạ cho mỗi thôn xã ở Nam Kỳ, đối với nhà nước đỡ trốn xâu lậu thuế hay lẫn vào bưng biền để tụ tập khởi loạn, đối với xã hội thì bờ cõi đã đúng, kẻ giàu không được bá chiếm, người nghèo đều có tư sản. cách làm sổ bộ khá chính xác, sau này người Pháp cũng thán phục nhất là địa bạ, có trường hợp đến đầu thế kỷ XX họ vẫn lấy đó làm căn cứ để giải quyết các vụ tranh chấp ruộng đất” (Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, trang 213). Tình cảm yêu nước luôn luôn túc trực trong ông. Lúc nào ông cũng tâm niệm dốc lòng yêu nước thương dân. Trong bài “Đắc chỉ qui tỉnh trùng mông sủng dĩ ngự thi chuẩn kỳ họa tiến cung thứ vận”, ông cũng đã từng thố lộ:
Phụng quốc nhất tâm thường tỉnh nguyệt
Ưu dân lưỡng mấn dĩ thành sương
(Giúp nước trăng soi lòng thắm thiết
Thương dân sương nhuộm tóc long lanh)
Trong lúc còn tại chức, được phép về thăm nhà, tiên sinh vẫn giữ nếp sống như xưa trong ngôi nhà tranh vách đấu thuở nào. Ông vẫn tự hào và thường nói với con cháu rằng: “Nếu muốn có lâu đài thì ta đã đi làm nghề khác”. Và bài “Trung thu cảm sự” được sáng tác trong dịp này ông cũng viết:
Cố quận tư lân vô biệt nghiệp
Thử sinh nguyên dĩ hứa vi thần
Dịch:
Về làng chẳng có cơ đồ sẵn
Giúp nước không màng lợi lộc riêng
(Ưng Trình dịch)
Nhiều khi công việc quá bận rộn, mà sức khỏe lại yếu, ông cũng ước ao được sống cuộc sống của Đào Bành Trạch hay ông ngư, ông tiều. Trong bài Thu dạ ông viết:
Thương ôi hà xứ khởi
Lưu hưởng nhập song tần
Sự di mang trung thác
Tình thùy đạm lý thân
Vân như khi nguyệt sấu
Hoa diệc yếm thu bần
Thán tức Sài Tang viễn
Hy văn thương cúc nhân
Dịch:
Gió vàng len đâu đó
Rên rỉ gọi song ngoài
Bối rối làm việc lớn
Trong lành kết cùng ai
Mây nhìn trăng vàng võ
Hoa ngán thu lạc loài
Diệu vợi Sài Tang hỡi
Cúc thưa người đoái hoài
Trong bài “Ngư”, ông viết:
Thế sự vô đa lự
Tương ngư hoán tửu ẩm
Hạ lạp du nhiên khứ
Dịch:
Trò đời chẳng bợn tâm can
Cá đổi rượu say túy lúy
Nón tơi nhẹ bước thênh thang
Ông đã từng ao ước có được một cuộc sống thanh thản như Đào Bành Trạch nhưng ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc nhân dân không cho phép ông từ bỏ công việc được:
Xước nhỉ hữu chân thú
Du nhiên vô tục tâm
Tư thù lương đống dụng
Vị tiện ngữ u tầm
(Phú Đắc Nham huyệt vô kiết cấu ứng chế)
Dịch:
Nhàn nhã bấy lâu chứa chan thú vị
Lòng lâng lâng tục lụy xa vời
Đống lương thân trót lo đời
Chưa đành tìm chốn thảnh thơi riêng mình
Do bị chi phối bởi tư tưởng trung quân nên cách đánh giá của ông về các nhân vật lịch sử như Hồ Quý Ly, Lê Văn Khôi là chưa được thỏa đáng. Tuy nhiên cái cốt lõi làm nên giá trị của tư tưởng trung quân ái quốc trong thơ tiên sinh là tấm lòng ưu ái lo cho dân cho nước.
