Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.142.575
 
Người đập tường đá
Khôi Vũ

Tôi vừa xuất hiện ở đầu Ngã Ba T, cô gái đứng lấp ló trong con hẻm đã nhô ra, vẫy tay. Tôi  nhìn cô ta. Một cô gái không đến nỗi nào chỉ trừ điếu thuốc trên môi ngậm hơi sâu, vụng, làm tôi khó chịu. Tôi là dân sành điệu hút thuốc lá, liếc sơ là biết ai nghiện, ai mới tập tành. Tôi lững thững đi ngang chỗ cô gái đứng, đi qua luôn. Một tiếng gọi khe khẽ đuổi theo:

- Anh Hai!

Tôi dừng bước, quay lại. Cô gái đã tiến tới ngang bên tôi, hai bàn tay mềm mại nắm lấy một cánh tay tôi. Tôi giựt ra, thuận đà, tôi giựt luôn điếu thuốc trên môi cô ta, giọng bực bội:

- Liệng mẹ nó đi!

Cô gái bị bất ngờ, nhìn tôi trân trối. Nhưng chỉ một vài giây sau thôi, cô ta lại đã nhoẻn miệng cười. Tôi choáng váng, nụ cười của cô ta sao mà duyên dáng, thu hút đến vậy. Cô ta cười:

- Anh Hai hổng ưa con gái hút thuốc phải hôn? Thì thôi vậy. Về nghỉ trưa với em nghen anh Hai?

Tôi muốn xiêu lòng. Nhưng tôi còn kịp nhớ ra là mình đã nướng sạch số tiền lương mới lãnh vào sòng bạc, đến bữa ăn trưa còn chưa biết tính sao? Tôi lắc đầu, giọng không còn hằn học nữa:

- Lần khác đi em. Bữa nay anh sạch túi rồi!

- Anh Hai nói chuyện thấy thương quá hà. Ai mà tin anh Hai sạch túi cho được.

- Anh nói thiệt mà!

- Thiệt hay giả thì rồi sẽ tính. Thôi, vô nghỉ trưa với em đi mà... anh Hai...

 

Cô gái nắm tay tôi kéo vô con hẻm. Tôi hơi trì lại rồi loạng choạng bước theo. Cô gái cười khúc khích:

- Thấy chưa! Em biết mà...

Tôi bước theo cô gái, lòng bảo lòng: “Thôi kệ, tới đâu sẽ tính đó. Chẳng lẽ một thằng lính dù như mình mà chẳng dám chịu chơi... chơi chịu một lần sao?”.

 

*

 

Người đập tường đá rít cho điếu thuốc cháy gần hết mới dùng hai ngón tay vàng nhựa thuốc kẹp vung ra. Trong quầng tối của bóng cây tràm vàng, tàn lửa vạch một đường đỏ như sao xẹt. Ông già gật gật gù gù sau khi nghe chuyện, đợi một lúc không thấy người đập tường đá kể tiếp mới ngẩng lên. Ông rút vội bao thuốc lá đen trong túi ra, xóc xóc rồi chìa về phía trước:

- Làm thêm điếu nữa đi! Rồi... câu chuyện sau đó ra sao?

Người đập tường đá châm thuốc hút. Anh ta vuốt vuốt cái cán búa tạ bằng mấy ngón tay chuối mắn. Một lúc, anh ta đột ngột ngẩng lên:

- Sau lần đó, tôi đã trở lại con hẻm tìm cô gái để thanh toán món nợ bất ngờ kia. Tôi gặp lại cô ta. Vẫn nụ cười hút hồn tôi. Vẫn cái giọng nũng nịu hết sức duyên và hai bàn tay mềm mại nắm lấy một cánh tay tôi...

 

*

 

- Bộ anh hổng tin em sao?

Cô gái nhìn tôi bằng ánh mắt chờ đợi. Lạ lùng quá, ánh mắt đó như nghiêm lại. Tôi nghe tim mình đập rộn lên. Tôi sợ. Ánh mắt của cô ta khiến tôi phải hình dung đến ánh mắt nghiêm nghị của một cô gái con nhà lành.

 

*

 

Trưa hôm trước đó, tôi đã lạnh lùng nói:

- Nói thiệt với em, anh sạch túi rồi, em cho anh thiếu.

Cô gái vừa sửa mái tóc vừa liếc tôi:

- Anh cứ giỡn hoài.

