Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.003 tác phẩm
2.765 tác giả
242
124.706.945
 
Sự Hình Thành Dân Cư Ấn Độ
Hà văn Thùy

Ấn Độ là một quốc gia nhưng cũng là cả một lục địa, có quan hệ với Việt Nam không chỉ về chính trị, kinh tế mà còn mật thiết hơn về văn hóa. Không chỉ cho Đông Dương một nửa cái tên Indo-china, trong quan niệm truyền thống, Ấn Độ còn được coi là một cội nguồn của văn hóa Đông Dương!

Một câu hỏi nảy sinh: phải chăng Ấn Độ chỉ cho mà không nhận gì từ láng giềng phương Đông? Muốn giải đáp câu hỏi này, cần phải lật tung lịch sử phương Đông, điều mà cho tới nay chưa ai làm được!Trong bài viết này, người viết muốn tìm về cội nguồn lịch sử để góp phần trả lời câu hỏi trên!

Về bản chất, lịch sử của một dân tộc là lịch sử hình thành và phát triển của những cộng đồng dân cư chính yếu làm nên dân tộc ấy. Theo tiêu chí đó thì cho đến nay, phần nhiều quốc gia chưa có được lịch sử đích thực. Trung Hoa chẳng hạn, có tới 24 cuốn sử nhưng nguời Trung Hoa chưa biết tổ tiên họ là ai! Ai cũng nói, họ là “Viêm Hoàng tử tôn” nhưng Viêm là ai, Hoàng là ai họ không biết! Cùng lắm cũng chỉ nói: “Viêm đế họ Khương, Hoàng đế họ Cơ”! Nhưng nếu hỏi tiếp họ Cơ, họ Khương ấy là chủng nào trong bảng phân loại nhân chủng, có màu da gì, sắc tóc gì, họ cà lăm! Ngay những người tiên phong trong bọn họ như Khương Nhung tác giả Totem Sói hay học giả Zhou Jixu cũng lầm lẫn đáng tiếc khi cho rằng, tổ tiên họ là tộc Aryan! Người Việt Nam cũng không hơn gì. Nhận là con cháu các vua Hùng nhưng khi hỏi các vị vua này từ đâu sinh ra, không ai biết! Hiến pháp quy định Việt Nam có 54 “dân tộc” anh em nhưng nếu có ai hỏi, bộ gen của mỗi “dân tộc” đó là gì, không ai trả lời được! Chính vì vậy mà lịch sử của những dân tộc này còn nhiều yếu tố đáng ngờ! Khi tìm hiểu về Ấn Độ, tôi thấy đất nước này cũng không ra ngoài tình trạng đó!

I. Những quan niệm truyền thống

Từ Wikipedia Anh ngữ, chúng ta có những thông tin như sau:

 “Ấn Độ chiếm 2,4% diện tích đất với trên 17,5% dân số thế giới, là quốc gia có diện tích đất canh tác nhiều hơn bất kỳ nước nào khác ngoại trừ Hoa Kỳ. Diện tích mặt nước chỉ sau Canada và Mỹ. Người Ấn Độ chủ yếu xoay quanh cuộc sống nông nghiệp tại các làng nhỏ. Theo điều tra dân số năm 2001, dân cư Ấn Độ gồm hai nhóm chính: Indo-Aryan 72%, Dravidian 25% ; 3% còn lại thuộc về người Mông Cổ và những chủng thiểu số khác. 72,2% dân số sống trong khoảng 638.000 ngôi làng và 27,8% còn lại sống tại hơn 5.100 thành phố và hơn 380 khu đô thị. Nhân khẩu học của Ấn Độ khá đa dạng, với số dân khoảng 1.170.000.000 người (ước tính vào tháng bảy, 2009), chiếm trên một phần sáu dân số thế giới. Ấn Độ có hơn hai nghìn các nhóm chủng tộc, với sự có mặt của tất cả các tôn giáo lớn, cũng như bốn gia đình ngôn ngữ chính (Ấn-Âu, Dravidian, ngữ hệ Nam Á và các ngôn ngữ tộc Tạng-Miến) cùng một ngôn ngữ cô lập (các ngôn ngữ Nihali được sử dụng tại các bộ phận của Maharashtra). Tình trạng dân cư còn bị phức tạp hóa do các biến thể rất lớn xảy ra trên các tham số xã hội như thu nhập và giáo dục. Chỉ châu Phi mới vượt quá sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, di truyền của Ấn Độ.”