2. Tình yêu thiên nhiên đất nước, quê hương
Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng ông vẫn dành thì giờ để viếng thăm và thưởng ngoạn. Đi kinh lược Nam Kỳ, ông tìm đến tận các nơi thắng tích để vui cảnh núi sông. Đến thăm Hà Tiên, miền cực Nam của Tổ quốc, ông có bài:
HÀ TIÊN
Diếu diếu yên ba sạ hữu vô
Bách niên tiền thị Mạc công đô
Đại cư Hải kiếu quần sơn thốc
Nhân tụ hà châu nhất huyện cô
Kim Dự, Phù Dung dư sự tích
Đông Hồ, Nam Phố tiểu qui mô
Sanh thuyền lịch lãm xuyên nguyên thắng
Khước ức Lư Khê cựu điếu đồ
Dịch:
HÀ TIÊN
Mơ màng khói sóng có rồi không
Thành quách trăm năm dấu Mạc công
Ven biển xa xuôi ngàn tiếp núi
Dân lành sum họp huyện ven sông
Phù Dung Kim Dự còn lưu vết
Nam Phố Đông Hồ nhuốm rêu phong
Thuyền lướt sông dài vui thắng cảnh
Lư Khê chạnh tưởng bóng ngư ông
Tác giả tả cảnh đẹp Hà Tiên từ xa nhìn tới. Toàn cảnh Hà Tiên ẩn hiện dưới màn sương khói thật huyền ảo. Hình ảnh “diếu diếu yên ba” vừa có nghĩa tả thực vừa có nghĩa biểu tượng cho sương mờ dĩ vãng. Tác giả cảm nhận vẻ đẹp của Hà Tiên với cái thực trước mắt là vẻ đẹp của núi non và con người. Đồng thời thi nhân cũng lùi về lại dĩ vãng để cảm nhận Hà Tiên trong vẻ đẹp quá khứ của nó. Đối với tiên sinh, Hà Tiên còn nhắc khách thưởng lãm nhớ đến sự nghiệp công lao và câu chuyện tình của Mạc Thiên Tích. Ngày xưa, Mạc Thiên Tích đã có công xây dựng Hà Tiên. Ông biến đảo Hòn Dự thành một pháo đài quân sự kiên cố nhằm bảo vệ mảnh đất quê hương. Bên cạnh sự nghiệp võ công đầy hiển hách, ông còn có câu chuyện tình cảm động. Thời Mạc Thiên Tích có hai cha con từ miền Bắc vào ở lánh nạn, người cha mở trường dạy học còn cô gái ngày ngày lo việc nhà. Bấy giờ Mạc công có mở Chiêu Anh Các để những đêm trăng chủ khách cùng nhau ngâm vịnh. Cô gái mặc đồ giả trai và thường theo cha vào dự. Thấy vẻ đẹp khác thường, Mạc Thiên Tích sinh nghi bèn để ý rồi xin cưới cô làm vợ. Hai người rất yêu quí nhau. Nhân có kỳ thao diễn quân sự, người vợ lớn giả vờ lấy cớ bị bịnh ở nhà, không theo chồng đi diễn tập. Buổi thao diễn nửa chừng gặp mưa to nên nghỉ. Đồng thời, Mạc công cảm thấy nóng ruột nên về nhà ngay. Đến nhà, thấy trời đang mưa mà các cái vạc lại úp xuống, ông bèn lật ngửa lên. Không ngờ, ông phát hiện người vợ trẻ bị vợ lớn ghen, hãm hại suýt chết trong đó. Sau lần ấy cô gái xuống tóc đi tu. Mạc Thiên Tích không cản ngăn được, bèn xây dựng cho nàng ngôi chùa. Vì thế từ vẻ đẹp hiện thực trước mắt tác giả lui về với dĩ vãng, một mặt nói chuyện quân sự, một mặt đề cập đến câu chuyện tình để tỏ lòng cảm kích, tự hào và thông cảm.