- Không, anh nói thiệt mà. Không tin em cứ khám xét hết túi quần, túi áo của anh đi.

- Vậy hả?

Tôi im lặng chờ đợi phản ứng của cô gái.  Có thể cô ta sẽ tru tréo lên. Cô ta sẽ bám lấy tôi mà cấu véo. Nhưng không, cô ta lại nhìn tôi thông cảm:

- Nếu thiệt như vậy thì thôi. Lỗi ở em mà... Nhưng... biết lần sau anh có trở lại hôn?

Bỗng dưng tôi tự ái:

- Em không tin hả? Được rồi!

Tôi gỡ cái mặt dây chuyền tính gởi lại dù rằng tôi thừa biết nó có giá trị gấp mấy lần số tiền tôi phải trả. Cô gái giữ tay tôi lại:

- Bộ anh giận em sao? Em nói đùa thôi mà...

Tôi nuốt nước miếng:

- Anh hứa sẽ trở lại.

Lúc cô gái tiễn tôi ra cửa, mụ chủ nhà hỏi tôi:

- Sòng phẳng chưa hả cậu Hai?

Cô gái đáp thay tôi:

- Rồi! Lát nữa quay lại, tôi sẽ tính với bà.

Cô gái đi theo tôi ra tới tận đầu con hẻm. Cô ta lại nắm tay tôi:

- Anh Hai à, em nói vậy thôi chớ anh Hai khỏi phải trở lại nghen. Em... em thấy mến anh Hai. Em hổng có coi anh Hai như những người khác đâu...

 

Tôi nổi nóng:

- ĐM. Lằng nhằng hoài. Thôi được. Đợi đó, tao ra tiệm cầm đồ một lát, tao trả tiền cho rồi. ĐM. Ơn nghĩa con mẹ gì cái chuyện chơi bời...

Tôi đi cầm cái mặt dây chuyền. Nhưng khi trở lại, mụ chủ nhà cho tôi biết cô gái đã đi vắng đâu đó.

 

*

- Bộ anh hổng tin em sao? – Cô gái nhắc lại câu hỏi rồi tiếp – Chắc anh nghĩ rằng đứa con gái nào như em cũng cá mè một lứa hết hả?

Tôi nhìn cô gái. Cô đang đang thực hiện âm mưu gì đó? Không có lẽ! Tôi chỉ là một thằng lính dù, vô lính để được tung mình trong không gian cho thỏa chí tang bồng, được bắn súng và thấy những con người đang sống phải biến thành những cái thây ma bởi tay mình, được về hậu phương uống rượu, chơi bài, chơi gái, phá phách quán xá nếu thích. Sự sống còn vô nghĩa nói chi tới cái chết. Tôi cũng chẳng giàu tiền bạc. Chẳng đẹp trai. Chẳng ăn nói quyến rũ con gái. Vậy thì vì sao? Hay là thực sự cô ta có cảm tình với tôi? Càng vô lý hơn vì tôi mới chỉ gặp cô ta có một lần. Tôi hỏi:

- Nè, em nói thiệt đi! Em nói mến tôi là sao?

- Em... em thấy anh đàng hoàng... Anh có thể giúp em...

Tôi cười nửa miệng. Rồi cười thành tiếng. Tôi mà là người đàng hoàng sao? Nếu cô gái biết rằng tôi đã từng đâm thuê chém mướn trước khi vô lính dù. Nếu cô biết rằng tay tôi đã nhúng máu người. Đã đập phá tan hoang cả một cái quán nhậu bình dân của má con một bà già đáng thương vì quá say...

 

*

 

Ông già chen vào câu chuyện:

- Coi ra anh cũng có một thời ngang dọc dữ ha!

Người đập tường đá cười, không ra tự hào mà cũng không ra hổ thẹn. Anh ta đứng lên nhấc nhấc cái búa tạ bằng cánh tay phải cuồn cuộn bắp thịt, tạm kết thúc câu chuyện của mình:

- Sau đó cô gái thú thiệt là cô ta cần tôi giúp thoát khỏi cái ao tù ấy. Mụ chủ nhà tịch thu căn cước của cô ta, lại có một lũ tiểu yêu canh chừng cô ta. Chỉ có tôi, một thằng lính dù mới đủ “tư cách” cứu cô ta. Tôi hiểu đây là một cô gái sa cơ lỡ vận. Tôi bằng lòng giúp. Chẳng khó khăn gì! Sau đó vài chục phút, tôi xuất hiện trở lại với khẩu tiểu liên, tôi quát mụ chủ nhà: “Muốn sống thì đưa trả căn cước cho cô ta và biểu tụi đàn em giải tán”. Một lát sau tôi và cô gái có mặt ở bến xe. Tôi đưa cho cô ta tất cả số tiền bán sợi dây chuyền và nói: “Em cầm lấy mà xài dọc đường. Về tới quê, em nhớ viết thơ gởi cho anh nghe chưa?”. Cô gái khóc từ giã tôi. Xe chạy, tôi đứng ngoắc tay từ giã, lòng trống rỗng như vừa đánh mất một cái gì thân yêu nhất. Không bao giờ tôi ngờ rằng đó là lần tôi và cô ta chia tay vĩnh biệt.

Tiếng một người đập tường đá khác gọi:

- Thôi! Vô làm tiếp đi mấy cha nội ơi! Ráng tối nay, tối mai dứt điểm cho rồi!

Người đập tường đá nói với ông già:

- Thôi, tạm biệt chú. Tối mai hết biểu diễn văn nghệ chú lại ra đây tôi kể tiếp cho nghe. Mà quên nữa, kết quả tối nay sao hả chú? Bao nhiêu người được tuyển vô chung kết? Cô Hai có đậu vô không?

Ông già chậm rãi đứng lên, cái đầu bạc gật gật gù gù trên tấm lưng tôm:

- Có! Có! Nó xếp thứ mười hai trong số mười tám người được vô chung kết. Điểm hơn kém nhau hổng bao nhiêu, chắc tối mai thi sẽ gay go lắm đây!

 

Ông già dắt xe đạp xuống đường. Trước khi leo lên đạp đi, ông còn quay lại vẫy tay chào người đập tường đá:

- Ở lại lao động tốt nghen! Tối mai tôi sẽ tới. Hổng chừng có cả con Hai tôi nữa đó...

 

*

 

Tối hôm sau, ông già tới trễ. Ông vẫn chỉ đi một mình. Ông nói:

- Nó chưa được phép tách khỏi đoàn tuyển của nông trường. Ngày mai, sau khi biểu diễn báo cáo xong, nó mới được tự do. Người ta dưỡng gà mà!

- Vậy là cô Hai đã đậu kỳ thi chung kết?

- Đúng vậy! Nhưng khiêm tốn thôi. Nó là người cuối cùng trong mười người được giải.

Người đập tường đá chìa tay ra bắt tay chúc mừng ông già. Bàn tay thô kệch của anh ta chạm vào bàn tay móp xọp của ông già. Anh ta không dám bóp mạnh, ngược lại, ông già đã bóp mạnh hơn anh ta tưởng. Ông ta xúc động day qua phía rạp hát:

- Nghe tin nó được nông trường tuyển về thi, tôi đã bị bất ngờ rồi. Tôi xin đi theo đoàn nhưng không có kinh phí nên đành phải tự túc. Cha con tới thành phố này, mỗi người một nơi. Nó ở với đoàn tuyển trong khách sạn còn tôi thì ở trọ nhà người bà con. Bây giờ nó lại được giải thưởng. Có ai mà ngờ được một đứa con gái cạo mủ cao su như nó lại có cái vinh quang ngày nay...

Người đập tường đá chợt thở dài. Anh ta lại vuốt vuốt cái búa tạ theo thói quen. Ông già lấy ra bao thuốc lá đen. Anh ta lắc đầu và chủ động vào chuyện:

- Tối nay tôi sẽ kể cho chú nghe phần đời của tôi sau ngày giải phóng. Chuyện tôi làm ngon cứu cô gái sa cơ chỉ còn là kỷ niệm. Cô ta không viết thơ cho tôi mà tôi cũng chẳng biết nhà cô ta ở đâu nữa. Sau giải phóng, tôi phải đi học tập bốn ngày rồi được về nhà lo làm ăn. Tôi làm đủ công chuyện, miễn sao có tiền để chiều chiều về rủ mấy thằng bạn quen đi nhậu tìm quên cái số phần đày đọa của mình. Thiệt lạ! Cái số của tôi sao cứ vướng vô mấy con nhỏ hổng đàng hoàng. Chắc là tại tôi cũng chỉ là phường khố rách áo ôm. Một con nhỏ làm tiền ở xóm L.T mến tôi, tôi nhận lời làm chồng hờ của nó. Tụi tôi sống với nhau với điều kiện: tôi sẽ chở che cho nó khi cần thiết, nó được tự do làm gì thì làm, miễn sao có tiền đưa cho tôi ăn nhậu. Đó! Tôi đã sống bám một con nhỏ làm tiền nhục nhã như vậy đó!