 

 Đấy là hiện trạng dân cư Ấn Độ. Nhưng lịch sử hình thành khối dân cư vĩ đại này còn phức tạp hơn nhiều. Là thuộc địa của nước Anh, đế quốc hùng mạnh và văn minh nhất thế giới một thời nên lịch sử dân cư Ấn Độ từng được quan tâm nghiên cứu rất sớm. Nhiều ý kiến cho rằng dân cư Ấn là một hỗn hợp của chủng tộc bản địa Dravidian (có thể thuộc một nhóm Australoid), với chủng tộc Aryan xâm nhập (thuộc chủng Caucasoid). Tuy nhiên một số tác giả cũng cho rằng có sự hòa trộn nào đó với chủng Mông Cổ.

 

Edgar Thurston xác định Homo Dravida là những người có nhiều điểm chung với các thổ dân Úc hơn là người láng giềng Indo-Aryan đẳng cấp cao của họ. Để làm bằng chứng, ông viện dẫn khả năng sử dụng bu-me-răng của quân nhân Kallan và Marawan với tài leo cây ở cả dân Kadirs ở đồi Anamalai và dân Dayaks Borneo.

 

Năm 1865, nhà nhân chủng học Thomas Huxley nói: "Cái được gọi là dân cư Dravidian ở Nam Ấn dẫn chúng ta nhớ lại về thể chất cũng như địa lý, đối với người Úc trong khi người Mincopies nhỏ bé của đảo Andaman nằm giữa chủng tộc Negro và Negrito, và, như ông Busk đã chỉ ra, thỉnh thoảng xuất hiện sự kết hợp hiếm hoi của dạng đầu ngắn, hoặc đầu ngắn với mái tóc xoăn ". “Những người Hindu của thung lũng sông Hằng và sông Ấn, có mọi lý do để tin là do kết quả từ sự hòa trộn với nhau của các quần thể khác biệt ...  Người Aryan xâm lược là những người da trắng. Thật khó mà nghi ngờ rằng họ trộn lẫn với người thổ dân da sẫm Dravidian và rằng người Hinđu đẳng cấp cao là những gì họ đang có trong sự thuần khiết dòng máu Aryan mà họ thừa kế... Tôi không biết bất cứ nguyên nhân tốt đẹp nào cho sự khác biệt thể chất giữa một Hinđu đẳng cấp cao và một Dravidian, ngoại trừ máu Aryan trong tĩnh mạch của người Aryan.”

 

Tuy nhiên, tình trạng “hắc chủng” của Dravidians vẫn còn tranh cãi. Năm 1898, nhà dân tộc học Friedrich Ratzel nhận xét về "đặc tính Mông Cổ" của “Dravidians”, dẫn đến giả thuyết của ông về “sự liên hệ gần gũi của Dravidians với dân cư Tây Tạng" mà ông cho biết thêm "người Tây Tạng có thể được xác định là thuộc về chủng Mông Cổ".  Năm 1899, một tạp chí gọi là "Khoa học" tóm tắt kết quả khảo sát của Ratzel ở Ấn Độ với "Ấn Độ dành cho tác giả [của Lịch sử của Nhân Loại, Ratzel], một khu vực nơi mà các chủng tộc đã bị phá vỡ và nhào trộn bởi những kẻ chinh phục. Chắc chắn rằng một tiền Dravidian thuộc về́c chủng có mặt đầu tiên, tầm vóc thấp kết quả của điều kiện kinh tế xã hội nghèo khó.  Dravidians đã kế vị người da đen, và có thể người Malay đã xâm nhập, nhưng mối quan hệ gần gũi với người Úc bị từ chối. Sau đó Aryan và Mông Cổ đã thành công, tạo thành nồi lẩu thập cẩm hiện nay thông qua các cuộc chinh phục và pha trộn… " Năm 1900, nhà nhân chủng học Joseph Deniker nói, "Chủng Dravidian được kết nối với cả Indonesian và Úc ... Chủng tộc Dravidian, mà có lẽ  tốt hơn nếu gọi là Nam Ấn, được phổ biến giữa các dân tộc của miền Nam Ấn Độ, nói các ngôn ngữ Dravidian, cùng với dân Kols và những người khác của Ấn Độ ... Người Veddhas ... cũng gần gũi hơn với Dravidian, mà hơn thế nữa cũng thâm nhập giữa các cư dân của Ấn Độ, ngay cả vào giữa thung lũng sông Hằng "…  Deniker nhận định "Dravidians như một chủng phụ thuộc nhóm tóc xoăn hay dợn sóng và da đen, trong đó bao gồm Ethiopia và Úc ".

