Ba bức thư điện tử cách nhau ba ngày, cùng một nội dung là những lời thăm hỏi vu vơ không khiến ông phải bận tâm. Nhưng đến thư thứ tư cách thư cuối khoảng một tuần, nội dung giống chiếc đuôi con thằn lằn ngoay ngoáy trên vách tường rình mồi. Cái đuôi ấy lúc cong lên lúc lắc qua lắc lại, vừa xa mà cũng vừa như tóm được con mồi trong chiếc lưỡi dài: “Chào ông, ông có nghĩ rằng thời gian sẽ đẩy con người tới chốn âm u để quên đi tất cả. Trí nhớ sẽ không còn nhạy bén như hồi trẻ. Đi đứng khó khăn. Một vài thứ bệnh xuất hiện… Hẳn nhiên người ta sẽ phải loay hoay với những thứ đó, bận rộn suốt ngày với nó để không còn thời gian mà nhớ…?”.
Ông phì cười. Có lẽ cô nàng nào đó đã nhầm ông với một người nào khác. Rõ ràng cái địa chỉ này ông chưa hề quen, chưa một lần tiếp xúc qua bàn phím, nói chi đến chuyện nhớ quên? Nhưng mười ngày sau, trong inbox lại xuất hiện cái địa chỉ xa lạ kia. Cố nén bực bội nhưng cũng vừa tò mò, ông mở ra: “In life, there are moments when you miss someone so much that you feel like you could only fulfill your dreams by holding that person tight in your arms. Ngộ chưa? Nhớ đến ai, tương tư ai đến nỗi phải ôm chặt người ta trong giấc mơ? Ông muốn gõ vài chữ trả lời rằng, xin lỗi cô (bà) đã nhầm địa chỉ, nhưng ông không đụng vào ô reply, nghĩ bụng một cô bé theo kiểu nhân vật trong các feuilletons trước kia thì cứ để mặc cho cô chìm đắm trong những giấc mơ đẹp, không mất gì! Ông bỏ qua, mở các thư khác và trả lời, và không còn nhớ gì đến những giấc mơ của cô hay bà nào đó. Những giấc mơ bay mờ dần, tan dần trước màn hình kín đặc những con chữ màu đen.
Ông lại chúi mũi vào công việc. Bàn phím lại lóc cóc vang lên những âm thanh quen thuộc. Viết được nửa trang thứ ba có chuông điện thoại reo. Lại ngưng công việc, lại phải nhấc ống nghe áp lên lỗ tai:
-Tôi là Bằng, xin nghe.
-Thưa ông tôi muốn nói chuyện với ông một chút, có phiền lắm không ạ?
- Vâng, chị cứ nói, tôi nghe.
-Tôi là Mai, Ngọc Mai, ông còn nhớ không ạ?
-Mai thì rất nhiều, nhưng Ngọc Mai thì cũng có vài người thân sơ. Chị có thể nói rõ hơn chút được không? – Ông lúng túng với trí nhớ bắt đầu lãng đãng của mình.
Đầu dây bên kia ngập ngừng một lát rồi nhỏ nhẹ vang lên.
- Đáng lẽ ra không nên làm ông bận rộn vì một việc không đâu, nhưng hôm qua, trong bữa họp mặt đồng hương, có người nhắc đến tên thầy làm em nhớ những ngày còn ở trường Lê Ngọc Hân.
Ông giật mình. Trong số các nữ giáo sư cùng trường, hình như chỉ có Thanh Mai và Lê Thị Mai một dạy pháp văn, một dạy triết. Ngoài ra không còn Mai nào khác. Ông cố lục tung mọi ngõ ngách trong đầu. Một loạt các đồng nghiệp cũ hiện ra, nhưng cái tên Ngọc Mai thì chịu. Chẳng lẽ ông bắt đầu bước vào vũng còm cõi đến vậy sao. Hay cô ta dạy ở trường tư thục nào đó cùng thành phố. Mà tư thục thì có đến năm sáu trường, ông có quen ai đâu.
Ông nói với giọng không mấy tin tưởng:
-Tôi dạy ở Lê Ngọc Hân chỉ có hai năm, sau đó chuyển đi trường khác. Không rõ cô có dạy cùng thời gian với tôi ở đó không?
