* PHÚ LỄ - XỨ LỤA MỘT THỜI
Khi biết tôi có ý định muốn tìm hiểu thêm về xứ lụa Phú Lễ mà hôm nay chỉ còn là một thời vang bóng, thì người bạn thân đã hướng dẫn tôi trong chuyến đi trước cách nay 15 năm than:
- Ông lại lao vào cuộc phiêu lưu nữa rồi. Tôi cho rằng chuyến đi trước thành công mặc dù cái mơ ước phục hồi lại nghề nuôi tằm dệt lụa ở Phú Lễ này trong bài viết lúc đó của ông là không hiện thực.Còn lần này sẽ vô cùng khó bởi vì những người sót lại của thời đó như ông Tám Trình, bà Ba Mừng nay không còn nữa. Ngay má tôi, người duy nhất ở xã này se tim đèn bằng bông vải vì nhớ nghề xưa cũng sắp nghỉ rồi. Hôm trước bà bịnh một trận tưởng đã "quăng gậy".
Tôi im lặng, thừa nhận lời bạn là đúng nhưng linh cảm mách bảo tôi rằng những người của một thời vàng son đó vẫn còn và những kỷ niệm của ngày xa ấy vẫn sống tiềm tàng, âm ỉ trong lòng họ. Thật vậy, sau những giờ dò la, thăm hỏi chúng tôi đã gặp ông Đào Văn Trừ, bà Thất, bà Sáu... những người thợ dệt khá nổi tiếng của Phú Lễ hơn 50 năm về trước. Ông Trừ năm nay 70 tuổi, dáng người mảnh dẻ. Từ nhỏ ông đã theo nho học đến năm 16 tuổi do cuộc sống khó khăn ông phải nghỉ học ở nhà phụ bà mẹ kế làm nghề dệt lụa. Lúc ấy - khoảng năm 1941 là bắt đầu thời kỳ hưng thịnh của nghề nuôi tằm, dệt lụa. Lụa Phú Lễ nổi tiếng không chỉ riêng trong tỉnh mà lên cả Sài Gòn với những tên: Cẩm Tự, Xuyến, Vòng, Cóc... và từ những loại này đã cho ra hàng chục mặt hàng bông hoa khác như trong bài hát sắc bùa:
Bông mái, bông mai
Bông lài, bông lý
Bông thị, trái xoan
Hồ da, con bướm
Cành dương, cây trúc
Hàng bụt, hàng sen
Địa đen, nhiễu trắng
v.v...
Trong số đó lụa Cẩm Tự là cao giá nhất. Ông Trừ kể rằng một cây lụa Xuyến, Vòng lúc ấy là 350 đồng thì Cẩm Tự phải là 400 đồng - tương đương với 100 giạ lúa.
- Một cây được bao nhiêu mét, chú? - Tôi hỏi.
Ông cười :
- Một cây là 30 thước nhưng là thước ta chứ không phải thước tây như bây giờ đâu. Ông bà mình xưa dùng đồng xu sắp kế tiếp nhau đủ 30 đồng, lấy độ dài đó mà làm thước (còn gọi là thước 30 đồng). Nó tương đương 7 tấc tây ngày nay. Như vậy một cây chỉ có khoảng 20 thước tây, khổ 4,2 tấc thợ giỏi phải dệt mất 5 ngày.
Tôi thử nhẩm tính: 1 cây lụa may được 5 cái áo hoặc quần, vậy một bộ đồ phải bằng giá của 40 giạ lúa, cái giá quá cao so với người nông dân lúc đó khi mà 1 công ruộng cấy mỗi năm trúng lắm cũng chỉ đạt 10 giạ. Liệu người dân bình thường mua nổi không? Điều thắc mắc ấy đã được bà Thất giải thích:
- Lụa là hàng vải cao cấp nhứt thời đó. Không phải ai cũng sắm nổi đâu. Hồi ấy người ta mặc quần mo, áo bố mà. Cưới vợ cho con, gia đình nào sắm được cho dâu một bộ đồ bằng hàng lụa là thuộc nhà khá giả rồi. Giới bình dân hơn thì mặc vải ta. Vào những năm 1941 đến 1950 Phú Lễ không chỉ dệt hàng lụa bằng tơ tằm mà rất nhiều nhà dệt vải ta bằng bông vải. Giá 1 cây vải ta chỉ 100 đồng thôi.
Sự chênh lệch giữa vải ta và lụa rất lớn nhưng cũng rất hợp lý. Bởi để có một cây lụa ngoài sự công phu, cực nhọc còn đòi hỏi nghiêm ngặt ở kỹ thuật, tay nghề. Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt, nhuộm... khâu nào cũng hết sức tinh tế. Chính từ đó đã nổi bật lên những tay thợ dệt, thợ nhuộm nổi tiếng đến nay vẫn còn lưu danh như lụa bà Ba Mừng, thợ nhuộm Đào Văn Nãn.
