Nhìn nhận một cách khách quan vào thực trạng văn học nghệ thuật, thì một phần lớn các tác giả gọi là “có tiếng” trong giai đoạn sau năm 1975 đã phần nào được nổi lên theo thời cuộc, qua cuộc chiến mà người Việt đã ngã xuống nhiều hơn quân thù. Và rồi, họ hành lạc với tên tuổi mình, tên tuổi được đổi lấy bằng máu và nước mắt của nhân dân Việt Nam. Không nằm ngoài cục diện lịch sử đó, Trần Vàng Sao (Nguyễn Đính) đã được biết đến bằng bài thơ của một người yêu nước mình, cho dù bài thơ đó ông viết ở trên rừng vào năm 1967. Để rồi vào năm 1984, khi bài thơ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình đăng ở tạp chí Sông Hương thì tác giả lại rơi vào trạng thái nửa khóc nửa cười.
Và trong khi Bài thơ của một người yêu nước mình được vinh danh, thì chính tác giả của bài thơ đó đã trở thành người sống không bình thường, như tên hề trong các tuồng hát xưa mà ông rất thích.
tôi tên hề mất trí
nói lời công an theo dõi
và làm thơ bị bắt
…
một thằng hề điên tàn
không mẹ nõ cha
…
không nói năng chi được
...
tôi không biết chơi với ai nữa
Cũng như những thanh niên, những người có học cùng thời, Trần Vàng Sao đi theo cách mạng do lý tưởng Cộng sản, mà theo lời ông thì người đã dạy triết học Marx cho ông trước năm 1975 là giáo sư Trần Văn Toàn, tiến sĩ Triết học, cao học Thần học Công giáo. Với tri thức và lý tưởng đã có, ông đi theo tiếng gọi của cách mạng, để rồi khi ông bị thương và điều trị ở miền Bắc, thì ở quê nhà phía chính quyền miền Nam lại truy nã ông và treo thưởng cho ai bắt được Nguyễn Đính. Trong thời gian ở miền Bắc điều trị bệnh do bị thương ở chân, thì ông mắc phải chứng bệnh khác đau đớn hơn kéo dài đến tận bây giờ, căn bệnh này do một vài đồng đội của ông gây ra.
Sau chấn động tâm lý đó, Trần Vàng Sao trở thành tên hề, ghi lại nhật ký bằng thơ, cũng có thể nói nhật ký thơ Trần Vàng Sao là những diễn biến nội tâm của tác giả và những sự kiện mà ông thấy hoặc nhớ lại, ông chỉ làm công việc ghi chép lại theo cách của ông, cách của tên hề mất trí. Đó là nghịch lý, là bi kịch mà kẻ dấn thân phải gánh chịu. Muốn quên, muốn mất trí, muốn làm tên hề mua vui,.. nhưng dễ chi làm được. Đã là con người thì ai cũng có xấu có tốt, theo giáo lý nhà Phật thì người nào tạo nghiệp thì phải gánh chịu và phải biết sám hối, biết làm điều thiện may ra trả hết nghiệp trong đời này.
Một người làm thơ đã hơn nửa thế kỷ như Trần Vàng Sao, nhưng lại chưa có một tập thơ nào được xuất bản một cách trang trọng, tử tế. Tôi may mắn được ông gửi một tập thơ có nhan đề Bài thơ của người yêu nước mình do Giấy vụn xuất bản (tác giả nhận được 6 tập và một khoảng tiền do anh em ủng hộ chừng hơn tháng lương hưu của ông).
Những bài thơ trong tập sách do Giấy vụn ấn hành, hầu hết được ông sáng tác trong thập niên tám mươi, một số bài đầu thập niên chín mươi và số bài giữa thập niên bảy mươi. Hầu hết các bài trong tập thơ do Giấy vụn in, đã được nhà xuất bản Tân Thư ở Hoa Kỳ in vào năm 1993 mà tôi đã có dịp xem qua bản photo tại nhà tác giả. Có hai bài thêm vào ở phần phụ lục là bài “Tau chửi” và bài “Nhân dân và tôi”, rồi một vài trang giấy trống ghi tiêu đề những bài bị tịch thu khi ông đang “điều dưỡng” ở Sơn Tây mà ông không nhớ nội dung.
Trong thời gian những năm sáu mươi, ông đi dạy học ở Truồi; một vùng quê thuộc huyện Hương Thủy bây giờ, và rồi trở thành người tham gia đấu tranh chống lại chế độ miền Nam, chống Mỹ, sau đó là chuỗi dài những năm tháng hiu hắt đã đến với ông, và trong tận cùng cơn dày vò đó, thơ đã đến với ông như một cứu cánh để hình thành những câu chữ, tạo ra hình ảnh trong một giai đoạn đau buồn, héo hắt mà người yêu đất nước mình phải chịu đựng cùng với nhân dân.
