mấy mùa dịch tả kéo lê tuổi thơ anh
lết cạnh bờ rào
lau lách mùa rét buốt
đẫm dột chiến phản gỗ già nua, trũng dẹt nơi cả chục thế hệ
dầm dề chiếc lưng
ký ức anh là là trên lưng trâu
ký ức anh hây hẩy bùn lầy
ký ức anh mù mờ học gọi
rỗng như cái khạp gạo trong buồng của mẹ cách chiếc gối đầu giường chỉ nữa cánh tay
c … h …. a …
chập chững anh đi
cửa nhà trở nên xa
bờ ruộng/ góc đền/ cổng làng/ sân phơi/ rẩy hoang/ bến xe/ vỉa hè/ công viên/ xóm trọ/ nhà thờ/ chùa chiềng …gần hơn cả một cái nhìn những đêm điện tắt
quên bẫng Kapin
nồi lẩu bò rẻ như cho trước cổng trường học
ngà ngà đêm
miệt thị mắt gái làng nhìn/ môi gái làng bĩu/ cổ gái làng ngoắt sang bên không có ánh nhìn anh
thẳng thừng dáng tình đầu như thơ như mộng ngang qua anh
hôn thú giả tạo
đi – chỉ để không còn thấy anh/ chỉ để không sống mù mờ với tương lai anh
kẻ bụi đời từ đó
anh vin cổng nhà thờ/ đọc kinh thánh mà thèm arija (1)
hát thánh ca mà vọng kadha paran adauh (2)
nõn nà/ ngọt lịm vợ mà khát cháy cái thứ da xam xám/ mằn mặn vị phèn môi hình lưỡi xẻng/ ngây ngấy mùi ia mu (3) nơi những ngách lông
hảo vọng
kẻ đồng hành từ đó
hỗn tạp thanh âm/ trộn trà ngôn ngữ/ chen dẫm vào đời
thêng thang thênh thang
kẻ bụi đời nhắm mắt
nghe phong thanh là để về quê
Katê cả đời chưa trải
nghe phong thanh là chúa gọi về trời
thiêng đàng vừa dọn chỗ thơm tho
lịm những bài tụng ca
Amen
nắp quan tài lại mở
tiauk klơng (4)
lỡ nhịp đến cuối đời/ không ai nhìn thấy
làng vẫn vui/ bờ rào vẫn yên bình/ chiếc phản gỗ vẫn nằm ngoan trong hốc
ở sâu hoắm
nhẫn nại … nhẫn nại … nhẫn nại … nhẫn nại … nhẫn nại …. nhẫn nại … nhẫn nại …
anh nhé!- để được về
Chú thích:
(1): Tiếng Chăm nghĩa là thơ, trường ca, (2): Dân ca; (3): ia mu: Đất lồi, ngày xưa thường dùng để tắm rửa, tảy gội; (4 ): Lễ trừ tà dành cho những người được coi là “chết xấu” theo phong tục ma chay của người Chăm.