Sau khi độc lập, tuân thủ chủ trương của Chính phủ để ngăn cản sự phân biệt chủng tộc trong cộng đồng, cuộc điều tra dân số năm 1951 đã không công nhận bất kỳ nhóm chủng tộc nào ở Ấn Độ.

II. Nhận thức mới

Theo những phát hiện di truyền học mới nhất (1) thì sớm hơn 74000 năm trước, người di cư từ châu Phi men theo bờ Ấn Độ dương đã tới Ấn Độ, theo cửa các con sông. Nhưng 74000 năm trước, núi lửa Toba trên đảo Sumatra phun trào, phủ nham thạch lên toàn vùng Nam Á, thiêu trụi các cánh rừng và hủy diệt tất cả những người có mặt trong khu vực. Sau “mùa đông nguyên tử” hàng ngàn năm, những người sống sót ở xung quanh tiến vào tái chiếm Ấn Độ. Đó là những người da đen Negritoid, cư trú ở Nam và Đông Nam Ấn, trở thành dân cư bản địa,.

 

Khoảng 50.000 năm trước, từ Đông Dương, người Việt cổ vượt qua đất Mianmar sang Ấn. Người Việt cổ ra đời khoảng 70.000 năm trước, do hòa huyết của hai đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi sang theo bờ biển Nam Á. Có nghĩa là những người tới Đông Nam Á cùng nguồn cội với những người tới Ấn Độ. Nhưng vì nguyên do nào đó, trong những người dừng lại Ấn Độ chỉ có Negrito mà không có Mongoloid. Tại đồng bằng Hainanland, là thềm biển Đông ngày nay, người Australoid kết hợp với người Mongoloid sinh ra bốn chủng Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Do số lượng người Australoid vượt trội nên trong cộng đồng Việt cổ, yếu tố Australoid trở thành chủ đạo và được nhân chủng học xếp vào nhóm loại hình Australoid. Do điều kiện môi trường thuận lợi, người Việt tăng nhanh số lượng, lan tỏa sang Úc và các đảo ngoài khơi Đông Nam Á. Khoảng 40.000 năm trước, do khí hậu phía Bắc bớt lạnh, người Việt lên khai phá Trung Hoa, rồi từ Tây Nam Trung Hoa di cư vào Ấn Độ(2). Tại đây, người Việt gặp người bản địa da đen Negro, vốn là người tái chiếm đất Ấn sau thảm họa Toba. Rất có thể một tình trạng sau: tuy có mặt nơi đây rất sớm, nhưng vì nhiều nguyên nhân, giống như đồng chủng của họ trên một số hòn đảo Đông

 

Nam Á, sinh xuất của người Negro thấp, dân số tăng chậm và trở thành những bộ lạc thiểu số sống ở Nam Ấn cho tới hôm nay. Đó là chưa kể, do hôn phối cận huyết kéo dài, họ bị suy thoái về di truyền, trở về gần với dạng gốc châu Phi. Như vậy, khoảng 40000 năm trước, người Australoid, mà chủ lực là chủng Indonesian có mặt trên toàn tiểu lục địa Ấn Độ, được lịch sử gọi là Dravidian.

Đối chiếu sự phát hiện của di truyền học hôm nay với những nhận định của giới nhân chủng học Anh thế kỷ XIX, ta thấy, theo tiêu chí hình thái học sọ người, các nhà nhân chủng học Anh đã nhận xét đúng về nhân học của cộng đồng Dravidian: vừa có yếu tố Australoid, vừa có yếu tố Indonesian, vừa có chất Mông Cổ, lại có những đặc điểm Ethiopia. Điều này thêm bằng cớ xác nhận Dravidian là con lai  của Mongoloid và Australoid từ châu Phi tới.