 

Gần đây, không hiểu sao tôi bỗng ao ước có một đứa con. Xã hội bây giờ không ồn ào, náo nhiệt mà có sự căn cơ, bình yên. Tôi thèm một cuộc sống bình thường trong sự bình yên chung đó. Tôi nói ý định đó với con vợ hờ. Nghe xong, nó trề môi, lấy ngón tay trỏ móng để dài sơn đỏ chót xỉ vô trán tôi:

- Thôi cho con can đi cha nội ơi! Bầu bì rồi làm sao con mần ăn đây?

Tôi thuyết phục nó:

- Anh sẽ xin đi làm công nhân. Em cũng vậy.

Con vợ hờ của tôi cong cớn đôi môi:

- Chà, lý tưởng dữ ta! Một mái nhà tranh với hai trái tim vàng của anh đó, liệng ra hè cho rồi.

Tôi kiên nhẫn thuyết phục riết rồi cũng thành công. Vợ tôi đồng ý sắm cái tủ thuốc lá, hai vợ chồng ra lề đường bán. Thu nhập chẳng bao nhiêu nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm. Tôi sống trong niềm vui sướng riêng mình như thế cho tới một đêm kia có hai thanh niên đi xe gắn máy ghé lại mua thuốc hút. Vợ tôi thấy khách liền ra tiếp. Không biết nó đưa đẩy với khách thế nào mà sau đó tôi thấy hai thanh niên kia bắt đầu buông lời cợt nhả. Vợ tôi õng ẹo đáp lại. Cuối cùng, nó tới bên tôi, ghé tai nói nhỏ:

- Coi chừng hàng nghe cưng. Em đi chút xíu em về.

Tôi nổi máu ghen:

- Em đi đâu?

Vợ tôi đứng thẳng lưng, hai tay chống nạnh, bộ ngực nó vồng căng:

- Đi đâu? Tôi cần mua cái áo khoác cho mấy ngày lạnh sắp tới. Anh không lo được cho tôi thì phải để tôi tự lo chớ!

Tôi không thể nhịn được. Tôi đứng bật dậy, thẳng tay tát cho nó một cái như trời giáng:

- Lo hả? Tao lo cho đây nè! Đồ đĩ!

Vợ tôi đâu chịu thua. Nó lột guốc ra xông tới đập túi bụi vô người tôi, miệng nó gào lên:

- Tao làm đĩ hả? Còn mày! Mày là cái gì hả thằng điếm đực kia?

Hai gã thanh niên hoảng hốt phóng xe chạy mất. Người đi đường xúm lại coi vụ ẩu đả. Tôi có thể cho con vợ tôi mấy thoi đấm, mấy cú đá. Nhưng tôi không nỡ. Tôi cắn răng chịu đau rồi bất chợt, tôi bỏ chạy.

 

May mắn cho tôi, trong mấy ngày lang thang không về nhà, tôi gặp người bạn làm trong công trường xây dựng công viên này. Ảnh giúp tôi vô làm hợp đồng chung tổ...

 

Một buổi tối, vợ tôi tới công trường kiếm tôi. Bữa đó tôi đang cùng anh em lo phá bỏ mấy cái phòng giam của cảnh sát chế độ cũ. Thời gian phải hoàn thành công viên không còn dài mà công việc vẫn bề bộn ra đó. Ông chỉ huy công trường kêu gọi tụi tôi làm đêm. Ý nghĩa của việc làm công viên này lớn lắm. Từ một cơ sở cảnh sát chế độ cũ mai kia một công viên sẽ mọc lên, đâu phải là sự dời đổi bình thường.

Vợ tôi đứng nép trong bóng tối một tàn cây. Nó gọi:

- Anh!

Tôi nhận ra nó nhưng không trả lời ngay. Một lúc sau tôi mới xin phép anh tổ trưởng được nghỉ mấy phút ra gặp nó. Nó nắm tay tôi giọng van lơn:

- Anh về với em đi anh. Em cần có anh.