Đến Biên Hòa, ông ghé thăm chùa Bảo Phong, còn gọi là Bửu Phong - một ngôi chùa cổ có cảnh đẹp nổi tiếng, tọa lạc trên núi Bửu Long thuộc địa phận Biên Hòa tỉnh Đồng Nai. Hiện nay tỉnh Đồng Nai đã qui hoạch nơi đây thành một khu du lịch trong đó có chùa Bửu Phong. Các chi tiết được tiên sinh đề cập trong thơ, ngày nay hãy còn. Ngoài ra, người ta cho đào vét thêm chung quanh để du khách có thể đi bằng thuyền ngắm cảnh:
DU BẢO PHONG TỰ
Bảo Phong danh tự trĩ
Thừa hứng ngẫu lại du
Tịnh thổ đình trì huýnh
Tùng lâm thảo thụ u
Phan nhai đăng cổ tháp
Ỷ thạch vong tình lưu
Biệt hữu quan tình xứ
Y y Nam Phố đầu
Dịch:
VIẾNG CHÙA BẢO PHONG
Bảo Phong chùa đẹp dựa sườn non
Thừa hứng sang chơi rẽ lối mòn
Đất phẳng nhà ao dài lớp lớp
Rừng nguyên cây cỏ rậm muôn muôn
Men bờ lên tháp xưa sừng sững
Tựa đá nhìn sông tạnh nối nguồn
Dạ luống ngẩn ngơ người cảnh cũ
Mờ mờ Nam Phố dáng chon von
Đến Thanh Hóa công tác tiên sinh tìm đến động Hồ Công thuộc xã Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc để xem cảnh thiên nhiên. Trong động Hồ Công có hai tượng đá tương truyền ngày trước có một ông già dắt chú tiểu đồng đi hái thuốc đến nghỉ ở hang này rồi mất dạng. Thời bấy giờ cho là Phí Trưởng Phòng đã hiện thân tới đó nên dân gian khắc tượng để thờ. Phí Trưởng Phòng người quê ở Nhữ Nam đời Đông Hán coi việc sắp xếp trật tự ở chợ. Một hôm thấy người bán thuốc có phép lạ, ông bèn khẩn nài xin học đạo. Phí Trưởng Phòng theo ông già vào núi học đạo, nhưng không thành đành phải trở về. Khi về ông già cho Phí Trưởng Phòng cây gậy trúc và các đạo bùa để sai khiến quỉ thần. Nhờ có gậy trúc và các đạo bùa Phí Trưởng Phòng điều khiển lũ quỉ thần theo ý mình. Về sau Phí Trưởng Phòng làm mất bùa bị lũ ma quỉ giết chết. Tác giả đến thăm động và viết bài:
Dịch:
ĐỀ HỒ CÔNG ĐỘNG
Sổ điểm tình phong tỏa đam yên
Hồ trung thế giới tự y nhiên
Hà niên bích động thê thần tích
Thử nhật thạnh hài ngộ túc duyên
Hồng Đức thánh quân ưng đắc đạo
Trưởng Phòng phàm cốt vị thành tiên
Ái Châu danh thắng tùng xưng tối
Bán nhập kỳ tình lãnh lược biên
Dịch:
ĐỀ ĐỘNG HỒ CÔNG
Khói nhạt mờ che mấy đỉnh non
Hồ ôm thế giới mãi chon von
Năm nao động bích ghi thần tích
Ngày ấy hài xanh ngụ duyên son
Hồng Đức vua lành yên mối đạo
Trưởng Phòng tiên cách luyện chưa tròn
Tình vương kinh lược vui danh thắng
Châu Ái kỳ quan dậy tiếng đồn
Tiên sinh đến thăm động trong một tư thế kính cẩn nghiêng mình, thưởng thức cảnh vật và sống lại nhưng giây phút hoài niệm trong thế giới xa xăm thần tiên sự tích.
Ông cho rằng mình có được cái duyên may đến đây để ngắm cảnh nơi ngày trước vua Lê Thánh Tông cũng đã từng đến đây ngắm cảnh đề thơ. Cái lạ của bài thơ, tác giả nói về Phí Trưởng Phòng nhưng cũng chính là nói về mình. Đến với cảnh tiên siêu thoát nhưng tác giả còn phàm cốt nên không sao đắc đạo được, chỉ có Lê Thánh Tông đáng được coi là đắc đạo “Hồng Đức thánh quân ưng đắc đạo - Trưởng Phòng phàm cốt vị thành tiên”. Thoạt nhìn ta có cảm tưởng các chi tiết đề cập trong bài thơ như có vẻ rời rạc nhưng nhìn chung lại, ông nói Phí Trưởng Phòng, Lê Thánh Tông hay về mình cũng chỉ là để ca ngợi và nói lên cảm xúc trước vẻ đẹp siêu thoát của động Hồ Công.