 

Cuộc thiên di của người Việt cổ tới Ấn liên tục qua nhiều thiên niên kỷ, tới giai đoạn người Hòa Bình mang công cụ Đá Mới, sau đó là cây kê và lúa nước sang xây dựng kinh tế nông nghiệp trên đất Ấn Độ. Khoảng 3000 năm TCN, Người Dravidian đã sáng tạo nên văn minh sông Indus nổi tiếng. Khảo cổ học phát hiện những hiện vật của văn hóa vật thể của người Dravidian nhưng không giúp khám phá văn hóa phi vật thể của họ. Đến nay, ta có thể khẳng định rằng đó là nền văn hóa nông nghiệp được kế thừa từ tộc Việt trên địa bàn Đông Nam Á cũng như trên lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà.

 

Khoảng 2000 năm TCN, người Aryan thuộc chủng Á – Âu (Eurasian), là những bộ lạc du mục rất thiện chiến từ Iran kéo vào xâm lăng Ấn Độ. Đây là cuộc chiến khốc liệt. Người Aryan tiêu và diệt bắt người Dravidian làm nô lệ. Không chỉ cướp  đoạt tài sản, người Aryan còn chiếm khối lượng lớn đất canh tác của dân bản địa và dồn họ xuống phía nam. Là dân du mục có nền văn minh khá cao, người Aryan mang tới Ấn Độ chữ Phạn, xã hội chia đẳng cấp và đạo Balamôn, một đa thần giáo với những kinh sách khẳng định việc phân chia giai cấp.

 

Sau Công nguyên, tiểu lục địa Ấn Độ còn chịu nhiều cuộc xâm lăng của người Hồi giáo từ Afganistan, người Hy Lạp, người Mông Cổ. Những cuộc xâm lăng này đem tới đất Ấn nguồn gen mới khiến cho về mặt di truyền, bộ gen người Ấn Độ thêm đa dạng.

 

Hiện nay ở Ấn Độ có xu hướng cho rằng, không có cuộc xâm lăng của người Aryan cho nên không hề có Aryan, Dravidian mà người Ấn cùng bộ mã gen di truyền. Do sống ở vùng khí hậu nhiệt đới nên người miền Nam Ấn có nước da đen. Do sống ở phía Bắc nên người Bắc Ấn da trắng. Thuyết này không phải không có lý khi quan sát ngoại hình người Ấn. Nhưng thực ra thì sự tương đồng về di truyền này được tạo nên từ sự hòa huyết giữa người Aryan và người Dravidian sau 4000 năm chung sống.

 

Mới đây, tháng 12 năm 2009, Viện Sinh học hệ gen và Tích hợp (Institute of Genomics and Integrative Biology) có trụ sở ở bang Bangolore công bố bản tin “Tổ tiên người Trung Hoa tới từ Ấn Độ” (Ancestors of Chinese came from India) (3) của Mitali Mukerji, nội dung như sau: “Các nghiên cứu cho thấy rằng con người đầu tiên di cư đến tiểu lục địa Ấn Độ từ Châu Phi khoảng 100.000 năm trước đây và sau đó lan ra các phần khác của châu Á…”

 

Công bố này phủ định những nghiên cứu trước đó về sự hình thành dân cư Đông Á. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu riêng lẻ, chưa được kiểm chứng. Và cũng như mọi nghiên cứu di truyền khác về sự thiên di của con người, cần được củng cố bằng những chứng cứ khảo cổ học. Nhưng như ta biết, những tư liệu khảo cổ hiện có không ủng hộ ý kiến này.