Bác Hai Huệ, má anh bạn tôi lục trong mớ quần áo cũ mà bà không đành lòng đốt đi để tìm cái áo, cái quần bằng hàng lụa Phú Lễ đã dệt. Tôi không ngờ đó là sản phẩm thủ công. Lụa mềm đến mát tay, canh chỉ nhuyễn mịn, không một lỗi chỉ đùn. Điều làm chúng tôi vô cùng thán phục là gần nửa thế kỷ rồi mà nước nhuộm vẫn đen tuyền, óng ả.
* ... VANG BÓNG
Tại sao lụa Phú Lễ phải chết? Câu hỏi cứ ám ảnh tôi suốt cả chuyến đi. Đâu rồi những vườn dâu xanh ngát? Dưới cái nắng tháng tư như đổ lửa chúng tôi đi trên những con đường không một bóng cây, có lúc rẽ vào những con giồng rợp bóng râm của tre, trúc. Thật khó mà hình dung khi biết rằng nơi đó xưa kia là những vườn dâu. Phú Lễ hôm nay đâu còn cái âm thanh của tằm ăn rỗi, thay vào đó là tiếng gió lùa qua những vườn trúc, nguyên liệu cho nghề đươn đát đang hồi phát triển. Có những gia đình ngày trước nhờ nuôi tằm, dệt lụa mà khá giả, để lưu niệm một thời họ vẫn còn duy trì một vài cây dâu. Nhưng thường nó đứng ở vị trí khá khiêm tốn trong vườn, có khi lẩn khuất trong những lùm cây dại.
Cây dâu từ vị trí thượng thặng phải chịu số phận hẩm hiu ấy đã hơn 40 năm, kể từ khi sợi ni-lông từ châu Âu tràn ngập vào nước ta. Những máy dệt, con đẻ của nền kỹ nghệ tiên tiến đã bóp chết những khung dệt thủ công. Thợ dệt, thợ nhuộm nổi tiếng của xứ lụa Phú Lễ đành phải chuyển sang nghề làm ruộng, đươn đát.
Bác Hai Huệ xưa chuyên nghề dệt vải ta, là người duy nhất còn làm cái công việc liên quan nghề cũ là kéo sợi bông làm tim đèn dùng nhiều nhất trong việc nấu bếp dầu. Tám mươi hai tuổi, cái tuổi không còn phải lao động nữa nhưng mặc cho những lời khuyên nhủ của con cháu, bác vẫn không chịu rời bỏ chiếc xa quay. Bác bảo với tôi :
- Nghĩ buồn lắm con. Lời lóm có là bao, chỉ vì tao nhớ nghề cũ thôi. Vả lại làm nó nhẹ nhàng như ngồi chơi thôi mà - Bà cười móm mém - Vậy chứ bác ăn trầu hổng hết nghen bây.
- Bán đắt lắm hả bác?
- Đó là tao nói mấy năm trước, chứ nay thì ế rồi, bác làm lai rai giải khuây thôi. Bây giờ người ta xài bếp điện, bếp ga nhiều, bếp dầu ít người nấu nên tim đèn tao bán cũng chậm.
Dẫu biết đó là sự hiển nhiên của một đất nước đang phát triển, cuộc sống người dân ngày được nâng cao nhưng trong tôi bỗng gợn buồn, nỗi buồn không duyên cớ và cũng không thể nói được bằng ngôn từ.
Tôi nhớ 15 năm trước cũng tại căn nhà này chiếc xa quay được đặt ở thềm ba, trên một tấm chiếu. Bác Hai ngồi kéo chỉ, bên cạnh là đứa cháu nội gái bé xíu tập cán bông. Trước sân là hàng cây bông vải nở trắng. Cái hình ảnh bà lão tóc bạc ngồi bên đống bông vải trắng và đứa bé ấy là ấn tượng mạnh nhất trong chuyến đi của tôi. Mấy năm sau trong những dịp về Bảo Thạnh đi ngang Phú Lễ tôi thường ghé thăm bác, lúc ấy chiếc xa quay được dời vô nhà, đặt trên bộ ván xi-măng (nắp hầm tránh pháo hồi còn chiến tranh). Còn lần này, nó phải chịu lùi thêm một bước nữa là ở gian nhà bếp trên chiếc giường cũ kỹ để nhường chỗ cho gian trên rộng chỗ trưng bày tivi, cassette, tủ áo... Bạn tôi nói vui:
- Ông cứ nhớ sự dời chỗ của chiếc xa quay này là có thể đoán được nghề dệt vải, lụa của Phú Lễ sẽ đi về đâu! Ông xuống lần nữa chắc là nó nằm ở chuồng gà.
Bác Hai cười:
- Chừng đó chắc mày không thấy bác quá, Tùng!