- Không thầy ơi. Em là học trò thầy lớp 11B3, phòng học ở cuối dãy hành lang lầu 1, xế hành lang có cây bằng lăng vượt cao hơn balcon. Giờ ra chơi tụi em hay vói tay níu hái những búp hoa tím, có lần bị thầy bắt gặp và nhắc nhở một câu nhớ đời: “Hoa thì đẹp đấy. Nhưng các em thì còn đẹp hơn gấp ngàn lần. Từ balcon tới mặt đất có đến 4 mét. Phía dưới không êm ái như tấm nệm trong phòng ngủ có máy điều hoà đâu”. Thầy chỉ nói có vậy rồi bỏ đi không thèm ngoái nhìn lại coi coi lũ học trò có thôi đi trò nghịch ngợm nguy hiểm kia không hay vẫn tiếp tục vói tay ra tận những cành xa. Hôm qua chị bạn nhắc lại, chị Lan làm thơ hay nhất lớp đấy, chắc thầy nhớ?
-Vâng, tôi nhớ cô Lan, tôi nhớ những năm Lan và các bạn say mê làm tờ đặc san cuối năm cho trường.
- Dạ, giờ chị Lan không thành nhà thơ mà là một doanh nhân tầm cỡ trong cộng đồng ở nơi đất khách quê người này.
-Tôi cầu mong tất cả mọi người đều thành đạt. Niềm hạnh phúc riêng tư của mỗi người là nắm giữ được những mơ ước có thật trong tay.
-Thầy có khoẻ không và hiện đang làm gì?
- Cảm ơn, có lúc khoẻ lúc không bởi tuổi già cứ rập rình ngoài khung cửa, giống như khạp nước bị nứt. Bữa nay nước rỉ ra một chút, mai một chút cho tới khi cạn đáy coi như chấm dứt mọi món nợ trần gian.
-Thầy luôn có lối ví von gây sự chú ý. Tụi em nhớ thầy chính vì điểm này. Thầy luôn có sự khác biệt đối với những thầy khác, khó nói, khó tả chính xác. Xin lỗi thầy, giờ em có hẹn, em sẽ gặp lại thầy. Chúc thầy…
Ông gác máy, ngã người ra thành ghế, nhắm mắt làm một cuộc thanh lọc và tái hiện lần hồi, bắt đầu từ buổi sáng cầm sự vụ lệnh đến trình diện với bà hiệu trưởng. Giờ phút đầu tiên cầm viên phấn và đám nữ sinh xì xào bên dưới… Một khối trắng bềnh bồng trôi trong phòng học, không phải là những con thiên nga giang đôi cánh trên trời cao mà là những chùm bông gòn kết dính, rối nùi bay lả tả trong không gian hẹp đến khó chịu. Sự khó chịu kia có lần ông buộc miệng với bà hiệu trưởng: “Tôi không thể nào hiểu nổi ai đó ở bộ Giáo dục lại đưa ra ý tưởng lập một trường trung học toàn nữ. Sự mất thăng bằng về giới tính trong nhà trường dễ dẫn đến những hậu quả tai hại về học tập, sinh hoạt về vấn đề tâm sinh lý…”. Câu tổng kết kinh nghiệm mới mẻ kia được phát đi từ miệng anh thầy giáo non choẹt mặt mũi, non choẹt tuổi nghề, được đón nhận bằng những ánh mắt trái ngược nhau và đều có ngầm ý cho rằng ông đang nói trên vị trí của anh đồ gàn của nhiều thế kỷ trước còn sót lại. Nhưng với ông, lúc đó hoàn toàn chính xác đến từng ly mét. Một thầy giáo mới ra trường, tuổi tác so với học trò chỉ cách nhau năm ba tuổi, có thể gọi là cùng thế hệ đã dẫn tới nhiều hệ luỵ rất trẻ con.