Trong lần lãnh nhiệm vụ đi đánh dẹp bọn phỉ ở núi rừng Thanh Hóa, giữa lúc đang chỉ huy cuộc chiến, gặp dip ông vẫn dành một ít thời gian để thưởng lãm cảnh:
Chu bạc Kim Sơn tân thứ
Ỷ trạo tằng nhai hạ
Lâm lưu tủng thắng quan
Thanh phong sơn nhất giác
Minh nguyệt thọ thiên bàn
Trích lậu thôi canh hưởng
Minh sa kích thủy thoan
Thông thông qua giáp lý
Thừa hứng tạm bằng lan
Dịch:
Ghé thuyền bến đò Kim Sơn
Gành vắng từng cao gác mái chèo
Nước soi cảnh đẹp lặng nhìn theo
Núi nhô cợt gió tràn hơi mát
Cây tỏa đùa trăng loáng bóng gieo
Canh chuyển giọt đồng ngân tiếng giục
Nước chao bờ cát giựt mình reo
Vội vàng giữa chốn chen gươm giáo
Thừa hứng nương lan mặc hiểm nghèo
Tiên sinh thưởng thức thiên nhiên rất khác lạ. Thông thường người ta chỉ có thể thưởng thức thiên nhiên khi tâm hồn yên ả, thanh nhàn. Còn với ông thì khác, ngay giữa cảnh chiến trường gươm giáo, vẫn thưởng thức thiên nhiên “vội vàng giữa chốn chen gươm giáo? Thừa hứng nương lan mặc hiểm nghèo”. Điều này cho thấy giữa tác giả và Hồ Chí Minh có phần giống nhau. Hồ Chủ Tịch giữa lúc đang chỉ đạo cuộc chiến chống Pháp, có dịp Người vẫn thưởng thức thiên nhiên
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
(Rằm tháng giêng)
Đi kinh lược Bắc Kỳ tiên sinh ghé thăm núi Dục Thúy - một thắng cảnh của tỉnh Ninh Bình. Nơi đây các danh nhân thi sĩ đời trước đều đến ngoạn cảnh đề thơ văn như: Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông... Ông cũng đề thơ như: Khâm mạng kinh lược Bắc Kỳ hà đê ư Ninh Bình đăng Dục
THÚY SƠN NGẪU ĐỀ
Nham u thắng cảnh ký Ninh Bình
Thử nhật đăng lâm trú giáng tinh
Ngự tứ Hộ Thành tân hàn tích
Nhân truyền Dục Thúy cựu sơn danh
Nam lai tuấn tiểu thiên phong trĩ
Bắc cố di man nhất thủy hoành
Minh phát đồ trung hồi thủ vọng
Đài ngân thạch sắc hữu dư thanh
Dịch:
Ninh Bình hùng vĩ lại u trầm
Ngày nọ dừng quân ghé núi thăm
Chúa tặng Hộ Thành thơ đậm nét
Đời truyền Dục Thúy đỉnh thêm danh
Vời Nam lởm chởm chồi chen đá
Ngó bắc băng dòng sông sủi tăm
Cất bước quay nhìn đường khuất nẻo
Trong lành đá ửng loáng rêu thâm
Nói chung mỗi lần đi kinh lý đến đâu ông cũng dành một ít thời giờ để du lãm cảnh đẹp thiên nhiên. Nơi nào ông đến viếng, nơi ấy có thơ đề vịnh cảnh. Ngoài các bài thơ kể trên, Học văn dư tập còn có các bài thơ khác như: Quá Tam Điệp sơn (Qua núi Tam Điệp), Cù Huân Vãn Bạc (Chiều ghé thuyền bến Cù Huân), Sơ dễ Lang Chánh châu (Vừa đến châu Lang Chánh), Trùng du Kim Sơn (Lại viếng Kim Sơn), Hồ thành (Thành nhà Hồ) v.v...
Phải nói với lòng yêu thiên nhiên tha thiết một ý thức thưởng ngoạn theo kiểu thi nhân và một trái tim giàu cảm xúc, dễ nhạy bén với cảnh vật tác giả mới có được những vần thơ như thế.
