Sinh năm 1922, thi sĩ Hoàng Cầm nổi tiếng từ năm 1939 với vở kịch Hận Nam Quan, năm 1940 là vở kịch Kiều Loan. Tiếp đến năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, bài thơ tuyệt bút Bên kia sông Đuống ra đời. Là lính văn công, nhà thơ Hoàng Cầm tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, được Đại tướng Tổng tư lệmh Võ Nguyên Giáp gắn huân chương Chiến thắng. Và, vào mùa rét năm 1959, ông là tác giả thiên tình sử Lá diêu bông làm đắm đuối người yêu thơ cả nước.
Tôi bàng hoàng hay tin nhà thơ Hoàng Cầm từ trần ! tối nay 6-5-2010. Thế là vĩnh viễn từ nay ông không còn nhìn thấy chân dung mình trong bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI mà chúng tôi đã trân trọng viết về ông. Tôi mở két sắt nơi lưu giữ chương sách Thi sĩ Kinh Bắc thuộc dòng mậu hệ được đóng gói rất kỹ lượng từ năm 2005 trước lúc lên đường đi Trung Quốc, ra đọc. Hình bóng của Hoàng Cầm hiện lên rất rõ và đẹp suốt 52 trang tiểu luận và tuyển thơ.
Cứ chùng chình mãi, tôi định nhờ Nguyễn Khôi chuyển chương sách ấy cho ông. Thế là không kịp rồi !
Tôi xin trích hai đoạn nhỏ trong thiên tiểu luận của chúng tôi vẫn còn thơm nức mùi mực cùng bạn đọc tưởng niệm Thi bá Hoàng Cầm - một tài thơ lớn của đất nước vừa giã từ cõi thế.
(I) TÌNH SỬ LÁ DIÊU BÔNG.
Nhà thơ Hoàng Cầm kể là ông yêu rất sớm. Lên chưa đầy 8 tuổi, chú chàng đã sớm đem lòng yêu một phụ nữ đẹp lớn gấp đôi tuổi mình.
Chị ấy ra điều kiện là sẽ cưới làm chồng “đứa nào” tìm ra được lá Diêu Bông (!?). Rồi, người yêu đi lấy chồng, người yêu sinh con, thành bà già, qua đời… anh ta vẫn không tài nào tìm ra được lá Diêu Bông ! Bị đánh quả lừa dịu ngọt, chàng trẻ cất công đi tìm, tìm mãi, kiếm hoài. Có lẽ tìm đến trọn kiếp ? Trên đời này làm gì có lá Diêu Bông, chẳng qua là người lớn tìm cách nói dối trẻ con cho xong chuyện, ai ngờ sự gạt gẫm đó đã làm nên chuyện ! Cậu bé Hoàng Cầm ngây thơ tưởng thật lao vào cuộc kiếm tìm. Cậu vừa tìm vừa chiêm nghiệm để giải thoát niềm khao khát tình yêu con người. Trong những khoảng lặng đó, thi sĩ đã không quản nắng mưa dấn thân giữa cánh đồng quạnh hiu cố tìm cho được lá Diêu Bông - biểu trưng cho ẩn số hạnh phúc của đời mình. Anh chàng đã có lúc rất nản, ngấm nghía tận gan ruột cái lẽ đời đắng đót không bao giờ đạt tới “Từ thuở ấy Em cầm chiếc lá – đi đầu non cuối bể - gió quê vi vút gọi… Diêu Bông hỡi… ới Diêu Bông !” Cầm lá Diêu Bông vô hình như một bí mật trong tay, nhà thơ đã vượt lên trên mọi khổ hạnh trầm luân của kiếp người. Và, chúng ta đã có được một thi sĩ đa cảm với trái tim đầy thương tích. Giữa mê hồn trận, luôn thổn thức về những ngày xưa yêu dấu, cậu bé ngây dại lẩn thẩn đi tìm cái đáp số ảo trong lời hứa hão của bà tiên. Anh chàng đã than thở thốt ra những lời giãi bày tâm sự miên man không kiềm chế được. Chia li nếm mùi chết chóc “ù ù gió thổi – em vọng ai đâu mà hóa đá -… không trói mà không đi - Không canh gà - Không thu không - Mắt không mở - Đừng khép – Kìa dây muống dại kín em rồi” (Cây Tam cúc). Những kỷ niệm dậy thì vẫn ấm nóng trong hoài niệm trinh nguyên :
Chị gọi đôi cây ! Trầu cay má đó
Kết xe hồng đưa Chị đế quê Em
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa, Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng buổi đương thì
… Rồi Quan Đốc đồng “Thả tịnh vàng cưới chị”, cậu bé chết sững “Em đứng nhìn theo Em gọi đôi” (Cây Tam cúc)
Vết thương xưa chỉ phiền lụy khi tâm linh ngày nay thẹn thùng. Con người rất dễ bị cám dỗ và bị lừa phỉnh bởi cái anh ta yêu. Khi người phụ nữ yêu ta lừa dối ta, điều ấy hoàn toàn không có nghĩa là người ta không yêu anh, Hoàng Cầm hiểu rất rõ điều đó. Cậu vẫn đơn phương đinh ninh lòng dặn lòng, hăm hở đi tìm :
Đi… ngày tháng lụi tìm không thấy
Giải yếm lòng trai mãi phất cờ
Lẽo đẽo Em về vườn mai sau
Cúi nhặt chiều lên dăm quả rụng.