Chất trẻ con đầu tiên ông đụng mặt là những câu tấn công tình cảm vu vơ trên bảng, đánh lừa người khác bằng cách viết tay trái. Thỉnh thoảng lại nhìn thấy một cánh hoa dại bứt vội đâu đó trên đường tới trường đặt trên bàn kèm theo mảnh giấy “gửi đến thầy với trái tim tan nát”, một tờ giấy pelure màu hồng sực nức nước hoa và những vệt nước nhoè trên mặt giấy mà ông đoán chắc là những giọt nước từ chiếc vòi ngoài sân cỏ. Nhưng khủng khiếp hơn cả là khi ông giảng về phong trào thơ mới ở Việt Nam. Hàng chục cánh tay giơ lên, nhao nhao tranh luận, đặt những câu hỏi phản biện như đùa như thật:
-Thưa thầy, tại sao yêu là chết trong lòng một ít? Vô lý, không yêu nhau thì thôi chớ chết chi cho uổng? Thưa thầy, ông Nguyễn Bính so sánh khập khiễng: Nắng mưa là bệnh của trời/tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Dạ, cứ cho là bệnh đi, nhưng so sánh với mưa nắng thì nhà thơ dở ẹt... Dạ, thưa... có bao giờ thầy tương tư, thầy chê...ết... chưa ạ? Tiếng cười ồ đồng loạt nổi lên. Tôi lúng túng thật sự. Lúc đó tôi không còn là ông thầy nghiêm trang nữa, mà trở thành anh thanh niên vừa đúng 23 tuổi mụ, đang bị bao vây bởi một bầy thiên nga lông trắng. Rất khó khăn tôi mới lập lại được trật tự. Và, cũng chừng ấy khó khăn, tôi bình tĩnh giải thích, cắt nghĩa rành rẽ về ngôn ngữ thơ ca, tứ trong một bài thơ... đến khi chấm dứt giờ học, thay vì những tiếng cười ồ trước đây là những tiếng vỗ tay bôm bốp, kèm theo: “Ôi, thật tuyệt vời, thầy đáng yêu quá... Chúng em yêu thầy...”.
Chuông đổ, tôi thu gom tài liệu trên bàn, vụt ra cửa như một chiến binh bị địch truy đuổi phía sau. Những tiếng la í ới, tiếng đập bàn như thể những phát đạn bắn với theo.
*
Bầy thiên nga lông trắng ngày xưa với giấc mơ lỏng lẻo từ trời cao rớt xuống, cách một đại dương mênh mông, nếu dừng lại ở đấy thôi cũng đủ làm ông nhồn nhột, huống chi ba ngày sau cuộc nói chuyện bất ngờ trên điện thoại, lại có một bức thư khác ở một địa chỉ e-mail khác nguoivodanh@hotmail.com viết rằng: Thầy có biết thầy là người vô tình không? Con Mai yêu thầy đến phát cuồng. Nó yêu thầy ngay từ ngày đầu thầy nhận lớp. Đã chồng con đề huề, nhưng mỗi khi nhắc trường xưa bạn cũ nó lại khóc nói nhớ thầy. Nếu hồi đó mà thầy biết sự tình, giờ này chắc tròn trịa. Thầy có tưởng tượng ra nó chưa? Con Mai đẹp nhất trường, kiêu kỳ nhấ, đa cảm nhất... và yêu thầy nhất... Ông tắt cả hộp thư, shut down máy. Đầu óc váng vất, mệt muốn đứt hơi với mớ chữ vừa đọc.
Ông xô ghế, rót cốc nước lọc, uống từng hớp nhỏ. Thần kinh dịu xuống đôi chút. Lúc sau ông thừ người ngồi nhìn chiếc laptop mỏng dính im lìm trên bàn: lẻ loi, cô độc bởi ông không đụng đến nó; im lìm như người có lỗi bị xua đuổi. Trong đầu bổng dưng lóe lên một ý nghĩ không mấy bình thường: nếu như ông biết sự thể kia, nếu như ông chấp nhận mối tình của cô bé học trò, nếu như hai người lấy nhau... thì giờ này ra sao nhỉ?
Những chữ “nếu” kéo dài và dính cục lại, bồng bềnh như cánh những con chim thiên ngay lông trắng muốt trên trời cao vẫy những giấc mơ đẹp bay theo. Ông nhắm mắt lại và ngỡ như mình đang bay đuổi theo những cánh thiên nga trắng muốt kia./.
Tháng 5/2010