* VÀ MỘT THỜI LÃNG MẠN
Sự cáo chung của ngành nuôi tằm, dệt lụa và trồng bông dệt vải ở Phú Lễ suy cho cùng vẫn là điều tất yếu. Tôi nhận ra điều đó không mấy dễ dàng đối với một khối óc chứa nhiều sự mơ mộng hơn là kiến thức về kinh tế của tôi. Hơn 15 năm trước khi có chủ trương phục hồi lại nghề tằm tơ ở Phú Lễ tôi đã háo hức, phấn khởi biết chừng nào. Nói theo ngôn ngữ thời vi tính hiện nay là nó đã bắt trúng tần số tâm hồn quá lãng mạn của mình. Có lẽ những từ như: vườn dâu, tơ tằm, xứ lụa... có sức gợi mạnh trí tưởng tượng làm tôi quên đi cái qui luật kinh tế có khi nghiệt ngã. Lụa Phú Lễ đã không còn tính đến nay gần nửa thế kỷ. Khoảng thời gian ấy đủ để "thương hải biến vi tang điền" (1) hay "sông kia rày đã nên đồng" (2) trong sự biến đổi tự nhiên huống chi là sự phát triển thần tốc của nền khoa học, kỹ thuật trong kỹ nghệ dệt ở nửa cuối thế kỷ 20 này. Chẳng phải lãng mạn lắm sao khi ta muốn phục hồi lại một nghề mà trước kia có tính chất tự cung tự cấp trong thời đại kinh tế mở cửa hiện nay. Để sắm được bộ quần áo lụa lúc đó người nông dân phải nhịn ăn và cật lực làm 4 công ruộng trong một năm, còn hôm nay cô thợ cấy bình thường cũng có thể sắm được một bộ bằng hàng "siu", hàng "suýt" chỉ cần bỏ công lao động 5, 7 ngày.
Sẽ có người cho rằng nói vậy chỉ đúng một phần vì những năm gần đây lụa tằm được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng và nó có vị trí xuất khẩu xứng đáng, thì việc phục hồi lại nghề truyền thống ở Phú Lễ đâu phải là chuyện mò trăng đáy nước? Điều đó đúng nhưng ta lại rơi vào sự lãng mạn khác, là quên đi vị trí địa lý của Phú Lễ. Phú Lễ chỉ là một xã nhỏ nằm trong huyện Ba Tri, một huyện xa nhất nhì của tỉnh Bến Tre. Thế mạnh của huyện miền biển này là đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản chứ không phải là một huyện có nền tảng để phát triển nền công nghiệp dệt: Đất trồng dâu, nuôi tằm ít ỏi không đủ cung cấp nguyên liệu cho 1 nhà máy dệt, giao thông trắc trở... Đó là chưa kể đến chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ...
Những năm đầu giải phóng, vải mặc đối với dân ta hết sức khan hiếm. Ngành dệt lúc ấy nằm trong số phận chung của nền kinh tế của một đất nước vừa qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Máy móc cũ kỹ, lỗi thời, ở miền Nam có 1 số máy hiện đại thì lại thiếu nguyên vật liệu và phụ tùng thay thế. Người dân hàng quí mới mua được nửa mét vải tám hay calicot. Lúc ấy nhiều người mơ ước ở Phú Lễ có 1 xí nghiệp DÂU - TẰM - TƠ với nhà máy dệt tương đối hiện đại. Giờ nhớ lại mới giật mình. May mà ước mơ đó không thành hiện thực. Nếu không, liệu "Xứ lụa" Phú Lễ hôm nay sẽ ra sao?
* THAY LỜI KẾT
Đêm Phú Lễ lộng gió, thứ gió biển tháng tư lồng lộng vẫn không xua hết cái oi bức của sự giao mùa (sắp hết mùa khô để bắt đầu mùa mưa). Từ phía sau nhà còn vọng lên tiếng xa kéo chỉ của bác Hai. Lòng tôi nao nao khi nghĩ về niềm mong ước có tính chủ quan và cái qui luật khắc nghiệt của cuộc sống. Thời hưng thịnh của nghề nuôi tằm, dệt lụa ở Phú Lễ là một điểm son trong lịch sử hình thành và phát triển vùng đất này. Dân Phú Lễ luôn nhớ về nó, lưu truyền cho con cháu với niềm tự hào. Nhưng không ai nghĩ rằng Phú Lễ hôm nay có thể đi lên vững chắc bằng cách đi của 50 năm về trước. Vai trò tích cực của nó trong lịch sử đã không còn phù hợp nữa.
Chẳng trách người bạn thân vừa gặp lại đã cho tôi là "lao vào một cuộc phiêu lưu". Nhưng vốn là người thích mơ mộng tôi vẫn muốn mỗi dịp về Phú Lễ còn được nghe câu chuyện của những cô gái hái dâu với anh trai thợ dệt dù nay chỉ còn là một thời vang bóng.
----------------------------------------
(1) : Biển cả biến thành ruộng dâu.
(2) : Thơ Tú Xương