Tôi xin phát biểu như sau:

1. Đúng là người di cư từ châu Phi đã tới Ân Độ trước 74.000 năm trước. Nhưng theo giả thuyết Tai biến Toba  (Toba catastrophe theory), khoảng 74000 năm trước, núi lửa Toba phun trào, tạo ra “mùa đông nguyên tử” tại tiểu lục địa Ấn Độ, đã hủy diệt không chỉ những người đã định cư ở đây mà cả môi trường sống. Sau tai biến, hàng nghìn năm sau, những người sống sót trong vùng lân cận đã tái chiếm Ấn Độ. Nhưng những người này khó có thể đạt được số lượng lớn tới mức lan ra chiếm toàn bộ châu Á. Lý do như sau:                                                                                         Thời điểm này đang trong Kỷ Băng hà, phần lớn phía bắc Ấn Độ đóng băng. Chỉ vùng Nam Ấn với những con sông và bờ biển là nơi thuận lợi cho con người sinh sống. Tuy lúc đó, mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét nhưng do bờ biển Ấn Độ quá dốc nên diện tích có thể cư trú hẹp. Một diện tích hẹp như vậy khó có điều kiện để cho một lượng lớn con người sinh sống.

2. Người xâm nhập đầu tiên tới Ấn thuộc chủng da đen Negro, vóc hình thấp. Với mã di truyền như vậy họ không thể sinh ra người châu Á hiện nay thuộc chủng Mongoloid phương Nam.

3. Ta biết, đa số người Ấn hiện tại có nguồn gen Eurasian, tức là mã di truyền Ấn-Ấu. Nếu người từ Ấn lan ra để trở thành tổ tiên người Trung Hoa thì nay người Trung Hoa phải mang mã di truyền giống người Ấn, tức bộ gen Eurasian. Trong khi đó, đại bộ phận người Trung Hoa mang gen Mongoloid phương Nam.  Như vậy thực tế không ủng hộ giả thuyết trên.      

III.  Bài học từ lịch sử

 

Sự kiện 2000 năm TCN, người Aryan xâm lăng lãnh thổ của người Dravidian ở Ấn Độ cũng giống như 600 năm trước đó người Mông Cổ xâm chiếm đất đai của người Bách Việt phía nam Hoàng Hà. Cùng là sự xâm lăng của những tộc du mục đối với các bộ lạc nông nghiệp nhưng tình huống hai cuộc xâm lăng khác nhau đã đưa tới những hệ lụy lịch sử hoàn toàn khác nhau. Người Mông Cổ du mục nhân số ít. Khi vào Trung Nguyên, một vùng đất mênh mông, kinh tế trù phú, gặp cuộc kháng chiến mãnh liệt của số người đông đảo gấp bội, kẻ xâm lăng tuy thiện chiến nhưng cũng không thể chiến thắng dễ dàng. Vì vậy, người Mông Cổ thấy không thể và cũng không cần tiêu diệt dân bản địa hay bắt làm nô lệ mà thực hiện chính sách khôn ngoan: giành cho người Mông Cổ vị trí thống trị, hoạt động thương mại còn cho người bản địa làm nông nghiệp, và những nghề nặng nhọc. Chính sách khôn khéo này xoa dịu sự đối kháng của người Bách Việt và sớm tạo nên mối hòa đồng trong xã hội (4). Một thời gian sau, do sự chung sống nên xảy ra hòa huyết Mông-Việt, tạo ra chủng mới Mongoloid phương Nam được gọi là người Hoa Hạ, tổ tiên của người Hán. Ngày nay người Hán chiếm 93% nhân số Trung Hoa.

 

Tình trạng Ấn Độ có khác: khi vào Ấn Độ, người Aryan không chỉ là đội quân  hùng mạnh, có văn minh cao mà còn rất đông đảo. Ỷ vào sức mạnh và văn minh của mình, người Aryan tiêu diệt người Draviadian bản địa, cướp đoạt đất đai, tài sản và bắt khối người lớn Dravidian làm nô lệ. Thất bại trong cuộc chiến không cân sức, người bản địa Dravidian lui về phía Nam, trong khi kẻ chiến thắng đặt ách thống trị lên toàn cõi Ấn Độ. Cùng với chế độ thực dân da trắng, người Aryan còn truyền bá đạo Balamôn, tôn giáo đa thần, khẳng định sự phân chia đẳng cấp, trong đó người Dravidian thuộc đẳng cấp nô lệ. Nền văn hóa nông nghiệp giầu tính nhân văn của người bản địa Dravidian bị chôn vùi.