Tôi xúc động vì nghĩ rằng vợ tôi đã hối. Tôi giả bộ lạnh lùng:

- Tôi chỉ là một thằng ăn bám mà em cần gì!

- Không! Em cần anh thiệt mà. Em suy nghĩ lại rồi. Tụi mình sẽ có một đứa con. Bấy lâu nay em có dành dụm được một số tiền, tụi mình sẽ làm lại từ đầu bằng số vốn đó...

Tôi nhìn trừng vợ tôi. Cổ tôi khô lại. Số vốn đó! Trời đất ơi! Số vốn đó từ đâu mà có? Trong cái khoảng không mờ mờ bóng tàn cây, tôi run lẩy bẩy như bị trúng gió. Vợ tôi tiếp tục dội nước lạnh vào tôi:

- Em sẽ mua một chiếc xích lô cho anh chạy. Còn em thì vẫn ngồi bán thuốc lá...

Tôi cố bình tĩnh dù đã cảm nhận được sự vô vọng:

- Sao không phải là cả hai đứa cùng làm công nhân?

- Để mà chết đói sao anh? – Vợ tôi lạnh lùng – Anh ngó lại anh đi. Anh mới lao động chân tay ít lâu, người đã đen thui như cây than hầm rồi...

Tôi nhìn về phía những gian nhà đang được phá bỏ. Ông chỉ huy trưởng công trình trong lúc vui chuyện đã cho chúng tôi biết mai kia trên cái nền những gian nhà đó sẽ là một vườn hoa. Cái vườn hoa chưa có nhưng ở nơi đó lúc này đang sáng rực lên nhờ mấy ngọn đèn ống. Tôi nói với vợ tôi:

- Tôi muốn được ra nơi có đầy ánh sáng kia kìa! Tôi sợ những nơi còn mờ bóng tối như chỗ em đang đứng đây nè...

Tôi không ngờ là mình vừa nói một câu đầy ý nghĩa. Với một thằng ít học như tôi, ví von kiểu đó đúng là một sự triết lý mà tôi bỗng có được từ tất cả tấm lòng.

Tôi bước ra khỏi vùng bóng tối, đi vào khoảng sáng của công trường.

 

*

 

Ông già hỏi:

- Từ đó tới nay, cô ta có trở lại kiếm anh lần nào nữa không?

Người đập tường đá lắc đầu:

- Không!

Ông già thở dài:

- Tội nghiệp!

- Chú nói tội nghiệp tôi hả? Tội nghiệp con vợ tôi mới đúng, chú à.

- Anh vẫn thương cô ta?

- Có thể là như vậy. Tôi nói có thể là vì thân phận tôi chắc chẳng thể tìm được cái gọi là tình yêu. Nhưng đúng là tôi cần có một người vợ, cần có một đứa con, cần có một cuộc sống bình thường...

Ông già ngẫm nghĩ một chút, rồi ông lại đưa bao thuốc lá đen ra. Bây giờ người đập tường đá mới rút một điếu gắn lên môi.

- Cảm ơn chú! Bữa mai chú có ghé chơi không?

- Tôi sẽ ghé!

- Nhưng chuyện về cuộc đời tôi đã hết rồi!

- Có hề chi! Tôi sẽ kể cho anh nghe chuyện của tôi! Anh muốn nghe không?

Người đập tường đá cười thành tiếng:

- Tôi không tin chuyện của chú hấp dẫn hơn chuyện của tôi đâu. Nhưng không sao, tôi sẽ nghe!

 

*

 

Vào buổi tối cuối cùng của câu chuyện này, ông già xuất hiện sớm hơn thường lệ cùng một cô gái. Cô gái còn mặc nguyên bộ áo dài màu lên sân khấu. Gương mặt của cô cũng còn nguyên phấn son trang điểm.

 

Người đập tường đá nhìn cô gái ấy mà anh biết chắc là con gái của ông già. Cô ta không còn trẻ ở lứa tuổi đôi mươi như anh tưởng. Đôi mắt sâu với cái nhìn thăm thẳm của một cô gái ngoài ba mươi như muốn rọi đến tận đáy hồn anh, khơi gợi lại những hình ảnh dĩ vãng. Cô gái mỉm cười với người đập tường đá. Anh rúng động toàn thân như một người đang bị xuống đường huyết. Cô gái hỏi:

- Anh đã nhận ra em chưa?