Nhân dân ơi
mỗi lon gạo lon bắp
mỗi củ khoai củ sẵn trồng trên đất này
chưa được tự do ăn
nên còn đẩy xe thuê
làm đĩ
lượm lon
hốt rác
mỗi ngày
Bây giờ trên các nẻo đường vẫn còn phảng phất hình ảnh trong thơ Trần Vàng Sao. Có ai nghĩ rằng người yêu nước mình đã khóc to như một đứa trẻ mất trí, thằng hề hôi hám và đói rách và đã rống lên như con lợn lòi bị đâm ở cuống họng, cho dù đói và muốn chết nhưng không thể chết được.
mầy đói mà có chết được đâu
hề ơi
con lợn lòi vật vã thân thể
kêu thét từng cơn
Và nỗi ám ảnh đã biến tác giả nhập vào vai hề mà chỉ có người mất trí, những kẻ điên loạn tâm thần mới có khả năng chịu đựng. Điều đó được thể hiện trong bài lời khai của một tên hề mất trí
vui buồn chi mặc kệ
tôi khóc
tôi cười
tôi nhăn răng hả họng
tôi ăn đất ăn đá
tôi làm mặt tôi phung hủi mủ máu
Và ông đã nhập vai một cách thành công, để những đứa trẻ chơi năm mười gọi là ông điên
tôi đứng như trời trồng cho một đứa núp sau lưng
chết rồi
sau lưng ông điên
Lý tưởng mà ông đã theo, ông không bao giờ ân hận, ông chỉ buồn và ăn năn vì những cư xử đã đưa ông rơi vào trạng thái sống trong vòm trời không có con người. Và trong thập niên 80, ông không muốn bất kỳ điều gì, chỉ muốn quên, quên hết quá khứ đau buồn của mình.
tôi thấy tôi như người tù được thả rông
lang thang giữa đường giữa phố
nhìn hết mọi người
xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không
tôi đi lui
tôi đi tới
phố phường đông chật
tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ
chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng
tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc
lấy chân hất một hòn đá
cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường
rồi đi về
qua cầu dép sút một quai
tôi không muốn nhớ gì hết
Đó là giai đoạn của thế kỷ cũ, còn bây giờ Trần Vàng Sao vẫn làm thơ, vẫn viết, rồi chép chân dung Đạt Ma tổ sư, vua hề Sạc Lô, Lão Tử, Phật Thích ca, văn hào Dostoevsky,… đọc sách và yêu. Ông vẫn sống trong ngôi nhà vườn Vỹ Dạ với lương hưu trên một triệu đồng, thỉnh thoảng bè bạn, anh em, đồng chí của ông vẫn ghé thăm rồi cùng lai rai chén rượu chai bia. Câu chuyện quanh chiếu rượu, ông thường kể về quá khứ của thời ông; những năm tháng tuổi thơ bên xóm chợ Vỹ Dạ, rồi thuở đang học đệ tam (lớp 10 bây giờ) ông viết điểm sách in trên báo Lành Mạnh do bác sĩ Quyến chủ biên. Ông kể lại trong thời gian đó, ông đã điểm tập thơ Hoa đăng của Vũ Hoàng Chương, tập Hoa cô độc của Ngô Kha, tập Mắt đêm dài của Huy Phương, ông viết về các tập thơ trên bằng cách nhìn của một học sinh đệ tam, nhưng không hoàn toàn ca tụng, còn Lão Xều là nhan đề truyện ngắn đầu tiên ông in báo với bút danh Vũ Giang,… ông kể chuyện thiếu thốn, đói khổ, chuyện trên rừng ông được giao nhiệm vụ nghe đài địch, chuyện lục ba lô báo cáo, chuyện một thời ở miền Bắc, chuyện quán cà phê treo tấm bảng “hôm nay có đá”, chuyện văn chương chữ nghĩa, chuyện trên trời dưới đất… chuyện ông này, bà nọ của một thời xa xăm. Tôi cảm giác, ông muốn sống yên nhưng tâm của ông như vẫn chưa yên, ông thường đọc “nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm bồ tát”, nhưng luôn có nổi bất an từ quá khứ ập về, như nỗi ám ảnh từ cõi vô hình, bất thình lình ông la hét, ông mớ ngủ giữa ban ngày…