 

Trong lịch sử Ấn Độ, có một  lần văn hóa Dravidian vùng lên đòi lại vị trí của mình, đó là khoảng 500 năm TCN, khi Phật giáo ra đời truyền bá giáo lý của Phật Thích Ca. Có thể nói rằng, 1700 năm tồn tại của đạo Phật là cơ hội hóa giải những mâu thuẫn nội tại vừa sâu sắc vừa khốc liệt của xã hội Ấn Độ. Nhưng từ cuối thế kỷ XII, sự trỗi dậy của lớp tăng lữ Balamôn được hỗ trợ của người Aryan cầm quyền, đã trục xuất Phật giáo khỏi đất Ấn. Bị xua đuổi khỏi quê hương của mình, Phật giáo không những không bị tuyệt diệt mà lại phát triển mạnh trong các quốc gia châu Á khác, từ Trung Quốc tới Nhật Bản và Đông Dương. Điều này không ngẫu nhiên mà do nguyên nhân chủng tộc, lịch sử, văn hóa sâu xa: Đạo Phật là sản phẩm của văn hóa, tâm linh tộc Việt, nảy sinh trong hoàn cảnh Ấn Độ. Khi trở lại cộng đồng nông nghiệp Việt tộc có nghĩa là trở về nguồn cội của mình, nó có những điều kiện tốt nhất để phát triển. 

Sau khi xóa bỏ đạo Phật, Ấn Độ giáo với giáo điều Balamôn phân chia đẳng cấp được xác lập địa vị tuyệt đối. Đấy là tai họa lớn với đất nước Ấn Độ, di hại tới ngày nay. Do hoàn cảnh lịch sử như vậy, người bản địa Dravidian trở thành thiểu số, bị đàn áp và bị kìm giữ trong vòng lạc hậu, nghèo khó. Cũng do sự phân biệt ngặt nghèo về sắc tộc và giai cấp, việc hòa huyết giữa người Aryan và người Dravidian bị cấm đoán, tạo nên mối mâu thuẫn sắc tộc vô cùng gay gắt, gieo đau khổ cho phần lớn dân Ấn và làm suy kiệt nước Ấn.

 

Người Ấn có thể có lý do để không công nhận có những sắc tộc tồn tại trên đất nước mình. Nhưng đấy phải chăng là hành động của con đà điểu vùi đầu trong cánh? Vấn đề không phải là che dấu sự thật lịch sử mà là tìm lại cội nguồn lịch sử để rút ra nguyên nhân tai họa do lịch sử gây ra hòng tìm cách khắc phục. Phải chăng lúc này Ấn Độ nên tìm lại lịch sử thành tạo khối dân cư vĩ đại của mình, từ đó phát hiện lại văn hóa cùng minh triết của Việt tộc Dravidian góp phần xây dựng đất nước?./.

 

Tháng 4. 2010

 

1. StephenOppenheimer. Rời khỏi địa đàng chiếm lĩnh thế giới.

http://www.bradshawfoundation.com/journey/introduction.html

2. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008

3. Mitali Mukerji. Ancestors of Chinese came from India.

http://netspiderads2.indiatimes.com/ads.dll/clickthrough?slotid=36458" target="_blank"><img

 "http://netspiderads2.indiatimes.com/ads.dll/photoserv?slotid=36458"

border="0" width="660" height="95"

alt="Advertisement"></a>

4. Kim Định. Việt lý tố nguyên An tiêm. Sài Gòn 1970

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 13669
Ngày đăng: 06.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hạ Vũ có phải là tổ tiên người Việt? - Hà văn Thùy
Làng gốm Hương Canh - Trần Anh Dũng
Làng gốm Hiển Lễ - Trần Anh Dũng
Nét độc đáo của tín ngưỡng ông Trần - Long sơn, Vũng tàu. - Phạm Quang Minh
Sự hình thành dân cư đông á - Hà văn Thùy
Những phát hiện làm thay đổi lịch sử - Vũ Khánh Thành
Trả lời Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường 2 - Hà văn Thùy
Người Việt có khai phá lục địa Trung Hoa 40.000 năm trước hay không? - Đỗ Kiên Cường
Trả lời Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường I - Hà văn Thùy
Bước đầu phân biệt truyền thuyết và giai thoại - Võ Phúc Châu
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)