Người đập tường đá bước tới, bất thần nắm lấy bàn tay mềm mại của cô gái bằng đôi tay còn nham nhám cát lẫn mồ hôi của mình. Anh ta tự cho là mình có cái quyền ấy. Bởi vì anh ta đã nhớ ra cô gái là ai:

- Tôi... tôi... anh... anh đã nhớ ra em rồi...

Ông già là người đầu tiên ngồi xuống khúc gỗ ai quăng gần đó. Ông chậm rãi nói:

- Nó đã nhận ra anh từ bữa đầu đi thi vòng loại lận. Chính nó đã nhờ tôi viện cớ hư xe để làm quen với anh mà hỏi chuyện cho chắc. Hồi đó, nhờ có anh giúp đỡ mà nó về được quê hương, thoát khỏi cảnh sống ô nhục. Trước giải phóng một năm, nó có đi thành phố kiếm anh nhưng không gặp. Sau giải phóng, nó lại đi kiếm lần thứ nhì. Nó tưởng anh đã chết trong chiến tranh rồi...

 

Người đập tường đá bàng hoàng trở về với thực tại. Anh ta nhìn lại mình. Một gã trung niên mặc cái quần lính chế độ cũ đã nhuộm đen, mình ở trần, da rám nắng và hàm râu mấy ngày chưa cạo chắc tạo nên một bộ mặt tiều tụy lắm! Anh ấp úng hỏi cô gái:

- Chuyện... chuyện gia đình của em thế nào rồi?

Cô gái đáp nhỏ:

- Em vẫn sống một mình...

Người đập tường đá không dám nhìn thẳng mặt cô gái nữa. Anh quay ra nhìn bức tường đá đang đập dở dang. Chỉ còn một đoạn tường hơn hai thước nữa. Ở đó, mấy người bạn của anh đang vung những cái búa tạ. Từng tiếng chát chát của thép va vào đá vang lên, hòa với tiếng nhạc của buổi biểu diễn báo cáo bên rạp hát vọng qua. Ở đó, ánh sáng những ngọn đèn ống soi rõ từng khuôn mặt rắn rỏi của các bạn anh, thỉnh thoảng lại hướng về phía anh đang nói chuyện với cha con cô gái. Như được tiếp thêm sức mạnh, anh quay lại thu hết bình tĩnh nhìn cô gái, giọng hơi cao lên:

- Cuộc đời anh, chuyện gì cũng muộn màng. Nhưng vẫn còn hy vọng. Em coi kìa, bọn anh sắp phá hết dãy tường đá để kịp sửa sang công viên cho bà con vui xuân. Sau đợt này, bọn anh sẽ được ký hợp đồng dài hạn. Ông chỉ huy công trường đã hứa chắc như vậy đó...

 

Ông già nhìn người đập tường đá rồi nhìn con gái mình. Trong đêm, ba người chợt nhìn về ba hướng khác nhau. Ông già nhìn vào khoảng không có tiếng gió len lỏi qua tán lá tràm vàng và những vì sao xa tít cứ nhấp nháy mãi, lòng bâng khuâng lẫn lộn nỗi buồn vui. Cô gái hơi ngước mặt như để cố tưởng tượng ra một điều tốt đẹp nào đó. Còn người đập tường đá, anh nhìn về một hướng thành phố. Ở hướng ấy có căn nhà nhỏ của vợ chồng anh.

Ở hướng ấy có ước mơ của anh. Hơn chục năm sau Bảy Lăm rồi còn gì!./.

 

(Truyện in trên Văn Nghệ TP HCM số 106 ngày 22/4/2010).Bản của tác giả.

 

Khôi Vũ
Số lần đọc: 1981
Ngày đăng: 27.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đàn bà & bầy chim sẻ - Minh Nguyễn
Thời mất ngủ - Trần Quang Vinh
Hai Truyện ngắn mini - Nguyễn Đình Phư
Chuyện Tình Trên Mạng - Ngô Lạp
Ô Chợ Dừa - Đỗ Ngọc Thạch
Chợ Trời phi vật thể - Hoài Hương
Gió biển không thổi đến - Khôi Vũ
Một người Mỹ dễ khóc - Nguyễn Đình Phư
Giấc mơ chim - Bạch Lê Quang
Chết… vì nhục - Trọng Huân
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)