Đọc thơ ông ta còn thấy, ngoài những lúc ông tìm viếng cảnh để thưởng ngoạn thú vui thiên nhiên, đôi khi cảnh cũng tự tìm đến với ông để đồng cảm vầy vui. Sau buổi tan triều về, tiên sinh đi ngang qua bên cửa đàn chim bỗng líu lo ca hát như mừng vui
Triều thoái nhàn lai song hạ thính
Anh anh cầu hữu ý hà ân
(Vịnh oanh ký Thân Đắc Chi kiểm sự)
Dịch:
Lui triều rảnh rỗi nghe bên cửa
Thánh thót vầy đàn chim hót hay
Thu đến hàng trăm cỏ hoa rơi rụng điêu tàn. Đến tam thu (tháng thứ ba của mùa thu) tức cuối thu cây cỏ ngoài vườn chưa hết rơi vẫn còn đang tiếp tục rụng. Bất giác một buổi sáng ông thấy hoa nở. Đóa hoa xinh thắm lại nở ra trong mùa rơi rụng khiến tác giả xao xuyến và cảm phục
Bách thảo điêu linh hậu
Tam thu lãnh lạc dư
Nhất triêu anh diễm phát
Vạn đạo thái hà thư
Phong vũ tương vi hộ
Tùng mai vị bất như
Thương tâm thùy thị giả
Ngã nguyện dữ đồng cư
(Tha nhật kiến kỳ khai hoa hỉ nhi phục phú)
Dịch
Qua rồi tan tác cỏ trăm loài
Rời rụng ba thu ngập bóng mây
Một sớm lẫy lừng hương điểm nhụy
Muôn màu rực rỡ ráng tuôn mây
Đươm nhuần mưa gió đâu theo kịp
Dày dạn tùng mai dễ sánh tày
Ai đấy tơ lòng rung điểm khúc
Ta nguyền chung mái ngất ngây say
Câu thơ cuối cùng là cả một tấm lòng của ông và mang tính nhân văn rất cao. Tác giả nói “Ta cũng nguyền cùng loài hoa sống như vậy” hay “ta nguyện được như hoa vậy”. Phải chăng ở đây thi nhân và đóa hoa có một sự đồng cảm lớn. Còn tình yêu thiên nhiên nào hơn thế nữa. Một khi mà tác giả xem mình như những người cùng hội cùng thuyền với đóa hoa. Trước tiên sinh vài chục năm, trong bài Độc Tiểu Thanh ký, Nguyễn Du cũng viết: “Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (ta tự thấy là người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). Chữ “cư” của Nguyễn Du và Trương Đăng Quế có nét nghĩa giống nhau. Nguyễn Du từ thương người (Tiểu Thanh) chuyển qua thương thân. Nhà thơ thấy giữa mình và cô gái có những nét “đồng bệnh tương liên” còn Trương Đăng Quế thương đóa hoa cũng chính là thương mình trong đó.
Một lần khác vào tháng mười giữa lúc mưa gió tả tơi, trời rét mướt, ao sen trong dinh bỗng nở một đóa hoa xinh đẹp và thơm ngát. Một trái tim vô cảm sẽ dễ dửng dưng với sự bất thường ấy. Nhưng với ông thì không, ông nâng niu chăm chút và biểu hiện cái nhìn đầy triều mến yêu thương và xen lẫn niềm kính phục. Tác giả viết bài:
Thập nguyệt thự trung kiến chiểu liên hữu hoa nhất đóa hương diễm khả ái, cảm nhi toại phú
Tam đông hàn lật liệt
Bách thảo tận điêu thương
Nãi hữu liên quân tử
Nhất hoa khai tuế dương
Trinh tâm tỉ tùng bách
Diễm chất trạc băng sương
Linh lạc hưu sầu vãn
Dư tình cẩu tín phương
Dịch:
Vào tháng mười, thấy ao sen trong dinh nở một hoa hương thơm sắc đẹp dễ mến, cảm xúc đề thơ
Ba tháng đông dài rét mướt
Dập vùi cây cỏ xác xơ
Mượt mà sen soi bóng nước
Ngạo nghễ giữa hạ ai ngờ
Tùng bách lòng trinh sánh được
Tuyết sương hương sắc sởn sơ
Thôi buồn rụng rời thậm thượt
Tin mãi tình ta thơm tho