(Qua vườn ổi)
Những bông hoa bị quên lãng mọc tốt nhất là ở trên các ngôi mộ. Nhà thơ của chúng ta không đủ can đảm để quên. Hoàng Cầm vẫn “cầm lá Chị chiều Diêu Bông” để cầu được sống đủ đầy hạnh phúc trong cõi mộng :
Đón chị hồn chênh lệch bóng đêm
Chân không dìu đặt cánh tay mềm
Tóc buông đổ thác về vô tận
Bát ngát mùa đương độ tuổi Em
Vậy thì Em ngắt quãng tân hôn
Theo chị lùa mưa dưới nắng buồn
Hai đứa lung linh lơi yếm áo
Thuyền trăng dềnh sã cánh cô đơn
Chị vỡ pha lê. Bùn vấy tay
Hồn trong Em chuốc Chị chìm say
Là em cưới chị xanh thiêm thiếp
Sinh một đàn con. Mây trắng bay
(Chị em xanh)
“Người ta khổ vì yêu không phải cách – Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người – có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi” (Xuân Diệu). Tuy thế, tình yêu vẫn mở ra trước mắt chúng ta một thế giới mới, cho dù tình yêu ấy bất hạnh. Có lẽ trời sinh con người để chuốc khổ gánh đau. Không có gì tồi tệ và vô nghĩa trong thế giới này bằng đau khổ trong tình yêu. Nhưng thực ra không có khổ đau nào hoàn toàn là đau khổ cũng như không có niềm vui nào thuần túy niềm vui. “Chém cha cái số hoa đào - Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi” (Nguyễn Du). Thôi không yêu nữa biết đâu lại là điều hay. Có thể Hoàng Cầm sẽ nhìn thế giới bằng con mắt hoàn toàn khác ? Trên môi Hoàng Cầm còn lưu vị chát khi đã uống cạn chén tình nàng thơ đã giao bôi. Thi sĩ vẫn không thôi ngu ngơ yêu người, sống trong thế giới mộng mị dẫu người đã ngưng yêu, bỏ tình yêu bơ vơ đó khát. Sự quên lãng hay phản bội nói lên rằng đó chính là tình yêu đích thực đang dẫn về cuối chiều. Tình yêu là một quan hệ lựa chọn nhất thời nên nó mỏng manh. Cái gì đã mỏng manh thì dễ
vỡ.
Và, thi sĩ Hoàng Cầm không đến được thiên đường tình ái của mình nhưng lại đến được cõi thơ !
Lá Diêu Bông không còn là của riêng Hoàng Cầm mà là của chung mọi người - những ai còn chập chững trong cơn tỉnh say, day trở hồn người về cái nổi nênh của phận người muốn muốn hướng về phía trước.
Đẹp thay Lá Diêu Bông ! Diêu Bông đã đan dệt nên một huyền thoại thi ca sáng giá. Thiên bi tình sử nghẹn ngùng này đã làm xao lòng không biết bao nhiêu con tim, chẳng thua kém gì so với tình sử Hai sắc hoa Tygôn của TTKH.
Theo dõi tình sử Lá Diêu Bông, bạn đọc nên tìm thưởng thức nguyên cả chùm bài : Lá Diêu Bông, Cây tam cúc, Qua vườn ổi, Gió lông ngỗng, Sương cầu Lim, Chị em xanh thì mới thấy hết cái hay và vẻ đẹp liên hoàn củaa nó.
(Còn nữa)
Sài gòn, 1h30 ngày 7-5-2010
(Rút trong bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI)- Bản của tác giả